Hôm nay,  

Gia Đình Tôi Du Lịch Trong Mùa Dịch COVID-19

19/04/202000:00:00(Xem: 8079)

Nguyễn Văn Tới                                                                   

Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018 và giải vinh danh Tác Phẩm 2019  Là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển, ơng định cư tại Mỹ từ 1990, hiện làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi. Đây là bài mới nhất của Ông. 


***                                                      


Lúc này, chuyện thời sự nóng bỏng nhất là nạn dịch Covid-19. Người dân Mỹ không ai còn xa lạ với căn bệnh phổi cấp tính đang lây lan từ Trung Cộng ra tới hơn 160 quốc gia trên thế giới , hơn 8000 người chết, và nó đã vượt biên vào nước Mỹ, gây ra biết bao người nhiễm bệnh và một số ít chết vì căn bệnh quái ác này, trong đó có một phụ nữ Việt Nam ở California. Không may, vợ chồng tôi đi nghỉ Đông qua thành phố Snowbirds, tiểu bang Utah, trong lúc cơn dịch đang xảy ra, tuy chưa hoành hành dữ dội lắm. Vì đã lên kế hoạch từ trước cho chuyến đi trượt tuyết, và cũng nhận thấy tình hình chưa có gì trầm trọng lắm, nên chúng tôi vẫn lên đường không một chút lo lắng hay bận tâm.

Thứ Sáu, ngày 13 tháng 3, 2020: Khi viết những giòng chữ này, tôi mới giật mình, chợt nhận ra thứ Sáu, ngày 13, cái ngày mà người Mỹ tin dị đoan là ngày xui tận mạng. Holywood đã sản xuất bộ phim kinh dị “Friday, the 13th.” Thôi kệ, đạn đã lên nòng, không thể dừng lại. Chuyến bay từ Tucson, Arizona đi Salt Lake city, Utah vẫn đông hành khách và đúng giờ. Không thấy một ai đeo khẩu trang hay có bất cứ hành động hay thái độ gì lo sợ cơn dịch bệnh này. Tôi nói chuyện với người ngồi bên, anh ta nói anh không quan tâm mấy và chẳng thấy lo sợ gì. Tôi kể chuyện nhiều người tranh nhau mua tích trữ giấy vệ sinh, giấy cuộn, dung dịch khử trùng tay, và nhiều thứ cần thiết khác khiến ngay cả Costco wholesale giờ, muốn kiếm cuộn giấy vệ sinh cũng không còn. Anh cười và nói chắc họ điên.

Khi đổi chuyến bay ở Phoenix, AZ, tôi thấy một người thanh niên Tàu trẻ, mang khẩu trang, đang nói chuyện líu lo qua phone. Anh ta xí xa xí xô bằng ngôn ngữ của mình rất lớn tiếng không thèm để ý tới người chung quanh. Mọi người nhìn anh ta dò xét với ánh mắt không mấy thiện cảm. Rất may, anh ta không đi chung chuyến bay với chúng tôi. Thước đo của cơn dịch bệnh dễ dàng được nhìn thấy qua thái độ và cuộc sống người dân ở đây. Không một ai hoảng sợ. Tuy nhiên, giống như nhiều người, tôi cẩn thận mang theo chai dung dịch khử trùng và một hộp lau tay ướt để chùi khi cần thiết, 

Từ trên cao nhìn xuống những đỉnh núi phủ đầy tuyết trắng thật đẹp và hùng vĩ, tôi biết phi cơ sắp đáp xuống phi trường Salt Lake city. Dân chúng và du khách ở đây vẫn không có vẻ gì lo sợ về nạn dịch. Mọi sinh hoạt vẫn bình thường. Chúng tôi lấy xe thuê và lái trực chỉ đến khu ski resort cách phi trường 45 phút. Từ chân núi dẫn lên đỉnh là một đoạn đường đèo dài 8 dặm quanh co, ngoằn nguèo đến khách sạn, một bên vách núi dựng đứng, bên kia vực thẵm trắng toát một màu trắng tinh khôi xen lẫn những hàng thông xanh nổi bật. Hoa tuyết lất phất rơi, đẹp như bức tranh trong chuyện thần tiên.

Khu trượt tuyết Snowbird này là một khu gồm nhiều khách sạn sang trọng nằm sát bên những con đường trượt tuyết với đường giây cáp treo đưa khách trượt tuyết lên đỉnh núi. Khách sạn The Cliff Lodge là nơi chúng tôi ở là khách sạn lớn nhất trong khu này với 10 tầng lầu, nằm sừng sững dựa lưng vào vách núi, mặt tiền nhìn ra khu trượt tuyết và một hồ bơi nước nóng lớn với 3 cái Jazzcuzi bốc khói nghi ngút ngoài trời.

Nhận phòng xong, chúng tôi mặc đồ ấm, trang bị tận răng với quần áo không thấm nước, xuống phòng cho mướn dụng cụ trượt tuyết, rồi lao ra ngoài trời lạnh giá hòa nhập vào dòng người lũ lượt quần áo muôn màu sắc rực rỡ, nổi bật trên nền tuyết trắng mênh mông. Tôi tận hưởng niềm vui “đi mây lướt gió” dù vẫn còn té lên té xuống, nhưng cái thân già da cọp này vẫn còn gân đủ để chơi cho đến chiều tối.

Thứ Bảy, ngày 14 tháng 3, 2020: Thức dậy rất trễ vào sáng hôm sau, chúng tôi xuống ăn trưa ở nhà hàng trong khách sạn. Thức ăn ở đây mắc gấp đôi bên ngoài, nhưng khá ngon. Một miếng lamb steak (thịt trừu) cỡ 6 oz, giá $40.  Ai có thời giờ, lái xe mất 25 phút đến một thị trấn kế bên, có thể kiếm được nơi ăn uống giá bình thường.

Chúng tôi mướn xe Snowmobile, một loại xe mô tô bánh xích trang bị với cặp ski lướt trên tuyết để đi khám phá vùng núi non gần xung quanh đó. Đây là một môn chơi cũng khá nguy hiểm, đầy tính phiêu lưu mạo hiểm. Những ai “có tí tuổi” xin suy nghĩ thật kỹ trước khi chơi. Sau vài giờ chạy khắp nơi, lạnh cóng cả đôi tai, chúng tôi trở về khách sạn tắm nước nóng trong hồ bơi và jazzcuzi. 

Chúng tôi lấy xe, chạy ra một thị trấn gần đó kiếm một nhà hàng ăn tối, sau đó vào Walmart mua ít nước trái cây, rau quả, sữa, và một số đồ ăn thêm. Ghé qua chỗ nước uống, các kệ trống trơn, không còn 1 chai nước nào, kể cả các bình 1-gallon. Chỗ hàng thịt đông lạnh, bột bắp, bơ hay phó mát, đều còn lại rất ít. Nhìn quanh, tôi thấy một số dân Mễ và Á châu còn đang lảng vảng gần đó với hy vọng có thể kiếm ra một cái gì đó có thể tích trữ cho mùa dịch này. Tôi chỉ biết lắc đầu ngán ngẫm. Con người có thể không chết vì Pandemic (bệnh dịch), nhưng chắc chắn sẽ chết về Info-demic hoặc Facebo-demic vì tin tức tầm bậy thì lan truyền mau như tốc độ máy phản lực (Mac speed).

Chúng tôi chạy thật chậm trên con đường đèo trở lại khách sạn vì trời tối, ướt, trơn trợt, và bên phải là vực sâu. Tuyết vẫn rơi đều nhè nhẹ. Đó đây nhiều ánh đèn nhà người dân lẫn những khách sạn tỏa lên ấm áp trong trời đêm như một bức tranh nền tối điểm xuyết với hàng ngàn sao đêm tuyệt đẹp. Bước vào phòng, tôi thấy cái điện thoại bàn có đèn nhấp nháy. Tôi nghĩ chắc lại quảng cáo bán Time share, nên không buồn nhấc phone.

Chủ Nhật, ngày 15 tháng 3, buổi sáng, nhìn qua cửa sổ thấy sao không có ai trượt tuyết, tôi nhấc phone mới hay cái tin nhắn cho biết tất cả hoạt động chơi tuyết đều tạm ngừng cho tới ngày 22 tháng 3, tiểu bang ra lệnh mới vì sức khỏe của dân chúng. Khu trượt tuyết mà không được trượt tuyết thì còn làm gì được. Chúng tôi quyết định xuống núi và lái xe đi Salt Lake city coi tòa nhà quốc hội tiểu bang (State Capitol), The Tabernacle Choir, và The Mormon Temple. 

Đến nơi, tất cả đều đóng cửa. The Tabernacle Choir là một tòa nhà xây theo hình vòm, nơi ca đoàn đạo Mormon nổi tiếng thế giới hơn 100 năm nay đã từng trình diễn ở đây. Ngôi nhà thờ Salt Lake Temple (2) tuyệt đẹp, mất 40 năm mới xây xong, cũng là niềm hãnh diện của tín đồ đạo Mormon. Chúng tôi theo chân các du khách đi tới lui thăm viếng các danh lam thắng cảnh khác ở khu Temple Square như các bảo tàng viện và các khu trưng bày hiện vật của những người tiên phong đạo Mormon, nhưng tất cả đều đóng cửa. Hình như người ta đang chuẩn bị cho một điều gì đó. Chán nản, chúng tôi chạy qua thị trấn Provo gần bên thăm hồ Utah Lake. Người dân ở đây vẫn vui chơi, vẫn câu cá, vẫn sinh sống bình thường không có dấu hiệu gì hoảng loạn. 

Về lại khách sạn, chúng tôi lại nhận thêm một tin không vui nữa: Khách sạn cho biết tất cả mọi người phải ra về (check out) ngày mai, thứ Hai, ngày 16 tháng 3, trước 2 giờ chiều. Tôi trình bày chuyến bay của tôi sẽ bay vào sáng thứ Ba. Họ đồng ý cho tôi và 4 gia đình khác được ở lại trong phòng chỉ một đêm nữa mà thôi, vì ngày 17 tháng 3 sẽ “completely lock down” đóng cửa toàn bộ, sẽ không có bất cứ nhân viên phục vụ nào. Tôi đã cố gắng liên lạc với American Airlines để coi có thể về sớm hơn, nhưng số người người gọi vô quá nhiều, nên họ không buồn nhấc máy. 

Chúng tôi chạy trở ngược lại thị trấn, đổ đầy bình xăng, ăn tối, rồi mua thêm thức ăn đem về khách sạn để “tử thủ” cho đến thứ Ba. Khách du lịch đến đây trượt tuyết, đa số là dân Utah nên họ lục đục lên xe về nhà. Một số khác như chúng tôi, đến từ các tiểu bang khác, vài người còn đến từ các nước khác, đều kẹt lại. Khách bu quanh những nhân viên ở quầy tiếp tân với biết bao câu hỏi. Nhân viên khách sạn chỉ biết xin lỗi luôn miệng vì bản thân họ cũng chẳng biết gì hơn là lệnh trên xuống. Nhiều người tỏ ra tức giận với kiểu làm ăn của khách sạn vì không cho họ đủ thời gian chuẩn bị và không thông báo cho họ sớm hơn. Chúng tôi trải qua một đêm lo âu, không biết ngày mai sẽ còn xảy ra chuyện gì nữa?

Thứ Hai, ngày 16 tháng 3: Không biết làm gì, chẳng lẽ cứ coi TV, rồi ăn uống cho hết ngày. Chúng tôi bèn mặc đồ ấm, mang ủng, ra ngoài đi bộ vừa giãn gân cốt vừa giết thời giờ. Một vùng trời, núi non trắng xóa tuyệt đẹp nhưng vắng lặng như tờ. Hồ nước nóng và jazcuzzi, không ai bơi. Ghế cáp treo đứng im lặng giữa không gian mênh mông. Nắng lên ấm áp, gió nhẹ làm hai tay hơi tê cóng. “Anh khách lạ đi lên đi xuống, may mà có em, đời còn dễ thương” (Trích bài hát Phố núi cao). May là ông khách lạ này còn có bà khách lạ đi theo, chứ ông nào mà đi một mình thì đến chết vì cô đơn.

blank

                   Hồ bơi nước nóng, jazzcuzi không ai bơi. Cột trụ ghế cáp treo kế bên đứng im buồn tênh

blank

                                Ghế dành cho các nàng Bạch Tuyết ngồi vì khách ra về gần hết.


Nguyên ngày hôm đó, chúng tôi hết đi lên, đi xuống, rồi lại đi ngang, đi dọc cái khách sạn khổng lồ mà vắng như chùa Bà Đanh vì chẳng biết làm gì và cũng chẳng gặp được ai. Một nhân viên an ninh, chắc anh ta theo dõi tôi qua màn hình, bước đến hỏi có thể giúp gì cho tôi. Tôi than chán quá, đi tập thể dục, chứ ngồi trong phòng làm cái quái gì. Đứng tán dóc một hồi về nạn dịch Tàu, anh ta chào tôi và đưa tay bắt. Tôi cười và đưa cái fist pump (nắm tay) ra; anh ta cũng làm tương tự, rồi hài hước không kém, anh đưa thêm cái cùi chỏ, tôi đáp lại cũng bằng cái cùi chỏ, rồi tôi tiếp tục đưa chân phải lên, mắt tròn to vì ngạc nhiên, anh cũng giơ chân phải chạm vào chân tôi, cả hai cười vang rồi đường ai nấy bước. Cái App về sức khỏe trong phone liên tục khen ngợi “You are excellent”vì tôi leo cầu thang mấy được mấy chục tầng và đi bộ gần 15 ngàn bước. Ngày nào cũng như thế này, chắc tôi sớm trở thành một “dận động diên” có hạng đủ điều kiện tham dự Marathon.

Thứ 3, ngày 17 tháng 3: Chúng tôi rời khách sạn rất sớm lúc 6 giờ. Bàn tiếp tân vẫn không một bóng người. Trời tối, mặt trăng lưỡi liềm vẫn còn treo trên đỉnh núi tỏa xuống một ánh sáng mờ nhạt trên con đường đèo nhỏ hẹp. Chúng tôi chạy thẳng ra phi trường salt Lake city, trả xe, làm thủ tục kiểm tra với TSA rồi đi thẳng đến khu chờ đợi. Không lúc nào tôi muốn trở về nhà thật nhanh như lúc này.

Phi trường khá vắng vẻ, khách không phải xếp hàng dài khi đi qua khu kiểm tra an ninh, hành lý. Ai cũng từ tốn khoan thai. Hàng ghế ngồi chờ thưa thớt, tôi có thể thấy một số ít người mang khẩu trang nhiều hơn lúc chúng tôi đi. Nhìn họ, tôi có thể đánh giá nạn dịch đang có chiều hướng xấu đi. Chuyến bay của chúng tôi có 100 ghế, chỉ khoảng 35 người có mặt. Tôi đoán khách gọi vô hủy bỏ hoặc dời lại ngày đi.

Máy bay đáp xuống phi trường Tucson, lòng tôi rộn lên niềm vui nhiều hơn so với những lần đi công tác xa nhà vài tháng mới trở về. Chúng tôi ghé chợ tính mua đồ ăn trước khi về nhà, mới hay mình quá chủ quan, hay tỉnh như người Ăng Lê. Trong chợ, trên quầy đồ gia dụng, tất cả hàng hóa sạch trơn. Hàng thịt, khách phải lấy số, xếp hàng dài chờ đợi rất lâu. Có người trở ra với mấy chục pounds thịt bò. Nhân viên tuyên bố “you’ll get what you see, please come back tomorrow”, có nhiêu đây, hết thì thôi, mai trở lại. Quầy trả tiền cũng dài như các quầy hàng khác. 

Khi viết gần xong bài này, tôi hay tin một trận động đất 5.7 magnitude mới xảy ra sáng nay, thứ Tư, 18 tháng 3, ở Salt Lake City làm bức tượng nổi tiếng,Thiên Thần Moroni thổi kèn, trên đỉnh tháp cao nhất của nhà thờ Mormon Temple rơi xuống trên nóc nhà và gây hư hại nhẹ. Đường cao tốc 80 dẫn đến phi trường tạm đóng và các chuyến bay đến phải quay đầu qua các nơi khác, các chuyến bay đi bị hủy bỏ. Vậy thứ Sáu ngày 13, đối với tôi, không phải là một ngày xui tận mạng nếu như động đất xảy ra ngày tôi đến thăm ngôi nhà thờ này thì sao? Không chừng Thiên Sứ “giáng trần” gần chỗ tôi đứng thì chắc mặt tôi xanh như đít nhái. Nếu chuyến bay của tôi vào hôm nay, tôi sẽ bị kẹt trong vùng “lửa đạn” này thêm một thời gian nữa, không biết sẽ còn gì xảy ra sau đó.  

Qua những biến chuyển của cơn dịch đã và đang xảy ra ở Mỹ, tôi chợt nhận ra nếu một trận dịch thật nặng nề xảy ra và chính phủ mất kiểm soát thì cuộc sống của người dân sẽ hoang tàn như ngày tận thế. Còn nhớ năm nào ở Los Angeles, California, nhân vụ nổi loạn vì chủng tộc, nhiều người Mỹ gốc Phi Châu tấn công vào khu chợ người Đại Hàn để cướp phá. Người mạnh sẽ cướp người yếu hơn. Người có vũ khí sẽ tấn công và cướp sạch sẽ người không có thứ gì để tự vệ. 

Tôi nghĩ chúng ta nên coi đây là bài học cảnh tỉnh cho mọi người và cho cả chính phủ để có được một sự chuẩn bị thật chu đáo, có biện pháp ngăn ngừa mọi hoảng loạn như những ngày vừa qua. Trong mọi tình huống, mọi người không nên hoảng sợ, mà phải bình tĩnh vì chúng ta đang sống ở một xứ sở xuất cảng ngũ cốc nhiều nhất thế giới, lương thực phong phú, nguồn nước dồi dào. Chuẩn bị nhưng không hoảng loạn, gia đình tôi, đến giờ phút này, vẫn không tích trữ bất cứ thứ gì. Nhân loại ngày càng bị nhiều thiên tai lẫn nhân tai do chính con người tạo ra. Câu trả lời sẽ là lúc nào mà thôi. 

REFERENCES:

  1. The Mormon Tabernacle Choir

https://en.wikipedia.org/wiki/Mormon_Tabernacle_Choir

  1. The Temple

        https://www.visitutah.com/things-to-do/history-culture/mormon-heritage/temple-square/


Ý kiến bạn đọc
26/04/202021:01:07
Khách
Cô Vy hãi hùng vậy mà vẫn... le lói nụ cười niềm vui trong bài viết. Đích thực là Nguyễn Văn Tới.
Cũng nhờ cô Vy mình mới nhận chân ra được mọi sự đều là... a la thần phù.
Còn thấy được nhau, còn biết về nhau khoẻ mạnh bình an thì chắc đâu còn hạnh phúc nào hơn.
22/04/202018:07:11
Khách
Rat dong y voi y kien cua anh Le Nhu Duc. Xin loi khong the bo dau duoc
21/04/202002:22:53
Khách
>một trận dịch thật nặng nề xảy ra và chính phủ mất kiểm soát thì cuộc sống của người dân sẽ hoang tàn như ngày tận thế.
Hơn 38.000 công ty mới đăng ký sản xuất hoặc mua bán khẩu trang tại Trung Quốc từ đầu năm 2020, tăng gấp nhiều lần so với mức 8.594 công ty trong cả năm 2019. Nhiều công ty vốn sản xuất bóng golf, thuốc lá điện tử và linh kiện ô tô quay sang sản xuất khẩu trang vì "có thể thu lời trong vòng 2 tuần sản xuất".
Đối với người mua nước ngoài, giá bán khẩu trang y tế cơ bản từ nhà máy Trung Quốc đã tăng từ 30 lên đến 70 cent Mỹ. Giá bán găng tay đã tăng gấp đối, nhưng nhà máy thậm chí không muốn gặp bạn nếu bạn không đặt mua ít nhất 100.000 chiếc.
Tại Trung Quốc hiện nay, "máy sản xuất khẩu trang giống như máy in tiền", David Sun, chủ một công ty hậu cần ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, nói. "Nhiều nhà máy đã sản xuất trong khi chờ đợi giấy phép".
Giá bán một chiếc máy thở AeonMed được xản xuất tại Trung Quốc đã tăng từ mức 10.000 USD cách đây vài tuần lên thành 75.000 USD.
20/04/202022:03:41
Khách
WOW!! Lại được đọc thêm một bài viết hay và lạ nữa. Bài nào của Tác Giả Nguyễn Văn Tới cũng thật
hấp dẫn, hồi hộp, và không có (Đụng Hàng). Kỷ niệm đẹp, lo...chả có lần thứ hai trong đời? Nhưng như lời Tới em đã cho biết là: May mà có em...đời còn dễ thương, nên em khả ái xinh đẹp và ta đã trở về nhà bình yên.
Chị KD xin gởi lời chúc mừng vợ chồng em NVT.
Ptkd
20/04/202016:57:11
Khách
minh thich doc nhung bai viet cua tac gia. cam on.
20/04/202007:04:16
Khách
Cám ơn hai bạn đọc Lâm Trần và Minh Nguyễn ghé qua đọc và cho những lời bình đầy khích lệ.
20/04/202002:43:54
Khách
7/4: Mỹ 367,776 ca 19/4: 759,086 Tăng 391,310
7/4 Đài Loan 376 19/4: 420 Tăng 44
7/4 Đại Hàn 10,331 19/4: 10,661 Tăng 330
7/4: Nhật Bản 3,817 19/4: 10,797 Tăng 6,980
20/04/202000:17:50
Khách
"Ngày 13 tháng 3, 2020: ...Thôi kệ, đạn đã lên nòng, không thể dừng lại. Chuyến bay từ Tucson, Arizona đi Salt Lake city, Utah".Trích.

Hic, từ tỗng thống xuống tới hàng dân giả đều bị bất ngờ bởi nạn dịch coronavirus ở Mỹ lan ra quá nhanh như cháy rừng !
Ngày 25/2, khi đó nước Mỹ đang có 53 người bị nhiễm coronavirus, thổng thống Trump tuyên bố tình trạng vi rút này được chế ngự rất tốt ở Mỹ. Và rằng nguy cơ về coronavirus chỉ là tin cuội do phe Dân Chủ và bọn truyền thông tung ra để phá Trump.
Ngày 12/3: Trump tuyên bố rằng coronavirus không nguy hiểm hơn vi khuẩn cúm thông thường, và nó có thể sẽ biến mất nhanh chóng và không có tác động đáng kể gì đến cuộc sống của người Mỹ.
Ngày 13/3: Trump đành phải ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia. Khi đó, thì con số người bị nhiễm coronavirus đã lên đến 1,700 người, với 41 trường hợp tử vong.
Và cho đến hôm nay, con số người bị nhiễm vi rút ở Mỹ cao tột đỉnh hoàn cầu 759,086. Cao thứ nhì là Tây Ban Nha 198,674. Thứ ba là Ý 178,972.
Trong khi đó, hai nước có cùng biên giới với Mỹ là : Mễ chỉ có 7,497 ca( dân số 126 triệu ), Gia nã Đại 35,633( dân số 38 triệu ).
Hai nước không những ở gần mà còn có giao thương lớn với Tàu cộng là Nam Hàn chỉ có 10,661 ca và Nhật Bản 10,797 ca.
Đúng là vỡ trận !
19/04/202016:12:11
Khách
Anh tả cảnh mùa đông trên non cao đẹp quá -như trong những thiệp GS- và một kỷ niệm sẽ không bao giờ quên. Cảm ơn anh đã viết!
By the way, politic! Politic! Politic! (Ngáp!)
19/04/202016:08:21
Khách
Dẫu sao tác giả cũng đã trãi qua những cảm xúc đầy thú vị "ngàn năm có một" này. Chúc tác giả vẫn "chân cứng đá mềm như dận-động-diên nhé.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 1,671,015
Tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Năm 2019, Tác giả nhận thêm giải Chung Kết Vinh Danh Tác Giả Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ hay còn gọi là giải Hoa Hậu. Tốt nghiệp Y Khoa Huế, thời chiến tranh Bác sĩ Vĩnh Chánh đã là Y Sĩ Trưởng binh chủng Nhảy Dù.
Tác giả đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước và mới nhận giải Viết Về Nước Mỹ Đặc biêt 2018 và giải Danh dự 2019. Bài đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà tới hơn 400 người tử vong- Hiện ông đang là cư dân Orlando, Florida, vùng đất rất quen với bão lụt.
Lời tòa soạn: Độc giả theo dõi Viết Về Nước Mỹ hẳn quen thuộc với ngòi bút Nguyễn Trung Tây. Tác giả là một linh mục dòng Ngôi Lời, và là người nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2010, khi ấy Tác Giả đang làm việc với thổ dân các thôn làng hẻo lánh vùng sa mạc miền Trung Úc Châu, không kịp về lãnh giải. Cụ bà Hà Thị Phức, năm ấy 86 tuổi, là nhân vật chính bài “Mẹ, Mẹ Tôi” của tác giả từ San Jose đã bay về nhận giải thay người con linh mục viết văn. Hôm nay, nhận tin Bà Cố đã được Chúa gọi về, Việt Báo và toàn ban tuyển chọn Viết Về Nước Mỹ xin thành kính phân ưu cùng tác giả Nguyễn Trung Tây và cùng dâng lời cầu nguyện cho linh hồn Bà Cố Maria Hà Thị Phức sớm an hưởng nhan thánh Chúa. Xin đăng lại bài “Mẹ, Mẹ Tôi” để tưởng nhớ.
Lịch sử nhân loại đã từng diễn ra bao nhiêu trận chiến kinh hoàng, xương chất thành núi máu chảy thành sông vì chuyện màu cờ sắc áo. Với người Việt nam thì ai quên được bức ảnh những người lính Thuỷ quân lục chiến của quân đội Việt nam Cộng hoà cắm cờ quốc gia sau khi tái chiếm Cổ thành ở Quảng trị vào mùa hè đỏ lửa năm 1972. Có thể đó là tấm ảnh đã làm thay đổi cậu bé tôi vì chào cờ mỗi sáng thứ hai đầu tuần ở sân trường học, cậu bé tôi chỉ chăm lo cho bộ đồng phục của mình thẳng thớm, cột dây giày đã đúng cách chưa để không bị phạt
Trời cuối thu, những chiếc lá vàng bay lượn trên không rồi từ từ thả mình xuống mặt đất. Thỉnh thoảng một cơn gió nhẹ lướt qua, đám lá trên cành lao xao và khi trời lộng gió từng đám lá lià cành tung mình khắp không trung. Cảnh đẹp như tranh vẽ. Chỉ vài ngày nữa thôi, chiếc lá cuối cùng rụng xuống, cây sẽ chỉ còn những cành trơ trụi, khẳng khiu. Bà bước ra khu vườn nhỏ, lững thững đặt chân trên thảm lá vàng, những chiếc lá khô như vỡ vụn dưới từng bước chân. Không gian tĩnh lặng, êm đềm. Bà hít thật sâu, thở ra thật nhẹ. Bà đếm từng hơi thở, chú tâm đến từng bước chân đi, đầu óc nhẹ nhàng, tâm hồn thanh thản. Cứ lẳng lặng như thế cho đến lúc thấm mệt bà ngả người trên chiếc võng ngước nhìn lên trời cao tìm mây. Trời xám buồn, chỉ có vài quầng mây mỏng, ửng nắng.
Sau hơn hai năm sống lây lất ở trại tị nạn PFAC (The Philippine First Asylum Camp,) cuối cùng tôi được thằng Thanh sống chung trong nhà giới thiệu vô IOM (The International Organization for Migration) làm thế chỗ nó khi nó lên đường đi định cư vào giữa năm 1991. Cơ quan này là một trong các cơ quan đầu não rất quan trọng, chỉ sau Cao Ủy Tí Nạn (UNHCR-The United Nation High Commissioner for Refugees) và Văn Phòng Ban Quản Đốc Trại (OIC- Office In Command) mà thôi. IOM có nhiệm vụ đón người tới, đưa người lên đường định cư hay hồi hương, chăm sóc sức khỏe, lo lắng đời sống cũng như quản lý dân số trong trại do đó vô cùng bận rộn với rất nhiều công việc.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam. Bà tên thật Nguyễn thị Ngọc Hạnh, trước 1975 đã là giáo sư trung học đệ nhị cấp tại Saigon. Cùng gia đình tới Mỹ từ 1979., hiện hưu trí tại miền Đông và vẫn tiếp tục viết. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Gia đình cô Loan qua Mỹ năm 1995 theo diện HO. Cô có 3 người con, Tuấn (trai đầu) có gia đình ở Sacramento lái xe về nhà cô khoảng 2 tiếng đồng hồ, Kiệt (con nhì) và gái út là Thanh Phương làm việc bên Washington D.C và Texas. Cô chú đến tuổi nghỉ hưu nên cũng tìm niềm vui tuổi già. Cô Loan thích đọc sách và đi Chùa, còn chú Phi ưa gặp bạn bè uống cà phê tán dóc và tham gia sinh hoạt bạn “tù cải tạo”, bạn chung đơn vị lính, bạn trường học cũ và khoá Thủ Đức. Từ khi bị bệnh dịch Covid_19, cô chú chỉ biết bó gối xem tivi, xem phim và ra vô khu vườn tỉa hoa nhổ cỏ. Thỉnh thoảng Tuấn cũng lái xe lên thăm ba mẹ.
Chúng ta đang sống trong một đất nước an bình, thịnh vượng, và no ấm nên ít ai phải bận tâm với cái đói; chúng ta chỉ lo hôm nay phải đổi món ăn gì cho ngon miệng mà không ngán. Vậy mà ngay trên đất Mỹ này, nơi mà thực phẩm, thức ăn đầy đủ nếu không muốn nói là dư thừa và rẻ nhất thế giới, tôi vẫn còn giữ cái tật không cần thiết là tích trữ thực phẩm, đồ ăn khô phòng khi đói, bảo đảm giữ được phẩm chất 10 năm, và vài thùng nước 20-gallon màu xanh.
Tác giả đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước và mới nhận giải Viết Về Nước Mỹ Đặc biêt 2018 và giải Danh dự 2019. Bài đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà tới hơn 400 người tử vong- Hiện ông đang là cư dân Orlando, Florida, vùng đất rất quen với bão lụt.