Hôm nay,  

Người Khách Đầu Tiên

25/11/201800:00:00(Xem: 11934)
Người viết: Võ Phú

Bài số 5556-20-31362-vb8112518

 
Tác giả tham dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2004. Võ Phú là tên thật. Sinh năm 1978; sinh quán Nha Trang-Việt Nam; định cư, tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University. Hiện đang làm việc và học tại Medical College of Virginia. Sau 12 năm bặt tin, tác giả trở lại với Viết về nước Mỹ từ 2016. Sau đây, thêm một bài viết mới.

 
***
 

Mùa hè năm đó tôi mười lăm tuổi.  Gia đình tôi được ba tôi bảo lãnh qua Mỹ gần một năm trước. Nghỉ hè ở nhà buồn chán, tôi đi lang thang trong xóm xin cắt cỏ thuê.  Với chút ít tiếng Anh học ở trường trong năm học qua, tôi nghĩ mình đủ để nói cho những người hàng xóm hiểu.

Nghĩ là làm, tôi đi dạo quanh xóm, hễ thấy nhà nào có vườn cỏ tốt là tôi gõ cửa xin cắt thuê.  Đi gần mười nhà, nhưng nhà nào cũng lắc đầu từ chối không cho tôi cắt cỏ. Chắc tại tôi nhỏ con và chẳng có máy cắt, nên chẳng ai nhận?  Khi đi đến gần cuối xóm, chán nản, tôi quay về.  Trên đường về, không về theo lối cũ, mà tôi đi bọc qua một lối khác. Ở cuối một con đường, tôi thấy một căn nhà nhỏ với vườn cỏ cao gần đến đầu gối.  Tôi lại gõ cửa cầu may.

Sau vài phút chờ đợi, một người ông Mỹ trắng già ra mở cửa. Tôi vội nói với ông ta rằng vườn nhà ông cỏ tốt quá, tôi có thể giúp ông cắt cỏ và dọn dẹp vườn tược.  Ông nhìn tôi từ đầu đến chân rồi ông hỏi:

- Cậu là người Việt à?

- Dạ vâng, tôi là người Việt.

Ông ta nói một câu tiếng Việt lơ lớ với tôi:

- Bạn khoẻ không?

Tôi mỉm cười và hỏi lại:

- Ông nói được tiếng Việt à?

- Không, tôi chỉ nói được chút chút cho vui thôi.

- À, mà cậu nghĩ cậu có thể giúp tôi được không?  Cậu có máy cắt cỏ không?

- Dạ không.  Thưa ông.  Tôi ở chung cư phía trên kia, khu Edsall Gardens. Tôi không có máy cắt. Nghỉ hè tôi ở nhà không đi học, nên tìm việc gì đó để làm.

- Thế cậu tên gì? Còn tôi tên Bill Shawn.

- Dạ tôi tên Pete.

- Tên Việt của cậu chứ?

- Dạ, không.  Tên Việt của tôi là Phú.

- Phew?  Có phải đánh vần là P.H.U. với một cái dấu gạch ở trên đầu không?

- Dạ đúng vậy.  Dấu sắc.  Ông cũng biết viết tiếng Việt nữa sao?

- Không đâu.  Tôi có học chút chút, nhưng tiếng Việt khó quá, nhất là các dấu, nên tôi chỉ biết vài chữ mà toàn là những chữ bậy không.

- Dạ...

Ông già Mỹ cười một tràng rồi nhìn tôi gật đầu và nói:

- Thôi được, vậy cậu lấy bao nhiêu?

- Dạ tôi cũng không biết nữa vì đây là lần đầu của tôi, nên ông cho bao nhiêu cũng được nếu như ông cho tôi dùng máy của ông?

- Vậy cậu biết dùng máy chứ?

- Dạ cũng không, nhưng tôi nghĩ mình sẽ dùng được.

- Thôi được rồi, cậu đi theo tôi.

Ông già Mỹ dẫn tôi ra sau vườn, nơi có nhà kho nhỏ.  Ông mở khóa, kéo chiếc máy cắt cỏ ra, và nói:

- Lâu rồi tôi cũng không dùng nó. Cậu giúp tôi lấy bình xăng đằng kia và đổ vào đây nhé?

Sau một lúc chỉ dẫn của ông, tôi cũng thành thạo cách dùng máy cắt cỏ.  Ông bỏ vô nhà và nói:

- Khi nào cậu xong, cho tôi hay để tôi trả tiền công cho cậu nhé.

- Dạ cám ơn ông đã cho tôi làm công việc này.

- Ừa, không có chi đâu.  Thôi cậu cắt đi.

Nói rồi ông bỏ vô nhà.

Hơn một giờ đồng hồ trôi qua, tôi cũng cắt xong mảnh vườn.  Xong việc, tôi quét dọn sân nhà ông thật sạch rồi đem máy cắt cỏ cất vào nhà kho, khóa lại và cầm chìa khóa theo.  Tôi gõ cửa.

Ông ra mở cửa cầm theo chai nước suối đưa cho tôi và nói:

- Này… Cậu uống đi.

- Dạ, cám ơn ông.  Đây là chìa khóa nhà kho của ông.

- Còn đây là tiền của cậu.  Cậu cho tôi xin số phone của cậu khi nào cần tôi sẽ gọi cho cậu nhé.

Ông đưa tôi giấy bút và tôi viết số phone của nhà mình cho ông.  Sau đó nhận tiền và chào ông tôi về.  Lần đầu kiếm được tiền bằng sức lao động của mình, tôi vui lắm.

Trên đường về nhà tôi luôn miệng hát líu lo và tủm tỉm cười.  Tôi thấy hôm nay là một ngày đẹp trời nhất mặc dầu mồ hôi ướt đẫm cả áo.  Mở cửa chung cư, tôi khoe với thằng Út:

- Út nè, anh mới có job đó.  Anh làm được hai mươi đô.  Có thấy anh ngầu không?

- Thiệt hả? Mà anh làm gì?

- Nè, tiền nè... thấy chưa?  Tao cắt cỏ cho người ta.  Chút nữa tao dẫn mày qua chợ Ames mua bắp rang và nước ngọt về uống cho đã luôn chịu không?

- Dạ... Hay giờ mình đi được không?

- Ừa cũng được.

Hai anh em cùng nhau cuốc bộ qua bên kia đường mua bắp rang và nước Coca Cola.  Sau một năm sống ở Mỹ, giờ tôi không cần phải đạp xe thật xa để đến chợ của người Việt gốc Hoa, chợ Đông Nam Á, để mua nước ngọt uống mỗi khi thèm nữa.  Tôi chỉ cần cuốc bộ qua bên kia đường là sẽ có một siêu thị bán hàng tạp hóa, chợ Ames (giống như chợ Walmart bây giờ). Ngoài mua bắp rang và chai nước ngọt Coca Cola ra, tôi còn mua cho em tôi một hộp bút chì màu và tôi một cái quần Jean.  Thế là hai mươi đô của tôi cũng gần hết, nhưng tôi vui lắm.  Hai anh em về nhà ăn bắp rang và uống nước ngọt suốt cả ngày, bỏ cả cơm chiều.

Sau lần cắt cỏ đó, tôi có thêm kinh nghiệm dùng máy cắt, nên tôi đạp xe đi xa hơn để tìm thêm việc làm.

Tôi dùng chiếc xe đạp cũ của ba để lại sau khi ba mua chiếc xe Mercury khi cả nhà chúng tôi đoàn tụ từ một năm trước.  Sau một năm sống ở Mỹ, hai người anh trai tôi cũng mua được một chiếc xe cũ để lái đi học và đi làm, nên chiếc xe đạp cũ đó giờ là của riêng tôi.

Tôi yêu thích chiếc xe đạp lắm.  Tôi dùng nó để đi học và đến nhà một người bạn chơi.  Vào một dịp cuối tuần, thằng bạn rủ tôi và một đám bạn học chung trường đạp xe dạo trong công viên.  Khi hai chúng tôi đạp đến nơi hẹn, một vài đứa nhìn chiếc xe đạp mà tôi đang đi, chúng cười ngặt nghẽo.  Chúng nó gọi tôi là thằng bê đê vì chiếc xe mà tôi đang đi là một chiếc xe đạp nữ.  Tôi nghe vậy thắc mắc hỏi tụi nó:

- Ủa xe đạp mà cũng phân biệt nam hay nữ nữa hay sao?

Một đứa trong đám bạn trả lời:

- Mày nhà quê quá, xe đạp nam khác với nữ.  Xe đạp nam sẽ không bao giờ có cái yên bọc lông mềm như của mày.  Mày coi xe đạp của tụi tao nè, có chiếc nào giống xe của mày không?  Nhìn như vầy mới là xe đạp của boy. Chắc mày là bê đê nên mới đi xe của con gái...

- Nhưng tao thấy nó êm và đạp nhẹ lắm.  Mà làm tại Nhật đó nha. Thôi kệ nó nam hay nữ cũng mặc miễn sao có xe đạp đi chơi là được rồi.

- Mày quê quá, ở Mỹ mà nói chuyện như ở Việt Nam mới qua vậy...

- Ừa thì tao cũng mới qua mà...

Cả đám bạn cười hí hố.  Tôi mặc kệ tụi bạn nói cười, nhưng với tôi chiếc xe đạp đó là cả một gia tài.  Lần đầu trong đời tôi có được một chiếc xe đạp để đạp đi chơi vòng vòng trong xóm mà không cần phải hỏi mượn ai.  Muốn đi chơi lúc nào cũng được, không cần phải sợ trả lại đúng hẹn hay nơm nớp lo sợ mỗi khi té ngã làm trầy sướt.

Tôi đạp xe đi xa hơn đến những nhà xa khu chung cư tôi ở hơn để tìm thêm việc cắt cỏ thuê.  Sự kiên nhẫn của tôi cũng được đáp lại với gần mười nhà cho tôi dùng máy cắt cỏ và dụng cụ làm vườn để dọn dẹp vườn tược cho họ.

Hai tuần sau khi tôi cắt cỏ ở nhà ông Mỹ già, tôi lại nhận được điện thoại của ông.  Lúc ông gọi điện thoại, tôi không có ở nhà.  Lúc về, tôi nghe anh trai tôi nói lại rằng có một ông Mỹ nào gọi cho tôi.  Tôi tìm số và gọi lại mới biết là ông Shawn gọi nhờ tôi sang nhà cắt cỏ giúp.

Lần này, do đã quen với công việc, tôi nói với ông rằng tôi có thể tự làm được.

-  Ông cứ an tâm.

Đang cắt được nửa chừng thì máy hết xăng, tôi vào nhà gõ cửa và nói với ông.

Ông trả lời:

- Cậu chờ tôi để tôi đi mua thêm xăng về cho cậu.

Trong lúc chờ đợi ông mua xăng, tôi ở nhà ông dọn dẹp vườn trước và chiết những cây bông cúc ra trồng ở hai hàng dọc lối đi vào nhà.  Khi ông đem bình xăng về, thấy tôi trồng hoa, ông hỏi:

- Cậu cũng biết trồng hoa nữa sao?

- Dạ tôi cũng biết chút chút.  Tôi thấy chỉ có vài ba khóm cúc mọc thưa thớt, nên tôi đã chiết ra trồng cho đủ hai hàng dọc lối đi.

- Thôi cậu nghỉ tay chút đi và chờ tôi nhé?

Ông vào nhà lấy cho tôi chai nước suối và nói:

- Cậu uống nước đi, để tôi làm cho cậu miếng bánh mì.

- Dạ không cần đâu ông Shawn ạ.

- Cậu đừng ngại.  Chờ tôi nhé.

Tôi uống xong ngụm nước và tiếp tục công việc trồng hoa của mình để chờ ông trở ra.

Lúc ông trở ra, trên tay ông cầm một cái dĩa, trên có lát bánh mì sandwich với vài ít thịt nguội và những lát dưa chuột muối chua.  Tôi ra sau vườn rửa tay và ăn bánh mì.  Trong lúc tôi ăn, ông kể chuyện ngày ông còn trẻ cho tôi nghe.

Ông kể rằng hơn hai mươi năm trước, lúc ông còn là lính trong quân trường, ông có đến Việt Nam.  Đôi mắt ông nhìn xa xăm, chắc ông đang nghĩ lại những chuyện xưa, rồi thở dài, kể tiếp.  Ông kể cho tôi nghe những chuyện đời lính của ông.  Ông nói ông sống ở Việt Nam gần năm năm rồi quay trở lại Mỹ.  Ông nói với tôi rằng, người Việt Nam rất hiền hòa và dễ mến.  Ông kể  nhiều chuyện, nhưng hồi đó tiếng Anh của tôi chỉ hiểu được những từ ngữ thông dụng và chỉ nhớ được có bấy nhiêu.  Sau khi nghe ông kể chuyện xong, tôi xin phép ông tiếp tục cắt cỏ và dọn dẹp sân vườn.

Lần này tôi có nhiều kinh nghiệm cắt cỏ, tỉa cỏ, và làm vườn, nên khi xong việc ông trả cho tôi bốn mươi đô la thay vì hai mươi đô la như lần đầu ông thuê tôi làm việc. Tôi cám ơn ông và đạp xe về nhà.

Sau hai lần cắt cỏ, ông dặn tôi, cứ cách hai tuần một lần hãy đến vườn nhà ông để giúp ông cắt cỏ.  Khi nào xong việc hãy gõ cửa để ông trả tiền.  Ông sẽ không khóa cửa nhà kho mà chỉ móc khóa hờ cho gió khỏi làm cửa mở ra.  Tuy ông nói vậy, nhưng lần nào ông cũng ra gặp tôi và tiếp chuyện cùng tôi.  Ông Bill Shawn là người khách đầu tiên của tôi trong công việc đầu tiên trên đất Mỹ.

Hết mùa hè, sang thu, tôi lại giúp ông dọn dẹp lá khô trong vườn.  Mùa đông thì giúp ông cào tuyết.  Hễ ông gọi tôi là tôi đến giúp.  Tôi giúp ông cắt cỏ làm vườn được ba năm.  Sau đó tôi tạm biệt ông để đi đại học xa nhà.

Trước khi nhập học, tôi có gọi với ông Shawn và nói với ông rằng vài tuần nữa tôi sẽ vào đại học và không thể giúp ông cắt cỏ hoặc dọn dẹp sân vườn được.  Ông nghe tôi nói vậy, ông chúc mừng cho tôi và hỏi:

- Vậy cuối tuần này, cậu có thể giúp tôi dọn dẹp trước khi cậu nhập học không?

- Dạ, vâng tôi sẽ đến khoảng xế chiều ngày thứ Bảy ông nhé?

- Vâng, được, tôi chờ cầu chiều thứ Bảy.

Đó là một buổi xế chiều giữa tháng tám, khi ngọn gió nồm thổi vào hong ấm cơn mưa của đêm trước.

Nước bốc hơi, trời hanh hanh nắng.  Những khóm cúc mà tôi trồng hai bên lối đi của ba năm trước đã dày kín, lá xanh mượt mơn mởn sau cơn mưa.  Hai hàng cúc giờ đây đã mọc ra những nụ hoa nhỏ li ti chờ đến mùa thu để đơm hoa.  Tôi đến gõ cửa và đợi ông Shawn.  Trong lúc chờ, tôi đưa mắt nhìn hai khóm cúc.  Dường như chúng đang vẫy tay chào tôi khi ngọn gió nồm thổi ngang?

Mặc dầu là cuối hè, nhưng nhờ có cơn mưa hôm qua, nên khí hậu không oi nồng và nóng bức như mấy tuần trước.  Trời chỉ hanh nắng và gió. Mùa hè ở Virginia, khi trời nóng liên tục hơn một tuần, trời sẽ đổ mưa. Những cơn mưa như trút nước sẽ làm khí hậu dịu lại và cái nóng được xua tan...

Ông Shawn ra mở cửa đón tôi. Ông cười và hỏi:

- Tôi rất mừng có cậu. À mà, cậu đi học trường nào?  Trong tiểu bang này hay đi xa hơn?

- Dạ không, tôi sẽ học ở VCU, cũng không xa lắm.

- Vậy à?  Con trai tôi cũng học ở đó khi cậu ấy học undergrad.  Giờ nó làm việc và có vợ con ở Boston, nên ít về nhà là vậy.  Thôi, tôi để cậu làm việc, xong rồi mình nói chuyện tiếp.  Cậu làm việc nhé, tôi đi lại đây chút sẽ quay lại.

- Dạ vâng, chào ông.

Tôi ra sau vườn, nơi có cái nhà kho nhỏ chứa máy cắt cỏ và dụng cụ làm vườn. Tôi tháo ổ khóa ra và móc vào thành cửa rồi kéo xe cắt cỏ ra.  Tôi xem lại xăng nhớt của máy trước khi cắt.  Xong, tôi giựt cho máy nổ và làm công việc cắt cỏ của mình như mọi lần.

Cắt cỏ và dọn dẹp ở vườn sau xong, tôi đi vòng lên vườn trước và nhổ bỏ những bụi cỏ xung quanh hai hàng cúc.  Đó cũng là lúc ông Shawn về đến nhà.  Ông nhìn thấy tôi đang nhổ bỏ những bụi cỏ dại nơi hàng cúc, ông cười và nói:

- Này cậu xem, sắp tới mùa thu rồi, chúng sẽ trổ hoa.  Nhờ có cậu mà hai hàng cúc nhà tôi được đẹp rực rỡ mỗi khi mùa thu tới.  Hàng xóm tôi thấy thích lắm, nên họ cũng bắt đầu trồng hoa trước vườn.  Tôi định nhờ cậu trồng thêm những màu khác, nhưng mà thôi.  Màu vàng của hoa cúc cũng rực rỡ lắm rồi.  À, mà cậu sắp xong việc chưa?

- Dạ cũng gần xong rồi ông ạ.  Chỉ cần nhổ bỏ mấy bụi cỏ dại này, gom chúng lại, bỏ vào thùng rác là xong.

- À, mà cậu có đi coi trường lần nào chưa mà chọn VCU?

- Dạ chưa ạ.  Nhưng, tôi chỉ nộp đơn vào ba trường, một trường từ chối, hai trường đã nhận.  Trong hai trường, tôi thích VCU hơn, nên tôi đã quyết định đi trường đại học này.

- Vậy khi nào thì cậu đi?

- Dạ thứ Tư tuần tới vì thứ Năm sẽ có buổi student orientation.

- À ... Chúc cậu đi học vui nhé.

- Dạ cám ơn ông.  Giờ tôi cũng làm xong rồi.  Tôi xin phép ông.

- Vâng, cậu rửa tay đi rồi vào nhà gặp tôi.

Sau khi gom đống cỏ lại và bỏ vào thùng rác, tôi ra sau nhà rửa tay.  Tôi trở vô nhà gặp ông Shawn.  Ông chỉ vào chiếc ghế sofa, nói:

- Cậu ngồi đó chờ tôi chút.

Ông Shawn vào bếp và trở ra với chiếc dĩa trên tay, trên có cái bánh muffin, và nói:

- Cậu ăn đi.  Ăn xong rồi về.

- Dạ cám ơn ông.

Ông nhìn tôi ăn hết cái bánh muffin, rồi ông đến bàn lấy tấm ngân phiếu, đưa cho tôi.  Ông nói:

- Đây là tiền công của cậu.

Khi thấy ông cầm tấm ngân phiếu, tôi hơi thắc mắc vì trong bao năm nay ông đều trả cho tôi bằng tiền mặt mỗi lần tôi cắt cỏ cho ông.  Ông là vị khách đầu tiên của tôi.  Và tôi chưa bao giờ ra giá cắt cỏ hay dọn vườn cho mỗi tôi giúp ông như những nhà khác mà tôi làm.  Lần đầu ông trả tôi hai mươi đô, lần thứ hai bốn mươi đô, và mỗi lần sau đó đều ba mươi đô trong suốt ba năm qua.  Nên lần này tôi thấy ông đưa tấm ngân phiếu, trong lòng tôi có chút thắc mắc.  Khi nhận tấm ngân phiếu từ tay ông tôi mới biết đó là tấm money order với một số tiền khá lớn đối với tôi.  Năm trăm đô la.  Tôi nhìn số tiền, nhìn ông, rồi nói:

- Ông Shawn ạ, hình như ông đưa lộn thì phải.  Đây là năm trăm đô la lận.

- Ừa, tôi biết, nhưng không sai đâu.  Đó là quà tôi dành cho cậu trước khi cậu đi đại học.  Tôi rất cám ơn cậu đã giúp tôi dọn dẹp sân vườn và chăm sóc chúng ba năm qua.  Chúc cậu may mắn việc học nhé.  Tôi có thể ôm cậu từ biệt không?

- Dạ vâng.

Tôi đi đến, ôm ông và từ biệt.

Trên đường đạp xe về lại chung cư, cảm giác tôi lâng lâng như đi trên mây vì nhận được một số tiền lớn từ một người khách.  Cảm giác này cũng giống như lần đầu tôi nhận hai mươi đô của ông cách đây ba năm trước.

Cả ngày hôm đó tôi cứ thấp thỏm đứng ngồi không yên để chờ ba mẹ và mấy người anh em của tôi về để khoe món quà mà ông Shawn đã tặng cho tôi.

Với số tiền dành dụm trong ba năm cắt cỏ và làm thêm việc ở viện dưỡng lão, tôi đạp xe đến ngân hàng Wachovia, mở trương mục để dùng khi đi đại học.

Số tiền cũng đủ cho tôi dùng trong hơn một năm đầu học đại học xa nhà.

Võ Phu

Ý kiến bạn đọc
11/12/201822:22:39
Khách
Dạ xin cám độc giả Từhuy đã ưu ái và khen tặng .... Dạ Võ Phú có đọc qua truyện ngắn "Con Sáo Của Em Tôi" nhà văn Duyên Anh . Sẽ tìm đọc những truyện còn lại mà bạn đã viết ở trên . Chân thành cám ơn .
11/12/201822:19:50
Khách
Dạ xin cám ơn lời khen của độc giả VanTran . Võ Phú sẽ cố gắng và học hỏi thêm
28/11/201801:31:02
Khách
Võ Phú có biết nhà văn Duyên Anh ngày xưa không? Với những cuốn truyện tuổi thơ: Thằng Vũ, Con Thuý, Con sáo của em tôi...
Lối kể chuyện của Võ Phú hồn nhiên, đơn sơ giống vậy.
Vẫn ý cũ. Tui nghĩ em cứ viết mãi về tuổi thơ.
27/11/201813:57:29
Khách
Mình rất thích cách kể chuyện của tác giả, vừa thành thật, giản dị mà làm lôi cuốn người đọc làm sao đó. Cảm ơn tác giả nhiều và mong sẽ được đọc tiếp.
27/11/201804:03:35
Khách
Câu "Thật đáng ngợi khen tác giả" trong phần ý kiến của Van Tran xin được sửa lại thành " Tác giả thật là đáng được khen ngợi" .
26/11/201817:27:43
Khách
Sanh ra ở Việt nam sau ngày nước mất. Phải sống với lũ khỉ Trường Sơn hang Pắc Bó 16 năm dài. Ấy thế mà trong bài viết dài này không thấy có ngôn từ của bọn chúng. Thật đáng ngợi khen tác giả.
25/11/201822:12:05
Khách
can we go back to old days. can we go back being simple kids.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 841,493,325
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.