Hôm nay,  

Tạ Ơn Chúa Đã...Soi Sáng Đời Cha

27/11/202000:00:00(Xem: 8699)
HINH CHO BAI VIET VE NUOC MY
 Tác giả và Cô Kerry cùng Sinh trong quán hủ tíu của Anh Sáu Miền Tây
                   tại trại tị nạn PFAC.

Dự thi “Viết Về Nước Mỹ năm 2021”
Viết về Cha Paul Trịnh Hồng Sinh, người vừa được thụ phong linh mục, nhân dịp Lễ Thanksgiving năm nay đang tới.
 
Sau hơn hai năm sống lây lất ở trại tị nạn PFAC (The Philippine First Asylum Camp,) cuối cùng tôi được thằng Thanh sống chung trong nhà giới thiệu vô IOM (The International Organization for Migration) làm thế chỗ nó khi nó lên đường đi định cư vào giữa năm 1991.  Cơ quan này là một trong các cơ quan đầu não rất quan trọng, chỉ sau Cao Ủy Tí Nạn (UNHCR-The United Nation High Commissioner for Refugees)  và Văn Phòng Ban Quản Đốc Trại (OIC- Office In Command) mà thôi.  IOM có nhiệm vụ đón người tới, đưa người lên đường định cư hay hồi hương, chăm sóc sức khỏe, lo lắng đời sống cũng như quản lý dân số trong trại do đó vô cùng bận rộn với rất nhiều công việc.
 
Ngày đầu tiên, Thanh dẫn tôi lên văn phòng nhận việc tôi hơi lo sợ vì nghe nói Ông William Barriga; người bản xứ, Trưởng Phòng IOM-Palawan, rất nghiêm khắc và là một “inflexible man.”  Khi vô gặp ông thì tôi nhận thấy trước mặt tôi là một người đàn ông trung niên có cặp mắt linh hoạt với hàng ria mép không đậm nhưng đều đặn trên đôi môi rất đẹp khi cười.  Ông ăn mặc đơn sơ, chỉ một cái áo thun xám ngắn tay để lộ đôi bắp tay rắn rỏi săn chắc, không cổ, tròn, bỏ trong cái quần tây nâu, đi đôi giày mọi không tất nhưng trông ông vô cùng điển trai dù ông có vầng trán hói!  Lúc  William đứng dậy bắt tay tôi, dáng dấp ông cao ráo, mạnh khỏe, lanh lợi,  nhìn là biết ông thuộc vào loại người thể thao và rất là “manly.”  Ông hỏi sơ qua đời sống trong trại của tôi ra sao, có từng làm thiện nguyện ở đâu chưa...tuy chỉ có tính xã giao nhưng cũng là cách để ngầm đánh  giá Tiếng Anh của tôi xem thế nào một cách rất là lịch sự.  Qua vài phút giới thiệu xong, Thanh dắt tôi ra phòng ngoài gặp hai cô thiện nguyện viên từ Mỹ sang mà tôi sẽ làm việc chung trong các ngày sắp tới.  Rachael là một cô gái có dáng người nhỏ nhắn nhưng vô cùng nhanh lẹ với mái tóc vàng lóng lánh trên khuôn mặt đẹp tựa thiên thần.  Còn Kimberley là Người Mỹ gốc Đại Hàn thì lại to, cao, có gương mặt cũng vô cùng khả ái của các cô gái Á Đông.  Những lúc Kim cười lộ ra cái má lúm đồng tiền rất sâu bên trái trông thật là duyên dáng. Và thư ký của phòng khi đó là Mélanie, người con gái bản xứ với ngoại hình tròn trịa nhưng cũng khá gọn gàng, xinh xắn nhờ làn da trắng trẻo vì có lẽ tổ tiên của cô cũng có huyết thống của Người Tây Ban Nha chớ không phải là Người Phi thuần chủng và đặc biệt là cặp mắt của cô ta rất lớn, đẹp tuyệt vời với đôi hàng mi dài, cong vút như hàng dừa đong đưa trong gió trên bãi biển trắng ngần khiến gương mặt của cô trông có vẻ hơi xa xăm khi cô ngồi lặng yên làm việc.  Ngoài ra, phòng còn có một phó phòng là Ông Herbert cũng là người bản địa, đang đi công tác trên Manila, mà vợ ông ta là Người Phi lai Việt tên Huệ gì đó, nên tôi chưa biết ông ta thế nào nhưng nghe nói ông rất hiền và dễ chịu.  Cuối cùng là anh tài xế Người Phi tên Roberto luôn cười mỗi khi gặp chúng tôi.  Tính anh bình dân, xuề xòa dễ gần gũi.  Nhà của Roberto thì ở bên ngoài, không xa trại bao nhiêu nên mỗi sáng anh thường tản bộ vô văn phòng làm việc một cách rất ư là nhàn nhã.
 
Về phía thiện nguyện viên Người Việt ở phòng IOM lúc đó có khoảng chừng gần chục người như Chú Lâm, cựu sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, và những anh em thanh niên trai trẻ năng nổ như Tâm (Tía) bên Liên Minh Thánh Tâm, Hiếu, Cường, Trí, và các em gái trẻ trung như Uyên sau này thì có thêm Duyên, Nhung..lo giấy tờ cho người tị nạn, Chương chuyên đi phát “call slip,” Khánh thì làm về “population,” báo cáo tổng kết dân số mỗi ngày sau khi khấu trừ người chết hay hồi hương hoặc cộng thêm nhân khẩu khi có thêm các em bé ra đời...Kim Việt thì phụ trách vô “pouch” những thứ cần thiết để mỗi chiều mang ra phi trường gửi lên IOM-Manila.  Tôi đảm nhận việc cấp thẻ IOM mới hay làm lại thẻ cũ bị hư, bị mất cho đồng bào.  Cuối cùng là Sinh; một em trai, tuổi chừng mười chín hoặc hai mươi gì đó, chịu trách nhiệm dọn dẹp vệ sinh văn phòng, “restroom” của IOM.  Đó là chưa kể tới các thiện nguyện viên bên Ban Y Tế, Ban Xã Hội.v..v... Tuy mỗi người giữ một phần hành riêng nhưng Ông William đã yêu cầu chúng tôi phải có mặt khi có đợt chuyển trại để phụ giúp văn phòng đưa người đi.
 
Từ đó, dù Sinh nhỏ hơn tôi gần cả chục tuổi nhưng tôi và nó thân thiết dần vì hai đứa ở cùng Khu Một và cách nhau không bao xa.  Nhà Sinh ở hơi xéo với “Vòi Nước” một tí, chỉ ngăn bởi một con đường chính rộng lớn.  Trong nhà Sinh ở có vợ chồng Anh Hoàng, Chị Thanh chuyên làm sữa đậu nành và hàng ngày vào buổi trưa, anh chị thường mang lên bên hông Kho Lương Thực bày bán đến chiều.  Do đó mà đôi khi đi lấy nước lúc ngang qua nhà nó nhìn vào tôi thấy Sinh thường lui cui phụ giúp anh chị cùng với hai đứa con trai khoảng chín, mười tuổi và đứa con gái út độ năm tuổi của họ bên trong.  
 
Mỗi buổi trưa sau khi đi làm về, cơm nước xong xuôi, Sinh hay sang nhà tôi nghỉ ngơi, chờ chiều đi làm tiếp.  Những lúc đó anh em tôi thường lấy cuốn English Idioms (Fifth edition) của Oxford University Press ra học chung.  Sau này tôi lại chơi thân với Long một thanh niên có tuổi đời trạc cỡ tôi, cũng ở Khu Một mà tôi thường hay gặp ngoài quán cà phê của Hương nằm đối diện trước cổng Chùa Vạn Đức thì Sinh với Long cũng nhanh chóng gắn bó nhau vì cùng đạo Công Giáo.  
 
Cuộc đời tị nạn của những kẻ đến sau ngày đóng cửa phải qua Chương Trình Thanh Lọc được biết dưới cái tên CPA (The Comprehensive Plan of Action) thì thê lương và phải mất nhiều năm chờ đợi do đó đã có rất nhiều người tìm cách mở hàng quán kiếm tiền sinh nhai.  Trong chiến lược “đắp mô, nằm ụ” chờ đợi ấy, Long cũng mở quán bán chè mỗi tối ngay Ngã Ba Quốc Tế vì nó có tới ba đứa em gái đi vượt biên cùng, nhu cầu cuộc sống cần lắm thứ cần thiết hơn mấy người độc thân đi một mình như tôi.
 
Sau một thời gian bán chè sống tạm bợ qua ngày thì Long lại chuyển sang bán than.  Nó xuống Hội Đồng Trung Tâm xin giấy phép cất một cái nhà vừa bán vừa chứa than kế bên quán chè.  Thế là sáng sáng bọn tôi hay tụ tập lại trên cái “chõng” ở vựa than vừa uống cà phê vừa nhâm nhi trà, tán dóc, nhìn bà con trong trại ngược xuôi lên xuống, trông kẻ đi làm, người đi học, tấp nập rộn ràng trên đường mà cảm thấy vui, quên bớt nỗi buồn thân phận muộn màng, kém may mắn! 
 
Sáng thứ bảy một hôm, Sinh sang nhà rủ tôi lên quán than chơi.  Khi hai anh em tôi vừa quẹo qua khỏi Hang Đá Đức Mẹ và trờ tới nhà để xe của IOM thì thấy Long từ đầu dốc đang cong mình kéo chiếc xe kút kít với mấy bao than chất trên đó đi xuống hướng chúng tôi.  Nhìn Long vận chiếc quần sọt nâu, ở trần trùng trục đưa bộ ngực ốm nhom, ốm nhách, bám đầy bụi than ra trước bàng quang thiên hạ mới thấy thảm làm sao!
 
Ba đứa tôi dừng lại lúc đến gần nhau.  Sinh lên tiếng:
 
Tính lại chỗ anh uống cà phê đây.
 
Long đặt cán xe xuống đất thò tay vào túi móc lấy cái chìa khóa ra đưa cho Sinh nhưng ngó tôi lắp bắp:
 
Tới quán mở...mở cửa vào trước đi, chờ tui một chút.  Để tui giao hai bao này cho người ta xong rồi về liền.  Có...có....trà mới pha rồi đó. 
 
Nói xong rồi nó lật đật kéo cái xe đi nhanh.  Nhìn Long mất hút sau cua quẹo vào một con hẻm ở Khu Bốn, thằng Sinh lắc đầu:
 
Tưởng vượt biên đến đây rồi...ngon, ai ngờ đi “bán than” trời!  
 
Chứ mày muốn làm gì trong hoàn cảnh này?  Nó cần tiền nuôi em nó, miễn là làm gì chân chính thì thôi chứ sao.
 
Sinh tặc lưỡi:
 
Thì em đâu nói gì đâu.  Em đâu có chê bai gì ảnh đâu, ý em là cuộc sống có những lúc không như ước mơ…
 
Tôi hơi băn khoăn trước suy nghĩ của Sinh bởi từ hồi biết nhau đến giờ tôi thấy nó rất hiền lành, thậm chí còn cục mịch nữa.  Hôm nay bỗng nhiên nó có tâm trạng khắc khoải, khác lạ hơn mọi ngày khiến tôi khá ngạc nhiên.  Tôi chép miệng:
 
Đời mà!
 
                                                                                *                             *
 
Đại học Georgetown của Hoa Kỳ có ký hợp đồng tuyển hai thiện nguyện viên của trường họ sang làm việc cho IOM ở Philippines mỗi sáu tháng nên tuần rồi phòng chúng tôi có Kerry và Mary là hai sinh viên mới tốt nghiệp sang thay thế cho Rachael và Kimberley về nước.  Cũng như hai cô trước, Kelley thì tóc vàng, mắt xanh, tướng tá to cao, gốc người Ái Nhĩ Lan như cô cho biết, thoạt nhìn thì không đẹp nhưng sau này tiếp xúc gần thì thấy cô rất hiền và dễ thương vì có duyên ngầm còn Mary;  gốc Đại Hàn nên người nhỏ nhắn.  Cô có khuôn mặt trái xoan với cặp kính cận trắng, lớn, tròn gần như che kín đôi mắt khi cười nhưng rất là xinh xắn bởi hai cái má lúm đồng tiền nhỏ xíu thật sâu tuy nhiên đôi chân của Mary lại to quá khổ, nên lúc cả hai đi chung thì rất buồn cười.  Mỗi khi thấy hai cô  sánh bước bên nhau tôi lại liên tường đến cặp danh ca Simon Garfunkel lừng danh một thời!
 
Chiều một hôm, sau khi đưa người ra phố chụp hình làm thẻ IOM xong tôi về trại và nhập bọn với đám anh em thiện nguyện của phòng đang đứng tán dóc bên ngoài “garage” thì bất ngờ William bước ra kiếm Sinh.  Thấy ông trưởng phòng xuất hiện mọi người vội nín bặt, một vài người vội lảng đi nơi khác.  Tâm (tía) cho ông hay là Sinh đã lấy xe Suzuki của phòng chở người sang Bệnh Viện Wescom vì anh Robert lái xe Jeepney đi chưa về.   William đứng nơi ngạch cửa trầm ngâm một chút đoạn nói với tôi khi nào Sinh về thì bảo nó vào phòng gặp ông. 
 
Lúc Sinh về, vô gặp William một chút thì nó trở ra kêu tôi vào theo.  Hai đứa tôi đứng sát góc bàn làm việc chờ đợi ông ta đang đánh máy một công văn dang dở.  Ít phút sau, William ngừng tay, ngẩng đầu lên nhìn tôi bảo tôi dịch cho Sinh biết rằng “xe Suzuki của văn phòng dùng để đi liên lạc với các cơ quan khác hoặc chạy ra phố chứ không dùng để chở bệnh nhân.  Các Thiện Nguyện Viên Việt Nam chúng tôi không được phép sử dụng chiếc xe đó, đặc biệt việc đưa người đi bệnh viện không phải là việc của Sinh!”  Kế tiếp là ông kêu nó giúp ông dọn sạch sẽ cái tủ sắt lớn ở phòng bên ngoài cho ông vì ông cần nó để đựng đồ đạc.   
 
Sinh lí nhí xin lỗi, đoạn hai anh em bước ra ngoài.  Nó lắc đầu, le lưỡi nhìn tôi như ngầm nói ông trưởng phòng nguyên tắc quá!  
 
Sáng thứ bảy cuối tuần đó, năm ba đứa chúng tôi tụ lại “quán than” hết uống cà phê thì tới màn trà dư tửu hậu.  Khi Long kể chuyện thằng Hải “hí” ở hẻm Khu Bốn phía sau quán, điện thoại xin anh nó bên Mỹ bốn ngàn đô để lo kháng cáo nhưng lúc nhận được tiền thì tập họp bầy đàn lại ăn nhậu hút chích nghe “hard rock, heavy metal” của GNR (Gun N’ Roses) hay Scorpions đến độ bị “ảo giác, hư đầu rồi bay” từ cửa sổ trên gác của Cao Ủy xuống đất, gãy tay phải đưa đi bệnh xá cấp cứu vào cái đêm thứ năm vừa qua vì “hít hàng trắng” quá nhiều làm náo loạn cả xóm khiến Sinh nhớ lại việc nó chở người đi bệnh viện bị la ở IOM hôm nọ liền lên tiếng kể lể và phân trần.  Lúc nó nói gần xong thì thằng Long chen ngang, ngắt lời nó:
 
Không...không...cái...cái đó người Miền Bắc chúng tôi gọi là “nhanh nhẩu đoảng” thôi!
 
Ghẹo thằng Sinh rồi chừng như quá khoái chí, Long cất tiếng cười hô hố, híp cả mắt.
 
                                                                                *                             *
 
Với mong muốn giảm dân số trại qua các kế hoạch bác quyền thanh lọc của người tị nạn, thúc đẩy thuyền nhân hồi hương, càng nhiều càng tốt thì việc gia tăng sinh sản ở trại là một điều đi ngược lại hy vọng của Cao Ủy và thế giới tự do lúc bấy giờ nên Cơ Quan IOM lãnh thêm một nhiệm vụ hết sức nặng nề là làm sao phải hạ thấp tỷ lệ sinh đẻ tới mức thấp nhất vì thế một bộ phận chuyên lo việc này được thành lập qua cái tên Chương Trình Bảo Vệ Sức Khỏe do Bác Sĩ Nenette; Người Phi đảm nhận với rất đông Người Việt làm thiện nguyện.  Họ xây thêm một căn phòng to thật rộng và dài cho cơ quan này trước Đoàn Quán Gia Đình Phật Tử Quảng Đức, gần Liên Đoàn Hướng Đạo Ra Khơi để làm việc và hội họp luôn.
 
Họ thường tổ chức các buổi giảng dạy cho dân chúng trong trại phải có ý thức với đời sống tình dục điều độ, không nên có con cái nhiều quá qua các phương pháp ngừa thai, những buổi học hướng dẫn, nâng cao hiểu biết, cách sử dụng “bao cao su (condom)” để tránh thai, xóa bỏ quan niệm sai lầm hoặc xấu hổ, mắc cỡ khi nói hay dùng dụng cụ này, liệt kê các địa điểm phát bao cao su miễn phí, những buổi thuyết trình đề cập về sự nguy hại của việc phá thai (abortion) với các áp phích, bích chương cổ động do tôi và một số người biết vẽ được kêu gọi giúp đỡ cho chương trình.  Và nhằm hỗ trợ Bác Sĩ Nenette, William đã điều Mary sang làm phụ tá cho bà còn Kerry thì vẫn ở lại văn phòng với chúng tôi.  
 
Đời sống ở trại PFAC vào thời gian này buồn nhiều hơn vui, khi kết quả của Chương Trình Thanh Lọc được công bố thì đã xảy ra biết bao nghịch cảnh oan trái bể dâu!  Kẻ đậu lên đường đi định cư vì được công nhận là tị nạn chính trị, người bị “đá” thì phải ở lại và hồi hương hay chờ một phép lạ trong vô vọng bởi bị xem là di dân kinh tế khiến cho bao gia đình lại một lần nữa ly tán hay uyên ương gãy cánh.  
 
Một hôm, ngay từ sáng sớm ngày Chủ Nhật của đợt chuyển trại, anh em chúng tôi đã có mặt đầy đủ trước cửa IOM để lo giấy tờ, xem xét lại thẻ RS của mấy người “đậu” xem hình ảnh và tên tuổi của họ có chính xác không trước khi lên chiếc xe hơi trắng giống kiểu các SUV sau này mà văn phòng vừa nhận về tuần trước do Ông Barin cầm lái chở xuống Cổng Mười Hai; là nơi tập trung đưa người ra cảng.  Khi xe trờ tới bên ngoài cổng, chúng tôi thấy chiếc Jeepney và chiếc xe hơi màu vàng dùng ̣để chuyển người của IOM đã đậu sẵn ở đó tự khi nào.  Phía trong hàng rào trại thiên hạ đã đứng lố nhố, đông đảo với vali, giỏ xách, thùng giấy đựng đồ đạc quần áo đi định cư nằm lổn ngổn khắp nơi.  Tiếng người gọi, tiếng kêu la ơi ới làm xôn xao cả một góc trời. Rồi chúng tôi lục tục xuống xe, công tác đưa người bắt đầu.  Lính Phi gác cổng và Kerry xem xét thẻ RS của từng người một qua danh sách cô đang cầm trên tay trước khi cho phép họ ra khỏi trại.
 
Trong lúc ấy thì ở đằng kia Ông Barin; trưởng phòng cấp phát đồ dùng xã hội đang phụ Marry xách cái thùng đựng thuốc dành cho mấy người bệnh, các em bé và hồ sơ bệnh lý cá nhân của họ đưa lên chiếc xe màu vàng dùng để chở đàn bà và trẻ em của IOM đang đậu dưới bóng cây. Không lâu sau đó dân chúng khắp các khu cũng lũ lượt kéo về chen chúc càng lúc càng đông.  Kẻ lên đường, người tiễn đưa.  Những cái ôm vội vã, các bắt tay từ giả, những tiếng khóc thút thít xen lẫn các nụ cười như mếu tạo cho khung cảnh buổi chia tay một hình ảnh biệt ly không hẹn ngày gặp lại.  Tuy thế người ta vẫn gắng gượng thật tươi khi mấy anh phó nhòm bấm máy chụp hình lưu niệm cho họ lần cuối bên nhau. 
 
Giữa lúc tôi đang loay hoay phụ đưa đồ lên xe cho người đi thì chợt có tiếng con gái vang lên bên tai tôi:
 
Anh N. xách giùm em cái giỏ này lên xe được không anh?
 
Tôi vội vàng xoay người lại và thấy trước mắt tôi là một cô gái trẻ với cái bụng bầu nhô ra khá to cùng một bé gái độ chừng hơn hai tuổi đứng dưới chân cô với cái giỏ khá bự bên cạnh mà nhất thời tôi không nhớ là ai và chẳng hiểu tại sao cô ta lại biết tên mình thì cô gái lại lên tiếng:
 
Chào cậu N. đi con!
 
Đứa con gái nhỏ lí nhí nói trong miệng khi nghe mẹ nó giục, tôi xoa đầu nó và cúi xuống khiêng cái giỏ khá nặng cho và trong xe trước khi hai má con của cô gái bước lên.  
 
Cám ơn anh!  Cô gái nói.
 
Lúc này Tâm (Tía) và Sinh cũng vừa tiến lại.  Thằng Tâm ngó cô gái và vẫn tía lia với bản tính cố hữu của mình đúng như tên gọi:
 
Có tên đi bây giờ là hên cho em đó, chứ chậm thêm tí nữa mà thai quá sáu tháng là IOM nó không cho bay đâu.
 
Dạ, thôi mấy anh ở lại mạnh giỏi nghe. 
 
Khi màu vàng của chiếc xe mất hút khỏi tầm mắt, bọn tôi quay trở lại đám đông.  Vừa đi tôi vừa thắc mắc:
 
Tui nhớ không quen cô gái kia mà sao cổ lại biết tên tui ta?
 
Tâm Tía trợn tròn mắt:
 
Trời con L. vợ cũ của thằng H. ngày xưa đi chung ghe với ông mà ông hổng nhớ à?
 
Ủa, vậy à?  Hồi đó nó nhỏ quá tui đâu có nhớ.
 
Tôi ngạc nhiên và như bỗng nhớ ra có gì hơi khác lạ trong câu nói của Tâm nên hỏi thêm:
 
Vợ cũ của thằng H.?  Bộ giờ có chồng khác rồi hả?
 
Ừ, ở với thằng H. có được một đứa con gái đó nhưng nó đánh con nhỏ hoài nên cuối cùng con nhỏ chịu không nổi phải bỏ thằng H.  Sau này con ấy mới lấy thêm thằng T. ở Khu Sáu, có bầu được mấy tháng rồi bây giờ đậu thanh lọc phải mang hai đứa con đi định cư, bỏ hai thằng chồng rớt thanh lọc lại mới khổ chớ! 
 
Thân gái dặm trường đã khó lại phải lo thêm hai đứa con dại nơi xứ người, sống sao nổi trời?  Tôi chép miệng lo lắng hộ người con gái tội nghiệp kia.
 
Sinh chợt lên tiếng phán một câu”xanh dờn.”
 
Thiên đàng, địa ngục hai bên, do mình chọn lựa thôi!
 
Lời nó nói làm tôi sực nhớ tới trò chơi mà bọn con nít hồi còn nhỏ chúng tôi thường hay chơi bên nhà khiến tôi bâng khuâng.  Thằng Sinh càng ngày càng có vẻ triết lý hẳn ra.  Ngoài kia nắng đã lên cao, đổ dài trên con đường nhựa. Hơi nóng bốc khỏi mặt đường rung rinh sương khói.  Buổi chuyển trại rồi cũng xong, mọi người lần lượt trở về nhà, bỏ lại cổng trại sự vắng lặng cô đơn muôn thuở. 
 
                                                                                *                             *
 
Trong thời gian làm việc ở đây để muốn học hỏi thêm Anh Văn, tôi có nhờ Kerry dạy thêm cho chúng tôi sau giờ làm việc.  Từ đó vào các chiều thứ hai, thứ tư và thứ sáu những anh chị em thiện nguyện nào muốn học thêm thì cứ ở lại tham dự.   
 
Một ngày nọ, như thường lệ Kerry hỏi chúng tôi bài bữa trước nhưng tôi vì đêm qua bận ăn nhậu với anh em trong nhà, không có học bài nên không trả lời được.  Thấy tôi lúng túng, Kerry quay sang hỏi Sinh thi nó cũng không biết nên đáp:
 
I don’t know!
 
Nhưng vì nó phát âm chữ “know” như “now” khiến Kerry nhíu mày, chu mỏ hỏi liền làm mọi người không nín được cười:
 
What’s now? 
 
Riêng tôi thì trong bụng vô cùng thắc mắc không hiểu tại sao ở trại đã hơn hai năm rồi mà Sinh vẫn còn có thể phát âm sai một chữ quá dễ như thế chứ? 
 
Giữa lúc mọi người ngồi im lặng thì Kerry trầm ngâm một lúc lâu mới lên tiếng “đại khái là cô ấy xin lỗi vì cô ấy không có qua trường lớp sư phạm nên có thể cô không biết cách giảng dạy làm cho mọi người không hiểu được bài…” khiến tôi mắc cỡ và cảm thấy tội nghiệp nàng vì lỗi đó là ở chúng tôi chứ đâu phải của Kerry mà cô đã tự nhận trách nhiệm như thế!
 
Tôi vô cùng xấu hổ cũng như cảm phục lối giáo dục của Người Mỹ khi so sánh với cách dạy của thầy cô tôi bên nhà hồi trước.  Tôi không dám chê bai hay miệt thị lối giáo dục của Việt 
Nam ta ngày xưa nhưng nền giáo dục cùng phương pháp dạy học của các bậc sư phạm chúng ta hồi trước dựa theo Pháp nên thường rất nặng và hay đánh học trò với suy nghĩ “ thương cho roi cho vọt,” hoặc sỉ vả học sinh trước mặt mọi người trong lớp với mục đích là làm cho người đó mắc cỡ nhằm làm cho người học sinh đó cảm thấy tủi hổ và sẽ cố gắng lên để tránh bị bêu xấu nữa.  Tuy nhiên quan niệm và phương pháp giáo dục này giống như con dao hai lưỡi bởi đôi khi nó sẽ có tác dụng ngược lại khiến cho người học trò kia quá sợ hãi, nhục nhã mà bỏ học luôn. Nó hoàn toàn khác với tinh thần dạy dỗ của Người Mỹ.  Họ thì không đánh, mắng nhưng trái lại đòi hỏi chúng ta phải tự giác, nỗ lực bản thân là chính!
 
Tháng ngày trôi qua, dần dà tôi và Kerry với Sinh thân nhau hơn.  Sau chừng khoảng ba tháng làm việc ở Philippines, một hôm nàng báo cho chúng tôi hay là tuần tới nàng và Mary sẽ đi du lịch Việt Nam chừng mười ngày.  Kerry muốn ghé thăm gia đình tôi với Sinh ở bên nhà nên hỏi chúng tôi có đồng ý không thì cho cổ địa chỉ và muốn gửi thư từ, quà cáp hay nhắn tin gì với gia đình thì cho Kerry biết để nàng về đó chuyển lại.  Trong lúc tôi hân hoan ghi địa chỉ nhà mình thì thằng Sinh cứ lắc đầu quầy quậy từ chối.  Kerry có vẻ không vui khi thấy Sinh từ khước thẳng thừng sự nhiệt tình của mình.  Nàng trấn an Sinh, bảo nó đừng ngại ngần gì cả vì cô rất sẵn lòng giúp đỡ.  Nhưng dù nói mấy thì thằng Sinh vẫn không chịu khiến Kerry thắc mắc hỏi:
 
Why?
 
Cuối cùng dường như cảm thấy không thể giấu mãi được Sinh ngó tôi huỵch toẹt thố lộ:
 
Anh nói giùm với cổ là nhà em rất xa, khó đi lắm.
 
Where?  Kerry băn khoăn hỏi lại khi tôi dịch xong.
 
Ngoài Phú Yên, tuốt trên núi lận!
 
Tôi chưng hửng rồi quay qua nàng nói lại trong khi cô ấy có vẻ nóng ruột đang nhìn hai thằng tôi chăm chú.  Và Kerry thật sự hơi bất ngờ lúc tôi dứt lời, nàng có vẻ ngỡ ngàng nhưng chắc vẫn chưa hiểu rõ nên cất giọng tìm hiểu thêm.
 
What did you do there?
 
Chăn bò!  Sinh đáp
 
Cowherd!  Tôi chuyển lời nó qua Kerry.
 
What?
 
Kerry bật ra thành tiếng, mắt trợn tròn nhìn Sinh trong sự ngạc nhiên tột cùng.  Sinh cũng nhìn hai chúng tôi cười gượng gạo rồi lắc đầu nói lắp bắp gì đó tôi không nghe rõ.  Cả ba im lặng một lúc thật lâu, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng.  Kerry thì cứ trầm ngâm và lấy móng tay bên bàn tay này khe khẽ gỡ nhẹ vào móng của các ngón tay ở bàn bên kia một lúc đoạn nàng đưa mấy ngón tay lên miệng cắn móng theo thói quen tôi thường thấy.  Tuy nhiên theo các nhà tâm lý học ở Mỹ thì thái độ ấy là biểu hiện của sự bối rối, một trạng thái hoang mang, không bình thường về mặt tâm lý.  Rồi để tránh cho Sinh bớt ngượng ngùng cuối cùng nàng cất tiếng lảng sang chuyện khác mà vẻ mặt vẫn còn ưu tư, nghĩ ngợi về hoàn cảnh của Sinh.
 
“  You’re my everything.  The sun that shines above you makes the bluebird sing….tell me I'm in love.  When I kiss your lips….you’re my everything and nothing really matters but the love you bring.  You’re my everything…there’s no storm, my love...when I kiss your lips, I feel the rolling thunder to my fingertips...lala, rada, rada...”
 
Một chiều giữa năm 1994, lúc tôi nằm trong căn nhà tị nạn tồi tàn, rách nát khắp nơi nghe bài “you’re my everything” của Santa Esmeralda là một bản nhạc thuộc loại “love song” để xoa dịu “nỗi đau thời đại của thân phận thuyền nhân cuối mùa” mà Josh; người thiện nguyện viên cuối cùng của IOM đã có lần ngạc nhiên thốt là anh “nhớ mẹ anh vì đó là ‘favorite song’ của bà” khi thấy tôi mở bản nhạc ấy thì Sinh xuất hiện bên ngoài cửa sổ.
 
Sau khi vào nhà chuyện vãn một hồi, nó ngó quanh:
 
Nhà này có mình anh?
 
Ừ, mọi người đi hết chỉ có tao với Dũng “nám” nhưng nó cũng trốn đi Bataan mấy tháng nay rồi.  Cả dãy này hiện giờ chỉ còn mình tao!
 
Sinh lắc đầu rồi chép miệng:
 
Hồi mới “tắp đảo” nhà nào cũng hai mươi mấy người.  Chật cứng, kiếm cái chỗ ngủ không ra, bây giờ thì thênh thang. Đúng là một mình một cõi!
 
Với mèo và chuột nữa mậy.  Tụi nó chạy đầy nhà nè.  Mày ngồi đây đi, chút nữa tụi nó bò ra cho coi.
 
Tôi vừa dứt lời liền có một con chuột ở lỗ hổng sát mặt đất của vách ngăn nhà bằng tấm phên làm từ cót tre ló đầu ra nhìn qua nhìn lại dợm chạy đi. Nhưng thấy bọn tôi đang ngồi, nó lại rụt đầu vào trong. Tôi giơ tay chỉ con chuột cho Sinh xem, nó chắt lưỡi, cười khẩy và chợt đổi đề tài:
 
Anh tính sao?  Tất cả cơ quan đóng cửa hết rồi.  Họ đang thu xếp đồ đạc, dọn đi. Trên Phòng Y Tế, vắng ngắt chẳng còn ai.  Phòng ốc trống trơn, thằng Trân BV vào lục lạo, phá phách, liệng giấy má bay tứ tung, trông thảm thiệt.  Giờ mà bệnh chẳng biết đi đâu chữa bệnh đây!
 
Sau mấy cuộc biểu tình dữ dội chống thanh lọc bất công, phản đối hồi hương không đạt được kết quả gì khả quan trước quyết tâm dồn người tị nạn vào đường cùng của Cao Ủy thì số người trốn trại đi sang những đảo khác buôn “Bà Ba Ngố” và tự nguyện trở về tăng cao.  Gia đình của anh em thằng Long bán than cũng về từ năm ngoái và hiện tại dân số bám trại chỉ còn hơn hai ngàn người.  Cuối cùng, Cao Ủy đã đi đến quyết định đóng cửa trường học, dẹp toàn bộ các cơ quan giúp đỡ ngoại quốc, đóng cửa trại tị nạn, không chu cấp lương thực và chăm sóc sức khỏe cho thuyền nhân nữa mà giao các người ngoan cố không chịu hồi hương cho quân đội và Chính Phủ Phi giam giữ.  Tình trạng thê thảm và thập phần nguy hiểm, khó khăn khiến ai cũng lo âu, do vậy mà lúc này nghe Sinh hỏi tôi cũng hoang mang chẳng biết tính thế nào nên hỏi ngược lại nó:
 
Tao chắc ở lại và dù có đi bán “Balut*” cũng chịu thôi vì dẫu sao đây cũng là xứ tự do .  Còn mày, về hay ở?
 
Vậy à? Em chắc..chắc... xin đi tu quá anh ơi.
 
Tôi bất ngờ với quyết định của Sinh.  Tôi nghĩ nó chọn lựa cách đó là để tránh hồi hương và cũng đỡ phải sống bấp bênh, cực khổ trong các ngày sắp tới mà lại an toàn hơn.  Đấy là lần cuối tôi và Sinh gặp nhau bởi sau đó thì do nhiều biến cố xảy ra như các lần bắt bớ, cưỡng bức hồi hương, lập Làng Việt Nam thì anh em chúng tôi mất hẳn liên lạc với nhau.
 
                                                                                *                             *
 
Năm 1996, khi thuyền nhân ở Phi được Cựu Tổng thống Fidel Ramos cho ở lại thì tôi cũng trôi theo dòng đời, lên đường đi “bán dầu thơm**” kiếm sống.  Thời gian ở Manila có đôi lần tôi vô Đài Veritas của Đức Ông Nguyễn Văn Tài ở Fairfield chơi thì gặp Thầy Rạng (giờ đã là linh mục) và mấy anh em bên Liên Minh Thánh Tâm hay Thiếu Nhi Thánh Thể, tôi có hỏi thăm tình cảnh của Sinh và được biết Sinh vẫn con đi tu nhưng có lẽ khó thành linh mục vì giới hạn về Tiếng Anh của nó.  Tôi không nói gì nhưng lòng thầm hiểu điều đó có lẽ đúng bởi tôi thân với nó nên biết điều đó không sai.  Sau này những người đi tu cùng thời gian với Sinh như Anh Dương, Sơn lần lượt được thụ phong linh mục hết nhưng riêng Sinh thì bặt vô âm tín, không nghe tin tức gì cả.  Bẵng đi một thời gian khá lâu, lúc tôi định cư ở Hoa Kỳ rồi thì có nghe phong phanh là Sinh làm thầy và dạy những lớp giáo lý cho các tân tòng.  
 
Hơn mười năm sau thì thế giới đã có một biến đổi lớn, một bước nhảy vọt của khoa học kỹ thuật mang nhân loại lại gần nhau, đó là sự ra đời của Facebook!  Thành tựu này đưa những người thất lạc tái ngộ và tôi cũng là một người may mắn trong số ấy khi sáng một hôm của năm 2016, lúc tôi mở Facebook ra xem thì bất ngờ nhận được tin nhắn của Sinh và nhờ đó tôi biết Sinh đã tới Mỹ và vẫn còn đi tu.  Tôi nhẫm tính như vậy là Sinh đã đi tu cũng khoảng hai mươi năm chớ ít ỏi gì đâu!  Từ đó anh em chúng tôi thỉnh thoảng “text” cho nhau và tôi thầm cảm phục cho ý chí vô cùng cứng rắn của Sinh.  
Hình 3:  Thiệp mời dự Lễ Thụ Phong Linh Mục của Cha Sinh
 
Tháng Tư năm 2020 vừa qua, tôi nhận được thiệp Sinh mời gia đình tôi qua dự lễ thụ phong linh mục của Sinh vào ngày Thứ Bảy, Sáu Tháng Sáu tại Cathedral of Saint Michael the Archangel, Springfield, Massachusetts.  Cầm phong thư với nét chữ mạnh mẽ, đẹp và khá bay bướm, tôi thật sự bất ngờ, lòng không khỏi ngưỡng mộ người em đã có một sự kiên trì, một quyết tâm đi tu vượt qua số phận nghiệt ngã đẻ̉ theo tiếng gọi thiêng liêng của Chúa suốt nhiều năm dài và mừng em đã đạt được mục đích.  
 
Tuy nhiên vì tình trạng dịch bệnh Covid-19 tại đây hiện dẫn dầu thế giới về số người nhiễm cũng như tử vong do một chính phủ khinh thường khoa học, coi rẻ chuyên gia y tế tạo ra lắm mâu thuẫn to lớn trong cách giải quyết giữa chính quyền và các nhà khoa học của Centers for Disease Control (CDC), bác sĩ của Food and Drug Administration (FDA) cùng “chủ nghĩa tự do cá nhân” quá cao làm cho công việc điều trị trở nên vô cùng khó khăn, phức tạp, đưa đất nước rơi vào rối loạn cùng cực.  Trước nạn dịch hoành hành dữ dội bởi cảnh “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” ấy mọi sinh hoạt, trật tự xã hội đều bị đảo lộn, lệnh cách giản, hạn chế đi lại, bất đồng trong việc có nên “đeo mask” để tránh lây lan hay không...đã làm cho ngày giờ thụ phong linh mục của Sinh bị chậm thêm mấy tháng và chúng tôi cũng đành lỡ mất dịp may sang chung vui với Sinh trong ngày hệ trọng ấy của Ngài.
 
Giờ đây, nhiều đêm nằm trước khi ngủ tôi chợt nhớ tới Cha Sinh, lòng thầm nghĩ ngày xưa trong lúc tôi xem quãng đường khó khăn quá khứ là một thử thách, một khoảng đời đầy chông gai và nước mắt để vượt qua thì Cha lại thấy dưới những đau khổ của con đường kia là những bông hoa, là hạnh phúc để Ngài vững tin tiến bước hoàn thành ước mơ, hầu phụng sự cho các con chiên đúng như Lời Chúa đã nói với Ngài “Ta tạo dựng con ra và đã ban cho con một nhiệm vụ mà không giao cho ai khác.  Đó là trách nhiệm của con! Con hãy nhận lấy !”   
 
Nhân Mùa Lễ Tạ Ơn năm nay sắp tới, con xin nguyện cầu cho Cha Paul Sinh Hồng Trinh được nhiều an lành, trí tuệ được thêm nhiều minh mả̃n, sáng suốt trong ơn gọi của Chúa để xứng đáng là một tôi tớ xuất sắc của Người hầu chăn dắt những con chiên ngoan đạo của Người đến thiên đàng hạnh phúc.  Và cũng xin cám ơn Chúa đã ban cho Ngài một sức mạnh, một niềm tin tuyệt đối để hoàn thành sứ mệnh mà Người đã giao cho Ngài!  
Miamisburg, Mùa Thanksgiving 2020
Triều Phong (TPN)
 
Chú thích:
 
*  :  Hột vịt lộn, tiếng Tagalog là Balut.
 
** :  Tiếng Tagalog là Pabango

Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014, ông tên thật Trần Phương Ngôn, đã sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm, hiện là cư dân Dayton, Ohio. Đây là bài mới nhất của Ông nhân ngày  lễ Thanksgiving

Ý kiến bạn đọc
26/03/202118:09:47
Khách
Anh Ngôn, rất vui khi đọc mấy dòng của anh. Khi tôi mới vào làm ở Cao Ủy, anh Vân đang là trưởng nhóm thông dịch. Hơn 30 năm rồi ! Nếu anh Ngôn có liên với anh Hòa (thông dịch Cao Ủy), thì cho tôi gởi lời kính thăm. Nhiều kỷ niệm ... Hơn 10 năm ở trại, anh biết rõ hơn ai cuộc sống của các PS ... Tôi còn vài tấm hình của các thiện nguyện viên UNHCR, muốn gởi cho anh coi. Anh có thể cho tôi xin email được không, cám ơn anh Ngôn. Chúc anh và gia đình mọi điều may mắn nhất. Nam Phong
20/03/202103:38:03
Khách
Hello Anh Phong,
Rất vui khi được comment của anh. Mình không thể quên được PFAC vì ở đó hơn 10 năm và vẫn nhớ anh hay đi với Chị Sang, má Thuận. Tuy anh em mình không có giao dịch với nhau ở trại nhưng mình vẫn kính trọng anh là một người hiền lành, có tư cách, và mỗi khi có tiền là chiều Chủ Nhật nào mình cũng tới Trường Pháp xem các phim rất giá trị do anh mướn ngoài phố về chiếu cho đồng bào xem nẻn mình biết là anh có kiến thức về điện ảnh Ảu Mỹ rất uyên bác vì hầu như những phim ấy ngày xưa mình đã xem ở Trung Tâm Văn Hóa Pháp hết rồi nhưng vẫn thích xem lại. Mình còn giữ liên lạc của rất nhiều anh em bên đảo như Anh Trần Tiến Nam, Nguyễn Thế Sang, Thầ̀y Nguyễn Đức Hòa; thông dịch Cao Ủy...À, Chú Nguyễn Hoàng Vân, thông dịch UNHCR ở Palawan mới mất ở Florida rồi đó anh. Mình có biết về vụ bảo tàng mà Jan Top đang lo. OK, Ngôn đến Mỹ cũng hơn 20 năm và đang ở Ohio cũng trên 10 năm rồi. Theo mình nghĩ cuộc đời là nghiệp duyên vì thế nếu có duyên thì chúng ta sẽ gặp lại thôi anh. Chúc anh được nhiều an lành.
11/03/202118:18:54
Khách
Chào anh Triều Phong, cám ơn anh đã viết nhiều về PFAC, đọc những bài này tôi thật bùi ngùi nhớ lại bao kỷ niệm vui buồn, lo âu, ... Tôi đã sống 3 năm ở trại, đã biết Jan Top Christensen và Naoko Obi. Tôi có thể hiểu phần nào tâm trạng của anh. Và thật ngạc nhiên khi đọc bài Nhứng Mùa Xuân Bỏ Lại (2010), vì anh có viết về tôi (anh Phong làm thông dịch ở Cao Ủy, và thiện nguyện ở Ecoles Sans Frontieres), chuyện hoa mai với Naoko.... Anh có vẻ nhớ rỏ về tôi, thật vui và bất ngờ. Anh còn nhớ bài đó không ? Anh có liên lạc được với ai ở Cao Ủy không ? Tôi cũng rất vui nếu tìm lại được những người bạn thời dó. Hy vọng có ngày gặp anh Triều Phong ở Mỹ hay ở Pháp. Tôi qua Pháp năm 92, và năm 96 tôi có bay qua Palawan một tuần vì nghe tin đồng bào bị cưỡng bức hồi hương. Lúc đó mới bắt đầu xây Viet village. Cách đây mấy tháng tôi tình cờ liên lạc được với ông Jan Top, ông ta đang có kế hoạch xây dựng một "bảo tàng thuyền nhân Việt Nam ở Puerto Princesa. Cầu chúc anh nhiều sức khỏe và hạnh phúc (và tiếp tục viết về cuộc đời tỵ nạn ở Palawan).
21/12/202020:54:17
Khách
Cám ơn bạn, "Người lỡ đường!"
Tác giả.
17/12/202013:50:27
Khách
Đọc xong bài này tôi thấy rằng dù bởi bất cứ lý do nào thì những thuyền nhân quyết tâm ở lại cũng đã thể hiện lòng quả cảm, can trường chịu đựng vì lý tưởng tự do, không bỏ cuộc giữa chừng. Thể hiện đúng theo câu "Rather die than return!" Do vậy họ có đủ bản lãnh và sức mạnh để đi đến cứu cánh của đời mình như trường hợp của Cha Sinh chẳng hạn. Bravo Cha, bravo các bạn! Những người anh hùng trong trận chiến cuối cùng của trang sử Thuyền Nhân Việt Nam tị nạn cộng sản!
Người lỡ đường.
02/12/202023:07:13
Khách
Ví dụ là theo truyền thống Á Đông, con trai là phải công thành danh tọai, khi còn trẻ phải chịu nhiều áp lực gia đình (con bác B là tiến sỹ, con dì M là bác sỹ, ...) nhất là những gia đình thuộc lọai danh gia vọng tộc, con trai từ trung học là có "maid service" gọi là liên tử (con sen hay là ohsin) lo việc ăn uống, ... và có thể có gia sư riêng (tutor), nhiệm vụ của công tử là học và học (nhưng mà chơi nhiều hơn học). Đến khi ra trường, vào kỹ nghệ, lập gia đính thì lúc đó thì số mệnh mới đến. Phật (Buddha englitement Master in Sanskrit) Thích Ca xuất thân là Hòang Tử cho đến ngày phải đến, Chúa Jesus the Christ (Englitement Master in Hebrew) nghe nói có đi India (Jesus in India is a treatise written by Mirza Ghulam Ahmad, the founder of the Ahmadiyya Movement in 1889). Sau đó Ngài trở lại Trung Đông và bế quan 49 ngày trong sa mạc. Có người nói rằng từ cái ngày mà sứ giả của Thiên Chúa Tòan Năng gởi đến, là cái ngày đủ thứ chuyện làm cho thay đổi quan niệm về đủ thứ, bắt đầu đọc các tác phẩm tôn giáo mà nhiều năm về trước nằm trong diện không đáng quan tâm đến (Thánh Kinh, kinh điển Phật giáo, Khổng Tử, Lão Tử, Mạnh Tử, Huyết Mạch Luận của Bồ Đề Đạt Ma, Pháp Bảo Đàn Kinh của tổ Huệ Năng, Chí Tôn Ca, kinh Quoran, ...) chỉ để ấn chứng những gì mình biết một cách mơ hồ, dù sau này càng ngày càng khá hơn. Trong cuộc đời cái mà khó nhất là cái đầu (Chúa Jesus có một đệ tử gọi là "Thomas đa nghi", nghi ngờ đủ thứ chuyện, không thấy không tin, mà thấy rồi củng nghi ngờ, ... hay là "phước cho ai không thấy mà tin, vì lòng tin là mẹ của tất cả công đức"). Trong kinh thánh củng có nói "Chiến thắng chính mình là quan trọng nhất", . Theo lý thuyết, một linh hồn tòan giác đến từ Đại Niết Bàn đến thế giới nảy, chỉ là để trải nghiệm sự tòan giác của mình (và một cơ hội hiếm hoi trong lịch sữ vũ trụ là đồng nhất thể với Thượng Đế tòan năng. Cúng với tư cách của một người quan sát chứng kiến quá trình hủy diệt 1 phần hay tòan phần của một tinh cầu tùy theo phước báu của nó) là một quan niệm rất là xa lạ từ buổi ban đầu, nhất là một số hiểu biết hòan tòan không có hiện diện trong bất cứ một tác phẩm của bất cứ một tôn giáo nào, hay một nền tàng triết học nào.
02/12/202022:48:30
Khách
>Chuyện về Cha Sinh là bài học lớn của gương thành công đúng như thành ngữ "có công mài sắt có ngày nên kim" của cổ nhân ta ngày xưa.

Vô số người Việt tỵ nạn trở thành bác sỹ, tiến sỹ, nha sỹ, kinh doanh tài ba, kỹ sư, linh mục, tướng lãnh, .... nhờ cần cù bù thông minh, đức năng thắng số mạng (there is a will then there is a way or you can get anything you want only if you want it badly enough). Người xưa thường nói đại phú (tỹ phú) do Thiên (Trời), tiểu phú (triệu phú) do cần (siêng năng & cần kiệm). Mổi con người có một số mạng mà nghe nói có một số phương pháp như tử vi, coi tay, coi tướng, bói bài, .... có thể tiên đóan được số phận 1 người. Và những việc làm cũa họ trong hiện tại hy vọng có thể cái biến tương lai (Hành động tạo nên thói quen. Thói quen tạo nên tính cách. Tính cách tạo nên số phận.)
Hồi xưa đọc sách, xem phim, .... có nói đến chân mạng thiên tử (sinh ra để làm vua. Ví dụ : Ngày 30-11-1700, trong nỗi sửng sốt của cả Nga Sa hoàng Pyotr đệ nhất - tức Pyotr Đại đế. Quân đội Nga đại bại dưới tay địch thủ mà họ dường như "không để vào mắt" là Thụy Điển - đoàn quân bé nhỏ được dẫn đầu bởi một vị quân vương chưa đầy 18 tuổi - vua Karl XII. "ta sinh ra là để lên ngôi, nên lễ tấn phong là vô nghĩa", Karl XII chỉ cho phép một giám mục xức dầu thánh chúc lành cho mình, còn ông tự cầm vương miện đặt lên đầu mình. "Trẫm không phản đối hòa bình. Trẫm chỉ hướng tới một nền hòa bình lâu dài. Quá nhiều nước muốn Thụy Điển suy yếu, và chúng ta phải dựa vào thực lực của mình". Nghĩa là, phải "đánh cho họ biết sợ". Và vị vua chưa đầy 18 tuổi ấy dẫn quân sang tàn phá kinh đô Copenhaghen của Đan Mạch trong tháng 7, rồi dong thuyền vượt biển xuyên qua những cơn bão mùa thu, đón đánh cánh quân Ba Lan đang hướng tới Livonia và đập tan cánh quân này. Trong trận đánh Nga, nếu Karl XII ngự giá thân chinh chỉ huy quân Thụy Điển, thì Pyotr I lại có việc phải quay về Moskva, và trao quyền lại cho một vị Nguyên soái Nga - Fyodor Golovin, cùng một vị tướng người nước ngoài chưa từng có kinh nghiệm thực chiến - De Croy, cuối cùng, toàn bộ quân Nga phải đầu hàng. Karl XII đã ép được Ba Lan truất phế Vua August II, đồng thời đưa một người bạn thiếu thời là Stanislaw Leszczynski lên ngôi. Mặc kệ sự săn đón của cả vua Pháp Loius XIV lẫn vua Anh William III, .... Karl XII không thèm hội kiến ai. Được mệnh danh "người bất khả chiến bại". Karl XII còn muốn trở thành "Người bảo vệ đạo Tin Lành", lật đổ quyền uy Thiên Chúa giáo La Mã ở Vatican. Tiến quân vào đất Nga, với tham vọng tàn phá Moskva và lật đổ Pyotr Đại đế, ép nước Nga phụ thuộc. Lên đỉnh vinh quang khi còn quá trẻ và quá thiếu kinh nghiệm, Karl XII không giữ được chính đôi chân của mình trên mặt đất. Mặc kệ quốc khố trống rỗng, ông tiếp tục xua quân vào những cuộc chinh phạt mới, thế là tiêu đời "người bất khả chiến bại".

Muốn đi xa thì mệnh trời (yếu tố số 1) sau đó là nhân định (trăm hay không bằng tay quen, cần cù bù thông minh) và phải biết phân biệt sự khác nhau giữa tự tin và lòng ngạo mạn. Nói về sự ngạo man, trong kinh thánh Satan (cựu tổng lãnh thiên thần Lucifer bị tổng lãnh thiên thần Michael xử dụng quyền năng của Thiên Chúa trao cho, tống khứ Lucifer và đồng bọn ra khỏi Thiên Đàng (Kingdom of God hay là Đại Niết Bàn (Nirvana, Nir Không, Vana Mong Cầu, chốn cực lạc nên không mong muốn gì cả trong ngôn ngữ của Phật giáo), vì Satan có lòng ngạo mạn vô bờ bến, "Ta sẽ vượt ngàn mây thẳm, sẽ nên như Đấng Tối Cao." Thế là tiêu đời cựu tổng lãnh thiên thần Lucifer.
Trong cỏi đời này, có cái gọi là "Chân mạng Phât tử", là những người sinh ra để thành Phật, để vào Đại Niết Bàn (và có thể đi xa hơn nữa là do sự cố gắng của họ), dù họ không biết thân phận của mình từ thũa thiếu niên.
01/12/202015:48:56
Khách
Cám ơn nhận xét của các bạn.
Kính bút,
Triều Phong (TPN)
01/12/202003:58:54
Khách
Anh Triều Phong kể lại chuyện xảy ra ở trại tị nạn trong các tháng ngày tàn cuộc chiến thuyền nhân nghe quá đắng mà tôi tin là chỉ những ai từng vượt biên và sống ở đảo mới thấm thía được nỗi đắng cay của thân phận cuối mùa. Chuyện về Cha Sinh là bài học lớn của gương thành công đúng như thành ngữ "có công mài sắt có ngày nên kim" của cổ nhân ta ngày xưa. Cám ơn anh đã viết lại một câu chuyện thật kéo dài suốt mấy mươi năm mà cứ tưởng như đùa!
30/11/202004:01:10
Khách
Tác giả có một trí nhớ tốt. Và lời văn thì thật là gọn gàng, lưu loát.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 1,667,088
Tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Năm 2019, Tác giả nhận thêm giải Chung Kết Vinh Danh Tác Giả Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ hay còn gọi là giải Hoa Hậu. Tốt nghiệp Y Khoa Huế, thời chiến tranh Bác sĩ Vĩnh Chánh đã là Y Sĩ Trưởng binh chủng Nhảy Dù.
Tác giả đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước và mới nhận giải Viết Về Nước Mỹ Đặc biêt 2018 và giải Danh dự 2019. Bài đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà tới hơn 400 người tử vong- Hiện ông đang là cư dân Orlando, Florida, vùng đất rất quen với bão lụt.
Lời tòa soạn: Độc giả theo dõi Viết Về Nước Mỹ hẳn quen thuộc với ngòi bút Nguyễn Trung Tây. Tác giả là một linh mục dòng Ngôi Lời, và là người nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2010, khi ấy Tác Giả đang làm việc với thổ dân các thôn làng hẻo lánh vùng sa mạc miền Trung Úc Châu, không kịp về lãnh giải. Cụ bà Hà Thị Phức, năm ấy 86 tuổi, là nhân vật chính bài “Mẹ, Mẹ Tôi” của tác giả từ San Jose đã bay về nhận giải thay người con linh mục viết văn. Hôm nay, nhận tin Bà Cố đã được Chúa gọi về, Việt Báo và toàn ban tuyển chọn Viết Về Nước Mỹ xin thành kính phân ưu cùng tác giả Nguyễn Trung Tây và cùng dâng lời cầu nguyện cho linh hồn Bà Cố Maria Hà Thị Phức sớm an hưởng nhan thánh Chúa. Xin đăng lại bài “Mẹ, Mẹ Tôi” để tưởng nhớ.
Lịch sử nhân loại đã từng diễn ra bao nhiêu trận chiến kinh hoàng, xương chất thành núi máu chảy thành sông vì chuyện màu cờ sắc áo. Với người Việt nam thì ai quên được bức ảnh những người lính Thuỷ quân lục chiến của quân đội Việt nam Cộng hoà cắm cờ quốc gia sau khi tái chiếm Cổ thành ở Quảng trị vào mùa hè đỏ lửa năm 1972. Có thể đó là tấm ảnh đã làm thay đổi cậu bé tôi vì chào cờ mỗi sáng thứ hai đầu tuần ở sân trường học, cậu bé tôi chỉ chăm lo cho bộ đồng phục của mình thẳng thớm, cột dây giày đã đúng cách chưa để không bị phạt
Trời cuối thu, những chiếc lá vàng bay lượn trên không rồi từ từ thả mình xuống mặt đất. Thỉnh thoảng một cơn gió nhẹ lướt qua, đám lá trên cành lao xao và khi trời lộng gió từng đám lá lià cành tung mình khắp không trung. Cảnh đẹp như tranh vẽ. Chỉ vài ngày nữa thôi, chiếc lá cuối cùng rụng xuống, cây sẽ chỉ còn những cành trơ trụi, khẳng khiu. Bà bước ra khu vườn nhỏ, lững thững đặt chân trên thảm lá vàng, những chiếc lá khô như vỡ vụn dưới từng bước chân. Không gian tĩnh lặng, êm đềm. Bà hít thật sâu, thở ra thật nhẹ. Bà đếm từng hơi thở, chú tâm đến từng bước chân đi, đầu óc nhẹ nhàng, tâm hồn thanh thản. Cứ lẳng lặng như thế cho đến lúc thấm mệt bà ngả người trên chiếc võng ngước nhìn lên trời cao tìm mây. Trời xám buồn, chỉ có vài quầng mây mỏng, ửng nắng.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam. Bà tên thật Nguyễn thị Ngọc Hạnh, trước 1975 đã là giáo sư trung học đệ nhị cấp tại Saigon. Cùng gia đình tới Mỹ từ 1979., hiện hưu trí tại miền Đông và vẫn tiếp tục viết. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Gia đình cô Loan qua Mỹ năm 1995 theo diện HO. Cô có 3 người con, Tuấn (trai đầu) có gia đình ở Sacramento lái xe về nhà cô khoảng 2 tiếng đồng hồ, Kiệt (con nhì) và gái út là Thanh Phương làm việc bên Washington D.C và Texas. Cô chú đến tuổi nghỉ hưu nên cũng tìm niềm vui tuổi già. Cô Loan thích đọc sách và đi Chùa, còn chú Phi ưa gặp bạn bè uống cà phê tán dóc và tham gia sinh hoạt bạn “tù cải tạo”, bạn chung đơn vị lính, bạn trường học cũ và khoá Thủ Đức. Từ khi bị bệnh dịch Covid_19, cô chú chỉ biết bó gối xem tivi, xem phim và ra vô khu vườn tỉa hoa nhổ cỏ. Thỉnh thoảng Tuấn cũng lái xe lên thăm ba mẹ.
Chúng ta đang sống trong một đất nước an bình, thịnh vượng, và no ấm nên ít ai phải bận tâm với cái đói; chúng ta chỉ lo hôm nay phải đổi món ăn gì cho ngon miệng mà không ngán. Vậy mà ngay trên đất Mỹ này, nơi mà thực phẩm, thức ăn đầy đủ nếu không muốn nói là dư thừa và rẻ nhất thế giới, tôi vẫn còn giữ cái tật không cần thiết là tích trữ thực phẩm, đồ ăn khô phòng khi đói, bảo đảm giữ được phẩm chất 10 năm, và vài thùng nước 20-gallon màu xanh.
Tác giả đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước và mới nhận giải Viết Về Nước Mỹ Đặc biêt 2018 và giải Danh dự 2019. Bài đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà tới hơn 400 người tử vong- Hiện ông đang là cư dân Orlando, Florida, vùng đất rất quen với bão lụt.
Mấy năm gần đây, khi hai con đã lớn, chúng rời tổ ấm để đi học xa nhà, vợ chồng Tùng có thời gian rảnh rỗi làm những việc mình thích. Vợ chàng, sau những ngày đi làm ở hãng về, nàng lại lục đục trong bếp nấu ăn, làm bánh. Nàng siêng lắm nên tuần nào cũng làm đủ loại bánh rồi ép chàng ăn. Nhưng giờ tuổi cũng lớn, chàng sợ các loại bệnh nhà giàu như tiểu đường, cao huyết áp, mỡ trong máu, nên kiêng ăn tinh bột và đường