Hôm nay,  

Lạc Quên Đường Về

26/02/202420:03:00(Xem: 2575)
Nhà thờ e_Phuoc An Thy
Hình tác giả gửi. 

 

Tác giả qua Mỹ trong một gia đình H.O. từ tháng Sáu năm 1994, vừa làm vừa học và tốt nghiệp kỹ sư điện tử. Là cư dân Garden Grove, California, lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018, ông đã nhận giải đặc biệt về Huế Tết Mậu Thân  và giải đặc biệt năm 2023. Sau đây là bài viết mới nhất của tác giả về trí nhớ người già.

 

*

 

Không biết tại sao khi nói tôi nói rất ngắn, nhưng viết thì lại dài dòng. Nếu bạn nào không có thời gian để đọc hết bài viết thì kéo xuống đọc đoạn cuối bài là được rồi. Đoạn cuối là lúc tôi gọi điện thoại và đầu dây bên kia trả lời:

- Văn phòng bác sĩ, cần giúp gì ạ?

- Tôi muốn gặp bác sĩ.

- Chú phải lấy một cuộc hẹn.

- Tôi không muốn lấy hẹn, tôi chỉ muốn nói chuyện với bác sĩ một chút thôi.

- Nhiều hay ít thì chú cũng phải lấy hẹn trước.

- Tôi đã nói là tôi không cần lấy hẹn, tôi cần gặp bác sĩ.


Đó là bắt đầu của đoạn cuối bài viết.

Còn đây là đoạn dài dòng. Có nhiều chuyện, nhiều việc tôi nhớ dai, chỉ có điều là tôi hay quên tên và đường về nhà. Dù tôi không mắc chứng suy giảm trí nhớ, bị bệnh lãng, vậy mà thỉnh thoảng cứ quên quên nhớ nhớ để rồi bị lạc đường. Mỗi lần định đi đâu, tôi đều xem bản đồ, viết ra giấy thật rõ ràng, chi tiết đến đường nào thì quẹo phải, đường nào rẽ trái và khi đi về thì làm ngược lại.

Chắc các bạn cũng đã có lần bị nhầm, lạc đường. Không biết các bạn thì sao, chứ tôi khi bị lạc đường, tôi không thấy mình quá bối rối, vẫn bình tĩnh và nghĩ, “Giá mà mình bị lạc vào thiên đường trần gian thì hay biết mấy”. Có lẽ tôi bình tĩnh như vậy vì bị lạc đường riết thành quen và vì bây giờ có sự trợ giúp từ Google Map hoặc Iphone để tìm đường, nơi mình cần đến.

Đó là khi còn tỉnh, chứ lúc uống bia rượu vào thì dù ít hay nhiều gì tôi cũng không còn biết phương hướng nào để về nên cần sự giúp đỡ của bạn bè. Có nhiều lần đến nhà bạn chơi, dù đã đến đó hàng chục lần, nhưng khi rượu vào, tôi lại hỏi bạn bè, đường nào về nhà tôi. Lần đầu tôi hỏi như thế, chúng bạn cười rộ lên vì tưởng tôi nói đùa. Lâu ngày, tôi hỏi hoài thì các bạn biết là tôi không nhớ đường về nhà thật. Bạn bè nói, đã uống rượu bia thì đi Uber về, chứ lái xe như vậy nguy hiểm lắm, nhưng tôi đâu có uống nhiều và vẫn rất tỉnh táo, chỉ là tôi không nhớ đường về. Những lần như vậy, khi thì bạn này lúc thì bạn khác lái xe chạy trước dẫn đường cho tôi lái xe theo sau về nhà.

Có lần, một người bạn rất tận tình, bạn ấy lái xe chạy chậm để tôi theo kịp, về đến trước cổng nhà tôi, bạn ấy dừng xe lại. Tôi dừng xe phía sau xe bạn ấy, chờ mấy phút mà bạn ấy chẳng chịu đi về nên tôi cứ đậu xe chờ. Cuối cùng bạn ấy quay kiếng xe xuống, chỉ tay vào nhà tôi, nói lớn:

- Nhà của anh đó, vào đi.

Thì ra bạn ấy sợ tôi không nhận ra nhà của mình nên chờ tôi lái xe vào sân, rồi bạn ấy mới lái xe về.

Có một tối kia, người có chút hơi men, dù không có bạn giúp, tôi cũng lái xe về đến nhà mình bình yên. Tôi bấm cái remode điều khiển từ xa mấy lần, nhưng vẫn “cổng đóng then cài”. Cổng hư rồi à? Ơ nhà mình sao bỗng dưng to thế? Nhìn tới nhìn lui thì ra là căn chung cư gần nhà. Tôi dáo dác nhìn quanh xem có ai thấy không, rồi luống cuống lái lùi xe lại mấy trăm thước mới đến đúng cổng nhà mình.

Nhiều người có thể nhớ đường rất tài tình, còn tôi thì chật vật vì mù đường. Nguyên nhân nào làm tôi khó ghi nhớ các con đường và không đoán được phương hướng? Sau khi tự loại trừ các căn bệnh khác ra thì phát hiện, não bộ của tôi bị bệnh làm biếng ghi nhớ chính xác các vị trí và lười nhét tên các con đường vào vùng não nhận thức của mình.

Có vài người bạn nói, họ hay bị quên trước quên sau tại vì tiêm chích quá nhiều liều thuốc chống ngừa Covid. Tôi cũng hay quên, nhưng có thể là vì tuổi nhiều, thế thôi. Không ai nói trước được là mình sẽ nhớ mãi và quên là một điều đáng sợ.

Biết vậy, song tôi cũng khônɡ thể nào tưởnɡ tượnɡ được chuyện mình đãng trí đến vậy. Thời gian gần đây, tôi được giới thiệu vào làm việc trong Hội Đồng Mục Vụ của một xứ đạo. Nhân Thánh Lễ Mở Tay của một Tân Linh Mục, tôi được đại diện Ban Thường Vụ, Hội Đồng Mục Vụ Cộng Đoàn, Giáo Xứ lên phát biểu chào mừng, cảm ơn Tân Linh Mục. Trong Thánh Lễ Đồng Tế có bốn Linh Mục, một Thầy Phó Tế, nhiều Sơ, các Tu Sĩ Nam Nữ và cả ngàn Giáo Dân. Tôi kính thưa vanh vách tên từng Linh Mục, Thầy Phó Tế, các Tu Sĩ Nam Nữ, các ban ngành hội đoàn. Tôi thấy mình nói đúng hết, vậy mà khi bước xuống, có người nói là tôi đọc sai họ của Thầy Phó Tế. Tôi bị “tắc não” rồi sao?

Có thể vì tên của ba trong bốn Linh Mục đều là họ Nguyễn khiến tôi vô tình nói họ của Thầy Phó Tế từ Đỗ qua họ Nguyễn chăng. Khoảng gần đây, nhiều khi trong đầu tôi thấy màu đen lại nói trắng, nghĩ chữ này lại nói ra chữ khác. Trong đầu nghĩ Thầy họ Đỗ, nhưng lại nói họ Nguyễn. Có dịp tôi phải gặp và xin lỗi Thầy vì đã mộ phạm đổi họ của Thầy.

Nghĩ một đằng nói một nẻo không phải chỉ riêng tôi, tôi tự an ủi để cho sự việc có vẻ tốt hơn so với thực tế. Có ca sĩ đến khúc cao trào vẫn quên ca từ. MC đến hồi gay cấn vẫn đọc nhầm tên ca sĩ và bài hát đó thôi. Có nhiều diễn giả nổi tiếng, đôi lúc đang hăng say nói, vẫn “bay não” và quên mất phải nói gì tiếp theo. Người nào thì cũng có lúc quên vài từ hay tên một người trong lúc chuyện trò.

Có lần tôi phải hối tiếc vì tình huống não nghĩ thế này mà miệng lại phát ra thế khác. Bạn tôi hỏi mời:

- Ăn cơm chưa? Đi ăn với tao.



Trong đầu tôi định nói “Chưa” và “Yes”, nhưng miệng tôi lại vô thức nói nhầm “Rồi” và “No”. Thật là tiếc.

Như đã nói, kiểu nghĩ một đằng nói một nẻo của tôi là do tuổi tác làm đầu óc không còn hoạt động bình thường, chứ chẳng liên quan gì đến cách nghĩ một đằng nói một kiểu của đàn bà con gái rất hay.

Chưa kịp xin lỗi Thầy Phó Tế, hôm sau tôi lại bị đãng trí nữa. Đúng là “Cơn ông chưa qua, cơn bà lại đến”. Tôi đi mua vài thứ ở một tiệm tạp hoá. Từ xa tôi thấy một bạn gái học cùng trường mà đã rất lâu không gặp. Tôi vội vàng tiến tới, chặn trước mặt cô bạn và vui mừng nói:

- Hi Hoa! Lâu ngày quá, Hoa khoẻ không?

Cô bạn học tròn mắt nhìn tôi, vẻ mặt ngạc nhiên. Cô ta không trả lời mà bỗng nguýt mắt một cái thật sắc lẹm khiến sống lưng tôi ớn lạnh. Với vẻ giận hờn, cô bạn lách nghiêng mình bỏ đi thật nhanh.

Tôi đứng sững người như trời trồng vì quá bất ngờ. Tôi nghĩ suy lao lung, mình có bị mắt quáng gà nhìn lộn người không? Nhất định là tôi quen biết cô ta mà. Trước đây mình có làm điều gì khiến bạn ấy phật lòng không? Tôi hoang tưởng nghĩ, hay trước đây mình có tỏ tình, nói lời yêu với bạn ấy rồi gian dối không ta? Có thể cô ta hiểu lầm cho rằng tôi là một tên “nhặt lại tình xưa”? Tôi lật ngược quá khứ mấy lần và thấy chẳng có làm điều gì khiến bạn ấy buồn giận, cũng như tôi chưa bao giờ nói lời yêu thương với cô ấy. Tôi suy nghĩ nát óc mà vẫn không hiểu vì sao mình bị bạn ấy giận.

Thấy cô bạn học đang đi ra bãi đậu xe, tôi vừa lật đật chạy theo vừa kêu lên ầm ĩ:

- Hoa ơi đợi đã, đợi đã!

Bạn Hoa dừng bước, quay người lại đứng chờ tôi đến. Đứng trước mặt Hoa, dù thấy bạn ấy có hơi đẫy đà hơn xưa, nhưng để lấy lòng, tôi nói:

- Kỳ này Hoa thon thả đẹp hẳn ra.

Cô ta lườm tôi một cái rồi định quay lưng đi tiếp. Thấy vậy, tôi liền vội hỏi:

- Anh suy nghĩ nhức cả đầu mà vẫn không biết mình đã làm gì để Hoa giận anh dữ vậy. Hoa nói cho anh biết với.

Lần này cô ta phối hợp lừ mắt lườm và chu môi, nói lớn:

- Cái anh dở người, tôi không phải Hoa, tôi tên Hồng. Nhớ chưa?

Chợt nhận ra cô ta đúng là tên Hồng, tôi lúng túng nói:

- Hồng đi chậm thôi, coi chừng ngã.

Cô bạn học đưa môi trề bĩu ra, nguýt “xì” một tiếng dài sắc nhọn rồi day mặt bỏ đi. Tôi đứng trơ ra giữa bãi đậu xe, mặt mày lơ láo và tôi thấy thương mình quá.

Những cái nguýt, lườm của cô bạn làm tôi thật sáng mắt sáng lòng mà “quán chiếu” ra là trí óc mình đã bắt đầu có dấu hiệu của sự lão hóa. Cũng may là não tôi chưa phạm lỗi lầm nghiêm trọng gây ra những việc bất thường như kiểu nói đi ăn cơm, nhưng ra đến quán lại gọi phở.

Bụng làm dạ phải chịu gỡ thôi!

Trưa hôm qua tôi gặp một người đi lạc, quên đường về như tôi nên tôi rất thông cảm cho người như vậy. Người đó là một cụ bà lưng còng, tóc bạc trắng, đứng trước một siêu thị. Lúc ấy siêu thị thưa người. Bà cụ có vẻ hơi hoảng loạn, hỏi tôi:

- Cháu có điện thoại cầm tay không?

- Dạ có.


Đưa cho tôi tấm danh thiếp một văn phòng bác sĩ, bà cụ nói:

- Cháu gọi con của bà đến đón bà về với.


Tôi gọi điện thoại và đầu dây bên kia trả lời:

- Văn phòng bác sĩ, cần giúp gì ạ?

- Tôi muốn gặp bác sĩ.

- Chú phải lấy một cuộc hẹn.

- Tôi không muốn lấy hẹn, tôi chỉ muốn nói với bác sĩ một chút thôi.

- Nhiều hay ít thì chú cũng phải lấy hẹn trước.

- Tôi đã nói là tôi không cần lấy hẹn, tôi cần gặp bác sĩ.

Đầu dây bên kia cúp điện thoại. Tôi bấm số gọi lại lần nữa. Đầu dây bên kia trả lời:

- Văn phòng bác sĩ, cần giúp gì ạ?

- Tôi muốn gặp bác sĩ.

- Lại chú nữa à. Chú phải lấy hẹn mới gặp được bác sĩ.

Sợ bị cúp điện thoại nữa nên tôi nói nhỏ nhẹ:

- Đây là chuyện khẩn cấp và riêng tư, tôi chỉ muốn nói với bác sĩ vài câu thôi. Nhờ cô cho tôi nói chuyện với bác sĩ.

- Chú chờ một tí.

Tôi nghe tiếng nói chuyện rì rào ở đầu dây bên kia. Lát sau, một giọng đàn ông có vẻ hơi cáu kỉnh:

- Tôi là bác sĩ, chú cần giúp gì thì nói đi. Tôi bận lắm, rất nhiều bệnh nhân đang chờ đợi.

- Tôi không cần bác sĩ giúp tôi.

Giọng bác sĩ gay gắt:

- Chú có biết một giờ tôi làm bao nhiêu tiền không?

Tôi không thể nào tưởng tượng được một bác sĩ lại ăn nói “phàm phu tục tử” như thế. Tôi chửi thầm trong đầu, “Ăn học đến bác sĩ mà nói chuyện mất nết”. Tôi bực bội nói:

- Tôi không cần biết bác sĩ làm một giờ bao nhiêu tiền, nhưng có một bà cụ đi lạc, nói là mẹ của bác sĩ, nhờ tôi gọi bác sĩ ra đón bà cụ về.

Vị bác sĩ im lặng một lúc rồi nói:

- Chú cho tôi nói chuyện với bà.

Tôi đưa điện thoại cho bà cụ. Hai người nói chuyện vài câu, biết đúng là mẹ mình, bác sĩ nói với tôi:

- Chú giữ cụ bà lại, cho tôi địa chỉ tôi đến liền.

Tôi nói tên siêu thị nơi tôi và bà cụ đang đứng. Bác sĩ nói đến đón liền vậy mà hơn nửa tiếng sau mới đến. Vị bác sĩ đưa người mẹ lên xe, rồi quay sang nói với tôi:

- Cảm ơn chú, cám ơn chú.

Tôi nghiêm giọng:

- Không có chi. Bác sĩ có biết một giờ tôi làm bao nhiêu tiền không?

- Xin lỗi chú vì hiểu lầm nên có lời thô lỗ, xin chú bỏ qua.


Tôi cười xoà:

- Tôi chỉ nói đùa thôi.

Trong thời gian chờ đợi vị bác sĩ kia đến, bà cụ chuyện trò tâm sự về đời sống của bà cụ. Tôi im lặng lắng nghe, miễn tuổi già vui là được rồi. Nhờ đó tôi mới biết thêm tâm tư của người già. Người già ở trong nhà hoài, cảm thấy cô đơn, bị cô lập với xã hội, thấy chán nên hay lẻn ra ngoài đi khắp nơi và dễ bị lạc. Mặc dù cụ bà được con cái mướn người đến tận nhà chăm sóc, lo ăn uống đầy đủ, nhưng với người già như thế là chưa đủ.

 

Phước An Thy

Ý kiến bạn đọc
27/02/202418:58:29
Khách
Cảm ơn Lại Thị Mơ đã khích lệ.
Phước An Thy
27/02/202417:07:21
Khách
Hay quá, nhất là đoạn gọi ông bác sĩ ( con ). Tác giả đùa dai, chọc ghẹo ông bs nên mới nghe được câu " bất hủ "( kèm theo một lô bất, bất bình, bất lịch sự).
Mày có biết bố tao là ai không?
Ông có biết tôi làm một giờ bao nhiêu không?
Hai câu này coi chừng tràn lan trên mạng.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 412,200
Chuyện bão tố hay cúp điện, mất điện đối với người Việt, hay nói chính xác hơn là “người Mỹ gốc Việt” khi còn ở quê nhà thì chỉ là điều... bình thường, quen thuộc, “nói hoài, nói mãi”, xưa rồi Diễm, ít quan tâm. Hay có quan tâm, thì chỉ là những cơn giông bão lớn, với số người phải chịu cảnh thiên tai này là quá lớn, cần sự quan tâm và cứu trợ của cả nước, hay thậm chí là những nước khác giúp đỡ! Riêng việc bị mất điện, cúp điện thì chẳng chết “thằng Tây” nào, và cũng có nhiều nơi, nhiều địa phương là chuyện như “cơm bữa”, là chuyện “thường ngày ở huyện”. Bởi cũng đã từng có nhiều người, nhiều gia đình, cả đời chưa hề... biết “xài điện” là gì, cho nên, có người vui miệng, từng xổ “tiếng Tây, tiếng u” là... “No table” hay “No star where”, dịch diễn nôm na là “miễn bàn”, “không sao đâu” đó thôi!
Cô sinh ra trong một gia đình trung lưu trí thức. Ba cô là đại úy không quân. Lương của ông không nhiều, nhưng đủ nuôi vợ và đàn con sáu đứa. Như đa số những phụ nữ thời bấy giờ, mẹ cô chỉ ở nhà quán xuyến gia đình. Mọi việc sẽ thuận lợi theo dòng đời, nếu không có hai biến cố đột ngột xảy ra...
Tác giả tên thật là Phương Nguyễn. Sinh năm 1957 tại Phủ Cam, Huế, là cựu học sinh trường Jeanne D'Arc. Bà hiện ở tại thành phố Seattle, tiểu bang Washington. Tác giả vừa nhận giải Đặc Biệt năm 2023. Bài viết dưới đây là câu chuyện buồn về sự ra đi bất ngờ của người con trai, đồng thời là lời tri ân sự chăm sóc tận tình của bệnh viện Harborview – Seattle, USA.
Hằng năm vào khoảng cuối tháng năm khi trăm hoa đua nở, khí hậu ôn hòa vừa nắng ấm vừa mát mẻ, thì khắp nơi xứ cờ Hoa, học trò các cấp lớp được nghỉ hè, rời mái trường thân yêu một thời gian. Khi ấy các cô cậu có thể đi du ngoạn với gia đình, tìm việc làm ngắn hạn trong mùa hè, hay chỉ nghỉ ngơi thỏa thích bù thời gian vất vả thức khuya dậy sớm suốt niên học.
... Từ vài chục năm nay, chúng ta đã đồng ý với sự phân chia thành ba thế hệ người Việt đang sống ở nước ngoài: (1) Thế hệ thứ nhất gồm những vị đã thông tạo tiếng Việt vả chữ Việt tại quê nhà trước khi bỏ nước ra đi. (2) Thế hệ một rưỡi gồm những người rời khỏi quê nhà trong tuổi thiếu nhi chưa rành rẽ chữ và tiếng Việt. (3) Người trẻ được sinh ra ở quê hương thứ hai. Theo nhận xét của tôi thì việc đọc sách và báo Việt không có được sự hân hoan tương đương như trên. Tôi không dám viết ra đây phần trăm ít ỏi đã lượng định, xin quý độc giả tự làm việc này. Vậy ta phải làm gì để Giúp Thế Hệ Sau Đọc Sách Báo Việt? Ta hãy làm thế nào mà chợt có dịp may, một người thế hệ sau cầm quyển sách hay tờ báo đọc thử, nếu họ hiểu thì mới có cơ may họ sẽ tiếp tục đọc sách báo Việt. Nếu không hiểu thì họ sẽ từ giã, rất khó sẽ thử lại một lần nữa. Việc làm này cũng giúp cho toàn dân Việt nhìn rộng ra thế giới...
Vì quê nhà đổi chủ, nên bà con mới phải lưu lạc xứ người. Ma cũ là người qua trước. Ma mới là người đến sau, “trâu chậm uống nước đục “. Những người may mắn thoát được trước ngày tan hàng, đã ổn định đời sống từ lâu. Kế đến là những thuyền nhân vượt biên sớm. Còn người kẹt trong các trại tù cải tạo mới được qua sau này, hầu hết toàn con cháu bà Cả đọi, được chính phủ Mỹ cho qua theo diện tị nạn, đa số đều lớn tuổi, tiền bạc eo hẹp. Bởi vậy khi có người lân la hỏi thăm có nhận giữ trẻ không? Họ sẽ trả tiền mặt. Tôi như chết đuối vớ được ván.
Năm 2009 sau chuyến đến Nam Cali thăm gia đình và bạn hữu, tôi viết bài tường thuật cuộc phiêu lưu của tôi tại Orange County, lên Las Vegas, San José, trước khi rời Cali trở về nhà. Ly Kai, biệt danh ông kẹ đi bán chính thức, chủ xị của nhóm Văn Khoa tại đây với Mỹ Dung thường tổ chức mấy bữa họp mặt mỗi khi các bạn từ xa đến đây chơi. Trở về nhà, tôi viết một bài về chuyến du hành năm đó và gửi cho các bạn đọc cho vui, Mỹ Dung khuyên tôi gởi bài này cho báo Người Việt. Mấy tuần sau, bài «Mưa Cali» được NV đăng báo, và cô MC Hồng Vân đọc trên đài VOA tiếng Việt.
... Chúng tôi chia tay, ra về với những nụ cười trên môi. Emily, cô bạn Mỹ tánh tình thẳng thắn, chân thật đã giúp tôi hiểu được những cú sốc văn hóa Việt trên đất Mỹ. Emily đã giúp tôi hiểu được sự khác nhau giữa hai nền văn hóa Việt Mỹ, nhờ buổi nói chuyện này mà chúng tôi trở nên hiểu nhau hơn và thân nhau hơn.
Ông Đại biết con Hoài Hương vẫn còn quá trẻ, tính cách chưa định hình, bản dạng giới tính còn lừng khừng, cứ để một thời gian nữa thì nó sẽ tự phát triển và hoàn thiện, lúc ấy thì nó như thế nào thì đó đúng thật là bản tánh của nó. Hãy chấp nhận nó, yêu thương nó như nó là vậy! Đừng vì cái sĩ diện hão của mình mà cưỡng ép con Hoài Hương phải theo cái ý chí chủ quan và cực đoan của mình. Ông bảo bà Thu: “Bà thương con thì phải chấp nhận tình yêu của con, hãy sống vì hạnh phúc của con chứ không thể vì cái danh tiếng của bà”...
Sau những lần ốm đau bịnh hoạn rề rề mà không rõ lý do vào những tháng cuối hồi năm ngoái, Trang bỗng dưng trở nên chậm chạp và nhút nhát hẳn đi. Đầu óc cũng ù lì kém tinh nhanh, làm trước quên sau. Ai dặn cái gì cũng chẳng nhớ. Phải chăng đó là triệu chứng của bịnh… “đã toan về già”? Cách chữa đúng nhất là phải có một người bạn đời để nâng đỡ và chăm sóc nhau trong những lúc trái gió trở trời như thế. Nhưng nếu rủi người bạn đời của mình sức khoẻ không thành vấn đề mà lại bị bịnh (nói theo phim bộ của Tàu) là “si khờ người già” trước mình thì chỉ có nước cùng nhau nắm tay trực chỉ… viện dưỡng lão cho rồi chứ con cái làm sao có thì giờ mà chăm sóc cho nổi. Ôi! Viển ảnh cuối đời người sao mà thê thảm.
Nhạc sĩ Cung Tiến