Hôm nay,  

Lạc Quên Đường Về

26/02/202420:03:00(Xem: 2572)
Nhà thờ e_Phuoc An Thy
Hình tác giả gửi. 

 

Tác giả qua Mỹ trong một gia đình H.O. từ tháng Sáu năm 1994, vừa làm vừa học và tốt nghiệp kỹ sư điện tử. Là cư dân Garden Grove, California, lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018, ông đã nhận giải đặc biệt về Huế Tết Mậu Thân  và giải đặc biệt năm 2023. Sau đây là bài viết mới nhất của tác giả về trí nhớ người già.

 

*

 

Không biết tại sao khi nói tôi nói rất ngắn, nhưng viết thì lại dài dòng. Nếu bạn nào không có thời gian để đọc hết bài viết thì kéo xuống đọc đoạn cuối bài là được rồi. Đoạn cuối là lúc tôi gọi điện thoại và đầu dây bên kia trả lời:

- Văn phòng bác sĩ, cần giúp gì ạ?

- Tôi muốn gặp bác sĩ.

- Chú phải lấy một cuộc hẹn.

- Tôi không muốn lấy hẹn, tôi chỉ muốn nói chuyện với bác sĩ một chút thôi.

- Nhiều hay ít thì chú cũng phải lấy hẹn trước.

- Tôi đã nói là tôi không cần lấy hẹn, tôi cần gặp bác sĩ.


Đó là bắt đầu của đoạn cuối bài viết.

Còn đây là đoạn dài dòng. Có nhiều chuyện, nhiều việc tôi nhớ dai, chỉ có điều là tôi hay quên tên và đường về nhà. Dù tôi không mắc chứng suy giảm trí nhớ, bị bệnh lãng, vậy mà thỉnh thoảng cứ quên quên nhớ nhớ để rồi bị lạc đường. Mỗi lần định đi đâu, tôi đều xem bản đồ, viết ra giấy thật rõ ràng, chi tiết đến đường nào thì quẹo phải, đường nào rẽ trái và khi đi về thì làm ngược lại.

Chắc các bạn cũng đã có lần bị nhầm, lạc đường. Không biết các bạn thì sao, chứ tôi khi bị lạc đường, tôi không thấy mình quá bối rối, vẫn bình tĩnh và nghĩ, “Giá mà mình bị lạc vào thiên đường trần gian thì hay biết mấy”. Có lẽ tôi bình tĩnh như vậy vì bị lạc đường riết thành quen và vì bây giờ có sự trợ giúp từ Google Map hoặc Iphone để tìm đường, nơi mình cần đến.

Đó là khi còn tỉnh, chứ lúc uống bia rượu vào thì dù ít hay nhiều gì tôi cũng không còn biết phương hướng nào để về nên cần sự giúp đỡ của bạn bè. Có nhiều lần đến nhà bạn chơi, dù đã đến đó hàng chục lần, nhưng khi rượu vào, tôi lại hỏi bạn bè, đường nào về nhà tôi. Lần đầu tôi hỏi như thế, chúng bạn cười rộ lên vì tưởng tôi nói đùa. Lâu ngày, tôi hỏi hoài thì các bạn biết là tôi không nhớ đường về nhà thật. Bạn bè nói, đã uống rượu bia thì đi Uber về, chứ lái xe như vậy nguy hiểm lắm, nhưng tôi đâu có uống nhiều và vẫn rất tỉnh táo, chỉ là tôi không nhớ đường về. Những lần như vậy, khi thì bạn này lúc thì bạn khác lái xe chạy trước dẫn đường cho tôi lái xe theo sau về nhà.

Có lần, một người bạn rất tận tình, bạn ấy lái xe chạy chậm để tôi theo kịp, về đến trước cổng nhà tôi, bạn ấy dừng xe lại. Tôi dừng xe phía sau xe bạn ấy, chờ mấy phút mà bạn ấy chẳng chịu đi về nên tôi cứ đậu xe chờ. Cuối cùng bạn ấy quay kiếng xe xuống, chỉ tay vào nhà tôi, nói lớn:

- Nhà của anh đó, vào đi.

Thì ra bạn ấy sợ tôi không nhận ra nhà của mình nên chờ tôi lái xe vào sân, rồi bạn ấy mới lái xe về.

Có một tối kia, người có chút hơi men, dù không có bạn giúp, tôi cũng lái xe về đến nhà mình bình yên. Tôi bấm cái remode điều khiển từ xa mấy lần, nhưng vẫn “cổng đóng then cài”. Cổng hư rồi à? Ơ nhà mình sao bỗng dưng to thế? Nhìn tới nhìn lui thì ra là căn chung cư gần nhà. Tôi dáo dác nhìn quanh xem có ai thấy không, rồi luống cuống lái lùi xe lại mấy trăm thước mới đến đúng cổng nhà mình.

Nhiều người có thể nhớ đường rất tài tình, còn tôi thì chật vật vì mù đường. Nguyên nhân nào làm tôi khó ghi nhớ các con đường và không đoán được phương hướng? Sau khi tự loại trừ các căn bệnh khác ra thì phát hiện, não bộ của tôi bị bệnh làm biếng ghi nhớ chính xác các vị trí và lười nhét tên các con đường vào vùng não nhận thức của mình.

Có vài người bạn nói, họ hay bị quên trước quên sau tại vì tiêm chích quá nhiều liều thuốc chống ngừa Covid. Tôi cũng hay quên, nhưng có thể là vì tuổi nhiều, thế thôi. Không ai nói trước được là mình sẽ nhớ mãi và quên là một điều đáng sợ.

Biết vậy, song tôi cũng khônɡ thể nào tưởnɡ tượnɡ được chuyện mình đãng trí đến vậy. Thời gian gần đây, tôi được giới thiệu vào làm việc trong Hội Đồng Mục Vụ của một xứ đạo. Nhân Thánh Lễ Mở Tay của một Tân Linh Mục, tôi được đại diện Ban Thường Vụ, Hội Đồng Mục Vụ Cộng Đoàn, Giáo Xứ lên phát biểu chào mừng, cảm ơn Tân Linh Mục. Trong Thánh Lễ Đồng Tế có bốn Linh Mục, một Thầy Phó Tế, nhiều Sơ, các Tu Sĩ Nam Nữ và cả ngàn Giáo Dân. Tôi kính thưa vanh vách tên từng Linh Mục, Thầy Phó Tế, các Tu Sĩ Nam Nữ, các ban ngành hội đoàn. Tôi thấy mình nói đúng hết, vậy mà khi bước xuống, có người nói là tôi đọc sai họ của Thầy Phó Tế. Tôi bị “tắc não” rồi sao?

Có thể vì tên của ba trong bốn Linh Mục đều là họ Nguyễn khiến tôi vô tình nói họ của Thầy Phó Tế từ Đỗ qua họ Nguyễn chăng. Khoảng gần đây, nhiều khi trong đầu tôi thấy màu đen lại nói trắng, nghĩ chữ này lại nói ra chữ khác. Trong đầu nghĩ Thầy họ Đỗ, nhưng lại nói họ Nguyễn. Có dịp tôi phải gặp và xin lỗi Thầy vì đã mộ phạm đổi họ của Thầy.

Nghĩ một đằng nói một nẻo không phải chỉ riêng tôi, tôi tự an ủi để cho sự việc có vẻ tốt hơn so với thực tế. Có ca sĩ đến khúc cao trào vẫn quên ca từ. MC đến hồi gay cấn vẫn đọc nhầm tên ca sĩ và bài hát đó thôi. Có nhiều diễn giả nổi tiếng, đôi lúc đang hăng say nói, vẫn “bay não” và quên mất phải nói gì tiếp theo. Người nào thì cũng có lúc quên vài từ hay tên một người trong lúc chuyện trò.

Có lần tôi phải hối tiếc vì tình huống não nghĩ thế này mà miệng lại phát ra thế khác. Bạn tôi hỏi mời:

- Ăn cơm chưa? Đi ăn với tao.



Trong đầu tôi định nói “Chưa” và “Yes”, nhưng miệng tôi lại vô thức nói nhầm “Rồi” và “No”. Thật là tiếc.

Như đã nói, kiểu nghĩ một đằng nói một nẻo của tôi là do tuổi tác làm đầu óc không còn hoạt động bình thường, chứ chẳng liên quan gì đến cách nghĩ một đằng nói một kiểu của đàn bà con gái rất hay.

Chưa kịp xin lỗi Thầy Phó Tế, hôm sau tôi lại bị đãng trí nữa. Đúng là “Cơn ông chưa qua, cơn bà lại đến”. Tôi đi mua vài thứ ở một tiệm tạp hoá. Từ xa tôi thấy một bạn gái học cùng trường mà đã rất lâu không gặp. Tôi vội vàng tiến tới, chặn trước mặt cô bạn và vui mừng nói:

- Hi Hoa! Lâu ngày quá, Hoa khoẻ không?

Cô bạn học tròn mắt nhìn tôi, vẻ mặt ngạc nhiên. Cô ta không trả lời mà bỗng nguýt mắt một cái thật sắc lẹm khiến sống lưng tôi ớn lạnh. Với vẻ giận hờn, cô bạn lách nghiêng mình bỏ đi thật nhanh.

Tôi đứng sững người như trời trồng vì quá bất ngờ. Tôi nghĩ suy lao lung, mình có bị mắt quáng gà nhìn lộn người không? Nhất định là tôi quen biết cô ta mà. Trước đây mình có làm điều gì khiến bạn ấy phật lòng không? Tôi hoang tưởng nghĩ, hay trước đây mình có tỏ tình, nói lời yêu với bạn ấy rồi gian dối không ta? Có thể cô ta hiểu lầm cho rằng tôi là một tên “nhặt lại tình xưa”? Tôi lật ngược quá khứ mấy lần và thấy chẳng có làm điều gì khiến bạn ấy buồn giận, cũng như tôi chưa bao giờ nói lời yêu thương với cô ấy. Tôi suy nghĩ nát óc mà vẫn không hiểu vì sao mình bị bạn ấy giận.

Thấy cô bạn học đang đi ra bãi đậu xe, tôi vừa lật đật chạy theo vừa kêu lên ầm ĩ:

- Hoa ơi đợi đã, đợi đã!

Bạn Hoa dừng bước, quay người lại đứng chờ tôi đến. Đứng trước mặt Hoa, dù thấy bạn ấy có hơi đẫy đà hơn xưa, nhưng để lấy lòng, tôi nói:

- Kỳ này Hoa thon thả đẹp hẳn ra.

Cô ta lườm tôi một cái rồi định quay lưng đi tiếp. Thấy vậy, tôi liền vội hỏi:

- Anh suy nghĩ nhức cả đầu mà vẫn không biết mình đã làm gì để Hoa giận anh dữ vậy. Hoa nói cho anh biết với.

Lần này cô ta phối hợp lừ mắt lườm và chu môi, nói lớn:

- Cái anh dở người, tôi không phải Hoa, tôi tên Hồng. Nhớ chưa?

Chợt nhận ra cô ta đúng là tên Hồng, tôi lúng túng nói:

- Hồng đi chậm thôi, coi chừng ngã.

Cô bạn học đưa môi trề bĩu ra, nguýt “xì” một tiếng dài sắc nhọn rồi day mặt bỏ đi. Tôi đứng trơ ra giữa bãi đậu xe, mặt mày lơ láo và tôi thấy thương mình quá.

Những cái nguýt, lườm của cô bạn làm tôi thật sáng mắt sáng lòng mà “quán chiếu” ra là trí óc mình đã bắt đầu có dấu hiệu của sự lão hóa. Cũng may là não tôi chưa phạm lỗi lầm nghiêm trọng gây ra những việc bất thường như kiểu nói đi ăn cơm, nhưng ra đến quán lại gọi phở.

Bụng làm dạ phải chịu gỡ thôi!

Trưa hôm qua tôi gặp một người đi lạc, quên đường về như tôi nên tôi rất thông cảm cho người như vậy. Người đó là một cụ bà lưng còng, tóc bạc trắng, đứng trước một siêu thị. Lúc ấy siêu thị thưa người. Bà cụ có vẻ hơi hoảng loạn, hỏi tôi:

- Cháu có điện thoại cầm tay không?

- Dạ có.


Đưa cho tôi tấm danh thiếp một văn phòng bác sĩ, bà cụ nói:

- Cháu gọi con của bà đến đón bà về với.


Tôi gọi điện thoại và đầu dây bên kia trả lời:

- Văn phòng bác sĩ, cần giúp gì ạ?

- Tôi muốn gặp bác sĩ.

- Chú phải lấy một cuộc hẹn.

- Tôi không muốn lấy hẹn, tôi chỉ muốn nói với bác sĩ một chút thôi.

- Nhiều hay ít thì chú cũng phải lấy hẹn trước.

- Tôi đã nói là tôi không cần lấy hẹn, tôi cần gặp bác sĩ.

Đầu dây bên kia cúp điện thoại. Tôi bấm số gọi lại lần nữa. Đầu dây bên kia trả lời:

- Văn phòng bác sĩ, cần giúp gì ạ?

- Tôi muốn gặp bác sĩ.

- Lại chú nữa à. Chú phải lấy hẹn mới gặp được bác sĩ.

Sợ bị cúp điện thoại nữa nên tôi nói nhỏ nhẹ:

- Đây là chuyện khẩn cấp và riêng tư, tôi chỉ muốn nói với bác sĩ vài câu thôi. Nhờ cô cho tôi nói chuyện với bác sĩ.

- Chú chờ một tí.

Tôi nghe tiếng nói chuyện rì rào ở đầu dây bên kia. Lát sau, một giọng đàn ông có vẻ hơi cáu kỉnh:

- Tôi là bác sĩ, chú cần giúp gì thì nói đi. Tôi bận lắm, rất nhiều bệnh nhân đang chờ đợi.

- Tôi không cần bác sĩ giúp tôi.

Giọng bác sĩ gay gắt:

- Chú có biết một giờ tôi làm bao nhiêu tiền không?

Tôi không thể nào tưởng tượng được một bác sĩ lại ăn nói “phàm phu tục tử” như thế. Tôi chửi thầm trong đầu, “Ăn học đến bác sĩ mà nói chuyện mất nết”. Tôi bực bội nói:

- Tôi không cần biết bác sĩ làm một giờ bao nhiêu tiền, nhưng có một bà cụ đi lạc, nói là mẹ của bác sĩ, nhờ tôi gọi bác sĩ ra đón bà cụ về.

Vị bác sĩ im lặng một lúc rồi nói:

- Chú cho tôi nói chuyện với bà.

Tôi đưa điện thoại cho bà cụ. Hai người nói chuyện vài câu, biết đúng là mẹ mình, bác sĩ nói với tôi:

- Chú giữ cụ bà lại, cho tôi địa chỉ tôi đến liền.

Tôi nói tên siêu thị nơi tôi và bà cụ đang đứng. Bác sĩ nói đến đón liền vậy mà hơn nửa tiếng sau mới đến. Vị bác sĩ đưa người mẹ lên xe, rồi quay sang nói với tôi:

- Cảm ơn chú, cám ơn chú.

Tôi nghiêm giọng:

- Không có chi. Bác sĩ có biết một giờ tôi làm bao nhiêu tiền không?

- Xin lỗi chú vì hiểu lầm nên có lời thô lỗ, xin chú bỏ qua.


Tôi cười xoà:

- Tôi chỉ nói đùa thôi.

Trong thời gian chờ đợi vị bác sĩ kia đến, bà cụ chuyện trò tâm sự về đời sống của bà cụ. Tôi im lặng lắng nghe, miễn tuổi già vui là được rồi. Nhờ đó tôi mới biết thêm tâm tư của người già. Người già ở trong nhà hoài, cảm thấy cô đơn, bị cô lập với xã hội, thấy chán nên hay lẻn ra ngoài đi khắp nơi và dễ bị lạc. Mặc dù cụ bà được con cái mướn người đến tận nhà chăm sóc, lo ăn uống đầy đủ, nhưng với người già như thế là chưa đủ.

 

Phước An Thy

Ý kiến bạn đọc
27/02/202418:58:29
Khách
Cảm ơn Lại Thị Mơ đã khích lệ.
Phước An Thy
27/02/202417:07:21
Khách
Hay quá, nhất là đoạn gọi ông bác sĩ ( con ). Tác giả đùa dai, chọc ghẹo ông bs nên mới nghe được câu " bất hủ "( kèm theo một lô bất, bất bình, bất lịch sự).
Mày có biết bố tao là ai không?
Ông có biết tôi làm một giờ bao nhiêu không?
Hai câu này coi chừng tràn lan trên mạng.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 411,534
Cụ Chúc cầm bài thơ nhớ vợ ôm lấy ngực, chao đảo đến cạnh bên cửa sổ, đưa mắt buồn bã ngó ra sau vườn. Mùa Đông lại đến, mặt trời yếu ớt, không nhô được qua khỏi các mái nhà bởi mây đen vần vũ, bầu trời u ám. Cây trơ cành trụi lá đứng sừng sửng nom cô độc đến tội nghiệp. Một cơn gió thoảng qua, chiếc lá vàng độc nhất còn sót lại trên cành vừa chao mình âm thầm rơi xuống mặt đất một cách lặng lẽ, buồn thảm như cuộc đời cụ lúc tuổi xế chiều. Cụ tự ví mình như chiếc lá vàng cô độc, không biết đến bao giờ thì nhắm mắt buông xuôi?
Chiếc Mercedes đen bóng loáng chạy vào khu nhà sang trọng, dừng lại trước cánh cổng sắt khép kín, người đàn ông trạc 35 tuổi cho cửa kính xuống, thò tay ra ngoài và bấm mật mã vào cổng với một vẻ quen thuộc. Cánh cổng sắt từ từ chạy sang một bên, anh ta sang số và chiếc xe lăn bánh về phía trước, chạy qua một vài ngõ quanh co, hai bên đường rợp bóng những hàng cây xanh mát rượi. Chiếc xe dừng lại trước một căn nhà xinh xắn với khu vườn nhỏ ngập tràn sắc hoa và cây cảnh được cắt tỉa kỹ càng. Cánh cửa nhà để xe từ từ cuốn lên, người đàn ông điều khiển xe rất khéo léo vào bên trong và cánh cửa lại từ từ khép xuống.
Toản và tôi là bạn tri kỷ từ khi còn ở mái trường trung học, đại học. Sau này vì cuộc sống, vì công việc nên không còn gặp nhau. Toản theo ngành giáo dục, còn tôi theo đời binh nghiệp. Toản là một giáo sư, tôi trở thành một pháo thủ trên miền Tây nguyên. Toản đi vươt biên. Tôi vào tù cải tạo. Sáu năm sau ra tù, tôi cũng vượt trùng dương. Trời phù hộ, chúng tôi tình cờ lại gặp nhau trên đất Mỹ, Toản giới thiệu tôi làm việc chung một chỗ với hắn. Bây giờ, trời xui đất khiến, tôi lại phải đối diện với một tấm hình mà mình đã chụp cách nay 20 năm trong cuộc di tản đầy máu và nước mắt.
Tôi gặp Thu Chan như định mệnh. Nhưng chuyện đó kể sau. Giờ, tôi kể bạn nghe lần gặp định mệnh của Thu Chan mà tôi chứng kiến với một người được cả nước yêu mến trải bao thế hệ Việt bất kể chế độ nào.
Lúc nàng chuẩn bị sanh đứa con thứ hai cũng là lúc vợ chồng nàng bảo lãnh bà má chồng qua đoàn tụ. Bà vốn là dân Nam kỳ thứ thiệt, quê ngoài miệt vườn Mỹ Tho, bao nhiêu năm được nuôi nấng bởi phù sa trù phú nên tâm hồn bà mang nặng hương sắc sông nước miền Tây. Đầu tiên là chuyện ăn nói, bà có giọng nói sang sảng, to như trống làng ngày hội. Có lần nàng đang ở trong phòng ngủ, nghe bà đang to tiếng với chồng nàng ở dưới nhà bếp. Nàng lo sợ không biết có chuyện gì xảy ra khiến bà phải lên tiếng la mắng, bèn ra cửa lắng nghe, mới biết bà đang nói chuyện rất...bình thường và vui vẻ.
Lại bước qua năm mới, mỗi năm đầu xuân, hội Huế thường tổ chức “Ngày Hội Ngộ Mừng Tân Niên”. Năm nay với chủ đề “Xuân Và Tuổi Trẻ”, có lẽ ban tổ chức muốn gieo thông điệp yêu thương đến thế hệ con cháu, với niềm hy vọng tuổi trẻ sẽ nối tiếp cha ông hoạt động và giữ gìn một góc Huế trên xứ người tại vùng Bắc Cali.
Quỳnh nhìn Phong, thoáng nhớ lại những lời chàng ta kể lại sự say mê săn hoa lan của hai cha con khi anh theo cha vào rừng tìm những cụm hoa lan mọc trên những cành cây trong vùng ẩm thấp trên sườn đồi của vùng cao nguyên Ban Mê Thuột. Lúc đó, Phong còn nhỏ và rừng núi cao nguyên còn đầy thiên nhiên hoang dã nên những ngày vào rừng tìm hoa lan thật là thú vị. Vui nhất là có một lần, anh chàng kể lại, sau khi trèo lên cây, bóc được nguyên cả gốc cụm hoa Thuỷ tiên vàng rực nhưng không may có một cành khô gẫy đụng mạnh vào tổ ong gần đó làm cả đàn ong túa ra tấn công kẻ phá hoại làm hai cha con chạy bán sống bán chết mới đến được nhà người Thượng ở cuối thung lũng để xin… tị nạn!!! Điều kỳ lạ là ong không đốt mấy người ở quanh đó mà chỉ tìm hai cha con người phá tổ ong đốt để trả thù mà thôi.
…Tháng Năm, trời thường nhiều mây và những cơn mưa bất chợt. Tháng Năm lưu lạc làm sao quên tháng năm quê nhà. Đã bao giờ chúng ta trở về hàn huyên cùng sỏi đá, bưng tô canh bún, bún riêu một trưa hè để quên đi quãng đời phiêu bạt. Quê không đuổi ai đi, kẻ ở vẫn chờ người về, nhưng khoảng cách không thước đo trong lòng người là tâm lý Pavlov. Con chó nghe tiếng chuông leng keng biết sắp được ăn, người ta nghe tiếng AK 47 là biết Việt cộng về, mau chạy cho xa…
Người Mỹ có câu “Customer is king” (tạm dịch “Khách hàng là vua”) trong khi Việt Nam có câu “Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi” để nói lên sự quan trọng của dịch vụ khách hàng. Nếu cơ sở thương mại nào có dịch vụ khách hàng tốt thì cơ hội khách hàng trở lại trong tương lai sẽ cao hơn. Người Mỹ có thói quen cho tiền tip cho người phục vụ mình như người hầu bàn hoặc tài xế xe taxi hay nhân viên dọn phòng khách sạn. Phục vụ càng tốt thì tiền tip càng cao. Tuy người Việt Nam đã ở Mỹ gần nửa thế kỷ nhưng hình như chúng ta chưa ý thức được sự quan trọng của dịch vụ khách hàng.
Ngay khi vào thăm vợ, cô Bình cũng đi với ông vào thăm bà. Bà vẫn nằm yên trên giường với những sợi dây cắm chằng chịt, khuôn mặt thật thanh thản, đôi mắt nhắm nghiền, đôi môi vẫn đượm hồng, cô Bình tự động ngồi bên xoa nắn chân tay cho bà, còn mang theo bộ đồ làm móng vào, làm cho bà tươi đẹp hơn, điều này làm ông thật cảm động, trái tim xao xuyến, ông thầm cảm ơn cô đã tận tình chu đáo với vợ chồng ông quá.
Nhạc sĩ Cung Tiến