Tác giả Nguyễn Mộng Giang lần đầu tham dự chương trình VVNM. Ông sinh trưởng ở VN, nay định cư tại Hoa Kỳ. Sở thích của ông là làm thơ, viết văn, phổ nhạc. Như tác giả đã ghi, bài viết dưới đây là lời viết thay cho cha lúc còn sống để dâng linh hồn mẹ.
*
Cám ơn em người đã cho ta
Từ trên cao bước xuống cuộc đời
Chạy theo em chẳng chút nghi ngờ
Người đàn bà từ thưở xa xưa
Khai thiên lập địa chỉ mình ta
Em từ đâu làm ta điên đảo
Rời địa đàng bỏ chốn bình yên
Bon chen lăn lộn cõi hồng trần
Chốn bụi hồng tưởng mãi có em
Kiếp nhân sinh ngờ đâu ngắn ngủi
Em trở về cát bụi ngàn xưa
Ngực ta đau bởi xương bị thiếu
Chúa bẻ rời để tạo ra em
Ta ôm ngực xoa hoài nỗi nhớ
Vắng em rồi đời bỗng quạnh hiu.
Cụ Chúc cầm bài thơ nhớ vợ ôm lấy ngực, chao đảo đến cạnh bên cửa sổ, đưa mắt buồn bã ngó ra sau vườn. Mùa Đông lại đến, mặt trời yếu ớt, không nhô được qua khỏi các mái nhà bởi mây đen vần vũ, bầu trời u ám. Cây trơ cành trụi lá đứng sừng sửng nom cô độc đến tội nghiệp. Một cơn gió thoảng qua, chiếc lá vàng độc nhất còn sót lại trên cành vừa chao mình âm thầm rơi xuống mặt đất một cách lặng lẽ, buồn thảm như cuộc đời cụ lúc tuổi xế chiều. Cụ tự ví mình như chiếc lá vàng cô độc, không biết đến bao giờ thì nhắm mắt buông xuôi?
Cụ Chúc năm nay được 84 tuổi, hơn tám mươi năm cuộc đời, nổi trôi theo mệnh nước từ Bắc vào Nam rồi sang đến Mỹ. Có điều khi sang được Mỹ cụ không phải bon chen kiếm sống, bươn chải để nuôi các con ăn học như những ngày xa xưa ở VN trước năm 75 nữa. Mà các con cụ, đứa ra đi ngay lúc biến động năm 75, đứa vượt biên sau này, đứa đi đoàn tụ theo bên vợ hoặc bên chồng, đã hội nhập nhanh chóng vào xã hội mới và tự lực cánh sinh học hỏi vươn lên để ổn định đời sống rồi bảo lãnh cho vợ chồng cụ sang Mỹ đã được 12 năm, nhưng cụ bà chỉ sống được 5 năm trên đất Mỹ rồi cũng rời bỏ cụ mà đi về bên kia thế giới.
Thời gian đầu mới đến Mỹ cụ buồn lắm! Cụ cảm thấy vợ chồng cụ như là một gánh nặng cho gia đình con cái. Cụ nhớ quê hương, nhớ bạn bè và thoáng có chút hối hận đã bán nhà bán cửa ở VN để theo con đi đoàn tụ. Cụ từng có ý tưởng muốn quay về VN để sống, mặc dù ở nơi đó cụ chẳng làm gì ra tiền, mà cũng vẫn phải sống nhờ vào tiền của con cái từ Mỹ gởi về. Nhưng dù sao đó cũng là gia sản sự nghiệp do chính mồ hôi nước mắt của cụ tạo dựng ra và nuôi ngần ấy đứa con khôn lớn nên người. Điểm quan trọng nhất là không bị mang mặc cảm con cái phải nuôi mình.
Bây giờ sang Mỹ ở với con cái, cụ già rồi, ngoại ngữ thì không rành, nói tiếng Anh thì cứ tiếng Pháp mà xổ, Mỹ chẳng hiểu gì cả, lại chẳng làm gì ra tiền. Các con cụ chẳng làm gì cho cụ buồn lòng, chúng vẫn hồn nhiên và vô tư như những ngày xưa ở VN, nhưng mặc cảm ăn nhờ ở đậu làm cụ áy náy. Cụ đem chuyện muốn quay về VN nói với cụ bà, cụ bà thật là đơn giản, chẳng cần nghĩ ngợi xa xôi gì cả, chỉ cần nơi nào yên ổn không sóng gió, sống quây quần bên chồng bên con, cháu là cụ mãn nguyện rồi. Cho nên cụ ông có nói gì thì nói, cụ cứ cho là cụ ông nói đùa nên gạt phắt đi:
- Ối dào! Vẽ chuyện! Muốn về ông về một mình đi.
Rồi có người mách nước, chở cụ đi vay tiền GA, hai vợ chồng cụ cũng được hơn 400 đô một tháng, Ba năm sau hai cụ chính thức được hưởng tiền GA, số tiền hằng tháng tăng hơn gấp đôi, đau ốm đã có “medical” không phải bỏ tiền túi. Cụ Chúc vui mừng lắm! Cái ý tưởng quay về VN sống với cộng sản lùi dần vào dĩ vãng, cụ không còn mặc cảm nhờ vào con cái nữa, lại còn cho lại chúng tiền phòng ra cái điều cụ đây vẫn còn tự lực cánh sinh được không đến nổi là một gánh nặng cho con cháu. Cụ cảm thấy ông Trời thật là công bằng, đã đền bù lại tất cả những gì cộng sản đã cướp đi của cụ. Trải bao thời đại: Pháp, Nhật, Mỹ rồi bây giờ cũng lại... Mỹ, khoảng thời gian sống với cộng sản cụ không muốn nhớ, không thèm kể, cụ coi đó như là một cơn ác mộng. Cụ tin tưởng rằng sẽ có một ngày cộng sản phải tàn lụi, quê hương cụ sẽ chuyển mình vương lên, đồng bào cụ sẽ được hưởng tự do và no ấm như cụ đang được đền bù vậy.
Thời quốc gia, cụ ra công tằn tiện, có bao nhiêu tiền gửi hết vào nhà băng với hy vọng sau này sẽ cho hai thằng con út đi du học, nhưng con cụ chưa kịp thi tú tài thì đại nạn 75 xảy đến, bao nhiêu tiền mồ hôi nước mắt bị mất sạch. Ngay đến tiền hưu trí của cụ họ (cộng sản) cũng không phát nói gì đến tiền để dành. Họ còn chỉ thẳng vào mặt cụ mà bảo rằng: “Ông muốn đòi tiền hưu thì chạy theo thằng Thiệu mà đòi”. Bây giờ Mỹ “trả” cho cụ mỗi tháng hơn 800 đô (năm 1993) cộng lại hai cụ cũng được trên một ngàn. Cụ có phải là “bố già” của Mỹ đâu mà họ phải có bổn phận rước cụ qua nuôi ăn, nuôi mặc, chăm sóc sức khỏe lại còn phát tiền hằng tháng, há chẳng phải ông trời đang đền bù lại cho cụ đó hay sao?
Cụ bắt đầu quen dần với nếp sống mới, an dưỡng tuổi già bên con cái, bằng lòng với những gì mình đang có thì cụ bà lâm trọng bịnh và qua đời, để lại trong cụ nổi trống vắng và cô đơn khủng khiếp. Cụ ốm đi thấy rõ, thầm lặng và ít nói, cụ không thích ra ngoài, chỉ quanh quẩn ở trong phòng, tẩn mẫn tần mần giở lại những đồ đạc cũ của cụ bà mà rơi nước mắt, có khi cụ lại đứng trước tấm ảnh của cụ bà treo trên tường mà lẩm bẩm:
- Mợ ác lắm! Nỡ bỏ tôi một mình mà đi trước. Vợ chồng mấy chục năm trời hoạn nạn có nhau, có bao giờ tôi nghĩ mợ đi rồi tôi lại đau khổ đến như thế này đâu? Tôi nhớ mợ lắm mợ biết không? Mợ có linh thiêng về dẫn dắt tôi theo. Không có mợ tôi buồn lắm mợ ơi!
Cụ bà mất vào đúng ngày Giáng sinh cho nên cứ mỗi độ Đông về, cụ Chúc hay ngồi bên cửa sổ nhìn trời nhìn đất mà hồi tưởng lại những chuyện về dĩ vãng để tưởng nhớ đến cụ bà. Cụ nhớ những chuyện lẩm cà, lẩm cẩm từ đầu lâu cuối lấu, chuyện xửa xừa xưa. “Nhà nàng ở cạnh nhà tôi...”. Chính vì ở cạnh nhà nhau nên lúc trẻ cụ Chúc hay đón cụ bà ở cửa mỗi khi cụ bà đi chợ để nhờ mua hộ một xu bánh dày, một xu thì được hai chiếc bánh dày, nhưng cụ bà mua được những bốn chiếc cơ! Từ đó, ngày nào cụ cũng đưa một xu nhờ mua hộ, sợ bị mang tiếng là lợi dụng, cụ vờ nói rằng:
- Cô Thục mua bánh dày đậu ở đâu rẻ quá! Tôi mua họ bán đắt, một xu chỉ có hai chiếc, làm phiền cô vậy nhá!
Kỳ thực cụ biết tỏng là cụ bà đã bỏ thêm một xu để mua cho cụ được bốn chiếc bánh dày. Một xu bánh dày tình nghĩa này làm sao mà cụ quên cho được? Có điều cụ không nói mà thôi! Sau này cưới nhau về, kể cho nhau nghe cứ cười rúc rích cả đêm.
Hai cụ biết nhau từ những ngày còn để chỏm, chơi với nhau từ nhỏ cho đến lúc bắt đầu tuổi yêu đương. Dạo ấy tuy có tình ý với nhau và được hai gia đình chấp thuận nhưng chưa cử hành hôn lễ là vẫn phải giữ gìn, có nhớ nhau lắm thì cũng chỉ là vờ gặp nhau ở cổng làng, trao đổi dăm ba câu chào hỏi hoặc là đi về “kẻ trước người sau” ngó theo sau lưng “nàng” cho đỡ nhớ chứ có đâu được như bọn trẻ bây giờ cứ dung dăng dung dẻ công khai nắm tay nhau bày tỏ chuyện yêu thương.
Có một kỷ niệm hồi hai cụ chưa cưới nhau mà cụ Chúc không bao giờ quên, đó là lần gặp nhau ở cổng nhà thờ trong đêm Giáng sinh, cụ bà dúi vào tay cụ Chúc một lá thư rồi bỏ chạy mất. Cụ Chúc đọc thơ xong vừa giận vừa buồn cười, buồn cười vì biết cụ bà không được đi học, chỉ học lóm đủ để biết đọc biết viết thôi nên kiến thức không được mở mang lắm mà cứ thích “chơi chữ”, giận vì không hiểu nghĩa mà lại dám viết lên như thế. Đã thế cụ giận luôn một lèo không gặp mặt cho bõ cái tật cứ thích “làm tàng”. Cụ bà quýnh cả lên khóc sưng cả mắt. Mười ngày sau cụ hẹn cụ bà ra khóm trúc bên bờ ao cuối nhà thờ, cụ chìa lá thơ của cụ bà gửi cho cụ nói:
- Mở ra mà đọc đi! “Đằng í” có biết đằng í viết cái gì không? (Cứ hễ mỗi lần giận nhau, cụ chỉ đằng í này, đằng í nọ chứ không xưng anh em nữa).
Cụ bà sụt sịt cầm lá thơ khóc:
- Em viết cho anh hai câu thơ.
- Thơ như thế nào? Sao không đọc lên?
Cụ bà không dở lá thơ ra mà nghẹn ngào đọc trong nước mắt:
- “Trăm năm se sợi chỉ đào,
Ngàn năm ai có tơ hào đến ai”
Cụ Chúc nén tức giận:
- Có hiểu nghĩa hai câu thơ ấy là gì không?
Cụ bà lắc đầu, cụ tức giận hỏi:
- Không hiểu nghĩa tại sao lại dám viết?
Cụ bà ngây thơ:
- Em thấy hay nên viết cho anh đọc.
Cụ tức mình “quạt” cho một mách rồi mới giải thích ý nghĩa hai câu thơ cho cụ bà nghe:
- “Trăm năm se sợi chỉ đào” chẳng khác nào chưởi vào mặt “tớ” đây cứ một mình mà dệt mộng đi! “Ngàn năm ai có tơ hào đến ai” có nghĩa là “đằng ý” chẳng bao giờ thèm ngó ngàng gì đến “tớ” đâu! Hiểu chưa? Rồi cụ dỗi: Thôi được rồi “đó” chẳng tơ hào gì đến “đây” thì thôi! “Tớ” đi về.
Cụ bà hoảng quá, hết lời xin lỗi và năn nỉ mãi cụ mới nguôi ngoai. Gá nghĩa vợ chồng với nhau sáu mươi mấy năm trời, đó là lần độc nhất cụ bà viết thư cho cụ Chúc, tuyệt đối không có lần thứ hai.
Bây giờ ngồi đây nghĩ lại, cụ thấy tội và thương cụ bà nhiều quá! Sinh vào thời phong kiến, con gái là không được đi học, cụ bà chỉ lén đứng được ở ngoài cửa học lóm khi ông giáo đến nhà dạy cho các anh em trai của cụ cho nên tầm hiểu biết không được rộng mở, biết đọc biết viết là may lắm rồi. Cụ bà ham học lại có tâm hồn “thi phú” như thế mà nỡ lòng nào... thay vì giải thích và chỉ dạy thêm để cụ bà đỡ tủi thì cụ lại giận xưng, giận xỉa. Thế mới biết tự ái con người kinh thật, cái “sân” nó làm mờ cả lý trí.
Sau này cưới nhau rồi, theo cụ ông ra tỉnh làm việc, tiếp xúc nhiều với người thành phố, lại được thêm sự dạy dỗ của cụ ông, cụ bà cũng văn minh ra. Vốn óc thông minh sẵn có cộng thêm vào sự hiếu học, cụ bà cũng biết võ vẽ vài tiếng Nhật đủ để tiếp xúc với người ngoại quốc khi cần giúp chồng.
Cụ Chúc buồn bã thở dài: Chóng quá! Thế mà đã hơn 60 mươi năm mà cụ cứ tưởng như mới hôm nào. Rồi cụ lại nhớ về cái đêm đầu tiên mới lấy nhau, không biết cụ bà được ai chỉ dạy, cửa phòng tân hôn vừa được khép lại, cụ bà đã nhanh chân nhảy ngay lên hai cái gối nằm ngồi đè thu lu lên đó, một chập sau mới trả lại cho cụ ông. Cụ Chúc có hỏi tại sao lại làm vậy? Nhưng cụ bà không chịu nói, mãi sau này cụ bà mới tiết lộ là bạn cụ bà chỉ, khi về nhà chồng, đêm tân hôn phải ngồi đè ngay lên cái gối nằm của người chồng trước rồi sau đó hãy cho người chồng... nằm. Làm như vậy mình sẽ không bị người chồng ăn hiếp, cụ Chúc cứ cười mãi cái tính tin dị đoan của cụ bà.
Ôi! Người vợ đầu ấp tay gối, hơn 60 năm gắn bó vợ chồng, biết bao ngọt bùi cay đắng. Sướng khổ gì cũng chia nhau, thoáng chốc đã trở về hư không. Nhớ dạo mới sang Mỹ, cụ bà còn khỏe mạnh, hai cụ cứ dắt nhau đi bộ “exercise” xung quanh khu phố nhà cho nó khỏe.
Đi được một dạo, cụ ông chán vì không đi được xa, cụ lấy xe đạp đi cho biết đó biết đây. Cụ bà không biết đạp xe nên chỉ đi bộ xung quanh gần nhà, một hôm cụ bà đi đến công viên gần nhà, gặp một bà Mỹ già cũng đi bộ như cụ nhưng lại đội cái nón bằng vải đã sờn cũ. Bà Mỹ già đến bên ghế đá, ngã nón ra cầm trên tay ngồi nghỉ, cụ bà đi ngang qua, móc trong túi lấy ra một đô la bỏ vào cái nón của bà Mỹ già. Bà Mỹ già không chịu nhận, lấy một đồng trả lại cho cụ bà, vì không biết tiếng Anh nên cụ bà chỉ lắc đầu ra dấu bảo bà Mỹ hãy cất đi rồi cụ đi về. Bà Mỹ cầm một đồng đô la mà cứ ngẩn tò te không biết cụ bà muốn làm cái gì?
Về đến nhà, cụ bà khoe với cụ ông có vẻ hãnh diện lắm:
- Tôi đi bộ, gặp một bà Mỹ ăn xin, tôi cho một đồng đô la, chắc bà ấy thích lắm nhỉ? Thế nào cũng khen: Người Việt Nam tốt quá!
Cụ Chúc hỏi:
- Sao mợ biết đấy là người ăn xin?
- Tôi thấy bà ấy ngã cái nón rách cầm trên tay, không ăn xin thì là gì nữa?
Hôm sau cụ Chúc theo vợ đi bộ để xem mặt “người ăn xin” thì cũng gặp đúng ngay bà Mỹ già hôm qua, lần này bà cũng dắt theo đức ông chồng đi chung. Gặp lại cụ bà, bà Mỹ già mừng rỡ, nắm lấy tay cụ bà “xổ” cho một tràng tiếng Anh và trả lại một đồng cho cụ nói “thank you”.
Cụ ông về kể lại cho con cháu nghe, mọi người rũ ra mà cười, cụ bà cũng cười theo. Từ đó, mỗi lần thấy ai đội cái nón hơi cũ một tí là cụ Chúc lại trêu cụ bà:
- Này cái nón của ông cũ quá rồi đấy! Nếu để nhà tôi nhìn thấy, thể nào nhà tôi cũng móc tiền cho.
Người khách không hiểu hỏi tại sao? Thì cụ liền kể lại câu chuyện trên cho họ nghe, ai cũng ôm bụng mà cười.
Đông qua rồi Đông lại về, điệp khúc thời gian cứ lặp đi lặp lại. Cụ bà mất đã được 6 mùa Giáng sinh, cụ Chúc vẫn trường thọ với cuộc đời, nhưng cụ chẳng ham sống một tí nào chỉ mong chóng được đi theo cụ bà, bởi sống mà ngày nào cũng một vốc thuốc vào mồm với đủ thứ bịnh già: “Cholesterol”, tiểu đường, cao máu, tim, bây giờ lại thêm hỏng thận, cụ chán lắm!
Có lần cụ tung hê tất cả thuốc vào sọt rác nói:
- Để cho “nó” chết.
Các con cụ phải xúm vào giải thích:
- Nếu để “cho nó chết” được dễ dàng như thế thì nói làm gì bố! Chỉ sợ nó không chết, mà nó vật cho bố ngất ngư nằm liệt một chỗ thì bố nghĩ sao? Mẹ ở trên trời chắc chắn cũng không bao giờ muốn nhìn thấy bố bị như thế. “Sinh, lão, bịnh, tử” là luật tự nhiên, thế nào cũng phải người đi trước, kẻ đi sau. Có sinh ắt có diệt, bố phải chấp nhận sự thật mà sống cho bình thường chứ! Nhớ đến Mẹ bố hãy đọc kinh, chẳng lẽ bố muốn mẹ đi rồi mà vẫn không được yên lòng vì bố hay sao?
Cụ Chúc nghe có lý hay tại cụ sợ nằm một chỗ dở sống dở chết kéo dài hết năm này qua tháng nọ như các cụ già mà cụ đã nhìn thấy trong “nursing home”? Sau đó thấy cụ cũng dần dần bình thường trở lại, chịu ăn, chịu uống, chịu săn sóc lấy mình. Duy có một điều cụ vẫn không chịu đi đây đi đó cho nó khuây khỏa, chỉ quanh quẩn trong cái “thế giới” của riêng mình với những trang nhật ký, những vần thơ nhớ vợ mà thôi.
Mùa Đông thứ sáu kể từ khi cụ bà bỏ cụ mà đi, sức khỏe cụ Chúc có phần sút giảm đi nhiều sau hai lần cấp cứu vì cơn “heart attack”. Cụ bắt đầu ăn uống thất thường và ngủ không ra giờ giấc.
Đêm Noel người ta tưng bừng, náo nhiệt chào đón Chúa hài đồng thì cụ một mình ngồi vò võ trong phòng, âm thầm tưởng nhớ lại cái đêm hấp hối của cụ bà trong bệnh viện mùa Giáng sinh năm nào mà nát cả tâm can.
Sáng 25, mở choàng mắt dậy, việc đầu tiên cụ làm là xem đồng hồ, 7 giờ 15 am là giờ cụ bà tắt nghỉ cách đây 6 mùa Noel. Cụ Chúc đau đớn vò nát bài thơ nhớ vợ cầm trong tay, ôm lấy ngực gục xuống thành cửa sổ mà rên rỉ:
- Ối! Mợ ơi! Giờ này mợ đang ở đâu? Quả “vắng mợ rồi đời rất quạnh hiu.”
Nguyễn Mộng Giang
Mỹ luờng gạt gì ???
Con nguời do bản năng thích sở hữu tích luỹ nên sinh ra "tham sân si". Chiến tranh do thực dân gây ra trong thế kỷ 19 và 20 gây tang tóc và hậu quả khủng khiếp cho nhân loại. Nếu thực dân Pháp không tham lam ham muốn của cải thuộc địa thì Việt Nam đã không có chinh chiến điêu linh và rơi vào tay Cộng Sản. Nếu các nuớc thực dân Tây Phuơng không xâm chiếm Trung Ðông làm thuộc địa và không can thiệp vào Trung Ðông thì có thể tránh khỏi khủng bố A Rập. Việt Minh dùng khủng bố đánh đuổi Pháp, dân Algerie dùng khủng bố để dành độc lập, và dân Palestine cũng dùng khủng bố để mong có ngày đuợc độc lập. Việt Nam và Palestine đều tranh đấu giành độc lập sau thế chiến II, nhưng VN thành công là nhờ VN ruớc quỷ đánh ma, trở thành Cộng Sản để đánh thực dân. Nếu Palestine chịu bán linh hồn cho quỷ Cộng sản thì ho đã đánh đuổi đuợc thực dân dành đuợc độc lập như VN.
Mỹ đang bị cô lập vì 139 quốc gia trên thế giới thưà nhận Palestine rồi nay có thêm 3 quốc gia là Na Uy, Tây Ban Nha, và Ái Nhĩ Lan tham gia thưà nhận Palestine là quốc gia trong khi Mỹ không chịu thưà nhận cho Palestine độc lập. Theo luật sắc sắc không không, thực dân Tây Phuơng dù bị đưa ra toà án thế giới vì tội ác chiến tranh gây bể khổ nghiệp báo để làm giàu nhờ thuộc địa nhưng rồi sẽ mất hết thuộc địa và tài sản. Không có thuộc địa, Âu châu trở nên nghèo hơn các nuớc không thực dân như Úc, Canada, Hongkong, Singapore, và Ðài Loan.
Nhìn vào bang giao Mỹ Việt vàMỹ ào ạt đầu tư vào VN cho thấy rõ ràng Mỹ không chống Cộng sản, và Cộng Sản VN cũng không chống tư bản Mỹ, Hàn, Ðài Loan, bóc lột nhân công VN . Chỉ có dân VN bị Mỹ và Cộng Sản luờng gạt treo đầu dê bán thịt chó.