Tác giả: Orchid Thanh Lê
Bài số 4117-14-29517vb6011714Orchid Thanh Lê sinh trưởng tại Sài Gòn, định cư tại Hoa Kỳ tháng 9 năm
1997. Hiện là Phó Giáo Sư Tiến Sĩ tại Viện Nghiên Cứu Ngôn Ngữ Bộ
Quốc Phòng Hoa Kỳ tại Monterey, California. Bài viết của cô kể về một
câu chuyện mang tính nhân bản theo phương châm làm việc của Văn Phòng
Tìm Quân Nhân Mất Tích Trong Chiến Tranh, đó là "You Are Not
Forgotten" tạm dịch "Chúng Tôi Không Quên Các Anh". Người
viết bài do nhân duyên đã tìm được tên của một binh sĩ Việt Nam Cộng
Hòa tử thương trong một phi vụ hỗn hợp với quân nhân Hoa Kỳ vào thời
chiến. Bài trích từ báo xuân Việt Báo Tết Giáp Ngọ 2014, đã phát
hành khắp nơi.Trung uý Lữ Công Tâm nhận Huy Chương Anh Dũng Bội Tinh.
* * *
Tôi làm việc tại Viện Nghiên Cứu Ngôn Ngữ Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ. Một
trong những công việc tôi được giao là hỗ trợ tiếng Việt cho Văn Phòng
Tìm Quân Nhân Mỹ Mất Tích Trong Chiến Tranh Việt Nam. Mặc dù tôi phụ
trách giảng dạy tiếng Việt, nhưng có thể nói các chuyên gia trong văn
phòng kể trên là bậc thầy của tôi trong một số lĩnh vực. Họ am
tường địa hình trận thế những nơi xảy ra giao tranh, giải thích cặn
kẽ cho tôi những điều tôi còn khúc mắc liên quan đến vũ khí, chiến
thuật, đội hình bay, v.v. Vì vậy nếu chỉ coi các chuyên gia trong Văn
Phòng Tìm Quân Nhân Mỹ Mất Tích Trong Chiến Tranh Việt Nam là sinh viên
của tôi thì quả là điều không công bằng.
Hằng tuần chúng tôi giao tiếp với nhau bằng tiếng Việt qua phương tiện
truyền thông vệ tinh. Tôi gặp họ trên màn ảnh lớn trong một studio tại
Monterey, California; họ cũng thấy tôi qua màn ảnh trong một studio khác
tại Washington D.C. Chúng tôi xưng hô với nhau theo quan hệ thân tộc trong
văn hóa Việt, có vị tôi gọi bằng "bác" và xưng
"cháu", có vị tôi gọi bằng "anh" và xưng tên. Hằng
tuần chúng tôi cùng đọc và nghe tin tức với nhau, trao đổi ý kiến và
thảo luận chi tiết trong các tin tức liên quan đến công việc. Một trong
những vụ tôi được nghe kể và lưu lại trong tâm trí tôi những giây phút
chạnh lòng, thương cảm, khắc khoải là vụ xảy ra ngày 15 tháng 12 năm
1973.
Tôi được kể rằng ngày đó một số quân nhân Mỹ phối hợp với quân nhân
Không Quân Việt Nam Cộng Hoà trong công tác khai quật một vụ phi cơ rơi
trước đó. Phi vụ được thực hiện bằng trực thăng có sơn cờ hiệu của
Ban Liên Hợp Quân Sự Bốn Bên chỉ ra rằng không có bên nào được phép
công kích vào loại trực thăng này. Khi trực thăng bay đến vùng Bình
Chánh thuộc tỉnh Long An thì bị hỏa lực từ phía Cộng Sản bắn rát.
Kết quả tổn thất cho biết một đại úy phía Mỹ và một trung sĩ phía
Việt Nam Cộng Hoà bị tử thương, chưa kể số còn lại bị thương trong
chiếc trực thăng bị bắn. Trong hội nghị Ban Liên Hợp Quân Sự Bốn Bên
diễn ra sau vụ kể trên, phía Hoa Kỳ trưng ra chiếc áo trận thủng đầy
các vết đạn của viên đại úy tử thương trong phi vụ làm bằng chứng
với cáo buộc rằng phía Cộng Sản đã không tôn trọng hiệp định ngừng
bắn; đồng thời phía Hoa Kỳ và phía Việt Nam Cộng Hòa phản đối sự
vi phạm này bằng cách cùng bước ra khỏi bàn hội nghị.
Sau này, Văn Phòng Tìm Quân Nhân Mỹ Mất Tích trong chiến tranh Việt Nam
khi xem xét lại vụ việc thì nhận ra rằng họ đã không biết tên người
hạ sĩ quan Việt Nam Cộng Hoà tử thương trong phi vụ hỗn hợp này. Mặc
dù Văn Phòng đã nỗ lực tìm hỏi, gửi thông báo trên các trang mạng,
nhưng dường như vô vọng. Họ quyết định thiết lập bảng tưởng niệm các
quân nhân của hai phía đã hy sinh trong phi vụ ngày hôm đó với tên của
người hạ sĩ quan Việt Nam Cộng Hoà còn bỏ trống, điền khuyết bằng
chữ "Vô Danh". Trong các buổi gặp nhau hàng tuần, chúng tôi
đã đề cập, thảo luận vụ này không dưới chục lần. Tôi luôn tự hỏi
tại sao số quân nhân Việt Nam Cộng Hoà định cư tại Hoa Kỳ không nhỏ mà
phía Mỹ vẫn không có thông tin cụ thể. Tôi chạnh lòng khi nghĩ đến
sự đóng góp, hy sinh của phía Việt Nam Cộng Hoà trong cuộc chiến. Tôi
thương cảm vì phàm con người sinh ra ai cũng được đặt tên và đó không
phải là sự lựa chọn của họ mà là lẽ tự nhiên. Khi chết đi thì cái
tên đó được lưu lại ít ra trên một mộ bia, một tấm bảng, một phiến
đá nào đó để người đời sau biết rằng họ là ai. Tôi khắc khoải khi
nghĩ rằng người hạ sĩ quan Việt Nam Cộng Hoà trong phi vụ này đáng
được lưu tên trên bảng tưởng niệm thay vì cái tên "Vô Danh".
Tôi không bao giờ biết anh là ai, tôi chỉ biết anh bỏ mình vì nghĩa
vụ và tôi nghĩ mình nên làm một điều gì đúng nếu có thể.
Tôi không hề có một chút kinh nghiệm để lấy thông tin cho điều tôi
muốn theo đuổi bởi lẽ việc làm của tôi đơn thuần là dạy học và
việc tìm hiểu thêm vụ việc trên chỉ xuất phát từ lòng tự nguyện.
Tôi bắt đầu kể câu chuyện cho người thân, bạn bè, và những ai tôi quen
biết mà đã từng tham gia quân đội Việt Nam Cộng Hoà, đặc biệt là
quân chủng Không Quân. Tôi gửi nhiều thư đến các hội đoàn trong cộng
đồng, viện bảo tàng chiến tranh để hỏi thông tin, để lại địa chỉ
điện thư cùng số điện thoại của tôi để người nhận thư có thể liên
lạc lại. Tôi không đánh máy thư mà cặm cụi viết thư tay trần tình
lại câu chuyện với hy vọng thư của tôi được mở ra đọc chứ không bị ném
vào sọt rác vì người nhận có thể lầm tưởng là thư quảng cáo. Tôi
chưa bao giờ nhận được một sự trả lời nào trong gần mười bốn năm từ
khi tôi bắt đầu có ý định muốn tìm một kết thúc có hậu cho câu
chuyện trên.
Tôi hiểu và chấp nhận thực tế vì có thể người nhận thư không biết
thông tin liên quan gì đến vụ việc tôi hỏi, hoặc chuyện xảy ra quá
lâu, hoặc chuyện không có gì là đặc biệt trong vô số chuyện của các
quân nhân đã bỏ mình vì chiến cuộc v.v.. Tôi nghiên cứu những tài
liệu chiến tranh từ các thư viện để mong tìm được những chi tiết liên
quan; thậm chí cô bạn Bạch Ngọc từ tận nước Úc cũng không ngại giá
cước cao gửi sang tôi những quyển sách về Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà;
đặc biệt quyển Quân Sử Không Quân Việt Nam Cộng Hoà đã cung cấp vài
chi tiết hữu ích và giúp tôi giới hạn sự tìm kiếm chính xác hơn.
Tôi thường xuyên vào các trang mạng để cập nhật thông tin hàng tuần.
Đến tháng 3 năm 2010, tôi tìm được thông tin về Trung úy phi công Nguyễn
Nam nhận huy chương sao bạc Bắc Đẩu Bội Tinh trong phi vụ ngày 15 tháng
12 năm 1973. Tôi vội chuyển thông tin về Văn Phòng nhưng do một số lý do
khách quan sự việc không thể tiến hành xa hơn như tôi mong đợi.
Đến tháng 8 năm 2012, sau một chuyến công tác từ Minnesota và Wisconsin
gần một tháng, tôi trở lại làm việc với thói quen tìm tin đọc mỗi
ngày. Bất ngờ hàng tít của một bài báo "Anh Dũng Bội Tinh Sau
37 Năm Cuộc Chiến" đập vào mắt tôi, dù thông tin của bài báo chưa
chính xác như tôi tưởng, nhưng tôi tin chắc có liên quan đến vụ việc
tôi theo đuổi. Tôi lướt trên các trang mạng khác với hy vọng tìm được
những bài tin nói về nội dung như trên. Quả nhiên, tôi lần tìm ra trang
mạng của Hội Ái Hữu Biên Hoà California với thư mời tham dự lễ gắn
huy chương đồng hương Lữ Công Tâm. Càng đọc tôi càng tin chắc đây là
thông tin mình muốn tìm. Xúc động oà vỡ. Run rẩy. Tôi không dám tin
đây là sự thật. Tôi định thần đọc đi đọc lại bài báo để biết chắc
mình không nằm mơ. Tôi nhấc điện thoại gọi cho Hội Ái Hữu Biên Hoà
California. Tôi để lại tin nhắn cho một người có tên gọi Tuyết Hương.
Tôi xúc động quá đến nỗi sợ mình để lại số sai nên gọi lại ba lần
cũng chỉ với một thông điệp tương tự là xin người nhận gọi lại cho
tôi.
Trời cũng không phụ lòng người. Tuyết Hương gọi lại cho tôi ngày hôm
sau. Tôi giới thiệu về mình, kể ngắn gọn lý do và khẩn khoản xin
được giúp liên lạc với trung úy Tâm. Không để tôi phải chờ trong hồi
hộp, Tuyết Hương mau mắn gọi lại tôi không lâu sau đó "Chị liên lạc
với Cậu Tâm liền nha", tôi lo lắng "Có hy vọng gì không Tuyết
Hương ?" "Chị gọi đi. Chúc chị nhiều may mắn."
Nỗi căng thẳng của tôi như được cất đi khi nghe bên kia đầu giây giọng
miền nam chân tình và sốt sắng của người đàn ông tự giới thiệu là
trung úy Tâm. Ông nói liền sau đó "Người tử thương trong phi vụ
ngày 15 tháng 12 năm 1973 là trung sĩ Nguyễn Văn Hải." Tôi lặng
người. Bàng hoàng. Bất ngờ. Tôi không thốt nên lời. Sau ít phút trao
đổi ngắn ngủi tôi xin ông một buổi phỏng vấn và ông nhận lời ngay dù
thời gian khá gấp rút.
Tôi được biết trung úy Lữ Công Tâm sinh quán tại Biên Hoà, cựu học
sinh trung học Ngô Quyền, nhập ngũ khóa 4 Sĩ Quan Không Quân hiện dịch
năm 1969. Ông tốt nghiệp phi công trực thăng UH1 tại Hoa Kỳ năm 1970 và
về nước phục vụ tại phi đoàn 231 Lôi Vân, Không Đoàn 43 Chiê?n thuật,
Sư Đoàn 3 Không Quân, đóng tại căn cứ không quân Biên Hoà.
Trung úy Tâm kể tôi nghe phi vụ ngày 15 tháng 12 năm 1973 một cách rành
mạch. Sáng hôm đó, trung úy Tâm nhận lệnh của trung tâm hành quân ở
Quân Đoàn 3 Biên Hoà với hợp đoàn ba chiếc trực thăng. Điều đặc biệt
muốn nhấn mạnh ở đây là trực thăng của hợp đoàn có sơn ba dải màu
cam ở phía đuôi phi cơ là biểu tượng của Ban Liên Hợp Quân Sự Bốn Bên
được thành lập sau khi ký kết hiệp định ngưng bắn ngày 27 tháng giêng
năm 1973 gồm phía Hoa Kỳ, Bắc Việt, Việt Nam Cộng Hoà, và Mặt Trận
Giải Phóng Miền Nam. Theo Hiệp Định ngưng bắn, các phi cơ này phải
được an toàn trong bất kể vùng lực lượng đối phương hay bên ta. Nhiệm
vụ của hợp đoàn ba chiếc phi cơ là tìm xác của vụ rơi máy bay F100
tại tọa độ ở huyện Bình Chánh, tỉnh Long An, phía tây nam của Sài
Gòn. Ba chiếc trực thăng cất cánh từ Biên Hoà đến Tân Sơn Nhất đón
nhóm quân nhân Mỹ đem theo các dụng cụ như máy bơm nước, cuốc, xẻng
để đào xới tại tọa độ nói trên. Trong đội hình ngày hôm đó, chiếc
số 1 của Trung Úy Nguyễn Nam, chiếc số 2 của Trung úy Lâm Văn Có,
chiếc số 3 của Trung Úy Lữ Công Tâm. Trước ngày hôm đó, phía cộng
sản theo dõi biết được phía Việt Nam Cộng Hoà đã đánh dấu tọa độ
máy bay rơi và biết chắc họ sẽ quay trở lại ngày hôm sau nên đã âm
mưu phục kích sẵn.
Trung úy Tâm ngậm ngùi nhớ lại ngày định mệnh của trung sĩ Nguyễn
Văn Hải, người hạ sĩ quan Việt Nam Cộng Hoà còn khuyết tên trong bảng
tưởng niệm của Văn Phòng Tìm Quân Nhân Mỹ Mất Tích. Hôm đó, trung sĩ
Hải được giao nhiệm vụ là cơ khí viên trong phi vụ. Trung sĩ Hải bị
trễ phi vụ nên Trung sĩ Nguyễn Văn Hầu được lệnh thay thế cho Trung Sĩ
Hải. Khi trung úy Tâm chuẩn bị cất cánh theo hợp đoàn thì trung sĩ
Hải vừa kịp chạy đến trực thăng và nói "Trung úy ơi, trung úy
cho em đi bay với chứ ở nhà buồn quá". Trung úy Tâm nghe vậy bèn
ra lệnh cho trung sĩ Hầu ở lại và để Trung sĩ Hải đi theo. Trong lúc
trung úy Tâm chuẩn bị hạ cánh, trung sĩ Hải yêu cầu ông "Trung úy
Tâm ơi, đáp đội hình chữ V cho đẹp". Khi kéo cần lái để chuẩn
bị đáp thì trực thăng của trung úy Tâm bị trúng ngay B40 từ phía cộng
sản phục kích gần một con suối nhỏ. Quả B40 bắn trúng bình nhiên
liệu của trực thăng phía bên tay phải làm trực thăng bốc cháy ngay gây
cho trung sĩ Hải tử thương tại chỗ. Dưới hỏa lực dữ dội từ phía
cộng sản bắn lên, trung úy Tâm đã can đảm, bình tĩnh và khéo léo
điều khiển trực thăng đáp xuống an toàn để những người còn lại trong
phi cơ thoát được ra ngoài. Trung úy Tâm cùng phi hành đoàn là trung
úy Nguyễn Hữu Trí sau khi thoát khỏi phi cơ, trườn về phía trước
trong đám cỏ tranh chừng khoảng chục thước. May nhờ cỏ tranh cao nên
cộng sản phục kích khó mà thấy được. Phía cộng sản hô xung phong và
tấn công, bắn B40 vào trực thăng đang cháy. Giữa những tiếng reo hò
xung trận từ phía cộng sản, trung úy Tâm còn nghe được cả giọng của
nữ du kích.
Hai chiếc trực thăng còn lại trong hợp đoàn cất cánh lên được, bay
vòng yểm trợ phía trên. Khi thấy phi cơ của trung úy Tâm bị bắn bốc
cháy và buộc phải đáp xuống, phi cơ của trung úy Nam sà xuống cứu
nạn. Trung úy Tâm xúc động nhắc đến tình đồng đội trong lúc nguy
khốn, dưới hỏa lực gay gắt từ phía cộng sản mà trung úy Nam vẫn
không ngại nguy hiểm đáp phi cơ xuống cứu được hai phi công. May mắn là
cùng lúc đó có một hợp đoàn khác do đại úy Hồ Hữu Cảnh dẫn đầu
một toán biệt kích để thực hiện phi vụ lấy xác phi công khu trục
Việt Nam bị rơi tại vùng Lai Khê. Trên đường bay khi nghe tin trực thăng
của trung úy Tâm bị bắn nên hợp đoàn này quay trở lại cùng với toán
biệt kích và hai chiếc trực thăng võ trang để cứu nạn. Các quân nhân
bị thương và tử thương được chiếc phi cơ có toán biệt kích đến tải
đi cùng ngày. Phần tổn thất trong phi vụ này là phía Việt Nam Cộng
Hoà mất đi cơ khí viên trung sĩ Hải, hạ sĩ xạ thủ Phạm Ngọc Thanh
bị thương nặng, Trung úy Tâm và trung úy Trí bị thương nhẹ. Về phía
Mỹ, một đại úy là người trưởng toán trong nhóm đi tìm người Mỹ mất
tích bị tử thương và một hạ sĩ quan bị thương.
Trung úy Tâm đã không thể ngờ được sau khi miền nam Việt Nam bị mất
vào tay cộng sản năm 1975, ông phải đi tù cải tạo. Những tưởng rằng
cuộc đời mình đã tàn tạ, trung úy Tâm không nghĩ có ngày được lãnh
huy chương cao quý này. Ông giải thích với niềm hãnh diện rằng huy
chương đồng Anh Dũng Bội Tinh ông nhận có kèm chữ V (viết tắt của chữ
"Valor" trong tiếng Anh) biểu tượng cho lòng dũng cảm khi trực
diện quân thù.
Khi ra khỏi tù cải tạo năm 1981, trung úy Tâm vượt biên năm 1982 và
định cư tại Mỹ năm 1983. Ông cho biết ông và các đồng đội vẫn còn
liên lạc với nhau. Các đồng đội ông xem thông tin trên các trang mạng
đã báo cho ông biết để xin nhận lại huy chương cao quý này mà lẽ ra
phải được trao tặng vào tháng Tư năm 1975. Trung úy Tâm cảm thấy hài
lòng vì chiến công của những chiến sĩ Việt Nam Cộng Hoà góp phần
trong cuộc chiến đã được chính phủ Hoa Kỳ công nhận và họ đã tổ
chức trịnh trọng buổi lễ trao huy chương cho ông. Ông chia sẻ trong niềm
tự hào rằng ông có thể đại diện Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà mà nói
rằng đây là một quân đội rất dũng cảm chiến đấu trong mọi tình
huống, không phải như những lời tuyên truyền từ phía cộng sản hay phe
phản chiến là quân đội Việt Nam Cộng Hòa tham nhũng và hèn nhát. Ông
cũng tỏ lòng biết ơn đến vị dân biểu liên bang là bà Sanchez Loretta
đã hỗ trợ việc lấy lại danh dự cho quân đội Việt Nam Cộng Hoà bằng
cách đôn đốc hồ sơ xin nhận lại huy chương cho ông và các đồng đội.
Ông bồi hồi nhắc đến các chiến hữu như Trung sĩ Hải, hay Hạ sĩ xạ
thủ Thanh, các quân nhân Mỹ cùng tham gia phi vụ hỗn hợp ngày 15 tháng
12 năm 1973 và cũng không quên nêu cao tình đồng đội của các phi công,
toán biệt kích với niềm hoài niệm sâu xa.
Trước khi kết thúc buổi nói chuyện, tôi có thưa với trung úy Tâm,
"có lẽ trung sĩ Hải muốn con đến gặp chú." Bộc bạch được
điều này, tôi xúc động rơi lệ. Tôi nhớ mình đã viết một điện thư cho
Văn Phòng ngay sau khi phỏng vấn trung úy Tâm vào một chiều thứ sáu.
Bức điện thư ngắn gọn như một điện tín, "15 December 1973. He was
Sergeant Nguyễn Văn Hải. Too good to be true."
Vâng, tôi không cần viết gì thêm nữa. Tôi đã tặng họ một điều ngạc
nhiên. Tôi đã gieo trong tim họ một niềm vui vào cuối tuần với nhiều
dấu hỏi để rồi tuần sau khi gặp nhau, khi tấm bảng "On Air"
trong studio bật sáng, tôi sẽ nhìn vào màn hình để gặp lại những
người tôi muốn trò chuyện và chia sẻ. Tôi sẽ bắt đầu câu chuyện bằng
huy chương đồng Anh Dũng Bội Tinh kèm chữ V của trung úy phi công Lữ
Công Tâm.
Thế là chiếc huy chương đồng Anh Dũng Bội Tinh kèm chữ V của trung úy
Tâm đã đem đến kết cuộc có hậu cho câu chuyện về một đồng đội hy
sinh. Tôi tin tưởng Văn Phòng Tìm Quân Nhân Mỹ Mất Tích trong chiến
tranh Việt Nam sẽ sưu tra để khép lại hồ sơ vụ này. Tâm trí tôi đã
nhẹ, nỗi ưu tư kể từ lần đầu tôi nghe vụ việc ngày 15 tháng 12 năm
1973. Tôi cầu mong linh hồn Trung sĩ Nguyễn Văn Hải thanh thản hơn vì
từ nay tên anh được đặt trân trọng trên bảng tưởng niệm thể hiện niềm
tri ân cố hữu của chính phủ Hoa Kỳ đối với sự hy sinh của anh trong
sứ mệnh tìm người Mỹ mất tích. Tôi xin cám ơn lòng nhiệt thành của
Trung úy Tâm đã giúp tôi hoàn tất điều tôi tâm nguyện. Người của đất
Biên Hoà tự hào về ông.
Orchid Thanh Lê
Cũng nhờ sự quan tâm của độc giả mà thông tin được cung cấp thêm nên hy vọng rằng trong tương lai sẽ có tin tức cập nhật liên quan đến người chiến sĩ hữu danh Nguyễn Văn Hải.
Orchid Thanh
Cám ơn Thanh Lê một lần nữa về việc làm rất có ý nghĩa này.
Sáu
Nhân hậu, sắt son, mà nhẹ nhàng.
Những người lính anh hùng được vinh danh đã đành, việc làm của chị cũng là điều rất đáng quý.
Bài kết thúc với câu nói nhẹ tênh "Người của đất Biên Hoà tự hào về ông"
Xin mượn lời nói "KhA, một người phụ nữ Việt tị nạn, tự hào về chị'