Hôm nay,  

Sửa nhà

09/12/202200:00:00(Xem: 4461)

home
Hình minh họa

 

Nguyệt Mị là bút hiệu lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Mười ba năm trước, sau khi kết hôn với một nhạc sĩ Mỹ, cô theo chồng về Sonoma County, vùng đất nổi tiếng với rượu vang của Napa Valley. Hiện nay, gia đình đã dọn về San Diego. Tác giả đã nhận giải đặc biệt năm 2018 và giải danh dự năm 2021. Đây là bài viết mới nhất của tác giả.
  
*
  
Mị nhớ mình từng đọc đâu đó câu nói: “Nhà là nơi trú ngụ tâm hồn của chúng ta!” Nhà là nơi nắm giữ những ký ức tuổi thơ, là nơi nuôi dưỡng tình yêu thương trong tâm hồn mỗi người. Sau những ngày làm việc vất vả, những bôn ba trong cuộc sống ai cũng mong có một ngôi nhà ấm áp để trở về. Nhà không cần to đẹp, chỉ cần an toàn, ấm cúng và đầy tình yêu thương. Người nào mà bão giông cuộc đời dừng lại ngoài cửa nhà là người cực kỳ có phúc. Sau khi ủ mưu đâu gần chục năm thì Mị quyết định bắt tay vào gia cố ngôi nhà của mình, vừa để tránh mưa gió cuộc đời vừa để có chỗ ở thoải mái cho mình lẫn người thương.
 
Khâu đầu tiên phải suy nghĩ là “tiền đâu”? Đối với một người làm công ăn lương cơ bản thì việc có thể để ra một khoản lớn sửa nhà là gần như bất khả thi. Do đó, Mị cần phải cân nhắc, tính toán thật kỹ. Bất ngờ thay, đại dịch COVID bùng phát toàn cầu vừa đúng lúc bắt tay vào tính toán. Nếu như khủng hoảng tài chính Hoa Kỳ vào năm 2007 bắt nguồn từ khủng hoảng tín dụng nhà ở thứ cấp hay nói đơn giản là do các loại vay thế chấp nhà được xét cẩu thả, dẫn đến vỡ bong bóng bất động sản thì lần này, giá nhà cửa tăng vọt do mọi người phải ở nhà, nhu cầu làm việc tại nhà tăng cao, nhu cầu sửa chữa nhà ở tăng cao cộng thêm luật mới ở Cali cho phép tăng tỷ lệ diện tích nhà ở trên diện tích đất nhằm đáp ứng nhu cầu về nhà ở của người dân dẫn đến giá nhà vọt lên chóng mặt, đồng thời mức tiền lời xuống thấp kỷ lục do kinh tế lao đao vì đại dịch.Thế là giống như nhiều người Mỹ khác, Mị quyết định làm lại hồ sơ vay nợ tiền nhà, vừa rút ngắn thời gian trả nợ vừa mượn thêm tiền để bắt tay vào việc cơi nới và làm mới tổ ấm. May mà Mị “cơi nới” theo kiểu Mỹ Nếu mà Mị ”cơi nới tổ ấm” theo kiểu Việt Nam thì có khi tổ ấm thành tổ lạnh hoặc cháy mịa luôn nó tổ chứ đùa. Nghe giang hồ đồn! Cụ thể thì Mị chưa từng trải qua nên không biết!
 
Chặng đường gió bụi chính thức bắt đầu!
 
Mị vốn rất sợ làm gì không theo đúng quy chuẩn cụ thể. Cho nên Mị phải gọi kiến trúc sư thiết kế và xin giấy phép của thành phố. Mị nghe nói, nếu không xin giấy phép thì sau này khi kiểm tra có thể bị phạt, bắt phải tháo dỡ hoặc là không được tính vào diện tích nhà nếu cần sang nhượng mua bán. Ở đất nước thượng tôn pháp luật này, đến Tổng Thống còn có nguy cơ bị sờ gáy thì tốt nhất cứ tuân thủ luật pháp thì không ai làm phiền mình làm gì. Sau khi gọi cho một mớ các văn phòng kiến trúc và thiết kế xây dựng thì chỉ có hai anh kiến trúc sư xuất hiện. Anh đầu tiên, giày da bóng lộn, áo quần láng cóng, dầu thơm sực nức, bước vô nhà Mị hai bước là hết chiều sâu cái nhà, phẩy tay cái rột:
-       Chừng nào đập luôn cái vách này xây lại hãy kêu tui. Giá chót là 15 củ khoai. Để thì khỏi kêu nha.
Mị nghe xong, xanh mắt mèo.
 
Anh thứ hai người da màu, cao to phốp pháp, ăn nói vui vẻ nhiệt tình và sẵn sàng làm những đơn hàng nhỏ. Từ 3 củ bàn qua bàn lại cuối cùng thành 6 củ. Tuy nhiên sau đó là bao nhiêu lần lên tăng xông, hạ đường huyết, vì hắn nhận tiền cọc xong, làm nháp xong, trả tới phân nửa thì hắn ta lặn không sủi tăm. Mị thấy dịch giã, chưa cần giấy tờ gấp thì vẫn muốn hoàn tất để khi hết cách ly thì bắt tay vào ngay. Tuy nhiên hắn không thèm phản hồi tin nhắn lẫn email của Mị. Điện thoại thì không thèm tiếp. Cứ vài tháng thì hắn lại hồi một lần. Chắc lặn lâu quá cũng phải trồi lên thở. Sau hơn hai năm kiên trì nhắn tin vừa cãi cọ vừa năn nỉ, đến cuối cùng Mị phải bảo, thôi dẹp, bỏ hợp đồng, coi như không ai nợ ai, Mị đi tìm người khác thì cha nội kiến trúc sư chết dẫm lại trồi lên báo cho Mị biết là bản vẽ đã được thành phố chấp thuận. Giờ muốn có giấy phép chính thức thì phải thuê một cái container để đổ rác xây dựng. Muốn thuê container thì phải cho biết ngày nào khởi công, thuê mấy ngày. Muốn biết ngày nào khởi công thì phải có thầu xây dựng. Muốn có thầu xây dựng thì phải có bản vẽ. Muốn có bản vẽ phải có giấy phép. Muốn có giấy phép phải có tên thầu xây dựng. Muốn có tên thầu xây dựng thì phải ký hợp đồng. Muốn có hợp đồng thì phải có bản vẽ để báo giá. Lợi hại chưa?!
 
Thế là đến khâu gọi thầu xây dựng Mị đành dùng bản vẽ nháp để thương lượng. Gọi mười mấy chỗ thì có mấy chỗ không bắt máy, mấy chỗ hẹn không tới, mấy chỗ tới xong không trở lại, mấy chỗ cho giá hú họa kiểu áng chừng, và chỗ cuối cùng tuyên bố:
 
-         Cưng lên văn phòng công ty của anh đây nói chuyện, anh không rảnh tới nhà xem gì cả, muốn tới nhà phải trả tiền. Mà nói trước, theo mô tả của cưng thì tầm khoảng 175 củ - 230 củ nha.
 
Nghe xong Mị muốn... nổi dịch.
-         Ủa thêm cái phòng có chút chéo mà tính gì ghê vậy ba, tui đi mua mịa nó cái nhà khác cho rồi, làm chi cho cực vậy? Vừa phải thôi. Khỏi đi. Cúp máy.
 
Sau một chục cuộc gọi và chờ khoản một tuần thì có đúng hai mối tới liếc qua cái nhà của Mị xong một đi không trở lại. Họ chê công trình nhỏ không làm hụ hụ.
 
Mị đang định dùng tiền đi du lịch vòng quanh thế giới phứt cho rồi, làm ăn gì. Chẳng ngờ, anh chàng báo giá chảnh chọe hôm trước lại gọi đến hỏi:
-         Giờ sao, có lên công ty anh xem hàng không thì bảo. Lên đi cho biết thực lực bọn anh rồi hãy tính tiếp.
 
Còn chọn lựa nào khác đâu? Mị bèn lóc cóc đi tới địa chỉ anh chàng đó cung cấp. Bước qua cái cửa có chút chét với cô lễ tân tre trẻ xinh xinh là một cái showroom bự có bằng đâu 4 hay 5 cái nhà Mị cộng lại với toàn bộ vật tư, sàn, vách, đá, tủ bếp mẫu gắn sẵn, phòng sơn, vv các loại cộng với nguyên dàn trai đẹp từ ông chủ mới 44 tuổi, chắc cao 1m9 đến các anh giai phụ trách khâu tính toán, thiết kế, quản lý thợ, đặt hàng, vv.
 
Ta nói, gặp trai đẹp là coi như đơ như cây cơ, Mị chẳng nghĩ ngợi gì đồng ý cái rụp giá đưa ra nhưng vẫn còn một tia sáng suốt bảo:
-       Mị đây đi tiền trạm thoai, chớ mọi việc thì cần phải có sự đồng ý của sếp lớn trong nhà các anh xinh giai ạ. Để Mị về báo cáo tình hình và gọi sếp lớn của Mị lên nha. Sếp bận kinh lắm.
 
Mị câu giờ, hy vọng có anh thầu nào khác báo giá nữa không để mình so sánh. Sau một tuần nữa, chẳng thấy con ma nào, Mị đành kéo sếp lớn của Mị lên văn phòng.
Tới nơi, sếp vắt chân chữ ngũ uống nước và quảng cáo và khoe các giải thưởng âm nhạc lớn bé của sếp. Và thế là Mị không cách nào ép giá chúng nó được. Đành ép sếp. Sếp ý kiến chọn màu, vật liệu gì cũng bị Mị bác bỏ thẳng tay. Cuối cùng các trai đẹp tổng hợp danh sách vật tư, màu sắc, kiểu dáng đưa sếp duyệt; sếp cười ruồi hỏi:
-       Bọn mày nghĩ ở đây ai là sếp?
 
Quả thực, cái gì cũng có giá của nó. Muốn trai đẹp quan tâm, cung cấp vật liệu lẫn dịch vụ chất lượng cao thì phải chấp nhận trả giá bọn hắn đòi chớ biết sao giờ. Quan trọng là Mị biết rõ bọn hắn cũng như Mị thôi hà. Mị phải làm được việc thì mới tự tin ra giá và khách hàng cũng đánh giá cao chất lượng công việc của Mị mới trả giá Mị đòi, chớ đâu phải Mị cứ xồn xồn tuyên bố: "Chụy đây là thông dịch giỏi nhất nước Mỹ nhoa cưng" thì khách nó ngán mà nó mau mau thuê Mị làm. Có khi khách lại chạy mất dép cũng hỏng chừng. Nói chung thì chỉ cần tiêu chuẩn cung cầu khớp nhau thì giao dịch thành công. Và Mị thì đòi hỏi tiêu chuẩn cũng hơi cao. Thứ nhất thái độ làm việc chuyên nghiệp nhưng phải thân thiện hòa nhã, tôn trọng khách hàng. Thứ hai làm việc hiệu quả, làm hay hơn nói. Thứ ba … đẹp trai. Hợp đồng ký kết thành công. Ký xong hợp đồng chi tiết và trả riêng kiến trúc sư của thầu 5 củ để anh ấy ra bản vẽ nhà bếp đồng thời sửa lại thiết kế bản vẽ của cha nội “kiến trúc sãi” xong thì Mị thấy cũng khá an tâm bèn bắt tay vào vay thêm tiền. Chớ cầm trong tay có 50% giá trị hợp đồng mà không vay thêm thì toi đời. Giờ Mị phải tranh thủ cày cuốc để kiếm tiền trả cho dàn trai đẹp đó.
 
Làm việc trong toà Mị đã nhiều lần chứng kiến chỉ có một chữ khác biệt trong lời khai cũng đủ đảo ngược tình thế. Do đó khi dịch bất kỳ tài liệu nào Mị cũng cẩn thận xem đi xem lại cả chục lần, có khi tham khảo ý kiến của đồng nghiệp khi không chắc chắn về một chữ nào đó. Đáng tiếc thay, bây giờ người ta chú trọng giá rẻ hơn chất lượng và người nhận dịch vụ cũng không cảm thấy khó chịu với từng con chữ không chính xác hay nói tiếng Việt nhưng câu từ lại mang phong cách tiếng Anh. Và khi được góp ý thì Mị bị cho là đồ cổ lổ sĩ không thức thời. Giờ Mị vẫn ngứa miệng khi nhớ câu quảng cáo dạy tiếng Anh của một bạn thạc sỹ trẻ tuổi:
-     Dạy kèm cho người nào bị “mất gốc” tiếng Anh.
Để giữ thể diện cho bạn ấy Mị đã nhắn riêng:
-       Em ơi, “mất căn bản” mới đúng nha!”
Và sau khi nói qua nói lại thì Mị kềm chế lắm mới không xổ ra câu:
-     Em đúng là “mất gốc!”
 
Gặp trường hợp coi mình là chân lý thì Mị chỉ có cách bỏ chạy. Chứ chả nhẽ lại đi cãi nhau với một đứa ngu thì hoá ra lại thành hai đứa ngu. Khả năng cảm thụ ngôn ngữ của mỗi người đều khác nhau. Có người chồng chửi không còn manh giáp, kêu vợ đồ đĩ đi ngủ với trai, giận dỗi ba ngày lại thấy ôm eo nhau cười phớ lớ đi ăn giỗ như đôi chim câu đang yêu. Có người chồng chửi thề một tiếng khi gây lộn với vợ là bị dợt ra ngô ra khoai tới hai chục năm sau chồng chưa dám chửi tiếng thứ hai.
 
Nhưng một khi đụng tới pháp lý thì coi chừng. Hợp đồng kinh tế lớn nhỏ đều thận trọng từng chữ một. Và Mị, lần đầu tiên ký cái hợp đồng chi tiết như vậy và hiểu lầm đúng 1 chữ: “extended to”. Cái chữ “to - tới” mới là chữ chính yếu trong khi Mị nghĩ nó là giới từ, bổ nghĩa cho chữ “extend - kéo dài” cho đúng ngữ pháp mà thôi. Thực ra trong đầu Mị lúc ấy chẳng hiểu nghĩ cái gì mà đọc “to” thành “at”. Cứ thế điềm nhiên hiểu cái câu “extended to the fridge- kéo dài TỚI tủ lạnh” thành “kéo dài THÊM NGAY CHỖ tủ lạnh”. Quan trọng là “extend – kéo dài”, “to” hay “at” thì ăn thua gì. Ngay thời điểm quan trọng, tự nhiên não lại bị đơ. Không đọc kỹ văn bản trước mặt mà cứ theo ý nghĩ trong đầu. Cứ y chang những người đưa ra lời khai tại tòa. Chuyện người ta hỏi thì không lo nghe kỹ để trả lời, cứ nói những chuyện mình muốn nói, thích nói. Điều này sẽ cực kỳ bất lợi vì quan tòa hay bồi thẩm đoàn thường xem những câu trả lời kiểu này là một dạng luồn lách tránh né không trả lời vào câu hỏi, có nghĩa có điều gì đó muốn che dấu, lấp liếm hay câu trả lời không đáng tin cậy. Nhưng thật ra, có khi chỉ là thói quen hay văn hóa kiểu ưa nói vòng vo hay có ấm ức muốn giãi bày.
 
Mấy bữa sau bản thảo được đưa tới và Mị phát hiện, ủa, sao cái dàn tủ bếp thiếu cái góc sát tường vậy trai đẹp?
- Thì Mị nói Mị phải tiết kiệm nên chỉ làm tới đó thôi, hợp đồng ghi rõ là “extended to the fridge - kéo dài tới tủ lạnh” mà. Mị tức điên gào lên trong điện thoại:
- Chỉ tới chỗ tủ lạnh thì “extended” con mịa gì nữa hả. Cái đó mới có bằng chiều dài tủ cũ thôi. “Extend” cái chỗ nào? Mị đã bảo là cái góc đó chỉ cần tủ dưới, không cần tủ trên vì blah blah blah.… Cà lăm, cúp máy.
Mị mà tức điên lên thì thường làm thinh bỏ đi, hiếm khi nào lớn tiếng cãi cọ. Mị thích ăn nói ngọt ngào, êm dịu. Giai đẹp nào muốn lừa Mị cứ nói ngọt, Mị sẽ để mình bị lừa một cách tự nguyện. Giai đẹp thấy Mị tức điên lên cúp máy thì hoảng hồn nhắn tin bảo:
- Để anh chạy qua nhà nói chuyện trực tiếp với cưng nghen.
- Không gặp. Đang tức. (Ủa sao giống đang nói chuyện với người yêu vậy ta?! )
- Hay giờ lỡ báo giá thiếu rồi, cưng chịu vật tư anh chịu công mình làm luôn chỗ đó nha.
Nghĩ tới nghĩ lui, vẫn tức. Rõ ràng mình dặn chi tiết cẩn thận chỗ đó, giờ bọn chúng lại dùng nam nhân kế rồi chơi chữ trong hợp đồng với Mị. Mị tức quá bèn nhắn.
- Thêm 2 củ thì Mị đây dư sức trả, nhưng niềm tin với mấy you là đang sứt mẻ nghiêm trọng, Mị cảm thấy không an tâm giao nguyên cái nhà cho mấy you. Chả nhẽ cứ làm ba bữa bảy bữa lại lôi hợp đồng ra cãi? Lời nói của Mị như đinh đóng cột, không cần giấy tờ, luôn có giá trị. Một khi đã nói ra là giữ lời. Nên lần này Mị nghĩ rồi, dẹp mịa nó đi khỏi làm nữa. 5 củ bản vẽ đó you giữ luôn đi. Nghỉ.
 
Sau 30’ thì trai đẹp gọi lại. Lần này đã bớt tức Mị bắt máy. Trai đẹp nói, mới xin ý kiến sếp lớn, sếp nói không tính thêm tiền, làm luôn hạng mục đó, kèm thêm hạng mục khác hôm trước Mị đòi kèm vô mà trai đẹp hổng chịu, giờ làm luôn. Coi như bù đắp tổn thất tình cảm. Nghe tới đây thì Mị cười toe toét. Đúng là đàn bà nhẹ dạ. Cứ tổn thất tình cảm thì lấy vật chất bù vào, vuốt ve vài câu thì lại thấy đời tươi đẹp ngay. Lại hẹn hò:
- Đợi Mị dẫn cả nhà công du miền Đông một chuyến xong về mình khởi công nha?
 
Khi còn ở Việt Nam thì Mị không có một ngày Lễ gia đình thực sự. Phần lớn là giỗ quảy của Ngoại làm và Tết thì cũng toàn ăn ké nhà người khác hoặc đóng cửa trùm mền ngủ. Do đó Mị thường chẳng quan trọng lễ lạt gì nhưng những những dịp gia đình quây quần bên nhau trong một căn nhà ấm cúng, vui vẻ chính là chất keo tình thương giúp mọi người trong gia đình xích lại gần nhau, yêu thương nhau nhiều hơn. Tuy nhiên, do Mị gần như không có những ngày lễ quây quần này ngày còn thơ bé nên đôi lúc cũng phẩy tay bảo chồng, khỏi làm gì cho rườm ra tốn thời gian. May mà nhờ công chồng Mị giữ lửa cho cả nhà. Để mỗi độ thu về, Mị lại thấy mình nôn nao mong đợi đến ngày Lễ Tạ Ơn, ngày Lễ Mị yêu thích nhất trong năm. Nay là ngày Lễ Tạ Ơn thứ 18 trên đất Mỹ và vào ngày này thì Mị chỉ việc nằm gác cẳng lướt mạng săn hàng giảm giá trong khi chờ thưởng thức món gà tây ngon lành mà chồng con đang lăng xăng nấu nướng trong bếp cảm nhận được niềm vui gia đình ấm cúng và cảm tạ Ơn Trên đã ban cho Mị một cuộc sống yên ổn, đầm ấm. Tuy nhiều lúc tức điên với ông chồng âm lịch hay mè nheo, yêu sách nhưng quả thực không có chồng Mị phụ trách vấn đề học hành, thể thao, âm nhạc và sinh hoạt ngoại khoá của con gái rồi lâu lâu lại bắt cả nhà phải chưng dọn son phấn tóc tai để đi lễ này hội nọ thì có khi đời sống tinh thần lẫn vật chất cũng không được phong phú và đa dạng như hiện nay. Mị chỉ biết suốt ngày tụ tập ăn uống nói tào lao là hết chuyện.
 
Điểm lại một năm qua Mị cảm thấy mình có nhiều điều để tạ ơn cuộc đời. Thật là một năm đầy may mắn.
 
Năm nay, Ơn Trên phù hộ cho Mị gặp nhiều người giỏi, đi nhiều nơi, mở mang tầm mắt, hợp tác thêm được nhiều khách hàng. Có đi làm nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người ở nhiều lĩnh vực khác nhau, mới cảm thấy biết ơn vô cùng đất nước và con người nơi đây. Rất nhiều người không biết rằng để được sống và làm việc ở đất nước phát triển và thanh bình này, có công lao của bao nhiêu người đã và đang lặng thầm làm việc và cống hiến cho đất nước. Họ làm việc tận tụy từ cấp độ các chi tiết nhỏ đến quy mô cực lớn đòi hỏi sự hiểu biết và kết hợp chặt chẽ từ nhiều cá nhân và tổ chức khác nhau từ cấp độ địa phương đến quốc gia. Càng làm việc nhiều Mị càng khâm phục nhiều người quá xá giỏi. Cảm thấy mình đến lúc phải nghiêm túc rèn luyện thể lực và học hỏi mở mang kiến thức để mình thích nghi được với sự thay đổi của đời sống và theo kịp cấp độ làm việc của người khác.
 
Kế đến là tìm được chùa vừa gần nhà vừa vui. Mỗi lần lên chùa tâm trạng lúc nào cũng vui vẻ chưa kể được cho lủ khủ bánh trái đem về. Có khi nhiều quá phải đem cho hàng xóm ăn phụ. Chả bù với trước đây, tốn công, tốn của, tốn thời gian mà còn mang tiếng đi ăn chực. Giờ đúng nghĩa ăn chực cơm chùa! Thầy còn dặn “xuống ăn thôi, khỏi cần làm gì hết con!” Tuy rằng đi chùa nhưng Mị chẳng thấy tâm mình tịnh chỗ nào, có khi còn sân si hơn trước do vừa ăn vừa chọc ghẹo các phật tử lẫn tăng ni.  Có một bạn Phật tử rủ Mị quy y. Trời ạ, một đứa ham ăn thịt và thấy đồ ăn thì sáng mắt lên như Mị sao mà quy y cho nổi. Dẫu biết đó chỉ là một hình thức cam kết để sống một cách tỉnh thức hơn, giác ngộ hơn trong đời sống hàng ngày chứ không phải xuống tóc đi tu như cô Lan trong tuồng Lan và Điệp. Nhưng chỉ đọc sơ quy định của khóa tu học tới mục thứ hai thì Mị đầu hàng vô điều kiện. Mị không những ham ăn mà còn hay nói hay giỡn, đọc thấy “ăn trong yên lặng” là thua toàn tập. Cứ tưởng tượng một nhỏ mập đứng ôm chặt gốc cột dưới mái hiên chùa, miệng thì om sòm “không Mị không tu đâu.” trong khi một đứa ốm ròm thì ra sức kéo tay rủ đi xin lịch quy y để Thầy Trụ trì đặt pháp danh, Thầy thì đứng kế bên cười, y như một đám tấu hài.
 
Và cuối cùng là dàn trai đẹp làm việc uy tín, hiệu quả trong mấy tháng qua để quá trình sửa chữa nhà không gây quá nhiều gián đoạn hay bất tiện trong cuộc sống, tuy rằng các trai đẹp quả thực đã làm Mị viêm màng túi trầm trọng. Dù sao vẫn tốt hơn là vừa đau bụng vừa nhức đầu cộng thêm rêm mình toàn thân.
 
Ngày khởi công sửa nhà thì nguyên dàn trai đẹp cao hơn Mị một cái đầu, eo thon ngực nở được 3 anh còn lại thì gấu còn hơn Mị đổ xuống đâu gần chục mạng. Mới có nửa ngày bọn hắn phá sạch bách cái bếp của Mị và dọn láng địa không còn một cục gạch chọi chim đồng thời căng ny lon chống bụi cũng như lót đường đi bảo vệ phần sàn nhà được giữ lại. Thấy tốc độ các anh làm việc như gió cuốn Mị cũng hơi chột dạ. Nếu các anh làm nhanh như vậy có khi Mị xoay tiền không kịp chứ đùa ah. Mị thầm cầu cho các anh làm chậm chậm lại một chút cho Mị kịp xoay sở. Tiếng Anh có câu:
-      Be careful for what you wish for. Nghĩa là cẩn thận với mong ước của mình.
 
Cầu được ước thấy luôn. Anh bạn làm bên mua bán nhà bảo:
- Trần đời chưa thấy ai bị đình công trình mấy tuần giống em mà mừng hí hửng.
Chèng ơi, ảnh không biết, nhờ đình công trình mà Mị chỉnh được thiết kế, nhận kịp tiền, mọi việc thuận theo ý Mị muốn, an tâm hẳn.
 
Trước giờ Mị cứ tưởng mình thay tủ mới thì chủ yếu là màu sắc kiểu cọ còn bề ngang và bề dài nó cũng làm lại y chang vậy, nên chỉ cần mình lựa màu là được. Mị không hề biết mình phải thương lượng hết sức cụ thể và chi tiết từng ngăn tủ. Điều chỉnh thiết kế sao cho hạn chế tối đa phần “filler” hay nói nôm na là phần bọng giữa hai cái tủ không xài được và sẽ được che mặt ngoài không nhìn thấy nhưng diện tích sử dụng thực tế bên trong sẽ nhỏ hơn bên ngoài nhiều. Hay ngoài chất liệu, màu sắc, kiểu dáng thì chiều cao, bề ngang của tủ cũng phải được ghi rõ ràng và cụ thể. May hồn ngày thợ chuyển kệ tủ tới nhà, Mị phát hiện ra không những màu xám bị đổi thành màu trắng mà cái tủ đứng thì hẹp bề ngang, nhưng bề cao dư hơn hai tấc. Trong căn bếp nhỏ xíu của Mị thì nhìn hoàn toàn không cân đối. Mị chặn lại ngay lập tức. Phát hiện ra sai sót, trai đẹp dụ dỗ:
- Mị cứ nhận màu này đi, anh sẽ lót thêm phòng ngủ cho Mị.
- Mị không muốn vừa chiên cá vừa đeo kiếng mát nha.
Đùa à, Mị mê trai chứ Mị đâu có ngu.
 
Ta nói hay hổng bằng hên, nhờ vụ sai màu này mà Mị nhân dịp điều chỉnh lại toàn bộ thiết kế nhà bếp theo chính xác chị tiết mà Mị muốn, số đo từng ngăn tủ, kể cả chỗ gắn tay nắm cửa. Mị muốn bảo đảm tận dụng tối đa diện tích căn bếp nhỏ của Mị để Mị có một cái bếp gọn gàng, đẹp mắt và quan trọng nhất là phải thực sự tiện dụng. Kiến trúc sư trở lại đo đạc, vẽ bản vẽ cụ thể, số đo từng cái tủ, chiều cao, chiều ngang, bao nhiêu kệ, bao nhiêu hộc tủ, phải liệt kê ra chi tiết cho Mị. Sau đó anh Kiến trúc sư đẹp trai còn gửi bản vẽ 3D để Mị xem cho thật hài lòng từng chi tiết rồi mới tiến hàng đặt kệ tủ.
 
Có bắt tay vào làm mới biết là có vô số chi tiết cụ thể cho từng hạng mục cần phải chú ý, cân nhắc từng mm. Một số chi tiết khập khiễng nếu tiếc tiền mà để lại, thành ra cứ phải thêm chỗ nọ, chỉnh chỗ kia và cứ mỗi lần bảo các anh trai đẹp điều chỉnh là Mị lại phải bấm bụng trả thêm tiền. Con mắt người ta kỳ lạ lắm, nguyên cái phòng đẹp đẽ vậy chứ chỉ cần có một điểm không khớp thiết kế hay sai lệch vài mm là nhìn ra ngay. Cũng y như cái tâm người ta khi nhìn người vậy, bao nhiêu việc tốt người ta làm không thấy, chỉ cần thiếu một chuyện, sai một thứ là thành tội đồ ngay.
 
Đang lúc nhà cửa tháo dỡ xây dựng dở dang, trận cháy rừng lớn nhất Cali còn đang cách nhà vài cánh đồng, ranh giới di tản đang suýt soát cách mấy con đường và bão vừa mới thổi sập hàng rào thì Mị lại xách túi lên đi làm xa. Vốn dĩ chồng Mị thì luôn hài lòng với lựa chọn của Mị còn Mị mà không vừa lòng chuyện gì thì lăn qua lộn lại, nguyên đêm không ngủ, sáng sớm 6h là điện thoại dựng đầu thợ dậy biểu phải qua điều chỉnh lại. Chồng Mị bị một trận sợ rồi, thành ra Mị làm gì lão ấy cứ mặc kệ Mị, kẻo lơ mơ có khi bị vợ dợt bất tử thì oan mạng. Trong khi không có nhà thì cứ mỗi món làm xong, Mị lại dặn chồng chụp hình gửi cho Mị xem. Có chi tiết nào nghi ngờ không chính xác thì Mị lại điện thoại gào ầm ĩ với trai đẹp. Đến nỗi hắn bảo:
- Mị à, anh thấy tội cho chồng Mị quá!
Đấy người làm không ai tội, tội kẻ ngồi không.
Mà các anh nghe Mị thắc mắc chi tiết, ý kiến đủ thứ nhiều đến nỗi có lần các anh ấy bảo với chồng Mị:
- Nãy đi nhà thờ mà thấy tin nhắn của vợ mày bọn tao chạy qua luôn, trước khi bước vô cửa tụi tao cũng cầu nguyện rồi mới gõ cửa đấy.
Haiza, oan cho Mị quá. Mị chỉ gởi mỗi tấm hình. Hổng có nói tiếng nào hết trơn hết trọi ah.
Trai đẹp ngoan đạo ra phết.
 
Cũng may mà Mị tìm được thầu xây dựng này rất uy tín. Không bị tình trạng làm một bữa nghỉ bảy bữa, hay lâu lâu thì mất hút, điện thoại không nghe, tin nhắn không đọc, email không trả lời. Trong bất kỳ chuyện gì cũng vậy, Mị ghét nhất là câu trả lời lấp lửng hoặc im im không nói. Kể cả nếu khi mà Mị tỏ tình thì cứ thẳng thừng từ chối chứ đừng có cái kiểu im im lặn mất tăm không sủi bọt. Các anh trai đẹp này, chỉ cần nhắn một tiếng là trả lời ngay, và trở lại kiểm tra công trình ngay. Lại còn sẵn sàng làm mẫu cho chồng Mị chụp một tấm hình gửi qua cho Mị khi Mị đang đi công tác.
 
Hồi xưa mà Bà Tám đẻ Mị con trai thì thể nào Mị cũng làm xây dựng hoặc kỹ sư cầu đường. Mị rất thích nhìn những công trình dần dần hình thành dưới bàn tay người thợ, cảm giác như mình đang đạt được một thành tựu to lớn. Có nhìn người ta làm mới thấy quá nhiều công đoạn cho mỗi hạng mục. Như riêng mỗi vụ đổ xi măng thôi mà họ đào móng, đóng cọc sắt, khung sắt, rồi dặm đất, đổ cát, căng dây chỉnh độ cao, quét vân bề mặt, vv vô số thứ. Khung gỗ thì sườn gỗ, đà gỗ, vách ván chịu lực chỗ nào, góc thép chịu lực chỗ nào, và còn nguyên tấm thép chịu lực ở góc nhà từ sàn lên tận nóc. Mị ra nhìn mà hết hồn. Nóc nhà thì nào ván, nào chống thấm, nào cách nhiệt, rồi chưa kể rãnh nối mái ngói, ôi thôi đủ thứ và đừng quên phải liệt kê tất cả chính xác vào hợp đồng. Kẻo không là cãi nhau mệt nghỉ.
 
Mỗi khâu là có một đội chuyên biệt phụ trách và mỗi ngày thì anh cai đẹp trai lại đến kiểm tra chất lượng công việc, chụp hình đánh dấu. Sau mỗi công đoạn hoàn thành là thành phố cử người xuống nghiệm thu chất lượng công trình. Chủ nhà có biết con khỉ gì đâu mà nói. Nhìn bên ngoài thì chỉ biết vậy thôi chứ tiêu chuẩn về kích cỡ, khối lượng, tỉ lệ và ngay cả vị trí gắn ổ điện cũng có quy cách của nó. Túm lại, xem các anh chuyên nghiệp làm vừa an tâm vừa thú vị ra phết. Thành ra mỗi khi đi làm về mà các anh còn đang làm việc thì Mị thường lăng xăng chạy ra chạy vào hỏi han chỉ chỏ đủ thứ. Lần nào các anh ấy cũng bảo:
- Mị, đang làm, chưa xong.
Mị lại cười khì khì, có khi quên còn thò tay xoa bụng anh thợ béo. Nghĩ lại, tay ảnh cầm máy bắn đinh, tay cầm gỗ, lỡ ảnh nhột ảnh vung tay một phát là toi đời.
 
Cuối cùng thì cũng đến ngày hoàn tất. Dù đã có vài chỗ trục trặc thêm chỗ nọ chỗ kia nhưng các anh đẹp trai đã giữ đúng lời hứa, hoàn tất toàn bộ cho Mị trong vòng 4 tháng đúng. Thật ra, khi nhìn tốc độ làm việc của họ, Mị nghĩ 2 tháng là hoàn toàn có thể. Mị có thể bắt tay vào sắp xếp lại nhà cửa lẫn công việc. Cũng vừa kịp lúc. Khi bắt đầu làm, Mị cũng hồi hộp ghê lắm. Nghe nhiều câu chuyện về việc thợ làm kéo dài, và bản thân Mị cũng từng bị thợ câu giờ. Làm mỗi cái nhà tắm hắn kéo 3 tháng. Có người thì bị kéo cả năm, hai năm. Còn kéo xong rồi xù dẫn đến phải kéo nhau ra tòa thì bản thân Mị cũng dịch cho nhiều vụ.
Mị rất yêu quý ngôi nhà của mình cũng như yêu thích thành phố này. Dù mấy lần đi qua miền Đông Bắc nhìn cây cỏ xanh tươi, bốn mùa thay màu lá Mị thích ơi là thích, nhưng nghĩ đến cảnh tuyết rơi mùa đông là Mị chạy mất dép. Có thể ở được một nơi yên tĩnh, an toàn, có cơ hội phát triển nghề nghiệp, có được đời sống bình an và thoải mái mà còn phụ giúp chút đỉnh được cho người khác, cống hiến cho xã hội; Mị thấy mình quá có phước. Sống ở nơi nào cũng được, chỉ cần phù hợp với mong muốn của mình là được. Chọn lựa nào cũng được, chỉ cần chịu trách nhiệm với chọn lựa của mình là được. Nên Mị không mong cầu một đời không sống gió, mà chỉ mong cầu mình có bản lĩnh vượt qua sóng gió. Không mong cầu được người người yêu mến, chăm lo mà chỉ mong cầu mình đủ từ tâm để yêu mến cuộc đời và đủ khả năng chăm lo giúp đỡ cho người khác. Mị không mong cầu nhà cao cửa rộng mà chỉ mong an cư lạc nghiệp.
 
Temecula 11/25/2022
Nguyệt Mị 
 

Ý kiến bạn đọc
20/03/202318:22:40
Khách
Cô Nguyệt Mị vui lòng hướng dẫn để tôi có thể thi trở thành thông dịch viên. Emai: [email protected]
Cám ơn cô nhiều.
12/12/202216:34:59
Khách
Chị đã gửi email cho Truc Ly rồi nha.
10/12/202214:44:54
Khách
Làm sao để trở thành phiên dịch chị Mỵ, bày cho em với please, email của em [email protected]
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 496,129
Một trong những người bạn nối khố của tôi vốn là nhà báo. Sau Giáng Sinh 2021, anh gọi cho tôi nói tôi còn nợ anh ấy bài viết cho số báo Xuân Nhâm Dần của anh sắp trình làng. Tôi cố tảng lờ, “Nợ gì nhỉ?” Bạn liền quát vào máy, “Tôi xin ông. Ông cứ cái tật đánh trống lãng với tôi đấy hả?” Tôi xởi lởi hỏi viết gì bây giờ, bạn liền ra lệnh, “Mùa Xuân, viết về tuổi già chứ còn gì nữa.” Tôi sực nhớ mình có hứa với bạn, nên phải trả cho xong món nợ cuối năm. Lục mãi trong trí nhớ của mình nay đang xuống cấp, tôi bèn chọn ngay việc tản mạn tuổi già của chính mình và của bạn bè đang lưu lạc ở Mỹ, nơi xứ lạ quê người.
Thôi để tôi tả một cuộc hèn hò trên sân khấu trường quay bạn muốn hẹn hò trong nước thì bạn đọc hải ngoại dễ hình dung hơn. Giữa sân khấu là một bức màn được buông xuốn để hai bên không thấy nhau. Bên nhà trai có người hướng dẫn chương trình là đàn ông, bên nhà gái là cô hướng dẫn duyên dáng. Thường thì bên cô gái được mời lên sân khấu trước, sau đó đến bên chàng trai. Cô gái giới thiệu về lý lịch trích ngang của bản thân, nói sơ lược về tình trường mà cô đã trải qua, thể hiện tài năng hay cũng có thể gọi là tài vặt như ca hát, nhảy múa để góp vui với chương trình. Điểm quan trọng nhất là cô nói thẳng ra ý muốn của cô với chàng trai bên kia bức màn về mẫu người đàn ông mà cô muốn hẹn hò.
Chẳng biết tại sao mà từ khi qua Mỹ cho tới nay tôi bị lời nguyền gì mà mỗi năm đều bị bệnh mất mấy ngày, nhẹ thì cảm, sổ mũi nóng sốt, nặng thì bỏ ăn một hai bữa. Còn không thì chạy xe bị người ta vượt đèn đỏ hít đít hoặc húc hông, có lẽ thấy tôi mỗi ngày mỗi hên nên vận bám vào người càng nặng. Năm ngoái trước đám cưới con trai là thằng Dũng thì Covid tới thăm và ở nhà chơi chung với tôi 50 ngày. Năm vừa rồi đám cưới thằng Duy sức khỏe chưa lấy lại được thì bị giời leo đau đến nỗi tôi không bước nổi. Vì cứ bị con bệnh đeo bám như vậy nên thằng Duy là con trai lớn đã thương mà trả hết nợ nhà cho để tôi yên tâm ở nhà nghỉ ngơi cho khỏe.
Trước hết căn cứ vào số lượng người mang họ Nguyễn (họ phổ biến nhất của người Việt) ở trong vùng rồi suy luận ra, ta có thể phỏng đoán được số lượng người Việt. Theo tin từ trang Wikipedia tiếng Việt thì tôi được biết theo thống kê năm 2005 ở Việt Nam người họ Nguyễn chiếm 38% dân số. Dĩ nhiên con số 38% này không phải là con số tuyệt đối có thể đại diện cho bất cứ tập thể nào. Nghĩa là không phải ở bất cứ nhóm người nào người họ Nguyễn cũng chiếm tỷ lệ 38%. Do đó trong ước tính của mình tôi áp dụng con số khiêm nhường hơn một chút đó là chỉ khoảng 1/3 người Việt mang họ Nguyễn.
Sở dĩ gọi là "nghề" vì chuyện trong nhà tôi, ông anh rể là sĩ quan đi "cải tạo", thằng con của anh ấy, là cháu ruột tôi, vào lớp Một, nhà trường gửi về bản khai lý lịch, tên bố tên mẹ và nghề nghiệp. Chị tôi điền lý lịch cho thằng bé, mặc dù lúc ấy chị đang chạy chợ trời, nhưng theo “kinh nghiệm” mấy chị hàng xóm thì không nên khai chợ trời, sẽ bị đánh giá là …tiểu tư sản, con mình sẽ bị trù dập, cho nên dù chẳng hiểu thằng bé 6 tuổi còn thò lò mũi xanh sẽ bị trù dập kiểu gì, chị bèn ghi là “nội trợ” cho an toàn. Còn phần nghề nghiệp bố thì để trống vì không biết khai thế nào. Đến lớp, cô giáo liền điền vào khoảng trống nghề nghiệp của bố nó là... "học tập cải tạo"! Mà nghề này còn sinh ra nhiều nghề khác cho những người tù, nào là chăn lợn, nuôi gà, trồng rau, nấu cám, đốn củi trên rừng. Lần đó tôi theo chị lên trại Thành Ông Năm thăm nuôi anh rể, anh ấy tặng vợ con và các em những chiếc vòng đeo tay, chiếc lược được chạm trổ rất xinh xắn do chính tay anh làm, anh bảo đó là "nghề"
Ai cũng có một thời thơ ấu và thanh xuân riêng của mình. Vậy mà ngày còn nhỏ tôi không bao giờ quan tâm đến tâm tư tình cảm và suy nghĩ riêng của má. Tôi cứ thấy má là của gia đình, là của chúng tôi. Tất cả suy nghĩ, việc làm của má đều dành cho chồng con, cho gia đình này. Tôi đã nhận những yêu thương, chăm sóc một chiều của má như một chuyện đương nhiên. Giờ ngồi nhớ lại hồi nhỏ chẳng bao giờ thấy má gặp lại các bạn học xưa để cười đùa rộn rã nhắc về tuổi thơ như thế hệ chúng tôi bây giờ. Chỉ lâu lâu dì Nghiêm là em ruột của má từ Sài Gòn về là 2 chị em ríu rít như chim và nói toàn tiếng lóng với nhau kiểu như mật mã nghe ngộ lắm. Má tôi và dì cứ cười nói rộn ràng còn chúng tôi thì ngơ ngác chẳng hiểu gì. Chắc thuở còn con gái mấy dì và má nói chuyện với nhau kiểu này để giữ bí mật những chuyện riêng tư, qua mặt người lớn mà hẹn hò, nghịch ngợm đây. Ghê thật! Ai bảo thế hệ xưa hiền hơn bây giờ? Chỉ là họ giấu kỹ và không có mạng Internet hay Facebook để ai cũng biết như ngày nay thôi
Dưới ánh mặt trời như thiêu đốt làm bầu không khí rung rinh, nhảy múa đến lóa mắt, đoàn tù nhân đi chân không, ở trần trùng trục, chỉ mặc độc nhất cái quần xà lỏn, vài người đầu đội các chiếc nón cũ kỹ, rách rưới mà họ lượm được đâu đó, đang mệt nhọc lê thân xác mỏi nhừ sau một ngày lao động vất vả trở về trên con đường đất đỏ nóng hừng hực khiến chân họ muốn bỏng, vai thì đỏ và rát bởi nắng cháy. Hai bên đường, rẫy được tù nhân khai khẩn rộng thênh thang, chạy ngút mắt đến tận bìa rừng chỉ chừa lại những gốc rạ khô cằn sau mùa gặt. Giữa cánh đồng một cây Cầy cháy sạm, còn trơ lại vài nhánh đen đúa, cháy dở, chơ vơ chĩa lên cao như cố chống giữ lấy bầu trời to lớn tạo cho khung cảnh một nỗi buồn thê lương như phận người tù ở trại Đồng Phú này!
Hôm nay xé tờ lịch qua tháng tư, tim tôi thấy bồi hồi, xáo trộn những suy nghĩ mông lung bên tách cà phê, ký ức trở về miên man biết bao nhiêu hình ảnh, bao nhiêu câu chuyện ngày ấy, rõ in trong đầu như mới vừa xảy ra đâu đây...
Sau nhà tôi là rừng, rừng ngày xưa không nhìn thấy gì ngoài màu lá xanh, những con chim sặc sỡ màu nhưng chúng chỉ cất tiếng hót lẻ loi một mình, không buồn cũng không vui. Những con thú hiền hoà như sóc với thỏ là những kẻ lãng du tử tế. Chúng thấy người không thích mắt khi nhìn chúng nữa thì sóc nhập thiền nơi những hốc cây, những hốc đá ven bờ suối là tịnh thất của thỏ. Trong khu rừng có con suối nhỏ, có đàn vịt trời khi lội khi baydưới chân đồi bluebonnet tượng trưng cho tiểu bang Texas. Mùa hoa rộ tháng tư thì cơ man là người đến chụp hình, xe đậu quanh đồi không đủ chỗ thì người ta lái xe vào xóm nhà đậu tạm. Tôi thích bị làm phiềm kiểu Mỹ vì chỉ có ở Mỹ khi người không quen biết bấm chuông nhà chỉ để xin phép cho họ đậu cái xe trước nhà mình một lát, họ lên đồi chụp vài tấn hình sẽ đi ngay. Tôi hình dung ra những bức ảnh gia đình, tình nhân, bạn hữu của những người tử tế đã làm nên phong cách Mỹ khác biệt.
Tháng 4 luôn nhắc nhớ, chúng ta từ đâu đến đây, chúng ta may mắn hơn người còn ở lại VN, hạnh phúc hơn người bỏ xác trên biển, hãy sống xứng đáng với cái giá chúng ta phải trả mới có ngày hôm nay. Hãy tôn trọng và nhớ ơn đất nước đã cưu mang gia đình chúng ta, QUÊ HƯƠNG THỨ HAI đã đón nhận và giúp đỡ chúng ta, nơi đây là điểm dừng cuối đời của chúng ta và là Quê Hương thật sự của con cháu chúng ta.
Nhạc sĩ Cung Tiến