Hôm nay,  

Ai Mua Tranh Tôi Bán Tranh Cho!

26/08/202200:00:00(Xem: 3273)

1840C2FC-5644-415C-B789-308FFDEB1BC9
Hình tác giả cung cấp.

Đặng Hà Nội -Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất. Ông là giáo sư về hưu  dạy môn SongNgữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota. Thú tiêu khiển của ông là hội họa, viết văn và du lịch. Đây là bài viết mới nhất về thú vẽ tranh của ông.

*
 
Khí hậu Minnesota năm nay thiệt lạ lùng!  Mùa đông thì kéo dài lê thê tê tái với thời tiết dưới độ âm F, rét run với nhiệt độ thấp hơn ngăn đá trong tủ lạnh rồi nàng xuân cũng đến thủng thẳng ghé thăm mấy ngày nhắc cho thiên hạ biết nàng là ai. Nhưng vì mùa đông rét mướt quá lâu, hoa mẫu đơn của nhà tôi hờn dỗi nở muộn, rồi quanh đi quẩn lại mùa hè rực rỡ chụp đến với ánh nắng nóng chói chang hoa cả mắt làm nhễ nhãi mồ hôi mồ kê. Tuy vậy dân Minnesota ở đâu quen đấy! Khí hậu chỉ là chuyện đầu môi chót lưỡi vào dịp cà phê buổi sáng và họ lại tiếp tục công việc hằng ngày. 

Thằng tôi lại lợi dụng mùa đông lạnh lẽo cùng với mùa đại dịch Cô Vi dai dẳng bị nằm nhà tù lỏng nên lấy sơn dầu, khung vải và cọ vẽ vung vít làm vui. Có chị bạn rất thích tranh tôi trưng lên Facebook và than ông trời bất công quá vì tài vẽ vời và viết văn vớ va vớ vẩn của tôi. Thật ra ai cũng có tài năng không ít thì nhiều mà nếu không dùng và luyện tập thì tài năng có hay chi mấy cũng bị hao mòn và mất mát. Nên tôi sáng tác hơi nhiều tranh, chất đầy trong phòng ngủ của cậu con trai đã dọn đi San Francisco làm thầy lang. Hai chúng tôi đã phải bàn nhau “xuất cảng” số lượng tranh trong nhà. Bạn bè ai biết thưởng thức nghệ thuật của mình thì cho không biếu không, khi thì trưng bán trên mạng saachiart.com và Instagram, bầy tranh bán khi mùa garage sale bắt đầu và có khi liều lĩnh dựng lều bán tại các Hội Chợ nghệ thuật địa phương để ai ngưỡng mộ tranh của mình thì khuân về nhà giùm.

7E2272C0-A9EA-4A19-B39A-CE2F9DFC7FC9
Tranh vẽ của Đặng Thống Nhất (hình tác giả cung cấp).

Không biết tại sao gia đình tôi lại có máu nghệ sĩ tràn lan mang đủ tài năng cầm kỳ thi họa. Về thể loại “cầm” thì mấy ông anh bà chị lớn đều biết chơi đàn dương cầm, bà chị cả là giáo sư dạy đàn xuất thân trường Quốc Gia Âm Nhạc Saigon, hai ông anh thì chơi vĩ cầm. Tôi hồi tiểu học cũng vào học dương cầm trường này nhưng đàn địch chẳng khá, về nhà trả bài cho bà chị, đánh dở quá bị chị la làm tôi vừa gõ vừa khóc như mưa trên phím ngà nên sau đó phải bỏ dở mộng làm”dương cầm thủ”. Còn về vụ đánh cờ trong mục “kỳ” thì tôi đầu hàng hai tay nhưng  bố mẹ và anh chị lớn đều biết chơi mạt chược!  Còn về “thi” thì hai ông  anh nhà tôi đều biết làm thơ và viết truyện được đăng trong báo Ngôn Luận trong thời kỳ vàng son của thời Việt Nam Cộng Hòa và một ông còn viết truyện trường thuốc của ổng nữa in bán cho nhà sách. Hồi còn trung học tôi cũng tấp tểnh viết vài chuyện phiếm và dịch bài về y khoa cho báo Chính Luận của ông Đặng Văn Sung nên lâu lâu được tiền nhuận bút hai ba trăm để ăn quà vặt. Còn về “họa” thì con trai nhà tôi ai cũng ưa thích bộ môn này nhất là tôi. Tuy không nổi danh nhưng cũng tô điểm cuộc đời  thêm ý nghĩa và giá trị.

Hội họa với tuổi thơ của tôi là một trang giấy trắng trinh nguyên với bao nhiêu nét vẽ ngây ngô hồn nhiên, tươi sáng, không qui tắc làm cho thằng bé thích thú say mê, nếu không thấy đẹp thì lại vo viên vứt đi và vẽ tranh khác. Đề tài là thú vật, cây cối, cảnh đồng quê hay bắt đầu mon men vẽ mặt mấy cô gái xuân thì. Đem ra khoe ông anh bị  phê bình ngay một câu:

“Sao mày vẽ mặt cô này giống gáo dừa quá!”

 Tôi tiu ngỉu như mèo cụt đuôi nhưng vẽ thì cứ vẽ, giấy quăng bừa bãi làm mẹ tôi la quá chừng. Đi tiểu học cuối giờ thì thích giờ họa. Giờ này chằc là giờ nghỉ mệt của thầy cô nên họ cứ để  cho học trò tự do vẽ vời. Có lần ông thầy cắc cớ cho đề tài vẽ lá đu đủ nhưng ông không mang lá làm mẫu để vẽ mà ngồi rung đùi xem học trò làm ăn ra sao! Mấy đứa nhìn nhau hoang mang không biết lá như thế nào để mà vẽ. Một đứa nhanh trí xé giấy vo viên xin thầy đi vệ sinh. Hồi xưa đâu có giấy đi cầu như bây giờ. May ngay gần phòng cầu tiêu có cây đu đủ nên nó mang lá về phòng để chúng tôi truyền tay nhau vẽ.

53C7865E-A1F5-4626-A184-EB3E1B79CEAE
Tranh vẽ của Đặng Thống Nhất (hình tác giả cung cấp).

Khi vào trường trung học công lập Nguyễn Trãi thì có thầy Thịnh Del là người chỉ dẫn đầu tiên về qui tắc hội họa căn bản như qui tắc kết cấu hay sructure. Thầy dạy vẽ các loại hình hộp, hình tròn, hình nón sao cho hợp mắt rồi về phối cảnh hay perspective khi vật gần mình thì vẽ đậm còn vật xa mình thì tô mầu nhạt đi và thu nhỏ. Bài tập tôi còn nhớ mãi là vẽ đường rầy xe lửa với đường chân trời (horizon line) và điểm tụ (vanishing point). Lóp học vui vì trò tha hồ tô vẽ và thầy tận tâm chỉ bảo.

Chúng tôi học ban Toán nên nhiều đứa lười không vẽ tranh nộp cho thầy chấm điểm. Thầy cho ngay con zero to tướng nhưng bằng bút chì và đe nếu nộp tranh cho thầy kỳ sau con số không sẽ được xóa đi! Vậy thầy rất thương và bao dung với học trò.

 Triết lý về thẩm mỹ của thầy mà tôi ghi trong óc cho tới ngày hôm nay là Cái Đẹp nằm trong Cái Xấu hay  được dịch nôm na là The Beauty of the Ugly. Lúc đầu nghe có vẻ khó hiểu nhưng thầy giải nghĩa rành mạch cho tụi tôi hiểu. Thí dụ điển hình là tranh của Vincent van Gogh (1853-1890) là họa sĩ thần tượng của tôi, gốc Hòa Lan thuộc phái hậu ấn tượng nổi tiếng với bức “Hoa Hướng Dương”  và “Đêm Đầy Sao” .  Ông đã sáng tác gần cả ngàn tác phẩm, có mang đi triển lãm nhưng bị chê bai nặng nề chỉ bán được một bức tranh trong đời cho ông anh là người buôn tranh. Các tác phẩm của ông có mầu sắc tươi vui yêu đời, nét vẽ sống động trái ngược với cuộc sống sầu thảm của ông. Ông bị bệnh tâm thần sống trong cảnh nghèo nàn, có lần tự cắt một phần tai trái sau  cuộc tranh luận về hội họa, bị đưa vào dưỡng trí viện cuối cùng ông đã tự tử cắt đứt đời của mình. Sau khi ông mất đi mọi người mới khám phá các tác phẩm tuyệt tác siêu đẳng của ông và các tranh được bán với giá kỷ lục có tấm lên tới mấy trăm triệu đô la!

969714C2-A9A2-404E-BDF5-495F6B836CAB
Tranh vẽ của Đặng Thống Nhất (hình tác giả cung cấp).

Khái niệm về thẩm mỹ và xấu xí thường mơ hồ tùy theo văn hóa, thời đại và xã hội. Nghệ thuật của Van Gogh đã đi trước cái nhìn của người thưởng ngoạn lúc bấy giờ. Vậy ai đang sáng tác tranh mà chưa tới đỉnh và bị phê bình một cách tiêu cực thì đừng nản lòng, đừng vứt cọ vẽ và tiếp tục con đường phục vụ nghệ thuật. Biết đâu tranh của mình sẽ được chiếu cố trong tương lai!

Khi còn niên thiếu tôi thường hay đi coi triển lãm tranh của các họa sĩ thời Việt Nam Cộng Hòa tại Phòng Thông Tin Đô Thành trên đường Tự Do, Hội Việt Mỹ và Alliance Francaise. Tranh sơn mài của Nguyễn Gia Trí, lập thể của Tạ Tỵ, sơn dầu của Trương Thị Thịnh... là những họa sĩ nổi tiếng của thời đại vàng son. Sau đó thêm các họa sĩ trẻ với  nét vẽ mới mẻ, mạnh bạo hơn như Nghiêu Đề, Lâm Triết, Trịnh Cung.. làm nghệ thuật hội họa miền Nam càng thêm phong phú và đa dạng.

Nếu ai đi trên đường Tự Do gần tiệm kem Brodard có thể gặp một cô họa sĩ  trẻ tên Bé Ký bán tranh vẽ bằng mực Tàu đơn giản mộc mạc nhưng đầy Việt Nam tính. Đâu biết rằng mấy chục năm sau tôi cũng dựng lều bán tranh giữa đường như cô!

Sau thầy Thịnh Del, anh tôi cùng là người thầy giới thiệu và chỉ dẫn cho tôi vẽ tranh sơn dầu. Loại này dùng sơn đắt hơn mầu nước,  lâu khô nên họa sĩ có thể thay đổi sửa chữa, mầu sắc linh động nên tôi ham mê sơn dầu từ hồi đó.  Vẽ phải dùng với dầu turpentine có mùi như xăng nên nhiều khi bị say xỉn với dầu này, tuy nhiên bây giờ họ chế ra dầu không có mùi.

Bức tranh sơn dầu đầu tiên tôi vẽ cảnh chiều tà, mầu sắc nhẹ nhàng khi nàng Thúy Kiều ỏng a ỏng ẹo e lệ ép vào dưới hoa khi gặp chàng trai Kim Trọng hào hoa phong nhã:

“Dưới dòng nước chảy trong veo
Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha”

Ôi, sao mà lãng mạng tình tứ quá! Tranh này được đóng khung và tặng cho một bà người Mỹ quen bên New York.

Có lần đọc quảng cáo trên báo cần người vẽ trang trí lên nón bài thơ để bán cho khách ngoại quốc. Là học sinh không tiền dính túi nên tôi cũng xin lãnh một mớ nón về vẽ sau khi ba tôi cho ít tiền mua sơn. Chắc vẽ không đẹp ý bà chủ nên bả lấy nón không trả một cắc! Ôi, kiếp nghệ sĩ sao mà long đong, lật đật ngay từ lúc đầu!

Sau trung học tôi vào học lớp dự bị Anh Văn bên Văn Khoa và sau đó trúng tuyển vào trường Đại Học Sư Phạm Sagon và mơ sẽ là giáo sư Anh Văn bậc trung học. Bận bịu việc học nên ít khi có dịp vung vít vẽ nhưng cũng có dịp trang trí cho hội chợ Tết ĐHSP. Nhiều khi thầy cô giảng bài cũng chán nên tôi buồn tay vẽ doodle lên bài ghi mà tôi gọi đùa là tranh đú đởn. Cái tật này đã có từ nhỏ và nay hãy còn dây dưa!

Thế rồi biến cố đen tối của mùa xuân 1975 đảo lộn tất cả. Với vỏn vẹn bốn đô la dắt túi bốn ngày trước khi thành phố Saigon đổi tên, tôi tức tủi cùng với gia đình lên máy bay chạy trốn loài quỉ dữ. Sau đó tôi định cư tại Utah, California và cuối cùng xum họp với gia đình tại Minnesota. Tôi tiếp tục theo nghề giáo về môn Song Ngữ và ESL. Tôi thường dạy Anh Văn cho các học sinh ngoại quốc các từ ngữ Anh Văn mới bằng cách vẽ tốc họa doodle trên bảng thay vì giải nghĩa dài dòng. Tụi học sinh thích lắm vì chúng hiểu ngay. Có đứa hỏi tôi tại sao tôi không là thầy dạy vẽ thay vì làm thầy ESL!

BAF9B5C4-5D42-4D47-9833-6D4A5D9E9610
Tranh vẽ của Đặng Thống Nhất (hình tác giả cung cấp).

Tại các buổi hoạt động sau giờ học với học trò và phụ huynh, tôi thường hay tình nguyện vẽ chân dung bằng bút chì cho tụi học sinh và phụ huynh. Có lần ông hiệu trưởng người Hmong thuê tôi vẽ ba bức tranh về văn hóa Hmong treo tại hành lang trong trường. Cảnh nàng nông dân Hmong gieo hạt lúa, lũ trẻ con chơi nhạc cụ khèn làm bằng ống trúc và cảnh dân Hmong ăn mừng năm mới với quần áo cổ truyền đã gây ấn tượng tốt cho trường Hmong International Academy tại Minneapolis. Đây là tranh vẽ đầu tiên có lợi lộc của tôi.

Lợi dụng Khu Học Chính Minneapolis cung cấp ngân sách đi học thêm nên tôi ghi danh học vẽ acrylic. Loại này thông dụng hơn, mau khô và có thể cộng thêm các chất liệu khác làm tranh nổi  như cát, stucco...Để biết thêm về hội họa của Hoa Kỳ tôi được tài trợ của chính phủ đi học lớp hè ba tuần tại Đại học Syracuse,  New York về nghệ thuật của họa sĩ Mỹ Winslow Homer.

Ngoài năng khiếu hội họa tôi cũng dùng sở trường khác là viết bài đề nghị (proposal) xin ngân sách của chính phủ hay tư nhân để cải tiến nghề nghiệp, giúp học sinh thành công và bồi bổ phương cách giảng dạy. Kết quả là tôi được tài trợ về Việt Nam học hỏi thêm về văn hóa của xứ mình và tình nguyện dạy Anh Văn vào mùa hè, sang Nhật Bản thăm viếng trường học, dạy Anh Văn và du lịch tại Trung Hoa, tham dự hội thảo tại Thư Viện thành phố New York và học thêm về lịch sử hàng hải tại San Diego...Có lúc đi một mình nhưng cũng có lúc mang theo gia đình. Các cơ hội để cải tiến nghề dạy học bên Hoa Kỳ thì vô số nên các thầy cô cần nghiên cứu và nộp đơn theo ý thích của mình. Sức mạnh của giáo dục thì vô hạn nên thầy cô hãy chụp lấy cơ hội thăng tiến nghề nghiệp cho chính mình, cho học sinh và cộng đồng của mình.

Sau 36 năm mài miệt với nghề dạy học tôi xin về hưu để nghỉ dưỡng sức. Cọ vẽ, sơn và khung vải tỉnh dậy chào đón tôi mãnh liệt. Tôi chỉ cần vẽ một bức tranh thôi mà nói lên được cả ngàn chữ! A picture is worth a thousand words! Các chủ đề tôi hay thường vẽ nhắc lại văn hóa Việt nam tuy rất gần gũi với trái tim nhưng nghìn trùng xa cách như cảnh thiếu nữ Việt Nam với chiếc áo dài tha thướt ngồi bên hồ sen hay bên vườn hoa, cảnh chợ búa với các bà bán hàng ngồi xổm chung quanh là rau quả quê nhà hay cảnh đồng quê có con trâu ăn cỏ bên đàn em bé đang chơi đùa sau mùa gặt. Có khi lại vẽ tranh cảnh tang thương của  ngày 30-4-1975, chiếc thuyền gan dạ vượt sóng của thuyền nhân hay cô gái tị nạn ngồi suy tư sầu thảm trên đảo. Khi vẽ tĩnh vật thì hái hoa lá vườn nhà và cắm trong bình, chúng nằm yên để tôi mặc tình chấm phá tô phết. Muốn thay đổi không khí thì tôi hứng chí pha mầu và múa may vẽ tranh trừu tượng khó hiểu nhưng có nét đẹp và ý nghĩa riêng.

Tranh của tôi đã được trưng bày tại Thư Viện Công Cộng Minneapolis, lễ Trung Thu của Cộng Đồng Việt Nam và Phòng Triển Lãm Dow Art tại St. Paul để giới thiệu văn hóa Việt Nam với công chúng. Càng ngày tranh của tôi treo đầy nhà và dựng khắp lối trong phòng ngủ bỏ trống. Con gái cho ý kiến bố nên trưng hình lên Instagram và Facebook chắc tụi bạn con thích lắm. Quả thật hai bức hình vẽ cô gái bán hoa tại Phố Cổ Hà Nội và thiếu nữ chèo thuyền được hai cô bạn nó bưng đi sau khi tôi trưng tranh lên Instagram.

Tôi kiếm trên internet một nơi họ buôn tranh của mình (saachiart.com) và bán cho khách hàng. Nên tôi mạo muội trưng tranh của mình lên mạng tuy biết rằng tranh sẽ bị trừ 40% tiền hoa hồng. Hai tháng sau tôi rất ngạc nhiên khi được thông báo một ông Mỹ bên Texas  muốn mua một lúc ba tấm gồm thiếu nữ ngồi bên ao sen, chợ chồm hổm tại Phố Cổ và bức thứ ba đặc biệt có hai cô gái mặc áo dài ôm eo nhau đi dạo nhìn từ đằng sau. Bà chị dâu bên Pháp coi trước tranh hai cô này và phê bình chắc không bán được đâu vì nó quá nhậy cảm! Nhưng rồi ba tấm này được tôi gói kỹ càng và gửi đến tay người sưu tập.

Theo tôi nghĩ người Việt nam rất thích nghệ thuật hội họa. Trừ những công ty, nhà hàng lớn hay “đại gia” vung tiền mua tranh nguyên thủy hay original còn phần đông người Việt mua tranh in lại giá rẻ hơn và hạp với túi tiền. Với thời đại internet dân Việt Nam cởi mở và chấp nhận  đủ loại tranh như phong cảnh, chân dung, khỏa thân, trừu tượng, lập thể, digital... Các họa sĩ trẻ Hoa Kỳ gốc Việt Nam tuy ít người theo ngành hội họa tại đại học nhưng chúng cũng sáng tác các bức tranh mang nhiều sắc thái mới lạ và tươi mát cho nghệ thuật này.

Mùa xuân đến là dân Minnesota bắt đầu rục rịch dọn dẹp nhà cửa sau mùa đông đài dằng dặc. Một cách thu dọn nhà cửa là làm garage sale nên chỗ tôi ở họ tổ chức ba ngày cuối tuần bán đồ trong nhà chứa xe cho toàn thành phố ( city-wide garage sale). Tôi ghi danh ngay vì chúng tôi cũng muốn tống khứ nhiều món đồ chất đầy trong garage.  

Ngoài các bát đĩa dư thừa, quần áo, máy móc... tôi cũng bán được mấy tác phẩm của mình với giá rất bình dân. Có cặp vợ chồng người Mễ thuê tôi vẽ ba con chó cưng của họ. Vừa dọn sạch nhà vừa thêm được tí tiền còm.

Vì muốn giới thiệu tranh nghệ thuật của tôi với thành phố lân cận nên tôi mang tranh triển lãm tại Trung Tâm Nghệ Thuật thành phố Maple Grove. Tranh của tôi được chấm giải nhì nên làm tôi rất vui vì biết người Mỹ thích tranh có mầu sắc nhẹ nhàng và mang phong cách Á đông. Bà giám đốc trung tâm mời tôi tham dự Hội Chợ Nghệ thuật của thành phố vào tháng 7 vừa qua.

Chúng tôi phải dựng lều ngoài trời cùng với mấy chục gian hàng trên con đường của khu mua sắm Arbor Lake. Tôi mang 30 tấm tranh trưng bầy đủ loại đề tài như thiếu nữ Việt Nam, tĩnh vật, tranh 30-4 và thuyền vượt biên, tranh sư cầu nguyện, trừu tượng... cùng các tấm thiệp in tranh tôi vẽ khổ 5X7.
Hội chợ kéo dài hai ngày cuối tuần trong tháng 7 đúng vào thời kỳ nóng nhất của Minnesota nên cũng khá vất vả nhưng vui vì được tiếp xúc với cộng đồng. Con cái và ông thông gia đều đến giúp nhiệt tình. Khách đi hội chợ phần nhiều là người da trắng thỉnh thoảng có dân Á châu và người Việt. Ban tố chức hội chợ rất tận tâm giúp đỡ bằng cách cung cấp nước giải khát và phòng giải lao có máy lạnh.

Dân chúng trầm trồ xem tranh đặc biệt cá tính Việt Nam trong khi tranh các gian hàng khác có mầu sắc rực rỡ và sống động hơn . Ngoài tranh thiếu nữ, hoa lá cành, sư cầu nguyện, trừu tượng, họ còn mua tranh 30-4 và thuyền vượt sóng nữa. Hơn 1/3 số tranh trưng bày đã được khách chiếu cố mang về nhà.

Là giáo sư về hưu tôi có lương hưu đủ sống nhưng vì thú vui phục vụ nghệ thuật và chia xẻ phần nào văn hóa và lịch sử Việt Nam với cộng đồng nên đây là một hoạt động hữu ích của tuổi hạc trong hoàng hôn của cuộc đời. Khi cánh tay chưa rã rời và đầu óc vẫn còn minh mẫn, ta vẫn vẽ vẫn viết... 
 

Ý kiến bạn đọc
22/09/202204:09:44
Khách
Cám ơn độc giả Smith-Wesson đã đọc bài và cho ý kiến. Theo thiển ý của tôi, chuyện viết tiếng Việt i ngắn hay y dài vẫn là đề tài tranh luận đã có từ lâu không phải từ hồi sau 1975. Tôi dùng quen chữ quỉ i ngắn mà ai dùng chữ quỷ y dài thì cũng không sai. Chữ Việt Nam bắt đầu bằng chữ Nho dựa theo tiếng Hán sau đó các cụ dùng chữ Nôm và cuối cùng là Việt Ngữ dễ học và dễ viết. Qua ba giai đoạn hẳn nhiên tiếng Việt chúng ta có nhiều tranh cãi về cách dùng tiếng Việt sao cho đúng trong đó có chuyện i ngắn y dài như tị nạn hay tỵ nạn, ca sĩ hay ca sỹ... Theo tôi ngôn ngữ là một phương tiện để truyền thông nên nếu đọc mà hiểu là đạt được mục đích rồi.
22/09/202200:08:08
Khách
Bài viết hay.
Nhưng xin lỗi tác giả cho phép nhắc một lời.

Tác giả viết:
Thế rồi biến cố đen tối của mùa xuân 1975 đảo lộn tất cả. Với vỏn vẹn bốn đô la dắt túi bốn ngày trước khi thành phố Saigon đổi tên, tôi tức tủi cùng với gia đình lên máy bay chạy trốn loài quỉ dữ.

Nếu tôi nhớ không lầm thì khi học tiểu học (grade school) VNCH, tôi được dạy viết là Q U Ỷ , không phải là Q U Ỉ . Chỉ sau khi người Việt ở Mỹ về VN khá nhiều thì họ mang cách viết của chxhcn sang Mỹ, thay thế y với i . Nếu tôi sai thì cho tôi biết . Xin cám ơn .
30/08/202215:36:33
Khách
Cám ơn cô Thuỷ nhé. Tranh Nỗi Buồn Ngày Tàn Cuộc Chiến tôi vẽ để tặng cho người thân mà cũng cùng tâm trạng giống như anh lính trong hình. Nếu cô thích tôi có thể in lại gửi cho cô. Xin liên lạc qua email [email protected].
30/08/202214:45:33
Khách
Bài đọc của tác giả làm tôi rất cảm động ! Tất cả bốn bức tranh in trong bài đều rất đẹp và có nhiều ý nghĩa! Thương thay thân phận của những người Việt Nam đang ở lại và đã ra đi .....
Tôi thích nhất là bức tranh người lính ngồi cúi đầu bên đường cùng máy bay trực thăng bay trên cao trong bầu trời u ám .....Bức tranh này đã có người sở hữu rồi chưa ?
29/08/202218:36:17
Khách
Con cũng thích bức nỗi buồn ngày tàn cuộc chiến. Chúc chú luôn vui khỏe, viết vẽ nhiều.
27/08/202219:07:57
Khách
Cám ơn cô Út quá khen. Xin cô liên lạc với tôi qua địa chỉ [email protected] để biết thêm về tranh muốn bán. Mong tin cô. Chúc cô vui mạnh luôn.
27/08/202215:40:08
Khách
Ngưỡng mộ tác giả quá và rất thích bài viết thật hay. Đúng là giáo sư viết văn có khác. Tôi thích bức tranh vẽ cô học trò đi xe đạp quá. Xin hỏi tác giả, nếu tôi muốn xem những tác phẩm của tác giả muốn bán thì vào đâu để xem.
27/08/202213:53:04
Khách
Cám ơn chị Kim Dung. Tranh chị thích nhất có tên là Nỗi Buồn Ngày Tàn Cuộc Chiến và đã có chủ nhân. Chúc chị an vui luôn.
26/08/202215:35:22
Khách
Cám ơn Tác Giả Đặng Hà Nội đã cho xem những bức tranh vẽ Việt Nam, gợi nhớ những kỷ niệm vàng son, của thời Việt Nam Cộng Hoà thật đẹp và có ý nghĩa. Những bức tranh, cô nàng đi xe đạp, cô gái mặc áo dài truyền thống Việt Nam ngồi xoả tóc bên rèm hồng, chị bán hàng rong bên ven biển, tay cầm nón lá rất dễ thương, tôi thích nhất là bức tranh vẽ người Lính Chiến Việt Nam Cộng Hoà đang ngồi trên cái ba lô, xa xa có những tàu bay đang tiếp tế lương thực, súng đạn, tải thương, và có hợp đoàn trực thăng đang bay trên bầu trời Việt Nam đầy kỷ niệm thân thương của những ngày xa xưa ấy, nay còn đâu hỡi người. Thương và xót xa quá Việt Nam ơi!
Xin cầu chúc Tác Giả Đặng Hà Nội và quý quyến được nhiều sức khoẻ, nhiều niềm vui tuổi hạc, và vạn an, để sáng tác thêm nhiều tác phẩm đẹp và quý giá nữa nhá!
Ptkd
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 496,298
Một trong những người bạn nối khố của tôi vốn là nhà báo. Sau Giáng Sinh 2021, anh gọi cho tôi nói tôi còn nợ anh ấy bài viết cho số báo Xuân Nhâm Dần của anh sắp trình làng. Tôi cố tảng lờ, “Nợ gì nhỉ?” Bạn liền quát vào máy, “Tôi xin ông. Ông cứ cái tật đánh trống lãng với tôi đấy hả?” Tôi xởi lởi hỏi viết gì bây giờ, bạn liền ra lệnh, “Mùa Xuân, viết về tuổi già chứ còn gì nữa.” Tôi sực nhớ mình có hứa với bạn, nên phải trả cho xong món nợ cuối năm. Lục mãi trong trí nhớ của mình nay đang xuống cấp, tôi bèn chọn ngay việc tản mạn tuổi già của chính mình và của bạn bè đang lưu lạc ở Mỹ, nơi xứ lạ quê người.
Thôi để tôi tả một cuộc hèn hò trên sân khấu trường quay bạn muốn hẹn hò trong nước thì bạn đọc hải ngoại dễ hình dung hơn. Giữa sân khấu là một bức màn được buông xuốn để hai bên không thấy nhau. Bên nhà trai có người hướng dẫn chương trình là đàn ông, bên nhà gái là cô hướng dẫn duyên dáng. Thường thì bên cô gái được mời lên sân khấu trước, sau đó đến bên chàng trai. Cô gái giới thiệu về lý lịch trích ngang của bản thân, nói sơ lược về tình trường mà cô đã trải qua, thể hiện tài năng hay cũng có thể gọi là tài vặt như ca hát, nhảy múa để góp vui với chương trình. Điểm quan trọng nhất là cô nói thẳng ra ý muốn của cô với chàng trai bên kia bức màn về mẫu người đàn ông mà cô muốn hẹn hò.
Chẳng biết tại sao mà từ khi qua Mỹ cho tới nay tôi bị lời nguyền gì mà mỗi năm đều bị bệnh mất mấy ngày, nhẹ thì cảm, sổ mũi nóng sốt, nặng thì bỏ ăn một hai bữa. Còn không thì chạy xe bị người ta vượt đèn đỏ hít đít hoặc húc hông, có lẽ thấy tôi mỗi ngày mỗi hên nên vận bám vào người càng nặng. Năm ngoái trước đám cưới con trai là thằng Dũng thì Covid tới thăm và ở nhà chơi chung với tôi 50 ngày. Năm vừa rồi đám cưới thằng Duy sức khỏe chưa lấy lại được thì bị giời leo đau đến nỗi tôi không bước nổi. Vì cứ bị con bệnh đeo bám như vậy nên thằng Duy là con trai lớn đã thương mà trả hết nợ nhà cho để tôi yên tâm ở nhà nghỉ ngơi cho khỏe.
Trước hết căn cứ vào số lượng người mang họ Nguyễn (họ phổ biến nhất của người Việt) ở trong vùng rồi suy luận ra, ta có thể phỏng đoán được số lượng người Việt. Theo tin từ trang Wikipedia tiếng Việt thì tôi được biết theo thống kê năm 2005 ở Việt Nam người họ Nguyễn chiếm 38% dân số. Dĩ nhiên con số 38% này không phải là con số tuyệt đối có thể đại diện cho bất cứ tập thể nào. Nghĩa là không phải ở bất cứ nhóm người nào người họ Nguyễn cũng chiếm tỷ lệ 38%. Do đó trong ước tính của mình tôi áp dụng con số khiêm nhường hơn một chút đó là chỉ khoảng 1/3 người Việt mang họ Nguyễn.
Sở dĩ gọi là "nghề" vì chuyện trong nhà tôi, ông anh rể là sĩ quan đi "cải tạo", thằng con của anh ấy, là cháu ruột tôi, vào lớp Một, nhà trường gửi về bản khai lý lịch, tên bố tên mẹ và nghề nghiệp. Chị tôi điền lý lịch cho thằng bé, mặc dù lúc ấy chị đang chạy chợ trời, nhưng theo “kinh nghiệm” mấy chị hàng xóm thì không nên khai chợ trời, sẽ bị đánh giá là …tiểu tư sản, con mình sẽ bị trù dập, cho nên dù chẳng hiểu thằng bé 6 tuổi còn thò lò mũi xanh sẽ bị trù dập kiểu gì, chị bèn ghi là “nội trợ” cho an toàn. Còn phần nghề nghiệp bố thì để trống vì không biết khai thế nào. Đến lớp, cô giáo liền điền vào khoảng trống nghề nghiệp của bố nó là... "học tập cải tạo"! Mà nghề này còn sinh ra nhiều nghề khác cho những người tù, nào là chăn lợn, nuôi gà, trồng rau, nấu cám, đốn củi trên rừng. Lần đó tôi theo chị lên trại Thành Ông Năm thăm nuôi anh rể, anh ấy tặng vợ con và các em những chiếc vòng đeo tay, chiếc lược được chạm trổ rất xinh xắn do chính tay anh làm, anh bảo đó là "nghề"
Ai cũng có một thời thơ ấu và thanh xuân riêng của mình. Vậy mà ngày còn nhỏ tôi không bao giờ quan tâm đến tâm tư tình cảm và suy nghĩ riêng của má. Tôi cứ thấy má là của gia đình, là của chúng tôi. Tất cả suy nghĩ, việc làm của má đều dành cho chồng con, cho gia đình này. Tôi đã nhận những yêu thương, chăm sóc một chiều của má như một chuyện đương nhiên. Giờ ngồi nhớ lại hồi nhỏ chẳng bao giờ thấy má gặp lại các bạn học xưa để cười đùa rộn rã nhắc về tuổi thơ như thế hệ chúng tôi bây giờ. Chỉ lâu lâu dì Nghiêm là em ruột của má từ Sài Gòn về là 2 chị em ríu rít như chim và nói toàn tiếng lóng với nhau kiểu như mật mã nghe ngộ lắm. Má tôi và dì cứ cười nói rộn ràng còn chúng tôi thì ngơ ngác chẳng hiểu gì. Chắc thuở còn con gái mấy dì và má nói chuyện với nhau kiểu này để giữ bí mật những chuyện riêng tư, qua mặt người lớn mà hẹn hò, nghịch ngợm đây. Ghê thật! Ai bảo thế hệ xưa hiền hơn bây giờ? Chỉ là họ giấu kỹ và không có mạng Internet hay Facebook để ai cũng biết như ngày nay thôi
Dưới ánh mặt trời như thiêu đốt làm bầu không khí rung rinh, nhảy múa đến lóa mắt, đoàn tù nhân đi chân không, ở trần trùng trục, chỉ mặc độc nhất cái quần xà lỏn, vài người đầu đội các chiếc nón cũ kỹ, rách rưới mà họ lượm được đâu đó, đang mệt nhọc lê thân xác mỏi nhừ sau một ngày lao động vất vả trở về trên con đường đất đỏ nóng hừng hực khiến chân họ muốn bỏng, vai thì đỏ và rát bởi nắng cháy. Hai bên đường, rẫy được tù nhân khai khẩn rộng thênh thang, chạy ngút mắt đến tận bìa rừng chỉ chừa lại những gốc rạ khô cằn sau mùa gặt. Giữa cánh đồng một cây Cầy cháy sạm, còn trơ lại vài nhánh đen đúa, cháy dở, chơ vơ chĩa lên cao như cố chống giữ lấy bầu trời to lớn tạo cho khung cảnh một nỗi buồn thê lương như phận người tù ở trại Đồng Phú này!
Hôm nay xé tờ lịch qua tháng tư, tim tôi thấy bồi hồi, xáo trộn những suy nghĩ mông lung bên tách cà phê, ký ức trở về miên man biết bao nhiêu hình ảnh, bao nhiêu câu chuyện ngày ấy, rõ in trong đầu như mới vừa xảy ra đâu đây...
Sau nhà tôi là rừng, rừng ngày xưa không nhìn thấy gì ngoài màu lá xanh, những con chim sặc sỡ màu nhưng chúng chỉ cất tiếng hót lẻ loi một mình, không buồn cũng không vui. Những con thú hiền hoà như sóc với thỏ là những kẻ lãng du tử tế. Chúng thấy người không thích mắt khi nhìn chúng nữa thì sóc nhập thiền nơi những hốc cây, những hốc đá ven bờ suối là tịnh thất của thỏ. Trong khu rừng có con suối nhỏ, có đàn vịt trời khi lội khi baydưới chân đồi bluebonnet tượng trưng cho tiểu bang Texas. Mùa hoa rộ tháng tư thì cơ man là người đến chụp hình, xe đậu quanh đồi không đủ chỗ thì người ta lái xe vào xóm nhà đậu tạm. Tôi thích bị làm phiềm kiểu Mỹ vì chỉ có ở Mỹ khi người không quen biết bấm chuông nhà chỉ để xin phép cho họ đậu cái xe trước nhà mình một lát, họ lên đồi chụp vài tấn hình sẽ đi ngay. Tôi hình dung ra những bức ảnh gia đình, tình nhân, bạn hữu của những người tử tế đã làm nên phong cách Mỹ khác biệt.
Tháng 4 luôn nhắc nhớ, chúng ta từ đâu đến đây, chúng ta may mắn hơn người còn ở lại VN, hạnh phúc hơn người bỏ xác trên biển, hãy sống xứng đáng với cái giá chúng ta phải trả mới có ngày hôm nay. Hãy tôn trọng và nhớ ơn đất nước đã cưu mang gia đình chúng ta, QUÊ HƯƠNG THỨ HAI đã đón nhận và giúp đỡ chúng ta, nơi đây là điểm dừng cuối đời của chúng ta và là Quê Hương thật sự của con cháu chúng ta.
Nhạc sĩ Cung Tiến