Hôm nay,  

Family Reunion Tại Mỹ

18/08/202212:24:00(Xem: 2626)

Kim Loan_IMG_1400_02072022

Tác giả tên thật là Nguyễn Thị Kim Loan, sinh năm 1966, là cô giáo tiểu học khi còn ở Việt Nam. Vượt biên và sống ở trại tỵ nạn Thailand từ 1989-1993. Định cư tại Canada từ 1994 đến nay. Tác giả nhận giải đặc biệt VVNM 2021.

*

 

Cách đây vài năm, hồi trước mùa dịch Covid, đại gia đình tôi có một Family Reunion nhân dịp đám cưới đứa cháu tại Arlington, Texas, Mỹ quốc. Dĩ nhiên, mục đích đầu tiên là tiệc cưới nhưng  sau đó là buổi họp mặt các thành viên già trẻ lớn bé của các gia đình trong họ hàng, mà với tôi, đó là dấu ấn kỷ niệm đặc biệt, vô cùng quý giá của tình thân, tôi sẽ không bao giờ quên.

Bên nội tôi, ngoài một ông chú đã mất khi còn trẻ và hai bà cô còn kẹt lại ngoài Bắc sau 1954 cũng đã lần lượt qua đời, chỉ còn lại ba gia đình: ba tôi, ông bác và ông chú.

Những ngày của tháng 4 năm 1975, gia đình bác tôi lên tàu qua Mỹ được một nửa, ông chú làm cảnh sát giang thuyền đang trên đường làm nhiệm vụ đã cùng chiến hữu theo tàu ra khơi nên còn để lại vợ con. Toàn bộ gia đình tôi đều bị kẹt lại dù cũng có cơ hội. Ba tôi làm việc trong phủ thủ tướng, máy bay mấy lần lên xuống trong dinh thủ tướng đón quan chức lớn nhỏ di tản nhưng ba không đi vì má tôi đang bệnh nặng nằm nhà.

May mắn thay sau đó theo phong trào vượt biên rầm rộ, nhà bác đi 3 chuyến, nhà tôi cũng 3 chuyến đều trót lọt. Rồi thời gian trôi qua, đại gia đình chúng tôi theo chương trình ODP, H.O,  đã lần lượt qua Mỹ định cư (riêng tôi ở Canada). Suốt bao nhiêu năm qua, gia đình họ hàng cũng đã có những buổi gặp mặt trong những dịp lễ Tết, cưới hỏi, nhưng ít nhiều cũng có người vắng mặt, hiếm khi nào đông đủ, vì công việc, vì chuyện gia đình, nên lần đám cưới này, có đầy đủ mọi người, tôi vô cùng háo hức .

Ngày đám cưới, ui chao, tay bắt mặt mừng hết người này đến người kia, có người vài năm mới gặp lại, có người nhiều năm, thậm chí có người tôi chỉ mới được gặp lần đầu tiên kể từ ngày mất nước 1975. Bên phía nhà cô dâu không biết thế nào, chứ bên nhà trai chúng tôi, tính ra có đến 15 chuyến bay và ba chuyến roadtrip đường bộ từ khắp nơi về dự lễ cưới. Này nhé, gia đình tôi từ bên Canada bay qua hai chuyến (vì còn gái tôi bận đi làm nên phải bay riêng), bên California tính cả Ba và ông anh ruột, mấy đứa cháu và gia đình ông bác tổng cộng là sáu chuyến bay, mấy đứa cháu bên Seattle hai chuyến, bên Utah một chuyến, bên Georgia đứa em họ một chuyến, bên Louisiana một chuyến, từ Singapore một chuyến và xa nhất là đứa cháu đang làm việc ở Switzelannd một chuyến, và một chuyến xe xuyên bang từ Oklahoma, cùng hai chuyến xe từ Dallas và Houston, Texas.

Xong ngày đám cưới, hôm sau là buổi Family Reunion tại nhà ông anh. Căn nhà rộng, chứa đủ ba thế hệ của đại gia đình, các nhóm chia nhau tụ họp nơi phòng khách, phòng ăn, hai phòng phụ, kéo ra đến cả garage. Những câu chuyện rôm rả, ôn lại những kỷ niệm xưa nơi quê nhà, kể nhau nghe những vui buồn cuộc sống, những biến cố, những thăng trầm trên đoạn đường tha phương, hòa cùng tiếng cụng ly, ăn uống thiệt là vui.

Ngay dãy bàn dài nơi phòng khách, một nhóm đang uống bia lạnh và nhâm nhi khô bò, tôi nhào vô và cũng ...làm một chai bia cho xôm tụ. Có mấy ông anh và thằng em họ. Nhóm này có một điểm chung là học cùng ngành kỹ sư và cùng làm cho các hãng máy bay trên đất Mỹ. 

Hai ông anh tôi, đi vượt biên, qua Mỹ năm 1979 và 1981, thằng em họ được ba nó bảo lãnh qua năm 1985. Ba anh em, tuổi tác có chênh lệch, kẻ trước người sau, học Engineer tại Đại Học Wichita Kansas. Sau khi ra trường may mắn thay đều có việc làm ngay. Ông anh lớn, nhờ thông minh, siêng năng cần cù, tốt nghiệp Electrical Engineer với điểm xuất sắc (Cum Laude), được chọn ghi tên vào cuốn sách Who’s Who Among Students in American Universities. Vừa ra trường, anh đầu quân cho hãng Boeing, sau làm cho Kelly Air Force Base ở San Antonio, Texas. Khi Base này đóng cửa anh chuyển qua Tinker Air Force Base ở Oklahoma, rồi lại qua Defense Contract Management Agency (DCMA) under U.S. Department of Defense tai Dallas, Texas cho đến ngày nay.

Ông anh kia thì chung thủy với Boeing, dù bao phen kinh tế lên xuống, hãng cho nhiều người nghỉ việc, anh vẫn được giữ lại bám trụ. Thằng em họ cũng may mắn không kém, xin được việc làm theo kiểu hợp đồng cho một công ty ngoài tiểu bang Texas với mức lương ngất ngưởng đến khó tin. Đến nay, sau hơn hai mươi năm thỏa thuê, con cái đã lớn học xong Đại Học, hắn thấy nhu cầu “kiếm nhiều tiền” không còn quan trọng nữa, bèn trở về làm cho hãng máy bay Delta gần nhà.

Ngồi nghe ba chàng kỹ sư này nói chuyện mà tôi say mê, từ những câu chuyện chuyên môn trong nghề, đến những giải thích cặn kẽ về các loại máy bay Boeing, dạng thương mại chở khách, dạng cho chiến tranh, cũng như giải đáp những thắc mắc của tôi về những kỹ thuật sữa chữa Boeing khi gặp sự cố ngoài đường băng, lúc cất cánh, hạ cánh, tôi cũng mở mang được chút kiến thức.
 

Tôi ham vui tiếp tục cầm chai bia chạy qua bên phòng ăn, nơi có mấy bà chị họ, các chị qua từ năm 1975 học hành xong đều lần lượt xin được việc trong sở xã hội làm social worker. Ban đầu là một chị sau đến hai cô em và sau nữa là cô em dâu cũng từ trong sở xã hội mà ra. Đúng là các con của bác tôi có duyên với sở xã hội vùng nam California này vì họ thông thạo cả Tiếng Anh và Tiếng Việt, do lúc ấy cộng đồng người Việt chưa đông đảo, ít người Việt làm nghề này. Các chị đã làm việc và giúp đỡ được nhiều đồng hương Việt Nam được hưởng những quyền lợi theo hoàn cảnh của họ như xin nhà housing, xin tiền trợ cấp...

 

Thấm thoát cho đến nay, khi cộng đồng người Việt tại Nam California phát triển không ngừng, người kéo đến “đất lành chim đậu” ngày càng tăng, các chị đã là những nhân viên thâm niên kỳ cựu tại đây, rành rẽ các luật welfare, an sinh xã hội, góp phần giúp cộng đồng Mỹ và cộng đồng Việt bằng những kinh nghiệm và bằng niềm yêu thích công việc. Nghe các chị kể nhiều câu chuyện, nhiều mảnh đời đó đây mà công việc đã cho cơ hội gặp gỡ, với tất cả niềm vui và hãnh diện, tôi cảm thấy đó cũng là sự thành công trong nghề nghiệp của các chị.

Đang vui chuyện với mấy bà chị họ tôi vẫn không quên... liếc qua bàn nơi phòng khách, lúc này đã có thêm hai đứa em họ khác cũng vừa nhập cuộc. Thế là tôi lăng xăng trở lại chỗ bàn dài để hóng chuyện tiếp.

Hai đứa em họ này, tôi có thể gọi là những trường hợp “đổi đời thành công”. Bởi vì đối với nhóm “kỹ sư Boeing” tôi vừa kể, thì sự thành công của họ là chuyện đương nhiên, vì khi còn ở Việt Nam họ đã vào Đại Học, siêng năng và có ý chí trong việc học hành. Còn hai cậu em này đến Mỹ, học xong trung học là tính đường đi làm kiếm tiền ngay cho nhanh. Trời không phụ lòng người nếu có ý cầu tiến chịu thương chịu khó. Nay một người đã làm chủ mấy tiệm nails rất đông khách. Mỗi sáng hai vợ chồng thức dậy sớm chạy chiếc xe van to ra khu chợ Việt Nam nơi điểm hẹn để đón cả chục nhân viên thợ nails, rồi chở họ đến các tiệm của vợ chồng hắn ở vùng ngoại ô. Hai vợ chồng nó đã tậu mấy căn nhà ở Texas, cuộc sống đủ đầy từ xe hơi đến quần áo thứ nào cũng là hàng hiệu rất sành điệu, mấy ông anh kỹ sư Boeing kia cũng...chưa dám ...rộng tay mua sắm như thế.

Vừa nâng ly bia, hắn nói với tôi:

    - Té ra nghề của em là “ông chủ nails”, may quá em đã tìm ra... chân lý!

Đứa thứ hai, đặc biệt hơn, vì đây là lần đầu tiên tôi gặp lại hắn sau hơn 30 năm, nếu không được báo trước, tôi không thể nhận ra đó là cậu em thân thương, dáng gầy gầy, còm ròm ngày nào. Qua đến Mỹ, hắn cũng xong Trung Học, nhưng cương quyết không vào Đại Học. Hắn cười cười kể tôi nghe:

-          Chân của em là chân đi, chị biết rồi đó!

-          Ừa, vụ này chị biết, em khỏi phải ...khoe.

-          Bởi vậy, Texas đối với em quá ...nhỏ bé, em muốn khám phá những vùng đất mới, thử những công việc khác nhau, đi đó đi đây, em đã tìm được nghề đúng như mơ ước, thỏa chí tang bồng ngao du khắp nơi, là nghề lái xe tải chạy đường dài.

-          Wow!! Nghề này coi bộ thú vị. Nhưng chị khó hình dung ra một thanh niên dáng thư sinh như em là tài xế xe truck mười mấy bánh to bự tổ chảng đó nghe.

-          Phải nói là tuyệt vời chị ơi! Em lái xe xuyên bang, đi khắp nơi trên đất Mỹ, làm bạn với Free Ways, với núi đồi, với những thị trấn, những thành phố, ngắm mây trời bao la, hít thở căng lồng ngực không khí trong lành những buổi sớm mai, hoặc đêm khuya ngắm trăng sao lấp lánh, vằng vặc ...

-          Trời! Em đúng là chàng... thi sĩ chớ không phải anh tài xế xe tải.

Hắn lại cười... mắc cỡ:

-          Nhưng rồi tuổi cũng bắt đầu... không còn trẻ nữa, không thể để vợ con ở nhà trông chờ từng chuyến xe, nên em vừa mới giã từ những con đường mà em đã đi qua, nay em định cư yên ổn (hổng còn... ngứa chân nữa) tại New Orleans. Vợ em làm công ty bảo hiểm, em làm đại lý bán hải sản tôm khô cá khô, khi nào chị có dịp đến đây, em sẽ đưa chị đi thăm làng đánh cá Việt Nam để biết thêm.

-          Chúc mừng em, cuối cùng đã... dừng bước phiêu lưu, sống hết với đam mê, nay lui về nhà an hưởng với gia đình nhỏ của mình.

 

Cửa hàng đại lý đồ biển của hắn bỏ mối nhiều nơi trên đất Mỹ. Chắc hắn...đếm tiền mỏi cả tay!

Hai trường hợp thành công của hai người em họ không làm tôi ngạc nhiên. Không phải chỉ những người có bằng cấp lớn mới được gọi là thành công trong cuộc sống. Những tỷ phú như Bill Gates, Mark Zuckerberg và nhiều tỷ phú khác trên thế giới họ chưa từng tốt nghiệp đại học khi làm nên của cải kếch sù.

 

Tại hai chiếc sofa dọc theo tường phòng khách dành cho các bậc lớn tuổi, là Ba tôi cùng ông bà bác, chú thím cũng đang xôn xao những câu chuyện đời. Bác vẫy tôi lại, tâm tình:     

-    Các cháu qua đây muộn nhưng lại may mắn đấy, vì có những người đi trước hướng dẫn, giúp đỡ và cộng đồng Người Việt đã đông đúc khắp nơi.

Chú tôi phụ họa:

-       Đúng thế! Chú và gia đình Bác qua đây năm 1975, người đồng hương hiếm hoi, vắng vẻ, kiếm một món ăn Việt còn khó hơn hái sao trên trời, thèm chai nước mắm cũng không có, đành phải chạy ra tiệm Tàu mua nước tương xài tạm.

 

Tôi nửa đùa nửa thật:

 

-           Nghe nói những năm sau 1975 con gái Việt Nam ở Mỹ hiếm hoi lắm, cứ một cô thì có chục chàng bám theo. Ngay cả nhan sắc...Thị Nở cũng chẳng lo ế phải không chú?

-           Chứ còn gì nữa, trai thừa gái thiếu mà, bởi vì sau đó đa số những người vượt biển đến Mỹ đều là con trai. Gia đình nào cũng "đầu tư" vốn liếng, niềm tin và hi vọng tương lai sáng sủa cho con trai hơn là con gái.

Ông anh kỹ sư Boeing chen ngang:

-        Thì con vượt biển qua đây năm 1979 cũng ...ế bồ dài dài nè, buồn thảm thê, cả ngày chỉ biết lo học hành, chẳng có người yêu, chẳng có phim hay nhạc Việt để giải trí, cuối tuần hì hục đi làm thêm kiếm tiền gửi về Việt Nam.

Tôi mỉm cười, thông cảm:

-          À, mà nhờ vậy mà tụi em ở nhà được đi ...lãnh đồ liên miên, có biết đâu, đó là mồ hôi kiếm tiền mà còn là nỗi buồn trống vắng của người thân mình nơi xứ người.

Ba tôi lên tiếng:

-        Nói vậy thôi, nhưng đó là sự hy sinh rất xứng đáng.

Anh tôi vui vẻ:

-        Thì con có than thở gì đâu, ngược lại, mỗi lần gửi xong một thùng đồ là lòng con hân hoan phơi phới, quên hết buồn!

Tôi reo lên:

-        Đó là anh chưa tận mắt chứng kiến niềm sung sướng bên nhà mỗi khi đi lãnh đồ Mỹ. Ngoài một số đồ để xài, tất cả đều được mang đi ...bán, rồi mua vàng tích trữ, cho người tiếp theo đi vượt biên. Hồi đó, em mê nhứt mấy hộp nho khô màu đỏ có hình cô gái mặc áo đầm, mỗi lần lãnh đồ, em được một hộp nho khô bằng nửa bàn tay, mang đến lớp, chia cho hai đứa bạn thân, nhâm nhi từng ...hột nho khô vì sợ ...hết!!!

Bà Thím góp chuyện:

-        Còn nhà Thím lúc lãnh cái máy cassette cả xóm bu lại xem, trầm trồ nức nở, vui thiệt!

Bà chị Cả của tôi ngồi kế bà Thím phát biểu:

-        Thật ra, đâu chỉ có lãnh đồ mới vui! Lãnh thơ cũng nao nức lắm, thư đọc xong được để trên đầu tủ sách, mấy người đi học, đi làm về muộn là được hỏi: đọc thơ Mỹ chưa, rồi sau khi cơm nước xong, lấy thư ra đọc say sưa, không sót chữ nào, để hình dung ra cuộc sống, tâm tư của thân nhân mình bên đó, vì lúc ấy đâu dám nghĩ có ngày gặp lại!


Bà Thím bồi hồi:

-        Ừa, thuở đó chưa có iphone, facetime như bây giờ, có lần chú gọi điện về thăm vợ con, phải thông qua bưu điện, họ báo cho mình ngày giờ, rồi sáng sớm mấy mẹ con diện đồ ...đẹp (dù biết chú chẳng thấy được), đón xích lô tới Bưu Điện Sài Gòn kế bên Nhà Thờ Đức Bà. Đợi chờ một hồi, được  kêu tên mà run rẩy, hồi hộp bước vào phòng, vừa nghe tiếng chú cất lên là mấy mẹ con khóc rào rào ...

Rồi mỗi người một câu, từ bàn phòng ăn, phòng khách, rộn ràng không ngớt tiếng nói cười! Tôi đi bộ ra ngoài cửa, trời đêm gió mát rượi. Tôi không còn thời gian để “phỏng vấn” những dâu, rể của gia đình, hoặc “phỏng vấn” đám trẻ thế hệ thứ ba, sẽ còn rất nhiều câu chuyện, nhưng xin được hầu quý vị trong một bài viết khác.


Đám trẻ ngoài garage lục tục kéo nhau ra hai chiếc xe, chúng gọi tên nhau í ới, đi ăn đêm tại tiệm Taco Bell nổi tiếng của Texas. Tôi nhìn theo đến cuối con đường, rồi nghe tiếng nói chuyện trong nhà vọng ra vẫn rộn ràng, rồi ngắm khu phố yên tĩnh xung quanh...

Tạ ơn nước Mỹ, Canada, và các quốc gia khác mà người Việt đã chọn làm quê hương thứ hai, đã cho chúng ta những cảm nghiệm tuyệt vời kể từ khi cuộc đổi đời phải giã từ quê hương. Mảnh đất mới, thực sự là nơi chốn bình yên, hạnh phúc nếu chúng ta biết cố gắng, hài lòng và tận hưởng những thành quả trong tầm tay!

KIM LOAN

Ý kiến bạn đọc
23/08/202219:42:09
Khách
Toi rat thich doc cac bai viet cua tac gia Kim Loan
23/08/202216:01:31
Khách
Cuộc hội ngộ đầy yêu thương và hạnh phúc !Thật tuyệt vời miền đất mới đã ghi nhận công lao mà đại gia đình đã xây dựng
19/08/202223:43:56
Khách
Quá hay , mẩu chuyện chi tiết để hiểu được cuộc sống của người việt tị nạn bên xứ người ! Cám ơn em
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 496,129
Một trong những người bạn nối khố của tôi vốn là nhà báo. Sau Giáng Sinh 2021, anh gọi cho tôi nói tôi còn nợ anh ấy bài viết cho số báo Xuân Nhâm Dần của anh sắp trình làng. Tôi cố tảng lờ, “Nợ gì nhỉ?” Bạn liền quát vào máy, “Tôi xin ông. Ông cứ cái tật đánh trống lãng với tôi đấy hả?” Tôi xởi lởi hỏi viết gì bây giờ, bạn liền ra lệnh, “Mùa Xuân, viết về tuổi già chứ còn gì nữa.” Tôi sực nhớ mình có hứa với bạn, nên phải trả cho xong món nợ cuối năm. Lục mãi trong trí nhớ của mình nay đang xuống cấp, tôi bèn chọn ngay việc tản mạn tuổi già của chính mình và của bạn bè đang lưu lạc ở Mỹ, nơi xứ lạ quê người.
Thôi để tôi tả một cuộc hèn hò trên sân khấu trường quay bạn muốn hẹn hò trong nước thì bạn đọc hải ngoại dễ hình dung hơn. Giữa sân khấu là một bức màn được buông xuốn để hai bên không thấy nhau. Bên nhà trai có người hướng dẫn chương trình là đàn ông, bên nhà gái là cô hướng dẫn duyên dáng. Thường thì bên cô gái được mời lên sân khấu trước, sau đó đến bên chàng trai. Cô gái giới thiệu về lý lịch trích ngang của bản thân, nói sơ lược về tình trường mà cô đã trải qua, thể hiện tài năng hay cũng có thể gọi là tài vặt như ca hát, nhảy múa để góp vui với chương trình. Điểm quan trọng nhất là cô nói thẳng ra ý muốn của cô với chàng trai bên kia bức màn về mẫu người đàn ông mà cô muốn hẹn hò.
Chẳng biết tại sao mà từ khi qua Mỹ cho tới nay tôi bị lời nguyền gì mà mỗi năm đều bị bệnh mất mấy ngày, nhẹ thì cảm, sổ mũi nóng sốt, nặng thì bỏ ăn một hai bữa. Còn không thì chạy xe bị người ta vượt đèn đỏ hít đít hoặc húc hông, có lẽ thấy tôi mỗi ngày mỗi hên nên vận bám vào người càng nặng. Năm ngoái trước đám cưới con trai là thằng Dũng thì Covid tới thăm và ở nhà chơi chung với tôi 50 ngày. Năm vừa rồi đám cưới thằng Duy sức khỏe chưa lấy lại được thì bị giời leo đau đến nỗi tôi không bước nổi. Vì cứ bị con bệnh đeo bám như vậy nên thằng Duy là con trai lớn đã thương mà trả hết nợ nhà cho để tôi yên tâm ở nhà nghỉ ngơi cho khỏe.
Trước hết căn cứ vào số lượng người mang họ Nguyễn (họ phổ biến nhất của người Việt) ở trong vùng rồi suy luận ra, ta có thể phỏng đoán được số lượng người Việt. Theo tin từ trang Wikipedia tiếng Việt thì tôi được biết theo thống kê năm 2005 ở Việt Nam người họ Nguyễn chiếm 38% dân số. Dĩ nhiên con số 38% này không phải là con số tuyệt đối có thể đại diện cho bất cứ tập thể nào. Nghĩa là không phải ở bất cứ nhóm người nào người họ Nguyễn cũng chiếm tỷ lệ 38%. Do đó trong ước tính của mình tôi áp dụng con số khiêm nhường hơn một chút đó là chỉ khoảng 1/3 người Việt mang họ Nguyễn.
Sở dĩ gọi là "nghề" vì chuyện trong nhà tôi, ông anh rể là sĩ quan đi "cải tạo", thằng con của anh ấy, là cháu ruột tôi, vào lớp Một, nhà trường gửi về bản khai lý lịch, tên bố tên mẹ và nghề nghiệp. Chị tôi điền lý lịch cho thằng bé, mặc dù lúc ấy chị đang chạy chợ trời, nhưng theo “kinh nghiệm” mấy chị hàng xóm thì không nên khai chợ trời, sẽ bị đánh giá là …tiểu tư sản, con mình sẽ bị trù dập, cho nên dù chẳng hiểu thằng bé 6 tuổi còn thò lò mũi xanh sẽ bị trù dập kiểu gì, chị bèn ghi là “nội trợ” cho an toàn. Còn phần nghề nghiệp bố thì để trống vì không biết khai thế nào. Đến lớp, cô giáo liền điền vào khoảng trống nghề nghiệp của bố nó là... "học tập cải tạo"! Mà nghề này còn sinh ra nhiều nghề khác cho những người tù, nào là chăn lợn, nuôi gà, trồng rau, nấu cám, đốn củi trên rừng. Lần đó tôi theo chị lên trại Thành Ông Năm thăm nuôi anh rể, anh ấy tặng vợ con và các em những chiếc vòng đeo tay, chiếc lược được chạm trổ rất xinh xắn do chính tay anh làm, anh bảo đó là "nghề"
Ai cũng có một thời thơ ấu và thanh xuân riêng của mình. Vậy mà ngày còn nhỏ tôi không bao giờ quan tâm đến tâm tư tình cảm và suy nghĩ riêng của má. Tôi cứ thấy má là của gia đình, là của chúng tôi. Tất cả suy nghĩ, việc làm của má đều dành cho chồng con, cho gia đình này. Tôi đã nhận những yêu thương, chăm sóc một chiều của má như một chuyện đương nhiên. Giờ ngồi nhớ lại hồi nhỏ chẳng bao giờ thấy má gặp lại các bạn học xưa để cười đùa rộn rã nhắc về tuổi thơ như thế hệ chúng tôi bây giờ. Chỉ lâu lâu dì Nghiêm là em ruột của má từ Sài Gòn về là 2 chị em ríu rít như chim và nói toàn tiếng lóng với nhau kiểu như mật mã nghe ngộ lắm. Má tôi và dì cứ cười nói rộn ràng còn chúng tôi thì ngơ ngác chẳng hiểu gì. Chắc thuở còn con gái mấy dì và má nói chuyện với nhau kiểu này để giữ bí mật những chuyện riêng tư, qua mặt người lớn mà hẹn hò, nghịch ngợm đây. Ghê thật! Ai bảo thế hệ xưa hiền hơn bây giờ? Chỉ là họ giấu kỹ và không có mạng Internet hay Facebook để ai cũng biết như ngày nay thôi
Dưới ánh mặt trời như thiêu đốt làm bầu không khí rung rinh, nhảy múa đến lóa mắt, đoàn tù nhân đi chân không, ở trần trùng trục, chỉ mặc độc nhất cái quần xà lỏn, vài người đầu đội các chiếc nón cũ kỹ, rách rưới mà họ lượm được đâu đó, đang mệt nhọc lê thân xác mỏi nhừ sau một ngày lao động vất vả trở về trên con đường đất đỏ nóng hừng hực khiến chân họ muốn bỏng, vai thì đỏ và rát bởi nắng cháy. Hai bên đường, rẫy được tù nhân khai khẩn rộng thênh thang, chạy ngút mắt đến tận bìa rừng chỉ chừa lại những gốc rạ khô cằn sau mùa gặt. Giữa cánh đồng một cây Cầy cháy sạm, còn trơ lại vài nhánh đen đúa, cháy dở, chơ vơ chĩa lên cao như cố chống giữ lấy bầu trời to lớn tạo cho khung cảnh một nỗi buồn thê lương như phận người tù ở trại Đồng Phú này!
Hôm nay xé tờ lịch qua tháng tư, tim tôi thấy bồi hồi, xáo trộn những suy nghĩ mông lung bên tách cà phê, ký ức trở về miên man biết bao nhiêu hình ảnh, bao nhiêu câu chuyện ngày ấy, rõ in trong đầu như mới vừa xảy ra đâu đây...
Sau nhà tôi là rừng, rừng ngày xưa không nhìn thấy gì ngoài màu lá xanh, những con chim sặc sỡ màu nhưng chúng chỉ cất tiếng hót lẻ loi một mình, không buồn cũng không vui. Những con thú hiền hoà như sóc với thỏ là những kẻ lãng du tử tế. Chúng thấy người không thích mắt khi nhìn chúng nữa thì sóc nhập thiền nơi những hốc cây, những hốc đá ven bờ suối là tịnh thất của thỏ. Trong khu rừng có con suối nhỏ, có đàn vịt trời khi lội khi baydưới chân đồi bluebonnet tượng trưng cho tiểu bang Texas. Mùa hoa rộ tháng tư thì cơ man là người đến chụp hình, xe đậu quanh đồi không đủ chỗ thì người ta lái xe vào xóm nhà đậu tạm. Tôi thích bị làm phiềm kiểu Mỹ vì chỉ có ở Mỹ khi người không quen biết bấm chuông nhà chỉ để xin phép cho họ đậu cái xe trước nhà mình một lát, họ lên đồi chụp vài tấn hình sẽ đi ngay. Tôi hình dung ra những bức ảnh gia đình, tình nhân, bạn hữu của những người tử tế đã làm nên phong cách Mỹ khác biệt.
Tháng 4 luôn nhắc nhớ, chúng ta từ đâu đến đây, chúng ta may mắn hơn người còn ở lại VN, hạnh phúc hơn người bỏ xác trên biển, hãy sống xứng đáng với cái giá chúng ta phải trả mới có ngày hôm nay. Hãy tôn trọng và nhớ ơn đất nước đã cưu mang gia đình chúng ta, QUÊ HƯƠNG THỨ HAI đã đón nhận và giúp đỡ chúng ta, nơi đây là điểm dừng cuối đời của chúng ta và là Quê Hương thật sự của con cháu chúng ta.
Nhạc sĩ Cung Tiến