Hôm nay,  

Người Già Nơi Xứ Mỹ

12/08/202200:00:00(Xem: 17928)
  
Tác giả tên thật Trần Hương Thủy hiện sống tại South Carolina. Lần đầu tham dự chương trình VVNM với bài viết “Ngày qua giông bão “Bà đã từng cộng tác với nhiều tờ báo tại hải ngoại. Sau đây là bài viết thứ hai.
 
Mỹ là vùng đất hứa của di dân Việt Nam. Khác với sự nhanh nhạy của những người trẻ — họ dễ dàng nắm bắt được sự thay đổi của cuộc sống — thì những người già gặp nhiều trở ngại hơn. Ngôn ngữ, thói quen, văn hoá… ăn sâu từ rất lâu đời, là rào cản không dễ gì vượt qua một sớm một chiều.
Trong quá trình hội nhập vào cuộc sống Mỹ của những người lớn tuổi, chúng ta sẽ bắt gặp nhiều tình huống vui vui và cũng thật dễ thương của họ.
 
 
Bà già Ba Tri.
 
 
Bà tên là Hường, nghĩa là Hồng, theo cách đọc trại của người miệt quê. Nhưng Hường hay Hồng gì cũng là tên của một loài hoa rất đẹp, ai cũng hiểu vậy. Và tôi nhất thiết phải là người hiểu rõ điều đó, vì bà là chị họ của má tôi.
 
Thật ra khi vừa đến Mỹ, bà chưa già. Chỉ mới 48 tuổi. Nhưng bà nhất định không chịu học tiếng Mỹ. Lý do bà nêu ra, là:
 
— Suốt ngày má có nói chuyện với ai ngoài ông táo đâu mà cần học tiếng Anh với tiếng Mỹ.
Bà lớn lên ở Ba Tri, vùng quê nghèo. Thuở nhỏ bà chăn trâu, làm ruộng làm vườn, giúp ba má nuôi một đàn em lúc nhúc như trứng gà, trứng vịt. Vừa trổ mã thiếu nữ đã đi lấy chồng. Lại tất tả với một đàn con nheo nhóc.
 
Chồng bà đánh cá ngoài biển, rồi theo người ta vượt biên đi mất. Một tay bà ở lại chèo chống nuôi con. Thời gian đầu không có tin tức gì của ông ấy. Gần chục năm sau mới thấy thơ về, nói ổng đã lấy vợ khác rồi. Ổng xin lỗi bà mong bà thông cảm, vì cuộc sống nơi xứ người khó khăn và bơ vơ quá. Bà kêu thằng hai viết thơ trả lời ba, rằng “Má hiểu hoàn cảnh của ba. Má không buồn đâu. Ba đừng lo, ráng giữ gìn sức khỏe“. Khi đọc những lời đó cho con, mắt bà ráo hoảnh. Nhưng buổi tối bà ngồi nhìn ngọn đèn dầu leo lét, nước mắt ở đâu mà cứ tuôn hoài.
 
Cũng may, ông chồng còn chút tình nghĩa, đã làm giấy bảo lãnh cho mấy mẹ con sang Mỹ.
Qua đây rồi, bà không nhờ vả gì chồng. Duyên nợ không còn nữa, người ta cũng có gia đình khác rồi, mình dây vướng làm gì nữa cho khó xử cả đôi bên. Bà nghĩ vậy và lại một mình bươn chảy tiếp. Bà xin rửa chén, quét dọn cho những nhà hàng Việt. Mấy đứa nhỏ cũng giỏi. Chúng chịu khó học, làm việc sau giờ học ở các chợ Mỹ để kiếm tiền phụ má. Túc tắc như vậy, rồi tụi nó cũng ra trường, tìm được việc làm. Lúc này, tụi nó kêu bà ở nhà hưởng phước.
 
— Cả đời má làm việc nuôi tụi con rồi. Bây giờ để tụi con lo lại cho má.

Vậy là bà nghỉ làm.  Và càng có lý do để không học tiếng Mỹ.
 
Ở nhà vài tháng bà thấy buồn quá. Bà bèn quyết định:

— Má muốn lái xe.
— Trời đất ơi! Hồi nào tới giờ má có lái xe bao giờ đâu.
— Hồi trước chưa biết thì giờ má muốn biết.
 
Thằng hai thuyết phục bà không được, bèn gọi con ba, con tư và thằng năm để cầu cứu. Đứa nào nghe xong cũng buông một câu ta thán y chang nhau:

— Trời đất ơi!
 
Người ta thường nói ông già Ba Tri rất ngoan cố. Nhưng người ta quên là, bà già Ba Tri cũng kiên cường không kém. Và cuối cùng, bà một mình chiến thắng cả tiểu đội con cái một cách vẻ vang.
 
Con ba đành vớt vát dặn dò:
 
— Ra đường nếu có chuyện gì, má nhớ gọi ngay cho con nghe.
 
Lần đầu tiên chạy xe ra đường, bà nhủ lòng phải cẩn thận lắm. Bà chạy chầm chậm với tốc độ 10 miles / 1 giờ.
 
Xe sau bấm kèn “tin tin”. Bà mặc kệ, cứ bình tĩnh giữ tốc độ an toàn.
 
Chỉ một lúc sau, nối đuôi xe bà là một hàng xe dài rồng rắn.
 
Có ai đó gọi phone báo 911. Police rú còi chạy đến chận xe bà lại.
 
— Hello. May you give me your Driver License?
— Hello, chú em. Bà lịch sự chào lại.
 
Police lập lại lời yêu cầu.
 
— Chèn ơi, nói gì mà líu lo, ai mà hiểu được. Bà cằn nhằn rồi rút phone ra. Bà bấm ngay chữ số 3 mà con ba đã chỉ, rồi đưa phone cho Police.
 
Anh chàng police ngẩn ngơ 1 giây, rồi như hiểu ra, liền thông báo sự việc qua phone.
 
Con ba rối rít xin lỗi và giải thích việc bà già “mù tiếng Mỹ” cho police. Đúng là “bạn dân”, anh police lịch sự nói “No problems “rồi yêu cầu con ba dặn dò bà chạy mau hơn.
 
Nhìn bà gật gật đầu khi nghe điện thoại, anh chàng cứ tủm tỉm cười.
 
Một lần vào dịp cuối tuần, vợ chồng thằng hai đưa bà đi ăn buffets của người Hoa. Nhìn thấy món crawfish trên khay thức ăn, bà liền nghĩ ngay đến con.
 
— Thằng nhỏ thích món này lắm đây.

Bà lấy muỗng múc từng con vào đĩa.  Bà già nên tay hơi run. Sợ làm rớt, bà cẩn thận lấy từng con một. đặt cẩn thận vào đĩa. Ông già người Mỹ đứng kế bên chờ lấy crawfish, chắc thấy… ngứa mắt khi nhìn bà từ từ, tà tà như vậy, bèn quên câu “lịch sự như Mỹ”, mà buông tiếng thở dài.
Lập tức, tự ái bà nổi lên. Bà lấy vài con thôi mà. Chờ một chút không được à. Còn phía bên kia đó, sao không vòng qua lấy đi.
 
— You go there lấy đi. Vừa nói, bà vừa chỉ tay sang phía đối diện.
 
Ông Mỹ không hiểu bà già này nói gì, nhưng nhìn tay bà chỉ, ông cũng … hiểu hiểu.
 
Ông bước vòng sang hướng kia.
 
Nhà thằng hai là nhà phố (town house) nên hơi bức bí với những người quen sống nơi ruộng đồng mông mênh như bà. Vì thế, thi thoảng bà hay ra công viên chơi.
 
Hôm nay bà ra công viên vào buổi sáng. Giờ này chỉ lác đác người nên không gian rất yên tĩnh.
Ngồi trên ghế đá, dưới tàng cây rợp bóng, bà nghe tiếng chim ríu rít trên cao. Gió thổi hiu hiu. Cảm giác thật bình yên.  Bà thả hồn theo tiếng chim, mường tượng mình đang ngồi bên bờ rạch sau nhà. Văng vẳng đâu đây tiếng chim cuốc khắc khoải gọi con nước lên sau rặng dừa nước xạc xào.
 
Một bà già cũng trạc tuổi bà dắt chó đi dạo gần đó. Ở bên đây, người ta cưng chó lắm. Dắt chó đi dạo là chuyện bình thường.
 
Bỗng con chó đi chậm lại, rồi dừng hẳn. Bà kia cũng dừng lại, chờ cho chó cưng “hành sự” xong, rồi chủ và chó thủng thẳng đi tiếp.
 
Chèn ơi, sao lại đi mà không dọn dẹp chứ.
 
Bà kêu lên thật lớn:
— Ê, ê… 
 
Bà kia giật mình, nhìn về phía bà.
— No good… No good…Bà chỉ tay về phía “hiện vật” của con chó để lại.
 
Bà kia tảng lờ và kéo con chó đi.
 
Trời ơi, người gì mà thiếu trách nhiệm. Không biết giữ gìn vệ sinh nơi công cộng gì hết.
 
Bà liền đuổi theo. Một tay bà chỉ vào “hiện vật, một tay bà cầm phone giơ lên:

— You no dọn dẹp, I kêu police.  Kêu 911 đó. You no good. No good.
 
Không cần tìm hiểu làm chi cho mất thời giờ, chỉ cần nghe police và 911 là bà kia quay lại thu dọn ngay (sau khi liếc cho bà một cái).
 
Bà rất thích đi chợ mua thức ăn.

Mỗi khi vào chợ Kroger, bà cứ đẩy cart đi vòng vòng, lựa lựa, chọn chọn, rồi bỏ vào cart. Chuyện chẳng gì đáng nói, nếu xong xuôi, bà đẩy cart đến chỗ nhân viên tính tiền để thanh toán.

Nhưng bà thích check out ở máy tự tính hơn, dù bà không biết sử dụng. Thế là bà đứng ì ra đó. Nhân viên phụ trách khu tính tiền bằng máy, ngạc nhiên thấy bà đứng quá lâu, vội đi đến hỏi.

 
Bà cười rất tươi, nụ cười “nhờ vả “

— You do.
 
Nói vậy là dễ hiểu quá rồi. Nhân viên liền cầm lấy từng món đồ và scan giá.
 
Trời tháng bảy ở hướng South nóng như lửa. Máy lạnh trong nhà phải giảm nhiệt độ tối đa mới thấy dễ chịu.
 
Vậy mà hai chú police phải đạp xe tuần tra quanh khu vực, thật tội.
 
Bà để ý tầm một giờ mấy, hai giờ trưa là thấy họ tuần tra đến khu nhà bà.

— Tội nghiệp quá. Tụi nó chắc trạc tuổi thằng hai nhà mình thôi.
 
Một buổi trưa, bà đứng sẵn ngoài sân. Vừa thấy 2 chú police tới, bà vẫy tay ra hiệu dừng lại.
Cả hai ngạc nhiên thắng xe cái “ké ét…” trước mặt bà.
 
— Quây …quây… (wait, wait)

Bà ra dấu cho họ đợi, rồi bước nhanh vào nhà.
 
Hai police còn đang ngớ người, thì bà đã bước ra, tay cầm hai lon coke ướp lạnh.
 
Bà nhìn họ thật trìu mến. Cả hai đón lấy lon nước ngọt từ tay bà và nói:

— Thank you.
 
Gì chứ câu này thì bà hiểu.
 
Rồi một ngày, bà gọi các con đến họp mặt đông đủ ở nhà thằng hai.
 
Ngồi giữa đàn con xúm xít vây quanh, bà trầm ngâm nói:

— Từ đây đến cuối đời, má sống nơi đây, rồi chết cũng nơi đây. Sống có cái nhà, chết có cái mồ. Nhà và mồ mã của má không còn ở quê cũ nữa, mà là ở đây, ở đất nước này. Các con, rồi các cháu má nữa, tất cả đều ở đây.
 
Nên má tính như vầy …
Bà ngưng một chút, nhìn các con đang mắt tròn mắt dẹt, hồi hộp không biết có chuyện gì.
 
Con tư đưa cho bà tách trà:
— Má uống miếng nước đi.
 
Thằng năm nhấp nhổn:
— Có chuyện gì vậy má?
— Má muốn học tiếng Mỹ.
 
Trời bỗng dưng có bão tuyết ở Việt Nam, cũng không làm mọi người ngạc nhiên hơn câu tuyên bố “xanh rờn“đó.
— Má … đòi học tiếng Mỹ? Thằng hai lắp bắp hỏi lại.
— Ừ, chỗ này như đất nước của mình rồi. Mà tụi con nít một tuổi còn biết bập bẹ tiếng nước của nó.
 
Chẳng lẽ má thua cả đứa con nít sao.
 
Phải mất một lúc mọi người mới tin là sự thật. Tất cả ồ lên:
— Má là số một.
— Má number one.
— Hoan hô má.
 
Bà nhìn đàn con, mỉm cười ra chiều tự đắc. Ủa, các con quên má là dân Ba Tri sao. Người Ba Tri sống có tình, có nghĩa và biết trước biết sau lắm nghe.
Vậy là chiều chiều, bà mang tập vở đến nhà thờ để học ESL.
 
           
Nồi mắm kho.
 
Vợ chồng ông bà có duy nhất một thằng con trai. Sau giải phóng vài năm, không biết nghe bạn bè rủ rê thế nào, mà nó về nhà nằng nặc đòi ba má cho đi vượt biên.
 
Dĩ nhiên hai ông bà không chịu, cứ nghĩ đến xa con là đã đứt từng khúc ruột rồi. Nhưng bữa nào thằng nhỏ cũng nằn nì. Không thuyết phục được ba má, nó nghĩ cách nhờ bà nội nói vô.
 
— Nè, tụi bây định để nó ở đây chờ đến ngày đi bộ đội, bị tụi Pôn Pốt cắt đầu hả? Thằng Tiến có bề gì đừng nhìn mặt tao à nghe.
 
— Dạ, má để tụi con thu xếp… Ông Tư cúi đầu.
 
— Ừ, vợ chồng bây liệu mà tính đường cho thằng cháu đích tôn của tao đó.
 
Nhờ có uy của bà nội, ngay cuối tháng đó, Tiến được theo nhà thằng bạn vượt biên.
 
Trời đất và ông bà thương, chuyến đi xuôi lọt. Tiến được một gia đình Mỹ nhận làm con nuôi, cho ăn học tử tế.
 
Tiến tốt nghiệp, đi làm, cưới vợ. Ổn định cuộc sống xong, anh làm thủ tục bảo lãnh ba má sang Mỹ.
Ông bà cũng dùng dằng. Nửa không muốn rời nơi chôn nhau cắt rún, cứ núm níu tình làng nghĩa xóm.
 
Nửa thương con, muốn được sống gần gũi con. Lần nào gọi điện về, Tiến cũng ra sức thuyết phục:
— Bộ ba má không thương con sao Sống xa ba má bao nhiêu năm rồi, con nhớ ba má lắm.
 
Có cứng lòng mấy, mà nghe con nói những lời này, lần một, lần hai cũng phải xiêu.
Vậy là hai ông bà lục tục lên máy bay
 
Nước chảy xuôi. Cha mẹ thương con, chỉ sống vì con. Nên qua đây, dẫu có nhớ quê lắm, hai ông bà cũng bảo ban nhau tập làm quen với cuộc sống mới, cho con nó an tâm.
Nhà có mảnh vườn nhỏ phía sau, ông bà lụi hụi cuốc đất, đào đất, gieo hạt, trồng cây. Mùa hè, rau cỏ xanh tươi cả một vạt vườn. Nào húng cây, húng lủi, tía tô… Nào ớt, hành…  Mùa đông thì xới cây cho vào chậu, rồi bỏ vô garage.
 
Sáng tối hai vợ chồng hủ hỉ cũng không đến nỗi nào. Nhưng ngặt một cái, là thèm đồ ăn Việt lắm.  Nhất là món mắm kho, có cá lóc, thịt quay, tôm tươi săn sắc, cà tím… nấu quyện với mắm sặc đã lược xác; rồi ăn với cơm nóng, rau ghém. Mà rau ghém phải có đủ thứ à nghen.
 
Tôi là bạn của Thuý, con dâu ông bà. Chúng tôi cùng học chung trung học với nhau. Qua đây, tưởng đã thất lạc nhau, nhưng tình cờ chúng tôi gặp lại nhau và rất vui khi biết cùng sống chung tiểu bang Atlanta. Từ đó, thi thoảng tôi vẫn ghé chơi nhà Thuý. Gặp tôi, ông bà Tư rất xởi lởi, thân tình, như bản tính của những người miền Nam. Tôi cũng rất quý ông bà, nên một lần đi chợ, thấy hũ mắm, tôi liền mua ngay và ghé tạt qua biếu họ.
 
Bà Tư vui lắm, rối rít cảm ơn tôi.
 
Thuý kín đáo lườm tôi, rồi nhìn chồng cầu cứu.
 
Hiểu ý vợ, Tiến lên tiếng:
— Cái này ba má cất đâu thì cất. Đừng nấu lên, hôi nhà lắm.
 
Thúy cũng góp vào:
— Dạ, anh Tiến nói trước thì con mới dám nói. Chứ con cũng định kêu ba má bỏ hũ mắm đi.
 
Mặt ông bà đang hớn hở, thoắt tiu nghỉu như trẻ con bị lấy đi phần bánh.
Lúc tiễn tôi về, Thuý rên rĩ
— Bạn hại tôi rồi đó.
 
Tôi cười mà không biết mình là nguyên nhân của một thảm họa kinh thiên động địa.
Còn hũ mắm được bà cất kỹ trong góc khuất, không dám lấy ra, mà cũng không nỡ bỏ.
 
Tuần này vợ chồng thằng Tiến đi Seattle thăm nhà vợ và dự sinh nhật bà thông gia. Tụi nó mời ông bà đi cùng, nhưng vì bà thấy khó ở trong người, nên ông cũng không đi.
 
Thức ăn đầy trong tủ lạnh, mà bà mệt, không muốn ăn gì. Ăn một mình buồn, ông cũng không nấu nướng.
 
Đến quá trưa, thấy hơi đói đói, ông hỏi:
— Bà ăn gì không tui nấu.
— Ăn cái gì cũng thấy lạt miệng hết. Bà lắc đầu uể oải.
— Thì bà cũng phải ăn để còn uống thuốc chớ.
 
Bà ngồi dậy, nhìn mông lung ra cửa:
— Dưới quê mình giờ là mùa nước nổi phải không ông?
Ông gật gù:
— Lóng này là tui bắt cá, hái bông điên điển về cho bà nấu canh chua. Ở đây làm gì tìm được bông điên điển.
Bà chợt nhớ ra:
— Hay là mình …kho mắm đi ông. Mình đem ra sân nấu cho khỏi hôi nhà.
 
Không cần bà nói tiếng thứ hai, ông lui cui mở tủ lấy hũ mắm ra.
Ông đặt nồi mắm lên lò barbecue. Bà quên cả mệt, chuẩn bị cá, thịt ba chỉ, hành, rau thơm…Không đủ đồ như dưới nhà quê, nhưng mà, kệ đi. Có mắm ăn là mừng lắm rồi.
 
Hai ông bà hí húi làm, cảm giác không khác gì con trẻ lén lút làm chuyện sau lưng người lớn. Thì đúng rồi. Sao có chuyện kho mắm công khai được. Vợ chồng thằng Tiến sợ hôi nhà, làm gì chịu.
 
Nồi mắm sủi tăm trên bếp. Mùi thơm tỏa ra khắp vườn.
 
— Nghe mùi là thấy đói bụng liền hả bà. Ông hít hà.
— Ừ, mà mình ăn nhín nhín thôi nghe ông. Để dành mai mốt ăn nữa.
 
Ngày hôm sau, bà hâm lại nồi mắm.
Cứ cắn một miếng ớt, ông lại và một miếng cơm chan mắm. Vậy mà ông ăn được những ba chén đầy.
Nhưng sang tới ngày thứ ba, khi nồi mắm đang sôi trên bếp, thì police ập vào nhà.
 
Hai ông bà sợ hãi không biết chuyện gì. Họ ấn cả hai ngồi xuống ghế. Một người đứng canh ông bà. Những người còn lại lục tung khắp nhà. Không tìm thấy gì, họ quay lại nói một tràng tiếng Mỹ với ông.
 
Ông không hiểu. Họ nói với bà. Bà cũng không hiểu.
Ông luýnh quýnh chỉ điện thoại, lắp bắp nói:
— My son… my son…
Người cầm súng lưỡng lự, rồi gật đầu.
 
Ông bấm số gọi cho con trai:
— Con ơi, police vô đầy nhà mình … Ba má sợ quá.
 
Giọng Tiến hốt hoảng:
— Có chuyện gì vậy ba? Thôi ba đưa điện thoại cho con nói chuyện với họ.
 
Điện thoại đưa qua đưa lại vài lần, Tiến mới vỡ lẽ, là ba má ở nhà kho mắm, hàng xóm nghe mùi thúi quá tưởng có án mạng, trùng hợp mấy hôm nay vợ chồng Tiến lại vắng nhà nữa. Nên họ báo police.
Tiến thay ba má xin lỗi vì đã làm phiền những người “bạn dân“ và kêu ba má dẫn họ ra xem nồi mắm kho.
 
Xe police đi khuất cả buổi rồi, hai ông bà vẫn còn bàng hoàng, nghe tim đập thình thịch, thình thịch trong lồng ngực.
 
Cuối tuần vợ chồng Tiến về. Tiến sang hai bên hàng xóm xin lỗi vì ba má mình đã làm phiền họ.
Những người Mỹ nơi hướng South rất hồn hậu. Họ cũng xin lỗi Tiến, vì những hiểu lầm hôm nọ.
Chiều Chúa Nhật, theo lời mời của Tiến, những người hàng xóm hai bên đến dự barbecue cùng gia đình Tiến.
 
Một cái bàn dài kê giữa sân, trên bày la liệt nào ly giấy, đĩa giấy, khăn giấy, muỗng nĩa bằng mũ.
Một thùng đá lớn. Nước ngọt cho lũ con nít. Bia cho người lớn. Và không thể thiếu lò nướng rực lửa với những miếng thịt thơm lừng.
Ai ăn cũng suýt xoa:
— It’s very good.
— Oh, so delicious.
 
Bà Barbara, hàng xóm phía bên phải, quay qua hỏi vợ Tiến cách ướp thịt, để về làm. Bà chưa bao giờ được thưởng thức món thịt nướng tuyệt vời như thế này.
 
Vợ Tiến chỉ về phía bà Tư:
— Tất cả là do má chồng tôi chế biến.
 
Rồi cô quay sang má chồng:
— Bà ấy khen thịt ướp ngon quá và muốn học cách làm của má đó.
 
Bà Tư hãnh diện lắm. Gì chớ nấu ăn là bà nổi tiếng khắp xóm. Ở quê, nhà nào có đám giỗ, đám cưới… cũng cố mời được bà đứng bếp.
 
Bà Tư chỉ cho bà người Mỹ những nguyên liệu mình đã dùng. Nào mật ong, bột ngọt, tiêu, hànhtỏi, nước mắm …
 
Barbara ngạc nhiên cầm lấy chai Fish sauce. Cái này bà mới nhìn thấy lần đầu.
 
Bà đưa lên mũi ngửi và giật mình.
— Eww…
 
Vợ Tiến đỡ lấy chai nước mắm:
— Thứ này người Mỹ không quen dùng đâu. Bà có thể thay bằng gia vị khác cũng được.
 
Barbara vội vã khoác tay:
— Tại sao không chứ. Mùi nó hôi nhưng vị nó ngon. Cô mua giúp tôi 1 chai nhé.
 
Sợ thái độ mình lúc nãy hơi khiếm nhã làm bà Tư phiền lòng, Barbara quay sang nói với bà Tư:
— Fish sauce is good. Your food is good, too.
 
Không hiểu hết những lời bà khách, nhưng nghe có good, good, bà đoán khách vừa ý.
 
Ông đứng gần đó, gật gù.
— Hôm nay ai cũng khen thịt nướng ngon. Ai nói Mỹ không ăn được nước mắm đâu nà.
 
Bà cao hứng:
— Vậy hôm nào mình ra chợ Việt mua mắm về kho, rồi kêu thằng Tiến mời họ sang ăn, ông hén.
 
Tiến vừa bước vào. Nghe loáng thoáng ba má nói chuyện, anh hoảng hồn la lên:
— Đừng, đừng nghe ba má.

Ý kiến bạn đọc
17/08/202216:51:11
Khách
Cảm ơn Cô Út đã nhặt hạt sạn cho BC. Đúng là BC lẩn thẩn quá .
17/08/202214:56:15
Khách
Xin sửa lại là thành phố Atlanta. Không phải tiểu bang Atlanta. Bài viết vui.
16/08/202219:30:29
Khách
BC xin ghi nhận ý kiến của 2 bạn Q Việt và Tâm Nghiêm. Đúng ra hai chữ "giải phóng" phải đặt trong ngoặc kép như thế này.
Thật ra BC chỉ muốn nêu lên một sự đối nghịch .Là "giải phóng" rồi mà sao người dân lại khao khát rời đi, thay vì ở lại. Trong lòng người Việt Nam, hai chữ này luôn là nỗi đau ray rứt. Chúng ta đến tỵ nạn ở nước Mỹ, làm người lưu vong , và bây giờ nhận nơi này làm quê hương , vì chúng ta không chấp nhận được cái gọi là " giải phóng" đó.
15/08/202223:37:30
Khách
Tôi định nêu ý kiến, bạn Q. Việt post rồi. Cám ơn bạn.
15/08/202219:05:13
Khách
Đang ngon trớn bỗng tôi khựng lại với "Sau giải phóng..." Tôi hết muốn đọc tiếp. Ước gì tác giả không dùng những chữ đó! Đa số tác giả và độc giả của VVNM thuộc nhóm người vì muốn tránh đọa đày nên đã bỏ tất cả để tìm cuộc sống tự do ở nơi đây. Cái mốc, cái ngày mà người ta cướp đi sự tự do của chúng ta mà chúng ta lại gọi là "giải phóng" là liberation day sao?!
14/08/202223:42:48
Khách
Cảm ơn bạn .
14/08/202221:16:39
Khách
Bài viết dễ thương
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 495,978
Một trong những người bạn nối khố của tôi vốn là nhà báo. Sau Giáng Sinh 2021, anh gọi cho tôi nói tôi còn nợ anh ấy bài viết cho số báo Xuân Nhâm Dần của anh sắp trình làng. Tôi cố tảng lờ, “Nợ gì nhỉ?” Bạn liền quát vào máy, “Tôi xin ông. Ông cứ cái tật đánh trống lãng với tôi đấy hả?” Tôi xởi lởi hỏi viết gì bây giờ, bạn liền ra lệnh, “Mùa Xuân, viết về tuổi già chứ còn gì nữa.” Tôi sực nhớ mình có hứa với bạn, nên phải trả cho xong món nợ cuối năm. Lục mãi trong trí nhớ của mình nay đang xuống cấp, tôi bèn chọn ngay việc tản mạn tuổi già của chính mình và của bạn bè đang lưu lạc ở Mỹ, nơi xứ lạ quê người.
Thôi để tôi tả một cuộc hèn hò trên sân khấu trường quay bạn muốn hẹn hò trong nước thì bạn đọc hải ngoại dễ hình dung hơn. Giữa sân khấu là một bức màn được buông xuốn để hai bên không thấy nhau. Bên nhà trai có người hướng dẫn chương trình là đàn ông, bên nhà gái là cô hướng dẫn duyên dáng. Thường thì bên cô gái được mời lên sân khấu trước, sau đó đến bên chàng trai. Cô gái giới thiệu về lý lịch trích ngang của bản thân, nói sơ lược về tình trường mà cô đã trải qua, thể hiện tài năng hay cũng có thể gọi là tài vặt như ca hát, nhảy múa để góp vui với chương trình. Điểm quan trọng nhất là cô nói thẳng ra ý muốn của cô với chàng trai bên kia bức màn về mẫu người đàn ông mà cô muốn hẹn hò.
Chẳng biết tại sao mà từ khi qua Mỹ cho tới nay tôi bị lời nguyền gì mà mỗi năm đều bị bệnh mất mấy ngày, nhẹ thì cảm, sổ mũi nóng sốt, nặng thì bỏ ăn một hai bữa. Còn không thì chạy xe bị người ta vượt đèn đỏ hít đít hoặc húc hông, có lẽ thấy tôi mỗi ngày mỗi hên nên vận bám vào người càng nặng. Năm ngoái trước đám cưới con trai là thằng Dũng thì Covid tới thăm và ở nhà chơi chung với tôi 50 ngày. Năm vừa rồi đám cưới thằng Duy sức khỏe chưa lấy lại được thì bị giời leo đau đến nỗi tôi không bước nổi. Vì cứ bị con bệnh đeo bám như vậy nên thằng Duy là con trai lớn đã thương mà trả hết nợ nhà cho để tôi yên tâm ở nhà nghỉ ngơi cho khỏe.
Trước hết căn cứ vào số lượng người mang họ Nguyễn (họ phổ biến nhất của người Việt) ở trong vùng rồi suy luận ra, ta có thể phỏng đoán được số lượng người Việt. Theo tin từ trang Wikipedia tiếng Việt thì tôi được biết theo thống kê năm 2005 ở Việt Nam người họ Nguyễn chiếm 38% dân số. Dĩ nhiên con số 38% này không phải là con số tuyệt đối có thể đại diện cho bất cứ tập thể nào. Nghĩa là không phải ở bất cứ nhóm người nào người họ Nguyễn cũng chiếm tỷ lệ 38%. Do đó trong ước tính của mình tôi áp dụng con số khiêm nhường hơn một chút đó là chỉ khoảng 1/3 người Việt mang họ Nguyễn.
Sở dĩ gọi là "nghề" vì chuyện trong nhà tôi, ông anh rể là sĩ quan đi "cải tạo", thằng con của anh ấy, là cháu ruột tôi, vào lớp Một, nhà trường gửi về bản khai lý lịch, tên bố tên mẹ và nghề nghiệp. Chị tôi điền lý lịch cho thằng bé, mặc dù lúc ấy chị đang chạy chợ trời, nhưng theo “kinh nghiệm” mấy chị hàng xóm thì không nên khai chợ trời, sẽ bị đánh giá là …tiểu tư sản, con mình sẽ bị trù dập, cho nên dù chẳng hiểu thằng bé 6 tuổi còn thò lò mũi xanh sẽ bị trù dập kiểu gì, chị bèn ghi là “nội trợ” cho an toàn. Còn phần nghề nghiệp bố thì để trống vì không biết khai thế nào. Đến lớp, cô giáo liền điền vào khoảng trống nghề nghiệp của bố nó là... "học tập cải tạo"! Mà nghề này còn sinh ra nhiều nghề khác cho những người tù, nào là chăn lợn, nuôi gà, trồng rau, nấu cám, đốn củi trên rừng. Lần đó tôi theo chị lên trại Thành Ông Năm thăm nuôi anh rể, anh ấy tặng vợ con và các em những chiếc vòng đeo tay, chiếc lược được chạm trổ rất xinh xắn do chính tay anh làm, anh bảo đó là "nghề"
Ai cũng có một thời thơ ấu và thanh xuân riêng của mình. Vậy mà ngày còn nhỏ tôi không bao giờ quan tâm đến tâm tư tình cảm và suy nghĩ riêng của má. Tôi cứ thấy má là của gia đình, là của chúng tôi. Tất cả suy nghĩ, việc làm của má đều dành cho chồng con, cho gia đình này. Tôi đã nhận những yêu thương, chăm sóc một chiều của má như một chuyện đương nhiên. Giờ ngồi nhớ lại hồi nhỏ chẳng bao giờ thấy má gặp lại các bạn học xưa để cười đùa rộn rã nhắc về tuổi thơ như thế hệ chúng tôi bây giờ. Chỉ lâu lâu dì Nghiêm là em ruột của má từ Sài Gòn về là 2 chị em ríu rít như chim và nói toàn tiếng lóng với nhau kiểu như mật mã nghe ngộ lắm. Má tôi và dì cứ cười nói rộn ràng còn chúng tôi thì ngơ ngác chẳng hiểu gì. Chắc thuở còn con gái mấy dì và má nói chuyện với nhau kiểu này để giữ bí mật những chuyện riêng tư, qua mặt người lớn mà hẹn hò, nghịch ngợm đây. Ghê thật! Ai bảo thế hệ xưa hiền hơn bây giờ? Chỉ là họ giấu kỹ và không có mạng Internet hay Facebook để ai cũng biết như ngày nay thôi
Dưới ánh mặt trời như thiêu đốt làm bầu không khí rung rinh, nhảy múa đến lóa mắt, đoàn tù nhân đi chân không, ở trần trùng trục, chỉ mặc độc nhất cái quần xà lỏn, vài người đầu đội các chiếc nón cũ kỹ, rách rưới mà họ lượm được đâu đó, đang mệt nhọc lê thân xác mỏi nhừ sau một ngày lao động vất vả trở về trên con đường đất đỏ nóng hừng hực khiến chân họ muốn bỏng, vai thì đỏ và rát bởi nắng cháy. Hai bên đường, rẫy được tù nhân khai khẩn rộng thênh thang, chạy ngút mắt đến tận bìa rừng chỉ chừa lại những gốc rạ khô cằn sau mùa gặt. Giữa cánh đồng một cây Cầy cháy sạm, còn trơ lại vài nhánh đen đúa, cháy dở, chơ vơ chĩa lên cao như cố chống giữ lấy bầu trời to lớn tạo cho khung cảnh một nỗi buồn thê lương như phận người tù ở trại Đồng Phú này!
Hôm nay xé tờ lịch qua tháng tư, tim tôi thấy bồi hồi, xáo trộn những suy nghĩ mông lung bên tách cà phê, ký ức trở về miên man biết bao nhiêu hình ảnh, bao nhiêu câu chuyện ngày ấy, rõ in trong đầu như mới vừa xảy ra đâu đây...
Sau nhà tôi là rừng, rừng ngày xưa không nhìn thấy gì ngoài màu lá xanh, những con chim sặc sỡ màu nhưng chúng chỉ cất tiếng hót lẻ loi một mình, không buồn cũng không vui. Những con thú hiền hoà như sóc với thỏ là những kẻ lãng du tử tế. Chúng thấy người không thích mắt khi nhìn chúng nữa thì sóc nhập thiền nơi những hốc cây, những hốc đá ven bờ suối là tịnh thất của thỏ. Trong khu rừng có con suối nhỏ, có đàn vịt trời khi lội khi baydưới chân đồi bluebonnet tượng trưng cho tiểu bang Texas. Mùa hoa rộ tháng tư thì cơ man là người đến chụp hình, xe đậu quanh đồi không đủ chỗ thì người ta lái xe vào xóm nhà đậu tạm. Tôi thích bị làm phiềm kiểu Mỹ vì chỉ có ở Mỹ khi người không quen biết bấm chuông nhà chỉ để xin phép cho họ đậu cái xe trước nhà mình một lát, họ lên đồi chụp vài tấn hình sẽ đi ngay. Tôi hình dung ra những bức ảnh gia đình, tình nhân, bạn hữu của những người tử tế đã làm nên phong cách Mỹ khác biệt.
Tháng 4 luôn nhắc nhớ, chúng ta từ đâu đến đây, chúng ta may mắn hơn người còn ở lại VN, hạnh phúc hơn người bỏ xác trên biển, hãy sống xứng đáng với cái giá chúng ta phải trả mới có ngày hôm nay. Hãy tôn trọng và nhớ ơn đất nước đã cưu mang gia đình chúng ta, QUÊ HƯƠNG THỨ HAI đã đón nhận và giúp đỡ chúng ta, nơi đây là điểm dừng cuối đời của chúng ta và là Quê Hương thật sự của con cháu chúng ta.
Nhạc sĩ Cung Tiến