Hôm nay,  

Chuyện Về Những Căn Nhà

11/03/202200:00:00(Xem: 3879)

VVNM 03112022
Mẫu thiết kế nhà ở trong tương lai trên sao Hỏa (hình minh họa.)

Nguyễn Bích Thủy - Tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2014 và 2021. Cô sinh năm 1962, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật năm 1988 khoa Đồ Họa tại Việt Nam, từng làm công việc thiết kế sáng tạo trong ngành quảng cáo. Cô đến Mỹ tháng 4 năm 2000, hiện là cư dân Waxahachie, Texas, trong một thành phố ít người Việt cư trú. Sau đây là bài viết đầu mới của tác giả.  

Đã là con người hầu như ai cũng có một căn nhà để che mưa, che nắng. Nếu bậc đế vương sống ở nơi cung vàng điện ngọc có kẻ hầu người hạ thì hàng khố rách áo ôm cũng có một căn chòi mục nát, hay chỗ gầm cầu để ngả lưng sau một ngày mệt nhọc. Những nơi đó có thể tạm gọi là nhà!

*

Các nhà khoa học có thể đưa ra tuổi thọ trung bình của một người, nhưng chưa có một thống kê nào cho biết mỗi người từ khi sinh ra cho đến khi nằm xuống đã ở được khoảng bao nhiêu căn nhà! Điều này có thể nói lên mỗi người có những nhu cầu “xê dịch” rất khác nhau. Sau hiệp định Genève 1954, cuộc sống của người Việt Quốc Gia chỉ trong phạm vi từ vĩ tuyến 17 cho đến Mũi Cà Mau. Nhưng kể từ năm 1975 cho đến nay thì “nhà Việt Nam” đã có mặt tại hơn 130 quốc gia trên thế giới. Mỗi một căn nhà của người Việt trên quê người gói ghém tất cả những thăng trầm của một đời lưu lạc nơi đất khách; là những vinh nhục, được mất, hy sinh, đánh đổi để tồn tại. Biết bao người bôn ba ra hải ngoại đang sống trong những căn nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi; nhưng từ trong sâu thẳm họ vẫn không quên được căn nhà cũ của mình trên quê mẹ!

Tôi vẫn luôn nhớ đến căn nhà của mình ở Quận 10 trên con đường Nhật Tảo ngày xưa! Nơi đó tôi đã có một tuổi thơ rất êm đềm với những người bạn, trong số họ phải kể đến là hai cô con gái của Ca kịch sĩ và Nhạc sĩ nức tiếng một thời của Sài Gòn trước 1975. Do chị em tôi cùng bằng tuổi họ nên bọn chúng tôi rất dễ thân thiết với nhau. Tôi hay sang nhà bạn chơi thỉnh thoảng vẫn thường thấy ba bạn ôm đàn ngồi sáng tác nhạc sau tấm rèm. Tôi đã trải qua mùa Giáng sinh cuối cùng vào tháng 12 năm 1974 với gia đình bạn, để rồi từ đó đến nay gần nửa thế kỷ trôi qua, với biết bao vật đổi sao dời, chúng tôi vẫn không tìm được nhau giữa biển cuộc đời!!

Ra Tết năm 1975 chúng tôi dọn về khu Cư Xá Phú Lâm A (sau khi ba mẹ tôi mua hụt căn nhà hai mặt tiền bên kia đường cạnh nhà bạn). Hai người chỉ tính ở tạm đây một thời gian rồi sẽ tìm chỗ khác ưng ý hơn, vì vùng Phú Lâm khá xa với nơi làm việc của ba mẹ cũng như trường học của chúng tôi. Số là do tình hình chiến sự lúc bấy giờ bắt đầu căng thẳng nên chủ nhà đưa ra giá rất phải chăng, bà muốn bán căn nhà của mình càng nhanh càng tốt để còn tính-chuyện-khác! Ba mẹ tôi thấy vậy nên liền mua ngay! Sau này nghe hàng xóm kể lại chúng tôi mới biết chủ nhà là vợ của một Phóng Viên chiến trường, đã hy sinh khi thi hành quân vụ vào Tết Mậu Thân năm 1968 tại một địa điểm cách nhà không xa!!! Người con gái lớn của chủ nhà đã kết hôn với một quân nhân Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam, cô đang sống trên quê chồng và rất nóng lòng muốn bảo lãnh cả gia đình sang đoàn tụ trước khi Sài Gòn sụp đổ!! Và mừng thay điều mong ước đó đã thành sự thật! Mãi đến gần bốn thập niên sau tình cờ đọc được một bài viết rất ấn tượng trên Viết Về Nước Mỹ, tôi mới biết rằng mình và tác giả đã từng cùng sống dưới một mái nhà chỉ là trước và sau!!! Căn gác năm xưa nơi Tác giả sinh đứa con đầu lòng, cũng là nơi hai chị em tôi đã ở trên đó suốt mười mấy năm! Tôi vẫn nhớ nó khá nhỏ và ọp ẹp thỉnh thoảng kêu răng rắc; khiến nhiều đêm chúng tôi phải bước thật rón rén để đừng động giấc ngủ của ba mẹ mình bên dưới. Và có những đêm đang ngồi vẽ say sưa vô tình làm rơi cây cọ xuống sàn gác, tôi đã giật thót tim sợ sáng hôm sau bị mẹ la vì tội thức khuya!!!

Cuối cùng dự tính dọn đi nơi khác của ba mẹ tôi đã không thực hiện được vì ngày 30 tháng 4 năm 1975 thì Sài Gòn bị thất thủ về tay Cộng Sản Bắc Việt. Lần đầu tiên nhìn những đôi dép râu, những cái nón cối tiến vào khu cư xá của mình sau cánh cửa sắt mà tôi sợ phát khiếp và không thể nào ngăn được dòng nước mắt! Không có nỗi buồn nào lớn hơn nỗi buồn mất nước, dẫu khi đó tôi chỉ mà đứa con nít mới 13 tuổi đầu!!! Tại ngôi nhà này tôi đã biết thế nào là “lao động vinh quang” ở khu kinh tế mới Lê Minh Xuân qua mấy lần đi đào mương làm thủy lợi trong những dịp ”Sinh hoạt hè”. Cũng chính từ căn nhà này đã có những hôm chúng tôi không còn gạo để ăn, không có củi để nhúm bếp vì ba mẹ đã hết sạch cả tiền! Nhớ lại chỉ trước đó vài năm hai người cũng đã có vài căn nhà, vài chiếc xe hơi và của ăn của để khi ở tuổi gần 40!!! Nơi đây cũng đã chứng kiến bao lần chị em tôi đi bán chính thức, đi vượt biên không thành… để rồi chỉ còn biết phải ôm tập sách đến trường tiếp tục học hành!!

Hàng xóm của chúng tôi đa phần là những Quân nhân, Sĩ quan của chế độ Việt Nam Cộng Hòa; trong đó có ba tôi từng làm việc ở Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia (như ba của tác giả). Sau ngày 30 tháng 4 những người vợ sĩ quan ngày nào giờ phải ra ngoài bươn chải, buôn bán để nuôi đàn con nheo nhóc khi chồng bị đi tù! Mấy đứa con nít mới 11, 12 tuổi cũng túa ra Bến xe Xa Cảng Miền Tây hay hồ bơi Phú Lâm gần đó bán: thuốc lá, khoai luộc, xôi vò… để phụ giúp gia đình trong lúc khó khăn. Do là hàng xóm lâu năm nên họ hay thân mật gọi tên chủ nhà khi nói chuyện với nhau, chẳng hạn như: nhà bác Ba Quan, nhà bác Kỷ, nhà bác Đông, nhà bác Thức… Và có lẽ đã thành thói quen nên mặc dù chúng tôi ở trong ngôi nhà này cũng khá lâu, nhưng nhiều người vẫn quen miệng nói là “nhà bác Bảo” thay vì gọi tên ba tôi! Giờ thì mỗi khi về Việt Nam ghé thăm căn nhà cũ, nay đã trở thành “Tiệm tạp hóa Q12” với bốn tầng lầu ngạo nghễ vươn cao tôi mới biết mọi thứ đã thay đổi rất nhiều! Trong khu xóm cũ, những người trạc tuổi ba mẹ tôi giờ đã qua đời gần hết, một số đã dọn nhà đi nơi khác, ra nước ngoài sinh sống hay đi định cư theo diện HO. Dãy nhà lụp xụp năm xưa giờ đã không còn nữa mà thay vào đó là những ngôi nhà cao tầng với cửa đóng then cài im ỉm! Cũng như chúng tôi, người “chủ-nhà-cũ” cũng có về thăm lại ngôi nhà năm xưa của mình và tôi tin rằng chắc Bác cũng khó mà tìm được vết tích của những kỷ niệm!

Gần cuối năm 1987 thì chúng tôi dọn về sống với ông bà Nội ở mặt tiền đường Lục tỉnh (cách đó chừng vài trăm mét), sau này được đổi là đường Hùng Vương và giờ đây là đường Kinh Vương Vương thuộc Phường 12, Quận 6. Nhà Nội tôi với bề ngang khoảng 50m, bề sâu cả trăm mét mà chỉ có hai người già sinh sống nên cán bộ Phường nhiều lần lui tới, họ gợi ý Nội tôi hiến nhà để trưng dụng thành Vườn Trẻ hay trường Mẫu Giáo! Cũng nhờ gia đình tôi “nhập hộ khẩu” nên mới giữ được căn nhà cho đến bây giờ. Nơi đây đã chứng kiến biết bao cuộc chia ly trong suốt gần 35 năm qua: ông bà Nội và ba tôi lần lượt qua đời đã lâu; ba chị em gái tôi người trước kẻ sau đều ra nước ngoài định cư. Tại căn nhà này con gái đầu lòng của tôi đã chào đời vào năm 1991, nó có được gần 9 năm sống trong tình yêu thương của ông bà Ngoại và cậu, dì.

Tôi đến Pennsylvania tháng 4 năm 2000 và đã ở trên đó suốt gần năm năm trong một căn nhà phố (townhouse) đối diện chỗ làm. Nơi đây tôi đã trải qua những đêm mất ngủ, những ngày bất an, ngập tràn trong phiền muộn vì không biết cuộc đời mình sẽ ra sao tại vùng đất mới này?!! Rồi thì mọi thứ cũng qua đi và cũng đến lúc chúng tôi phải nghĩ đến chuyện “an cư, lạc nghiệp”! Do thu nhập của hai vợ chồng tôi vào thời điểm đó còn khá thấp nên việc chọn mua một căn nhà biệt lập (single house) là điều khó thực hiện được. Nhà cửa ở miền Bắc đắt đỏ hơn miền Nam nên từ lúc mang thai con trai, tôi đã vác bụng bầu đi xem nhà cho đến khi thằng bé ra đời (gần cả trăm căn) nhưng cũng không tìm được cái nào vừa ý! Cũng bởi nhiều lý do: khi thì nhà quá mắc, khi thì nhà quá tệ; khi thì đã chọn được rồi nhưng đến lúc gọi hẹn đặt cọc thì người ta đã bán!


Đang lúc phân vân chưa quyết định ra sao thì chồng tôi lên mạng bỗng thấy nhà ở Texas giá rẻ bất ngờ. Với khả năng tài chính hiện tại, việc có được một căn single house là điều trong tầm tay của hai vợ chồng. Do đôi lần cũng đã có ý định dọn nhà về vùng nắng ấm, nên không còn chần chờ gì nữa, chúng tôi quyết định chuyển công tác về Waxahachie, nơi có một chi nhánh của hãng tại đây. Và tính từ thời gian chúng tôi lái xe xuống Dallas - Texas cho đến khi chính thức dọn vào căn nhà mới vỏn vẹn chỉ mất hai tuần! Nhà cửa cũng có duyên với mình! Tôi tin vậy!!!
Lúc đầu chúng tôi rất hài lòng với căn nhà mới của mình, nhưng được vài năm thì thấy nó khá chật cần đổi cái mới để có thêm diện tích sinh hoạt! Tuy nhiên khả năng tài chính lúc đó của chúng tôi cũng còn khá hạn hẹp, sợ phải gánh thêm nợ!!! Khoảng thời gian gần đây thì việc mua nhà khác đối với chúng tôi đã không còn khó khăn, nhưng tính tới tính lui thì thấy… không còn cần thiết nữa! Số là con gái lớn đã có gia đình hiện sống tại WA, còn thằng nhỏ cũng sắp vào Đại học vào mùa thu năm nay; con cái rồi cũng sẽ có cuộc đời riêng và căn nhà riêng của chúng! Đổi nhà lớn để làm gì khi vài năm nữa thôi, biết chúng tôi có còn sức khỏe để chăm sóc cái “dream house” của mình không?!!

*
Một lần nào đó tôi đã tình cờ đọc được đoạn thơ này:

Em có ước gì đâu
Một ngôi nhà. Bão dừng sau cánh cửa
Những ưu tư muộn phiền tạm thời bỏ lại.
Bên trong, chỉ có ấm áp, và anh…

Thoạt nghe qua thì rất dễ thương và lãng mạn về một mái ấm gia đình; nhưng chắc vẫn chỉ là một điều ước!!! Bởi suy cho cùng giông bão thì lâu lâu mới “ghé” một lần nhưng những đợt sóng ngầm hay tảng băng chìm thì lúc nào cũng có sẵn trong mỗi căn nhà, khiến người ta kiệt sức và ngã gục bất cứ lúc nào! Điều này có thể hiểu rằng ngoài kia khó có ai làm mình đau khổ và tốn nhiều nước mắt bằng những người đang sống chung với mình: cha mẹ làm khổ con cái, con cái làm buồn lòng cha mẹ; vợ chồng làm tan nát lòng nhau… Không ai khổ vì gã hàng xóm hay người đàn bà đầu ngõ, chỉ trừ phi họ bỗng bước vào ngôi nhà của mình phá hủy mọi thứ!!!

Người ta vẫn mơ về một mái gia đình hạnh phúc với vợ đẹp con ngoan hay về một người chồng lý tưởng luôn biết quan tâm chăm sóc cho vợ con chu đáo. Nhưng nào ai biết được đàng sau những nụ cười là những giọt nước mắt, đàng sau những bức ảnh đẹp như mơ trên Facebook, Instagram hay Tiktok có hàng triệu like biết đâu là cả kỳ công dàn dựng từ một thực tế phũ phàng. Bởi đời không như là trên Facebook!!! Ngày ngày vẫn có những đứa con không bao giờ muốn quay về nhà vì luôn ám ảnh các trận đòn roi của ông bố và những cuộc cãi vả của ba mẹ mình ngày xưa. Vẫn có những người vợ phải bồng bế con thơ ra ngoài tự bươn chải vì không chịu nổi ông chồng vũ phu, độc tài, gia trưởng của mình! Quyền Phụ nữ, quyền Trẻ em ở thế kỷ 21 này vẫn không thể bảo vệ hết cho bao mảnh đời đẫm nước mắt!

Người ta vẫn nhớ về ngày xưa với những buổi tối cúp điện cả nhà quây quần bên chiếc đèn dầu nhưng thiếu vắng người đàn ông trụ cột của gia đình! Người phụ nữ trẻ nằm trên chiếc đi-văng, đám con bu quanh nghe mẹ kể chuyện đời xưa; hình ảnh này đẹp như trong cổ tích. Giờ đây họ đã ra nước ngoài định cư, người mẹ trẻ năm xưa giờ đã già và chồng bà thì cũng đã qua đời từ lâu; bà thui thủi trong căn nhà rộng thênh thang thỉnh thoảng mới thấy bóng dáng con của mình thoáng ra, thoáng vô rồi vào phòng khóa trái cửa lại?! Chúng ra ngoài tiếp xúc với người này, người kia rất vui vẻ nhưng khi về đến nhà lại tiết kiệm với bà từng lời! Có đứa đã lập gia đình, ở riêng nhưng cũng ít khi gọi cho mẹ vì sợ nghe bà nói nhiều quá làm tốn thời gian của chúng! Mẹ già giờ đã biết an phận, bà không gọi nữa để khỏi làm phiền con và cũng đỡ thấy đau lòng hơn. Bà vẫn mơ về ngôi nhà năm xưa và ước có một phép màu cho đám con của mình bỗng nhiên nhỏ lại!!!

Theo một thống kê cho biết giá nhà tại Việt Nam, trong giai đoạn 2010-2020 tăng thêm từ 150 - 250%!!! Một người với mức lương 20.000.000 vnđ/tháng vẫn không đủ khả năng sở hữu được một căn nhà và ai có thu nhập thấp hơn sẽ không bao giờ với tới là điều hoàn toàn có thật! Một căn nhà tại Việt Nam mới hôm nào còn là mái ấm của cả gia đình nhưng khi cha, mẹ vừa mới qua đời thì anh em đã xâu xé tranh giành không còn chút tình cốt nhục!!! Giờ đây khó tìm thấy được những ngôi nhà Hương hỏa, mà các đấng sinh thành thường để lại cho con cháu của mình như thuở xa xưa nữa?! Nhà cửa, đất đai tăng giá “phi mã” đã vẽ lên những gam màu xám xịt về tình gia tộc ở khắp nơi bên quê nhà!

*
Ai cũng muốn tô điểm và làm đẹp cho ngôi nhà mà mình đang ở thậm chí nhiều người đã không ngần ngại tô vàng, trét bạc để tăng thêm vẻ xa hoa tráng lệ của chúng; người ta cũng mạnh tay đầu tư vào bất động sản để dễ nhanh chóng làm giàu. Ai cũng lo chạy theo những ngôi-nhà-bên-ngoài mà quên rằng bên trong mỗi người còn có một ngôi “nhà Tâm” hết sức quan trọng! Và dường như ngôi-nhà-bên-trong này lại quyết định những thành bại, được mất cho những ngôi nhà ở ngoài đời thường. Chỉ cần một phút bất giác, một sát na vô minh, một giây không làm chủ được Tâm là người ta có thể mất trắng: tài sản, danh dự, sự nghiệp và ngay cả mạng sống! Nhưng đã có mấy ai chịu khó chăm sóc ngôi nhà Tâm của mình? Trừ phi họ bị rơi xuống tận cùng khổ đau không còn biết bám víu vào ai, thì lúc đó họ mới nương tìm về ngôi nhà bên trong của chính mình!!! Có thể nói đây là một ngôi nhà rất thanh tịnh luôn hiện diện ở mỗi người, nhưng đã mấy ai có thể mở được cánh cửa này để đi xuyên qua khổ đau của kiếp người một cách tự tại?!! Hay chúng ta cứ mê lầm gõ vào những cánh cửa lấp lánh của phù phiếm xa hoa nhiều cám dỗ, để rồi không thể nào với tới những điều tốt đẹp nhất mà tự thân mỗi người luôn có sẵn và luôn thuần khiết như nhau! 

*
Ngoài ngôi nhà bình an nhất khi còn nằm trong bụng mẹ và căn nhà mình đang sống thì đời người thường đã và sẽ trải qua các ngôi nhà “cột mốc” này: nhà bảo sanh, nhà trường, nhà thương, nhà dưỡng lão, nhà xác, nhà thiêu hay nhà mồ. Một nền minh triết đã cho rằng mọi người trên thế gian hiện đang sống trong một căn “nhà lửa” và có thể bị cháy trụi bất kỳ lúc nào!!!
Ở thời đại @ ngày nay nhiều người đã tạo ra những “trang nhà” (Home page) cho mình trên thế giới ảo. Họ hết sức chăm chút cho nó và rất quý mến ai đến viếng thăm rồi để lại những câu “còm”, cái “lai” trong căn nhà của mình. Với đà phát triển không ngừng của khoa học, công nghệ VR (Virtual Reality- Thực Tế Ảo) ra đời cách đây không lâu đã mở ra những thành tựu về: giải trí, du lịch, y học, giáo dục, kỹ thuật… cho nhân loại. Một người có nhà cửa, bạn bè, công việc trong VR là điều sẽ rất phổ biến trong một ngày không xa. Loài người đang hướng đến muốn chinh phục Sao Hỏa! Những mẫu thiết kế nhà ở trong tương lai cho những cư dân đầu tiên trên Hỏa tinh vào cuối thế kỷ này đã được lên ý tưởng, và biết đâu sẽ sớm thành hiện thực!?!

Nhưng cho dù chúng ta có bao nhiêu căn nhà lớn nhỏ trong hiện tại, trên mạng xã hội, trên VR hay trên Sao Hỏa trong tương lai thì một ngày nào đó chúng ta cũng sẽ bỏ hết ở lại thế gian này. Chỉ riêng ngôi nhà Tâm sẽ đi theo chúng ta hoài, không hề rời xa một phút giây nào! Có câu nói: “Người ta có rất nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một chốn để quay về!”. Thật không sai! Xin chúc cho ai ai trong chúng ta cũng đều tìm lại được mảnh đất Tâm của riêng mình trên đường quay về nhà!

Nguyễn Bích Thủy
Texas, cuối Đông 2022.

 

Ý kiến bạn đọc
21/03/202201:50:41
Khách
Xin kính chào chị Ngọc Anh, đọc giả Nguyen Bao và Thanh Duong:
Rất cám ơn ba vị đã bỏ thời gian quý báu đọc bài viết này và đã để lại những cảm nghĩ rất chân tình của mình!
Xin cám ơn Việt Báo đã lưu lại đây dùm một kỷ niệm; điều này đã giúp tôi có hữu duyên gặp lại hai đàn chị đã từng là chủ-nhà-cũ của mình! Chúng tôi đã có dịp ôn lại những tháng năm êm đềm đầy cảm động về căn nhà thân yêu của mình ngày xưa rất nhiều! Và bài viết này đã giúp cho hai người bạn cũ cùng chung lớp cách đây gần nửa thế kỷ (một đang ở Houston và một đang ở Cali) có dịp liên lạc lại với nhau; đặc biệt là những cảm xúc của họ vẫn như ...mới hôm nào đây thôi!!!
18/03/202222:44:43
Khách
Bai viet cua chi that co y nghia. Em cung o trong vung chi o tai Vnam, tu noi ca si Tuy Hong o den Phu Lam. Va em cung da chung kien ngay Saigon bi mat.
Em rat thich bai viet cua chi. No neu len su that cua cuoc song hien tai. Va nhu chi viet "can nha tam la noi binh an nhat cua doi nguoi"
15/03/202205:08:18
Khách
Thoạt nhìn đề tài của bài viết thì ngỡ là tác giả viết về thị trường nhà cửa, chừng đọc thì mới biết tác giả còn đề cập đến tâm tư , tình cảm của mình về chữ "nhà". Những cảm xúc mà tác giả viết về chữ "nhà" này thật là hay.

"...hai cô con gái của Ca kịch sĩ và Nhạc sĩ nức tiếng một thời của Sài Gòn trước 1975 "- Trích.

Đoán chừng đây là gia đình của nhạc sĩ Lam Phương và kịch sĩ Túy Hồng- ban kịch Sống trên đài truyền hình số 9, với những kịch sĩ nổi tiếng như Túy Hồng , Vân Hùng, Minh Đức, v...v...
12/03/202202:27:45
Khách
Không ngờ gia đình em đã sống trong ngôi nhà hạnh phúc của gia đình chị. Hạnh phúc cho tới ngày Ba chị bị thảm sát. Đều là gia đình Cảnh Sát Quốc Gia.
Rất xúc động khi đọc đoạn em viết về ngôi nhà của bác Bảo, nước mắt chị tuôn ra
:-( .
Gia đình chị rất may mắn rời đi từ tháng tư năm 75, không sống tới 1 ngày dưới chế độ đó, nên không bị cuộc đổi đời bi thảm như em kể.
Những gia đình mấy Bác trong cư Xá đều thân quen với gia đình chị.
Cám ơn em ghi dấu lại ngôi nhà thân yêu của gia đình chị.
Mà lúc gđ em sống ở đó, bụi dạ lý hương trước cửa có còn không?
email của chị
[email protected]
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 496,129
Sang Mỹ, Mị thấy các chùa chiền, Thiền viện như những trung tâm sinh hoạt cộng đồng của người Việt. Mỗi cuối tuần các đồng hương có thể tụ về chùa để tu tập, để trò chuyện bằng tiếng Việt, để chia sẻ, để cảm nhận được không khí cộng đồng Việt. Ngày Tết cổ truyền, bà con đồng hương Phật tử xa quê lại có dịp vãn cảnh chùa với những trang trí quen thuộc ngày Tết, có hoa mai, hoa đào. Nhiều chùa chiền và thiền viện còn công phu trang trí cảnh sắc làng quê Việt Nam, để những người con xa xứ tìm chút hương vị quê hương, giúp cho Phật tử thuần thành hay “Phật tử ngang hông” như Mị cảm nhận được thiện ý chan hòa, hoan hỷ. Mái chùa như là nơi chở che hồn Việt. Dù đi chùa để tu học Phật pháp, hay để nương tựa tâm hồn trong những ngày đau khổ chông chênh, hay chỉ đơn giản là ham vui và bớt sân si như Mị thì Mị tin rằng mỗi người khi trở về đều đem theo mình chút niềm vui an lạc trong giai đoạn nhiều bất ổn trên cả thế giới như hiện nay. Mị thấy mình được sống trong môi trường an toàn và tự do...
Một trong những người bạn nối khố của tôi vốn là nhà báo. Sau Giáng Sinh 2021, anh gọi cho tôi nói tôi còn nợ anh ấy bài viết cho số báo Xuân Nhâm Dần của anh sắp trình làng. Tôi cố tảng lờ, “Nợ gì nhỉ?” Bạn liền quát vào máy, “Tôi xin ông. Ông cứ cái tật đánh trống lãng với tôi đấy hả?” Tôi xởi lởi hỏi viết gì bây giờ, bạn liền ra lệnh, “Mùa Xuân, viết về tuổi già chứ còn gì nữa.” Tôi sực nhớ mình có hứa với bạn, nên phải trả cho xong món nợ cuối năm. Lục mãi trong trí nhớ của mình nay đang xuống cấp, tôi bèn chọn ngay việc tản mạn tuổi già của chính mình và của bạn bè đang lưu lạc ở Mỹ, nơi xứ lạ quê người.
Thôi để tôi tả một cuộc hèn hò trên sân khấu trường quay bạn muốn hẹn hò trong nước thì bạn đọc hải ngoại dễ hình dung hơn. Giữa sân khấu là một bức màn được buông xuốn để hai bên không thấy nhau. Bên nhà trai có người hướng dẫn chương trình là đàn ông, bên nhà gái là cô hướng dẫn duyên dáng. Thường thì bên cô gái được mời lên sân khấu trước, sau đó đến bên chàng trai. Cô gái giới thiệu về lý lịch trích ngang của bản thân, nói sơ lược về tình trường mà cô đã trải qua, thể hiện tài năng hay cũng có thể gọi là tài vặt như ca hát, nhảy múa để góp vui với chương trình. Điểm quan trọng nhất là cô nói thẳng ra ý muốn của cô với chàng trai bên kia bức màn về mẫu người đàn ông mà cô muốn hẹn hò.
Chẳng biết tại sao mà từ khi qua Mỹ cho tới nay tôi bị lời nguyền gì mà mỗi năm đều bị bệnh mất mấy ngày, nhẹ thì cảm, sổ mũi nóng sốt, nặng thì bỏ ăn một hai bữa. Còn không thì chạy xe bị người ta vượt đèn đỏ hít đít hoặc húc hông, có lẽ thấy tôi mỗi ngày mỗi hên nên vận bám vào người càng nặng. Năm ngoái trước đám cưới con trai là thằng Dũng thì Covid tới thăm và ở nhà chơi chung với tôi 50 ngày. Năm vừa rồi đám cưới thằng Duy sức khỏe chưa lấy lại được thì bị giời leo đau đến nỗi tôi không bước nổi. Vì cứ bị con bệnh đeo bám như vậy nên thằng Duy là con trai lớn đã thương mà trả hết nợ nhà cho để tôi yên tâm ở nhà nghỉ ngơi cho khỏe.
Trước hết căn cứ vào số lượng người mang họ Nguyễn (họ phổ biến nhất của người Việt) ở trong vùng rồi suy luận ra, ta có thể phỏng đoán được số lượng người Việt. Theo tin từ trang Wikipedia tiếng Việt thì tôi được biết theo thống kê năm 2005 ở Việt Nam người họ Nguyễn chiếm 38% dân số. Dĩ nhiên con số 38% này không phải là con số tuyệt đối có thể đại diện cho bất cứ tập thể nào. Nghĩa là không phải ở bất cứ nhóm người nào người họ Nguyễn cũng chiếm tỷ lệ 38%. Do đó trong ước tính của mình tôi áp dụng con số khiêm nhường hơn một chút đó là chỉ khoảng 1/3 người Việt mang họ Nguyễn.
Sở dĩ gọi là "nghề" vì chuyện trong nhà tôi, ông anh rể là sĩ quan đi "cải tạo", thằng con của anh ấy, là cháu ruột tôi, vào lớp Một, nhà trường gửi về bản khai lý lịch, tên bố tên mẹ và nghề nghiệp. Chị tôi điền lý lịch cho thằng bé, mặc dù lúc ấy chị đang chạy chợ trời, nhưng theo “kinh nghiệm” mấy chị hàng xóm thì không nên khai chợ trời, sẽ bị đánh giá là …tiểu tư sản, con mình sẽ bị trù dập, cho nên dù chẳng hiểu thằng bé 6 tuổi còn thò lò mũi xanh sẽ bị trù dập kiểu gì, chị bèn ghi là “nội trợ” cho an toàn. Còn phần nghề nghiệp bố thì để trống vì không biết khai thế nào. Đến lớp, cô giáo liền điền vào khoảng trống nghề nghiệp của bố nó là... "học tập cải tạo"! Mà nghề này còn sinh ra nhiều nghề khác cho những người tù, nào là chăn lợn, nuôi gà, trồng rau, nấu cám, đốn củi trên rừng. Lần đó tôi theo chị lên trại Thành Ông Năm thăm nuôi anh rể, anh ấy tặng vợ con và các em những chiếc vòng đeo tay, chiếc lược được chạm trổ rất xinh xắn do chính tay anh làm, anh bảo đó là "nghề"
Ai cũng có một thời thơ ấu và thanh xuân riêng của mình. Vậy mà ngày còn nhỏ tôi không bao giờ quan tâm đến tâm tư tình cảm và suy nghĩ riêng của má. Tôi cứ thấy má là của gia đình, là của chúng tôi. Tất cả suy nghĩ, việc làm của má đều dành cho chồng con, cho gia đình này. Tôi đã nhận những yêu thương, chăm sóc một chiều của má như một chuyện đương nhiên. Giờ ngồi nhớ lại hồi nhỏ chẳng bao giờ thấy má gặp lại các bạn học xưa để cười đùa rộn rã nhắc về tuổi thơ như thế hệ chúng tôi bây giờ. Chỉ lâu lâu dì Nghiêm là em ruột của má từ Sài Gòn về là 2 chị em ríu rít như chim và nói toàn tiếng lóng với nhau kiểu như mật mã nghe ngộ lắm. Má tôi và dì cứ cười nói rộn ràng còn chúng tôi thì ngơ ngác chẳng hiểu gì. Chắc thuở còn con gái mấy dì và má nói chuyện với nhau kiểu này để giữ bí mật những chuyện riêng tư, qua mặt người lớn mà hẹn hò, nghịch ngợm đây. Ghê thật! Ai bảo thế hệ xưa hiền hơn bây giờ? Chỉ là họ giấu kỹ và không có mạng Internet hay Facebook để ai cũng biết như ngày nay thôi
Dưới ánh mặt trời như thiêu đốt làm bầu không khí rung rinh, nhảy múa đến lóa mắt, đoàn tù nhân đi chân không, ở trần trùng trục, chỉ mặc độc nhất cái quần xà lỏn, vài người đầu đội các chiếc nón cũ kỹ, rách rưới mà họ lượm được đâu đó, đang mệt nhọc lê thân xác mỏi nhừ sau một ngày lao động vất vả trở về trên con đường đất đỏ nóng hừng hực khiến chân họ muốn bỏng, vai thì đỏ và rát bởi nắng cháy. Hai bên đường, rẫy được tù nhân khai khẩn rộng thênh thang, chạy ngút mắt đến tận bìa rừng chỉ chừa lại những gốc rạ khô cằn sau mùa gặt. Giữa cánh đồng một cây Cầy cháy sạm, còn trơ lại vài nhánh đen đúa, cháy dở, chơ vơ chĩa lên cao như cố chống giữ lấy bầu trời to lớn tạo cho khung cảnh một nỗi buồn thê lương như phận người tù ở trại Đồng Phú này!
Hôm nay xé tờ lịch qua tháng tư, tim tôi thấy bồi hồi, xáo trộn những suy nghĩ mông lung bên tách cà phê, ký ức trở về miên man biết bao nhiêu hình ảnh, bao nhiêu câu chuyện ngày ấy, rõ in trong đầu như mới vừa xảy ra đâu đây...
Sau nhà tôi là rừng, rừng ngày xưa không nhìn thấy gì ngoài màu lá xanh, những con chim sặc sỡ màu nhưng chúng chỉ cất tiếng hót lẻ loi một mình, không buồn cũng không vui. Những con thú hiền hoà như sóc với thỏ là những kẻ lãng du tử tế. Chúng thấy người không thích mắt khi nhìn chúng nữa thì sóc nhập thiền nơi những hốc cây, những hốc đá ven bờ suối là tịnh thất của thỏ. Trong khu rừng có con suối nhỏ, có đàn vịt trời khi lội khi baydưới chân đồi bluebonnet tượng trưng cho tiểu bang Texas. Mùa hoa rộ tháng tư thì cơ man là người đến chụp hình, xe đậu quanh đồi không đủ chỗ thì người ta lái xe vào xóm nhà đậu tạm. Tôi thích bị làm phiềm kiểu Mỹ vì chỉ có ở Mỹ khi người không quen biết bấm chuông nhà chỉ để xin phép cho họ đậu cái xe trước nhà mình một lát, họ lên đồi chụp vài tấn hình sẽ đi ngay. Tôi hình dung ra những bức ảnh gia đình, tình nhân, bạn hữu của những người tử tế đã làm nên phong cách Mỹ khác biệt.
Nhạc sĩ Cung Tiến