Hôm nay,  

Chuyện Về Những Căn Nhà

11/03/202200:00:00(Xem: 3876)

VVNM 03112022
Mẫu thiết kế nhà ở trong tương lai trên sao Hỏa (hình minh họa.)

Nguyễn Bích Thủy - Tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2014 và 2021. Cô sinh năm 1962, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật năm 1988 khoa Đồ Họa tại Việt Nam, từng làm công việc thiết kế sáng tạo trong ngành quảng cáo. Cô đến Mỹ tháng 4 năm 2000, hiện là cư dân Waxahachie, Texas, trong một thành phố ít người Việt cư trú. Sau đây là bài viết đầu mới của tác giả.  

Đã là con người hầu như ai cũng có một căn nhà để che mưa, che nắng. Nếu bậc đế vương sống ở nơi cung vàng điện ngọc có kẻ hầu người hạ thì hàng khố rách áo ôm cũng có một căn chòi mục nát, hay chỗ gầm cầu để ngả lưng sau một ngày mệt nhọc. Những nơi đó có thể tạm gọi là nhà!

*

Các nhà khoa học có thể đưa ra tuổi thọ trung bình của một người, nhưng chưa có một thống kê nào cho biết mỗi người từ khi sinh ra cho đến khi nằm xuống đã ở được khoảng bao nhiêu căn nhà! Điều này có thể nói lên mỗi người có những nhu cầu “xê dịch” rất khác nhau. Sau hiệp định Genève 1954, cuộc sống của người Việt Quốc Gia chỉ trong phạm vi từ vĩ tuyến 17 cho đến Mũi Cà Mau. Nhưng kể từ năm 1975 cho đến nay thì “nhà Việt Nam” đã có mặt tại hơn 130 quốc gia trên thế giới. Mỗi một căn nhà của người Việt trên quê người gói ghém tất cả những thăng trầm của một đời lưu lạc nơi đất khách; là những vinh nhục, được mất, hy sinh, đánh đổi để tồn tại. Biết bao người bôn ba ra hải ngoại đang sống trong những căn nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi; nhưng từ trong sâu thẳm họ vẫn không quên được căn nhà cũ của mình trên quê mẹ!

Tôi vẫn luôn nhớ đến căn nhà của mình ở Quận 10 trên con đường Nhật Tảo ngày xưa! Nơi đó tôi đã có một tuổi thơ rất êm đềm với những người bạn, trong số họ phải kể đến là hai cô con gái của Ca kịch sĩ và Nhạc sĩ nức tiếng một thời của Sài Gòn trước 1975. Do chị em tôi cùng bằng tuổi họ nên bọn chúng tôi rất dễ thân thiết với nhau. Tôi hay sang nhà bạn chơi thỉnh thoảng vẫn thường thấy ba bạn ôm đàn ngồi sáng tác nhạc sau tấm rèm. Tôi đã trải qua mùa Giáng sinh cuối cùng vào tháng 12 năm 1974 với gia đình bạn, để rồi từ đó đến nay gần nửa thế kỷ trôi qua, với biết bao vật đổi sao dời, chúng tôi vẫn không tìm được nhau giữa biển cuộc đời!!

Ra Tết năm 1975 chúng tôi dọn về khu Cư Xá Phú Lâm A (sau khi ba mẹ tôi mua hụt căn nhà hai mặt tiền bên kia đường cạnh nhà bạn). Hai người chỉ tính ở tạm đây một thời gian rồi sẽ tìm chỗ khác ưng ý hơn, vì vùng Phú Lâm khá xa với nơi làm việc của ba mẹ cũng như trường học của chúng tôi. Số là do tình hình chiến sự lúc bấy giờ bắt đầu căng thẳng nên chủ nhà đưa ra giá rất phải chăng, bà muốn bán căn nhà của mình càng nhanh càng tốt để còn tính-chuyện-khác! Ba mẹ tôi thấy vậy nên liền mua ngay! Sau này nghe hàng xóm kể lại chúng tôi mới biết chủ nhà là vợ của một Phóng Viên chiến trường, đã hy sinh khi thi hành quân vụ vào Tết Mậu Thân năm 1968 tại một địa điểm cách nhà không xa!!! Người con gái lớn của chủ nhà đã kết hôn với một quân nhân Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam, cô đang sống trên quê chồng và rất nóng lòng muốn bảo lãnh cả gia đình sang đoàn tụ trước khi Sài Gòn sụp đổ!! Và mừng thay điều mong ước đó đã thành sự thật! Mãi đến gần bốn thập niên sau tình cờ đọc được một bài viết rất ấn tượng trên Viết Về Nước Mỹ, tôi mới biết rằng mình và tác giả đã từng cùng sống dưới một mái nhà chỉ là trước và sau!!! Căn gác năm xưa nơi Tác giả sinh đứa con đầu lòng, cũng là nơi hai chị em tôi đã ở trên đó suốt mười mấy năm! Tôi vẫn nhớ nó khá nhỏ và ọp ẹp thỉnh thoảng kêu răng rắc; khiến nhiều đêm chúng tôi phải bước thật rón rén để đừng động giấc ngủ của ba mẹ mình bên dưới. Và có những đêm đang ngồi vẽ say sưa vô tình làm rơi cây cọ xuống sàn gác, tôi đã giật thót tim sợ sáng hôm sau bị mẹ la vì tội thức khuya!!!

Cuối cùng dự tính dọn đi nơi khác của ba mẹ tôi đã không thực hiện được vì ngày 30 tháng 4 năm 1975 thì Sài Gòn bị thất thủ về tay Cộng Sản Bắc Việt. Lần đầu tiên nhìn những đôi dép râu, những cái nón cối tiến vào khu cư xá của mình sau cánh cửa sắt mà tôi sợ phát khiếp và không thể nào ngăn được dòng nước mắt! Không có nỗi buồn nào lớn hơn nỗi buồn mất nước, dẫu khi đó tôi chỉ mà đứa con nít mới 13 tuổi đầu!!! Tại ngôi nhà này tôi đã biết thế nào là “lao động vinh quang” ở khu kinh tế mới Lê Minh Xuân qua mấy lần đi đào mương làm thủy lợi trong những dịp ”Sinh hoạt hè”. Cũng chính từ căn nhà này đã có những hôm chúng tôi không còn gạo để ăn, không có củi để nhúm bếp vì ba mẹ đã hết sạch cả tiền! Nhớ lại chỉ trước đó vài năm hai người cũng đã có vài căn nhà, vài chiếc xe hơi và của ăn của để khi ở tuổi gần 40!!! Nơi đây cũng đã chứng kiến bao lần chị em tôi đi bán chính thức, đi vượt biên không thành… để rồi chỉ còn biết phải ôm tập sách đến trường tiếp tục học hành!!

Hàng xóm của chúng tôi đa phần là những Quân nhân, Sĩ quan của chế độ Việt Nam Cộng Hòa; trong đó có ba tôi từng làm việc ở Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia (như ba của tác giả). Sau ngày 30 tháng 4 những người vợ sĩ quan ngày nào giờ phải ra ngoài bươn chải, buôn bán để nuôi đàn con nheo nhóc khi chồng bị đi tù! Mấy đứa con nít mới 11, 12 tuổi cũng túa ra Bến xe Xa Cảng Miền Tây hay hồ bơi Phú Lâm gần đó bán: thuốc lá, khoai luộc, xôi vò… để phụ giúp gia đình trong lúc khó khăn. Do là hàng xóm lâu năm nên họ hay thân mật gọi tên chủ nhà khi nói chuyện với nhau, chẳng hạn như: nhà bác Ba Quan, nhà bác Kỷ, nhà bác Đông, nhà bác Thức… Và có lẽ đã thành thói quen nên mặc dù chúng tôi ở trong ngôi nhà này cũng khá lâu, nhưng nhiều người vẫn quen miệng nói là “nhà bác Bảo” thay vì gọi tên ba tôi! Giờ thì mỗi khi về Việt Nam ghé thăm căn nhà cũ, nay đã trở thành “Tiệm tạp hóa Q12” với bốn tầng lầu ngạo nghễ vươn cao tôi mới biết mọi thứ đã thay đổi rất nhiều! Trong khu xóm cũ, những người trạc tuổi ba mẹ tôi giờ đã qua đời gần hết, một số đã dọn nhà đi nơi khác, ra nước ngoài sinh sống hay đi định cư theo diện HO. Dãy nhà lụp xụp năm xưa giờ đã không còn nữa mà thay vào đó là những ngôi nhà cao tầng với cửa đóng then cài im ỉm! Cũng như chúng tôi, người “chủ-nhà-cũ” cũng có về thăm lại ngôi nhà năm xưa của mình và tôi tin rằng chắc Bác cũng khó mà tìm được vết tích của những kỷ niệm!

Gần cuối năm 1987 thì chúng tôi dọn về sống với ông bà Nội ở mặt tiền đường Lục tỉnh (cách đó chừng vài trăm mét), sau này được đổi là đường Hùng Vương và giờ đây là đường Kinh Vương Vương thuộc Phường 12, Quận 6. Nhà Nội tôi với bề ngang khoảng 50m, bề sâu cả trăm mét mà chỉ có hai người già sinh sống nên cán bộ Phường nhiều lần lui tới, họ gợi ý Nội tôi hiến nhà để trưng dụng thành Vườn Trẻ hay trường Mẫu Giáo! Cũng nhờ gia đình tôi “nhập hộ khẩu” nên mới giữ được căn nhà cho đến bây giờ. Nơi đây đã chứng kiến biết bao cuộc chia ly trong suốt gần 35 năm qua: ông bà Nội và ba tôi lần lượt qua đời đã lâu; ba chị em gái tôi người trước kẻ sau đều ra nước ngoài định cư. Tại căn nhà này con gái đầu lòng của tôi đã chào đời vào năm 1991, nó có được gần 9 năm sống trong tình yêu thương của ông bà Ngoại và cậu, dì.

Tôi đến Pennsylvania tháng 4 năm 2000 và đã ở trên đó suốt gần năm năm trong một căn nhà phố (townhouse) đối diện chỗ làm. Nơi đây tôi đã trải qua những đêm mất ngủ, những ngày bất an, ngập tràn trong phiền muộn vì không biết cuộc đời mình sẽ ra sao tại vùng đất mới này?!! Rồi thì mọi thứ cũng qua đi và cũng đến lúc chúng tôi phải nghĩ đến chuyện “an cư, lạc nghiệp”! Do thu nhập của hai vợ chồng tôi vào thời điểm đó còn khá thấp nên việc chọn mua một căn nhà biệt lập (single house) là điều khó thực hiện được. Nhà cửa ở miền Bắc đắt đỏ hơn miền Nam nên từ lúc mang thai con trai, tôi đã vác bụng bầu đi xem nhà cho đến khi thằng bé ra đời (gần cả trăm căn) nhưng cũng không tìm được cái nào vừa ý! Cũng bởi nhiều lý do: khi thì nhà quá mắc, khi thì nhà quá tệ; khi thì đã chọn được rồi nhưng đến lúc gọi hẹn đặt cọc thì người ta đã bán!


Đang lúc phân vân chưa quyết định ra sao thì chồng tôi lên mạng bỗng thấy nhà ở Texas giá rẻ bất ngờ. Với khả năng tài chính hiện tại, việc có được một căn single house là điều trong tầm tay của hai vợ chồng. Do đôi lần cũng đã có ý định dọn nhà về vùng nắng ấm, nên không còn chần chờ gì nữa, chúng tôi quyết định chuyển công tác về Waxahachie, nơi có một chi nhánh của hãng tại đây. Và tính từ thời gian chúng tôi lái xe xuống Dallas - Texas cho đến khi chính thức dọn vào căn nhà mới vỏn vẹn chỉ mất hai tuần! Nhà cửa cũng có duyên với mình! Tôi tin vậy!!!
Lúc đầu chúng tôi rất hài lòng với căn nhà mới của mình, nhưng được vài năm thì thấy nó khá chật cần đổi cái mới để có thêm diện tích sinh hoạt! Tuy nhiên khả năng tài chính lúc đó của chúng tôi cũng còn khá hạn hẹp, sợ phải gánh thêm nợ!!! Khoảng thời gian gần đây thì việc mua nhà khác đối với chúng tôi đã không còn khó khăn, nhưng tính tới tính lui thì thấy… không còn cần thiết nữa! Số là con gái lớn đã có gia đình hiện sống tại WA, còn thằng nhỏ cũng sắp vào Đại học vào mùa thu năm nay; con cái rồi cũng sẽ có cuộc đời riêng và căn nhà riêng của chúng! Đổi nhà lớn để làm gì khi vài năm nữa thôi, biết chúng tôi có còn sức khỏe để chăm sóc cái “dream house” của mình không?!!

*
Một lần nào đó tôi đã tình cờ đọc được đoạn thơ này:

Em có ước gì đâu
Một ngôi nhà. Bão dừng sau cánh cửa
Những ưu tư muộn phiền tạm thời bỏ lại.
Bên trong, chỉ có ấm áp, và anh…

Thoạt nghe qua thì rất dễ thương và lãng mạn về một mái ấm gia đình; nhưng chắc vẫn chỉ là một điều ước!!! Bởi suy cho cùng giông bão thì lâu lâu mới “ghé” một lần nhưng những đợt sóng ngầm hay tảng băng chìm thì lúc nào cũng có sẵn trong mỗi căn nhà, khiến người ta kiệt sức và ngã gục bất cứ lúc nào! Điều này có thể hiểu rằng ngoài kia khó có ai làm mình đau khổ và tốn nhiều nước mắt bằng những người đang sống chung với mình: cha mẹ làm khổ con cái, con cái làm buồn lòng cha mẹ; vợ chồng làm tan nát lòng nhau… Không ai khổ vì gã hàng xóm hay người đàn bà đầu ngõ, chỉ trừ phi họ bỗng bước vào ngôi nhà của mình phá hủy mọi thứ!!!

Người ta vẫn mơ về một mái gia đình hạnh phúc với vợ đẹp con ngoan hay về một người chồng lý tưởng luôn biết quan tâm chăm sóc cho vợ con chu đáo. Nhưng nào ai biết được đàng sau những nụ cười là những giọt nước mắt, đàng sau những bức ảnh đẹp như mơ trên Facebook, Instagram hay Tiktok có hàng triệu like biết đâu là cả kỳ công dàn dựng từ một thực tế phũ phàng. Bởi đời không như là trên Facebook!!! Ngày ngày vẫn có những đứa con không bao giờ muốn quay về nhà vì luôn ám ảnh các trận đòn roi của ông bố và những cuộc cãi vả của ba mẹ mình ngày xưa. Vẫn có những người vợ phải bồng bế con thơ ra ngoài tự bươn chải vì không chịu nổi ông chồng vũ phu, độc tài, gia trưởng của mình! Quyền Phụ nữ, quyền Trẻ em ở thế kỷ 21 này vẫn không thể bảo vệ hết cho bao mảnh đời đẫm nước mắt!

Người ta vẫn nhớ về ngày xưa với những buổi tối cúp điện cả nhà quây quần bên chiếc đèn dầu nhưng thiếu vắng người đàn ông trụ cột của gia đình! Người phụ nữ trẻ nằm trên chiếc đi-văng, đám con bu quanh nghe mẹ kể chuyện đời xưa; hình ảnh này đẹp như trong cổ tích. Giờ đây họ đã ra nước ngoài định cư, người mẹ trẻ năm xưa giờ đã già và chồng bà thì cũng đã qua đời từ lâu; bà thui thủi trong căn nhà rộng thênh thang thỉnh thoảng mới thấy bóng dáng con của mình thoáng ra, thoáng vô rồi vào phòng khóa trái cửa lại?! Chúng ra ngoài tiếp xúc với người này, người kia rất vui vẻ nhưng khi về đến nhà lại tiết kiệm với bà từng lời! Có đứa đã lập gia đình, ở riêng nhưng cũng ít khi gọi cho mẹ vì sợ nghe bà nói nhiều quá làm tốn thời gian của chúng! Mẹ già giờ đã biết an phận, bà không gọi nữa để khỏi làm phiền con và cũng đỡ thấy đau lòng hơn. Bà vẫn mơ về ngôi nhà năm xưa và ước có một phép màu cho đám con của mình bỗng nhiên nhỏ lại!!!

Theo một thống kê cho biết giá nhà tại Việt Nam, trong giai đoạn 2010-2020 tăng thêm từ 150 - 250%!!! Một người với mức lương 20.000.000 vnđ/tháng vẫn không đủ khả năng sở hữu được một căn nhà và ai có thu nhập thấp hơn sẽ không bao giờ với tới là điều hoàn toàn có thật! Một căn nhà tại Việt Nam mới hôm nào còn là mái ấm của cả gia đình nhưng khi cha, mẹ vừa mới qua đời thì anh em đã xâu xé tranh giành không còn chút tình cốt nhục!!! Giờ đây khó tìm thấy được những ngôi nhà Hương hỏa, mà các đấng sinh thành thường để lại cho con cháu của mình như thuở xa xưa nữa?! Nhà cửa, đất đai tăng giá “phi mã” đã vẽ lên những gam màu xám xịt về tình gia tộc ở khắp nơi bên quê nhà!

*
Ai cũng muốn tô điểm và làm đẹp cho ngôi nhà mà mình đang ở thậm chí nhiều người đã không ngần ngại tô vàng, trét bạc để tăng thêm vẻ xa hoa tráng lệ của chúng; người ta cũng mạnh tay đầu tư vào bất động sản để dễ nhanh chóng làm giàu. Ai cũng lo chạy theo những ngôi-nhà-bên-ngoài mà quên rằng bên trong mỗi người còn có một ngôi “nhà Tâm” hết sức quan trọng! Và dường như ngôi-nhà-bên-trong này lại quyết định những thành bại, được mất cho những ngôi nhà ở ngoài đời thường. Chỉ cần một phút bất giác, một sát na vô minh, một giây không làm chủ được Tâm là người ta có thể mất trắng: tài sản, danh dự, sự nghiệp và ngay cả mạng sống! Nhưng đã có mấy ai chịu khó chăm sóc ngôi nhà Tâm của mình? Trừ phi họ bị rơi xuống tận cùng khổ đau không còn biết bám víu vào ai, thì lúc đó họ mới nương tìm về ngôi nhà bên trong của chính mình!!! Có thể nói đây là một ngôi nhà rất thanh tịnh luôn hiện diện ở mỗi người, nhưng đã mấy ai có thể mở được cánh cửa này để đi xuyên qua khổ đau của kiếp người một cách tự tại?!! Hay chúng ta cứ mê lầm gõ vào những cánh cửa lấp lánh của phù phiếm xa hoa nhiều cám dỗ, để rồi không thể nào với tới những điều tốt đẹp nhất mà tự thân mỗi người luôn có sẵn và luôn thuần khiết như nhau! 

*
Ngoài ngôi nhà bình an nhất khi còn nằm trong bụng mẹ và căn nhà mình đang sống thì đời người thường đã và sẽ trải qua các ngôi nhà “cột mốc” này: nhà bảo sanh, nhà trường, nhà thương, nhà dưỡng lão, nhà xác, nhà thiêu hay nhà mồ. Một nền minh triết đã cho rằng mọi người trên thế gian hiện đang sống trong một căn “nhà lửa” và có thể bị cháy trụi bất kỳ lúc nào!!!
Ở thời đại @ ngày nay nhiều người đã tạo ra những “trang nhà” (Home page) cho mình trên thế giới ảo. Họ hết sức chăm chút cho nó và rất quý mến ai đến viếng thăm rồi để lại những câu “còm”, cái “lai” trong căn nhà của mình. Với đà phát triển không ngừng của khoa học, công nghệ VR (Virtual Reality- Thực Tế Ảo) ra đời cách đây không lâu đã mở ra những thành tựu về: giải trí, du lịch, y học, giáo dục, kỹ thuật… cho nhân loại. Một người có nhà cửa, bạn bè, công việc trong VR là điều sẽ rất phổ biến trong một ngày không xa. Loài người đang hướng đến muốn chinh phục Sao Hỏa! Những mẫu thiết kế nhà ở trong tương lai cho những cư dân đầu tiên trên Hỏa tinh vào cuối thế kỷ này đã được lên ý tưởng, và biết đâu sẽ sớm thành hiện thực!?!

Nhưng cho dù chúng ta có bao nhiêu căn nhà lớn nhỏ trong hiện tại, trên mạng xã hội, trên VR hay trên Sao Hỏa trong tương lai thì một ngày nào đó chúng ta cũng sẽ bỏ hết ở lại thế gian này. Chỉ riêng ngôi nhà Tâm sẽ đi theo chúng ta hoài, không hề rời xa một phút giây nào! Có câu nói: “Người ta có rất nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một chốn để quay về!”. Thật không sai! Xin chúc cho ai ai trong chúng ta cũng đều tìm lại được mảnh đất Tâm của riêng mình trên đường quay về nhà!

Nguyễn Bích Thủy
Texas, cuối Đông 2022.

 

Ý kiến bạn đọc
21/03/202201:50:41
Khách
Xin kính chào chị Ngọc Anh, đọc giả Nguyen Bao và Thanh Duong:
Rất cám ơn ba vị đã bỏ thời gian quý báu đọc bài viết này và đã để lại những cảm nghĩ rất chân tình của mình!
Xin cám ơn Việt Báo đã lưu lại đây dùm một kỷ niệm; điều này đã giúp tôi có hữu duyên gặp lại hai đàn chị đã từng là chủ-nhà-cũ của mình! Chúng tôi đã có dịp ôn lại những tháng năm êm đềm đầy cảm động về căn nhà thân yêu của mình ngày xưa rất nhiều! Và bài viết này đã giúp cho hai người bạn cũ cùng chung lớp cách đây gần nửa thế kỷ (một đang ở Houston và một đang ở Cali) có dịp liên lạc lại với nhau; đặc biệt là những cảm xúc của họ vẫn như ...mới hôm nào đây thôi!!!
18/03/202222:44:43
Khách
Bai viet cua chi that co y nghia. Em cung o trong vung chi o tai Vnam, tu noi ca si Tuy Hong o den Phu Lam. Va em cung da chung kien ngay Saigon bi mat.
Em rat thich bai viet cua chi. No neu len su that cua cuoc song hien tai. Va nhu chi viet "can nha tam la noi binh an nhat cua doi nguoi"
15/03/202205:08:18
Khách
Thoạt nhìn đề tài của bài viết thì ngỡ là tác giả viết về thị trường nhà cửa, chừng đọc thì mới biết tác giả còn đề cập đến tâm tư , tình cảm của mình về chữ "nhà". Những cảm xúc mà tác giả viết về chữ "nhà" này thật là hay.

"...hai cô con gái của Ca kịch sĩ và Nhạc sĩ nức tiếng một thời của Sài Gòn trước 1975 "- Trích.

Đoán chừng đây là gia đình của nhạc sĩ Lam Phương và kịch sĩ Túy Hồng- ban kịch Sống trên đài truyền hình số 9, với những kịch sĩ nổi tiếng như Túy Hồng , Vân Hùng, Minh Đức, v...v...
12/03/202202:27:45
Khách
Không ngờ gia đình em đã sống trong ngôi nhà hạnh phúc của gia đình chị. Hạnh phúc cho tới ngày Ba chị bị thảm sát. Đều là gia đình Cảnh Sát Quốc Gia.
Rất xúc động khi đọc đoạn em viết về ngôi nhà của bác Bảo, nước mắt chị tuôn ra
:-( .
Gia đình chị rất may mắn rời đi từ tháng tư năm 75, không sống tới 1 ngày dưới chế độ đó, nên không bị cuộc đổi đời bi thảm như em kể.
Những gia đình mấy Bác trong cư Xá đều thân quen với gia đình chị.
Cám ơn em ghi dấu lại ngôi nhà thân yêu của gia đình chị.
Mà lúc gđ em sống ở đó, bụi dạ lý hương trước cửa có còn không?
email của chị
[email protected]
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 495,825
Gần hai năm tôi bị ép buộc phải nghỉ dưỡng sức vì dịch Covid tung hoành trên toàn thế giới, và vì hãng đang làm đóng cửa để chuyển qua tiểu bang khác, trong khi tiền thất nghiệp chỉ lãnh được có $447 một tuần. Căn nhà đang ở dù đã trả xong, tiền bills hàng tháng không đáng kể, nếu xài tằn tiện thì với công việc đang làm thêm, may đồ cho lính được trả tiền theo sản phẩm cũng đủ sống lây lất qua ngày, nhưng muốn chi tiêu việc gì to to, hoặc giúp đỡ chỗ nào thì phải tính toán một chút, nên tôi quyết định tìm công việc ở hãng xưởng để làm.
Rặng Smoky Mountain tọa lạc trên hai tiểu bang: North Carolina và Tennessee. Vốn được công nhận là công viên quốc gia đầu tiên của nước Mỹ (1940), tiếp đến năm 1983 được Unesco công nhận là di sản của nhân loại… núi rừng trùng điệp và hùng vĩ, có nhiều chặng sương khói phủ mờ, mây trắng quyện lấy lững lờ chẳng tan. Có lẽ người xưa nhìn thấy cảnh tượng này mà gọi tên là Smoky chăng? Hoặc giả những trận cháy rừng, khói bốc cao mà gọi là Smoky? Cũng có giả thuyết cho rằng: Người Mỹ bản địa (Indian) xa xưa, thường đốt khói thơm trong những nghi lễ hiến tế ở những địa điểm linh thiêng trên dãy núi này, vì thế mà được gọi là Smoky.
Tôi có 3 anh em và là những trẻ sớm mồ côi cha. Ba tôi mất lúc cô em út của chúng tôi được 6 tháng. Khi em đang còn ở Tiểu học thì người Mẹ hiền hậu, dịu dàng của chúng tôi lại ra đi. Vậy là chúng tôi mồ côi cả Cha và Mẹ từ thơ ấu nhưng anh em tôi may mắn đươc hai bên ông bà Nội, Ngoại thương yêu, chăm sóc. Anh Cả tôi được cưng nhất nhà vì anh là cháu đích tôn lại ngoan ngoãn, chăm học. Anh được ông Nội gởi về thủ đô học trước tiên, rồi lần lượt mới tới các em.
Thế là hết Tết. Mọi sinh hoạt trở lại bình thường. Trẻ con đi học người lớn đi làm, chúng không còn phải chạy hỏi lung tung, mua cho được những thứ mẹ già muốn cho ngày Tết Việt Nam. Chẳng biết vài chục năm nữa, cháu chắt toàn mắt xanh, tóc vàng kiếm đâu ra giò thủ, nem chua để cúng các cụ.
Cứ tưởng chuyện lừa đảo chỉ thường xảy ra ở các nước chậm phát triển, nhưng xét cho cùng và theo kinh nghiệm bản thân, chuyện lừa đảo còn khiếp đảm hơn ở Mỹ. Lừa đảo kiểu mánh mung là chuyện nhỏ; lừa đảo qua khoa học, kỹ thuật thì rất khó mà tránh. Chắc chắn những ai đã từng ở Mỹ một thời gian ngắn cũng đã chiêm nghiệm rất nhiều cách người lừa đảo người từng giờ, từng ngày. Tôi không dám lạm bàn vô vàn trường hợp của người khác; trong phạm vi bài nầy tôi chỉ muốn chia sẻ với quý vị kinh nghiệm bản thân. Có ngu ngơ, có cả tin, có tính toán… sai lầm, và phần nhiều là do người ta khai thác lòng tham ẩn giấu trong tôi.
Tiếng vợ tôi hốt hoảng hét vang lên, tôi quýnh quáng và hình như tôi đã thả chân ga cho xe chạy chậm lại vì không còn nhìn thấy gì ở trước mặt bởi tấm kính xe đã rạn nát, vô số mảnh vỡ nhỏ li ti rơi vung vải trong xe nhưng tôi không cảm thấy đau đớn chút nào và vội quay qua nhìn bà xã tôi thì thấy mặt cô ấy xanh mét nhưng cũng không bị gì. Trong khi ấy thì vợ tôi lớn tiếng hối thúc: - Tấp vô lề…tấp vô lề nhanh lên anh!
Theo thần thoại La Mã, “bông hoa nhỏ bé này có nguồn gốc từ Belides một trong các nữ thần chăm sóc những khu rừng. Một hôm khi Belides đang nhảy múa với người yêu là Ephigeus, cô đã lọt vào mắt xanh của Vertumnus (vị thần cai quản các vườn cây). Để bảo vệ cô khỏi sự săn đuổi này, Flora, nữ chúa các loài hoa, đã biến cô thành một đóa hoa Cúc trắng.
Cơn mưa nửa đêm làm tôi tỉnh giấc. Không gian thật im ắng. Mới hai giờ sáng. Nhìn lên màn hình camera phòng mẹ, trong cái ánh sáng mờ mờ, dáng mẹ nằm co ro, không nhúc nhích động đậy cũng chẳng nghe tiếng húng hắng ho hay tiếng trở mình như mọi đêm. Với một linh cảm không tốt, tôi choàng dậy rón rén xuống cầu thang, bước nhanh vào phòng mẹ. Dưới lớp chăn dày, mẹ nằm co quắp, khổ sở đến tội nghiệp. Đã bị nhắc nhở nhiều lần nhưng cái tật ngủ trùm mặt trùm đầu kín mít vẫn không chịu bỏ. Vừa ngộp thở vừa xấu xí. Kéo nhẹ tấm chăn che, cúi thật sát mới nghe tiếng thở yếu ớt của mẹ, lúc đó tôi mới thật hoàn hồn. Cám ơn Trời Phật, mẹ vẫn còn đó với chúng tôi.
Tâm vẫn còn trẻ, khi vào xin việc khoảng 30 trở lại và có trên 5 năm kinh nghiệm trong nghề. Phỏng vấn interview kiến thức khá vững, không đòi hỏi lương quá cao, là người lý tưởng với công việc tôi đang cần, mặc dù khi đó một nhân viên khác trong hãng cho biết Tâm ở một hãng khác mấy năm trước làm việc bê bối và từng bị đuổi. Nhưng tôi đang cần người, vả lại nghĩ rằng Tâm có bê bối mấy năm trước, bây giờ biết đâu đã thay đổi? Cho Tâm một cơ hội thử xem.
Ngày ban tổ chức làm lễ trao giải Viết Về Nước Mỹ, tôi và ông xã xem qua hình ảnh, và vài ngày sau được xem cả chương trình qua đài SBTN mà một thân hữu gửi link. Buổi lễ trang trọng, ấm cúng, phần ca nhạc là những nhạc phẩm giá trị được trình bày qua những tiếng hát có nội lực. Tôi được thấy những khuôn mặt xưa nay chỉ biết tên qua các bài dự thi, được biết thêm nhiều điều rất thú vị. Thấy tôi ngẩn ngơ tiếc nuối, ông xã tôi lại… khơi mào: - Lần trước em gửi chục bài, vậy lần này còn …ý tưởng gì để dự thi nữa không? Tôi ỡm ờ: - Dĩ nhiên là vẫn còn, anh...đợi đấy...!
Nhạc sĩ Cung Tiến