Hôm nay,  

Mặc Cảm Tự Ti, Mặc Cảm Tự Tôn

02/08/202117:10:00(Xem: 7453)



Doãn Cẩm Liên

Là cư dân quận Cam, tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ. Bài viết phản ảnh cảm nghĩ của bà về tình hình kỳ thị người gốc Á trong đại dịch Covid-19. Mong tác giả tiếp tục viết.

****


BINH DANG
Thật lạ lùng mà nhận ra rằng tôi thấy mình không còn tự tin khi bất chợt gặp người Mỹ da trắng nào ở ngoài đường nữa. Trước đây thì không như vậy. Khi đi bộ quanh xóm, đối diện với người đi ngược chiều, thường tôi hay hoan hỉ chào họ trước. Còn bây giờ có một cảm giác mình thấp hèn so với họ, là người đến ở nhờ nhà họ, đến hưởng ké nền văn minh khoa học của họ, đến để làm gánh nặng cho họ. Cảm giác này làm tôi mất tự tin. Mất tự tin có đưa đến mặc cảm tự ti không? Tôi đang rà soát lại cho chắc là có phải mình mắc phải chứng “tự ti”?

Hội chứng mặc cảm này chỉ cách đây khoảng chừng một năm, khi còn trong thời gian phải giữ khoảng cách vì dịch covid. Hôm đó tôi nghe tin người bạn bị một bà da trắng ngồi xe bên kia, cũng đang chờ đèn đỏ, ra dấu hạ kính xuống, cô ta không hiểu mô tê gì nên hạ kính xuống thì được nghe là “Mày cút về Tàu đi!” Rồi không lâu sau, tôi đọc facebook thấy em trai của người bạn của Bố tôi bị tấn công khi ông đi bộ trong khu gần nhà ở Bắc Cali, Ông bị thương tích nặng phải vào bệnh viện. Rồi chuyện mới xảy ra cách đây hai tháng, cho vị thầy Tây Tạng, đang đi bộ cùng hai thầy khác trên bãi biển Long Beach, bị một nhát dao ở giữa thanh thiên bạch nhật. Và thêm rất nhiều chuyện người châu Á bất kể Tàu, Đại Hàn, Việt Nam khác bị hành hung ngoài đường, bất chấp người đó già hay là phụ nữ ở khắp nước Mỹ. Và từ đấy tôi mất thói quen chào trước. 

Nhìn lại hoàn cảnh gia đình mình, thằng em trai kế tôi nhập cư vào Hoa Kỳ lâu nhất vào năm 1986. Sau đó bảo lãnh các gia đình chị em còn lại, mười một năm có lẻ. Năm 2006, chúng tôi có mặt tại California cho đến hôm nay. Đến nay mọi người đã an cư lạc nghiệp với công ăn việc làm ổn định, đóng thuế cho chính phủ Hoa Kỳ cũng đàng hoàng. Có đứa đã nhập lưu có công việc trong “dòng chính”, có đứa làm việc trong cộng đồng người Việt, thế nhưng sao trong tôi vẫn còn gờn gợn nỗi ngại ngùng là mình người ngoài luồng!

Điều này tôi đem ra tâm sự với người trong chị em trong nhà và tăng thân của mình, tất cả cùng đều là người Việt. Ai cũng cười và khuyên lơn “Không nên nghĩ thế, vì mình đến đây, đi làm và đóng thuế đàng hoàng.” “Người Việt mình đã làm được rất nhiều việc cống hiến cho nước Mỹ nói chung, nền khoa học nước Mỹ nói riêng. Như khoa học gia Dương Nguyệt Ánh được mệnh danh “bomb lady”, như ông Nguyễn Xuân Vinh nguyên là Giáo Sư – Kỹ Sư về Aerospace Engineering trường University of Michigan và làm việc cho Nasa viết chương trình quỹ đạo cho phi thuyền, và nhiều nhân vật khác đã làm nên những công trình sự nghiệp to lớn khác cho nước Mỹ. Các vị tướng lãnh gốc Việt trong quân đội Hoa Kỳ. Về phần văn học nghệ thuật có Ocean Vương, Nguyễn Thanh Việt, Le Ly Hayslip… Nghe như thế tôi cảm thấy yên tâm hơn và tự tin hơn khi đối diện tôi là một người da trắng.

Tôi cám ơn bài viết “Nước Mỹ không thuộc một sắc dân nào”, ông Ngô Nhân Dụng viết về Ocean Vương và tác phẩm “Night Sky with Exit Wounds”. Ông lý luận rằng người da trắng ngộ nhận Hoa Kỳ là đất nước của họ và người nhập cư đến sau ngỡ rằng mình là người ở nhờ ở đậu. Không phải đâu. Số người ngộ nhận và số người ngỡ rằng không nhiều lắm. Mà để giải quyết sự việc trên chỉ có cách đi học, học hành đàng hoàng, rồi đi làm một cách nghiêm túc thì tự tôn hay tự ti đều biến mất.

Tôi rất thích đoạn kết của ông Ngô Nhân Dụng khẳng định rằng “Một điều những người trẻ có thể hơn thế hệ cha mẹ của họ, là họ không còn mặc cảm về màu da, về văn hóa đặc biệt của mình, dù mình hoàn toàn khác với “Dòng Chính”. Vứt bỏ được các mặc cảm, họ sống hạnh phúc hơn. Họ yêu thương, không nuôi thù hận dễ dàng hơn. Bằng chính lối sống của mình, họ sẽ thay đổi thái độ của những người Mỹ khác, kể cả những người sẵn mặc cảm tự tôn. Nước Mỹ không thuộc một giống dân nào cả.”

Và câu trả lời Ocean Vương với phóng viên về việc nhà thơ sống ở New York kể chuyện cuộc sống và người xung quanh mình thì “Điều tôi biết là khi mình muốn kể chuyện cho mọi người nghe, mình sẽ thấy rất khó ghét được người khác!”

Tôi bây giờ khác với tôi ở những dòng đầu tiên của bài viết vì đã thấm ý hai vị “thầy” Ngô Nhân Dụng và Ocean Vương. Tôi đã lấy lại “tự tin” mà không cần “tự tôn” để không bị vướng vào “tự ti”!

California, ngày 21 tháng 7, 2021

Doãn Cẩm Liên

 

Ý kiến bạn đọc
06/08/202122:24:02
Khách
August 5, 2021 - Tổng thống Biden đã ra lệnh ngưng việc trục xuất nhiều cư dân Hồng Kông đang ở Mỹ, cấp cho họ một “nơi trú ẩn an toàn” trong 18 tháng trước sự đàn áp khốc liệt của Trung Quốc đối với những người bất đồng chính kiến và các thể chế dân chủ.

Trong lệnh “hoãn trục xuất“ mà ông đã ký, Biden trích dẫn việc bắt giữ khoảng 10.000 người ở Hồng Kông kể từ khi Bắc Kinh áp đặt cái gọi là luật an ninh quốc gia .

Đầu năm nay, Anh đã mở rộng quyền cư trú cho người Hồng Kông và cho biết nước này dự đoán sẽ có khoảng 300.000 người hưởng lợi.

Tổng thống George H.W. Bush đã có hành động tương tự đối với công dân Trung Quốc sau vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989.
06/08/202104:48:19
Khách
“ có một cảm giác mình thấp hèn so với họ, là người đến ở nhờ nhà họ, đến hưởng ké nền văn minh khoa học của họ, đến để làm gánh nặng cho họ. Cảm giác này làm tôi mất tự tin. Mất tự tin có đưa đến mặc cảm tự ti không? “ . Trích.

Nước Mỹ từ lâu đã có truyền thống mở rộng vòng tay tiếp nhận những người xin tỵ nạn ( refugee). Họ là những người mà nếu tiếp tục sống ở đất nước của họ , hoặc nhân quyền của họ bị tước đoạt hoặc tính mạng cũng chẳng còn, hoặc cả hai, bởi vì lý do hoặc chính trị, hoặc tôn giáo, hoặc chủng tộc. Thêm nữa là họ không thể và không muốn trở về đất nước nguyên thủy của họ.

Năm 75, chúng tôi tới Mỹ như là những người tỵ nạn chính trị, vì biết chắc tự do của chúng tôi sẽ bị Cộng sản độc tài tước đoạt, sinh mạng của chúng tôi sẽ bị Quái vật Công sản đe dọa hoặc cướp mất . Chúng tôi chắc chắn sẽ không bao giờ đặt chân trở lại Việt nam ngày nào Cộng sản còn cầm quyền.

Chúng tôi không hề có mặc cảm thấp hèn hoặc nghĩ rằng mình là gánh nặng cho nước Mỹ, bởi vì rằng chúng tôi có công ăn việc làm đàng hoàng và nhìn quanh không những chỉ chúng tôi mà còn biết bao những người từ rất nhiều những quốc gia khác cũng đến định cư ở Mỹ như là những người tỵ nạn refugees, tỷ dụ như : Nga sô, Đức, Do Thái, Ukraine, Kosovo, Syria, Iraq, Àfghanistan, Pakistan, Cuba, Ethiopia, El Salvador, Miến Điện, Cam Bốt, Lào, v...v...
03/08/202118:36:45
Khách
Thiết nghĩ, dù với hoàn cảnh nào, chúng ta cũng không nên tự ti và đừng bao giờ tự tôn. Thay vào đó, chúng ta nên tự hào trong tinh thần tự trọng.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 775,773
Tôi biết chú Xuân từ lúc anh em còn học tập chung ở Học viện Võ Thuật Thần Phong trong căn cứ Không Quân VNCH Tân Sơn Nhất khoảng năm 1971. Cho dù không chung thầy, chung lớp nhưng chung một trường. Khi ấy chú trong nhóm thiếu niên Thần Phong còn tôi ở lớp quân nhân. Chú là một trong số Thiếu niên Thần Phong giỏi mà tôi biết. Biết thì biết vậy nhưng không thân cho tới mãi sau nầy, khi tất tả chạy qua đến Mỹ. Sau khi tôi bắt đầu gầy dựng lại võ phái Thần Phong ở vùng Bay Area miền bắc California vào cuối năm 1977. Nhân chuyến xuôi nam, vùng Hawthorn – gần Orange County – tìm thăm Võ sư Thần Phong Nguyễn Văn Lợi – huynh đệ đồng môn với thầy tôi là Võ sư Phan Văn Đức. Từ đó mối giao tình càng ngày càng sâu đậm, thân thiết; nhất là khi hai anh em đồng chí hướng, cùng tìm cách liên lạc với anh em Thần Phong cũ hiện ở Saigon để tiến tới việc phục hồi võ phái Thần Phong ở Việt Nam sau một thời gian dài bị chính quyền Việt cộng cấm đoán tối đa.
Năm 2021 đang đi qua, chúng ta hãy vui vẻ welcome 2022. Riêng tôi cũng như nhiều fans của FIFA, ngoài mong ước thế giới trở lại bình thường, là ước mong được xem giải World Cup tại Qatar trong không khí tưng bừng chớ không phải lặng lẽ như Euro và Olympic vừa qua.
Dân xứ lạnh Minnesota đang mùa đông lạnh lẽo băng giá mà được tới bãi biển đầy nắng và sóng nhỏ thì không tận dụng hưởng thụ sao được. Nhiệt độ ở bãi biển cỡ 75 độ tới 90 độ F rất mát mẻ. Trừ giờ ăn và ngủ thì cả 3 nhà chúng tôi người lớn và con nít suốt ngày bơi lội và hóng gió ở bãi biển này. Các du khách khác cũng ra biển rất đông.
Vào khoảng giữa tháng mười khi trời trở lạnh, báo hiệu thu tàn đông tới là cuộc sống của người dân ở Hoa Kỳ bắt đầu nhộn nhịp, chuẩn bị mua sắm cho các kỳ lễ lớn sắp đến. Đặc biệt năm nay, 2021, thì không khí tưng bừng náo nức lại càng rõ ràng hơn. Vì sao?
Tôi ngồi ở băng ghế có bàn và lò nướng dành để pic-nic và nhìn ra phía bờ hồ cách đó khoảng bốn năm chục thước. Cọp nhỏ Khánh-An đang vọc nước, chơi với cát sỏi. Bác Hai thì đang đứng trên các ghềnh đá gần đó dạy cho Huy Khang cách cột lưỡi câu, gắn mồi, tung cần câu cá. Ông bà nội và ba mẹ Khánh An ngồi trên bờ gần đó phơi nắng… Khung cảnh như những đoạn phim quay chậm. Thỉnh thoảng có những chuyển động nhanh khi Cọp nhỏ Khánh-An chạy lên và kêu “Má Hai xuống nước chơi với An.” Tôi không mang theo đồ ngắn nên chỉ muốn ngồi trên bờ ngắm cảnh, thư giãn và đọc sách chứ không xuống nước. Khánh-An liên tục kèo nài nên tôi gấp lại cuốn sách đang đọc và đi xuống phía bờ nước. Nước hồ rất trong. Có thể thấy cá bơi lượn. Hai má con tôi lội trong nước tìm những miếng đá đẹp như thói quen mỗi khi chơi trong nước. Thỉnh thoảng má tôi kêu mọi người tụ lại chụp hình. Nếu có ai đang quay phim sẽ thấy cảnh hai má con Cọp nhà tôi nhảy tung lên, chân không chạm nước. Tíc-tắc đó sẽ đứng lại, hiện trên
Nụ hôn vội vàng mà da diết trước cổng nhà đã khiến tôi tràn nước mắt “… Anh đi rồi, đường xưa có nắng không anh. Lá hoa còn đây, hay tàn theo tháng ngày ...?” Phố phường vẫn đông vui mà lòng tôi vắng chàng. Đêm Thánh Lễ những năm sau đó tôi không đến nhà thờ bởi không còn bàn tay chàng đón đưa, sưởi ấm. Tiếng nhạc đêm Giáng Sinh và tiếng chuông giáo đường như chạm vào trái tim nhỏ bé của tôi thành những vết thương đau buốt.
Mùa Giáng Sinh đang đến, ngoài đường phố, chợ búa, và các cửa hàng đã tấp nập những màu sắc xanh đỏ, tươi vui. Trong cái Nursing home nhỏ bé này người ta cũng góp phần với niềm vui chung của mọi người, mọi chốn. Tại phòng khách lớn người ta vừa dựng xong một cây Giáng Sinh, trang trí những chiếc đèn đủ màu và những cây kẹo cong cong xinh xắn. Các ông bà già hàng ngày thường tụ tập nơi đây để cùng coi ti vi hay nói chuyện với nhau, còn hơn là nằm bẹp trong phòng riêng, coi ti vi một mình thì buồn chán quá!
Giáng Sinh năm 1990 là mùa Giáng Sinh đầu tiên tôi đón trên đất Mỹ này. Tất cả đều vừa lạ lùng mà cũng vừa quen thuộc. Dĩ nhiên lạ lẫm vì đây là lần đầu tiên được chứng kiến sự tấp nập của các khu thương mại sầm uất. Những khu nhà giăng đèn nhấp nháy từ trên nóc xuống đến sân vườn.
Mùa lễ cuối năm, đèn màu và những biểu tượng của giáng sinh, năm mới giăng mắc khắp nơi. Ánh sáng nhấp nháy từ các loại đèn làm cho không khí trở nên ấm cúng hơn và khiến lòng người nao nao. Hãng MITF cũng không ngoại lệ, một cây thông bằng nhựa làm bên Tàu được dựng lên giữa sảnh tiếp tân. Nhân viên văn phòng treo máng lên đủ thứ linh tinh những món đồ biểu tượng cho vui vẻ, may mắn và hạnh phúc.
Tôi bắt đầu biết đến chương trình VVNM vào năm 2017 khi đang đi công tác xa nhà, xa hằng vạn dăm ra khỏi nước Mỹ. Tôi đã đọc kỹ mục đích và tôn chỉ cao đẹp của Việt Báo. Tôi theo dõi và tìm đọc tất cả các bài viết của các cộng tác viên và nhận thấy đây là một ý tưởng tiên phong và duy nhất trên văn đàn Việt Nam hải ngoại do hai vị sáng lập Việt Báo là nhà văn Nhã Ca và thi sĩ Trần Dạ Từ với mong muốn tất cả người Việt Nam trên đất Mỹ luôn giữ gìn hồn Việt, văn hóa Việt, đồng thời vẫn thăng tiến trong xã hội, quốc gia mình đang sống.
Nhạc sĩ Cung Tiến