Doãn Cẩm Liên
Là cư dân quận Cam, tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ. Bài viết phản ảnh cảm nghĩ của bà về tình hình kỳ thị người gốc Á trong đại dịch Covid-19. Mong tác giả tiếp tục viết.
****
Thật lạ lùng mà nhận ra rằng tôi thấy mình không còn tự tin khi bất chợt gặp người Mỹ da trắng nào ở ngoài đường nữa. Trước đây thì không như vậy. Khi đi bộ quanh xóm, đối diện với người đi ngược chiều, thường tôi hay hoan hỉ chào họ trước. Còn bây giờ có một cảm giác mình thấp hèn so với họ, là người đến ở nhờ nhà họ, đến hưởng ké nền văn minh khoa học của họ, đến để làm gánh nặng cho họ. Cảm giác này làm tôi mất tự tin. Mất tự tin có đưa đến mặc cảm tự ti không? Tôi đang rà soát lại cho chắc là có phải mình mắc phải chứng “tự ti”?
Hội chứng mặc cảm này chỉ cách đây khoảng chừng một năm, khi còn trong thời gian phải giữ khoảng cách vì dịch covid. Hôm đó tôi nghe tin người bạn bị một bà da trắng ngồi xe bên kia, cũng đang chờ đèn đỏ, ra dấu hạ kính xuống, cô ta không hiểu mô tê gì nên hạ kính xuống thì được nghe là “Mày cút về Tàu đi!” Rồi không lâu sau, tôi đọc facebook thấy em trai của người bạn của Bố tôi bị tấn công khi ông đi bộ trong khu gần nhà ở Bắc Cali, Ông bị thương tích nặng phải vào bệnh viện. Rồi chuyện mới xảy ra cách đây hai tháng, cho vị thầy Tây Tạng, đang đi bộ cùng hai thầy khác trên bãi biển Long Beach, bị một nhát dao ở giữa thanh thiên bạch nhật. Và thêm rất nhiều chuyện người châu Á bất kể Tàu, Đại Hàn, Việt Nam khác bị hành hung ngoài đường, bất chấp người đó già hay là phụ nữ ở khắp nước Mỹ. Và từ đấy tôi mất thói quen chào trước.
Nhìn lại hoàn cảnh gia đình mình, thằng em trai kế tôi nhập cư vào Hoa Kỳ lâu nhất vào năm 1986. Sau đó bảo lãnh các gia đình chị em còn lại, mười một năm có lẻ. Năm 2006, chúng tôi có mặt tại California cho đến hôm nay. Đến nay mọi người đã an cư lạc nghiệp với công ăn việc làm ổn định, đóng thuế cho chính phủ Hoa Kỳ cũng đàng hoàng. Có đứa đã nhập lưu có công việc trong “dòng chính”, có đứa làm việc trong cộng đồng người Việt, thế nhưng sao trong tôi vẫn còn gờn gợn nỗi ngại ngùng là mình người ngoài luồng!
Điều này tôi đem ra tâm sự với người trong chị em trong nhà và tăng thân của mình, tất cả cùng đều là người Việt. Ai cũng cười và khuyên lơn “Không nên nghĩ thế, vì mình đến đây, đi làm và đóng thuế đàng hoàng.” “Người Việt mình đã làm được rất nhiều việc cống hiến cho nước Mỹ nói chung, nền khoa học nước Mỹ nói riêng. Như khoa học gia Dương Nguyệt Ánh được mệnh danh “bomb lady”, như ông Nguyễn Xuân Vinh nguyên là Giáo Sư – Kỹ Sư về Aerospace Engineering trường University of Michigan và làm việc cho Nasa viết chương trình quỹ đạo cho phi thuyền, và nhiều nhân vật khác đã làm nên những công trình sự nghiệp to lớn khác cho nước Mỹ. Các vị tướng lãnh gốc Việt trong quân đội Hoa Kỳ. Về phần văn học nghệ thuật có Ocean Vương, Nguyễn Thanh Việt, Le Ly Hayslip… Nghe như thế tôi cảm thấy yên tâm hơn và tự tin hơn khi đối diện tôi là một người da trắng.
Tôi cám ơn bài viết “Nước Mỹ không thuộc một sắc dân nào”, ông Ngô Nhân Dụng viết về Ocean Vương và tác phẩm “Night Sky with Exit Wounds”. Ông lý luận rằng người da trắng ngộ nhận Hoa Kỳ là đất nước của họ và người nhập cư đến sau ngỡ rằng mình là người ở nhờ ở đậu. Không phải đâu. Số người ngộ nhận và số người ngỡ rằng không nhiều lắm. Mà để giải quyết sự việc trên chỉ có cách đi học, học hành đàng hoàng, rồi đi làm một cách nghiêm túc thì tự tôn hay tự ti đều biến mất.
Tôi rất thích đoạn kết của ông Ngô Nhân Dụng khẳng định rằng “Một điều những người trẻ có thể hơn thế hệ cha mẹ của họ, là họ không còn mặc cảm về màu da, về văn hóa đặc biệt của mình, dù mình hoàn toàn khác với “Dòng Chính”. Vứt bỏ được các mặc cảm, họ sống hạnh phúc hơn. Họ yêu thương, không nuôi thù hận dễ dàng hơn. Bằng chính lối sống của mình, họ sẽ thay đổi thái độ của những người Mỹ khác, kể cả những người sẵn mặc cảm tự tôn. Nước Mỹ không thuộc một giống dân nào cả.”
Và câu trả lời Ocean Vương với phóng viên về việc nhà thơ sống ở New York kể chuyện cuộc sống và người xung quanh mình thì “Điều tôi biết là khi mình muốn kể chuyện cho mọi người nghe, mình sẽ thấy rất khó ghét được người khác!”
Tôi bây giờ khác với tôi ở những dòng đầu tiên của bài viết vì đã thấm ý hai vị “thầy” Ngô Nhân Dụng và Ocean Vương. Tôi đã lấy lại “tự tin” mà không cần “tự tôn” để không bị vướng vào “tự ti”!
California, ngày 21 tháng 7, 2021
Doãn Cẩm Liên
Trong lệnh “hoãn trục xuất“ mà ông đã ký, Biden trích dẫn việc bắt giữ khoảng 10.000 người ở Hồng Kông kể từ khi Bắc Kinh áp đặt cái gọi là luật an ninh quốc gia .
Đầu năm nay, Anh đã mở rộng quyền cư trú cho người Hồng Kông và cho biết nước này dự đoán sẽ có khoảng 300.000 người hưởng lợi.
Tổng thống George H.W. Bush đã có hành động tương tự đối với công dân Trung Quốc sau vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989.
Nước Mỹ từ lâu đã có truyền thống mở rộng vòng tay tiếp nhận những người xin tỵ nạn ( refugee). Họ là những người mà nếu tiếp tục sống ở đất nước của họ , hoặc nhân quyền của họ bị tước đoạt hoặc tính mạng cũng chẳng còn, hoặc cả hai, bởi vì lý do hoặc chính trị, hoặc tôn giáo, hoặc chủng tộc. Thêm nữa là họ không thể và không muốn trở về đất nước nguyên thủy của họ.
Năm 75, chúng tôi tới Mỹ như là những người tỵ nạn chính trị, vì biết chắc tự do của chúng tôi sẽ bị Cộng sản độc tài tước đoạt, sinh mạng của chúng tôi sẽ bị Quái vật Công sản đe dọa hoặc cướp mất . Chúng tôi chắc chắn sẽ không bao giờ đặt chân trở lại Việt nam ngày nào Cộng sản còn cầm quyền.
Chúng tôi không hề có mặc cảm thấp hèn hoặc nghĩ rằng mình là gánh nặng cho nước Mỹ, bởi vì rằng chúng tôi có công ăn việc làm đàng hoàng và nhìn quanh không những chỉ chúng tôi mà còn biết bao những người từ rất nhiều những quốc gia khác cũng đến định cư ở Mỹ như là những người tỵ nạn refugees, tỷ dụ như : Nga sô, Đức, Do Thái, Ukraine, Kosovo, Syria, Iraq, Àfghanistan, Pakistan, Cuba, Ethiopia, El Salvador, Miến Điện, Cam Bốt, Lào, v...v...