Hôm nay,  

Du Lịch Trong Thời Cô Rô Na

23/10/202000:00:00(Xem: 8083)

HINH VIET VE NUOC MY 02
Hình minh họa. (www.pixabay.com)


Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất, là một nhà giáo hồi hưu sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota. Ông hiện cư ngụ tại Brooklyn Park, MN. Với nhiều bài viết đặc biệt ông đã tham dự và nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2017
. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
***

 Chúng tôi mua con chó Kiba lâu lắm rồi mãi tận bên tiểu bang Iowa của một nhà nông người Amish. Nó thuộc loại chó Nhật Shiba Inu rất đẹp trai với cặp mắt mầu xám, tai vểnh nhọn hoắt và chiếc đuôi quăn tít. Khi chàng  cóp nhà tôi, con trai cả, lấy vợ và nó bưng con chó đi. Cho đến khi vợ nó sinh hai đứa con trai trong vòng một năm, tay ẵm tay bồng bận bịu nuôi hai công tử nên một hôm chịu không nổi chàng cóp kêu điện thoại cho chúng tôi chở nó về nhà cũ hương xưa.

Chúng tôi mừng quá vì trong thời đại dịch cảm thấy trống trải nên có thêm chú chó trong nhà cũng vui. Hầu như ai chúng ta đều thích đi chơi ra khỏi nhà tù túng để thay đổi không khí nhất là trong thời đại dịch và tin tức chính trị ngột ngạt này. Chàng Kiba thì khỏi phải nói, khi tôi đang ngồi trên ghế sa-lông nó đến gần tôi và khều nhẹ chân tôi và nhìn tôi chằm chằm. Biết ngay là nó muốn ra ngoài, tôi nói bằng tiếng Việt với nó:
“Muốn đi chơi hả?”

Nghe tiếng “đi chơi” là mắt nó sáng lên, nhẩy cỡn và xuống cầu thang kiếm dây buộc cổ để tôi dẫn nó đi vòng vòng quanh xóm. Có lẽ đó là thời gian tuyệt diệu của nó trong ngày, vừa đi vừa hít ngửi thiên nhiên và giải thoát nỗi ấm ức trong người. Tôi phải sẵn sàng thủ bịch nylon để hốt món quà của chàng mang về nhà để giúp cây lá vườn nhà tươi tốt hơn.

Con người chúng ta cũng vậy thích ngắm nhìn ngoại cảnh, bước ra khỏi nhà đi chơi sau bao nhiêu tháng bị cầm chân tại chỗ. Vì thế chúng tôi liều lĩnh quyết định làm một chuyến đi xa hơn 1100 dặm với hơn 16 tiếng lái xe đến Công Viên Quốc Gia Glacier tại tiểu bang Montana gần biên giới Gia Nã Đại và cũng nằm trong danh sách các nơi tôi muốn đến thăm, tiếng Anh gọi là “bucket list”. Chúng tôi đã lái gần đó khi đi Seattle, tiểu bang Washington với bầy đoàn thê tử nheo nhóc mười mấy năm trước nhưng bây giờ chỉ có đôi ta dắt dìu nhau bước vào miền thiên nhiên hoang dã.

Sau khi đặt phòng Airbnb và kêu con gái rượu trông giùm Kiba chúng tôi sửa soạn cho cuộc hành trình dài một tuần lễ. Đi ngoại quốc bằng máy bay chỉ cần mang quần áo, thuốc thang và mấy thứ lặt vặt cùng bàn chải đánh răng nhưng lái xe trong nội địa thì bà xã giống như các bà nội trợ Việt nam có óc dè xẻn chất đầy xe thực phẩm và dụng cụ nhà bếp. Nào là mì gói, xôi kẹp chả, nước mắm, gạo, nồi nấu cơm điện, lạp xưởng, cà phê cà pháo, bánh trái... chỉ thiếu cái bồn rửa chén!

Thế là khoảng năm giờ sáng khi trời mùa thu hãy còn tối om chúng tôi lục đục thức dậy lên đường. Sau bao nhiêu năm đi du lịch bằng máy bay sang Á châu, Nam Mỹ và Âu châu, kỳ này chúng tôi mới dùng xe lái đi xa trong nội địa. Khi còn com cóp đi làm việc tại nhà trường và cơ sở thương mại, chúng tôi thường mua xe dùng rồi “second hand” hay xe để lại của bà chị nhà tôi. Bây giờ hai đứa đều về hưu mới dám mua xe mới toanh sáng choang và trả tiền mặt để hưởng thụ chút chơi trước khi mua xe lăn!

Xe kiểu mới này có thể tự động và kiểm soát tốc độ xe để giữ khoảng cách an toàn với xe chạy đằng trước, có hệ thống phòng ngừa hay giảm bớt tai nạn và giúp xe chạy đúng lằn. Mua xe được mấy tháng thì bị giam lỏng tại nhà vì Cô Rô Na nên xe cũng như chủ hầu như là bị treo giò nay xe được thả lỏng rồ ga chạy vun vút trên xa lộ I-94 thêng thang[ND1]  từ Minnesota, băng ngang North Dakota và đến Montana.

Không có gì thích thú bằng lái xe đường trường ngắm cảnh mùa thu rực rỡ với cây cối thay xiêm y với mầu đỏ, vàng, cam sặc sỡ tại phía bắc Minnesota.

Sau khi vượt biên sang tiểu bang North Dakota thì cảnh đồng quê hiện với đồng lúa ngút ngàn thẳng cánh cò bay bên cạnh có cụm rơm cuốn tròn nằm rải rác cộng thêm ruộng hoa hướng dương tuy đã tàn nhưng vẫn làm cho khách viễn phương trầm trồ khen ngợi.

Nước Mỹ sao quá đẹp! Bài hát “America, The Beautiful” hay “Nước Mỹ Tươi Đẹp” với nhạc của Samuel Ward (1859-1929) và lời của Katherine Bates (1848-1903) thích hợp với cảnh mà chúng tôi vượt qua:

“Oh, beautilful for spacious skies,
For amber waves of grain
For purple mountain majesties
Above the fruited plain!...”
“Ôi, vùng trời bao la tươi đẹp
Với hàng hàng lớp lúa vàng
Với núi mầu tím oai phong
 Trên cánh đồng đầy cây trái!...”

 Nhưng lái xe được một lúc tài xế thấy buồn ngủ vì xe cứ thẳng tắp mà đi, cảnh chẳng thay đổi, chán ơi là chán! Tuy nhiên người lái xe phải kiểm soát tốc độ xe của mình dù North Dakota cho phép chạy 75 dặm một giờ thay vì 70 như ở Minnesota . Vì có lần tài xế này bị phạt vì nhấn ga quá đà ngay trên xa lộ I-94 thuộc North Dakota này.

May nhà tôi còn mang thêm nhạc Việt Nam réo rắt ỷ ôi thâu từ mạng “Nhạc của tui” cho máy I-phone nên nghe cũng đỡ buồn. Tôi gọi loại nhạc này là chương trình tạp lục Tùng Lâm. Có nhạc  giúp vui làm hai đứa vừa nghe, vừa hát theo làm cho đường xa có vẻ ngắn đi.

Khi chúng tôi gần đến biên giới Montana thì cảnh hai bên đường khác hẳn khi qua vùng Badlands có gềnh núi lởm chởm giống như Grand Canyon thu nhỏ. Chúng tôi ngừng lại nơi nghỉ chân tại ngưỡng cửa Công Viên Quốc Gia Theodore Roosevelt tại Medora, ND để ngắm Vách Núi Pha Mầu hay “Painted Canyon Overlook” và hứa sẽ đi vào trong công viên trên đường trở về.

Tiểu bang Montana được thành lập vào năm 1864, tên Montana xuất xứ từ chữ La-tinh “montaanus” có nghĩa là nhiều núi. Montana cũng mang danh là “Big Sky Country” hay “ Xứ Chân Trời Rộng Lớn” với miền đông có đồng bằng trùng trùng điệp điệp và miền tây với rặng núi Rocky Mountains cao ngất ngưởng ngang trời.

Đúng Montana là tiểu bang của dân cao bồi vì chúng cho phép chúng tôi phi nước đại đến 80 dặm một giờ. May xe có máy điều chỉnh tốc độ nên không thấy ông bạn dân nào hú còi đòi xem bằng lái xe. Thật ra trong chuyến đi xa tôi chỉ gặp một xe cảnh sát công lộ đang làm giấy tờ biên bản cho một xe chạy nhanh.

Khi chúng tôi đến tỉnh Billings để nghỉ đêm thì chiều sắp tắt. Chúng tôi ngủ tại một khách sạn đã đặt sẵn để mai sáng lại tiếp tục hành trình. Gặp ai cũng mang khẩu trang tại khách sạn, tiệm ăn và ngoài phố nên làm chúng tâm an tâm.

Sau khi ăn sáng xong tại khách sạn chúng tôi trực chỉ phía bắc đến Công Viên Glacier. Đường đi nhỏ hơn không còn là I-94, lên núi rồi lại xuống đèo rất là ngoạn mục. Còn thêm gió thổi rất mạnh nên tài xế rất cẩn thận. Montana còn có nhiều công viên tiểu bang với hồ núi hấp dẫn làm chúng tôi dừng một hồ xanh ngắt có tên là Salmon Lake để nghỉ xả hơi và chụp hình. Chiều tối chúng tôi mới mò đến nhà Airbnb để trú ngụ vài đêm tại tỉnh Kalispell gần phía Tây của công viên.

Nhà trọ đầy tiện nghi này do một người Mỹ trẻ trông coi. Thật ra anh cũng là người mướn nhà nhưng dành một phòng ngủ ấm cúng cho chúng tôi. Anh mới dọn đến từ Big Bear, CA vì Cô Rô Na anh không kiếm được việc làm nên dọn về Montana kiếm việc xây cất nhà cửa.  Anh rất thân thiện hướng dẫn chúng tôi trong việc đi thăm công viên. Anh kể rằng trước khi có dịch Cô Vi mọi người có thể đi thăm nhiều nơi nhưng hiện nay khu phía Đông và các nơi khác bị cấm vì đó là khu dành cho dân Da Đỏ “Indian Reservations” và họ muốn sống biệt lập không muốn dính dáng đến nàng Cô Rô Na.

Thành ra công viên chỉ có một con đường độc đạo tại phía Tây để du khách có thể thăm viếng có tên là Going-to- the-Sun hay Đi đến Mặt Trời.  Các khu vực khác như Many Glacier, Two Medicine và Waterton-Glacier International Peace Park đều bị đóng cửa. Nói vậy chứ đường Đi Đến Mặt Trời dài tới 50 dặm cắt đôi công viên phía đông và phía Tây có độ cao nhất là 6646 feet tại đèo Logan cũng đủ cho chúng tôi khám phá để chiêm ngưỡng các hồ nước lớn trong vắt do băng hà tạo ra, tầng thác nước chảy xiết, rừng thông tại thung lũng và núi cao ngất trời.

Anh chàng coi nhà dặn chúng tôi phải đi sớm mới có chỗ đậu xe nên chúng tôi lật đật dậy thật sớm. Khi tôi ra xe xếp đồ thì gặp vợ chồng nai đứng nhìn tôi ngay bụi cây trong vườn. Tôi nhanh nhẹn lấy máy hình ra chụp chú nai đang ngơ ngẩn đạp trên lá thu xào xạc.

Đường hãy còn sương mù dầy dặc làm tôi phải nhường tay lái cho bà xã. Cảnh giống như Đà lạt  trong sớm mai và dần dần mặt trời ló hiện.

Trước khi vào cửa công viên tôi nói với bà xã:

“Em nhớ đậu lại để đổ xăng nhé!”

Nàng nhìn vào mực xăng và trả lời chắc nịch:

“Không cần anh ạ! Chúng ta có thể đi được 180 dặm nữa”

Đường Đi đến Mặt Trời cũng không xa nên tôi cũng yên tâm ngồi im re. Tôi có thẻ vào các Công Viên Quốc Gia của Hoa Kỳ nên chúng tôi được miễn phí. Đây có lẽ là một phúc lợi lớn cho người cao niên khi tôi đã mua thẻ với giá 10 đô rẻ mạt mấy năm trước và có giá trị xuốt đời. Nếu không có thẻ giá là 35 đô cho mỗi xe.

Nhìn bản đồ chúng tôi kiếm đường nổi tiếng Going-To-The Sun nghe mà thấy phấn khởi. Đường này gần rặng núi Going-To-The Sun được khánh thành vào năm 1933, như  theo truyền thuyết  có một thần linh hiện xuống dạy bản dân Da Đỏ cách săn thú nên con đường tuyệt diệu này được mang tên như vậy.

 Lái qua một chặng rừng thông chúng tôi tới Hồ McDonald là hồ lớn nhất của công viên dài 10 dặm rộng 1 dặm và xâu đến 472 feet. Hồ được tạo ra bởi sự soi mòn của băng hà. Nước mặt hồ trong vắt có thể nhìn các hòn sỏi đủ mầu dưới đáy hồ. Nhà tôi thích thú dạo quanh hồ và nhặt các hòn đá để chồng lên nhau, một nghệ thuật của vườn zen Nhật Bản.  Đi lên nữa thì là thác đổ McDonald chảy xiết. Chúng tôi rủ nhau mò mẫn xuống chân thác để chụp hình. Ôi, cái thân già! Chân không còn vững bước trên đá trơn nên làm một màn tắm thác ướt nửa người!

 Sau đó xe bắt đầu hì hục lên núi làm cho chúng tôi tưởng tượng lên động thiên thai vì mây núi và sương mù bao quanh khắp trời. Đây là một thử thách lớn cho người lái xe phải chăm chú vì đường hẹp, quanh co và khúc khuỷu. Nhiều chỗ rẽ ngoặt rất nguy hiểm, nhất là đường vòng cung gọi là The  Loop. Đường lên núi có ít chỗ đậu xe nên ai cũng tranh nhau chỗ tốt để ngắm cảnh thiên nhiên hùng vĩ bên đường.


Có khi nào bạn thấy bức tường khóc không? Chúng tôi đi qua chỗ gọi là Weeping Wall nơi tuyết tan thành rạch nước chảy réo rắt xuống sườn núi đá nhuộm mầu phong sương với đỉnh gió hú gào. Rất hợp với bài hát “Lệ Đá” của Trần Trịnh nổi tiếng trong I-phone của nhà tôi:

“Hỏi đá xanh rêu bao nhiêu tuổi đời
Hỏi gió phiêu du bao nhiêu đỉnh trời...
Nhạc lá thu mưa hay chân ngựa hồng
Lệ đá tuôn rơi giòng giòng nối tiếp...”

Ngay sau đó là Big Bend là chỗ nghỉ chân, ăn trưa và ngắm cảnh núi non và hoa dại mọc tràn lan khắp lối. Tôi thấy mình thiệt chỉ là hạt bụi nhỏ đứng giữa trời núi bao la.

Chẳng bao lâu chúng tôi vượt đến đèo Logan, còn được gọi là Logan Pass, có độ cao nhất của con đường này và du khách có thể nhìn cảnh bao quát 360 độ. Đúng như dân địa phương nói nếu tới muộn sẽ không có chỗ đậu xe. Lái xe lòng vòng tìm mãi không được, tôi phải lái xuống đèo một chút và may mắn lách vào một chỗ đậu hẹp ngay bên sườn núi cheo leo. 

Với quần áo, mũ và khăn quàng ấm áp, chúng tôi bước giốc ngược lên trạm Logan Pass Visitor Center. Nơi đây chúng tôi ăn trưa để có sức trèo núi để chiêm ngưỡng Hồ Ẩn được gọi là Hidden Lake Lookout cách xa 1.5 dặm. Lúc đầu đường đi làm bằng xi măng rồi đổi sang sàn lát ván gỗ để bảo vệ cây cỏ của xứ lãng nguyên rồi đường đất đỏ. Thung lũng có những đám hoa dại vàng cam thấp mọc đầy và thêm những rạch nước nhỏ chảy quanh và xa xa là rặng núi sừng sững Northern Rockies của tiểu bang. Trời đã vào thu nhưng trên núi hãy còn những mảng băng hà nằm chỏng chơ bên ghềnh núi. Chẳng bao lâu nữa núi sẽ trắng xóa hoang lạnh!

Lúc đầu du khách có vẻ đông rồi dần dần ít đi. Tôi không thể nào cưỡng được với cảnh đẹp nên vừa đi vừa ngắm cảnh và chụp hình. Nhà tôi luôn luôn hăm hở đi trước lâu lâu ngoảnh lại xem ông chồng ở đâu. Họ nói sẽ gặp thú hoang như gấu, dê núi nhưng chúng tôi không gặp mống nào. 
Đường lên núi thật là cực nhọc. Tuy không còn trẻ nhưng cuộc phiêu lưu cần phải tiếp tục. Thật là câu “Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông” rất là đúng cho chúng tôi. Dù về nhà lại rên rỉ vì đầu gối long lay cần xoa Ben Gay!

Thế rồi chúng tôi cũng hổn hển đến nơi và nhìn xuống Hồ Ẩn lóng lánh như con rồng uốn khúc trong ánh nắng ban trưa cạnh chân núi Bearhat trông giống như cái mũ có độ cao 6884 feet giữa trời.  Hồ này là nơi lý tưởng  cho người câu cá trout và năm 1983 ông H.W.Bush hồi làm Phó Tổng Thống đã đến đây quăng cần câu vài giờ.

Con đường trở  về có vẻ dễ hơn vì là đường xuống dốc nhưng cũng mệt không kém vì bậc thang cao. Nghe tin bây giờ khu đến Hồ Ẩn bị cấm vì tuyết đổ và nhiều gấu xuất hiện.

Chúng tôi lại tiếp tục lên đi nốt đoạn đường đến mặt trời. Chúng tôi qua đường hầm “East Side Tunnel” mà được coi là một thành công lớn vì hồi năm 1932 chưa có máy móc tốt tân nhân công phải khuân đá bằng tay. Du khách không thấy nhiều tảng băng hà trên đường nhưng có thể thấy rõ tại núi Jackson. Nếu ai tin vào thuyết khí hậu thay đổi thì khoảng năm 2030 các tảng băng hà sẽ biến tan mất theo như bảng niêm yết của công viên dựng bên đường.

Sau đó chúng tôi xuống xe xem chứng tích của trận cháy rừng năm 2015 đã thiêu rụi hằng ngàn hecta. Nhưng thiên nhiên đã có phép nhiệm mầu làm cho các cây cỏ xanh tươi mọc lại bên cạnh  rừng cây trơ trụi cháy đen và suối nhỏ chạy quanh.

Một trong những cảnh tuyệt diệu nhất của công viên là Đảo Ngỗng Dại hay Wild Goose Island nằm ngay giữa hồ xanh mát Saint Mary. Làm sao hòn đảo nhỏ này có thể sống sót sau bao nhiêu kỷ nguyên bị xoi mòn bởi băng hà? Khách lại lấy máy hình ra chụp lia lịa.

Đi được một đoạn chúng tôi phải quay trở về vì đường cấm. Nay nhà tôi làm tài xế để tôi có thể ngắm nhìn cảnh thay vì dán mắt lái xe. Nhà tôi nhìn xuống mực xăng và thông báo:

“Chết rồi anh ơi! Xe sắp cạn xăng!”

Hai đứa hoảng hốt vì trên đường này không thấy có một bóng trạm xăng. Nhà tôi cứ tưởng xăng còn nhiều nhưng khi xe trèo lên núi uống nhiều xăng hơn đường phẳng. Tôi tìm trạm xăng bằng I-phone nhưng wifi không có trên đường này. Thế là nàng cắm đầu cắm cổ lái xe một mạch, cảnh có đẹp bao nhiêu cũng không ngừng lại. May mắn vừa ra khỏi công viên là có trạm xăng ra tay cứu vớt chiếc xe khô cạn nguồn sống! Một bài học nhớ đời cho chúng tôi!

Đổ xong bình xăng chúng tôi hoàn hồn về nhà. Cơm rang lạp xưởng của nhà tôi đêm nay sao ngon lạ thường!

Ngày hôm sau chúng tôi đi trở lại công viên nhưng đi hướng khác. Cảnh hai bên đường ít đồi núi hơn nhưng rừng lá vàng khoe sắc dưới cơn mưa phùn cũng đủ thỏa mãn người thưởng ngoạn. Chúng tôi ngừng lại chụp cảnh thu bên cầu. Không còn gì là thơ mộng hơn! Sau đó đi tiếp nhưng đường quá xấu toàn gạch sỏi nên chúng tôi quay xe và trở lại đường đi đến mặt trời.

Chúng tôi lại đến hồ Mc Donald lần nữa mà không chán. Xứ Minnesota là Xứ Vạn Hồ nên cảnh hồ rất là gần gũi quen thuộc với chúng tôi chỉ thiếu núi bao bọc chung quanh. Sau đó trời đổ mưa nên chúng tôi trú trong xe ngắm mưa rừng, đếm và chụp hình lá vàng rơi trên kính xe. Chỉ có vậy thôi nhưng mà ấm cúng làm sao!

Thời gian vui qua mau. Đã đến lúc chúng tôi phải giã từ công viên tươi đẹp này. Không biết bao giờ chúng tôi mới được quay trở lại thăm viếng tiếp những nơi mà công viên tạm đóng cửa vì đại dịch.

Chúng tôi lái mất cả ngày mới tới tỉnh Billings mà chúng tôi đã ngừng mấy đêm trước. Khách sạn gần ngay xa lộ I-94 nên rất tiện lợi.

Khi đi qua các nông trại của Montana với đồng cỏ bao la có những đàn bò đen Angus cắm cúi gặm cỏ nên chúng tôi nghĩ đến món ăn tối steak. Bước ra khách sạn mấy bước là đến tiệm ăn nên chúng tôi gọi ngay món bò nướng. Thiệt là xứ cao bồi có món steak thiệt mềm và ngon!

Sau khi ăn sáng là chúng tôi lại lên đường như bài hát “On the road again” với giọng đặc sệt miền Nam của Willie Nelson. Khi gần đến biên giới North Dakota chúng tôi ghé đến Công Viên Tiểu Bang Makoshika để thay đổi không khí. Tên này có nghĩa là vùng đất xấu “bad land” theo như ngôn ngữ của bộ lạc Dakota. Công viên có các rừng thông và tùng mọc đầy và trưng bầy di tích của khủng long tyrannosaurus và triceatops đã từng sống trên mảnh đất này. Chúng tôi lái xe một vòng và đi lên núi ngắm dòng sông Yellowstone uốn éo và xa lộ I-94 với rừng thu vàng ối nằm dưới chân mình.

Vừa qua North Dakota là chúng tôi rẽ ngay vào Công Viên Quốc Gia Theodore Roosevelt tại tỉnh Medora như đã dự định. Công viên này được đổi thành tên vị Tổng Thống Hoa Kỳ thứ 26 vào năm 1978 bởi Tổng Thống Carter vì Teddy Roosevelt[ND2]  là người luôn luôn bảo tồn cho tài nguyên quốc gia. Ông là một người lãnh đạo quan trọng nổi tiếng[ND3]  trong lịch sử Hoa Kỳ nên tượng của ông và ba tổng thống khác George Washington, Thomas Jefferson và Abraham Lincoln được khắc trên núi Rushmore tại tiểu bang South Dakota và con gấu nhồi bông Teddy được mọi người ưa chuộng cũng mang tên của ông.

Chúng tôi vào cửa Nam (South Unit) của công viên. Gần ngay khu Trung Tâm Du Khách là một căn nhà gỗ Maltose Cross Cabin mà Tổng Thống Teddy đã để lại, người có công trong việc giữ gìn và bảo vệ hằng triệu hecta đất cho nước Mỹ. Nơi đây trưng bầy các kỷ vật và tài liệu liên quan đến cuộc đời của ông và đất Dakota.

Vì chúng tôi chỉ có một buổi chiều để thăm viếng nên chỉ ngồi xe lái đi vòng vòng. Bao nhiêu cây cối đã đổi sang mầu thu quyến rũ lôi cuốn du khách. Nhà tôi phàn nàn với tôi:

“Lần này đi chả thấy con thú hoang nào, chán quá!”

Nhưng vừa nói xong thì chúng tôi thấy một đàn bò rừng hay “bison” đang gặm cỏ an bình ở hai bên ven đường. Chúng không màng tới bao nhiêu xe đều dừng lại bên đường.  Hầu như ai cũng có máy chụp hình hay điện thoại để ghi lại cảnh hiếm có. Để được an toàn ai cũng ngồi trong xe không dám đi ra ngoài. Loại bò này hồi xưa sống hoang dại mấy chục triệu con tại vùng Đại Bình Nguyên (Great Plains) nhưng dần dần bị săn bắn tiêu diệt gần hết trong thế kỷ 19 và 20 nay chúng được bảo tồn tại Công Viên Quốc Gia như tại đây. Chúng tôi cũng đã từng thấy bò rừng bên Công Viên Yellowstone nhưng chưa bao giờ thấy nó ngay cạnh xe. Có con còn chạy tự nhiên băng qua đường như chỗ không người.

Chúng tôi đến một khu có tên là Prairie Dog Town dịch nôm na là phố sóc chó. Chúng như một con sóc lớn nhưng đuôi ngắn hơn. Chúng ngơ ngáo nhìn chúng tôi rồi biến vào tổ dưới đất. Chúng báo động với nhau bằng tiếng chít chít khi có vật lạ tới gần. Cũng nơi đây chúng tôi lần đầu tiên thấy những con ngựa hoang đi thơ thẩn trên cánh đồng cỏ đã úa vàng. Tôi mương tưởng đến chiến sĩ của bộ lạc Oglala Lakota, có tên là Crazy Horse hay Ngựa Điên, cưỡi ngựa và chỉ tay hướng về đất của bộ lạc như Tượng Kỷ Niệm Crazy Horse khắc trên núi ỏ tiểu bang South Dakota.

Đi xa hơn nữa chúng tôi thấy một đàn nai, gọi là mule deer, cũng đang thản nhiên gặm cỏ trên đồi. Trông thấy mà thương vì có con gầy gò dơ xương. 

Buổi thăm viếng thật ngắn ngủi nhưng đầy thích thú và bổ ích. Cám ơn Tổng Thống Teddy Roosevelt đã có công bảo tồn tài nguyên thiên nhiên cho hậu thế.

Chúng tôi chấm dứt chuyến đi nhiều ngạc nhiên thú vị này bằng một bữa cơm steak và sườn nướng đặc biệt của nước Mỹ tại tỉnh Dickinson, ND.
Khi đi những chuyến du lịch trên nước Mỹ bằng xe hơi tôi mới thấy rằng nước Mỹ quá rộng lớn, đa dạng và nhiều trạm dừng chân hấp dẫn. Khi nào thuận tiện trong tương lai bạn hãy sắp sẵn hành trang làm một chuyến khám phá nước Mỹ để giảm sự căng thẳng trong cuộc sống, tìm giây phút thư giãn, hít ngửi không khí trong lành, hoạt động ngoài trời và nhất là tìm hiểu thêm về đất đai và văn hóa tạp chủng của nước Mỹ tự do mà bạn coi đó là quê hương thứ hai của bạn. Mong gặp bạn tại một điểm dừng chân nào đó!

Viết tới đây thì thấy có vật nào húc vào chân. Hóa ra Kiba đang nhắc tôi dắt nó “đi chơi”. Xin chào các bạn và hẹn kỳ sau. 

Ý kiến bạn đọc
29/10/202021:28:02
Khách
go to South West, Arizona, Utah, Nevada, California, Hawaii.., with Senior Pass free per car for 4 persons, but hiking, trekking is tough for 65 and above, check the weather before travel (at least 105 F in Summer).
28/10/202020:55:17
Khách
Cám ơn tác giả về bài viết rất chi tiết. Tôi cũng sắp về hưu rồi, nhà đứa con gái cũng có con chó Shiba Inu rất đẹp và dễ thương, cho nên đọc bài này thấy gần gũi với hai con khỉ đang già này. Tuần rồi hai con khỉ đi du hành Skyline Drive ở Virginia. Lái xe vào đường núi thì xếp hàng cả gần 1 tiếng để đến cổng vào, khi đến cổng thì bị chính phủ ưu ái tặng cho cái Day Pass với giá 30 dollars. Bây giờ đọc bài này mới biết chính phủ có bán Lifetime Pass cho Senior Citizen, mừng quá nên lật đật làm đơn tặng chính phủ 90 dồng để xin cái Pass này. Cám ơn tác giả đã mách nước.

Từ bây giờ cho đến ngày đoàn tụ ông bà khỏi phải lo nộp thuế mãi lộ nữa. Vào trang web của họ để lấy xuống cái PDF file của tất cả National Park trên đất Mỹ, mới thấy tiểu bang nào cũng có nhiều nơi để đi ngắm cảnh, hay quá chừng. Khi nào quăng được cái đồng hồ báo thức quỷ quái hàng ngày vào xọt rác thì sẽ làm vài chuyến dắt chó đi dạo đường xa. Còn bây giờ thì chắc phải lo tập đi bộ cho cứng xương mềm tim để mai mốt có sức mà leo đồi lội núi, chứ tuần vừa qua mang tiếng là hai con khỉ mà tuột đến cái thác Dark Hollow Falls là đứt hơi dù chỉ leo trèo có gần 1 mile thôi. Bây giờ không chịu khó tập thể dục thì chắc mơi mốt cầm cái Pass rồi vặn TV để ngoạn cảnh hàm thụ chứ đi sao nỗi đây trời.

Có quý vị nào đi đâu thấy hay hay xin mách nước cho làng xóm biết nữa nhe.

Lã Kỳ
27/10/202012:47:12
Khách
Cám ơn tác giả về những chi tiết lý thú cho những nguời đi sau.Thời buổi đại dịch này mà tác giả dám ở nhà của Airbnb. Không biết chủ nhà có xịt thuốc tẩy rửa toàn thể nhà, toilet, vòi nuớc truớc khi mình đến ở không?
26/10/202017:52:39
Khách
Cám ơn anh Andy có cho ý kiến dù chẳng dính líu về bài tôi viết.
24/10/202018:14:47
Khách
>Du khách không thấy nhiều tảng băng hà trên đường nhưng có thể thấy rõ tại núi Jackson. Nếu ai tin vào thuyết khí hậu thay đổi thì khoảng năm 2030 các tảng băng hà sẽ biến tan mất theo như bảng niêm yết của công viên dựng bên đường.

As you sow so you shall you reap. Cách đây rất lâu, sau khi lấy vợ được 4 năm và trong hi tech, tính sau ăn chơi, vacation 5 năm thì sẻ có con. Không ngờ mới 4 năm, cô vợ quất cho 1 câu. Trong lịch sử Trung Hoa, có một vị minh sư có một câu nổi tiếng nói lên bản chất con người "Nếu mất 1 sợi lông mà làm lợi cho thiên hạ, ta củng không thèm làm", nói lên bản chất của con người, họ chỉ cầu nguyện, xin xỏ, ... trong cơn họan nạn, sau đó họ quên mất giới luật như thế nào (không có giới luật thì phải có nghiệp), điều này đúng cho khõang 80% dân số thế giới, kể cả một số thủ lỉnh tôn giáo. Có một số tu hành rất đúng đắn, họ giữ giới luật rất nghiêm chỉnh, và có kết quả rất khả quan. Như 24/8/2020, hỏa hoạn tại California đã hoành hành trong phạm vi hơn 991.000 mẫu Anh (hơn 401 héc-ta). Tuy nhiên, Trung tâm tu học Phổ Trí, một ngôi chùa Việt tọa lạc tại số 7233 Pleasants Valley Road, thành phố Vacaville, trên diện tích 5 mẫu Anh, chuyên hành trì kinh điển Đại thừa còn nguyên vẹn, không bị thiêu bởi ngọn lửa dữ này. Bão lửa dữ dội đã thiêu cháy các nhà chung quanh, chuồng ngựa phía trước chùa, rừng cây sau chùa, hàng rào chùa… và dừng lại dưới chân tượng Bồ tát Quan Âm Chuẩn Đề và Bồ tát Địa Tạng ở sân chùa. Ngôi chánh điện, trai đường, tăng xá và vườn tượng A La Hán vẫn còn nguyên.
Theo lý thuyết khi một minh sư mất một sợi lông, tức là ông ta phải can thiệp vào luật nhân quả, nhưng sau đó họ phạm nghiệp khác, coi như là thế giới này nó đang đi vào một quá trình tự hũy họai.
Nếu có con trong một thế giới có khuynh hường đi vào sự đại hũy họai là một điều không tốt cho đứa bé, với lại thế giới này đã vô số người rối. Tôi đồng ý, mục đích của mình đến thế giới này cho cái gọi là đại trí huệ, còn tất cả các việc khác là không cần thiết (nhưng ngu sao mà nói thẳng với vợ, tất cả các bậc đại trí điều giả ngu, tạo sao ta phải mang phiền phức không cần thiết đến cho đời ta)
24/10/202000:00:22
Khách
Cám ơn bài viết vui và cung cấp nhiều chi tiết về du lịch của tác giả.
23/10/202014:04:00
Khách
Cảm ơn tác giả. Hôm trước đã được anh gợi ý đi thăm Glacier National Park nhưng vì nghe nói chỉ được đi một cổng phía Tây nên ráng chờ hết dịch họ cho đi thêm các cổng khác cho bỏ công lái đến đó. Bài viết này rất hữu ích cảm ơn anh Nhất rất nhiều!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 1,801,747
Tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Năm 2019, Tác giả nhận thêm giải Chung Kết Vinh Danh Tác Giả Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ hay còn gọi là giải Hoa Hậu. Tốt nghiệp Y Khoa Huế, thời chiến tranh Bác sĩ Vĩnh Chánh đã là Y Sĩ Trưởng binh chủng Nhảy Dù.
Tác giả đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước và mới nhận giải Viết Về Nước Mỹ Đặc biêt 2018 và giải Danh dự 2019. Bài đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà tới hơn 400 người tử vong- Hiện ông đang là cư dân Orlando, Florida, vùng đất rất quen với bão lụt.
Lời tòa soạn: Độc giả theo dõi Viết Về Nước Mỹ hẳn quen thuộc với ngòi bút Nguyễn Trung Tây. Tác giả là một linh mục dòng Ngôi Lời, và là người nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2010, khi ấy Tác Giả đang làm việc với thổ dân các thôn làng hẻo lánh vùng sa mạc miền Trung Úc Châu, không kịp về lãnh giải. Cụ bà Hà Thị Phức, năm ấy 86 tuổi, là nhân vật chính bài “Mẹ, Mẹ Tôi” của tác giả từ San Jose đã bay về nhận giải thay người con linh mục viết văn. Hôm nay, nhận tin Bà Cố đã được Chúa gọi về, Việt Báo và toàn ban tuyển chọn Viết Về Nước Mỹ xin thành kính phân ưu cùng tác giả Nguyễn Trung Tây và cùng dâng lời cầu nguyện cho linh hồn Bà Cố Maria Hà Thị Phức sớm an hưởng nhan thánh Chúa. Xin đăng lại bài “Mẹ, Mẹ Tôi” để tưởng nhớ.
Lịch sử nhân loại đã từng diễn ra bao nhiêu trận chiến kinh hoàng, xương chất thành núi máu chảy thành sông vì chuyện màu cờ sắc áo. Với người Việt nam thì ai quên được bức ảnh những người lính Thuỷ quân lục chiến của quân đội Việt nam Cộng hoà cắm cờ quốc gia sau khi tái chiếm Cổ thành ở Quảng trị vào mùa hè đỏ lửa năm 1972. Có thể đó là tấm ảnh đã làm thay đổi cậu bé tôi vì chào cờ mỗi sáng thứ hai đầu tuần ở sân trường học, cậu bé tôi chỉ chăm lo cho bộ đồng phục của mình thẳng thớm, cột dây giày đã đúng cách chưa để không bị phạt
Trời cuối thu, những chiếc lá vàng bay lượn trên không rồi từ từ thả mình xuống mặt đất. Thỉnh thoảng một cơn gió nhẹ lướt qua, đám lá trên cành lao xao và khi trời lộng gió từng đám lá lià cành tung mình khắp không trung. Cảnh đẹp như tranh vẽ. Chỉ vài ngày nữa thôi, chiếc lá cuối cùng rụng xuống, cây sẽ chỉ còn những cành trơ trụi, khẳng khiu. Bà bước ra khu vườn nhỏ, lững thững đặt chân trên thảm lá vàng, những chiếc lá khô như vỡ vụn dưới từng bước chân. Không gian tĩnh lặng, êm đềm. Bà hít thật sâu, thở ra thật nhẹ. Bà đếm từng hơi thở, chú tâm đến từng bước chân đi, đầu óc nhẹ nhàng, tâm hồn thanh thản. Cứ lẳng lặng như thế cho đến lúc thấm mệt bà ngả người trên chiếc võng ngước nhìn lên trời cao tìm mây. Trời xám buồn, chỉ có vài quầng mây mỏng, ửng nắng.
Sau hơn hai năm sống lây lất ở trại tị nạn PFAC (The Philippine First Asylum Camp,) cuối cùng tôi được thằng Thanh sống chung trong nhà giới thiệu vô IOM (The International Organization for Migration) làm thế chỗ nó khi nó lên đường đi định cư vào giữa năm 1991. Cơ quan này là một trong các cơ quan đầu não rất quan trọng, chỉ sau Cao Ủy Tí Nạn (UNHCR-The United Nation High Commissioner for Refugees) và Văn Phòng Ban Quản Đốc Trại (OIC- Office In Command) mà thôi. IOM có nhiệm vụ đón người tới, đưa người lên đường định cư hay hồi hương, chăm sóc sức khỏe, lo lắng đời sống cũng như quản lý dân số trong trại do đó vô cùng bận rộn với rất nhiều công việc.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam. Bà tên thật Nguyễn thị Ngọc Hạnh, trước 1975 đã là giáo sư trung học đệ nhị cấp tại Saigon. Cùng gia đình tới Mỹ từ 1979., hiện hưu trí tại miền Đông và vẫn tiếp tục viết. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Gia đình cô Loan qua Mỹ năm 1995 theo diện HO. Cô có 3 người con, Tuấn (trai đầu) có gia đình ở Sacramento lái xe về nhà cô khoảng 2 tiếng đồng hồ, Kiệt (con nhì) và gái út là Thanh Phương làm việc bên Washington D.C và Texas. Cô chú đến tuổi nghỉ hưu nên cũng tìm niềm vui tuổi già. Cô Loan thích đọc sách và đi Chùa, còn chú Phi ưa gặp bạn bè uống cà phê tán dóc và tham gia sinh hoạt bạn “tù cải tạo”, bạn chung đơn vị lính, bạn trường học cũ và khoá Thủ Đức. Từ khi bị bệnh dịch Covid_19, cô chú chỉ biết bó gối xem tivi, xem phim và ra vô khu vườn tỉa hoa nhổ cỏ. Thỉnh thoảng Tuấn cũng lái xe lên thăm ba mẹ.
Chúng ta đang sống trong một đất nước an bình, thịnh vượng, và no ấm nên ít ai phải bận tâm với cái đói; chúng ta chỉ lo hôm nay phải đổi món ăn gì cho ngon miệng mà không ngán. Vậy mà ngay trên đất Mỹ này, nơi mà thực phẩm, thức ăn đầy đủ nếu không muốn nói là dư thừa và rẻ nhất thế giới, tôi vẫn còn giữ cái tật không cần thiết là tích trữ thực phẩm, đồ ăn khô phòng khi đói, bảo đảm giữ được phẩm chất 10 năm, và vài thùng nước 20-gallon màu xanh.
Tác giả đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước và mới nhận giải Viết Về Nước Mỹ Đặc biêt 2018 và giải Danh dự 2019. Bài đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà tới hơn 400 người tử vong- Hiện ông đang là cư dân Orlando, Florida, vùng đất rất quen với bão lụt.
Nhạc sĩ Cung Tiến