Hôm nay,  

Bên Bờ Vực

11/04/202000:00:00(Xem: 7316)


Tác giả Võ Phú dự Viết Về Nước Mỹ từ 2004. Võ Phú sinh năm 1978 tại Nha Trang-Việt Nam; định cư tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University. Hiện làm việc và học tại Medical College of Virginia. Sau 12 năm bặt tin, tác giả tiếp tục viết lại từ 2016 và nhận giải Danh Dự Viết về nước Mỹ từ 2019. Sau đây, thêm một bài viết mới. 


***

Sáng nay, Hoàng mơ màng thức giấc và ngửi được mùi bánh nướng bay lên từ nhà bếp.  Vẫn còn trong cơn ngái ngủ, Hoàng dụi mắt, vươn vai ngồi dậy. Mùi bánh nướng thơm lừng vẫn còn quanh đây.  Hơn mười năm rồi, Hoàng mới tìm lại được mùi thơm của bánh pâté chaud lan toả khắp nhà. Hồi đó, mỗi sáng thứ bảy, lúc gia đình Hoàng còn ở căn nhà townhouse cùng hai con, cả nhà thường được đánh thức bởi mùi bánh nướng thơm lừng của Hoa.  Những cái bánh pâté chaud giòn rụm, dậy mùi thơm từ thịt, nấm hương, mộc nhĩ, bún tàu, hành ngò, đậu, được ướp hợp khẩu vị, rồi mùi tiêu cay cay hòa lẫn vào khiến cho cả nhà mê mẩn. Nhưng hơn mười năm nay mùi bánh nướng không còn nữa kể từ ngày Hoa mua lại một tiệm làm móng ở một khu thương xá sầm uất, đông người qua lại.  Bây giờ chỉ cần nhắm mắt, cái mùi bánh nướng đó đã trở thành mùi của ký ức, của hạnh phúc đầm ấm sum vầy bên Hoa cùng hai con.

Hoàng bước xuống giường, định đi xuống nhà bếp tìm xem ai đã nướng bánh?  Vì vào giờ này, Hoa đã bận bịu ở ngoài tiệm làm móng. Lúc đi ngang qua phòng Hoa, chàng ghé mắt nhìn xem. Bên trong, giường gối ngăn nắp, sạch sẽ chứ không như thường ngày drap giường xốc xếch, quần áo bừa bộn, đồ lót và vớ ném tứ tung trong phòng. Hoàng đi qua hành lang dài, xuống cầu thang rộng, mới tới nhà bếp. Đây là căn biệt thự với bảy phòng ngủ mà hai vợ chồng Hoàng đã mua cách đây năm năm.  Nhà rộng, nhiều phòng nhưng chỉ có bốn người nên trống trải, mênh mông. Khi dọn qua ngôi biệt thự này, từ căn nhà townhouse hai phòng ngủ, không lâu thì Hoàng đã không ở chung phòng cùng vợ. Hoàng không thể chịu được mùi hôi nồng của nước sơn bám vào người vợ. Lúc mới dọn về, thời gian đầu, Hoa còn siêng tắm rửa khi nghe Hoàng cằn nhằng vì mùi nước sơn và bụi bột làm móng. Nhưng có lẽ công việc bận rộn ở tiệm, cả ngày mệt mỏi, nên Hoa không còn hơi sức để tắm rửa sau khi đi làm từ tiệm về.  Hoàng dọn ra ngủ riêng ở căn phòng cuối hành lang, tránh cái mùi oi nồng của nước sơn làm móng.

Đến nhà bếp, Hoàng nhìn thấy vợ đang nhồi bột.  Nghe động, Hoa dừng tay và nhìn lên cầu thang, nơi Hoàng đang đi xuống.  Nàng cất tiếng hỏi:

- Sao anh không ngủ thêm?

- Ờ... Ờ... Em... Em sao còn ở nhà, hôm nay nghỉ hả?

- Anh quên rồi sao, cả tiểu bang được lệnh đóng cửa ở nhà vì dịch bệnh Corona virus...

Hoàng biết chứ, vì ngày nào tin tức về vi khuẩn Corona đang hoành hành tràn lan trên mạng lưới internet, trên mạng xã hội facebook, trên toàn nước Mỹ. Cách đây mấy ngày, tổng thống Hoa Kỳ, Donald J. Trump đã ban lệnh cho tất cả mọi tiệm tùng đều đóng cửa trừ những tiệm bán thức ăn, xăng dầu, và những nhu yếu phẩm cần thiết.  Nhưng Hoàng cũng hơi bất ngờ khi thấy vợ ở nhà. Vì lâu rồi, nhất là từ khi gia đình chàng mua căn biệt thự này, thời gian Hoa ở nhà còn khan hiếm hơn. Nhiều lúc mấy tháng ròng chàng cũng không gặp vợ, dù chỉ thoáng qua. Hoàng ngập ngừng trả lời vợ:

- À.... Anh nhớ rồi, vi trùng Wuhan, nên tiệm đóng cửa.  Em đang nướng bánh pâté chaud à?

- Dạ.  Đã lâu lắm rồi mới làm bánh, không biết có còn ngon như xưa không?

Hoàng đi lại gần vợ, nhìn Hoa từ đầu đến chân.  Hôm nay, Hoa mặc chiếc áo ngủ màu hồng nhạt, điểm thêm những cánh hoa rất xinh.  Vài sợi tóc lòa xòa che phủ đôi mắt nàng. Đôi mắt mà chàng đam mê từ thuở lúc còn làm sinh viên. Ngoài đôi mắt ra, mọi thứ trên khuôn mặt nàng giờ đã thay đổi rất nhiều.  Làn da xạm đen, khô, và có thêm vài đốt đồi mồi trên khuôn mặt. Khoé mắt nàng có thêm những vết nhăn, mệt mỏi. Hơn mười năm rồi, hôm nay, Hoàng mới nhìn vợ gần và kỹ đến vậy.  Hoàng đi đến bên vợ, âu yếm, nịnh nàng:

- Bánh em làm lúc nào cũng ngon hết.  Ba cha con anh đã lâu lắm rồi không được ăn bánh em làm. Hay những món ăn mà em thường nấu khi chúng ta còn ở nhà townhouse.

Nghe Hoàng nói, Hoa giật mình.  Đã lâu lắm rồi nàng chưa vào bếp nấu ăn.  Sau khi mua được căn tiệm làm móng, nàng nghĩ rằng mình sẽ dành thời gian cho chồng, với con nhiều hơn khi còn làm thợ cho người ta.  Nhưng, công việc ở tiệm luôn bận rộn và thợ luôn tranh giành khách khiến nàng luôn phải có mặt để giải quyết. Và hơn hết, vì đam mê kiếm thêm tiền, nên nàng tiếc của mỗi lần nghỉ ở nhà, bên chồng con.  Nàng đi làm bảy ngày một tuần từ mười giờ sáng đến mười giờ đêm. Mọi việc trong nhà nàng giao hết cho Hoàng. Thời gian đầu, Hoàng còn khuyên vợ nghỉ một hai ngày để lấy sức và lo cho gia đình, nhưng nàng cứ hẹn lần hẹn lửa và viện cớ kiếm thêm tiền để mai mốt cho hai con đi học khỏi phải vay mượn. Khuyên vợ không được, nên Hoàng đành buông xuôi. 

Mỗi ngày Hoàng đi làm ở hãng Philip Morris, một hãng sản xuất thuốc lá ở thành phố Richmond, từ bảy giờ sáng đến bốn giờ chiều rồi chàng đón con từ YMCA về rồi lo cơm nước cho chúng. YMCA là một hội đoàn trên thế giới có trụ sở ở Geneva, Thụy Sĩ với hơn 64 triệu thành viên trên 120 nước. Nơi đây có nhiều chương trình thể thao, trí tuệ, và  tâm linh cho mọi lứa tuổi, nhất là những trẻ em còn đi học. Hoàng gởi hai con vào đây từ khi chúng bắt đầu đi học. Buổi sáng trước khi đi làm, chàng bỏ hai con ở YMCA rồi vội lái xe đến sở. Chiều rước chúng về và lo cho chúng ăn. Sau khi đón con về, ba cha con Hoàng thường ghé vào mua thức ăn nhanh từ các tiệm gần nhà. Lúc thì ăn ở tiệm McDonnald, khi thì ở tiệm Pizza Hut, Burger King, Chicken Popeyes.... hoặc mì gói, hoặc hâm nóng thức ăn từ tủ đông. Nhiều lúc Hoàng tự hỏi không biết chàng có thể kéo dài cuộc sống gia đình như thế này đến lúc nào?  Nhất là gần đây, nơi hãng làm việc của Hoàng vừa nhận vào vài nhân viên gốc Việt. Trong số đó có Thủy. Thủy là một phụ nữ ngoài bốn mươi. Người nhỏ nhắn. Thủy tuy không đẹp, nhưng nói chuyện có duyên. Một lần, trong giờ cơm trưa, không tìm được bàn trống, Thủy đến bàn ăn của Hoàng, nàng chào:

- Hello...

Hoàng nhìn lên thẻ nhân viên đeo trên áo của Thủy rồi cười nói:

- Em người Việt?

- Dạ.  Em tên Thủy.  Còn anh?

- Hoàng.

Chàng vừa nói vừa chìa ra thẻ nhân viên của mình cho Thủy xem.  Xong, chàng hỏi:

- Em làm ở department nào mà anh không biết?

- Em làm bên Data Analyst.  Em cũng mới vào làm chừng mấy tháng nay.  Còn anh?

- Anh làm bên Engineering.  Bên computer engineering. 

- Ồ... Hèn gì ít gặp anh.

Sau lần chào hỏi và quen biết đó, Thủy và Hoàng thường tâm sự với nhau.  Hoàng biết được Thủy là chị cả trong một gia đình bảy chị em. Cả nhà Thủy định cư tại Hoa Kỳ theo diện HO và sống ở vùng Falls Church, Virginia.  Lúc mới qua Mỹ, nàng đi làm để phụ giúp ba mẹ và lo cho những đứa em còn tuổi ăn học. Thủy làm việc ở một nhà hàng trong khu thương xá Eden và ban đêm phụ giúp ba mẹ dọn dẹp văn phòng ở Crystal City.  Sau khi các em khôn lớn, học hành thành tài, nàng mới bỏ việc ở nhà hàng và nộp đơn đi học lại. Sau gần mười năm vừa học vừa làm, nàng cũng tốt nghiệp bằng cử nhân tại trường đại học George Mason và đã làm ở một vài nơi trước khi xin vào làm ở hãng Philip Morris này.  Vì lo cho gia đình, cho em nhỏ, rồi phần bận rộn với công việc, học hành, nên tuổi thanh xuân qua mau. Lúc Thủy nhìn lại thì đã quá tuổi lập gia đình. Thời gian đầu, nhiều lần trong giờ ăn trưa, Thủy thấy Hoàng hay ăn mì gói hoặc những thức ăn đông lạnh mua từ các siêu thị. Nàng nghĩ chắc Hoàng sống độc thân nên không người lo cơm nước.  Sau một thời gian tìm hiểu, Thủy mới biết Hoàng có gia vợ và hai con. Nhiều lần, Thủy cố tình nấu thêm một phần cơm trưa mang theo, trao cho Hoàng. Gặp Hoàng ở phòng ăn của nhân viên, Thủy nói:

- Thủy sống độc thân, có mình ên... Nấu nhiều ăn không hết nên nhờ anh ăn phụ cho vui.

Lúc đầu Hoàng còn ngại, nhưng thấy Thủy chân thành, vui vẻ mời, nên dần dà chàng tự nhiên ăn thức ăn mà Thủy mang theo.  

Từ ngày quen Thủy, Hoàng thích đi làm hơn.  Mỗi sáng, Hoàng dậy sớm, sửa soạn quần áo chỉnh tề, thúc giục hai con chuẩn bị sớm hơn để đưa chúng đến YMCA rồi chàng chạy thẳng đến sở làm.  Ở hãng làm việc, Hoàng cảm thấy vui vẻ hơn là ở trong căn biệt rộng rãi mà trống vắng. Hoàng thích được ngồi bên Thủy, trong giờ cơm trưa, được nàng chia sẻ những bữa cơm thuần Việt mà đã từ lâu Hoa không nấu cho chàng, cho gia đình. Về phần Thủy, ban đầu nàng chỉ tò mò về người bạn đồng nghiệp làm chung.  Lâu dần, tình cảm của nàng dành cho Hoàng không đơn thuần là do tò mò, sự quan tâm, an ủi như trước. Dường như tình cảm đó đã trở thành tình yêu. Thủy biết Hoàng đã có vợ và hai con, nhưng sự rung động của con tim nàng khó cưỡng lại. Nàng siêng chăm chút nhan sắc và lên mạng, trên Youtube, học thêm nhiều món mới để nấu mang theo đến sở làm cho Hoàng.  Với tuổi của Thủy thì tình yêu không ở cái nhìn đầu tiên, ở tiếng sét tình ái, rung động đầu đời mà đó là sự đồng điệu trong ăn uống, sự hòa quyện vào nhau giữa mùi vị của những món ăn đầy hấp dẫn như câu mà người ta thường nói Con đường ngắn nhất để đến được tình yêu là thông qua dạ dày. Từ ngày quen biết với Thủy, Hoàng dường như quên hẵng đi mình còn có vợ.  Nhiều lúc Hoàng nghĩ, nếu không vướng bận hai con, có lẽ chàng đã dọn ra sống chung với Thủy. Và Hoàng chắc rằng Thủy sẽ vui vẻ mở rộng vòng tay đón chàng. 

Hoàng giật mình khi nghe Hoa gọi:

- Anh nè...

- Ờ... Ờ... Gì vậy em?

- Anh làm gì mà giật mình vậy?  Bộ mặt em dính bột hay sao mà anh nhìn chầm chập và bất thần vậy?

- Không... Không... Không có dính bột.  Em nướng bánh rồi còn nhồi bột thêm chi?

- Dạ em nhồi bột để tí nữa làm bánh bao cho ba cha con mai ăn.

Hoàng đến bên Hoa, ôm choàng lấy nàng, rồi nói:

- Cám ơn em.  

- Anh là vậy.   Nghe đến ăn là cười tươi như hoa.

- Anh có tâm hồn ăn uống mà.  Nhưng lâu nay tâm hồn đó bị héo úa vì em không nấu cho ăn.  Ăn pizza riết rồi khô như miếng pizza luôn vậy đó.

- Em biết chứ.  Mười năm nay em không nấu nướng gì, chỉ biết cắm đầu vô cửa tiệm mà bỏ mấy cha con ăn bữa đực bữa cái.  Nhân dịp này, em sẽ nấu nướng và làm bù lại chịu không? À, mà hãng anh có đóng cửa không? Anh có cần phải làm việc không?

- Không.  Anh có thể làm việc ở nhà. 

- Hay quá, vậy là cả nhà mình sẽ cùng nhau ăn chung với nhau cho đến khi mùa dịch qua.  Khi nào mùa dịch qua, em hứa sẽ nghỉ bớt một vài ngày để nấu cho mấy cha con anh, chịu không?

- Tuyệt vời!  Đồng ý một trăm phần trăm. 

Nói rồi Hoàng ôm vợ vào lòng, hôn lên má nàng.  Hoàng thầm nghĩ. Cũng hên là mình chưa có gì với Thủy, làm chuyện có lỗi với Hoa. Hoàng chợt nghĩ, trong hoạ có may.  Cũng nhờ có cơn dịch này mà đã đem vợ chồng chàng xích lại gần nhau hơn. Gia đình đầm ấm an vui. Và, vô tình, cơn dịch đã cứu vớt hạnh phúc gia đình Hoàng.


 

Ý kiến bạn đọc
18/04/202007:59:15
Khách
Chuyện hay, anh chồng hiền lành, nhưng hơi tội nghiệp cho cô Thủy. Đại dịch cũng có vài mặt tốt đấy chứ: không khí trong lành , nhiều thì giờ cho gia đình...
14/04/202012:37:54
Khách
Đây là câu chuyện rất đúng với thực tế ngoài đời. Nhiều người đã bị sức mạnh của đồng tiền lôi cuốn quên mất trách nhiệm với gia đình, và ngay cả bản thân. Xem ra cô Vy cũng có mặt tốt nhỉ?
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 1,679,688
Tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Năm 2019, Tác giả nhận thêm giải Chung Kết Vinh Danh Tác Giả Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ hay còn gọi là giải Hoa Hậu. Tốt nghiệp Y Khoa Huế, thời chiến tranh Bác sĩ Vĩnh Chánh đã là Y Sĩ Trưởng binh chủng Nhảy Dù.
Tác giả đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước và mới nhận giải Viết Về Nước Mỹ Đặc biêt 2018 và giải Danh dự 2019. Bài đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà tới hơn 400 người tử vong- Hiện ông đang là cư dân Orlando, Florida, vùng đất rất quen với bão lụt.
Lời tòa soạn: Độc giả theo dõi Viết Về Nước Mỹ hẳn quen thuộc với ngòi bút Nguyễn Trung Tây. Tác giả là một linh mục dòng Ngôi Lời, và là người nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2010, khi ấy Tác Giả đang làm việc với thổ dân các thôn làng hẻo lánh vùng sa mạc miền Trung Úc Châu, không kịp về lãnh giải. Cụ bà Hà Thị Phức, năm ấy 86 tuổi, là nhân vật chính bài “Mẹ, Mẹ Tôi” của tác giả từ San Jose đã bay về nhận giải thay người con linh mục viết văn. Hôm nay, nhận tin Bà Cố đã được Chúa gọi về, Việt Báo và toàn ban tuyển chọn Viết Về Nước Mỹ xin thành kính phân ưu cùng tác giả Nguyễn Trung Tây và cùng dâng lời cầu nguyện cho linh hồn Bà Cố Maria Hà Thị Phức sớm an hưởng nhan thánh Chúa. Xin đăng lại bài “Mẹ, Mẹ Tôi” để tưởng nhớ.
Lịch sử nhân loại đã từng diễn ra bao nhiêu trận chiến kinh hoàng, xương chất thành núi máu chảy thành sông vì chuyện màu cờ sắc áo. Với người Việt nam thì ai quên được bức ảnh những người lính Thuỷ quân lục chiến của quân đội Việt nam Cộng hoà cắm cờ quốc gia sau khi tái chiếm Cổ thành ở Quảng trị vào mùa hè đỏ lửa năm 1972. Có thể đó là tấm ảnh đã làm thay đổi cậu bé tôi vì chào cờ mỗi sáng thứ hai đầu tuần ở sân trường học, cậu bé tôi chỉ chăm lo cho bộ đồng phục của mình thẳng thớm, cột dây giày đã đúng cách chưa để không bị phạt
Trời cuối thu, những chiếc lá vàng bay lượn trên không rồi từ từ thả mình xuống mặt đất. Thỉnh thoảng một cơn gió nhẹ lướt qua, đám lá trên cành lao xao và khi trời lộng gió từng đám lá lià cành tung mình khắp không trung. Cảnh đẹp như tranh vẽ. Chỉ vài ngày nữa thôi, chiếc lá cuối cùng rụng xuống, cây sẽ chỉ còn những cành trơ trụi, khẳng khiu. Bà bước ra khu vườn nhỏ, lững thững đặt chân trên thảm lá vàng, những chiếc lá khô như vỡ vụn dưới từng bước chân. Không gian tĩnh lặng, êm đềm. Bà hít thật sâu, thở ra thật nhẹ. Bà đếm từng hơi thở, chú tâm đến từng bước chân đi, đầu óc nhẹ nhàng, tâm hồn thanh thản. Cứ lẳng lặng như thế cho đến lúc thấm mệt bà ngả người trên chiếc võng ngước nhìn lên trời cao tìm mây. Trời xám buồn, chỉ có vài quầng mây mỏng, ửng nắng.
Sau hơn hai năm sống lây lất ở trại tị nạn PFAC (The Philippine First Asylum Camp,) cuối cùng tôi được thằng Thanh sống chung trong nhà giới thiệu vô IOM (The International Organization for Migration) làm thế chỗ nó khi nó lên đường đi định cư vào giữa năm 1991. Cơ quan này là một trong các cơ quan đầu não rất quan trọng, chỉ sau Cao Ủy Tí Nạn (UNHCR-The United Nation High Commissioner for Refugees) và Văn Phòng Ban Quản Đốc Trại (OIC- Office In Command) mà thôi. IOM có nhiệm vụ đón người tới, đưa người lên đường định cư hay hồi hương, chăm sóc sức khỏe, lo lắng đời sống cũng như quản lý dân số trong trại do đó vô cùng bận rộn với rất nhiều công việc.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam. Bà tên thật Nguyễn thị Ngọc Hạnh, trước 1975 đã là giáo sư trung học đệ nhị cấp tại Saigon. Cùng gia đình tới Mỹ từ 1979., hiện hưu trí tại miền Đông và vẫn tiếp tục viết. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Gia đình cô Loan qua Mỹ năm 1995 theo diện HO. Cô có 3 người con, Tuấn (trai đầu) có gia đình ở Sacramento lái xe về nhà cô khoảng 2 tiếng đồng hồ, Kiệt (con nhì) và gái út là Thanh Phương làm việc bên Washington D.C và Texas. Cô chú đến tuổi nghỉ hưu nên cũng tìm niềm vui tuổi già. Cô Loan thích đọc sách và đi Chùa, còn chú Phi ưa gặp bạn bè uống cà phê tán dóc và tham gia sinh hoạt bạn “tù cải tạo”, bạn chung đơn vị lính, bạn trường học cũ và khoá Thủ Đức. Từ khi bị bệnh dịch Covid_19, cô chú chỉ biết bó gối xem tivi, xem phim và ra vô khu vườn tỉa hoa nhổ cỏ. Thỉnh thoảng Tuấn cũng lái xe lên thăm ba mẹ.
Chúng ta đang sống trong một đất nước an bình, thịnh vượng, và no ấm nên ít ai phải bận tâm với cái đói; chúng ta chỉ lo hôm nay phải đổi món ăn gì cho ngon miệng mà không ngán. Vậy mà ngay trên đất Mỹ này, nơi mà thực phẩm, thức ăn đầy đủ nếu không muốn nói là dư thừa và rẻ nhất thế giới, tôi vẫn còn giữ cái tật không cần thiết là tích trữ thực phẩm, đồ ăn khô phòng khi đói, bảo đảm giữ được phẩm chất 10 năm, và vài thùng nước 20-gallon màu xanh.
Tác giả đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước và mới nhận giải Viết Về Nước Mỹ Đặc biêt 2018 và giải Danh dự 2019. Bài đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà tới hơn 400 người tử vong- Hiện ông đang là cư dân Orlando, Florida, vùng đất rất quen với bão lụt.