Hôm nay,  

Nhà Mẹ Lúa Bị Bão Harvey Dập

25/09/201700:00:00(Xem: 11904)
Tác giả: Trần Như Nguyện

Bài số 5227-19-31070-vb2092517
 

Gia đình tác giả tại Houston là nạn nhân trực tiếp của bão Harvey. Nhà bị tốc mái. Mẹ Lúa vào bệnh viện bằng trực thăng tải thương. Tác giả  định cư tại Mỹ 24 năm, tốt nghiệp đại học tổng hợp, hiện đang là cộng tác viên của một đài truyền hình nhưng chỉ mới bắt đầu dự viết về nước Mỹ từ Tháng Bảy 2017, với bút danh Như Nguyện, bài “Nước Mẹ, Nước Con.” Sau đây, bài viết thứ hai, lần đầu ký đầy đủ tên họ Trần Như Nguyện.

viet ve nuoc My

Tác giả và người thân bên đống đổ nát.


***
 

- Mẹ sao rồi, gia đình Út Khoai an toàn chứ?

Giọng thằng Ngô dồn dập hỏi thăm trong tiếng nấc khóc òa, mừng rỡ khi nghe người thân còn sống sót.

- Nhà con bị lốc xoáy bay sập tan nát.  Gia đình đã di tản rồi.

Ngô mếu máo từ Conroe gọi về sau một ngày mất liên lạc không điện không internet.

Mẹ Lúa bàng hoàng làm rơi cả ly nước. Không ngờ Harvey, cơn bão lịch sử mang thảm họa khủng khiếp  giáng xuống nhân thân mình và nhiều thành phố của Texas ngoài sức tưởng tượng.

Đã chạy qua bao nhiêu trận bão tàn khốc tại quê nhà của những năm 1999, 2007 nên mẹ ra vẻ xem thường cho rằng chẳng nghĩa lý gì vì ta từng ngồi trên gác lửng nhà tranh, ăn cá khô muối mặn, xả ớt cả tháng khi lũ dưới chân. Mẹ Lúa ngờ đâu có ngày mình phải đối diện mức độ hủy diệt của bão Harvey đổ bộ ghê gớm thế này.

Tuy báo chí truyền thông đã cảnh báo trước nhưng các cơn lốc xoáy kèm theo mưa to dồn dập khiến một vài nơi khu vực phải đối mặt với lụt vây bủa, nước trắng xóa đến độ mà "ngoại bất nhập, nội bất xuất" làm cả nhà không còn đường chạy.  Chạy ra đường là chỉ có chết trong biển nước đang nhấn chìm dần dần mọi cảnh vật.

Liên tiếp mấy ngày như trời kêu ai nấy dạ, Houston trân mình chịu trận với cơn bão Harvey.  Mưa trút xuống tầm tã, thành phố lãnh đủ tang thương của trời đất.  Mẹ Lúa cùng con cháu thất thần, mặt mày xanh như tàu lá chuối, ai đều lo lắng cho nhau sinh mạng khi mỗi đứa con mẹ đang mỗi nơi.

Bỗng dưng gió rít rú lên cùng lốc xoáy bay tối mịt mù vùng trời Cypress nhà mẹ Lúa. Ầm ... ầm ... và rồi cả cái nóc nhà văng tưng ra, ngói đi đường ngói, tường đi đường tường, cây bị lốc dữ cắt ngang đâm vào nhà, đồ đạc nát bét, tiếng thủy tinh kêu loảng choảng leng keng.  Đầy kinh hoàng, mẹ sợ điếng không nói nên lời. Mưa cứ tàn nhẫn trút nước ào ạt dội vào nhà. Nước mắt nước mưa hoà vào nhau trong cảm giác hoảng loạn sợ hãi tột cùng bám sát theo mẹ.

Đâu đó tiếng la thất thanh của hàng xóm và người đi đường, tiếng động va chạm sập nát pha lẫn tạp âm gió thổi vù vù đe dọa.  Nhìn ra đường nước ngập xung quanh không biết đâu là bờ.  Các hàng rào ngăn cách mỗi nhà nay tan tành cùng bao cây cối nằm rạp chết ngả nghiêng.

- Thôi rồi, bay hết cả nóc nhà Michael, còn Vicky thì cây đổ hư hại phòng khách.

Tay mẹ bắt đầu lạnh ngắt, run lập cập. Các phóng viên truyền hình local 2, abc 13 nhanh chóng xuất hiện ghi hình phát sóng trực tiếp ngay trước khu phố.

Sợ hơn nữa khi tin nhắn của Trung tâm kiểm soát khí tượng liên tục hiện trên màn hình phone cảnh báo lốc sẽ xâm nhập khu vực zip code nào. Cả nhà điếng hồn, Út Khoai con gái mẹ Lúa cũng run bần bật.  Tim đập liên tục, huyết áp lên cao, mẹ thều thào:

-  Út Khoai gọi 911 nhanh, mẹ sắp chết rồi, thở không được nữa.

- Trời ơi, giờ này làm sao xe cứu thương vào nhà mình được!

Dù nói vậy, Út Khoai vẫn lập tức gọi 911. Chỉ vài ba phút sau một chiếc trực thăng bay đến kịp thời tải thương mẹ vào bệnh viện. Sự việc xảy ra nhanh như chớp.

Cả đội cứu hộ hối hả chăm sóc Mẹ Lúa khi thấy con số huyết áp cao vùn vụt cùng nhịp tim bất bình thường của mẹ rõ mồn một.  Mẹ nằm trên băng ca mà vẫn còn mở mắt he hé tí ti xem mấy người Mỹ cứu mình ra sao.

- Không ngờ Mỹ number one, có chết cũng không tiếc khi thấy bằng mắt mọi sự, họ coi tính mạng con người trên hết.  Máy móc y khoa thì hiện đại chứ không phải hại điện.

Trong khi nằm lại tại bệnh viện, thấy bị thử nghiệm khám bệnh kỹ quá mẹ Lúa sợ bị lấy máu xét nghiệm muốn tìm cách trốn về nhưng xung quanh nước ngập đành chịu trận, chỉ còn cầu trời khấn phật.

Chuỗi ngày ảm đạm buồn đau trôi chậm.  Thành phố như bị nhấn chìm dưới nước, mọi người phải theo lệnh di tản trong đó có con cháu mẹ.  Mẹ khóc khô nước mắt, lo cho thằng Ngô con Khoai chạy bão sẽ về đâu. Ngày đêm, tâm trí đặt vào cái tivi trước mặt trong phòng bệnh nhân tuy tiếng Anh không rành mà sốt cái ruột.

Vậy mà bọn con cháu Việt kiều Lúa còn tự hào sang sảng:

- Cần gì là ta cứ ú a ú ớ, liều sử dụng động từ "tui quơ"  nghĩa là quơ tay ra dấu hiệu, vậy mà Mỹ sắc dân nào cũng hiểu cả mới tài.  Tụi bây học cho cố vào chưa chắc bằng ngoại.

Xem truyền hình mỗi ngày cập nhật thông tin, mẹ Lúa lấy bút ra ghi lại bằng tiếng Việt để có dịp kể lại cho con cháu còn tại Việt nam.  Nào là 12 000 vệ binh quốc gia, mấy ngàn người thuộc đội đặc nhiệm SWAT, cảnh sát duyên hải, hàng trăm trực thăng cứu hộ, xe cứu hỏa, xe cứu thương inh ỏi trên đường phố, 2 chiến hạm USS tiếp tế  thực phẩm  đã vào bờ Texas.  Vô số thiện nguyện viên khắp nơi từ các tiểu bang và đặc biệt cơ quan cứu trợ khẩn cấp bão lụt liên bang FEMA ráo riết ra tay cứu nạn nhân làm Mẹ bớt cồn cào cái bụng.  Hy vọng thân nhân bà con thoát nạn nhờ nỗ lực của chính quyền.


Mẹ chép chép lia lịa từ trang này đến trang kia không thua gì phóng viên nhà báo mới là ơn trời!

Qua siêu bão thập kỷ Harvey mẹ cảm nhận được tình người của nước Mỹ.  Trên phone gọi về cho Khoai:

-  Con ơi, khi thiên tai mẹ thấy người Mỹ không phân biệt màu da, dân tộc, giàu nghèo, danh phận, tôn giáo, chính kiến mà chỉ quan tâm cứu người trước.  Ai cũng dám hy sinh chịu khổ trong mưa bão để kịp cứu vớt bao nạn nhân tuyệt vọng giữa ranh giới sự sống và cái chết.

Mẹ mừng muốn khóc khi biết 450 ngàn gia đình và con cháu được giải cứu trong tình trạng nhà cửa chìm dần trong biển nước cao đến 30 inches.

Bé Bống từ xa gọi vào bệnh viện tường thuật cho bà ngoại hiểu thêm tình hình Northwest, Cypress nơi mình sống.  Mặc dù được sinh ra tại Hoa kỳ nhưng Bống rất lưu loát tiếng mẹ đẻ.

-  Harvey như cơn đại hồng thủy tấn công mạnh nhất trong vòng 12 năm nay đó ngoại.

- Vậy mà ít người chết mới phục sát đất. Thật kinh hoàng, Texas nhận 25 000 tỷ gallon nước, nếu Việt nam là tiêu đời, dân chúng sẽ chết dưới đáy sâu 40 mét.  Mọi người đi bán muối là cái chắc.

-  Sao ngoại biết ngọn ngành vậy?

-  Thì nhìn màn hình, con số hiện lên bà đoán mò thôi.

-  Chắp tay cháu bái sư phụ, a quên ...bái ngoại !

-   Mà nè, ngoại hên thiệt, gặp được bác sĩ Mỹ trắng điều trị, Mỹ da màu lấy mẫu máu, người Tây ban nha làm thủ tục giấy tờ.  Mễ thì khiêng ngoại lên băng ca.  Y tá Phi phục vụ.  Người Ấn độ đem thức ăn cho ngoại.  Phi công trực thăng lại là người Nhật hay Hàn quốc gì đó vì da trắng, mắt một mí mà ngoại thì lại gìà nua không phân biệt nổi.  Thông dịch là người Việt nam.  Đúng là con trời trúng số được cả Hợp chủng quốc Hoa kỳ cứu mạng.

Mẹ Lúa thao thao bất tuyệt trong khi Bống cười mếu.

-  Nếu xảy ra tại Việt nam chắc chỉ có chết.  Trong bão tố, hóa ra người Mỹ đã cố gắng làm những gì quan trọng nhất có thể vì tính mạng con người trên hết.  Một nước Mỹ nhân ái thầm lặng, san sẻ yêu thương không biên giới.    

-  Lạy ngoại, ai nói Lúa quê mùa ít chữ nghĩa là sai bét, cũng văn chương ghê á.

Tiếng cười ghẹo của cháu vang lên làm bà mắc cỡ mắng yêu

-  Cha mày, con nhỏ!

- Hihi... Nhớ cha con hả? Ngoại biết không, mình còn may mắn chưa bị sóng thần như Tsunami của Nhật bản Vui hơn nữa Bống bang từ đâu tiến lên cầm cái phone oang oang

Alo Alo các vị thần linh

Alo Alo thần gió thần lốc

Alo Alo con xin thưa thần

Hôm nay lập lễ vái thần

Xin cho bà ngoại hãy ngừng than van

Cứ thế, cả nhà cố tình chọc, mẹ Lúa buông một câu cà lăm:

- Đấttt ... ttthảm ... ttttrời ... sssầu, già rùi mà cũng chưa được yên.  Con với cháu.

Hơn cả tuần, Mẹ vẫn rơi nước mắt và đôi khi len lén chùi đi.  Lisa, cô hàng xóm:

    - Phải cười lên trên hoang tàn. Phải mạnh mẽ không được khóc. Mình cùng nhau làm lại dù con đường hồi phục không phải dễ dàng.

- Vâng

-  Mom có biết cả Texas tổn thất gần 200 tỷ USD nên mình vẫn may mắn hơn nhiều người.

So sánh nửa triệu nạn nhân mất mát nặng nề chúng ta lấy đó mà cảm ơn Chúa.  Trong cái tận xui mình sẽ học được bài học quý giá nhất chưa từng học.  Đó là nghị lực.

Lisa ôm mẹ Lúa an ủi :

-  Sống trong một chính phủ vì dân, Mom hãy hy vọng đến lòng nhân ái của chính quyền, FEMA, đoàn thể, tôn giáo, các nhà hảo tâm, công ty, doanh nhân giúp đỡ tiểu bang này hơn tỷ đô la... Tất cả không để Mom đơn độc lạc lõng.  Con đường trắng chưa đến độ trắng.  Đừng khóc nhé mẹ.

Rồi đây các nhóm trẻ thiện nguyện Việt nam, trường học, hội đoàn Mỹ sẽ tiếp sức giúp gia đình mình dọn dẹp.  So sánh các khu dân cư tại Clay Rd & HW6, W Little York & Concord Bridge nước ngập lên nóc mà họ chỉ cách nhà mình 10 phút thì phải gọi là cảm ơn Đời một mai thức giấc ta vẫn còn thêm người để yêu thương, tuy cũng nằm trong Harris County .

 Nước mắt mẹ lại rơi cùng bao nổi niềm không lời.

Còn Ngô thì bình tĩnh hơn tuy mất hết gia sản khi lốc xoáy bay sập nguyên nhà:

- Nước Mỹ không bỏ rơi mình đâu dù tiền FEMA cạn kiệt.  Hơn nửa triệu gia đình tài sản thiệt hại trầm trọng cần ưu tiên trước. Giúp ít nhiều gì cũng còn hơn là không.

Dù đã được bọn trẻ an ủi trước, nhưng khi tự tay cầm cái ngân phiếu check trực tiếp cùng thùng thực phẩm, nước uống, bao nhiêu thứ phẩm khác mà mẹ cứ ngỡ như giấc mơ.

-  Sẽ không ai có quyền lấy lại những thùng cứu trợ này hay cắt bớt tiền đi chứ con?

-  Oh my God !

Út Khoai ngạc nhiên rồi hiểu ra, trấn an:

-  Mẹ ơi, mình đang sống ở nước Mỹ mà mẹ. Đây có phải quê lúa mình đâu mẹ.

Nói  vậy, nhưng những cái tên Lúa, Ngô, Khoai, Bống như vận vào cuộc đời.  Thoát khỏi cái khổ làng quê, nay qua đây đại gia đình vẫn chạy bão và chạy còn kinh khủng hơn nữa.  Cả ba thế hệ chạy lụt mà mỗi người mỗi ý nghĩ niềm riêng.

Đi qua tâm bão, mẹ Lúa nhìn ra nhiều cái lạ Mỹ quốc tư bản, đó là cách chuẩn bị, xử lý đầy trách nhiệm của chính quyền trước và sau cơn bão Harvey.  Mẹ ấm áp nhận thêm biết bao lòng nhân ái từ trái tim đến trái tim đã được nuôi dưỡng trong một quốc gia nhân đạo thật tuyệt vời và cả sự hy sinh của các anh hùng thầm lặng đáng tôn vinh.

Con đường hồi phục của Texas sẽ đầy khó khăn thử thách, trong ấy có hình ảnh gia đình mẹ Lúa.

Trần Như Nguyện

Ý kiến bạn đọc
03/07/201814:21:00
Khách
C’est magnifique !👍
01/10/201715:14:25
Khách
Niềm tin nơi nước Mỹ là thật vì họ là những con người thật sự , Khi dang tay cứu giúp họ chỉ nghĩ đến sự an toàn của con người bất kể là nòi giống nào , tôn giáo nào . Niềm tin chính đáng đó đã khiến cho Mẹ Lúa khi bình tâm lại bấc giác lại nhớ lại cái cảm giác sống chết mà mẹ Lúa cũng từng chạy xuôi chạy ngược năm xưa ở Việt Nam , bất chợt trong khoảnh khắc đó mẹ Lúa đã rõ ràng đã đến được cái cảm thông của tình người . Mẹ Lúa nhận thức rõ ràng khi mọi việc đã qua : chỉ có tin yêu mới rũ bỏ được mọi thứ , chỉ có tin yêu vào cái đất nước đáng tin mới thong dong được khai mở . Rồi cuộc đời sẽ không còn là đời thường nhật nữa , mà tràn trề cảm hứng tình người dạt dào . Khi con tim vô nhiễm , những ngăn cách đều tan biến .
Tôi nghĩ bài viết của cô Trần Như Nguyện đã lột tả được những nét sâu sắc mà tôi vừa nêu ra . Bài viết nói trọn chữ cảm chữ tình của con người mộc mạc Việt Nam chân thật cho dù có ở bất cứ nơi đâu .
01/10/201708:33:22
Khách
Đây là một bài viết nói lên được sự tin tưởng một đất nước khi có những thiên tai xảy ra cho con người . bài viết nẻu ra được cái khoảng cách tích tắc tưởng chừng như có thể chết đi , trong hoang mang con người vẫn quên bản thân mình mà chỉ lo cho người thân yêu . Đó là cái " chất " tình người rất Việt Nam mà tác gỉa đã lột tả được rõ ràng . Là những con người sống từ khoảnh khắc rất Việt ở tại nước Mỹ . Tôi đánh giá cao bài này mong rằng tác giả hãy cố gắng viết nhiều thật nhiều cho dù có được chấm qua hay không . nhưng TRAN NHU NGUYEN hãy cố lên dù gian nan đến đâu cũng không được từ bỏ
26/09/201702:55:59
Khách
31 tháng 8 2017- Nhà báo Phạm Phú Thiện Giao đã đến thăm Nhà thờ La Vang và Chùa Liên Hoa nơi có một số người Việt đang tạm trú ẩn. Ông nói “Đồ ăn thức uống thì không thiếu. Cộng đồng đem đến rất nhiều đồ ăn, nhiều đến mức không thể tưởng tượng được. Họ phải đem hiến tặng cho các nơi tạm trú khác. Còn về vệ sinh, các nhà thờ và chùa cũng tổ chức rất tốt, nên những người cư trú tại đây rất thoải mái. …Có một điều khiến tôi rất là ngạc nhiên và tôi sẽ nhớ mãi. Đó chính là tinh thần tương thân tương trợ của người Việt Nam rất là cao…..Hầu như tất cả những người tôi gặp đều trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia vào các công tác cứu trợ”. Ông Trần Quốc Anh- Chủ tịch cộng đồng người Việt ở Houston- nói "Số lượng người tham gia thiện nguyện còn đông hơn số nạn nhân. …. Nạn nhân chưa tới mà tình nguyện viên đã đến trước rồi."

September 12, 2017 – Sau khi cứu trợ lũ lụt San Jose $5 triệu Mỹ kim hồi tháng ba, ông Hoàng Kiều tiếp tục trao tặng số tiền tương tự, giúp thành phố Houston tái thiết sau cơn bão Harvey.
26/09/201702:50:08
Khách
Bài viết rất hay. Phải đã từng là nạn nhân, như tác giả, bị sống trong cảnh ngập lụt, gió xoáy khi cơn cuồng phong Harvey bủa vây Houston thì mới có thể viết thuật lại được một cách sống động như vầy.

Bài viết này nếu được dịch ra tiếng Anh thì có thể gây được sự chú ý của báo chí Mỹ, vì đề cập đến nỗi cảm xúc của một người Việt khi đất nước Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ bị rơi vào cơn hoạn nạn.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 3,862,600
Tác giả là một kỹ sư công chánh, cư dân Torrance, California, đã góp một số bài Viết Về Nước Mỹ từ năm 2002. Ông cũng đã xuất bản một số du ký như: “Á Châu Quyến Rũ”, tập 1 & 2 và “Đi Cruise Bắc Mỹ” hiện có bán tại các nhà sách trong vùng Little Saigon. Bài viết mới của tác giả kỳ nầy nói về một đề tài khác là những niềm vui khi “chơi” facebook.
Đây là tự sự của một thành viên tham gia chương trình VVNM. Tác giả bắt đầu tập viết ở tuổi 70 (2015), trong thời gian hai năm đã vượt qua mọi khó khăn và đã đoạt được giải Danh Dự (2016) và giải Vinh Danh Tác Phẩm (2017). Tác Giả quê quán ở Bến tre, sang Mỹ năm 1973, môt chuyên viên kỹ thuật về hưu, đang định cư tại Orange County. Hiện ông vẫn tiếp tục viết với sức sáng tác mạnh mẽ.
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College. Với bài "Niềm Đau Ơi Ngủ Yên" viết về trại tị nạn Palawan-Philippines, Triều Phong đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà sinh năm 1951tại miền Bắc VN, di cư vào miền Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ cho tới ngày 29 tháng Tư 1975. Vượt biển và định cư tại Mỹ năm 1980, làm thư ký văn phòng chính ngạch tại City of San Joje từ 1988-2006. Về hưu vào tuổi 55, hiện ở nhà chăm nom các cháu nội ngoại. Bài đầu tiên của bà, “Cả Đời Tôi Làm Thư Ký Sở Mỹ. Sau đây là bài viết thứ hai của bà.
Tác giả là trưởng ban Tuyển Chọn Chung Kết giải Việt Báo từ năm 2017. Tham gia Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, bà nhận giải chung kết VVNM 2001, với bài “32 Năm Người Mỹ Và Tôi” và vẫn tiếp tục viết. Bà hiện làm việc bán thời gian cho National-Interstate Council of State Board of Cosmetology (NIC) và là cư dân Westminster. Bài mới nhất là chuyện mấy bà mấy cô đi chụp quang tuyến để khám ung thư ngực.
Tác giả Hồ Nguyễn, cư dân Buffalo, NY. đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước Bài viết đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà có tới hơn 400 người tử vong... Hiện ông đang là cư dân Orlando, FL. và bài mới là chuyện về một số người thành công, một đề tài mà ông đã được mời nói chuyện tại Đại Học Buffalo.
Anthony Hưng Cao là một Bác sĩ nha khoa, hiện hành nghề tại Costa Mesa, Nam Cali, từng nhận giải Tác Giả Xuất Sắc 2010,với hồi ký "My Life" chia sẻ kinh nghiệm học tập của ông. Ngoài nghiệp y khoa, ông còn là người viết văn, soạn nhạc và luôn tận tụy với sinh hoạt nghệ thuật, văn hóa, giáo dục. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả cùng 2 con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ, hiện có tiệm Nails ở Texas và lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Bài viết mới của bà kể về nghề lái taxi tại Huế và người khách đặc biệt là một nhạc sĩ gốc Việt danh tiếng ở Mỹ.
Tác giả hiện là cư dân Arkansas, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016, và luôn cho thấy sức viết mạnh mẽ và cách viết đơn giản mà chân thành, xúc động. Sau đây là bài viết mới nhất.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017 và đây là bài viết thứ ba của ông. Ông tên thật Trần Thanh Hiền, sinh năm 1955 tại Thạch Hãn, Quảng Trị, định cư tại Tulsa, Oklahoma từ 1977. Sau 35 năm làm Engineering Designer trong ngành Safety Technology – Fire Protection (Kỹ Thuật An Toàn – Phòng Chống Lửa), đã về hưu năm 2015, khi vừa tròn lục tuần, hiện là thông dịch viên hữu thệ tiếng Việt cho Tulsa County District Court và làm thiện nguyện tại Tulsa Catholic Charities.