Hôm nay,  

Đọc Cho Lớn

24/10/201700:00:00(Xem: 10404)
Đọc Cho Lớn
Tác giả: Trương Ngọc Bảo Xuân

Bài số 5250-19-31093-vb3102417

 
Tác giả là trưởng ban Tuyển Chọn Chung Kết giải Việt Báo từ năm 2017. Tham gia Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, bà nhận giải chung kết VVNM 2001, với bài “32 Năm Người Mỹ Và Tôi” và vẫn tiếp tục viết. Bà hiện làm việc bán thời gian cho National-Interstate Council of State Board of Cosmetology (NIC) và là cư dân Westminster. Bài mới nhất là chuyện mấy bà mấy cô đi chụp quang tuyến để khám ung thư ngực.

 
***

 
Trong tiệm Nails.

Hôm nay bà Ba vừa bước vô cửa tiệm đã tít mắt ra cười. Cô thợ Thanh nheo mắt, ngiêng đầu làm điệu, hỏi:

-Cha a a a… gì vui mà mới sáng sớm đã cười tươi quá vậy, trúng số hả chị? Tui nghe nói có người ở vùng này trúng…

Thanh chưa dứt lời bà Ba đã gạt:

-Thôi đừng có tào lao. Tại hôm qua ta có hẹn.

Thu hỏi:

-Ủa? bộ chị cũng bày đặt hẹn hò rồi hả? mấy bà sồn sồn như chị coi chừng bị gạt nghen. Mê trai theo trai -rồi cô ta ngân nga... ừm ứm ưm ừm ưm...

Bà Ba xí dài, cười cười:

-Xí í í... Ta hẹn hò, hổng phải chỉ một ông thôi mà tới mấy ông lận đó. Toàn là hàng sĩ… không đó.

Sương có vẻ ngạc nhiên, ngước lên hỏi:

-Vậy sao bà chủ? Hàng sĩ gì?

Bà Ba cười ngất:

-Thì bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ, thi…

Bà chưa dứt bị Thanh cự:

-Thôi. Bà nội. Giỡn hoài. Làm người ta cứ tưởng bở!.

Bà Ba ngưng cười, bộ mặt trở nên nghiêm:

-Hổng giỡn nữa, bây giờ nói chuyện quan trọng nè. Mấy cô ơi, năm nay, có cô nào đi chụp quang tuyến để khám ngực chưa? Cô nào qua 40 rồi như cô Thanh nhà ta, hay như tui trên 50 thì phải đi mỗi năm một lần, chụp hoài chụp cho tới chết đó nghen. Nhứt là, nếu trong gia đình đã có người bị ung thư ngực rồi thì càng phải khám thường xuyên hơn, bởi vì, đợi tới 1, 2 năm mới khám, tế bào ung thư ác tính phát ra là không chữa trị kịp đâu!

 Thanh xì dài một tiếng, liếc bà Ba:

-Hăm he! Bà “má chồng” này, tự dưng khai tuổi tùm lum. Người Mỹ gặp tui tưởng tui mới hăm mấy thôi nha.

Thu nói tiếp:

-Chớ ai mà ngờ bà mới hăm mấy bước qua, băm ba bước tới, bốn mấy bước lui ha ha ha... -He he he... -Tui hổng hiểu, tại sao phải dấu tuổi chớ?

Thanh cự lại:

-Mắc mớ gì phải khai ra? Có ai khảo đâu mà thưa? Ở Mỹ này người ta chuộng tuổi trẻ còn hăng say hoạt động, già già như chiếc xe hơi cũ, hư nầy hư nọ, là tuổi lần lần đi xuống dốc đồi, bắt đầu bị phụ phàng rồi má ơi.

Thu cãi:

-Xí, đừng nói chữ già nghe mích lòng, chớ không phải là càng trọng tuổi càng kinh nghiệm sao. Ở Mỹ này làm cái giống gì cũng cần có kinh nghiệm. Ngay cả làm nails, khách vô có ai hỏi -Tui muốn người thợ mới vô nghề hông? Khi bà đi bác sĩ hay có phải mổ xẻ gì, có ai lựa bác sĩ mới ra trường hông? Phải là bác sĩ từng trải tuổi đời và tuổi nghề mới có nhiều kinh nghiệm chớ. Đưa thân thể ra cho mấy ông thí nghiệm thì…

Thanh gạt ngang:

-Đừng coi thường. Bác sĩ mới ra trường nhưng người ta học những phương pháp mới. Y học càng ngày càng tiến bộ. Bây giờ họ áp dụng mổ xẻ bằng máy computer, phương pháp nội soi kìa. Tui biết mấy người rồi. Có bác kia hồi đó mổ đầu gối thì phải cắt ra thay vô may lại nằm bịnh viện cả tuần chưa đi được, bây giờ có bác nọ cũng mổ đầu gối, họ chỉ đục một hai lỗ nhỏ xíu, vô thay gì đó trong đầu gối rồi dán băng keo lại, mổ xong về nhà liền, vài ngày sau đi lại bình thường. Bác sĩ còn trẻ măng!

Bà Ba thấy hai cái ống loa này, y như hai cái loa còn đang triển lãm, ngay biên giới Bắc Nam ở cầu Hiền Lương. Khi còn chiến tranh, hàng ngày, mạnh bên nào nấy phát thanh. Lời kêu gọi lẫn tiếng nhạc trỗi lên, những tiếng gọi chiêu hồi chiêu quân. Cái bên miền Nam thì nhỏ và cái miền Bắc thì bự khổng lồ, nhưng thanh lực không ai kém ai.

Coi bộ tình hình sắp sửa găng, nổ lốp bốp như những vết đạn bắn nhau vẫn còn hằn trên hai cái loa Bắc Nam làm tang chứng, bà can liền:

-Thôi thôi, ở đó lo cãi, ai nói cũng đúng hết. Hai đàng nói qua nói lại trở thành lý do kỳ thị à.

Thu ậm ừ. Quay qua bà Ba, Thu hỏi:

-Ủa? Tui nhớ là, nghe chị tuyên bố là chị hổng thích cái vụ khám này mà, đã phải trả tiền mà còn cho người ta coi rồi bóp, đè, nhào, nặn nữa chớ.

Bà Ba ngưng cười, thở lấy hơi:

-Ha... Ừa. Thì hồi trước tui nói vậy, bây giờ khác. Hồi trước mỗi lần khám đau lắm. Tại vì năm nay tui đổi hãng bảo hiểm nên họ gởi qua bác sĩ mới. Tui phải khám bịnh tổng quát rồi chích thuốc ngừa cảm cúm luôn. Bác sĩ hỏi năm nay đi làm mammogram chưa? tui nói chưa, bác sĩ hỏi vậy chớ lần cuối cùng khám là năm nào? Tui nói chắc cũng cỡ 6,7 năm rồi, bác sĩ rầy quá trời. Cổ nói chị càng lớn tuổi càng phải chăm lo sức khỏe nhiều hơn. Rồi cổ giảng cho một hơi, những chuyện mình đã nghe qua rồi. Ừ ừ, phải khám để có gì, biết sớm thì có hy vọng chữa khỏi bịnh. Từ xưa tới nay bịnh ung thư ngực là quả bom nổ chậm cho giới phụ nữ đó mấy cô. Bây giờ, nhiều người đã chữa khỏi nhờ khám phá ra bịnh sớm. Thành ra, có nhiều người trẻ tuổi, khi biết bà nội bà ngoại hay mẹ mình có bịnh ung thư thì họ cho giải phẫu lấy cả hai vú ra luôn để ngừa vì ung thư thường là bịnh di truyền, giống như cô tài tử nổi tiếng Angelina Jolie đó. Bác sĩ nói tui đã gần 8 năm mà chưa chịu đi khám là hổng có được. Cho nên tui mới đi đó chớ. Cũng tại vậy mà tui mới có chuyện đặng kể đây nè.

Thanh lắc đầu:

-Cha chả, còn trẻ mà không còn ngực thì tội quá.

Bà Ba nói:

-Là hồi xưa kìa. Bây giờ đó hả, mổ xong, có thể thay ngực giả, đẹp mấy hồi. Bởi vậy tui mới có một trận cười nè, chưa kịp kể thì mấy cô đã nhảy vô chận họng làm lang bang lạc đề qua chuyện khác.

Sương, trẻ nhứt trong tiệm, nhíu mày nhăn mặt, nói:

-Ai mà bị mắc chứng bịnh ung thư thì tội quá, vừa sợ chết, vừa buồn khổ biết bao nhiêu. Đàn bà mà thiếu hai bên ngực thì còn gì là đàn bà nữa. Qua đến chuyện sửa ngực, nếu không có tiền thì sao?

Bà Ba gật đầu:

-Đúng rồi Sương. Muốn đẹp phải có tiền.

Sương lo lắng thấy rõ, hỏi:

-Vậy, làm mammogram là làm sao chị?

Hỏi đúng tầng số, Bà Ba phát thanh líu lo:

-Thì đó là cách họ dùng quang tuyến để chụp hình ngực coi có bướu hay có gì lạ hông, có khi biết cả 3 năm trước khi mụt ung thư xuất hiện đó. Nghe nói nhiều người, khi ung thư ác tính xuất hiện rồi thì khó sống. Thường thường chỉ từ 6 tháng, 1 năm…

Gần chục năm trước tui có đi. Kỳ đó chụp xong họ biểu tui ngồi chờ. Chuyên viên coi 4 tấm hình, để họ coi hình có rõ không hay có khi thấy gì đó thì họ biểu mình trở vô phòng cho họ chụp lại. Tui có nhỏ em, chuyên viên coi hình thấy có một mảng trắng nên bắt nó phải chụp lại ngay tại chỗ luôn. Kỹ ghê. Xong rồi thay áo ra về.

Phải nhớ là chuyên viên chụp hình không thể cho mình biết kết quả đâu. Vài ngày sau bác sĩ chuyên môn sẽ cho biết kết quả. Không thấy gì bất thường thì tốt, còn như họ gọi trở vô chụp lại lần nữa thì hơi lo, bởi vì có gì đó mới phải chụp lại. Nhưng, có khi chụp lại không phát hiện thêm gì thì thôi, nếu có bướu thì dĩ nhiên sẽ phải điều trị. Thêm điều nầy nữa, mỗi người hình chụp mỗi khác vì ngực của mỗi người đâu có giống hệt như nhau.

Sương nói:

-Nếu em mới chụp lần đầu, chắc là đau lắm hả chị?

Thanh cười, cắc cớ hỏi:

-Của nhỏ Sương nầy, thiếu nữ trinh trắng chưa ai đụng, chắc là phải đau chớ he he he …


Bà Ba giải thích, giọng điệu y như cô chuyên viên chụp hình đã nói:

-Ờ, tùy mỗi người mỗi khác và cũng tùy ở người chụp hình. Có người nói là đau, người nói -ối, tích tắc cái là xong. Đau hay không cũng tùy kích cỡ hai cái vú, tùy kỹ thuật của người chụp ép xuống nhẹ nhàng hay mạnh bạo... còn nữa, khi gần ngày có kinh nguyệt hay đang có thì cảm giác nhạy cảm cao hơn.

Thanh cười ngất:

-Trời, nghe bà chị giải thích như vầy, chị phải làm người đi quảng cáo mới xứng nha.

Bà Ba nói:

-Ừ thì em nó hổng biết rành mình phải nói cho nó rõ. Như tui trên 50 thì phải khám mỗi năm một lần.

Như phụ nữ Mỹ đầy đặn, họ có nầy kia để lên cái “bàn là” bằng nhựa trong, tui tạm gọi chỗ để ngực lên là cái bàn là nghen, họ có ngực nên chắc là để lên cái bàn một cách dễ dàng còn mình thì nhỏ xíu xẹp lép nên khó khăn hơn nhiều.

Cô chuyên viên đặt cái ngực trần của mình lên, phải kéo, đùa, đẩy “nó” mới vô được chút xíu. Bên trên cũng có một cái bàn là từ từ ép xuống. Ngực mình dẹp lép như con tép. Giữ chặt. Chụp ngay một tấm, rồi xoay nghiêng chụp thêm tấm nữa. Chụp nghiêng còn đau dữ dội hơn vì cái bàn là cấn vô cạnh xương sườn. Bên nầy xong chụp bên kia. Đau thấy bà nội. Bởi vậy mà tui trốn luôn quá lâu. Bây giờ bị bác sĩ hăm he quá và còn dỗ ngọt là -máy móc mới không đau đâu- nên tui mới phải đi đó chớ.

Thôi nha, để kể tiếp. Sau khi khám tổng quát xong rồi bác sĩ ký giấy giới thiệu cho tui đi chụp hình ngực. Ra khỏi phòng mạch bác sĩ, thấy còn sớm, chuyện gì làm được hôm nay đừng để ngày mai, tui rược theo thời gian, chạy một mạch tới đó luôn, may ra họ nhận mình vô liền. Đường không bị kẹt xe nên chỉ vài phút là tới nơi.

Đó là một building cao mấy từng lầu. Đậu xe xong, mới bước vô cửa ngó dáo dác, phòng số 101 thì chắc chắn là ở tầng trệt, thì có một ông Việt Nam bước tới sốt sắng hỏi:

-Chị cần chi?

Tui nói:

-Tui cần vô phòng 101 chụp X-Ray…

Ông ta cầm tờ giấy liếc sơ qua rồi nói:

-Chị lên lầu 2 quẹo phải tới phòng 203 lấy hẹn trước chớ đâu ai cho chị vô liền bây giờ.

Tui bước lên cầu thang, quẹo phải, hào hển ngó quanh quất kiếm, thấy phòng 203, mở cửa bước vô. Ngay cửa, có một cô Mễ trẻ đẹp đang nói tiếng Tây Ban Nha líu lo với anh chàng Mễ. Tui tới cửa sổ. Có tiếng hỏi:

-Chị cần gì?

Tui đưa tờ giấy cho cô thư ký, hỏi liền:

-Có cho vô liền hông cô?

Cô cười, nói:

-Dạ thường thường thì không được, cần phải lấy hẹn trước, nhưng hôm nay vừa có một người bỏ hẹn nên chị vô liền được.

Nói rồi cô thâu tờ giấy giới thiệu của tui, lấy tấm card bảo hiểm tui mới đưa, lật trước sau coi kỹ, rồi đưa một tờ giấy của cô, cầm cây viết vừa chỉ vừa nói:

-Chị hãy đọc hàng chữ cuối cùng.

Được vô liền hên quá. Tui vội vàng nhìn, mấy hàng trên là chữ Anh và chữ ngoại quốc ba bốn thứ, hàng chữ dưới cùng là tiếng Việt. Tui bèn đọc cho to lên, rõ ràng từng chữ:

“XIN VUI LÒNG CHO BIẾT ĐÃ CÓ SỬA NGỰC HAY KHÔNG?”

CÓ -------- KHÔNG ------”

Tui vừa dứt tiếng thì mọi người trong phòng cười rộ lên.

Cô thư ký ngồi bàn bên kia nói trong tiếng cười:

-Ui giời, cũng như không, hi hi hi... úi giời... ha ha ha...

Tui chưng hửng:

-Ủa? Thì cô này biểu tui đọc thì tui đọc.

Cô thư ký nói trong tiếng cười khó ngưng:

-Hê hê hê... chị đâu cần phải đọc ra tiếng ha ha ha ...

Chợt hiểu ra, tui cười theo, nói tiếp:

-Phải chi cô nói “đọc thầm thôi.” Tui thì tưởng y học càng ngày càng tiến bộ, bây giờ trước khi khám ngực thì phải khám hai con mắt cho nên tui cần đọc lớn cho biết hai con mắt tui còn tốt thấy rõ, ai dè... ha ha ha

Càng nói chừng nào các cô càng cười lớn chừng nấy.

Cô trẻ trẻ ngồi bàn phía trong, mới nhìn tưởng cô là người Mễ nhưng bỗng cô nói một tràng tiếng Việt:

-Câu nầy tụi em không được hỏi ra tiếng, chỉ đưa giấy cho khách tự đọc rồi trả lời Có hay Không để tụi em ghi vô hồ sơ mà thôi. Câu phải hỏi nhưng không được hỏi hê hê hê...

Thế rồi xúm nhau cười thêm một mách nữa.

Tui hiểu rồi, câu hỏi cá nhân và tế nhị. Tui nói:

-Nói vậy, nếu có sửa ngực thì chụp cách khác hả? Hồi đó tui nghe nói ai sửa ngực thì không chụp X-Ray được phải hông?

Cô thư ký nói:

-Dạ không phải đâu chị. Có sửa ngực vẫn làm mammogram được nhưng hơi khác một chút.

Cũng gần tới giờ đóng cửa, chắc chẳng còn khách hẹn nào nữa, đang vui nên cô thư ký giải thích luôn:

-Vì quang tuyến không thể xuyên qua chất Silicone hay chất Saline một cách tốt đẹp để coi cho rõ những tế bào bên dưới cái túi, ngoại trừ 4 tấm hình căn bản, họ phải chụp thêm mỗi bên 2 tấm nữa. Cách chụp hơi khác, hơi khó khăn hơn và người khách có thể bị khó chịu hơn đó chị.

Thắc mắc, tui hỏi:

-Vậy, có khi nào cái máy ép làm bể cái túi hông?

Cô thư ký cười:

-Dạ, rất là hiếm có chuyện đó chị à. Cho nên nếu có sửa ngực thì khi hẹn phải cho người ta biết trước, coi coi chỗ đó có chuyên môn chụp hình cho người có sửa ngực hay không.

Hôm qua tui về sớm là đi hẹn hò với bác sĩ và chụp hình đó. Trời ơi, đúng là hay quá, lần này hổng có đau xíu xiu nào hết á, mấy cô. Cái máy bây giờ chỉ ép vừa đụng ngực mình thì ngưng chớ không có ép dẹp lép như con khô mực đâu, click click tích tắc là xong.

Để chấm dứt câu chuyện, bà Ba dặn:

-Vì vậy, kể từ bây giờ, khi người ta đưa giấy gì biểu mình đọc thì chỉ đọc thầm trong đầu thôi nghen, nhớ, lấy hẹn với bác sĩ để đi khám ngực là vừa, ngừa bịnh hơn là chữa bịnh.

Còn chuyện nầy nữa. Cô thư ký trẻ trẻ tui tưởng lầm người Mễ, làm tui nhớ. Có lần cháu tui ở tiểu bang khác, gọi điện thoại kể:

-Dì ơi dì nhớ dặn mấy cô thợ nails nha, khi thấy khách nào nhìn không giống người Việt thì cũng đừng nói gì về họ bằng tiếng Việt nghen. Hôm qua con đi làm nails. Con nghe hai cô thợ nói xấu khách hàng. Họ nói “Con trắng mập kia kẹo thấy cha, làm toàn bộ móng chân với full set* mà típ chỉ có 1 đồng bạc. Lần sau nó vô làm fill** thì đẩy qua cho con nhỏ mới vô nghen. Còn con Mễ nầy sao ngực bự quá hén, chắc có bơm”

Nhiều lần xảy ra như vậy vì cháu tui có nét đẹp như con gái Mễ Tây Cơ với mái tóc đen dài, đôi mắt to đen, mới nhìn không biết là người Việt.

Rồi bà kéo dài cho tăng phần quan trọng về chuyện chánh:

-Nói hổng phải hù quí vị, chớ nhờ cái vụ mammogram này đã cứu biết bao nhiêu người. Hồi xưa chưa có chuyện đi khám ngực thường xuyên bao nhiêu người bị bịnh ung vú thay vì được cứu thì đã chết một cách oan uổng. Khoa học y khoa ngày càng tiến bộ, bây giờ người ta có cách và phương tiện để giúp mình giữ gìn sức khỏe và sinh mạng, tại sao mình không sử dụng? Tui có quen một cô mới qua Mỹ, đi chụp hình ngực bác sĩ cho biết có một khối u. Cũng may biết sớm chửa trị bằng thuốc. Thuốc mắc vô cùng. Nội tiền thuốc không, nghe nói trên cả trăm ngàn mỹ kim đó. Cổ thiệt là hên, nếu còn ở bên Việt Nam, chắc chết lâu rồi. Thường dân tay làm hàm nhai thì tiền đâu mà lo?.

Nghe cặn kẽ lời bà Ba dặn dò, mấy cô trong tiệm có vẻ đăm chiêu. Ờ há, ngừa bịnh hơn là chữa bịnh. Lời nói đúng phải nghe. Đừng ỷ y mình khỏe. Phải lo gọi bác sĩ, hẹn ngày chụp hình ngực chớ!./.

Trương Ngọc Bảo Xuân

 

Chú thích:

*full set: làm nguyên bộ móng tay giả.

** fill: khi móng tay mọc dài ra, trở vô trám thêm chỗ móng mới mọc.

 

Ý kiến bạn đọc
31/10/201717:08:46
Khách
Bạn Jane mnt ơi, được Jane thức suốt đêm đọc cho hết tất cả bài VVNM của tui là điều rất đáng mừng. Cảm ơn Jane nha.
Sẽ để tâm về những lời xây dựng của Jane, để tránh, khi viết bài khác.
Trân trọng.
28/10/201717:38:59
Khách
say sưa thức suốt đêm để đọc cho hết những chuyện TnBX viết trên vb . Nhưng thú thật bài này , văn phong vừa o hấp dẫn , chủ đề thì phải coi , “bị “*lại mới được . Tôi vốn dị ứng với những hô hào “ hồ hởi” của big pharma hay Health care này lắm . Nói ít hiểu nhiều .
28/10/201716:12:14
Khách
Chào bạn Tran Van,
Cảm ơn bạn luôn đọc bài và ghi lại cảm nghĩ nha.
Thân quí.
TNBX
25/10/201700:00:21
Khách
Một bài viết hay cho dịp tháng 10. Tháng 10 là tháng National Breast Cancer Awareness Month . Lời văn dí dỏm, dễ thương.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 3,861,801
Tác giả là một kỹ sư công chánh, cư dân Torrance, California, đã góp một số bài Viết Về Nước Mỹ từ năm 2002. Ông cũng đã xuất bản một số du ký như: “Á Châu Quyến Rũ”, tập 1 & 2 và “Đi Cruise Bắc Mỹ” hiện có bán tại các nhà sách trong vùng Little Saigon. Bài viết mới của tác giả kỳ nầy nói về một đề tài khác là những niềm vui khi “chơi” facebook.
Đây là tự sự của một thành viên tham gia chương trình VVNM. Tác giả bắt đầu tập viết ở tuổi 70 (2015), trong thời gian hai năm đã vượt qua mọi khó khăn và đã đoạt được giải Danh Dự (2016) và giải Vinh Danh Tác Phẩm (2017). Tác Giả quê quán ở Bến tre, sang Mỹ năm 1973, môt chuyên viên kỹ thuật về hưu, đang định cư tại Orange County. Hiện ông vẫn tiếp tục viết với sức sáng tác mạnh mẽ.
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College. Với bài "Niềm Đau Ơi Ngủ Yên" viết về trại tị nạn Palawan-Philippines, Triều Phong đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà sinh năm 1951tại miền Bắc VN, di cư vào miền Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ cho tới ngày 29 tháng Tư 1975. Vượt biển và định cư tại Mỹ năm 1980, làm thư ký văn phòng chính ngạch tại City of San Joje từ 1988-2006. Về hưu vào tuổi 55, hiện ở nhà chăm nom các cháu nội ngoại. Bài đầu tiên của bà, “Cả Đời Tôi Làm Thư Ký Sở Mỹ. Sau đây là bài viết thứ hai của bà.
Tác giả Hồ Nguyễn, cư dân Buffalo, NY. đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước Bài viết đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà có tới hơn 400 người tử vong... Hiện ông đang là cư dân Orlando, FL. và bài mới là chuyện về một số người thành công, một đề tài mà ông đã được mời nói chuyện tại Đại Học Buffalo.
Anthony Hưng Cao là một Bác sĩ nha khoa, hiện hành nghề tại Costa Mesa, Nam Cali, từng nhận giải Tác Giả Xuất Sắc 2010,với hồi ký "My Life" chia sẻ kinh nghiệm học tập của ông. Ngoài nghiệp y khoa, ông còn là người viết văn, soạn nhạc và luôn tận tụy với sinh hoạt nghệ thuật, văn hóa, giáo dục. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả cùng 2 con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ, hiện có tiệm Nails ở Texas và lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Bài viết mới của bà kể về nghề lái taxi tại Huế và người khách đặc biệt là một nhạc sĩ gốc Việt danh tiếng ở Mỹ.
Tác giả hiện là cư dân Arkansas, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016, và luôn cho thấy sức viết mạnh mẽ và cách viết đơn giản mà chân thành, xúc động. Sau đây là bài viết mới nhất.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017 và đây là bài viết thứ ba của ông. Ông tên thật Trần Thanh Hiền, sinh năm 1955 tại Thạch Hãn, Quảng Trị, định cư tại Tulsa, Oklahoma từ 1977. Sau 35 năm làm Engineering Designer trong ngành Safety Technology – Fire Protection (Kỹ Thuật An Toàn – Phòng Chống Lửa), đã về hưu năm 2015, khi vừa tròn lục tuần, hiện là thông dịch viên hữu thệ tiếng Việt cho Tulsa County District Court và làm thiện nguyện tại Tulsa Catholic Charities.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2017 và đã nhận giải đặc biệt năm thứ XVIII. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, trước là nhà giáo tại Việt Nam, định cư tại New Jersey năm 1994 theo diện HO. Sau đây là bài viết mới của bà.