Hôm nay,  

“Mẹ Ơi, Con Đã Về…”

27/01/201400:00:00(Xem: 38856)
Tác giả: Phan
Bài số 4125-14-29535vb8012614


Tác giả là một nhà báo quen biết tại Dallas, từng trong nhóm chủ biên nhiều tuần báo và tạp chí tại địa phương. Phan góp bài Viết Về Nước Mỹ từ nhiều năm qua, và vừa nhận giải Vinh Danh Tác Giả Viết Về Nước Mỹ 2013. Bài viết cuối năm của Phan là một chuyện tình oan nghiệt kéo dài từ thời học trò vượt biên ở quê nhà cho tới nhà tù trên đất Mỹ.

* * *

1.

Gia đình Hùng đi nghỉ mát lần cuối vào kỳ nghỉ hè năm Hùng học lớp 11. Ở bãi tắm Long Hải lần đó, Hùng nhớ mãi cái chòi lá, cái bàn ăn ngoài trời bằng cây thô, nhìn rất du lịch vì nó hướng ra biển -cũng như lòng Hùng vậy- hạnh phúc mênh mông với hơi ấm gia đình, một chút thoáng nhớ đến gương mặt của Triều Giang, có lẽ đó là gương mặt người bạn học sâu đậm nhất trong lòng Hùng khi thấy bạn bè đã có những chuyến đi chơi riêng hai người mà Hùng biết được...

Cho dù mỗi lần nghỉ hè, cha mẹ Hùng tuy không nhiều tiền nhưng luôn tận dụng việc nhà trường tổ chức cho giáo viên đi nghỉ mát thì cha mẹ đưa luôn Hùng và em gái cùng đi để vui chơi vài ngày trong năm tài chánh của gia đình không bao giờ có khoản đi du lịch hay nghỉ mát như những gia đình bạn bè của Hùng có cha mẹ làm ăn, buôn bán.

Đêm xuống. Có thể đêm gió biển và các vì sao trên bầu trời miền biển như trong sáng hơn, làm Hùng xúc động nên Hùng nghĩ là lần đầu tiên, cha Hùng đã để lại nhà gương mặt nghiêm khắc của ông thầy dạy toán mà đi nghỉ mát với vợ con bằng con người thật nhất của ông là duyên dáng, thương yêu vợ con nhẹ nhàng, đằm thắm từ ánh mắt đến nụ cười. Dáng vẻ ông cũng linh hoạt hơn chứ không định đề, phương trình hai ẩn số như em gái Hùng dám nói lén cha, Lan nhi (nhí) dám bình luận luôn cả cha vì nó cậy thế là con gái cưng, chắc cả nhà sẽ không ai đánh nó.

Hùng nhớ hôm gần đây, cha thay quần áo vội, rồi đi vội sau khi buông tờ báo đột ngột xuống bàn ăn, bỏ cả bữa cơm đã được dọn ra bàn, chỉ còn chờ mẹ rửa tay là đi ăn cơm. Mẹ hỏi cha đi đâu, cha nói đến trường có việc. Còn lại ba mẹ con ngồi ăn cơm với nhau. Rõ ràng sự lo âu của mẹ đã thể hiện qua việc gắp từng hạt cơm đưa vào miệng, mẹ rất sợ cha dính vào những phong trào dân chủ đã nhen nhóm từ những tiếng nói bất đồng chính kiến đã quy tụ lại để lên tiếng phản đối nhà cầm quyền; Mẹ còn sợ cha đứng vào nhóm cố vấn cho nhiều người đã lên tiếng đòi đất bị cưỡng chiếm hay có bồi thườg nhưng khôngthoả đáng. Họ là những người nông dân bị ép uổng, đang rời rạc theo lối đấu tranh tự phát nên không hiệu quả. Dù sao sự tập hợp họ lại dưới sự cố vấn của cha với các bạn bè của cha cũng sẽ liên lụy tới gia đình…

Nhưng hôm đó mẹ đã quẹt ngang giọt lo âu sắp tươm ra khoé mắt để cười với Lan nhi, nụ cười không khuyến khích mà cũng không cấm kỵ. Mẹ vẫn cười như thế khi nó hùng biện. Hôm đó nó hùng biện cho mẹ nghe như sau, “Cha nói cha đến trường, nhưng kỳ thực ghé nhà thầy Hưng để bàn quốc sự. Có phải việc cha đi đâu là phương trình hai ẩn số không chứ? Dễ biết lắm! Con chỉ mẹ nè. Hôm nay là Chủ nhật thì cha đến trường với ai chứ? Vậy mà mẹ cũng tin…

Mẹ Hùng là người không quá nghiêm khắc, chỉ khó tánh để giữ chừng mực mọi chuyện cho tốt đẹp. Mẹ khá lãng mạn qua bút tích thơ văn từ thuở yêu cha, dù nay đã nằm yên trong hộc tủ. Nhưng thời gian đã chứng minh được những lời lẽ ấy viết ra từ tin yêu của người con gái trong sáng, tha thiết, và can đảm… Chỉ là hoàn cảnh con còn nhỏ làm cho mẹ sợ - chứ mẹ ủng hộ cha với thầy Hưng – (là tin Hùng đã nghe được trong trường). Nghĩ buồn cho cha mẹ là những người hiền lành, chăm chỉ và chân thành. Nhưng những đức tính căn bản của nhân cách ấy đã không giúp gì được cho gia đình sung túc hơn trong cuộc sống hôm nay. Ngược lại, sự can đảm của cha mẹ trước hiện tình xã hội là hiểm họa cho gia đình, dù sự ngăn cản cha mẹ lại là hèn nhát. Thật khó nghĩ. Hùng thấy mình vô dụng, nhưng tâm sự không phải là cách… Hùng cũng không có cách gì hơn là im lặng!

Suối nguồn của niềm vui trong nhà chỉ còn Lan nhi, với những suy diễn bà cụ non của nó làm bật lên tiếng cười. Nhưng tiếng cười vang vang trong gia đình Hùng dường như cũng đã lung lay với thời sự ép uổng người trí thức như cha với mẹ, họ không thể ngồi yên. Nhưng điều có thể với họ chỉ là lên tiếng, và sau đó là hậu quả…

Hùng biết mẹ đang lo lắng về cha với những bất bình thế sự. Nên mẹ cố níu kéo tiếng cười trong nhà qua việc châm chích Lan nhi cho nó chau mày, chu mỏ khi bất bình; khi không thuyết phục được ba thính giả duy nhất của nó. Hôm đó mẹ nói, “Con dám nói cha là người nói một đàng nhưng đi một nẻo phải không?...”

Nó lại hùng hồn minh chứng, Như hôm nọ, cha nói với mẹ là cha chở con đi mua cặp táp mới. Nhưng cha chỉ đưa con đến nhà thầy Hưng. Con chơi với chị Thảo, con thầy Hưng suốt buổi. Còn cha với thầy Hưng thì lật ra bàn bao nhiêu là báo cũ, rồi tranh luận, rồi nói thầm thì với nhau về tình hình quốc nội; tình hình quốc ngoại; tình hình quốc-cộng… là cái gì vậy mẹ?

Con hỏi thế bao giờ cha mới chở con đi mua cặp táp? Cha móc bóp đưa tiền cho chị Thảo, nhờ chị chở con đi mua. Nhưng trên đường về nhà mình thì cha lại dặn con đừng cho mẹ biết việc cha (họp khẩn) với thầy Hưng… Con khẳng định việc cha nói cha đi đâu là phương trình hai ẩn số!”

Cái con nhỏ ốm tong như cọng bún khô nhưng xà vào lòng ai trong nhà thì người ấy cũng thấy ấm áp. Mẹ Hùng thường mắng nó, “bộ con không biết ngồi ghế sao Lan nhi?” Nhưng ánh mắt mẹ cười chứ không quở trách, nên nó thật không biết ngồi ghế; hết xà vào lòng cha thì đến mẹ; kẹt quá thì nó ngồi đỡ vào lòng anh hai Hùng để đợi cha mẹ về…

*

Sáng Long Hải mùa hè thật khoan khoái với mặt trời hừng đông, gió lâng lâng hương vị biển, nâng tâm hồn con người lên, hay mẹ của Hùng thực sự là một người phụ nữ đẹp. Mẹ đẹp quá, mẹ như trẻ ra cả chục tuổi trong trang phục áo tắm mà em gái của Hùng đã trố mắt ngợi khen bằng những từ ngữ mẹ không ưa, nhưng nó quen miệng dùng từ của con nhỏ bạn thân với nó là con nhà từ bắc mới dọn vô nam, nó đã trố mắt nói, “Mẹ mặc áo tắm cực đẹp. Con tin là mẹ đi dự thi hoa hậu phu nhân thì những phu nhân đều phải xấu hổ với mẹ. Riêng phần trang phục áo tắm thì nhất định mẹ là đỉnh rồi!”.

Mẹ Hùng quát cho nó một trận về việc dùng từ vô nghĩa… Riêng Hùng quen lặng thinh, nhưng hôm ấy phải thầm công nhận là mẹ mình đẹp thật. Cái bà giáo dạy văn có mái tóc “mùa thu lá bay” - là cụm từ mà học sinh, bạn bè với Hùng trong trường thường nói lén sau lưng mẹ Hùng là thế. Có lẽ chỉ riêng Hùng thấy được nét khắc khổ đôi khi hiện rõ trên gương mặt tài tử của mẹ là hậu quả của bài toán chi phí gia đình mà mẹ trừ đi cộng lại trong cuốn sổ chi tiêu của mẹ bao giờ phần thu vô cũng thấp hơn phần chi xài ra. Hùng biết rõ việc xem lén sổ chi thu của mẹ chỉ làm mình bỏ đi những yêu cầu, lời xin mua thứ gì đó. Dẫn đến sự kém cỏi bạn bè. Nhưng hoàn cảnh gia đình mình…

Đêm Long Hải lại về sau ngày cả nhà vui chơi ngoài biển, hương vị biển còn theo chân gia đình về nhà khách, mẹ Hùng mua đến mấy kí-lô tôm, cua về nhà khách luộc cho cả nhà ăn một bữa đã thèm, “chứ ăn ngay ngoài bãi biển, sướng thì sướng thật vì đang đói, người bán lại luộc sẵn, mình chỉ ăn thôi. Nhưng đắt lắm con ạ!” Câu trả lời của mẹ với em gái lúc ban trưa ngoài biển như dấu ấn đầu đời về sự nghèo khó của gia đình, bản thân mình vậy. Lời mẹ như một vết kim châm thật nhẹ mà sâu trong tâm khảm Hùng mãi về sau… Nhất là hình ảnh cha cứ ngồi bóc tôm, gỡ cua cho mẹ ăn, mẹ thì nhường cho con em bao tử rỗng, nó ăn tôm, cua như rồng uống nước, rồi lăn ra ôm bụng khó tiêu, rên ư ử như chó con. Thế nhưng cái miệng nó vẫn không ngớt chuyện “hai ngàn dặm dưới đáy biển”. Nếu nhà có máy đếm chữ thì mình nó nói chắc nhiều hơn ba người còn lại trong nhà cộng lại…

*

Đó là đêm cuối cùng gia đình Hùng đầy đủ bốn người. Kế hoạch vạch ra cho tương lai là Hùng chuẩn bị sớm để hết trung học thì lên Sài gòn học Đại học Kiến trúc. Mẹ phân tích hay hơn cả một chuyên viên hướng nghiệp về sở thích, năng khiếu, hoàn cảnh tài chánh, cả định hướng của ngành nghề trong tương lai - sau khi Hùng tốt nghiệp, ra trường.

Còn mộng làm “cô giaó dạy văn có gương mặt tài tử và mái tóc mùa thu lá bay - tập hai” của Lan nhi bị mẹ bác bỏ cũng với những phân tích thật chính xác và sâu sắc. Mẹ nói, nó có tài lý luận logic của toán học, có đầu óc nhạy bén, trái tim công lý, sức phán đoán và tính kiên trì… Đặc biệt là cái miệng nó có thể nói ngay trong lúc ngủ. Nên nó cần chuẩn bị tinh thần từ sớm để bước vào trường Luật.

Tổng kết “cuộc họp bất thường” của gia đình đêm đó. Cha dẹp bỏ từ “Lan nhi” để cả nhà gọi nhỏ em là “Thầy cãi” cho đến bây giờ, - nó đã thực sự là thầy cãi có bằng cấp, có giấy phép hành nghề, có cả truyền nhân là con nhỏ cháu gái có cái miệng leo lẻo không thua gì mẹ Lan nhi của nó khi còn bé. Con bé lấy hết nước mắt cậu Hai mỗi lần nó nói về bà ngoại qua điện thoại…

Chỉ tiếc là cha Hùng vắn số, sau lần đi Long Hải năm đó trở về. Ông ngã bệnh và ngày càng tệ về sức khoẻ, tiền bạc vốn không có dư trong gia đình Hùng nên những gì bán được lần lượt ra đi để lo viện phí, thang thuốc cho cha… Cả nhà trông vào đồng lương của mẹ sau một năm cha không đến trường. Dù thầy Hưng là thầy Hiệu trưởng, đã hết sức giúp đỡ cha mẹ Hùng những gì có thể. Và đó cũng là một trong những lý do mà thầy Hưng bay chức Hiệu trưởng vì chuyện tranh ăn ghét ở trong trường cũng không thua gì ngoài xã hội.

Cha nằm xuống hôm Hùng điền đơn đi thi Đại học Kiến trúc. Nên trong tiểu sử của Lê Xuân Hùng (nếu có lần trong đời cần khai ra), thì phần trình độ học vấn chỉ đến điền đơn dự thi Đại học Kiến trúc thành phố chứ không có ngày tốt nghiệp Đại học ước mơ ấy.

2.

Và họa vô đơn chí đã gõ cửa nhà Hùng thì gõ tới cùng đường mới chịu! Thầy Hưng bay chức Hiệu trưởng nên mẹ Hùng là trưởng khối khoa học xã hội đã nhiều năm, bỗng trở thành cái gai cần nhổ gấp trong nội các của thầy Hiệu trưởng mới. Vì thế, chẳng mấy tháng sau tang cha, mái tóc mùa thu lá bay của mẹ cũng không còn cơ hội làm đẹp cho những hành lang dài suốt của ngôi trường đã gắn bó với cả gia đình Hùng nữa. Mái tóc của mẹ, từng bị ngay học trò nữ trong trường ghen tỵ với cô giáo mùa thu lá bay ấy, giờ đã búi gọn trong chiếc nón vải rộng vành; người đàn bà cao, gầy, làn da trắng xanh của cô giáo ngày nào đã xạm màu mưa nắng, nhưng vẫn như không chịu nổi gió sương ngoài bến phà. Dù bà vẫn tồn tại, bám trụ, chứ không trôi dạt đi như những khóm lục bình trôi trên sông. Người quen biết là các thầy cô, học trò cũ chỉ còn biết mua giúp bà những chùm bánh ú, những đòn bánh tét, để bà có thể nuôi con bằng đồng lời kiếm được qua ngày.

Những lúc vắng khách, Hùng vắt vẻo trên chiếc xe lôi -nhìn mẹ. Lòng dâng lên tự hào để khô giọt nước mắt thương thân, thương mẹ, thương em phải ở chòi một mình. Vai trò của Hùng trong “nội các chỉ còn ba người” (vẫn là những cụm từ của con nhỏ em thích dùng chữ trêu mẹ tức chơi để được nghe mẹ mắng yêu con gái). Cái nội các ba người đã thiếu đi linh hồn là người lãnh đạo đã nằm xuống. Nhiệm vụ của Hùng bây giờ là đạp xe lôi, kiếm tiền để mua một chỗ ở khá hơn cái chòi cho gia đình, vì căn nhà cha xây mẹ dựng nên một gia đình đã bị giải tỏa. Tiền bồi thường như chút tiền hương hoa đưa người bị bật ra khỏi nơi ăn chốn ở, dùng làm lộ phí mà về nơi an nghỉ cuối cùng. Nói đến đấu tranh như đánh trâu với nhà cầm quyền, vô nghĩa!

Hùng tin chuyện họa vô đơn chí, chỉ mong là nhất quá tam: Cha đã chết, mẹ mất việc, nhà bị giải toả, như thế đã dư thừa để tan nát một gia đình. Không ngờ họa đáo lai, là cú đánh gục hết tinh thần, sức lực còn lại sau tam tai. Bỗng đâu một đường dây vượt biên bị bại lộ, những người đến từ đâu chả biết đều bị bắt. Họ khai anh xe lôi là người tổ chức vượt biên! Hùng vô ngồi tạm giam trong công an huyện - là những ngày tan nát hết cuộc đời vốn đã không may. Chỉ còn chờ công an đưa vô trại cải tạo là ngày vĩnh biệt tất cả vì tiền chạy chọt cho Hùng ra khỏi trại giam là điều không thể đối với mẹ. Chỉ cầu xin linh hồn cha xui khiến cho mẹ đừng làm nên chuyện gì liên lụy, thêm bất trắc, để ít nhất gia đình cũng còn một người sống với nhỏ em đã biếng nói từ dạo mẹ đi bán bánh ú, bánh tét ngoài bến phà… Chắc nó quen nghe người ta gọi nó là con nhỏ con cô giáo, chứ không phải con bà đội nón vải…

*

Trong cơn tuyệt vọng nhất đời Hùng thì Triều Giang xuất hiện, cô ấy đến trụ sở công an bằng xe hơi, dĩ nhiên là đi cùng ông cán bộ chắc là chức lớn. Nên họ mới đưa được Hùng về lại bến xe lôi trong im lặng. Triều Giang chỉ nói đơn giản là Hùng bị xui, người tổ chức vượt biên thực sự đã xui những người bị bắt đổ tội cho Hùng, để ông ta ở ngoài thì mới lo cho những người này ra khỏi trại giam được…

Hùng chưa hết bàng hoàng với giáng họa bất nhân thì cái xui vẫn chưa chịu từ giã cho. Cái xe đạp lôi của mình cũng đã thành vật bắt giữ được của người vượt biên nên công an huyện có quyền xử lý, và đã bán hoá giá để bỏ túi riêng dưới nhãn hiệu xung quỹ công an…

Người mẹ già rụp xuống chỉ sau mấy ngày Hùng bị tạm giam. Hùng không dám nói với mẹ về cái xe đạp lôi đã bị “cướp ngày” mất rồi. Vâng lời mẹ, Hùng lên công an xin lại cái xe để làm ăn. Nhưng kỳ thực Hùng toan đi ăn cướp. Lúc bộ óc đạt được thoả thuận với cõi lòng là không giết người, không gây thương tích cho nạn nhân, chỉ cướp đủ tiền mua xe lôi… Lúc Hùng tin nhất mình là kẻ cướp để hành động - thì lại một lần nữa Kiều Giang xuất hiện. Cô bạn ngày xưa học chung một lớp mà Hùng gọi thầm là “Triều Dâng” - vì trước mặt cô ta, Hùng như thêm sức mạnh, can đảm, để có thể làm bất cứ việc gì. Chỉ là lần này Triều Giang không đến bằng xe hơi, không có ông cán bộ oai phong gắng gượng. Chỉ có phong thơ dày, mang nét chữ của Triều Giang. Ngoài phong thư chỉ ghi ngắn gọn: “Gởi Hùng”, do chính tay mẹ Triều Giang trao cho Hùng. Bác gái cũng chỉ nói đôi lời cần thiết, “Hùng ơi! Con Giang nó phải đi công tác đột xuất, nên không gặp cháu được. Nó nhờ bác đưa cho cháu phong bì này. Bác đi nha…”

Bác gái khuất vào ngõ chợ, Hùng mở ra phong thơ nhiều tiền, nhưng không kịp đếm với tờ giấy học trò mang nét chữ của Triều Giang, lá thơ tình mơ ước được nhận từ Triều Giang như không phải lúc, dù nội dung dậy lên nhiều hy vọng, “Hùng thân. Giang chỉ làm được chút gì có thể khi Hùng lâm nạn. Xin đừng để lòng ơn nghĩa cho khổ tâm, cũng đừng áy náy gì hết, là Giang vui lắm. Có điều, Hùng nên mua xe lôi gắn máy. Dù gì Hùng cũng không phải ra sức đạp… đau lòng Giang lắm. Thương.”

Hùng đọc đi đọc lại, rồi lại đọc đi đọc lại… Triều Giang là cô bạn có gia đình không giàu có, nhưng Giang thích ăn mặc thời trang, thích nói chuyện bên Tây, bên Mỹ… kể ra ăn mặc và phong cách nói chuyện tây phương của Giang khá hợp với con người có phần nổi trội trong đám bạn quê mùa của Hùng và Giang. Nhưng đó lại là lý do Hùng chưa từng một lần thổ lộ tâm tình với Giang. Chỉ thích Giang thôi, thích sự hiểu ý quậy phá nhanh nhạy của Giang trong lớp; thích nhìn Giang từ xa mà lòng Hùng thật gần… không lẽ Triều Giang cũng hiểu lòng mình!

*

Hùng chạy xe lôi gắn máy, nhưng cũng lôi thôi lắm mới giải thích với mẹ được khoản tiền mua xe. Từ hôm đôi chân bớt mỏi thì đầu nhức nhối tim đau với tin bạn bè qua phà cho hay, “Con Triều Giang bây giờ làm ở Công ty du lịch tỉnh. Chảnh lắm!” - “Con Triều Giang bây giờ đi xe hơi không hà. Hùng ơi! Quên hết đi, bỏ giấc mơ xưa đi Hùng ơi! Lấy vợ đi cho mẹ Hùng có cháu bồng…” Con nhỏ Thúy chanh chua nhất lớp, đã từng bị Hùng “cải cách giáo dục” tên nó thành “i-ngắn” để nó phải “thúi” mấy năm trời, tới xong trung học, bạn bè mới lãng quên đi vì ít gặp. Bây giờ nó trả thù hay sao mà còn nhấn lút cán nhát dao vô tình nó đang đâm vào tin Hùng, nó còn nói, “Con Triều Giang mà không cặp bồ với cán bộ, cán cuốc… thì chặt đầu tui cho Hùng gác chân; nó không làm bé cho mấy ông to thì tiền đâu ăn diện. Tui nói thiệt nha, chỗ bạn bè đừng giận. Hùng không dấu được tụi con gái tui đâu, đứa nào trong lớp mình cũng biết Hùng mê con Triều Giang dữ lắm! Nhưng tụi tui bây giờ, dù thỉnh thoảng mới gặp nhau. Thì cũng nói chuyện bạn bè trường cũ thôi. Ai cũng thương Hùng lận đận, nên bạn bè không muốn Hùng xui xẻo hơn nếu Hùng tự rước cái họa Triểu Giang về nhà, khi người ta đã… tung hoành hết một đời hoa…”

Con Thúy đâu có biết, Hùng đã ôm mặt khóc sau lưng nó. Vết chém bởi hận thù làm đau da thịt thì vết cắt từ tình thương làm nhức nhối con tim. Thúy ơi! Bạn đi rồi có biết bến phà quê mình là bến tương tư của đời tôi, lục bình trôi muôn phương nhưng vẫn mang màu hoa tím. Miễn Giang đừng chết chìm ở bến lạ, bờ xa… tôi vẫn đợi Giang ở bến phà quê mình.

Vốn người ít nói, không giỏi thơ văn như mẹ mà chỉ thừa hưởng được sự chịu đựng của cha, Hùng chỉ diễn tả được lòng mình trong câm lặng. Để ngày tháng, triều dâng, triều hạ, rồi triều dâng. Chỉ Triều Giang không về qua bến phà cũ nữa. Bông lục bình tím sậm như máu khi mặt trời lặn, mặt sông cô đơn buồn với những vì sao… Vì sao Giang ơi!

*

Một hôm. Hùng dừng xe lôi lại trước cửa một quán nước thật xa xóm làng quen biết - theo yêu cầu của mẹ Triều Giang.

Bác gái trông hốc hác thay cho vẻ bình an của người Phật tử mà Hùng thường thấy bác đi chùa. Hai bác cháu vào quán nước không quen; lần đầu tiên cả hai người cùng ngồi xuống cái bàn gỗ xinh xinh nơi góc vườn xa lạ mà cả hai cùng biết trước là sẽ không bao giờ trở lại.

Hùng lên tiếng trước,

“Có chuyện gì mà bác gái nói con chở đến đây… Bác có khoẻ trong mình không, sao con thấy bác như mới bệnh dậy…”

Bác gái thở dài… “Còn hơn bệnh nặng nữa con. Bác như người chết phải tự lết vô hòm, rồi Hùng ơi!...” bác gái thút thít khóc…

“… thì bác gái nói đi. Con như con cháu - có gì đâu!”

“… Bác không biết nói làm sao bây giờ, bác không biết nói làm sao cho con đừng đau lòng… Con khổ quá rồi mà, ngày nào bác không đi chợ, gặp con hoài… Bác hiểu mà Hùng.

…Thôi. Mình về đi con. Đưa bác về nhà giùm đi con…”

“…”

Hai ly nước đá tươm hơi lạnh riết rồi đọng vũng trên bàn. Bác gái không lựa được lời mở chuyện; Hùng không yên tâm khi linh cảm không lành về Triều Giang nên muốn được nghe để đền ơn đáp nghĩa được chút gì cho nhẹ lòng mình. Nhưng đành về không vì bác gái đã mệt lắm rồi mà những lời muốn nói vẫn không thành tiếng được…

*

Chiều chạng vạng, mặt trời đỏ ối ngoài sông lớn, chim hải âu bay lượn tiếc ngày qua nên chao cánh muộn phiền. Hùng chỉ mong mẹ kêu về để đưa mẹ về nhà - là rời được bến tương tư. Ít nhất cũng quên bớt sầu khổ trong lòng cho giấc ngủ thanh an mà lại sức để ngày mai…

Bỗng Bảo Hân xuất qủy nhập thần hay do Hùng không để gì trong mắt nên không thấy, “Anh Hùng khoẻ không? Lâu quá không gặp anh…”

“Em từ đâu đến vậy, làm anh hú vía vậy à!...”

“Cạo râu đi anh Hùng ơi! Già thấy ớn luôn, vậy đó!”

Thay cho cái cú đầu thương mến nhưng vẫn phải trị tội dám hỗn với đàn anh. Hùng khựng tay lại trước đôi mắt đỏ.

“Em, sao vậy Bảo Hân?”

“Ừ… Em biết giờ này anh sắp phải đưa mẹ anh về nhà. Nên, em muốn hẹn anh Hùng tối nay đi uống cà phê với em. Em có chuyện muốn nói với anh Hùng. Được không?”

“Anh em lâu quá không gặp. Tưởng mời được bữa no nê gì cho cam lòng nhớ thương. Mời có ly cà phê… Thôi. Em để dành uống luôn đi! Cám ơn nhỏ.”

“Em không nói chơi đâu, anh thấy ghét quá! Nên lâu lắm rồi, em gặp anh hoài mà không thèm nói chuyện đó!”

“Chắc là chuyện hay lắm phải không?”

“Chứ sao…”

“Về trùm mền tự kể tự nghe đi cưng. Chuyện hay mà kể cho anh nghe thì uổng lắm!”

“Anh Hùng! Em khóc đó!”

“Hù anh hả? Khóc đi. Khóc đi. Anh có thuốc lá thôi, không có kẹo đâu nhóc con…”

“Cho em một điếu. Em hút thuốc, thở khói ra lỗ mũi mà không sặc - cho anh Hùng hết khi dễ em con nít. Anh dám không?”

“… Anh thua rồi! 7 giờ lại quán cà phê Nguyệt cầm. Anh chờ Bảo Hân ở đó. Được chưa?”

“Anh Hùng móc ngoéo với em đi….”

Không biết chuyện gì mà sáng thì mẹ Triều Giang không nói nên lời được. Ngày chưa đi hết lại đến cô em Bảo Hân đã lâu không gặp, bỗng xuất hiện đột ngột, lạ lùng…

Hùng đến cà phê Nguyệt cầm chưa tới 7 giờ, đã thấy Bảo Hân đứng đợi. Nhưng hai anh em lại đi quán khác, quán xa để tránh mắt người quen…

Đã lâu không gặp. Bảo Hân không đẹp rực rỡ như Triều Giang, nhưng nhìn lâu không chán, thậm chí bị thôi miên với ánh mắt thơ ngây và trái tim hiền hậu luôn để bên ngoài lồng ngực không bằng. Cô em của Triều Giang đã lớn như vầy thì mình bị chê già là phải rồi… Hùng thả hồn đi hoang một lúc, đâu biết cô gái đang say đắm nhìn mình. Chất long lanh thơ ngây bị ánh đèn màu pha chế hay Bảo Hân khóc thật vậy cưng?

“Đâu phải em khóc lần đầu. Em khóc hoài, khóc quen luôn rồi…”

“Nói anh nghe coi, chuyện gì mà sáng nay má em nói anh chở đi uống nước, phải quán xa - y như em nói tối nay. Rồi thì không mở lời được, tới bác mệt, phải về… Có phải chị Triều Giang có chuyện gì rồi phải không? Nói anh nghe đi…”

“Sao anh không hỏi là em có chuyện gì? Lúc nào anh cũng Triều Giang, Triều Giang…”

“Vậy anh xin hỏi, Bảo Hân có chuyện gì, xin nói anh nghe?”

“… Em yêu anh.”

“…”

Đường về sao quá gần và đêm không dài ra thêm thời khắc để có thể nói hết con tim mình một lần. Bảo Hân không lập lại ba từ ấp ủ trong ấy đã lâu. Cô chỉ nói thay lời tạm biệt, “Anh Hùng, khi nào rảnh ghé nhà em đi. Má em… chắc sẽ nói được với anh chuyện sáng nay má em muốn nói…”

Bác gái không ngờ Hùng ghé thăm sáng sớm, đột ngột. Ngọn chổi chà thôi quét lá trên sân. Nắng mai vàng hòn non bộ róc rách tiếng nước chảy, cá vàng bơi, đớp bóng mây qua… Cái băng ghế đá nhẫn bóng, nơi Hùng, Triều Giang và các bạn từng ngồi suốt thời thơ ấu, đã chôn sâu vào kỷ niệm. Cũng từ ghế đá này, bạn bè giờ đã muôn phương, Triều Giang không về nữa, chỉ còn Hùng lặng thinh nghe dĩ vãng thở dài…,

“… Hùng ơi! Chuyện vậy đó! Nên sáng hôm qua bác không sao mở lời với con được…”

“Con biết rồi, nhưng bác tính làm sao với em Hân, nhất là tối hôm qua, Hân đã nói với con…”

Bác gái khóc, “Bác thiệt là đã sớm thức tỉnh với tội nghiệt. Nhưng ăn chay niệm Phật không kịp với tội lỗi… Hùng ơi! Bảo Hân. Tánh nó lầm lì như con vậy! Nhưng nó thương con từ hồi nó còn nhỏ, nó thương con lắm! Thương tới nói thẳng ra với Triều Giang. Chị không có lòng với anh Hùng thì nói ra đi… sao cứ úp úp mở mở, rồi kệ người ta như vậy, có ác quá không? Coi chừng trời hại chị đó!

Con Giang thì nóng, dữ… tát tai vô mặt Bảo Hân, tới chảy máu răng. Bác giận quá! Đập luôn hai đứa một trận tới gãy hết cây chổi chà. Từ đó Bảo Hân không nhắc tới con nữa. Nhưng bác biết trong lòng nó…”

“Tôi nghiệp Bảo Hân. Con coi nó như Lan nhi, như em con…”

“Nhưng đúng là từ nó, con Giang biết khổ tâm. Nó lãnh con ra tù, gởi phong thơ giúp con chút vốn làm ăn… Lần nào nó về nhà cũng hỏi thăm bác về con. Có hôm nó về, hai má con đi chợ, nó không ăn sáng với bác, nói con đi loanh quanh chút, đợi má ăn xong rồi đi chợ. Nó lén đi chỗ khuất để đứng nhìn con, rồi khóc…

Nhưng con nhỏ đó nói gì thì nó cũng là ác nghiệp của bác. Nó quen tay ăn xài, lại bướng bỉnh… Bác khổ quá Hùng ơi!”

*

Một chiều không hẹn mà gặp, Mẹ của Hùng đặt thúng bánh xuống sàn phà, ngồi nghe Bảo Hân tâm sự,

“Cô dạy chị Hai con, cô dạy con. Cô như mẹ tụi con. Con không nói láo má con nên con không nói dối cô được… Chị Hai con đi làm Công ty du lịch tỉnh. Nhiều tiếng đồn tới tai má con là chị Hai đi công tác cũng như đi chơi với toàn mấy người đã có gia đình là mấy ông cán bộ. Má con không muốn, nhưng nói ra chị Hai không nghe. Mỗi lần má con lớn tiếng thì chị Hai đi lâu hơn không chịu về nhà…

Chị Hai không nghe lời má con nên mới có thai với ông cán bộ. Gặp ông cán bộ hết thời, bị mất chức, không ngồi tù liền thì cũng không lâu, cũng vô tù khi người hạ bệ ổng đủ bằng chứng tống ổng vô tù cho bớt lo… mấy người đó thì cô biết họ mà…”

“Ừm.”

“Chị Hai con không dám phá thai vì sợ tội, về nói với má con. Má con tha thứ cho chị Hai vì tội gì cũng tha thứ được trừ tội giết người. Má con nghĩ phá thai là giết người mà cô. Chỉ là má con hết cách rồi cô. Tội nghiệp má con lắm…”

“Nhưng cô thấy rất thiếu công bằng với thằng Hùng nhà cô. Nó đâu có tội tình gì mà phải nai lưng ra gánh chịu chứ!”

“Con biết! Con nói riêng cô biết chuyện này thôi, ba con đi vượt biên, sau đó có vợ con bên Mỹ nên má con mới không đi bảo lãnh nữa. Con thì đâu bỏ má con ở lại một mình được. Chỉ có chị Hai con muốn đi, đi qua Mỹ để đi xe hơi, ở nhà lầu… Nhưng hồ sơ bảo lãnh phải điều chỉnh tới-lui, chờ đợi miết, tới giờ mới được phái đoàn kêu đi phỏng vấn thì chị Hai lại gặp rắc rối…

Thiệt là đó giờ, má con chưa yêu cầu ba con gì hết. Vậy mà lần này, má con yêu cầu ba phải đích thân lo cho chị Hai qua Mỹ trước khi sanh em bé. Nhưng ba con nói: không kịp đâu, phải sanh ở Việt nam, sau đó lại tiếp tục bổ túc hồ sơ đứa con…

Con nói ra, không biết cô có tin con không nữa! Nhưng con tin má con không phải người có lòng lợi dụng anh Hùng. Má con thương anh Hùng nhứt trong bạn bè của chị Hai con. Má từng dạy chị Hai phải an ủi anh Hùng, chia sẻ khó khăn với anh Hùng lúc anh Hùng hoạn nạn…

Tuy chuyện má con nói với anh Hùng là nhờ anh Hùng đứng ra nhận lãnh là cha của đứa bé mà chị Hai con sắp sanh ra, để giữ sĩ diện, thanh danh cho gia đình và chị Hai con thôi. Sau đó làm giấy tờ hợp thức hoá thành một gia đình. Chị Hai con phải chờ đợi bổ túc hồ sơ chồng con… Nhưng qua Mỹ thì bắt buộc chị Hai phải ly dị với anh Hùng để anh Hùng tự do ăn học, tìm tương lai xứng đáng với anh ấy. Má con thương anh Hùng lắm, má nói hoài là má tiếc cho hoàn cảnh của anh Hùng không học lên cao được vì anh ấy học giỏi…

Má con thương ảnh thiệt đó cô! Không biết ở đâu má có ngày sanh tháng đẻ của anh Hùng, má không nói ra gì hết nhưng thường đi chùa cúng sao, giải hạn cho anh Hùng từ khi anh ấy bị bắt oan. Má con cũng thương cô luôn, mấy hôm má thấy trời mưa gió, má nhờ mấy đứa nhỏ trong xóm ra bến phà mua bánh ú, bánh tét của cô đem về… rồi cho tụi nó ăn luôn. Má sợ cô bán ế thôi.

Bây giờ thì mọi sắp đặt của má con, (ba con đã về Việt nam để lo chuyện này cho chị Hai con. Nhưng ba ở Sài gòn chứ không về quê - tại má con không muốn ba về đây!) Mọi chuyện chỉ còn chờ quyết định của anh Hùng. Chắc má con chờ anh Hùng trả lời rồi sẽ sang nhà để nói chuyện với cô đó…”

“Cô cảm ơn con đã cho cô biết sự tình. Hai chị em con đều là học trò của cô. Nhưng nếu con có ý nguyện trở thành con dâu của cô thì cô sẽ giang hết hai tay ra để ôm vào lòng mẹ chồng đứa học trò mà cô thương và thấu hiểu con. Nhưng Triều Giang thì không được. Không được đâu…

Cô xin gởi lời cám ơn má con đã thương thằng Hùng nhà cô, cám ơn má con giúp đỡ cô không ra mặt, cô thật biết ơn thầm lặng đó!..

Nhưng cũng phải nói lời xin lỗi má con là cô phải gởi lời sớm với con, về nói với má con là cô không đồng ý chuyện má con nhờ anh Hùng của con đứng ra chịu trách nhiệm về sự sai lầm của chị Hai con. Cô cũng nói thật với con, cô không phải người cố chấp, cổ hủ tới can thiệp vào chuyện hôn nhân của con cái. Nên ý cô là vậy, nhưng mọi chuyện vẫn do anh Hùng của con tự quyết định chuyện hôn nhân của nó…”

*

Dù sao thì đám cưới của Lê Xuân Hùng với Nguyễn thị Triều Giang cũng đã diễn ra trong thân tình gia đình của người bên nhà gái. Không có chị sui bên đàng trai, không có anh sui gái bên Mỹ về. Không có bạn bè, không có ai chia chung ngày vui nhiều nước mắt. Đám cưới được tổ chức chỉ như để chụp lấy vài tấm hình để bổ túc cho hồ sơ bảo lãnh...

Rồi một bé gái ra đời với cái tên Hoài Giang - do chính Hùng đặt tên cho nó để không bao giờ quên dòng sông định mệnh đã đưa cha mẹ Hùng là hai người con nhà người bắc di cư năm 54, đã sống và lớn lên ở Sài gòn, cùng học trường Sư phạm thành phố; cùng ra trường và nhận công tác về miền tây. Rồi họ thành gia đình bên dòng sông này, để có anh em của Hùng, có bạn bè và những người cùng sống bên dòng sông cội nguồn của một đứa bé vừa sinh ra đã biệt xứ. Dòng sông sẽ chỉ còn trong ký ức hai người bạn bỏ xứ ra đi với đứa bé là nguyên nhân, hay tình yêu thực sự trong họ giành cho nhau như định mệnh phải đánh đổi với những mất mát…

3.

Triều Giang vẫn không thay đổi gì sau cú sốc thẳng vào đời mình và có thể đã để lại một hố bom sâu hoắm đến không gì lấp nổi. Giang từ cha ngay khi đặt chân xuống phi trường nước Mỹ. Không phải là quyết định do hoàn cảnh hiện tại của mình, mà là lời nguyền từ lá thơ năm xưa cha đã gởi về nhà báo tin ông đã có vợ con mới bên Mỹ. Khi ấy chị em Giang còn nhỏ và má Giang còn trẻ lắm. Người cha thương kính của Giang đã chết từ hôm đó; từ những lần lửa về sau, Giang nắm tay em cùng chứng kiến má tảo tần nuôi hai chị em Giang lớn lên bằng chính sức lực của má chứ không nhận sự giúp đỡ của người cha đã phụ lòng má… Hình ảnh mấy người công an dọn dẹp lòng lề đường đã đá hất tung gánh hàng rong của má; chai dầu khuynh diệp mà lần đầu tiên trong đời Triều Giang đi mua chịu để về xức cho những vết bầm của má bị công an đánh… Tiếc là khi đã hiểu lý do mình ham đi Mỹ thuở còn nhỏ để có thể ở lại nhà với má với em thì hoàn cảnh lại đưa Giang đến tận nơi xa xôi này…

Vì thế, Hùng với Triều Giang đã ôm Hoài Giang chu du theo dòng đời di dân, theo miếng cơm manh áo của người bỏ lại sau lưng quê hương tội nghiệt. Nhưng ông trời như đã sanh ra Triều Giang để ăn ngon, mặc đẹp, xài sang… Những ăn năn để làm lại từ đầu không bao giờ đủ ý chí và nghị lực để thành công. Giang ngày càng lún sâu vào xa hoa để cuối cùng xa đoạ, tội tình…

Những năm tàn tháng tận chạnh nhớ nhà như ngọn roi quất vào trái tim thầm lặng. Hùng đã nhiều lần cầm chìa khoá ra xe không lời từ biệt vì không có ý định trở lại thì từ giã Triều Giang làm chi, làm chi nữa. Nhưng Hoài Giang không thiếu được Hùng. Nó ôm cha ngủ những đêm đông cô đơn trong căn apartment nào đó vì mẹ còn say sưa ở hộp đêm, phòng trà, hát cho nhau nghe thâu đêm suốt sáng với những người không quen. Rồi ai đưa Giang về những đêm khuya, khi Hùng đã kiệt sức với nhiều việc làm trong ngày để trả nợ thẻ nhựa mà Giang cà vô tội vạ;

Một hôm Hùng về khuya, nhìn Hoài Giang ngủ gục trên sofa vì đợi ba về ăn cơm. Nó không biết mình đã thành thiếu nữ. Sự khủng hoảng thực sự đã ám ảnh Hùng vì không biết phải nói chuyện làm sao với đứa con thiếu mẹ này! Hùng chỉ biết thu xếp cho nó ngủ phòng riêng. Nhưng từ đó tiếng khóc canh khuya của đứa con gái đã biết xấu hổ vì mẹ, của đứa con không sanh mà dưỡng, mà thương, làm Hùng xót xa hơn vì nó không có má từ khi sinh ra và có thể tới hết đời nó.

Tội nghiệt cho đứa bé như khuôn đúc của Triều Giang ở sân trường ngày nào, nhưng lại mang trái tim dì Hân. Không biết đó có phải là điều làm Hùng không thể rời xa; không bỏ được con bé mang hình hài của mẹ và lòng nhân ái của dì nó. Hay chính những tô cháo khét, tô mì chín sượng hoặc bã chẹt vì quá lửa mà nó đã nấu lần đầu tiên trong đời nó với hết lòng lo lắng thương yêu ba Hùng khi Hùng đổ xuống do làm việc quá sức…

Nó giữ gìn kỷ niệm cho ba Hùng bằng cách giữ liên lạc với cô Lan nhi, dì Hân từ khi nó có thể. Nó nắn nót viết lá thơ bằng tiếng Việt đầu tiên trong đời nó cả tháng trời, sai bét từ chánh tả tới văn phạm vì tự mày mò học tiếng Việt trên online, nhưng chắc chắn, tự tin bằng lòng quả cảm của cô La nhi; bằng lòng nhân ái của dì Hân là bà nội đọc thơ của con, bà nội sẽ tha thứ cho ba…

Nó gọi điện thoại lúc nấu ăn, ai ngờ được là gọi xa tới nửa vòng trái đất chỉ để hỏi cô Lan nhi là ba con thích ăn khổ qua xào trứng nhưng có bỏ tiêu không vậy cô Lan nhi? Nó vừa rửa chén vừa gọi mẹ xem mẹ đã ăn gì chưa?..., dù người chưa từng thương nó lấy một lần trong đời con bé có mẹ mà cứ như con mồi côi… Lần đầu tiên nào trong đời nó cũng là làm cho ba, chỉ lần đầu tiên lái xe một mình là ra chợ mua mấy món phụ nữ thường dùng để gởi vô tù cho mẹ. Nó làm cho ba Hùng đầu hàng số phận mình đã được ông trời sinh ra để chia chung với đứa trẻ lạc loài…

4.

Hùng thức giấc, ngửi được mùi trứng chiên. Chắc là Hoài Giang đang chiên trứng cho ba ăn sáng. Tội nghiệp con nhỏ đêm qua nói điện thoại với cô Lan nhi, dì Hân không biết tới mấy giờ! Hôm nay nó lại phải đi làm tới khuya mới về…

“Goodmorning ba! Ba uống thuốc con mua tối qua, có thấy đỡ nhức mình chưa?”

“Đỡ rồi con. Chắc tại tuần rồi ba làm nhiều quá. Nghỉ weekend này thì khoẻ thôi.”

“Ba ỉ i quá! Sáng ba đi làm sớm mà không chịu mặc áo lạnh…”

“Nhằm nhò gì ba…

“Để ba phụ cho, con làm món gì đó?”

“Trứng chiên muôn năm - không hành vạn tuế - đừng để tiêu cay… nhưng không có tiêu không ngon đâu con… Nó làm một hơi rồi mới nói, Hôm nay ba không khoẻ nên con chiên trứng cho ba chín chút nha ba…”

“Sao con không hỏi cô Lan nhi tối hôm qua luôn cho đỡ tốn tiền điện thoại: Ba con thích ăn trứng chiên chín cỡ nào? Hai cô cháu mày tối hôm qua đóng tiền điện thoại tới mấy giờ?”

“Cô Út nói… hồi ba còn ở nhà, đâu có trứng đâu mà chiên… nên Út không biết! Hì hì…”

“…Con nhỏ này!

… dì Hân con khoẻ không vậy?”

“…”

“Ba đi đánh răng đi, rồi ra ăn sáng.”

Bữa ăn sáng cuối tuần của hai cha con không bình thường như những cuối tuần đã thành thói quen không thừa không thiếu đã từ lâu. Ăn xong, Hoài Giang vô phòng - trở ra. Đặt lên bàn ăn phong thơ dày cộm - làm Hùng chạnh lòng nhớ tới phong thơ mà bà ngoại của Hoài Giang đã trao cho Hùng ngày nào; trao cho Hùng sự giúp đỡ của mẹ Hoài Giang; trao cho Hùng cả cuộc đời Triều Giang, trao cho Hùng cả Hoài Giang trước mặt… chỉ một cái phong thơ mà liên lụy tới ba đời người…

Dù sao sự khác thường sáng nay cũng làm ngây đuôi mắt đã mọc rễ tre của Hùng cứ nhìn con dò xét… nó không nói gì vì cũng đang dò xét lại ba Hùng. Ánh mắt, nụ cười và mái tóc nghiêng vai của nó làm chấn động tâm tư người cha trong một sáng mùa đông.

“Ba không biết con giống mẹ hay giống dì. Nhìn con, ba thấy cả hai người... mà con đưa tiền gì cho ba mà nhiều quá vậy?”

“Tất cả tiền con để dành được từ hôm con đi làm thêm đến nay, đó ba.”

“Bỏ nhà băng cho con hả?”

“Không phải.”

“Sao!”

“…Con có mấy chuyện muốn nói với ba, từ lâu rồi! Không phải là không có thời gian. Nhưng, nếu sáng nay con không nói với ba thì sợ trễ…”

“Chuyện gì mà nghiêm trọng vậy con?”

Hoài Giang nói, “Ba đừng có la con nha. Con xin ba cho con nói hết ý của con một lần. Ba không nạt ngang con; không bắt con im miệng, ba không được bỏ đi… mà phải nghe con nói hết một lần. Ba đồng ý không, móc ngoéo với con đi…!”

“Được. Có chuyện gì ba trả lời không được với con chưa! Khỉ.”

“Vậy con xin phép ba.

Tối hôm qua, con nói điện thoại với cô Lan nhi. Không phải lá thơ viết bằng tiếng Việt của con làm bà nội xúc động nên tha thứ cho ba. Bà nội còn nói với cô Út của con, sao nó không viết tiếng Anh, mẹ còn dễ hiểu ý nó hơn…

Bà nội chưa tha thứ cho ba đâu, chỉ chấp nhận sự thật là bà nội không còn thời gian để chờ đợi điều gì nữa trên cuộc đời này… Nói sao thì cũng phải chấp nhận sự thật là bà nội không biết còn sống ngày nào, chết ngày nào. Nội yếu lắm rồi… và bác sĩ chê rồi đó! Nội có bệnh, tìm được bệnh rồi. Nhưng giải phẫu thì khó sống vì nội không đủ sức chịu đựng cuộc phẫu thuật. Mà không giải phẫu thì nội khó thọ… Cô Út con đưa nội về nhà, theo nội muốn vì nằm ở bệnh viện cũng vậy thôi…”

“Sao con không cho ba hay sớm?”

“Con mới biết tối hôm qua thôi ba. Tóm lại là ba phải về thăm bà nội một lần, không chần chừ được nữa đâu. Cho dù bà nội có tha thứ cho ba hay không thì ba cũng phải về… Con không phải là cháu nội ruột của bà nội. Nhưng bà nội nuôi ba từ nhỏ tới lớn, như ba nuôi con. Nếu ba giận con tới đâu thì con cũng về thăm ba khi ba…

Nên con xin ba cầm hết số tiền đầu tiên con kiếm được trong đời con. Ba đi mua một cái vé máy bay để về thăm bà nội đi. Không phải ba không có tiền, nhưng ba không đủ can đảm về gặp mặt bà nội, nên coi như con về cùng ba. Ba với con cùng chịu tội với bà nội. Ba thương con đi ba.”

“Sao cái gì lần đầu tiên con có được, con cũng cho ba hết vậy!”

“Tại con biết ba đã cho con hết đời ba, ba sẽ cho con tới cuối cùng… phải không ba?”

“Thôi được! Để ba suy nghĩ lại. Ba cảm ơn con nhiều lắm, con gái của ba.”

“Không. Con không cho ba suy nghĩ lại gì nữa đâu! Chút nữa con đi làm, tới tối con về. Con sẽ sắp vali cho ba về thăm bà nội. Nếu tối nay con về nhà mà không thấy vé máy bay trên bàn thì từ thứ hai tuần tới con sẽ bỏ học, không đi làm… Con hứa, con thề với ba đó!”

“… Sao hôm nay con dữ với ba quá vậy? Con có biết là ba không cho con xài tiền vì sang năm con đi Đại học rồi không? Trong khi ba cần tiền để lo luật sư cho mẹ con. Bây giờ, ba bỏ mẹ với con để đi Việt nam một mình có đúng không, nhất là mẹ con đang ở trong tù, con thì cũng chưa thực sự đủ lớn để ba yên tâm bỏ con ở nhà một mình…”

“Con cảm ơn ba thương con với mẹ. Nhưng con nói ra ý nghĩ thực có trong đầu óc con. Xin ba đừng giận con. Con thì đủ sức ở nhà một mình khi ba đi Việt nam. Về mẹ, con nghĩ là mẹ ở trong tù sẽ tốt hơn cho mẹ về sức khoẻ. Tốt hơn cho ba được yên thân đi làm, cho con được yên tâm đi học… Con cũng đau lòng khi mẹ ở tù vì mấy cái tội chỉ bởi bị người ta lợi dụng. Nhưng xui ba bán nhà để cứu mẹ ra thì ba với con lại không yên khi không biết mẹ đang làm gì, ở đâu… Nếu mẹ thay đổi thì mẹ đã thay đổi. Con không tin có gì thay đổi ở mẹ nữa. Hồi nhỏ, con buồn và giận mẹ con lắm vì con xấu hổ với bạn bè, rồi con biết xấu hổ với ba khi con lớn hơn. Nhưng bây giờ con không còn nhỏ nữa đâu ba. Con biết có những điều mình phải cắn răng chịu đựng suốt đời…”

“Con đã lớn rồi đó Hoài Giang, con làm cho ba an tâm nhiều lắm. Cảm ơn con nhiều lắm. Nhưng với ba cái ơn cứu mạng của mẹ con ngày nào cũng có một phần trách nhiệm của ba trong đó. Con lớn rồi nên ba mới nói, ba thường nghĩ cha ruột của con là ông cán bộ đã vô trụ sở công an huyện để bảo lãnh ba ra khỏi trại giam; phong thơ mà mẹ con đã gởi bà ngoại đưa cho ba là cái phong thơ định mệnh của cha con mình vì chứa trong đó những đồng tiền của cha ruột con đó!

Hơn hết là tình yêu sâu đậm đến chừng nào của ba đối với mẹ con. Mẹ con cũng yêu thương ba lắm. Nhưng tâm lý của một người đã làm sai thì đầy lòng hối hận; lòng hối hận ấy càng to lớn gấp bội khi đã trót lỡ làm sai với người mình thương yêu nhất… là hoàn cảnh, là khổ tâm của mẹ con.

Ba từ giận dữ suốt thời tuổi trẻ, tới giận hờn khi thấy con đã lớn khôn mà thiếu một người mẹ để hướng dẫn con trong những chuyện cần tế nhị mà người cha khó ăn khó nói với con gái. Nhưng chính con đã làm cho ba hết giận mẹ con rồi. Con giỏi xoay sở một mình, chịu khó tìm hiểu để bù lấp khoảng trống thiếu mẹ. Con thương người như dì Hân con vậy đó! Cái gì con có được, làm được lần đầu trong đời con con cũng dành cho ba… Con càng lớn càng không cho ba nói câu: ba thương con mà con cứ làm cho ba phải nói: Cám ơn con.

Ba cám ơn con nhiều lắm, ba hy vọng lần này mẹ bị vô tù, đúng như con nói là bị người ta lợi dụng thôi chứ mẹ con là người sợ tội đến không dám phá thai thì sao băng đảng, lừa đảo được với ai. Vài năm tù là khoảng thời gian tĩnh tâm để mẹ con trở về nhà, để trả lại cho con người mẹ cần thiết của con… Ba có thấy những chuyển biến tốt hơn trong suy nghĩ của mẹ con rồi. Ba mong trời phật phù hộ cho gia đình mình. Ba chờ đợi thêm sự thay đổi ở mẹ con. Ba hy vọng mẹ ra tù với tâm tư mới để cả nhà mình cùng về thăm bà nội với cô Lan nhi, bà ngoại mất rồi thì thăm dì Hân của con. Ba nhớ họ lắm trong lòng ba…”

“Không có dù sao với con nữa! Cô Út…, không phải, con nói: Con hiểu ba, cám ơn ba tâm sự với con. Nhưng chuyện ba phải về liền để thăm bà nội là không chậm trễ được.

Con cho ba thêm một cái bonus để con không hối hận nếu con phải bỏ học, bỏ đi làm, bỏ đời con luôn cho ba buồn chết luôn… Ba có biết đã bao nhiêu năm và bao nhiêu lần, ba hỏi con về dì Hân. Con chỉ trả lời là ba về Việt nam thì ba biết dì con có khoẻ không? Đang làm gì? Ở đâu? Hôm nay con trả lời cho ba biết để thêm lý do ba phải về: Dì Hân của con không lập gia đình, làm nghề chờ đợi ở bến tương tư như chuyện kể ba chờ mẹ con vậy đó! Từ sau bà ngoại chết, dì làm đứa học trò cũ chăm sóc cho cô giáo cũ vì cô Lan nhi không sống với bà nội được; dì con trả nợ cho gia đình, trả nợ cho ba đủ chưa, ba ơi…!”

*

Cái phong thơ nợ tình của Hùng như định mệnh thì cái phong thơ nợ đời trên bàn ăn càng sâu đậm nghĩa tình. Căn nhà vắng thì thầm kỷ niệm, tiếng cười Hoài Giang nói điện thoại với cô Lan nhi, dì Hân; tiếng khóc cũng của nó khi ba Hùng nổi giận… Hùng ngồi đếm kỹ những đồng tiền part-time, những đồng tiền tip của con bé đi bưng thức ăn ở nhà hàng. Chuyện đời cay đắng sao sanh ra quả ngọt để đau lòng già, -không phải đâu! Cây Triều Giang bị sâu bệnh một thời gian rồi sẽ qua, đang qua để đã qua, phải không Giang…

Hùng cất kỹ xấp tiền khá dày sau khi sắp xếp lại cho ngay ngắn, không biết bao nhiêu của con vào phong thơ - để làm kỷ niệm. Có lẽ đây là món quà Tết ý nghĩa nhất cho Giang trong tù, trong đời sống có quá nhiều người không còn tin vào con người.

Nắng yếu ớt mùa đông không đủ ấm cành khô để bói nụ, nhưng lòng Hùng nở hoa. Nhẹ nhõm chiếc lá bay cô lẻ theo chiều gió, Hùng nhẹ nhàng lái xe đi mua cái vé về Việt nam bằng đồng tiền (dù chỉ là ý nghĩa thôi vì tiền thật của Hoài Giang đã cất làm kỷ niệm). Nhưng cứ coi như mua cái vé máy bay về Việt nam bằng những đồng tiền đầu tiên kiếm được của con bé mà Hùng đã bưng, ẵm nó chạy khỏi xứ để giữ thanh danh cho gia đình mẹ nó. Con bé là sản phẩm của một thời tối tăm mà những người có mặt vẫn chưa thấy được ánh sáng cuối đường hầm tới bao giờ…

*

Buổi sáng đầu tiên từ khi đặt chân lên nước Mỹ, Hùng thấy đời tươi đẹp hơn những gì đã thấy bấy lâu nay. Cất vé máy bay vào cốp xe, anh lái xe đi loanh quanh thành phố đã từng sống nhiều năm nhưng chưa ngắm cảnh bao giờ. Ghé lại tiệm hoa mua bó hoa đẹp nhất. Quà xuân cho Triều Giang không gì ý nghĩa hơn kể lại câu chuyện của hai cha con sáng nay. Giang cũng chẳng cần phong thơ dày cộm những tờ một đồng của đứa con tội nghiệp. Hùng tin là những gì tốt đẹp nhất trong cõi lòng của Triều Giang đã bị chôn vùi theo năm tháng sẽ đâm chồi nảy lộc giữa mùa đông…

Hùng lái xe đến nhà tù thăm vợ, đậu đèn đỏ cuối cùng là quẹo vô bãi đậu xe. Mấy người Mỹ đen đi chung xe bên cạnh, một người đưa tay chào Hùng nên Hùng cũng tươi cười đưa tay chào lại họ trong tâm trạng đang vui. Rồi một tiếng súng nổ chát chúa bên tai… Hùng thấy mình mon men theo con hẻm phố chợ, xuyên qua mấy cái nhà lầu ngoài mặt lộ lớn, không gian thoáng ra với vườn tược, cây trái. Và đây rồi, căn nhà đã mua bằng những đồng tiền chạy xe lôi và tiền bán bánh ú, bánh tét của mẹ ngoài bến phà… Kìa Lan nhi đang quét sân giùm mẹ, nó vẫn thích làm việc ấy khi xưa, dù mẹ phải quét lại sau khi con bé chơi với cây chổi đã chán. Ôi, thầy cãi của gia đình Hùng đó! Nó đã thành người phụ nữ cao, gầy, da trắng xanh như mẹ ngày xưa đi dạy học. Không biết sao con bé lại không để tóc dài như mơ ước thuở nhỏ của nó vậy? Hay mái tóc cắt ngắn mới lộ rõ u hoài trong đôi mắt bất lực của người bảo vệ công lý bằng cái bằng luật sư hữu danh vô thực. Trông nó mỏi mệt quá! Tội nghiệp em tôi… Còn tiếng ai nghe mềm như lá cỏ đang hò điệu lý qua sông, phải em là Bảo Hân đó không, em ru con ai trong lòng mà tràn ra nắng úa tình nhạt phai - phải con bé con của Lan nhi đó không Hân… con bé con leo lẻo như mẹ nó khi xưa đó mà. Nhưng sao em lại ở đây, sao em cô đơn quá vậy Hân…

Nhánh mai vàng Hùng cắm trước ngõ sau một lần tết năm xưa đã thành gốc mai có tuổi đang bói nụ… gió xuân lùa vào tai Hùng tiếng ho khàn từ hiên vắng đong đưa chiếc võng cói đã bạc màu thời gian xa vắng. Mẹ đã già hơn Hùng tưởng thật nhiều. Người xanh xao nằm đó, chiều lơ thơ tóc bạc đến đau lòng. Hùng khẽ bước đến bên mẹ, đôi chân cứng cỏi trên đường đời đã mềm nhất để quỳ xuống. Mẹ ơi! Con đã về…

Ở bên kia nửa vòng trái đất, Hoài Giang không nghe tiếng người quản lý nhà hàng quở trách sau lưng, “Sao cô không bưng thức ăn ra cho khách mà đứng đó…” Con bé chết đứng với khay thức ăn trên tay vì cái break news trên màn ảnh tivi,

“…một vụ nổ súng vừa xảy ra tại khu vực nhà tù trong khu downtown. Nạn nhân là một người Mỹ gốc Việt, chừng bốn mươi tuổi, đã chết tại chỗ sau khi hung thủ biến mất.

Cảnh sát không tiết lộ danh tánh nạn nhân để tiện việc điều tra. Nhưng trưởng đội cảnh sát tuần tra cho biết, có thể đây là một vụ thanh toán giữa các băng đảng gốc châu Á. Nhưng hung thủ đã nhầm mục tiêu vì nạn nhân không hề có tiến án hình sự nào cả…”

Con bé ngã xuống vì màu xe nạn nhân, vì ống kính truyền hình quay đúng chỗ kính chiếu hậu bên trong xe có treo lủng lẳng cái tượng Phật bà Quan âm mà nó mới tặng ba Hùng hôm sinh nhật thứ bốn mươi hai của ba…

Giáp Ngọ 2014

Phan

Ý kiến bạn đọc
27/01/201408:00:00
Khách
Bài viết dùng văn chương lời rất hay ý rất đẹp.
26/01/201408:00:00
Khách
Rất "khoái" đọc truyện của ông PHAN.Những truyện ông viết, dù ngắn hay dài luôn có ẩn ý hoặc vấn đề làm người đọc phải suy nghĩ.Cám ơn ông!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 4,947,042
Chúc Mừng Năm Mới, mùng Một Tết Giáp Ngọ, Viết Về Nước Mỹ năm thứ 15 trân trọng mời đọc bài viết cảm động về hoa mai và mùa xuân từ một gia đình H.O. Tác giả sinh năm 1956. Qua Mỹ tháng 10 năm 1994 cùng với gia đình theo diện HO.; Hiện sống tại thành phố Tacoma, làm việc cho một công ty thuộc ngành lâm nghiệp,
Ngày cuối năm Tỵ, đón giao thừa Tác giả định cư tại vùng Seattle, tiểu bang Washington từ năm 1975, đã hồi hưu hơn mười năm qua. Ông đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013 với bài viết đầu tiên và cũng là bài duy nhất trong năm, kể về một gia đình có ba tôn giáo lớn của thế giới kết hợp:
Tác giả đã dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2006, với bút hiệu PNT, PnT và từng nhận một giải thưởng đặc biệt. Sau mấy năm bặt tin, ông viết lại với bút hiệu mới là Phạm Ngọc. Bài gần đây là “Cái Giá Của Tự Do.” Bài mới trước thềm Tết Giáp Ngọ là tự sự của tác giả, người tuổi Nhâm Ngọ, sinh năm 1942.
Tác giả tên thật là Tô vĩnh Phúc. Trước 1975, tốt nghiệp cử nhân Luật Khoa và Văn Khoa tại Sài Gòn. Định cư tại Sacramento, California từ 1986, học và làm nhiều ngành khác nhau. Hai tập thơ đã xuất bản: "Bên Bến Sông Buồn" (2011) và "Nắng Chiều Còn Vương" (2012).
Tác giả thuộc lớp tuổi 60, định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, tiểu bang New Jersy. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà là “Tháng Ba, Trời Đất Vào Xuân,” tự sự của người vợ người mẹ trong một gia đình H.O., tự sơ luợc về mình “22 năm dạy học trong nước, 22 năm làm “culi job” trên đất Mỹ. Sau đây là bài viết thứ mười của tác giả cho Viết Về Nước Mỹ năm thứ 15. Bài trích từ báo Xuân Việt Báo Tết Giáp Ngọ, đang phát hành khắp nơi.
Tác giả là một kỹ sư công chánh, cư dân Torrance, California, đã góp một số bài viết về nước Mỹ. Anh cũng đã du lịch nhiều nước và ghi lại trong ba quyển du ký với tựa đề Á Châu Quyến Rũ tập 1 & 2 và Đi Cruise Bắc Mỹ hiện có bán tại các nhà sách trong vùng Little Saigon. Việt Báo xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc. Dưới đây là bài viết mới nhất của tác giả về Tết ở Little Saigon/
Tác giả tên thật Trần Phương Ngôn, cho biết ông là thuyền nhân trên chiếc tàu vào loại lớn nhất, chở 246 người, con số đông nhất trong một chuyến vượt biển. Tác giả cũng đã sống ở trại tỵ nạn PFAC của Phi Luật Tân gần mười một năm và chỉ mới định cư tại Hoa Kỳ từ 2004. Hiện hành nghề Nail tại tiểu bang South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College. Bài viết mới nhất của Triều Phong là chuyện bàn thờ ngày giáp Tết.
Tác giả sinh năm 1962, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật năm 1988 khoa Đồ Họa tại Việt Nam, từng làm công việc thiết kế sáng tạo trong ngành quảng cáo. Đến Mỹ tháng Tư năm 2000, hiện là cư dân Waxahachie, Texas, đang làm việc trong phân xưởng in của một nhà máy in tại địa phương. Cô đã góp nhiều bài Viết Về Nước Mỹ. Sau đây là bài viết mới nhất.
Tác giả tự sơ lược tiểu sử: Sinh năm 1960 tại Quảng nam. Qua Mỹ tháng 9/2003. Hiện sống tại California. Tham dự Viết về nước Mỹ từ năm 2010 với bài “Căn Hộ Đầu Tiên Trên Đất Mỹ” ngay bài viết đầu, đã cho thấy cách viết thứ tự, tỉ mỉ, bồi hồi. Đó là tâm sự chuyện ngày tết. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết thêm.
Tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2001, và từ 8 năm qua, là thành viên Ban Tuyển Chọn giải thưởng Việt Báo. Sau đây là bài viết mới nhất của Trương Ngọc Bảo Xuân, kể về một cô bạn Mỹ làm nghề “mang bầu mướn, đẻ mướn”. Bái trích từ Báo xuân Việt Báo Tết Giáp Ngọ 2014, đang phát hành khắp nơi.