Hôm nay,  

Tết Ngày Ấy, Tết Bây Giờ

21/01/201400:00:00(Xem: 14372)
Tác giả: Phan Thanh Trà
Bài số 4120-14-29520vb3012114


Tác giả tự sơ lược tiểu sử: Sinh năm 1960 tại Quảng nam. Qua Mỹ tháng 9/2003. Hiện sống tại California. Tham dự Viết về nước Mỹ từ năm 2010 với bài “Căn Hộ Đầu Tiên Trên Đất Mỹ” ngay bài viết đầu, đã cho thấy cách viết thứ tự, tỉ mỉ, bồi hồi. Đó là tâm sự chuyện ngày tết. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết thêm.

* * *

Cali ít khi mưa gió bão bùng, chỉ đôi ngày mùa thu có những cơn gió vừa đủ làm cho những chiếc lá rơi, vàng, đỏ một khoảng sân. Chẳng như quê tôi, mảnh đất mong manh như cái lai áo lụa bên bờ Thái Bình Dương, mà mỗi năm không biết bao nhiêu cơn mưa bão, lụt lội chà qua xát lại đến tả tơi.

Ở đây trời đã tàn thu đang lập đông, nhiều ngày u ám vài cơn mưa rào, nhưng hiếm khi rả rích suốt đêm. Tiết trời lạnh tê tái, mỗi sáng đôi khi thấy lớp tuyết mỏng trên mái nhà, bao quanh xe và trắng mịn lớp cỏ trước sân nhà. Mùa lễ hội, Thanksgiving, Chirstmas, New Year đã qua. Những khu shopping trang hoàng rực rở đèn màu, nhộn nhịp tưng bừng bán on sale, khuyến mãi cho dịp mua sắm cuối năm đã bắt đầu thu dọn. Để tiếp theo, đó là gượng gạo cho một cái lễ gần như lạc lõng còn sót lại cuối mùa của vài dân tộc Châu Á, trong đó có người mình: Tết!

*

Ngày còn bé, qua tháng chạp trên đường đi học đã nghe văng vẳng khắp nơi đâu đó từ nhà ai những điệu nhạc xuân, Ly Rươu Mừng, Xuân Ca …tôi thì nhớ nhất là bài “Đám cưới đầu xuân” của Trần Thiện Thanh: “Lên sáu lên năm đôi ta cùng sách đôi ta cùng trường…”, khu xóm, làng quê, lòng người bắt đầu rộn ràng không khí Tết. Rồi vào lớp, ngày nào cũng cùng lũ bạn mong ngóng đếm từng ngày cho mau tới Tết. Nhà đứa nào, dù cả ngày cha mẹ có vất vả thế nào, buổi tối cũng cùng nhau chộn rộn thức khuya chuẩn bị cho những món ăn ngày Tết. Hoa đẹp nhất là lúc còn hàm tiếu, mùa xuân vui nhất là những ngày rạo rực đợi chờ trước Tết. Những món bắt đầu thường là lát mứt gừng óng ánh đường, sợi mứt dừa nhuộm màu xanh, đỏ, tím, vàng. Trời nhuốm xuân, đất Miền Trung se se lạnh, gió bấc nhè nhẹ, mưa phùn lấm tấm bay, mỗi sáng vào lớp giấu thầy cô mấy đứa giành giật, chia nhau những miếng mứt dừa vụn ngọt lịm, cay xè lát mứt gừng vét nồi của mẹ, mà sao nghe nó ngon không tả được…Chỉ một cái bánh in nhỏ thôi bốn, năm đứa rúc rích trong góc sân trường, ngắt từng miếng nhỏ chia nhau ăn, mà thấy nó ngon tuyệt thế không biết.

Thời gian trôi qua, Tết bây giờ đã công nghiệp hóa, bánh mứt đã bày bán sẵn khắp nơi, ngon hơn, đẹp hơn nhưng chắc không còn thuần khiết và ăm ắp những kỷ niệm như của ngày xưa nữa. Bánh tổ, tròn như cái tổ chim, mỗi lần mẹ đổ ra rồi rải lên mặt bánh vài hạt mè là tôi thấy thèm không chịu được, mẹ dích cho một miếng nhỏ, để lên miếng lá chuối, nóng hổi, hít hà lấy ngón tay quệt từng chút một mà mút, cái ngọt ngào thơm ngát mùi nếp thấm tràn trên lưỡi, ngon đến tê người. Bánh da, thường do ông ngoại tôi làm, cũng bột nếp, đường, vài hột đậu phộng rang rồi quấn lại bằng mo cau thật chặt. Bánh da cũng như bánh tổ ít khi ăn ngay trong mấy ngày Tết như bánh chưng, bánh ú mà thường là “để ra giêng” mới ăn.

“Ra giêng” có khi là tháng hai, tháng ba nhưng “ra giêng” đôi khi lại kéo dài tới cả mùa mưa bão năm sau. Những ngày gió mưa lạnh lẽo, nước sông Vu Gia dâng lên tràn bờ, chập chờn ngập xâm xấp trước hiên chuẩn bị tràn vào nhà, mẹ tôi lục trong lu sành lấy những chiếc bánh tổ làm từ hồi tháng chạp trong Tết, lấy dao cắt mà phải dùng chày-ông-tiêu đập thì nó mới chịu đứt. Nó cứng ngắc như đá, khô khốc, nứt nẻ, mốc meo như thế mà khử chút dầu phộng rồi chiên lên, nó mềm ra, dẻo quạnh, thơm lừng, ngọt lịm.

Mỗi lát bánh tổ chiên vàng nóng hổi được kẹp giữa hai miếng bánh tráng nướng giòn rụm, ngồi được trong nhà, dù co ro trên giường, bao quanh lò than hồng giữa trời gió mưa bên ngoài mà ăn, thì thiệt không có món nào ngon hơn trong cuộc đời, anh em tôi phải cắn nhin nhín từng chút, sợ hết.

Bánh da cũng thế, cũng để “ra giêng”, để lâu nó khô cứng, khi ăn thì cắt ra từng lát tròn mỏng, nhai thật kỹ, chậm chạp từ từ, nhai càng lâu nó càng bùi. Bột nếp, đậu phộng, gừng quyện vào nhau vừa ngon, vừa đỡ đói kỳ giáp hạt, như thức ăn vặt chốn quê nghèo không có những món bánh cao cấp, xa hoa như ở chốn thị thành.

Bánh nổ, bắp phải ông ngoại tôi rang thì nó mới nổ đều, nó nổ bôm bốp trong nồi như pháo, tôi cũng thường ngồi chờ chực kế bên, để mỗi lần ông đổ ra nia sảy cho bay mấy cái mày, là vội hốt một nắm chạy ra sân chia cho lũ bạn. Những hạt bắp nổ giòn tan trong miệng, vụng dại, ít ỏi, quê mùa mà sao ngon lạ, cả đời chẳng còn tìm lại được. Rồi bánh in, bánh thuẫn …Quê tôi nghèo, đất đai khô cằn cày lên sỏi đá, bão lụt quanh năm, thiên tai khắc nghiệt, cuộc sống nhiều bất trắc rủi ro nên từ muôn đời đã triền miên sống trong lo âu. Sống hôm nay lo cho ngày mai, năm nay lo cho năm sau, đời này lo cho đời sau. Cái nỗi lo đau đáu đi vào trong giấc ngủ, nửa đêm giật mình thức giấc vì lo, nỗi khắc khổ hiển hiện qua từng nếp nhăn trên khuôn mặt. Ai nói: “Quẳng gánh lo đi mà vui sống”, người quê tôi mang cả gánh lo trên vai mà còn khổ thế, chứ nói chi là vô tư thì còn cực đến mức nào! Cả đời vất vả lo cái ăn, cái mặc còn thiếu đói, biểu quẳng lo đi thì chẳng biết lấy cái gì để sống nữa, chứ có còn hồn đâu để mà vui. Âm thầm, chịu đựng, mãi mãi sống ngụp lặn trong lo âu! Bởi thế tằn tiện, lo xa gần như là một phần của bản tính người quê tôi.

“Ăn Tết” không phải là ngày Tết có món gì để ăn, mà ăn Tết thực sự đầy đủ, sung túc, yên tâm mãn nguyện là trong bồ, trên giàn bếp, trong lu sành có bao nhiêu bánh trái, đồ ăn được dành cho ngày “ra giêng”! Cái bánh tét cũng ráng mà làm cho thật dài, nhỏ, để dễ buộc lạt cho được chặt, nhưn bánh thì chỉ rải lấy có mấy hạt mè, làm cái món gì cũng không nhằm để ngon mà cốt giữ để ăn cho được lâu. Không như cái bánh tét trong Nam, to, mập, nếp còn pha thêm nước dừa, đậu đen, đậu phộng, nhưn đậu xanh, thịt mỡ thật nhiều, làm cho thật ngon nhằm chỉ ăn lấy hết trong ba ngày Tết.

Bây giờ ở Mỹ, bánh chưng, bánh tét ê hề, bán đầy ở mấy chợ hay khu shopping Việt Nam lại càng ngon, nhưn bánh càng nhiều thịt, nhiều đậu xanh, nếp không chỉ có trộn với đủ thứ đậu mà thêm cả hạt dẽ, hạt điều. Ăn không hết cứ bỏ tủ đông thì giữ bao lâu cũng được, mà chắc cũng không ai muốn giữ lâu làm gì, trong năm mua lúc nào mà chẳng có, chẳng đói khát, thèm thuồng gì, mua cốt chỉ để ăn trong một, hai bữa cho vui.

“Nhờ” cộng sản mà người mình “được” lưu lạc khắp nơi, nếm “được” đủ mùi tủi nhục! Nhưng dù có chết cũng phải cố sống, nên Cali, hay ở đâu dưới bầu trời này, Phi Châu, Nga, Tiệp, Canada, Úc, Âu, … mỗi năm đến đô xuân về, dù thế nào người mình chắc ai cũng quặn lòng hướng về quê hương mà đón Tết. Không này thì kia, không ít thì nhiều, chỗ quần tụ được đông thì cũng ráng hội xuân, xe hoa, chợ Tết, chỗ vắng vẻ, ít người thì cũng lăn xăn, quanh quẩn bên mâm cơm cúng ông bà dù nhiều lắm cũng chỉ mấy người trong nhà. Người lớn tuổi cũng ráng kiếm cành đào, cành mai giả, lay-ơn hồng, vài cành bông huệ trắng, về cắm trong chiếc bình hoa pha lê hay men sứ thật đẹp, không như ngày xưa nhà nghèo mẹ tôi cắm trong chiếc bình đất sét quê mùa. Tôi rất thích hoa huệ trắng, sắc hoa thanh khiết thánh thiện như Đức Mẹ, như Phật Bà Quan Âm với búp hoa nở ra như những ngón tay nhiệm màu nâng đỡ chở che. Hương thơm hoa huệ ngan ngát, dịu dàng, chan hòa ấm áp. Mỗi năm vào ngày Tết, dù thế nào, có thế không mua được thứ hoa nào khác nhưng tôi cũng cố mua một chục hoa huệ, tỉa gọt cẩn thận, rửa sạch, cắm vào bình đặt trong phòng khách, đóng cửa phòng lại suốt đêm để sáng hôm sau mở cửa ra mà nghe hương thơm tràn ngập như thấm vào tận trong lòng. Hoa huệ không kiêu sa, nhưng sắc hương ngọt ngào, đằm thắm, dịu hiền, không như lay-ơn có bao nhiêu sắc phơi ra hết mà chẳng có chút hương thơm duyên thầm nào.

Ở đây ngày Tết nếu trùng weekend thì còn có chút thời gian mà thăm vài người quen, anh em, bù khú với dăm người bạn vài lon bia, còn không thì miệt mài. Chồng cày, vợ cấy, con cái đi bừa, đi làm, đi học, nhiều khi trái giờ chẳng ăn được bữa cơm tất niên chung. Tranh thủ chút buổi tối gọi phone, email hỏi thăm, tạt qua chợ mua cái bánh tét, bánh chưng, hũ củ kiệu, lọ dưa món qua loa rồi ngày mai, một ngày cũng như mọi ngày đơn điệu quanh năm. Người mình gặp nhau, lạ quen rồi cũng “happy new year” cho phải lễ.

Tết! Bánh trái, áo quần chỉ là cái vật chất bên ngoài nhằm tô đậm thêm cho cái không khí, cái linh hồn, cái tự tình dân tộc sâu đậm trong lòng. Tết, ở đây vật chất có đủ, thậm chí thừa nhưng cái tinh thần thì thiếu, thiếu quá. Thèm thở được cái không khí đêm xuân đầm ấm chốn quê nhà, nơi có tiếng chuông chùa, tiếng chuông giáo đường thánh thót ngân xa, nơi mọi người, mọi nhà thấp thỏm cùng nhau hòa nhịp đợi chờ giờ giao thừa, giờ giao thoa của vạn vật đất trời, mong cho gặp nhiều đổi thay may mắn tốt lành ở năm mới. Được nhìn thấy ánh đèn dầu của muôn nhà và của mẹ già thắp sáng chập chờn ngoài bàn thờ thiên cúng tạ ơn trời đất, ông bà với râm rang những lời khấn nguyện cầu mong được phù hộ an lành. Ngửi được khói hương trầm bay quyện khắp hang cùng ngõ hẻm, như muôn người chung vạn nỗi lòng, mong muốn mọi điều tốt đẹp, lạc nghiệp, an cư. Và, có lẽ thiêng liêng nhất là chờ nghe tiếng pháo giao thừa, tiếng pháo từ rất xa cho đến thật gần, rồi rộ lên đúng giờ giao thừa, từ nhà hàng xóm lan qua đến nhà mình, từ đầu trên xuống tận xóm dưới, từ mênh mông đất trời âm thanh tiếng pháo nổ đón giao thừa như chảy mãi vào tận tâm can mỗi người con dân chung dòng giống Lạc Việt.

Bây giờ người ta không cho đốt pháo nữa, thật tiếc, cũng là một thiệt thòi lớn cho Tết, “Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ. Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh”, có thể có đủ thứ hết nhưng chắc thiếu “tràng pháo”. Tết mà thiếu tiếng pháo như lòng người ta tràn ngập tình yêu thương mà miệng thì không nói được ra lời. Thiếu tiếng pháo như mất đi cái âm thanh của Tết, cũng như mất đi một phần đáng kể hạnh phúc hưởng thụ cái không khí lễ hội lớn nhất của dân tộc hàng năm.

Đêm giao thừa, gia đình nào như cũng thức trắng, nhà nào cũng sáng đèn. Lặng nhìn đứa em thơ, thằng con nhỏ săm soi, trầm trồ bộ quần áo mới, mỗi năm một lần, bồi hồi chờ mặc cho ngày đầu năm, không phải chỉ trẻ thơ mà cả lòng mình cũng dâng lên một niềm hạnh phúc xốn xang khôn tả. Mọi người thầm thì dặn nhau từ sau giờ giao thừa phải kiêng khem, giữ gìn lời ăn tiếng nói, phải thật tâm cầu nguyện cho điều mong mõi tốt lành sẽ đến trong năm mới. Sự vất vả, khó nhọc, nỗi đau, mất mát không ai nói nhưng mọi người như giao ước ngầm là hãy quên hết đi, để cho niềm vui, hy vọng, hạnh phúc dù nhỏ bé được âm thầm len lỏi thấm đẫm vào tận trong lòng mỗi người.

Bên tách trà, ly rượu, khay mứt, xen với tiếng cắn hạt dưa lâm râm tí tách là những lời thầm thì hàn huyên tâm sự, kỷ niệm, hối hận, thứ tha trang trải suốt đêm chờ trời sáng. Thật những phút giây thiêng liêng ấy tưởng đi khắp bốn phương trời, dù sống bôn ba nơi chân trời góc biển, dù bon chen kiếm sống giữa phố phường hoa lệ nơi xứ người chắc ngàn đời chẳng thể ai quên. Không khí đón xuân làm cho mọi người như mở rộng lòng ra để bao dung, độ lượng, hứa hẹn thương yêu nhiều hơn trong năm mới.


Không khí Tết nơi quê nhà, nó bàng bạc trong mọi ngóc ngách xóm làng, từ thị thành “ngựa xe như nước” đến tận vùng thôn quê, núi rừng, xa xôi hẻo lánh đất rộng người thưa. Nó như thấm trong từng tế bào, đi vào trong tận cùng sâu thẩm tâm linh của mỗi người. Còn ở đây, tha hương, Tết chỉ là “một ngày như mọi ngày”. Tết là một cơ hội để người ta gần gũi, thương yêu nhau hơn, lo lắng, quan tâm nhau hơn. Nhưng Tết nơi xứ người thì chẳng có gì! Vâng, chẳng có gì! Đêm về, nằm tưởng nhớ lại, bồi hồi tiếc nuối...

Tôi nhớ thời tản cư xuống Hội An, ngày đầu năm, trong chiếc áo sơ mi trắng, cái quần soóc xanh còn thơm mùi vải mới, đôi giày san-đan trắng vừa tháo khỏi bao ny-lông mẹ dành dụm mua từ nhiều tháng trước trong năm. Tôi bọc trong túi quần bên này mấy chục viên pháo chuột, túi quần bên kia một nắm hạt dưa, dung dăng cùng mấy đứa bạn, trên tay mỗi đứa cầm theo cây nhang đi lang thang khắp xóm làng. Hạt dưa không biết cắn cứ để nguyên vỏ mà nhai. Thỉnh thoảng đặt viên pháo xuống đường mồi cây nhang cho pháo nổ, ngửi mùi thuốc pháo thoang thoảng, nhìn xác hồng pháo bay mà thấy trong lòng khấp khởi, rộn ràng hạnh phúc tuổi thơ yên bình. Có đứa muốn làm anh hùng cầm pháo trên tay, mồi nhang, tim cháy nhanh quá vất viên pháo không kịp pháo nổ phồng tay. Cả bọn reo ầm, đáng đời, tởn tới già.

Đi theo đường Phạm Phú Quốc xuống phố, qua chùa, ao sen, Khổng Miếu đến trường. Quành về qua chợ, cả đám men theo đường Cường Để rồi rẽ ra bờ sông, phố vắng nhưng trong lòng thì rộn ràng, nhà ai cũng cúng ông bà, khói hương bay ra ấm áp, phố phường thơm ngát mùi trầm hương. Lác đác người đi chùa, đi nhà thờ mang cây hương hay nhành huệ trắng về nhà. Dọc sông Hoài, hơi nước ấm bảng lảng bay là đà trên mặt nước dưới sương mai, quanh quẩn ẩn hiện bên những chiếc ghe neo đậu gần bờ. Dựa lan can Chùa Cầu nhìn ra xa, phố cổ ngày đầu năm ngái ngủ đẹp mơ màng như tiên cảnh. Không khí Tết tràn ngập trong mọi nhà, lâng lâng trong lòng mọi người. Không khí Tết chan hòa ở khắp cả thiên nhiên đất trời hòa hợp cùng với con người.

Mặt trời lên cao, người ta bắt đầu ra khỏi nhà, đi chơi, đi chúc Tết nhau. Phố phường như thay áo, phông màn cũ mới lẫn lộn nhưng mọi người thì như khác lạ, quần áo mới, nói năng nhỏ nhẹ, ngọt ngào. Những người bán tò he bên vệ đường cũng mặc đồ mới, họ khe khẻ thổi những âm điệu ngồ ngộ để chiêu dụ khách du xuân. Tết mà, mỗi đứa mua một con thổi rổn rảng trên đường về nhà. Thời xưa phố Hội chưa có khách Tây nên ngày xuân nó trầm mặc, ưu tư và sâu lắng lắm! Ngày đầu năm, dù giàu hay nghèo, mọi người đều quần áo chỉnh chu, cung kính lễ phép…, ít xô bồ như bây giờ. Thôi, ngày ấy xa rồi, mỗi thời mỗi khác!

Về tới nhà, mẹ tôi xẻ ra một cái bánh chưng, múc cho mỗi đứa một chén canh chuối chát hầm với xương cốt-lết nóng hổi. Cái món canh này mà ăn với bánh chưng thật ngon không thể tả, không biết có phải do đói bụng hay ngày thường thèm cũng không có để ăn, mà suốt mấy ngày Tết mẹ tôi cho ăn mỗi ngày cũng không thấy ngán. Chuối chát khứa nguyên trái nấu chung với xương heo, thịt và chuối mềm lụn thơm lừng mà không bở rục, múc ra chén vẫn còn nguyên không bị nát. Sau này, có mấy cái Tết tôi cũng cố nấu lại món canh này, nhưng sao cái hương vị không giống như ngày xưa nữa. Không biết có phải do thịt thà cây trái bây giờ nuôi trồng bằng hoá chất, lưu trữ đông lạnh lâu ngày không được tươi nguyên, hay tại tôi không biết nấu nên cái hương vị bây giờ rất khác, không ngon như món canh của mẹ tôi ngày ấy.

Bao năm qua rồi, mẹ tôi không còn, bạn bè của thuở ấu thơ nay vật đổi sao dời, trôi giạt hà phương chân trời góc biển chẳng bao giờ còn cơ hội mà ngây thơ đùa nghịch, ăn lại chung với nhau chén canh chuối chát với bánh chưng của mẹ tôi ngày ấy. Chắc ngày xưa thiếu thốn, thèm thuồng, tuổi thơ luôn thấy đời tươi đẹp nên ăn cái gì cũng thấy ngon, bây giờ dư thừa, sống mòn người, đường đời mõi mệt, nên ăn gì nghe cũng nhạt nhẽo? Hay hương hoa ngày ấy không còn ở lại mà đã theo hồn người xưa đi về chốn xa xôi rồi?

Có năm mồng hai, mồng ba Tết cả đám rủ nhau về Thanh Quít, Điện Ngọc. Thời đó bom đạn khắp trời mà sao bọn tôi chẳng hình dung chi chiến tranh. Chỉ thấy Tết như ngày thanh bình và mình thì đi đâu cũng được, bình thản ngây thơ, tự nhiên tung tăng giữa đất trời quê hương không một chút mảy may sợ sệt. Tôi nhớ món bánh in làm bằng bột bình tinh bà nội của Lộc cho, nó cứng ngắt cắn muốn đau răng nhưng ngậm trong miệng thì tan ngay không cần nhai, béo ngậy, ngọt bùi. Nhớ món bánh tét không có nhưn, mẹ Chánh mang ra cho tụi tôi ăn với dưa món và tré Vĩnh Điện, cả đám tranh nhau ăn không biết ngán, Dậu cầm dĩa liếm, nhựa nếp dính tèm lem trên mặt.

Sau này, nghe nói Lộc, Chánh bị Việt cộng bắt vô bưng, chết đâu trên Hiên, trên Giằng. Hy, Huấn, Trung, nhiều đứa nữa… “tụi bây” giờ ở đâu? Lớn rồi mà xưng “mi tau” nghe cũng chướng, chẳng biết bây giờ mỗi đứa sống chết ra sao, “tụi bây” hãy cho “tau” một lần nữa kêu như vậy, như để nhớ những tháng ngày tuổi thơ thân ái xa xưa, cái thuở tụi mình cùng làng, cùng xóm, đi học cùng trường, còn vô tư nghịch phá chơi đùa với nhau.

Còn nhớ có một chiều mồng 2 Tết cả đám chơi đuổi bắt, có đứa ăn gian, rồi tụi mình tự dưng chia phe rượt đuổi nhau chạy khắp Hội An. Có lần, ngày Tết, chơi năm mười tới khuya, cả đám chạy trốn xuống tận rạp Phi Anh, rạp gần thả cửa, chui vào xin coi cọp cải lương đoàn Thanh Minh ngay lúc cô Thanh Nga đang ca bài: “Không bao giờ quên …”, hay nức nở, cả đám ôm nhau đứng im thin thít, co ro cuối rạp nghe mùi mẫn…Về nhà, bị đòn đua nhau khóc bè cho to, dậy cả xóm… Nhiều lắm, nhưng thôi, “tau” sợ kể ra nhiều quá rồi sẽ không biết phải chấm dứt ở đâu. Trước ngày đi Mỹ có về lại, cố tìm thăm mấy người bạn thuở ấy, nhưng chẳng gặp được đứa nào.

Nước mình không lớn, chỉ chừng hai phần ba bang Cali mà sao cách trở? Chẳng hiểu sao cái mảnh đất nhỏ bé thế mà lòng người như xa vời vạn dặm. Bây giờ Miền Tây qua Miền đông nước Mỹ mênh mông nhưng lại thấy gần, ngày trước Sài Gòn về Miền Trung chẳng xa chi bao nhiêu mà sao nghe diệu vợi? Nhiều đêm đi làm về, một mình lao vun vút nối đuôi theo dòng xe, nhạt nhoà dưới ánh trăng khuya vằng vặc giữa mênh mông đồi núi Bắc Cali, nghe “Thương Về Miền Trung” mà nhớ quê đứt ruột, kỷ niệm tưởng gần như với tay thì chạm tới mà nghe như đâu ở chốn mịt mù xa xôi!

Quê hương mình ngày xưa, khói lửa chiến tranh nhưng lòng người lại yên bình, chân thật và tin yêu nhau? Bây giờ đất nước đã thanh bình sao lại rối bời, băng hoại rã rời, đạo đức suy đồi, giả dối và đầy nghi kỵ. Sống tha hương thì khắc khoải nhớ quê mà nghĩ về cố hương thì thấy xã hội Việt Nam bây giờ quá ngổn ngang, dòi bọ tham nhũng nhung nhúc, giới cầm quyền cấu kết gia đình bè phái xâu xé tả tơi đất nước, lòng người tan nát, càng nghĩ càng ngao ngán. Miền Nam trước đây, bom đạn tàn phá từng ngày mà chung quanh chẳng mấy nước hơn được mình, nay sao họ văn minh thịnh vượng thế, còn ta có cả giang sơn, mươi năm nữa là tròn nửa thế kỷ trong thanh bình mà sao cứ lẹt đẹt mãi?! Tụt hậu, lẽo đẽo theo sau, mới làm được chút gì đã vội huênh hoang nhất chỗ này, nhì chỗ nọ, nhưng nhìn quanh ngoài mấy con đường chưa đi đã lún, dăm cây cầu xe chưa thông đã nứt thì chai nước mắm, chiếc xe đạp cũng ọp ẹp, chắp vá chưa làm cho ra hồn! Mang tiếng nước xuất khẩu gạo thứ nhì thế giới mà hột “gạo thơm thượng hạng” xuất qua Mỹ, thương mà mua chớ thiệt có nhăn mày nhíu mặt cố nuốt cũng không vô! Nuôi mấy con cá, con tôm thì cho ăn đầy hóa chất, hết bị nước này cấm nhập đến nước khác tẩy chay. Cộng sản không chỉ vơ vét cho riêng bản thân và gia đình chúng, mà tàn nhẫn hơn là đang dẫn đường cho Tàu “khựa” từng ngày phá tan nát cả tổ quốc và con người Việt Nam. Tiền đồ đất nước đen tối quá, hãy “khóc lên đi quê hương yêu dấu”! Hay tôi quá bi quan, mong thế!

Cali đang là ban ngày, một ngày bình thường, hòa trong dòng xe cộ hối hả đến chổ làm, nhưng giờ này Việt Nam chắc đang ở thời khắc đêm giao thừa. Tết thân xác ở đây mà lòng dạ thì ở bên nhà. Tết bây giờ mà sao cứ bồi hồi nhớ mãi kỷ niệm êm đềm của Tết những ngày tháng xa xưa?

Nhớ cái năm đầu tiên trên đất Mỹ, làm overtime hai giờ sáng tan ca, lao xe trên freeway 101 mưa tầm tả về nhà trọ, có đoạn sương mù dày đặc không thấy cả ánh đèn của xe chạy trước. Qua chổ tan sương nhìn xe ngược xuôi dồn dập, hai chiều, nối đuôi cùng chiều ánh đèn đỏ chảy dài như suối, ngược chiều chói mắt đèn vàng, ai cũng như vội vả, nhớ như khi còn ở Sài Gòn sau giờ giao thừa người ta lũ lượt rước lộc về nhà. Người nhiều nhưng mình thì như con chim lạc đàn, xe lao vun vút giữa dòng người mà lòng thì cô đơn, nghe Duy Khánh rên rĩ “Xuân này con không về” tự dưng muôn ngàn nỗi nhớ kỷ niệm ngày xưa tràn về, nước mắt chảy dài xuống má, ủy mị thiệt, mím môi cố kìm mà chẳng được, mắt cứ nhòa nước cay xè. Ghé chợ Lion chỗ đường Tully xem thử còn vương lại chút gì không khí chợ Tết, chẳng còn gì ngoài vài đống rác nhớp nháp, parking vắng tanh ướt át, lạnh lẽo. Xuân tha hương, dù nơi đây phố xá đèn màu rực rỡ nhưng lòng sao vẫn trống trải, buồn vời vợi lạ lùng! Chẳng muốn về nhà, lại cũng vô tình gặp mặt “Hi!”, “Good night” với những người share phòng quen mặt nhưng cách lòng, lặng lẽ ăn qua quít rồi chui vào phòng trùm chăn ngủ trong mê mệt chờ trời sáng, thức dậy tiếp tục với một ngày mai bình thường, đi làm. Bất chợt muốn tìm một nơi có cảm giác ấm áp. Tấp đại vào parking Safeway sáng đèn, Walgreen còn vài người ra vào, cũng đỡ buồn hơn là quạnh quẽ một mình trong phòng trọ. Bật ghế ngã người nằm xuống, nhìn mưa rơi qua cửa kiếng, kéo mấy chiếc áo đắp lên người, mơ màng thiếp đi vài tiếng, qua một đêm cuối năm vô vị. Bao nhiêu năm qua, mòn mấy cặp lốp xe, quen nhiều thứ lắm rồi, nhưng sao mỗi năm Tết về lòng vẫn thấy dường như mỗi thêm lạnh lùng, cố tìm vui nhưng sao thấy lại càng như mỗi nhợt nhạt. Ngoài kia, một vài nơi, người mình cũng cố làm cái hội chợ, xe hoa, thi hoa hậu…để tạo điều kiện tìm kiếm chút niềm vui ít ỏi san sẻ cho nhau, nhằm khỏa lấp phần nào nỗi nhớ quê hương. Nhưng lòng tôi, sao cứ thấy gượng gạo, lạt lẽo và chỉ thêm buồn.

Muốn sắp xếp về quê ăn Tết một lần mà chưa được, năm nào Tết gần đến lòng cũng thấy nôn nao, rộn ràng, cũng trông mong đợi chờ, nhưng vụn vặt trăm thứ chuyện cơm áo và những nghĩ suy do dự rồi để ngày tháng cứ vô tình trôi qua. Ở đất nước mênh mông hoa lệ bên này, mà sao lòng cứ khắc khoải nhớ về cái rẻo đất nhỏ bé nghèo nàn ở bên kia đại dương. Tình hoài hương lại càng thêm xốn xang trong lòng khi mỗi độ xuân về!? Đời người ngắn ngủi, thời gian qua mau, Tết bây giờ nơi xứ người mà sao cứ bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm của Tết ngày ấy xa vời, tưởng như mới đâu đây, hôm qua!

Tha hương đất lạ xứ người
Thôi thì cũng ráng gượng cười mà vui.


Phan Thanh Trà

Ý kiến bạn đọc
24/01/201408:00:00
Khách
Rất thich giọng văn Phan Thanh Trà. Đọc một mạch từng hàng chữ không ngừng nghỉ với những cảm xúc đầy ắp. Văn chất ngất những kỷ niệm quê hương miền Trung đất cày lên sỏi đá, với những ngày thơ nao nức mong chờ Tết, với những kỷ niệm không thể nào quên cùng bạn bè tuổi nhỏ. Cảm ơn người viết đã đật hết tâm tư với những con chữ tuyệt vời.
24/01/201408:00:00
Khách
Thích văn của Phan Thanh Trà. Tả về những ngày Tết thời thơ ấu ở VN, miền Trung đất cày lên sỏi đá, đầy hình ảnh sống động và những nao nức của tuổi thơ mừng Tết. Tôi đã đọc một mạch không nghỉ với nỗi nhớ lẫn nỗi buồn không nguôi.
22/01/201408:00:00
Khách
Mot. bài viét rát cảm dộng! Oii song ở đây mà hồn sao vẫn ở lai. quê nhà!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 4,947,448
Chúc Mừng Năm Mới, mùng Một Tết Giáp Ngọ, Viết Về Nước Mỹ năm thứ 15 trân trọng mời đọc bài viết cảm động về hoa mai và mùa xuân từ một gia đình H.O. Tác giả sinh năm 1956. Qua Mỹ tháng 10 năm 1994 cùng với gia đình theo diện HO.; Hiện sống tại thành phố Tacoma, làm việc cho một công ty thuộc ngành lâm nghiệp,
Ngày cuối năm Tỵ, đón giao thừa Tác giả định cư tại vùng Seattle, tiểu bang Washington từ năm 1975, đã hồi hưu hơn mười năm qua. Ông đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013 với bài viết đầu tiên và cũng là bài duy nhất trong năm, kể về một gia đình có ba tôn giáo lớn của thế giới kết hợp:
Tác giả đã dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2006, với bút hiệu PNT, PnT và từng nhận một giải thưởng đặc biệt. Sau mấy năm bặt tin, ông viết lại với bút hiệu mới là Phạm Ngọc. Bài gần đây là “Cái Giá Của Tự Do.” Bài mới trước thềm Tết Giáp Ngọ là tự sự của tác giả, người tuổi Nhâm Ngọ, sinh năm 1942.
Tác giả tên thật là Tô vĩnh Phúc. Trước 1975, tốt nghiệp cử nhân Luật Khoa và Văn Khoa tại Sài Gòn. Định cư tại Sacramento, California từ 1986, học và làm nhiều ngành khác nhau. Hai tập thơ đã xuất bản: "Bên Bến Sông Buồn" (2011) và "Nắng Chiều Còn Vương" (2012).
Tác giả là một nhà báo quen biết tại Dallas, từng trong nhóm chủ biên nhiều tuần báo và tạp chí tại địa phương. Phan góp bài Viết Về Nước Mỹ từ nhiều năm qua, và vừa nhận giải Vinh Danh Tác Giả Viết Về Nước Mỹ 2013. Bài viết cuối năm của Phan là một chuyện tình oan nghiệt kéo dài từ thời học trò vượt biên ở quê nhà cho tới nhà tù trên đất Mỹ.
Tác giả thuộc lớp tuổi 60, định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, tiểu bang New Jersy. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà là “Tháng Ba, Trời Đất Vào Xuân,” tự sự của người vợ người mẹ trong một gia đình H.O., tự sơ luợc về mình “22 năm dạy học trong nước, 22 năm làm “culi job” trên đất Mỹ. Sau đây là bài viết thứ mười của tác giả cho Viết Về Nước Mỹ năm thứ 15. Bài trích từ báo Xuân Việt Báo Tết Giáp Ngọ, đang phát hành khắp nơi.
Tác giả là một kỹ sư công chánh, cư dân Torrance, California, đã góp một số bài viết về nước Mỹ. Anh cũng đã du lịch nhiều nước và ghi lại trong ba quyển du ký với tựa đề Á Châu Quyến Rũ tập 1 & 2 và Đi Cruise Bắc Mỹ hiện có bán tại các nhà sách trong vùng Little Saigon. Việt Báo xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc. Dưới đây là bài viết mới nhất của tác giả về Tết ở Little Saigon/
Tác giả tên thật Trần Phương Ngôn, cho biết ông là thuyền nhân trên chiếc tàu vào loại lớn nhất, chở 246 người, con số đông nhất trong một chuyến vượt biển. Tác giả cũng đã sống ở trại tỵ nạn PFAC của Phi Luật Tân gần mười một năm và chỉ mới định cư tại Hoa Kỳ từ 2004. Hiện hành nghề Nail tại tiểu bang South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College. Bài viết mới nhất của Triều Phong là chuyện bàn thờ ngày giáp Tết.
Tác giả sinh năm 1962, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật năm 1988 khoa Đồ Họa tại Việt Nam, từng làm công việc thiết kế sáng tạo trong ngành quảng cáo. Đến Mỹ tháng Tư năm 2000, hiện là cư dân Waxahachie, Texas, đang làm việc trong phân xưởng in của một nhà máy in tại địa phương. Cô đã góp nhiều bài Viết Về Nước Mỹ. Sau đây là bài viết mới nhất.
Tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2001, và từ 8 năm qua, là thành viên Ban Tuyển Chọn giải thưởng Việt Báo. Sau đây là bài viết mới nhất của Trương Ngọc Bảo Xuân, kể về một cô bạn Mỹ làm nghề “mang bầu mướn, đẻ mướn”. Bái trích từ Báo xuân Việt Báo Tết Giáp Ngọ 2014, đang phát hành khắp nơi.