Hôm nay,  

Con Thề Không Lấy Chồng Việt Nam

22/01/201400:00:00(Xem: 26384)
Tác giả: Nguyễn Bích Thuỷ
Bài số 4121-14-29521vb4012214


Tác giả sinh năm 1962, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật năm 1988 khoa Đồ Họa tại Việt Nam, từng làm công việc thiết kế sáng tạo trong ngành quảng cáo. Đến Mỹ tháng Tư năm 2000, hiện là cư dân Waxahachie, Texas, đang làm việc trong phân xưởng in của một nhà máy in tại địa phương. Cô đã góp nhiều bài Viết Về Nước Mỹ. Sau đây là bài viết mới nhất.

* * *

Đã lâu lắm rồi Vi mới có dịp trở lại Nha Trang sau bao năm định cư tại Mỹ. Ngày xưa Vi chỉ là một cô bé thích ngồi xây nhà trên cát, thích bán đồ hàng trên biển với bạn bè cùng trang lứa nhưng giờ đây Vi đã là một thiếu nữ và đã bước sang tuổi hai mươi. Nha Trang với Vi gần như hoàn toàn xa lạ sau bao năm xa cách, Vi chỉ còn thoáng nhớ đến những rặng dừa xanh ngát dọc theo biển, bãi cát trắng mịn mềm chân đi và những khách du lịch luôn tấp nập suốt bốn mùa. Vi cũng vừa từ Sàigòn ra Nha Trang cùng với gia đình trong mùa hè này. Hôm nay Vi không tắm biển, cô dành một buổi chiều đi dạo ngắm mọi người nô đùa trên sóng nước.

Vừa bước vào khách sạn Vi gặp ngay một thanh niên, khoảng cách giữa anh và Vi không xa lắm nên Vi có thể nghe được cách sử dụng tiếng Việt không được trôi chảy của anh khiến những người ở quầy lễ tân hơi gặp khó khăn khi giao tiếp. Không cần suy nghĩ Vi biết ngay đây là một Việt Kiều về nước du lịch nên liền đến bảo:

- Anh có thể nói bằng tiếng Mỹ với họ cũng được mà!

Người thanh niên quay phắt sang nhìn Vi, có lẽ anh hơi ngạc nhiên khi nghe cô phát âm tiếng Mỹ khá chuẩn xác. Trong khi anh còn đang phân vân thì Vi dục:

- Anh cần gì thì bảo họ giúp, mọi người đang đứng chờ anh kìa!

Nói xong Vi đến sofa ngồi, bỗng có tiếng sau lưng:

- Cô cũng về Việt Nam nghỉ hè vào dịp này sao? Cô ở tiểu bang nào bên Mỹ vậy?

À thì ra là người thanh niên khi nảy và có lẽ cũng là đồng hương của mình, đợi anh ngồi xuống Vi nói:

- Tôi ở Texas, thành phố Dallas. Còn anh ở đâu?

Anh tròn xoe mắt nhìn Vi và tự giới thiệu ngay:

- Tôi tên Quốc, định cư ở Virginia, làm việc tại NewYork, sau chuyến về Việt Nam kỳ này tôi sẽ nhận nhiệm sở mới tại Dallas. Xin hân hạnh được quen biết cô hôm nay.

Quốc kể đã rời Việt Nam khi mới hơn một tuổi trên một chuyến tàu vượt biển, hai mươi bảy năm trôi qua đây là lần đầu tiên anh về nước một mình và muốn tự khám phá quê cha đất tổ bằng những gì đã trải nghiệm trên sách báo và internet. Quốc nói một cách say mê hào hứng bảo rằng anh đã đến Hà Nội, Sa Pa, Huế, Hội An, Vũng Tàu, Đà Lạt, Phú Quốc, Hà Tiên, Côn Đảo…và ngày mai anh sẽ bay vào Saìgòn khép lại tour du lịch “về nguồn” sau một tháng trời rong ruỗi từ Nam chí Bắc. Anh nói Việt Nam đẹp hơn trong trí tưởng tượng của anh nhiều quá!!! Wow! Vi thốt lên hết sức ngưỡng mộ người bạn mới quen này. Vi cũng tự giới thiệu tên mình và cho anh biết đã rời Việt Nam lúc bảy tuổi do ông Nội bảo lãnh cả nhà, hiện cô vẫn đang đi học và làm part-time còn hai năm nữa ra trường. Anh liền nói ngay:

- Vậy là tiếng Việt của Vi chắc giỏi hơn anh rồi!

Vi cười thật tươi bảo:

- Không giỏi lắm đâu, tuy nhiên vẫn còn rặt “giọng Sàigòn”!

Quốc buồn buồn cho biết ngày còn nhỏ đã không chịu nói tiếng Việt và học tiếng Việt nên giờ đây anh cảm thấy bị thua thiệt nhiều thứ và nhất là những lúc cần tiếp xúc với đồng bào mình. Vi thông cảm và an ủi anh rằng ngôn ngữ không quan trọng, hôm nay anh về đây điều đó chứng tỏ Việt Nam vẫn còn một chỗ rất quan trọng trong trái tim anh. Bỗng dưng Quốc trầm giọng như tâm sự:

- Kỳ này về thăm quê hương anh còn phải hoàn thành một “sứ mạng” khá quan trọng do mẹ anh giao phó!

Chuyện gì thế Vi hỏi. Anh bảo ở Mỹ anh đã quen với nhiều người con gái nhưng để chọn một cô thật sự hợp với mình thật không đơn giản chút nào. Những cô gái Mỹ thì “Mỹ quá“, những cô Việt Nam mới sang Mỹ định cư thì “Việt Nam quá”, còn những cô Việt Nam sanh trưởng ở Mỹ thì đa phần lại “dị ứng” với đàn ông Châu Á. Việc này khiến mẹ anh rất lo lắng nên nhân chuyến về Việt Nam kỳ này bà muốn anh đến “xem mắt” cô con gái rượu của bạn thân mình. Vi cười bảo vậy thì tốt rồi sao thấy anh có vẻ đăm chiêu vậy, Quốc nhăn mặt:

- Nhưng anh không thích có một cuộc hôn nhân mà người khác sắp xếp cho mình như hồi đầu thế kỷ trước. Anh cũng phải cố làm cho mẹ vui rồi từ từ tính tiếp, anh rất thương mẹ vì cả cuộc đời bà đã vất vả cho chồng con!

Bỗng dưng Vi thấy quý mến người thanh niên trước mặt mình, tính cách này không dễ gì tìm thấy ở những chàng trai trưởng thành ở Mỹ, cô nheo mắt tinh nghịch nhìn Quốc nói:

- Anh “cool” lắm thiếu gì cô muốn kết bạn, vả lại anh còn trẻ chán mà!

Quốc cười thật hồn nhiên, bỗng anh đột ngột quay sang hỏi Vi rằng cô đã có người yêu chưa. Vi khẻ gật đầu. Ngay lúc đó có tin nhắn của mẹ, Vi đành phải đứng dậy kết thúc cuộc nói chuyện khá hào hứng với người thanh niên mới quen và không quên chúc anh sẽ tìm được “một nữa của mình”.

Quốc cũng gật đầu bảo:

- Chúc Vi có một kỳ nghỉ hè thật vui với gia đình. Hy vọng chúng mình sẽ gặp lại nhau tại Texas.

Vi cuối đầu chào anh rồi cô chạy nhanh ra cửa, Quốc nhìn theo sực nhớ là mình đã quên xin số điện thoại của Vi để liên lạc khi về lại Mỹ.



Dallas không lớn như Quốc đã tưởng nên hai năm sau anh đã tình cờ gặp lại Vi vào một buổi chiều tan sở. Vừa ra khỏi chỗ làm trên đường ra bãi đậu xe anh đã dễ dàng trông thấy Vi đang đứng trước building phía đối diện, mái tóc ngang vai, dáng người thanh mảnh, nhẹ nhàng của cô không thể lẫn vào đâu được, có lẽ Vi đang đứng chờ ai đến đón. Quốc thật vui mừng, vội vàng định băng qua đường đến chào cô thì ngay khi đó một chiếc xe sport mui trần trờ tới, một thanh niên Mỹ trắng đã nhanh nhẹn chạy vòng qua mở cửa xe cho Vi bước lên. Quốc khựng lại giây lâu, anh nhìn thấy Vi và người thanh niên hôn nhau vội vã trước khi chàng trai kia phóng xe đi mất. Đây là lần thứ hai Quốc đã vuột mất một cơ hội để làm quen với người con gái mà anh vẫn luôn nhớ đến trong lần tình cờ gặp gỡ tại Nha Trang hôm nào. Vừa đi anh vừa lẩm bẩm số mình chắc không may mắn thì phải, thôi hãy quên cô ấy đi. Thế là kể từ hôm đó thỉnh thoảng Quốc vẫn thấy Vi đứng chờ người yêu bên kia đường nhưng anh cứ lầm lũi đi thẳng. Chẳng hiểu sao Quốc cũng không hề có ý định bước sang chào Vi mỗi khi thấy cô đứng một mình, anh không muốn phá hỏng những giây phút chờ đợi của hai kẻ đang yêu.

Nhưng cuộc đời không dừng lại ở đó bởi cuộc đời vốn là những thay đổi không ngừng nghỉ: hôm nay hạnh phúc ngày mai khổ đau, hôm nay sum họp ngày mai chia lìa. Rồi cũng một buổi chiều sau giờ làm việc Quốc đã gặp Vi trong parking lot, nhưng lần này chính cô là người đã thấy anh trước và chạy đến bắt tay anh reo lên mừng rỡ:

- Trời! Phải anh đây không Quốc?!! Đúng là trái đất tròn nên cuối cùng tụi mình cũng gặp lại nhau. Anh làm việc ở đây hả?

Quốc cũng bỗng nhiên hào hứng không kém:

- Anh làm ở building bên tay trái, còn em, có phải làm ở văn phòng bảo hiểm đối diện kia không?

- Sao anh biết hay vậy?

Quốc hơi bối rối chút nhưng may quá anh liền chỉ bảng tên Vi đeo trước ngực và như sực nhớ ra, anh không muốn bỏ qua dịp may lần nữa:

- Hôm nay Vi có bận gì không hai đứa mình kiếm chỗ nào hàn huyên nhân ngày tái ngộ được chứ?

Vi đã gật đầu ưng thuận và ra ý kiến là hai người đi chung xe để dễ trò chuyện. Quốc không chần chờ giây phút nào anh vội vàng đi về xe của mình, nhanh nhẹn mở cửa cho Vi. Trái tim của Quốc bỗng thấy hồi hộp khôn tả, anh không hiểu sao người con gái này có sức hút anh đến lạ kỳ. Anh đã đã bao lần hẹn hò với nhiều người con gái suốt từ ngày mới lớn đến giờ nhưng đây là lần đầu tiên anh thấy một cảm giác rất lạ đang len lõi trong người. Suốt buổi chuyện trò, anh như người bị thôi miên, anh không biết đây có phải là mơ hay thực khi Vi cho anh biết cô vừa mới chia tay với bạn trai được vài tuần. Cũng từ buổi chiều hôm đó Quốc đã có số điện thoại của người con gái mà anh đã thầm-theo-dõi suốt bấy lâu!

Qua những lần trò chuyện anh hiểu được phần nào về cuộc sống không mấy êm đềm của cô bạn bé nhỏ này. Vi cho biết cô đã ra ngoài sống tự lập từ mấy năm nay vì có quá nhiều mâu thuẫn với bố. Bố cô tuy đã sang Mỹ khá lâu nhưng vẫn khó khăn gia trưởng và bảo thủ, lúc nào cũng đòi hỏi cô phải sống như một người con gái ở Việt Nam hồi thập niên 60 của thế kỷ trước. Ông không cần hiểu và không hề thông cảm là Vi đang lớn lên ở Mỹ, cô muốn định đoạt cuộc đời của mình theo cách của một người thanh niên trong một môi trường hoàn toàn khác với thế hệ của ông 50 năm trước đây. Và thế là giữa bố và Vi liên tục xẩy ra nhiều xung đột, với bố, Vi lúc nào cũng là một đứa con gái bướng bỉnh khó dạy. Không khí trong nhà ngày càng tồi tệ, bố mẹ liên tục cãi vả vì bố cho rằng mẹ đã nuông chiều nên giờ đây Vi đã trở nên hư hỏng, bất trị và là tấm gương xấu cho hai đứa em. Có lần trong cơn giận dữ bố đã thét lên:

- Từ đây đến ngày tao chết, đừng bao giờ để cho tao thấy mặt mày!

Tưởng rằng đây chỉ là những lời nói phát ra trong cơn thịnh nộ của bố, nhưng không, sau đó bố đã hỏi thẳng mẹ giữa Vi và bố mẹ chọn ai. Nếu Vi còn sống trong nhà thì bố sẽ dọn ra ngoài ở để mấy mẹ con “tự xoay sở lấy”! Vi đã lớn và cô biết mình phải làm gì nên quyết định ra đi để mẹ khỏi phải khó xử; mẹ cần một người để nương tựa, hai đứa em của Vi cần một người cha. Sự vắng mặt của Vi đôi khi làm cho cuộc sống của mọi người sẽ tốt đẹp hơn.

Lần đó Vi đã kể trong nước mắt và Quốc đã nắm lấy bàn tay cô xiết nhẹ như chia xẻ một niềm cảm thông:

- Những mâu thuẫn này không chỉ riêng trong gia đình em đâu Vi ạ! Nó xảy ra ở khắp nơi hầu như trong tất cả những gia đình gốc Á. Những xung đột giữa hai thế hệ đã có từ bao đời nay rồi ngay cả trong những gia đình Mỹ cũng vẫn còn những ông bố bà mẹ cứ khư khư muốn con cái sống theo ý mình. Gia đình anh cũng thế thôi nên đến 18 tuổi là anh đã chọn đi học xa nhằm tránh khỏi sự giám sát của ba anh vì ông từng là một sĩ quan, lời ông nói ra như một mệnh lệnh giữa chiến trường. Anh rất thương ba má anh nhưng nếu phải chung sống dưới một mái nhà thì thật không phải là chuyện dễ dàng!!!


Dường như có một sự đồng cảm đặc biệt đã nảy sinh giữa hai người trẻ tuổi có cùng một màu da, cùng một quê hương sinh ra và cùng một đất nước mà họ đã trưởng thành. Họ dễ dàng thấu hiểu cho nhau những khó khăn mà họ gặp phải khi mang tiếng là người Việt Nam nhưng lại rất lờ mờ về nền văn hóa của cha ông mình, thậm chí thứ ngôn ngữ mà họ đang giao tiếp cũng phải vay mượn từ tiếng của người bản xứ vì họ không có khả năng chuyển tải hết những thông điệp bằng tiếng mẹ đẻ của mình. Cũng từ những lần trò chuyện Vi cho Quốc biết anh là người con trai Việt Nam đầu tiên Vi quen từ xưa đến giờ! Đó chẳng qua do Vi đã thật sự ngán ngẫm cách đối xử của bố, cả đám bạn bè gốc Việt của Vi cũng thế, hầu như đứa nào cũng khổ sở với cha của chúng. Rất nhiều lần cô đã khóc và nói với mẹ rằng:

- Con thề không lấy chồng Việt Nam!

Quốc cũng kể rằng từ sau khi gặp Vi tại Nha Trang đến giờ anh không hề có ý định quen với ai cả, anh đã qua cái thời sôi nổi bồng bột và cũng không có nhiều thời gian để chạy theo những tình cảm “tưởng như thật”. Có lần Quốc nói nữa đùa nữa thật:

- Chắc là anh và em có “duyên nợ”, nếu không thì làm sao chúng mình có thể gặp lại nhau hôm nay!?

Vi cũng thường hay nghe mẹ nói vợ chồng là do duyên và nợ mà hợp thành! Trước đây Vi quen với thanh niên Mỹ họ chỉ nghĩ đơn giản là yêu nhau vì có nhiều điểm tương đồng và chia tay khi không còn hợp nhau nữa! Quốc cũng cho cô biết lần hai người gặp gỡ trong parking lot không phải là lần đầu tiên họ “thấy” nhau mà anh đã âm thầm “theo dõi” cô suốt nhiều tháng trời trước đó, khi cô còn đứng đợi người yêu vào mỗi chiều tan sở. Vi đã tròn xoe mắt hỏi anh:

- Tại sao lúc đó anh không gọi Vi?

Để làm gì, Quốc nói. Vi cúi đầu thầm cảm phục người thanh niên này, anh có một sự chín chắn hơn những người Vi quen trước đây; anh cũng không giống bất kỳ người đàn ông Việt Nam nào mà Vi đã từng biết! Ở anh có sự kết hợp tính cách của một thanh niên được sinh trưởng trong nền giáo dục của người Mỹ và sự hiếu lễ của một thanh niên gốc Việt mà Vi khó tìm thấy ở những ai khác.

Vi và Quốc đã chia xẻ với nhau biết bao là kỷ niệm cùng những khó khăn mà cha mẹ họ đã nếm trải khi mới đặt chân đến xứ sở cờ hoa tưởng chừng như là thiên đường này. Họ cùng nhớ lại những bất đồng ngôn ngữ của những ngày mới đến trường mà những đứa trẻ như họ ao ước muốn hội nhập nhanh chóng nhất; họ cũng đã tận hưởng những món ăn truyền thống Việt Nam ở khắp mọi nơi có cộng đồng người Việt sinh sống. Trước đây, khi quen với bạn trai Mỹ thỉnh thoảng Vi cũng rủ họ đi ăn các món ăn Việt Nam, họ khen ngon rất lịch sự nhưng Vi cam đoan làm sao họ có thể cảm nhận được mùi vị thơm lừng của phở; cái đậm đà của tô bún bò, bún mắm hay sự hấp dẫn của đĩa cơm tấm hoặc ổ bánh mì thịt nguội… mà Vi và Quốc đã được nuôi lớn lên từng ngày.

Những lúc ngồi với nhau tại một quán nước “thuần Việt” Quốc hay gọi cho hai người cà phê “phin”, nhìn từng giọt cà phê đen rớt xuống lớp sữa đặc quánh dưới đáy ly Vi chợt nhớ đến ông Ngoại mình ngày xưa cũng hay uống loại cà phê này mỗi buổi sáng sớm lúc còn ở Việt Nam. Giờ thì ông ngoại Vi đã mất và đứa cháu cưng của ông đã thành kẻ “vô gia đình”, những lúc như thế Vi thấy thật nao lòng chỉ muốn bật khóc. Vi đã tìm thấy rất nhiều sự đồng cảm từ người con trai này, và cũng chính từ Quốc lần đầu tiên cô đã bắt đầu có cái nhìn khác về “người-đàn-ông-Việt Nam” mà lâu nay vốn có quá nhiều thành kiến!



Rồi thì tình yêu đến giữa hai người cũng như cây cỏ tự nhiên đến kỳ đâm chồi nảy lộc, đơm hoa kết trái. Sau hơn một năm hẹn hò và tìm hiểu, họ cảm thấy không thể sống thiếu nhau được nên quyết định đi đến hôn nhân cũng như bất kỳ đôi trai gái khác. Hôm nay, như thường lệ nhân lúc bố đi làm, Vi về nhà thăm mẹ để báo cho bà biết một quyết định rất quan trọng cho cuộc đời mình:

- Mẹ ơi con muốn lấy chồng Việt Nam!

Thật lạ làm sao mẹ Vi không hề ngạc nhiên với quyết định của con gái. Bà chỉ ôn tồn nói:

- Lần đầu tiên con dẫn Quốc về giới thiệu, mẹ đã có linh cảm đây là người đàn ông của con gái mình sau này. Quốc có rất nhiều đức tính mà những thanh niên khác không có mà quan trọng nhất chỉ vì Quốc là người Việt Nam! Đó là cái gì rất vô hình nhưng cũng thật gần gũi với con.

Cô cười bẻn lẻn nói:

- Con chỉ sợ câu”ghét của nào trời trao của đó” mà mẹ vẫn thường trêu con.

Mẹ cô nhẹ nhàng bảo:

- Không có người đàn ông nào đáng ghét cả dù họ là Âu hay Á, Trắng hay Đen, Tây hay Ta con à đừng nói chi họ là người Việt như mình. Tính cách của đàn ông Việt Nam đã bị ảnh hưởng quá sâu nặng của văn hóa Trung Quốc từ bao đời, ra sống ở hải ngoại một số người đã thích ứng với nền giáo dục Âu Mỹ nhưng số khác vẫn giữ nguyên cách dạy con hà khắc của thời phong kiến nên những bi kịch gia đình vẫn còn diễn ra như trong nhà mình. Ngưng một chút mẹ bỗng hỏi Vi:

- Con còn giận bố không?

Vi đã trả lời nhanh hơn bà nghĩ:

- Ngày xưa lúc mới dọn ra ngoài sống con rất hận bố, nhưng giờ thì khác rồi, con không giận bố nữa vì con nghĩ chắc bố cũng có cái lý của bố mà con không thể nào hiểu hết được. Tuy nhiên, con nghĩ mình chỉ nên gặp lại bố khi “đủ duyên” điều đó có thể xảy ra hoặc sẽ không bao giờ xảy ra trong kiếp này mẹ ạ! Nói đến đó Vi không cầm được nước mắt, mẹ ôm cô vào lòng và bảo:

- Con nghĩ được như thế là con đã trưởng thành rồi. Bố không phải là người xấu, bố rất yêu thương con cái nhưng vì quá cố chấp mà bố phải khổ. Nếu biết “buông xả” một chút thì bố đã có một một mái gia đình hạnh phúc với vợ con bên cạnh rồi. Những người như bố họ sống rất đau khổ, hãy thông cảm và thương họ, nếu không biết hướng thượng họ sẽ cứ mãi bị trầm luân trong bể khổ do chính họ tạo ra. Đúng là mỗi con người phải biết “tự mình thắp lấy đuốc lên mà đi” trong đêm dài tâm tối của kiếp nhân sinh này.

Mẹ của Vi là thế! Ở bà Vi học rất nhiều về một triết lý sống rất tự tại và cũng rất nhân bản, ngưng giây lát bà tiếp:

- Mẹ chắc chắn rằng hiện nay con đang rất hạnh phúc. Cái cảm giác này ai cũng đều trải qua khi chuẩn bị đến hôn nhân. Nhưng hạnh phúc vốn rất mong manh, nó không tự nhiên mà có và cũng không tự nhiên mất đi nếu không biết nỗ lực. Con và Quốc đều là những người trưởng thành, đều được giáo dục trong một nền văn hóa ưu việt mẹ mong rằng con sẽ có một cuộc sống gia đình hạnh phúc hơn mẹ. Tuy nhiên, con cũng đừng quên rằng xã hội càng văn minh càng dễ dàng đưa đến đỗ vỡ hôn nhân vì ai cũng đặt cái tôi của mình lên trên hết. Yêu một người thì con phải biết yêu cả cái tốt lẫn cái xấu của họ, bởi không ai là toàn diện. Trong cuộc sống vợ chồng chắc chắn sẽ xảy ra xung đột, những lúc ấy con hãy cố nhớ đến những điều tốt đẹp thuộc về bản chất của họ mà quên đi những cái xấu nhất thời trong hiện tại.

Chưa lúc nào Vi thấy cám ơn cuộc sống như lúc này vì cuộc sống đã ban tặng cô nhiều thứ trong đó quý giá nhất vẫn là người mẹ mà cô hằng yêu kính. Dẫu cô bị khiếm khuyết tình yêu của bố từ ngày còn bé nhưng Vi cảm thấy vẫn may mắn hơn nhiều người mồ côi không có cả cha lẫn mẹ trên đời. Đây cũng là tính cách lạc quan mà Vi học từ mẹ! Bà luôn đem đến cho người khác niềm tin, niềm vui về cuộc sống dưới lăng kính của lòng vị tha nhưng cũng rất trí tuệ, sâu sắc. Từ ngày Vi dọn ra khỏi nhà chưa bao giờ mẹ trách bố. Mẹ lẳng lặng lo cho Vi từ chỗ ăn ở cho đến học hành, dù phải đi làm tất bật nhưng có chút thời gian rãnh là bà luôn đến thăm Vi không quãn đường xá xa xôi. Nhiều lúc thấy mẹ vất vả, Vi thường bảo mẹ không phải lo cho cô nhiều đến thế đâu. Mẹ chỉ nói:

- Chăm sóc cho con cái không phải là “sở thích”, nó thuộc về bổn phận và trách nhiệm của kẻ làm cha làm mẹ! Khi đem một mầm sống đến với thế giới này mình phải có trách nhiệm với những gì mình đã tạo ra vì không ai có khả năng tự đến đây con ạ! Sau này, nếu may mắn con có một người đàn ông ở cạnh để cùng nuôi dạy con cái thì quá tốt, còn như ngược lại thì chính con sẽ phải vừa làm cha vừa làm mẹ và phải có bổn phận với giọt máu của mình.

Hành trang Vi mang về làm vợ Quốc là tất cả những kinh nghiệm sống mà mẹ đã trao cho cô hôm nay. Vi vẫn còn nhớ như in lời mẹ nói lúc chia tay:

- Mẹ sẽ đứng nhìn hạnh phúc của con, nhưng sẽ luôn bên con khi con gặp những khổ đau.

Sau đó ít lâu, đám cưới của Vi và Quốc đã diễn ra trong không gian thật ấm cúng có hoa hồng và nến, có bánh ngọt và rượu, có cả những nụ hôn lẫn những giọt nước mắt mà người thân và bạn bè đến chúc mừng cho đôi tân giai nhân trong ngày trọng đại này. Vâng! Có đầy đủ tất cả nhưng chỉ thiếu một người duy nhất đã không hiện diện đó là bố của Vi! Thật vậy! Ông đã bỏ quên đứa con gái mà gần hai mươi lăm năm trước đây chính ông đã bồng trên tay khi nó mới lọt lòng chào đời nhưng chỉ vì bản tính cố chấp nên ông đã mất đứa con gái của mình trong chính căn nhà của mình!

Ở đâu đó trên cõi đời này vẫn còn có rất nhiều người cha như bố của Vi, họ đã quên đi một điều rất quan trọng trong cuộc sống này đó là: “Làm người, chỉ biết yêu thương thôi, chưa đủ, mà còn phải biết hy sinh và tha thứ nữa!”



Nước mắt của chúng ta đã và đang đổ dài dọc cuộc hành trình đi tìm tự do suốt gần bốn thập niên qua. Những mất mát và đau thương mà mỗi thân phận người phải gánh chịu là vô cùng, nhưng những “di chứng” của nó vẫn còn tiếp tục để lại qua nhiều thế hệ Việt Nam đang định cư ở hải ngoại.

Chúng ta đã khóc quá nhiều cho quê hương đất nước, cho người thân và bạn bè trên bước đường lưu vong này. Cầu xin cho những giọt nước mắt của cha mẹ và con cái sẽ ngừng tuôn rơi trong mỗi gia đình Việt Nam hôm nay trên quê người!

Ngày Tết truyền thống Việt là ngày gia đình xum họp. Mọi ông bố, dù khó tính đến mấy, cũng mong thấy con cái trở về đông đủ trong ngày Tết. Mong đây là dịp đôi bạn Vi Quốc có thể thấylại niềm vui xum họp với bố mẹ.

Nguyễn Bích Thủy

Ý kiến bạn đọc
22/04/201413:32:57
Khách
Toi thuc su khong hieu co gai co loi gi khi co co 1 – 2 moi tinh / ban trai truoc khi tim duoc hanh phuc dich thuc voi nhan vat nam trong truyen? Khong co chi tiet nao trong truyen cho thay co co quan he bua bai, hay quan he tinh duc truoc hon nhan? Van hoa VN co bat buoc 1 nguoi con gai he quen ai la phai lay nguoi do khong?
Du sao thi thong diep chinh cua cau chuyen la cha me nen lang nghe de hieu tam tu nguyen vong cua con cai minh. Thuong con ma khong hieu con cung khong du, thuong con roi ap dat y minh len con cai, chi khien chung cam thay nghet tho, chi khien quan he cha me voi con cai them cang thang, va vo tinh day chung ra xa gia dinh. 2 nhan vat trong truyen don ra rieng khi den tuoi truong thanh, nhung ho co phai la nhung thanh nien hu hong khong, ho co tro nen hu hong khong? Hanh dong ra rieng cua ho la hanh dong nhat thoi chi vi qua buc xuc. Cuoi cung roi thi la rung ve coi, nuoc chay ve nguon, ho tim ve voi gia dinh nhu 1 le tu nhien cua troi dat.
Nguoi bi thiet thoi nhieu nhat trong cau truyen chinh la nguoi bo, ong da dau kho va se van con dau kho mai vi su co chap cua minh. Ong le ra da co the co 1 cuoc song gia dinh hanh phuc tron ven hon.
12/04/201412:54:01
Khách
Nhung con cai VN co biet su hi sinh cua nhung nguoi Bo nhu the nao khong?Neu con o VN con cai ho co duoc huong
Doi song nhu bay gio dang duoc huong khong?Tu do qua tron cung khong tot nhu co gai trong truyen (quan he voi nhieu
Dan ong ) do khong phai la van hoa Viet.
12/04/201412:42:55
Khách
Nho nhung ong Bo nhu vay,nhung Gia dinh nguoi VN moi co nhung dua con ngoan thanh dat ,cuoc song hon nhan
cua con cai cung tot dep ve sau.Nhan vat trong truyen co quan he voi nhieu nguoi truoc khi lay chong VN do khong
Phai la loi song van hoa cua nguoi Viet.
04/04/201412:51:23
Khách
Nhan vat nguoi me trong truyen that dang cam phuc, ba da co duoc su giac ngo, nho vay ma ba co the chu toan moi viec, lo cho chong, cho con va ban than van co the song ung dung, tu tai ma khong cam thay qua dau kho.
Hy vong cac bac cha me hay lang nghe tam tu cua con cai va dung "qua co chap ma phai kho" nhu nhan vat nguoi bo trong truyen.
23/01/201408:00:00
Khách
Đàn ông VN nổi tiếng là khó chịu.
23/01/201408:00:00
Khách
Truyện hay, mong đọc thêm tác phẩm mới. Đời sống thì khi vui, khi buồn, cuộc đời lúc được, lúc mất.
Cám ơn tác giả.
22/01/201408:00:00
Khách
Ông Bố này sao cố chap vậy ? Chúc mừng hai em Quốc Vi đã tìm đuoc nhau trong cuộc đời này!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 4,947,018
Chúc Mừng Năm Mới, mùng Một Tết Giáp Ngọ, Viết Về Nước Mỹ năm thứ 15 trân trọng mời đọc bài viết cảm động về hoa mai và mùa xuân từ một gia đình H.O. Tác giả sinh năm 1956. Qua Mỹ tháng 10 năm 1994 cùng với gia đình theo diện HO.; Hiện sống tại thành phố Tacoma, làm việc cho một công ty thuộc ngành lâm nghiệp,
Ngày cuối năm Tỵ, đón giao thừa Tác giả định cư tại vùng Seattle, tiểu bang Washington từ năm 1975, đã hồi hưu hơn mười năm qua. Ông đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013 với bài viết đầu tiên và cũng là bài duy nhất trong năm, kể về một gia đình có ba tôn giáo lớn của thế giới kết hợp:
Tác giả đã dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2006, với bút hiệu PNT, PnT và từng nhận một giải thưởng đặc biệt. Sau mấy năm bặt tin, ông viết lại với bút hiệu mới là Phạm Ngọc. Bài gần đây là “Cái Giá Của Tự Do.” Bài mới trước thềm Tết Giáp Ngọ là tự sự của tác giả, người tuổi Nhâm Ngọ, sinh năm 1942.
Tác giả tên thật là Tô vĩnh Phúc. Trước 1975, tốt nghiệp cử nhân Luật Khoa và Văn Khoa tại Sài Gòn. Định cư tại Sacramento, California từ 1986, học và làm nhiều ngành khác nhau. Hai tập thơ đã xuất bản: "Bên Bến Sông Buồn" (2011) và "Nắng Chiều Còn Vương" (2012).
Tác giả là một nhà báo quen biết tại Dallas, từng trong nhóm chủ biên nhiều tuần báo và tạp chí tại địa phương. Phan góp bài Viết Về Nước Mỹ từ nhiều năm qua, và vừa nhận giải Vinh Danh Tác Giả Viết Về Nước Mỹ 2013. Bài viết cuối năm của Phan là một chuyện tình oan nghiệt kéo dài từ thời học trò vượt biên ở quê nhà cho tới nhà tù trên đất Mỹ.
Tác giả thuộc lớp tuổi 60, định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, tiểu bang New Jersy. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà là “Tháng Ba, Trời Đất Vào Xuân,” tự sự của người vợ người mẹ trong một gia đình H.O., tự sơ luợc về mình “22 năm dạy học trong nước, 22 năm làm “culi job” trên đất Mỹ. Sau đây là bài viết thứ mười của tác giả cho Viết Về Nước Mỹ năm thứ 15. Bài trích từ báo Xuân Việt Báo Tết Giáp Ngọ, đang phát hành khắp nơi.
Tác giả là một kỹ sư công chánh, cư dân Torrance, California, đã góp một số bài viết về nước Mỹ. Anh cũng đã du lịch nhiều nước và ghi lại trong ba quyển du ký với tựa đề Á Châu Quyến Rũ tập 1 & 2 và Đi Cruise Bắc Mỹ hiện có bán tại các nhà sách trong vùng Little Saigon. Việt Báo xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc. Dưới đây là bài viết mới nhất của tác giả về Tết ở Little Saigon/
Tác giả tên thật Trần Phương Ngôn, cho biết ông là thuyền nhân trên chiếc tàu vào loại lớn nhất, chở 246 người, con số đông nhất trong một chuyến vượt biển. Tác giả cũng đã sống ở trại tỵ nạn PFAC của Phi Luật Tân gần mười một năm và chỉ mới định cư tại Hoa Kỳ từ 2004. Hiện hành nghề Nail tại tiểu bang South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College. Bài viết mới nhất của Triều Phong là chuyện bàn thờ ngày giáp Tết.
Tác giả tự sơ lược tiểu sử: Sinh năm 1960 tại Quảng nam. Qua Mỹ tháng 9/2003. Hiện sống tại California. Tham dự Viết về nước Mỹ từ năm 2010 với bài “Căn Hộ Đầu Tiên Trên Đất Mỹ” ngay bài viết đầu, đã cho thấy cách viết thứ tự, tỉ mỉ, bồi hồi. Đó là tâm sự chuyện ngày tết. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết thêm.
Tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2001, và từ 8 năm qua, là thành viên Ban Tuyển Chọn giải thưởng Việt Báo. Sau đây là bài viết mới nhất của Trương Ngọc Bảo Xuân, kể về một cô bạn Mỹ làm nghề “mang bầu mướn, đẻ mướn”. Bái trích từ Báo xuân Việt Báo Tết Giáp Ngọ 2014, đang phát hành khắp nơi.