Hôm nay,  

Người Ươm Mầm Xuân

29/01/201800:00:00(Xem: 14168)
Tác giả: Phương Hoa

Bài số 5300-19-31146-vb8012818

 
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014 và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ. Sau đây, là bài viết bài viết mới của tác giả, trích từ báo xuân Việt Báo Tết Mậu Tuất 2018.

 
***
 

Ngày Chúa Nhật tuần lễ cuối năm Âm Lịch. Tôi thức dậy sớm nhưng lười biếng nằm nướng thật lâu mới rời giường. Ra đến phòng khách, tôi mỉm cười hài lòng nhìn cách trang trí đậm hương Xuân mà tôi cất công mày mò suốt cả ngày hôm qua, sau khi đi chợ về.

Trên khám thờ Phật, nải chuối sứ trái mập mạp chín vàng rực cùng một quả bưởi còn nguyên cuống với lá xanh. Dưới khám là ghế thờ ông bà. Bên trái trên chiếc đĩa bàn to chất đầy những loại trái cây may mắn cho ngày Tết. Mấy trái sung (fig) chín màu huyết dụ chen chúc điểm xuyết làm nổi bật màu sắc của dừa, đủ, xoài, còn thêm trái thơm “dư” chính giữa; bên phải là một chậu cúc vàng, xung quanh gốc có những phong bì đỏ nhỏ xíu treo tòng teng chờ lì xì cho mấy đứa cháu nội.  Một cỗ bánh đậu xanh gói giấy bóng kiếng đủ màu tôi tự làm, gắn bằng những que tăm theo hình ngọn tháp, đứng chễm chệ chính giữa ghế thờ trông rất oai nghi. Trên cái lư hương bằng sứ cắm một cây nhang trầm thật cao to bằng ngón tay, khoanh tròn nhiều vòng.

Mùi Tết đã ngan ngát, rộn ràng quanh đây, dù còn đến những mấy ngày nữa. Ông xã tôi nói, nhà chỉ có hai vợ chồng Tết đâu có ai đến mà làm chi nhiều việc cho cực nhọc.

Ông ấy nói thì nói, tôi vẫn chuẩn bị kỹ càng, vì mẹ tôi lúc còn sinh tiền luôn lo chu đáo cho dịp Tết. Vả lại tôi cũng thấy lòng vui và ấm áp khi nhìn không khí Tết Việt Nam chính trong ngôi nhà của mình. Chợt nhớ là vẫn còn thiếu món hoa đào, tôi ra ăn vội mấy miếng bánh đậu xanh nhà tôi cúng tiễn đưa ông Táo về Trời hồi tối, châm bình trà nóng uống một ly, rồi bỏ cái kéo cắt cây vào túi nilon chuẩn bị đi xin hoa.

Nhìn khay bánh đậu xanh tự mình đóng bằng những chiếc khuôn có hoa văn bông sen gửi mua từ Việt Nam rất đẹp, tôi lấy mấy cái bỏ vào bì ziplock đem cho bà Mỹ để “khoe” tài nghệ và khoe về Tết Việt Nam. Khi còn ở quê hương, năm nào Tết đến trong nhà tôi cũng đều có hoa mai. Mẹ tôi thường nói Tết nhà không có mai coi như…chưa tới Tết. Ra hải ngoại, những năm đầu còn lạ lẫm không tìm được hoa mai tôi đi chợ Việt mua cúc đại đóa vàng và bông vạn thọ về chưng.

Thành phố tôi ở phong cảnh rất đẹp, nhiều cây xanh, vì nhờ có cái hồ nước thiên nhiên quanh năm khí hậu mát mẻ.  Có lần vào dịp gần Tết Âm Lịch tôi đi bộ lạc vô một con hẻm, đã gặp cụm đào hồng thắm nở hoa sum suê. Tôi mừng húm, vì nghe nhiều người nói hoa đào là loài hoa “Thần tài”, là “Tinh hoa trong Ngũ hành”, và theo các nhà phong thủy nó là biểu tượng cho sự đổi mới và phát triển, hướng tới tương lai. Một người bạn tôi kể, bà thầy bói ở Sacramento nói “Ngày Tết chưng hoa đào sự may mắn sẽ đến ào ào, hoa mai không sao sánh kịp.” Tôi liền đến hỏi bà chủ nhà xin cắt vài cành về chưng Tết Việt Nam.

May mắn cho tôi, thành phố này không có nhiều người Á Châu, và nhà bà Mỹ lại nằm trong một ngõ cụt ít ai biết đến nên khóm đào này mới còn nguyên vẹn, cứ như là để dành cho tôi vậy.  Đây là năm thứ ba, tôi đến gõ cửa xin hoa và đưa gói bánh in cho bà chủ. Bà Mỹ cám ơn lia lịa rồi đem đi cất. Tôi chào bà và rút cái kéo ra bước qua phía bên hông nhà nơi có cụm hoa đào.

Nhưng mà Trời ơi! Tôi bỗng thấy tay chân như rụng rời. Khóm hoa đào trước mắt lúc này cành lá thì tả tơi, các nhánh hoa cụt lủn xù xì vì bị cắt ngang một cách tàn nhẫn. Lác đác chỉ còn sót lại vài bông đào hồng thắm lẫn lộn trong gốc hoa. Dưới đất, vương vãi đầy những chiếc lá xanh và cánh hoa rơi rải rác cả trên lối đi, như thể nơi đây vừa trải qua một cơn bão lớn. Còn nhớ mới hồi đầu tháng tôi có ghé lại thăm chừng, cụm hoa đào vẫn xanh tươi đang bắt đầu nhú những nụ non mơn mởn. Không lẽ bà chủ nhà đã cắt bỏ hết. Mỗi năm tôi đến bà đều vui vẻ cho, và tôi cũng chỉ chọn cắt mấy cành đẹp nhất, dày nụ nhất, còn chừa lại cho đẹp nhà bà chứ đâu dám cắt hết thế này. Nhưng nếu bà chủ đã cắt bỏ thì tại sao lúc nãy bà không nói gì với tôi.

– Oh My God! Trời đất ơi! Hoa của tôi đâu hết rồi?

Tiếng bà Mỹ kêu lên sau lưng. Quay lại tôi thấy bà đứng tròn mắt nhìn khóm hoa rồi nhìn tôi: – Khi nãy, một bà già người Á Châu đến xin hoa, tôi nói bà cắt một ít còn chừa lại cho chị. Bà ấy đã gật đầu nói “Yeah, Yeah” lia lịa, đâu ngờ bà ta lại cắt sạch hết thế này. Thật là xin lỗi! Bà nhìn tôi áy náy:  – Sao chị đến trễ thế?

– Dạ vì tôi bận chút chuyện ở nhà. Tôi trả lời bà mà trong lòng thấy tiếc vô cùng. Bà già Á Châu nào mà “lụi” quá, cắt một lần hết sạch sành sanh cả khóm hoa của người ta. Vậy là Tết năm nay nhà tôi không có hoa đào. Vì lịch sự tôi cũng chẳng dám phàn nàn một câu. Người ta xin cũng như mình xin, ai kêu đến muộn thì ráng mà chịu. Tôi nói không sao và từ giã, hẹn với bà chủ nhà năm sau sẽ đến sớm hơn.

Trên đường về tôi cứ nghĩ đến chuyện không có hoa đào ngày Tết mà buồn. Đi một lúc, tôi bỗng giật mình khi nhìn qua bên kia đường. Bên cạnh cây cột điện có một chiếc xe đẩy, loại xếp lại mở ra dùng đi chợ mua đồ. Trên xe dựng đầy nhóc những cành đào nụ vừa chớm, hai bên xe đẩy treo tòng teng hai túi nilon lớn đựng đầy lon bia bẹp dúm. Cả một xe hoa đào còn tươi rói, chắc chắn là mới vừa cắt ở nhà bà Mỹ đó chứ chẳng đâu xa. Tôi nghĩ thầm.

Không nhìn thấy chủ nhân của chiếc xe, tôi băng qua đường lại gần xem thử. Quả đúng là số hoa này mới vừa được cắt, chất kín cái lồng vải lưới vuông vức của chiếc xe. Nhiều ơi là nhiều, hèn chi cả bụi hoa không còn sót lấy một cành.  Một chiếc nón lá cột dây quai màu đà cũ kỹ nằm bên cạnh chiếc xe đẩy. Xe đựng hoa bỏ ở đây nhưng chủ nhân sao không thấy.

Có tiếng sột soạt gần đấy. Tôi nhìn quanh quất hồi lâu và bắt gặp đôi chân khẳng khiu trong hai ống quần màu cháo lòng, mang đôi giày thể thao mòn gần hết đế, thò ra từ cái thùng rác lớn nằm nghiêng trước cửa ngôi nhà bên cạnh. Tôi cảm thấy tội nghiệp cho cái người đang chúi đầu trong thùng rác kia. Có lẽ rác còn ít vói không tới, nên người đó phải chui vào tận bên trong mà bới móc.  Tôi bước qua một bên chờ đợi, để xem mặt cái người đã cắt hết hoa của tôi, cùng với sự tò mò vì một người đi lượm rác nhem nhuốc thế này mà cũng biết yêu hoa đào đến nỗi tẩn luôn cả cụm hay sao.

Sau khi liệng ra ngoài mấy chiếc lon rỗng thì đôi chân thụt lùi ra. Đó là một bà cụ già người Việt. Bà ráng sức chổng mông xô ngược cái thùng rác cho nó đứng lên trở lại. Người bà quá thấp nên loay hoay một hồi vẫn chưa làm được. Tôi vội chạy lại phụ giúp một tay. Bà tỏ vẻ ngạc nhiên và nói cám ơn.

Tôi nhìn bà cụ. Mái tóc cắt ngắn bạc trắng phau phau, đôi mắt ti hí vì nhiều lớp da dư phủ xuống gần như mở lên không nổi, mặt mũi bà đầy nếp nhăn lằn ngang lằn dọc. Bà trông già khọm, dễ chừng cũng đã trên chín mươi tuổi.  Cái lưng còng làm cho người bà gập lại giống chiếc lưỡi liềm.  Nhưng trông thần thái của bà còn rất là minh mẫn. Tôi thấy xúc động vô ngần. Một nỗi cảm thương lẫn xót xa chợt trào dâng. Con cháu bà đâu mà lại để mẹ già vất vả như thế. Tuổi này ở Mỹ là tuổi hưởng phước vì đã có tiền trợ cấp chính phủ, mà bà lão này còn phải đi lượm lon kiếm tiền sao.

– Bà cụ ơi! Tôi hỏi. – Cụ đã lớn tuổi rồi, sao còn đi lượm lon làm chi cho khổ vậy?

Bà cụ nghiêng đầu, ngoẹo cổ một chút để nhìn thẳng vào tôi. Bà nhoẻn nụ cười móm mém trông dễ thương giống ngoại tôi ngày xưa chi lạ. Đôi môi bà lận vào trong, khoe cặp lợi màu hồng láng bóng chẳng còn chiếc răng nào.

– Già rồi không có chuyện gì làm, nên đi bộ để vận động cô ơi! Cả ngày con cháu đi làm hết ở trong nhà mãi chán lắm! Giọng nói bà rổn rảng cho thấy tràn đầy năng lượng. – Cho nên tôi vừa đi bộ vừa lượm lon, bán để dành tiền có chi dụng. Nói xong bà cười tít mắt, có thể thấy niềm hạnh phúc tỏa ngời ngời trên mặt bà.

– Trời ơi! Bà chịu khó quá. Tôi nói, rồi chỉ vào chiếc xe đựng hoa đào: – Bà cho cháu hỏi, có phải bà mới cắt số hoa đào này từ cái nhà màu trắng của bà Mỹ ở đường hẻm bên kia không? Tại sao bà lại cần nhiều hoa đến như vậy? Mỗi năm tới Tết cháu đều xin hoa đào chỗ này, nhưng lúc nãy đến thì hoa đã bị cắt hết rồi.

– Tội nghiệp chưa! Bà lão nói, lại cười hà hà khoe cả lợi.  – Tôi đâu có biết. Đây là lần đầu tôi đi bộ vào xóm đó và thấy có hoa nở nên gõ cửa ra dấu hỏi xin hoa. Bà Mỹ nói cái gì tôi không hiểu, chỉ thấy bã gật đầu và phẩy tay về phía bụi hoa như ra dấu muốn cắt bao nhiêu thì cắt. Cho nên tôi mừng quá lấy cái dao gãy cán tôi luôn mang theo khi đi đường ra chặt hết.

Nói xong bà cúi xuống lượm những thứ vừa moi trong thùng rác ra, dùng chân đạp bẹp dí mấy chiếc lon bia rỗng, rồi hốt đem nhét vào cái túi treo bên xe. Bà làm việc rất nhanh nhẹn, mạnh mẽ, và thành thạo.  Làm xong bà nhẹ nhàng chọn từ trong xe đẩy rút ra mấy cành đào thật đẹp, thật đều bông, đưa cho tôi: – Cô cầm lấy đem về mà chưng Tết, đừng ngại. Của chùa mà! Cô cần thì có thể lấy thêm vài cành nữa, không sao đâu.

Tôi rất cảm động, vừa nói cám ơn xong thì bà đã lẹ làng đẩy chiếc xe bước đi thoăn thoắt.  Dáng bà trông lùn chủn, cái nón trên đầu như chụp lên tay nắm chiếc xe. Nếu đi ngược chiều người ta sẽ nghĩ chiếc xe này tự động chạy chứ không có ai đẩy. Về nhà tôi kể lại cho ông xã nghe, ông ấy xuýt xoa, “Bên này người già được chính phủ nuôi sao bà ấy lại khổ thế tội nghiệp quá.” Mấy đứa con tôi thì nghĩ, chắc tại bà già ở một mình không con cháu nên chẳng ai giúp đỡ phải tự đi kiếm sống.

Buổi chiều tôi lái xe đến chợ Tàu Việt trên Downtown mua đồ về làm dưa món. Đậu xe xong tôi đẩy chiếc “shopping cart” vào chợ thì vừa lúc thấy bà cụ lưng còng, người chặt hoa đào lúc ban trưa, loắt thoắt bước thật nhanh ra cửa. Tôi còn phân vân chưa biết có phải đó là bà hay không, thì loáng một cái bà đã biến đi đâu mất. Khi bước lại phía hàng hoa, tôi mới khẳng định người đó chính là bà cụ. Trong cái thùng đất lớn sát cửa ra vào chất đầy một khóm hoa đào, chính là mớ hoa bà cụ cắt ở nhà bà Mỹ. Để chắc ăn, khi trả tiền tôi hỏi cô thâu ngân quen thì được cô xác nhận bà cụ còng lưng mới vừa đem đến bán cho chợ mớ hoa đào đó. Thì ra bà cụ xin hoa đem bán. Hèn chi bà đã cắt sạch chẳng chừa lại nhánh nào.

Sau lần đó, thỉnh thoảng tôi gặp bà cụ đi lượm lon trong thành phố. Trên chiếc xe đẩy của bà cũng như hai cái bao nilon hai bên luôn luôn đầy ắp lon nhôm và chai lọ. Ngoài việc lượm lon, lâu lâu vào ngày thứ Sáu đi chợ trời Downtown tôi còn thấy bà trải tấm nilon nhỏ ngồi trên hè phố, trước mặt các cửa hiệu để không phải trả tiền thuê, bán những loại rau trái lặt vặt.  Lúc thì mớ rau muống, khi dăm bó rau lang, vài trái bí đỏ, hoặc khổ qua, ớt chín. Nói chung là có thứ gì bà đem bán thứ ấy. Thấy bà cụ ráng gom từng cắc từng đồng, tôi tội nghiệp nên thường ghé lại mua dùm bà vài món.

Vào mùa Thu vài năm sau đó, gia đình tôi có chị Mẫn người bà con bên quê, du lịch qua Mỹ thăm con gái du học ghé nhà ở chơi một tuần. Tới thứ Sáu có phiên chợ trời trên phố Tàu, tôi rủ chị đi cùng cho biết cảnh chợ trời Mỹ. Đi ngang hiệu thuốc Bắc Hoàn Cầu phía đối diện khu chợ trời, chị Mẫn trầm trồ liền miệng, sao mà giống bên mình quá, khi chị thấy trên hè phố nhiều người Việt lẫn người Tàu trải những tấm nhựa nho nhỏ ngồi bán các thứ rau trái họ hái từ vườn nhà, rau, khế, nhãn, thanh long…

Mua xong vài bó rau muống, tôi chợt thấy một ông đang cầm lên tay ngắm nghía cây hoa đào nho nhỏ, được ươm trong cái túi nilon cũ kỹ với mớ đất đen thùi lùi. Nhưng cành đào nhìn rất tươi tắn, mạnh khỏe, và nhiều chồi lá xanh um. Cây đào nhỏ nhưng nhánh nhóc hài hòa quá, có lẽ sẽ ra hoa đẹp đúng vào dịp Tết. Nghĩ đến việc tự trồng một chậu hoa đào để hàng năm khỏi mất công đi xin bà Mỹ, tôi thầm mong ông khách đó đừng mua tôi sẽ tới lấy ngay. Không ngờ khi bà bán nói, “Ba chục đồng”, ông ta móc ví trả tiền chẳng kỳ kèo gì cả, và xách cây đào đi một mạch.

Tôi bước lại gần mới thấy người bán cây hoa đó là bà cụ lưng còng. Mặt bà có vẻ vui vì đã bán xong cây hoa cuối cùng và bắt đầu sắp xếp lại những bó rau để bán tiếp. Tôi nói:

– Chào cụ, bà vừa bán cây hoa hoa đào nhỏ đó hả? Cháu định lại mua đấy chứ. Nhưng ông kia mua rồi, uổng ghê!

– Là cô đấy à! Bà cười vui khi nhận ra tôi. – Nếu cô muốn mua, thứ Sáu tuần sau ra đây, tôi sẽ lựa để dành cho cô một cây thật tốt. Nhà còn nhiều lắm!

– Vậy tốt quá! Bà nhớ để dành cho cháu một cây nha. Tuần sau cháu sẽ đến lấy.

Tôi cám ơn bà, vừa dợm bước đi bỗng thấy chị Mẫn đứng nhìn bà cụ chăm chú. Tôi nắm tay kéo chị thì chị bỗng kêu lên, giọng sôi nổi:

– Trời đất ơi! Bác Bốn Tè người làng mình đây mà!

Tôi giật mình: – Ai là bác Bốn Tè vậy? Chị có nhầm không?

– Đúng rồi! Chị càng nói to hơn: – Đúng là bác Bốn Tè rồi! Mắt liếc nhìn bà cụ, chị nói nhỏ với tôi: – Bà là mẹ của Tám Tè em ông Bảy Đái ở Xóm kiệt gần bờ sông làng mình hồi xưa đó. Ông chồng bà ngày trước có cái chòi bán thịt chó bên bờ sông, em còn nhớ không?

Trời đất! Tôi kêu thầm. Làm sao mà tôi quên được ông hàng chó làng tôi. Ngày xưa tôi từng ghét cay ghét đắng ông ta, tới giờ vẫn vậy dù ông không còn nữa. Phải nói là tôi có mối thù với ông từ hồi còn nhỏ. Tên ông là Hú, nhưng hình như không ai còn nhớ tên ông sau khi ông mở quán thịt chó. Ông ta người gốc tận đâu ngoài Quảng Bình, nói tiếng rất khó nghe, mới đầu không ai hiểu ông nói gì hết. Được cái người ông cao lớn, đẹp trai, nên sau khi đến làng tôi lập nghiệp, ông cưới bà Bốn và ở rể luôn.

Trước khi có mặt ông Hú, người làng tôi chưa từng biết ăn thịt chó là gì. Người ta cho rằng chó là con vật rất có nghĩa, có tính người, nếu ai ăn thịt chó, món ăn đầy âm chất ấy thì sau khi chết sẽ không được đi đầu thai.  Nhưng rồi ông rể “xứ ngoài” của làng đã dạy cho mấy tay bợm nhậu địa phương biết đến cái món “Thác xuống âm phủ hiếm có mà ăn” này.

Nhiều người không thích ông ta, nên họ chỉ kêu là “Ông hàng chó” và chết tên luôn. Ông ấy đã giết đi con Vàng yêu quý của tôi làm thịt bán. Cả đời tôi không bao giờ quên được tiếng con Vàng rống lên oẳng oẳng thảm thiết, khi ông ta dùng chiếc búa bửa củi táng như điên vào đầu nó. Đến bây giờ, ngồi viết những dòng này tôi lại rơi nước mắt, nhớ như in hình ảnh con Vàng tội nghiệp của tôi nằm lăn quay, giãy đành đạch, mồm nó nôn ra những phân là phân. Sau khi con Vàng chết hẳn, ông ta đốt lửa thui cháy hết lông của nó rồi vác đi. Tôi ngồi núp trong bụi chuối nhà ngoại, chứng kiến từ đầu đến cuối cái cảnh tàn nhẫn ấy và chỉ biết khóc nức nở. Lòng oán hận vô cùng, tôi rất muốn trả thù ông ta. Nhưng đứa bé mới tám tuổi đầu thì làm gì được.

Sau khi thịt con Vàng đã vào bụng đám bợm nhậu, tôi khóc hết mấy ngày nữa và phát bịnh nằm liệt giường.  Hễ nhắm mắt lại là tôi thấy cái cảnh con Vàng bị đánh vào đầu. Mỗi nhát búa của ông ta táng vào con Vàng là cái đầu của tôi rung lên đau đớn như chính tôi bị đánh. Nó là con chó yêu quý của tôi. Tôi đã dạy con Vàng làm được rất nhiều việc, đuổi gà, đóng cửa, lượm con vụ quay...


Ba mất sớm, tôi là con gái độc nhất của mẹ nên tôi thường chơi với đám con trai mấy bà dì ông cậu. Mỗi khi tôi chơi đánh trổng với tụi nó thì con Vàng chạy theo nhảy tưng tưng sủa lên ầm ỹ để cổ võ. Đi thả diều tôi cũng dắt nó theo. Bấy giờ tôi chỉ có một mình, còn nỗi đau nào lớn hơn cho một đứa bé cô độc. Mẹ tôi hoảng sợ khi thấy tôi bịnh nên theo năn nỉ và an ủi tôi cả ngày lẫn đêm. Mẹ nói lỗi cũng tại bởi con Vàng, nếu nó không dở chứng cắn người thì ông tôi đâu có cho nó cho chồng bà Bốn.  Không có ai bênh vực con Vàng cả. Không ai cần biết đến nguyên do tại sao nó cắn người. Bởi vì nó là chó nên nó đâu biết cãi. Là chó nó chỉ biết trung thành với chủ, bảo vệ những gì thuộc về chủ nó. Vàng đã tấn công dữ dội thằng bé gần nhà, dù thằng này cũng quen với nó, vì dám lấy con diều của tôi ra chơi khi không có tôi ở đó. Do vậy ông tôi cho rằng Vàng đã bị mắc bệnh dại vì nó cắn cả người quen.

Nhưng tôi chỉ ghét ông hàng chó chứ không ghét bà Bốn, vì ai cũng nói bà hiền lành, nhiều lần bà cản ông giết chó mà ông không nghe.

Bà cụ nghe chị Mẫn kêu đích danh thì “lẩm chẩm” đứng lên, vói nắm lấy tay chị, và nheo nheo mắt:

– Đứa nào đây vậy bay?  Để già xem thử coi, bay con cái nhà ai mà biết già vầy hè.

– Dạ con là Mẫn, con ông Thừa xóm trên đó bác Bốn. Con biết bác vì năm nào đến Tết bác cũng về quê tặng quà cho người làng mình mà. Không ngờ lại gặp bác ở đây, vui quá!

Bà Bốn Tè và chị Mẫn nói chuyện ríu rít. Bà lấy điện thoại trong túi ra, kêu tôi kiếm số phone của con gái bà và ghi lại rồi về nhà gọi cho cô ấy chỉ đường để tôi đưa chị Mẫn qua nhà bà chơi. Chúng tôi từ giã bà rồi đi qua phía chợ trời. Chị Mẫn tiếp tục kể những câu chuyện “ly kỳ” về bà Bốn Tè trong lúc chúng tôi mua đồ. Chị nhớ lại khi bà Bốn có bầu út Tè thì ông Hú phát bịnh dại, lên cơn điên sùi bọt mép và sủa gâu gâu y như chó dại rồi chết. Người làng cho rằng ông đã bị “sinh nghề tử nghiệp”, bị quả báo để trả nợ cho việc giết chó của ông. Cái mà người ta ghê tởm ông nhất là việc giết chó quá tàn nhẫn. Lúc nào ông cũng dùng chiếc búa bửa củi tán vào đầu con vật đáng thương cho đến chết mới thôi.

Dù khi ấy còn nhỏ, tôi vẫn nghe người ta xầm xì mỗi lần thấy ai đó ghé vào quán thịt chó của ông Hú. Có kẻ dại miệng còn rủa ông ác đức, giết hại súc vật nuôi giúp giữ nhà, con cháu sẽ lãnh hậu quả. Rồi người ta đồn, ông cũng đã trả giá lúc còn sống. Vợ ông, bà Bốn sinh con rất nhiều lần nhưng nuôi không được. Bà sợ lắm, mãi khuyên ông bỏ cái nghề bán thịt chó, mà ông đâu có chịu nghe vì rượu và thịt chó đã ngấm vào máu huyết xương tủy ông rồi. Ông mở quán chính là để hưởng thụ. Bà Bốn tận tụy đi chùa cầu phước, có dịp bà cũng bố thí cho người nghèo. Khi bà có bầu người con thứ bảy, ông thầy bói mù cho bà lá bùa và dặn bà lần này sinh con phải đặt tên là “Đái”, vì “Ma quỷ rất kỵ nước đái, sẽ không theo hại con bà”, lời ông thầy. Bà làm theo và đã nuôi được “Đái” người con trai thứ bảy. Bà Bốn rất mừng, đi lễ chùa tạ ơn. Sau bà có bầu thêm đứa thứ tám, cũng là lúc ông Hú phát bịnh dại và chết trước khi đứa con gái chào đời. Đứa này bà cũng nghe thầy bảo, đặt tên là “Tè”. Người làng thường gọi bà là “Mẹ con Tè”, hay “Bà Bốn Tè” từ đó. Thiên hạ cũng đồn rằng, nhờ đức bà vợ hiền lành tu tâm làm phước, ông Hú đã trả xong cái nợ giết chó và ra đi, nên vợ ông mới giữ lại được hai đứa con nối dõi.

Nghe chị Mẫn nhắc những chuyện hồi xưa, tôi cũng nhớ lại được nhiều điều. Mỗi lần theo mấy ông cậu qua sông vào đầm nhà hái sen, tôi phải đi ngang qua cái quán thịt chó mà tôi thù ghét nhất. Ông Hú đã trồng thật nhiều lá mơ sau lưng quán, dây mơ bò bao phủ đến tận mái tranh. Thực ra, kêu là quán chứ quán thịt chó của ông Hú chẳng phải là cái quán cho ra hồn gì. Đó chỉ là một căn chòi tranh ông cất cạnh bờ sông, gần chỗ bến nước cạn nơi người ta lội qua bên kia sông để làm ruộng, chăn bò, vào rừng chặt củi. Quán ông chủ yếu bán cho những người đi núi đi làm đồng về. Tôi còn nhớ như in, quán trống hoác bốn bề lộng gió, chính giữa là chiếc chõng tre mong manh, mỗi khi có người ngồi lên thì nó lắt lư, đong đưa kêu kèn kẹt như sắp sụm xuống. Một cái bàn gỗ chân cao nhem nhuốc kê sát vách, bên trên có chai rượu đế và mấy chiếc ly nhỏ úp thẳng xuống cái mặt bàn loang lổ những dấu vết tròn tròn của miệng ly. Mấy người lớn nói món thịt chó của ông khi có khi không, chỉ khi nào có ai kêu cho ông con chó già, chó nghi bị bệnh dại, thì ông vác búa tới “nhận hàng”, hoặc khi mấy tay bợm nhậu vớ được con chó vô chủ nào đó rồi mang tới cho ông để đổi lít rượu kèm theo khúc dồi, thì ông Hú mới có hàng để bán. Ngoài những lúc ấy ra, ai ghé quán cũng chỉ có mấy trái khế và vài ly rượu đế mà thôi.

Sau khi “Ông hàng chó” chết một thời gian thì ngôi làng bị người trên núi xuống chiếm đóng. Ba mẹ con bà Bốn cùng mọi người bỏ làng chạy giặc, vào xóm biển Mỹ Ca làm ăn. Con trai bà, ông Đái, khi đó tuổi thiếu niên đi bạn theo tàu đánh cá nên sau này mất miền Nam ông đã có dịp vượt biên qua Mỹ rồi bảo lãnh bà Bốn và út Tè.

– Có lẽ nhờ bà Bốn ăn ở hiền lành, tu nhân tích đức nên mẹ con bà đã gặp may em à. Chị Mẫn nói tiếp. – Người làng mình bây giờ ai cũng yêu quý và nể nang bà Bốn Tè hết. Có người nói chắc bà vẫn ám ảnh chuyện giết chó dã man của ông chồng ngày xưa và ông bị dân làng ghét, nên bây giờ qua Mỹ có cuộc sống sung sướng bà trở về giúp đỡ bà con, cũng là để chuộc cái tội ngày trước dùm ông.  Có điều, người ta tưởng bên này bà giàu có lắm, ai ngờ bây giờ tận mắt thấy bà khổ quá, ngồi vỉa hè bán từng bó rau thế này. Chị chấm dứt bằng tiếng thở dài.

 Dù đang bận lựa mua đậu phụng tươi về luộc, tôi vẫn chú ý nghe kỹ những lời kể đều đều của chị Mẫn. Nhiều năm rồi, mỗi năm bà Bốn về làng một lần vào dịp Tết. Trước khi về, bà nhờ con cháu trong gia đình lên danh sách những người già, bệnh, đói khổ, neo đơn trong làng gửi cho bà. Về đến nơi, bà thuê một chiếc xe van kiêm luôn tài xế, mua chất đầy mì tôm, gạo, quần áo, dầu nóng, sữa đặc, và rất nhiều thịt hộp “SPAM”.  Xe chở về đậu ngay Xóm kiệt bờ sông, chỗ quán thịt chó của ông chồng bà ngày trước, chẳng biết có phải ý bà muốn người làng thứ tội cho ông không. Bà cho gọi những người có tên trong danh sách tới sắp hàng rồi cùng mấy đứa cháu phân phát quà Tết. Bà rất công bằng, không thiên vị ai, dù bà con hay người dưng vẫn cho đều nhau. Đặc biệt, bà nhớ mặt rất tài tình, ai lãnh rồi gian lận muốn xin lần nữa bị bà đuổi cho chạy không kịp.

Chúng tôi mua xong ra về thì thấy bà Bốn cũng đã bán hết rau đang dọn dẹp. Bà nói phải đợi xe buýt về nhà, vì con gái bà đi làm đến một giờ mới về đón được. Tôi nói sẽ chở dùm bà về vì bà ở cùng chung thành phố. Bà tỏ vẻ mừng:

– Tốt quá! Vậy tiện đường cháu chở dùm bác luôn để ghé nhà chơi cho biết, nhất là có cháu Mẫn đây nữa.

Bà Bốn xếp chiếc xe đẩy lại đem bỏ sau cốp xe tôi, rồi gọi cho con gái biết chừng, và kêu cô chỉ đường tôi đến nhà bà. Thì ra bà Bốn ở không xa chỗ tôi là mấy, nhà trong khu mới xây chừng khoảng chục năm trước. Ở được khu này thì nhà bà đâu có nghèo, vậy sao bà phải đi lượm lon bòn mót từng đồng như thế nhỉ. Một trời thắc mắc hiện ra trong tôi.

Trên xe, bà Bốn cho biết đã qua Mỹ cũng được gần ba chục năm. “Tè” con gái bà giờ có tên Mỹ là Tina, tốt nghiệp dược sĩ làm việc cho hiệu thuốc Walgreen thành phố gần bên, người con rể làm quản lý cho một công ty tài chính gì đó bà không nhớ tên, xa tận bên Denver, lâu lâu mới về một lần. Con trai bà, “Đái”, nay là David kỹ sư ngành tiện làm ở Texas, vừa mới về hưu.

Ngôi nhà bà Bốn ở có hai tầng, cất theo kiểu mới, tường rào bằng gạch hoa có lỗ trống bao quanh. Ngôi nhà đồ sộ và đẹp mắt với nhiều cửa sổ và cửa kính, những tháp nhọn lồi ra kết nối xung quanh và mái ngói đỏ khiến ngôi nhà toát ra một vẻ huyền bí, như lâu đài trong chuyện cổ tích. Bà cụ thấy chúng tôi đứng ngắm và trầm trồ khen ngợi ngôi nhà đẹp thì giục:

– Vô trong đi các cháu! Vô trong nhà uống nước. Đi hồi sáng đến giờ chắc mệt lắm rồi.

Chúng tôi theo bà bước vô khỏi cổng thì tôi bỗng đứng khựng lại. Ngôi nhà bên ngoài nhìn rất đẹp, nhưng bên trong cánh cổng là một cảnh tượng không thể ngờ tới. Bên hông trái ngôi nhà cạnh hàng rào là một đống hỗn độn các loại lon bia, lon nước ngọt đã bẹp dúm cùng với mớ bao bì. Phía trái, nằm ngổn ngang không biết cơ man nào chai lọ thủy tinh và chai nhựa, cùng những túi nilon đã dùng rồi, cộng thêm nhiều bao lớn đựng gạo, các túi xách đi chợ cũ mèm. Thật đáng ngạc nhiên, bên cạnh ngôi nhà đẹp tuyệt này lại là một bãi rác không hơn không kém.

– Trời đất ơi! Tôi kêu lên, không tin vào mắt mình. – Chính một mình bác đã lượm hết cả mấy cái đống bự lon nhôm và chai lọ này hay sao?

– Thì phải rồi! Chứ ai vào đây? Rồi bà cười to: – Bác đã tốn mấy tháng trời đi lượm, từ hồi hè đến giờ mới được nhiêu đây. Con Tè nó cứ càm ràm, bác làm cho nhà nó giống bãi rác. Mà nó lại bận quá chưa chở dùm bác đi bán cho hãng được. Mấy đứa cháu thì đi học xa hết rồi.

Tôi bật cười. Con gái bà đã là một dược sĩ với tên Mỹ là Tina đàng hoàng, mà bà vẫn âu yếm gọi con bằng cái tên "cúng cơm" nghe buồn cười ngày trước. Thế mới biết, tốt hay xấu, ghét hay thương là do chính con người, chứ tên xấu tên đẹp thì đâu ảnh hưởng gì!

Tôi thầm nghĩ không hiểu tại sao con gái bà lại chỉ càm ràm mà vẫn để yên cho mẹ bày rác rưởi lung tung trước nhà như vậy. Nếu là tôi, chắc tôi nhăn mẹ nhiều hơn nữa, cho đến khi nào bà chịu đem chúng bỏ ra vườn sau mới thôi.

Thắc mắc của tôi được giải đáp vì cô "Tè" Tina cũng vừa bước vô, cô về sớm vì nghe khách đến. Có vẻ cô cũng ngại ngùng về mấy “đống rác” trước cửa, nên cô tự động giải thích:

– Mẹ em ngang lắm! Bà "chiếm dụng" cả khu vườn nhà em để làm việc nghĩa các chị ơi, từ vườn trước ra đến cả vườn sau luôn. Sau nhà cũng đâu còn chỗ mà dời mấy đống lon chai ra đó. Tina cho biết, mới đầu thấy bà Bốn làm vậy ông chồng cô cũng có càm ràm. Nhưng rồi thấy sức khỏe mẹ cô ngày càng khá hơn trước, bà vui và rất khỏe khi đi lượm lon, làm vườn, trồng trọt, đem bán lấy tiền để giúp người, thì ông không nói nữa. Ông còn dặn cô hãy để mẹ tự do làm theo ý bà. Người già hoạt động nhiều tốt cho sức khỏe hơn là chỉ ngồi một chỗ. – Cho nên, em để yên cho mẹ muốn làm gì thì làm từ đó. Tina nói xong cúi xuống ôm chầm lấy mẹ, giọng rất ngọt ngào: – Đúng hôn mẹ? Cô đưa tay vẹt mấy sợi tóc lòa xòa trên trán của bà Bốn, rồi ngước lên cười vui vẻ với chúng tôi: – Mẹ em coi vậy nhưng khỏe lắm, đã sắp chín lăm tuổi rồi mà đi bộ giỏi kinh hồn luôn, cỡ như em và mấy chị đi hổng lại mẹ đâu à nha!

Tôi thật sự xúc động trước hình ảnh đẹp của mẹ con họ. Cô dược sĩ nhỏ tuổi hơn tôi, chắc đâu cũng khoảng chừng năm mươi mấy, má phấn môi hồng, nhìn đẹp và rất thanh lịch, ôm lấy bà mẹ già nhăn nheo ăn mặc xuề xòa, nếu không nói là có hơi… bẩn, bằng một vẻ âu yếm tràn đầy yêu thương. Không biết trên trái đất này có được bao người biểu hiện tình thương với mẹ bằng cái cách như cô Tè đây nhỉ.

Tina nói xong đi mở cửa sau và rủ chúng tôi ra vườn “coi hàng của mẹ” cô nói. Tôi và chị Mẫn lại tròn mắt lên nhìn. Nguyên cả cái vườn sau của ngôi nhà, ngoài mấy đám rau lang, rau muống, và cây ăn trái ra, còn lại là nhiều dãy dài những cái túi nilon cũ kỹ trong chứa đất đen, cột túm gốc những cành đào ươm đang đâm chồi nẩy lộc xanh rợp một màu. Thì ra bà Bốn đã tận dụng một số cành đào cắt từ nhà bà Mỹ Tết năm đó, cắt ra từng khúc ngắn và đem ươm trồng, rồi từ đó nhân lên thành một vườn ươm thủ công, bây giờ là lúc bà thu hoạch.

– Bác Bốn ơi! Sao bác không dưỡng cho số hoa đào này lớn thêm lên, đến Tết ra hoa mới bán thì giá sẽ cao hơn bây giờ gấp bội đó. Tôi hỏi.

– Đúng là như vậy. Nhưng mỗi buổi chợ bác chỉ bán “lậu” chút đỉnh năm ba cây trên hè phố kèm với ít rau trái, chứ đâu có ghi danh trả tiền gian hàng trong chợ Trời đâu mà bán được nhiều. Mỗi tuần chợ họp chỉ có ngày thứ Sáu, nếu chờ đến chừng đó mới đem bán sẽ không kịp đâu. Bà cười rồi tiếp: – Bán bớt một số, chỉ chừa lại cỡ chục cây chờ Tết ra hoa thì đem bán giá cao hơn.

– Cảm phục bác quá, bác thật tuyệt vời! Tôi nói. – Bác già rồi mà còn biết cách kiếm tiền đem về quê giúp đỡ bà con, như vậy đâu có ai sánh bằng.

– Thật ra thì số tiền bác kiếm không nhiều lắm đâu cháu ơi! Mấy đứa con bác để yên cho bác làm vì muốn bác vui, hoạt động để quên tuổi già, quên bịnh hoạn. Chứ lần nào bác đi Việt Nam tụi nó cũng phải mua vé máy bay, rồi còn cho tiền thêm nữa. Lần đầu bác về, thấy bên đó khổ quá nên về lại bên này mới nghĩ cách giúp. Nhưng nếu tụi con bác vì sĩ diện mà ngăn cản thì bác cũng đâu có làm được chuyện gì. Bà con mình còn nhiều người đáng thương lắm các cháu.

 – Tấm lòng của bác và các anh chị thật đáng quý! Tôi nói mà lòng khâm phục vô cùng. Tôi phục bà Bốn và cũng phục Tina, một người con hiếu thảo. Cô không phiền hà người mẹ già làm cho ngôi nhà đẹp của cô lộn xộn, bày biện đồ phế thải lung tung, và trồng trọt đủ loại rau cỏ trong vườn để bán, chẳng những làm tốn nước tốn điện, mà còn trông chướng mắt, mất đi vẻ thẩm mỹ của ngôi nhà. Nhờ con gái và chàng rể để bà tự do thoải mái, nên sức khỏe bà rất tốt. Cứ cái đà bà được tự do yêu người yêu đời như thế, bà sẽ sống trên trăm tuổi cũng không chừng.

Tina đưa chúng tôi vô nhà và đem trái cây nước ngọt ra mời. Bây giờ tôi mới quan sát kỹ, bên trong ngôi nhà bốn phòng ngủ rộng thênh thang, sàn nhà và bàn ghế đều bằng gỗ hương bóng loáng.  Bà Bốn đem ra khoe với chúng tôi album hình ảnh tốt nghiệp High School của hai đứa cháu ngoại một trai một gái con của Tina, hiện giờ đang học đại học. Tina chỉ ngồi mỉm cười nhìn mẹ huyên thuyên. Bà trông thật hạnh phúc vì gặp người cùng làng. Nói chuyện một lúc thì chúng tôi từ giã, chào mẹ con bà Bốn rồi ra xe.

Tôi hạ kính xuống vẩy tay từ biệt khi thấy hai người ra cửa tiễn chúng tôi. Dáng bà Bốn khòm khòm cao chỉ tới thắt lưng con gái. Nhưng bàn tay bà vẫy lại chúng tôi trông mạnh mẽ, dứt khoát, không có một chút gì vẻ yếu ớt của bà lão đã chín mươi lăm. Bất giác tôi tưởng tượng ra trước mắt hình ảnh bà cụ Việt Kiều còng lưng đang đứng cùng người tài xế chiếc xe van ở chỗ Xóm kiệt bờ sông làng cũ, trao từng gói quà cho những người già, người nghèo khổ, neo đơn. Tôi bỗng thấy lòng rưng rưng…

Một cụ già trong tuổi hưởng nhàn sống ở cái đất nước vàng son nhất thế giới, vậy mà ngày ngày vẫn chịu khó chăm chút lượm lon và ươm những mầm Xuân trên đất khách, chờ Tết đến thì đem bán. Rồi cặm cụi trở về ban phát Mùa Xuân cho bà con nghèo đói ở quê nhà.

Có lẽ chị Mẫn nói đúng. Bà Bốn ăn ở nhân hậu thế đó nên con cái bà nhờ hưởng phước của mẹ mà nên người nơi hải ngoại. Tôi còn nghĩ, nhờ vào đạo đức của bà, việc làm của ông Hú ngày xưa cũng đã được người làng tha thứ, quên đi.  Và trong mấy chục năm qua, đây là lần đầu tiên tôi nhắc đến “ông hàng chó” người giết con Vàng mà trong lòng không còn chút oán giận gì.

 

Phương Hoa – Xuân Mậu Tuất 2018

Ý kiến bạn đọc
31/01/201817:45:37
Khách
Chào chị Hằng,
Anh Sao Nam
Bạn đọc Tran Van thân mến

*Cám ơn chị Hằng đã thương mà ghi những lời comment “dễ thương”... chúc chị luôn khoẻ
* Cám ơn anh Sao Nam đã góp ý. PH sẽ tính đến chuyện đó sau này. Chào anh và chúc anh chị vui khỏe
* Chào bạn đọc Tran Van. Cám ơn bạn đã đọc bài viết và cho cảm tưởng. Bạn đúng lắm, quyển sách “Giải Khăn Sô Cho Huế” của tiền bối Nhã Ca bây giờ đã được dịch sang tiếng Anh nên nổi tiếng khắp thế giới. Chúc bạn và gia đình luôn hạnh phúc

Phương Hoa
31/01/201816:29:48
Khách
"Cả đời tôi không bao giờ quên được tiếng con Vàng rống lên oẳng oẳng thảm thiết, khi ông ta dùng chiếc búa bửa củi táng như điên vào đầu nó... Mỗi nhát búa của ông ta táng vào con Vàng là cái đầu của tôi rung lên đau đớn như chính tôi bị đánh". Tác giả.

Nhà văn Nhã Ca, tác giả cuốn ” Giải Khăn Sô Cho Huế”, là diễn giả trong buổi lễ kỷ niệm Tết Mậu Thân 1968 tháng 2 năm 2008 kể rằng:

” Những thường dân Huế bị Cộng quân trói bằng dây điện, dính nhau xếp thành hàng trên hố, một vài người bị đập đầu, cả một dây người đang sống bị đạp xuống hố, đè lên nhau, những đầu nào ngóc lên là bị đập chết bằng cuốc.
Chính con cháu những người bị chôn gồm toàn những thiếu niên 14, 15 tuổi- học trò trường Nguyễn Du- bị buộc phải đào hố. Rồi bằng súng AK và lưỡi lê, Cộng quân buộc các thiếu niên này phải lấp đất chôn sống cha, anh của họ. Mười mấy em trong đám thiếu niên đó sau này bị giết chết, chỉ có 3 em trốn thoát. Một trong ba thiếu nhiên này tên là Tuấn, năm nay 56 tuổi, đang sống tại Úc”.
31/01/201813:39:57
Khách
Chị PH mến
Chị hãy gom tất cả những bài viết của chị thành một Tuyển Tập Phuong Hoa và cho x/bản thì hay biết mấy.Thăm chị khỏe.Mến
29/01/201821:52:58
Khách
Không cần nhìn tên tác giả, đọc xong là biết ngay người viết phải là người đã từng lãnh giải Hoa Hậu.
Cám ơn PH đã cho đọc một bài vừa hay vừa có ý nghĩa.
29/01/201819:35:13
Khách
Chào hai bạn đọc Người xứ lạnh và Từhuy,
*Được "Người xứ lạnh" dành thời gian đọc truyện còn viết cảm tưởng làm cho tg cảm thấy ...ấm lòng vô cùng. Cám ơn bạn và chúc bạn luôn vui.

Bạn Từhuy ơi, câu chuyện này đúng sự thật đấy, tuy tên nhân vật đã được thay đổi. Phải, tuy rằng không dám so sánh với Mẹ Teresa nhưng bà cụ Bốn này quả có tấm lòng nhân từ vô cùng to lớn....
Chúc bạn luôn hạnh phúc
Chào hai bạn
Phương Hoa
29/01/201811:55:02
Khách
Câu chuyện về bà Bốn Tè hay quá! Đúng là hình ảnh của bà tiên ở giữa đời thường. Chị làm em liên tưởng đến Mẹ Teresa thành Calcutta ngày xưa, cũng già, nhỏ con nhưng lòng nhân từ thật bao la.
Nếu đây là câu chuyện thật. Ước gì được gặp Tiên-Lão-Bà-Bà Bốn Tè 💓🌹🎶‼️
29/01/201810:54:55
Khách
Bài viết nhiều tình tiết hấp dẫn thú vị. Cám ơn chị Hoa.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,079,739
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.