Hôm nay,  

Hôm Nay Tôi Đi Học Trượt Tuyết

16/07/201700:00:00(Xem: 11210)

Tác giả: Nguyễn Văn Tới
Bài số 5168-19-31012-vb8071617

Với bài đầu tiên “Hôm nay tôi Đi Xe Đạp”, tác giả được trao giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2017. Ông hiện hiện sống và làm contractor (hợp đồng) ngành hàng không ở Vail, Arizona cho quân đội Mỹ. Sau đây là bài viết thứ hai.

* * *

blank
Vợ chồng tôi vừa từ Arizona đến Pinetop, thành phố ở độ cao 7200 feet.

Arizona đúng là xứ sa mạc thứ thiệt của Bắc Mỹ còn được gọi là Sonoran Desert bao gồm phần Tây Nam của Arizona và California, một phần Tây Bắc Mễ Tây Cơ (mexico) thuộc vùng Sonora, Baja California, và Baja California Sur.

Ôi cái xứ đồng khô cỏ cháy, chó ăn đá, gà ăn muối, nóng như lò lửa, khô như ngói, chẳng có gì để mà coi, mà chơi, mà ngắm, mà yêu, mà “đất lành chim đậu, đất hổng lành đất nhậu luôn chim”... Bạn không phải là người đầu tiên và cũng không là người cuối cùng nói câu đó; chính tôi cũng từng nghĩ rằng không thể nào sống ở vùng đất nóng cằn cỗi này, thế mà tôi đã sống ở đây gần 25 năm rồi đấy.

Sau nhiều năm chịu nóng để chạy theo cơm áo gạo tiền, sau tết Tây năm nay, vợ chồng tôi làm một chuyến bỏ rừng lên núi, quyết ra đi tầm sư học… trượt tuyết cho bõ bao năm trời chỉ có mơ mà chưa một lần thực hiện.

Không biết người Việt mình ở các tiểu bang lạnh lẽo, hoặc đang sống ở châu Âu, khi mới tập tành trượt tuyết ra sao? Mong các cao nhân chỉ giáo thêm. Riêng tôi thì đây là một trải nghiệm mới lạ và là một cái “thú đau thương” khó mà quên được. Xin chia xẻ với mọi người muốn chơi môn thể thao thú vị này.

Từ Tucson, theo hướng Đông Bắc, chúng tôi lái xe đến thành phố Pinetop, sau 4 giờ quanh co đèo núi ở độ cao 7200 feet, với tuyết giá bao phủ khắp nơi. Bầu trời xám xịt, bông tuyết bay lất phất đẹp như trong tranh. Giời ạ! Mới mấy tiếng trước đây, trên đường đi qua, toàn xương rồng, đá sỏi, quang cảnh hoang sơ như trong phim cao bồi Viễn Tây; bây giờ quanh mình một màu trắng tinh khôi và những cành thông trĩu nặng bông tuyết.

Quay kính xe xuống 1 chút đủ để cái lạnh tràn vào, bông tuyết đáp nhẹ trên mặt và cánh tay, hít một hơi dài, lá phổi căng phồng cái không khí trong lành, mát lạnh. Sao mà nó tuyệt vời đến thế! Có là người quanh năm sống vùng sa mạc khô cằn mới cảm nhận được cái cảm giác lâng lâng, đổi thay kỳ diệu này mà thiên nhiên ban tặng cho chúng ta.

Cùng đi với vợ chồng tôi là Quỳnh và Thái, đôi uyên ương rất đẹp đôi, hạnh phúc vì cả vợ lẫn chồng có cùng chung sở thích: nàng thích gì, chàng thích cái đó. Chúng tôi đi khác xe và hẹn cùng gặp tại Sunrise Ski Resort. Chúng tôi đến trước, xe Quỳnh Thái cũng đến sau khoảng nửa giờ.

blank
Tôi được Thái và Quỳnh xốc nách đứng cho khỏi té.

Không để mất thời gian, chúng tôi vào mướn trang thiết bị (ski gear) gồm 1 cặp ski, 2 cây gậy (poles) và đôi ủng (boots) cộng thêm tiền mua vé đi Lift là đủ bộ cho môn học trượt tuyết. Vì không muốn mất nhiều thời gian và tiền bạc học trượt tuyết với với các huấn luyện viên của resort, nên Thái tình nguyện “làm thày”, chỉ tôi những động tác căn bản làm thế nào để khỏi té và biết tăng giảm tốc độ hoặc quẹo phải quẹo trái.

Nghề chơi nào cũng lắm công phu. Theo huấn luyện viên bất đắc dĩ phán ngày đầu tiên, học viên giữ được thăng bằng và học đi bộ với cặp ski nặng trịch dưới chân là đã thành công rồi. Ngày thứ hai mới nói dến chuyện trượt tuyết được nếu sáng dạ. Trong khi hai chàng miệt mài cung kiếm trên chiến trường thì Quỳnh cũng đang đi mây về gió, lao vun vút ngoài kia, trong màn tuyết rơi trắng xóa.

Cũng xin nói qua về cuộc tình đẹp như mơ Quỳnh và Thái: Cùng một chuyến tàu vượt biên, cùng 1 trại tị nạn, chia tay khi định cư, nàng dânn Cà na điên (Canadien), chàng Mỹ gốc Việt; chim én đi, nhạn về giữa hai bờ biên giới của mối tình “love without borders”, cuối cùng chàng rước được nàng về dinh, rồi từ đó cho ra đời 2 cô công chúa và 1 hoàng tử. Gia đình hạnh phúc, con cái nên người, hai ông bà giờ mới yên tâm mà nghĩ đến chính mình, bắt đầu lo “èn doi” đời sống cho chính đôi uyên ương.

Bà xã tôi vì tự lượng sức mình nên không dám tham gia, ngồi trong nhà kính nhâm nhi món Freedom Fries với cheese ngó ra coi “tướng công” của mình đang vật lộn và chiến đấu với… chính mình, tả xung hữu đột, lúc tiến công lúc lùi vào chỗ vắng thủ thế để khỏi bị người ta ủi vô mình. Ngồi coi mà bả liên tục kêu tên Đức Chúa Trời, Oh my God! O mon Dieu! Lạy Chúa con lia lịa khi thấy chàng 4 vó đưa lên trời, bàn tọa đáp xuống nghe cái đụi. Khách ngồi bên tưởng bả đạo đức lắm vì suốt buổi lẩm bẩm gọi Chúa cứu giúp, gọi Ngài cứu khổ không ngừng.

Bên ngoài nhiệt độ xuống khoảng 10 F, trời rét căm căm mà lưng tôi đổ mồ hôi hột, mặt mày căng thẳng vừa khốn khổ điều khiển cặp ski sao cho thẳng vừa la làng thật to “watch out…” coi chừng! Quân vương giáng lâm… từ trên trời xuống để thần dân tránh mình chứ mình thì vô phương tránh họ. Kẻ nào cả gan dám cản đường ta là tự mình tìm vào chỗ chết nhé, đừng trách trẫm đây vô tình.

Tưởng cũng nên nói qua về trang thiết bị cho các cụ nào chưa biết còn lạ lẫm về môn thể thao trượt tuyết này. Cặp ski được làm bằng composite (sợi carbon) vật liệu nhẹ, đầu mũi hơi cong lên phía trước, dài khoảng một sải tay. Phía trên, chỗ để đôi ủng gài vào là một dàn cơ được điều chỉnh bằng lò xo (spring loaded) sao cho khít khao mà chặt chẽ để nó sẽ ngoạm vào đôi ủng thật chặt, do đó sẽ giúp cặp giò ống điếu của ta cứng cáp hơn. Một chiếc ủng nặng khoảng 5 pounds, đươc làm bằng nhựa dẻo và dầy có 4 cái khóa răng cưa điều chỉnh độ chặt, thay cho dây giày để giữ chân mình thật sít sao. Khi mang đôi ủng vào chân rồi, trước khi bước vào đôi ski, ta bước đi như Robot Cop cứ khật khà khật khưỡng như con nít tập đi.

blank
Vậy mà cũng tốt nghiệp.

Phần cổ đôi ủng cứng để giử đôi chân ta thẳng trong khi trượt vì thế giữ thăng bằng tốt hơn. Thêm hai cây gậy (poles) bằng nhôm hoặc sợi carbon, rất nhẹ mà cứng, dùng để đẩy ta tiến về phía trước và cũng để tháo đôi ủng ra khỏi cặp ski khi ta “vồ ếch” trong tư thế tréo cẳng ngỗng mà tay không với tới đôi chân; khi đó ta dùng mũi cây gậy đẩy cái khóa để thả lỏng chân ra khỏi đôi ski. Nói chung, một cụ nhà ta tuổi 5,6 bó mà vác trọn bộ trang thiết bị đi bộ trên tuyết đến nơi mà mình muốn cũng cong xương sống, róng xương sườn.

Quần áo thích hợp cho môn thể thao này, ngoài thermal underwear (đồ lót giữ nhiệt) và phụ trang lẩm cẩm, cần áo và quần bên ngoài đặc biệt không thấm nước. Tưởng tượng một cụ nhà ta mới vào nghề như tôi, cứ té lên té xuống mà chơi cái quần jean dầy và cái áo jacket thường thì nước sẽ ngấm vào như nỗi “buồn vào hồn không tên”; nó sẽ len lỏi vào ngóc ngách kín nhất mà nó có thể bò tới được. Nói theo “pha học” thì nóng nở ra, lạnh co lại. Cái gì phải teo thì nó teo mất luôn, khi cần xài, muốn kiếm “nó” coi bộ không dễ tí nào. Chưa kể là cái ướt nó cứ lì một chỗ nhất định không di dời cho dù nhà lước “cưỡng chế” thế lào nó cũng mặc. Dọa bảo “bố náo bố nếu” cho mày đi “Bố Ná” (Bố Lá: một địa danh trại cải tạo của cộng sản sau 1975) nó cũng cóc ngán.

Vì thế để chuẩn bị và an toàn cho cái thân già, các cụ phải trang bị tận răng, thêm đôi bao tay cũng loại không thấm nước thì mới mong khi “tác nghiệp” xong vẫn còn nguyên vẹn tấm hình hài và hào khí, cờ vẫn bay, trướng vẫn phất phới mà trở lại gặp bu nó.

Trở lại việc tu luyện võ công, phải cám ơn ông thày Thái, rất kiên nhẫn với tên học trò tối dạ mà xương cốt đang trên đà thoái hóa. Đến ngày thứ hai mà võ công Sáu Cam yôi mới vẫn chỉ dám đi chỗ Bunny slope là cái chỗ dành cho quý vị con nít trượt mà thôi, không dám mơ đến những nơi như Black Diamond slope dành cho dân nhà nghề. Thế mà cũng vẫn bị sứt càng gãy gọng như điên.

Đang mơ thành người James Bond 007 ½ (không-không-bảy-rưỡi) trong phim “The world is not enough”; tôi cao hứng tưởng mình là chàng “thông-điệp-diên” hào huê phong tê bại xụi, chợt thấy mình thả dốc lao nhanh như hỏa tiễn, vì tốc độ nhanh quá nên quíu, gió thổi rào rào bên tai, mờ mờ nhân ảnh đi qua, không còn biết phải nàm thao, đôi ski lướt qua một mô đất cao phủ đầy tuyết, thế là “bay đi cánh chim biển hiền hòa” (phim quay chậm khúc này), cả khối thịt bốc lên lộn trên không đúng một vòng; rõ ràng hai bàn tay chới với vươn ra phía trước như con chim ưng sắp sửa vồ mồi, thế mà không hiểu sao bàn tọa lại đáp xuống trước nhẹ nhàng như… bao gạo, ski bay đằng ski, gậy đi đằng gậy, nón len đi một nẻo, may mà 2 con mắt vẫn còn, xin lỗi, cặp kiếng đeo mắt vẫn còn mà mặt mũi tóc tai phủ đầy tuyết.

Nói các cụ thương, người Mỹ có câu “No pain no gain”, tôi tự an ủi là chưa “để lại cái nón sắt bên bờ lau sậy này” là hên lắm rồi, tuy nhiên miệng vẫn lẩm bẩm “có bầm thân, mới thành nhân”.

Hai ngày khổ luyện qua mau chóng, chàng hào kiệt bước vào chốn giang hồ mưa máu gió tanh. Ngó qua ngó lại thấy cao thủ thi triển khinh công ào ào như gió cũng hơi chột dạ. Nhiều cao thủ mới 6,7 tuổi mà sao chúng nhà nghề quá xá!

blank
blank
Đồ nghề trượt tuyết: 1 cặp ski, 2 cây gậy và mu an toàn.

Rồi cũng tới lúc phải “xuống núi” theo lời sư phụ, tôi xếp hàng leo lên cái ghế cáp treo (lift) như người ta, ngồi kế một trự khổng lồ, hắn ta nhìn tôi thật nhanh và hỏi: “First time?” Thằng này tinh thật! Chắc thấy bộ dạng ngơ ngáo, ngô ngố, ngồ ngộ như gà mắc đẻ của mình, hắn biết ngay là lính mới tò te. Rồi cả hai cũng lên dần đến đỉnh đồi. Lúc sắp tới nơi, vì cứ tưởng ghế treo phải dừng lại rồi mình mới xuống, không, nó không bao giờ dừng mà cứ tiếp tục di chuyển xoay thành một vòng tròn (loop), mình phải nhẩy, do không chuẩn bị trước nên tôi ngồi ngây như tượng gỗ đến lúc tên khổng lồ hét to “jump”, tôi chợt tỉnh, vội vàng phóng cái ào xuống với cặp ski và gậy, loạng choạng, ski (chân) nam đá ski (chân) xiêu, ngã bổ chổng, 4 vó lại đưa lên giời, lồm cồm ngồi dậy được đúng lúc cái ghế trống phía sau vừa trờ tới giáng thêm 1 cái nên thân vào đầu, ba mươi sáu ông sao quay mòng mòng, may nhờ lúc nhỏ trong nhà rất cứng đầu bị gọi là thằng “đầu bò đầu biếu” nên thiết thủ đầu vương này sống sót hay nhờ cái nón len dầy cộm “kíu” mạng chứ không là bị “cắt (cách) mạng” rồi.

Khoan đã, chưa hết tuồng, còn phải xuống núi nữa mới được được sư phụ cho cái “lai xần”, cấp bằng trượt tuyết. Gió vù vù bên tai, người người bỏ lại hai bên, mặt vểnh lên nhìn đời bằng cả hai con mắt, (nhìn bằng nửa con mắt là có cơ vào nhà thương tú đờ xuỵt) lòng sướng hiu hiu, đôi ski thấy nhẹ nhàng tự tin, cứ phom phom mà xuống núi như đi chơi. Cảm giác như là trên đời này chả đứa nào bằng ông, khi ngó lại, ông cũng chẳng bằng đứa nào!

Rồi cũng tốt nghiệp trượt tuyết như người ta. Giống như bác sĩ thường hỏi bệnh nhân than đau đớn khi khám bệnh là “of the scale of 10, where are you?” (từ 1 đến 10, bạn đau cỡ nào?), nếu bệnh nhân trả lời number 8, nghĩa là 8 trên 10, đau lắm, còn 5/10 thì đau vừa.

Riêng “trình độ” trượt tuyết của tôi, xin thưa các cụ là nhà cháu số 10/10, nghĩa là đội sổ. Dầu sao cũng vẫn được lên lớp là vui rồi!

Chưa bao giờ tôi thấm thía hai chữ “mệt nhừ” đúng nghĩa như lúc này. Đã mệt mà còn bị nhừ nữa các cụ ơi! Bắp thịt đau nhức, xương cốt rã rời tưởng long ra thành từng khúc. May mà về lại khách sạn, được ngâm mình vào hồ nước nóng (Jacuzzi) mà người trong nước gọi là “bể sục”, có water jets (luồng nước nóng áp suất mạnh) mát xa các đốt xương, ôi chao nó đã nàm thao ấy! Dựa lưng vào thành hồ, để nước nóng mơn trớn làn da và các bắp thịt mệt mỏi, tay cầm chai bia lạnh, ngó xuyên tường kính ra ngoài trời,tuyết trắng xóa đang rơi tơi bời (tombe la neige), thánh cũng không bằng!

Về lại phòng, ngả lưng lên giường là tưởng như đến niết bàn! Thăng ngay lập tức.

Nguyễn Văn Tới

Ý kiến bạn đọc
18/07/201716:51:22
Khách
Xin cảm ơn tất cả đã bỏ thời gian ra đọc và khuyến khích Thanh Ngọc (Christina)! Cuộc đời là một chuỗi thời gian đầy thử thách và trắc nghiệm! Có rất nhiều lý do mà Thanh Ngọc muốn viết, nhưng lý do quan trọng nhất là viết để không quên tiếng mẹ đẻ, viết để không quên cội nguồn và viết để cảm ơn nước Mỹ đã cứu sống biết bao nhiêu gia đình của những quân dân cán chính! Nếu không thì không biết tương lai của Thanh Ngọc và biết bao nhiêu hậu duệ của những người lính VNCH đã và sẽ trôi dạt ở đâu ngay trên quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn của mình!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 841,500,327
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.