Hôm nay,  

Đại hội Thánh Mẫu Missouri

27/05/202422:33:00(Xem: 5123)

IMG_20230804_095540101 (1) 

Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2017 và đã nhận giải Đặc Biệt năm thứ mười tám và giải Danh Dự năm 2023. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, trước là nhà giáo tại Việt Nam, định cư tại New Jersey năm 1994 theo diện HO.

 

*

Quí vị ơi! Đại hội Thánh Mẫu Missouri luôn luôn tổ chức vào đầu tháng Tám mỗi năm trong 3 ngày: Thứ Năm (lễ khai mạc 7pm), Thứ Sáu (các thánh lễ), thứ Bảy (rước kiệu Đức Mẹ), sáng Chủ Nhật lễ bế mạc ngắn gọn, chấm dứt 9am. Năm ngoái tôi được tham dự Đại hội Thánh mẫu Missouri lần thứ 44, vui lắm quí vị ơi.
 
Đại hội thứ 45 sẽ bắt đầu từ ngày 1-4 tháng Tám năm 2024, lúc đó trường học chưa bắt đầu. Tiếc quá, tôi không tham dự được, vì phải tham dự họp mặt với các bạn học cũ ở SJ. Nhưng tôi vẫn nhớ mồn một từng câu chuyện lời nói của các Cha Phạm Quang Hồng, Bùi Thế Toàn, Nguyễn Khắc Hy.
 
Từ ngày di cư vào Nam, tuy là người ngoại đạo, nhưng gia đình tôi luôn ở trong khu vực toàn người Công Giáo. Từ tiểu học cho hết trung học tôi theo học ở các trường Công Giáo hiệu trưởng là các Linh Mục. Mỗi tuần đều được nghe kể chuyện về cuộc đời các Thánh, còn lễ lộc thì khỏi nói, tôi rành “sáu câu “. Lễ tro, lễ Lá, Giáng Sinh. Kinh kính mừng Maria thuộc làu làu từ hồi còn nhỏ xíu. Chơi với toàn bạn họ Đạo nên Chủ Nhật nào cũng đi lễ với bạn (vì sau đó mới được đi học cắm hoa, coi phim), chỉ khác một điều là không lên nhận bánh Thánh. Tôi biết tất cả các nhà thờ trong khu vực Saigon, Gò Vấp.
Từ ngày qua Mỹ, tôi có nghe nói về Đại hội Thánh Mẫu Missouri. Xem YouTube rất nhiều, cho mãi tới lần thứ 44 năm ngoái 2023 tôi mới có cơ hội được tham dự. Tôi gọi các bạn đạo ở các tiểu bang xa GA, CA…đi chưa? Đi chưa? Như một niềm hãnh diện chỉ mình may mắn có được. Các bạn tôi “xì“ một hơi dài:
 
- Đi nhiều lần rồi.
 
- Đi bằng gì? Máy bay.
 
Vào Google, chỉ gõ: Đại hội Thánh Mẫu Missouri (ĐHTM) 2024. Là quí vị sẽ có đầy đủ chi tiết. Đi bằng máy bay tùy tiểu bang xuất phát, tới phi trường nào, chọn khách sạn nào…
 
Tôi là một “bà già” trên 70, nhưng vẫn “nhẩy cỡn“ mừng vui khi biết mình chắc chắn được dự ĐHTM Missouri. Cả gia đình cô em dâu, trong đó bà mẹ hơn tôi một giáp cũng đi, thì cỡ tôi là “đồ bỏ”. Không những thế, ròng rã mấy chục năm qua Mỹ, năm nào bà cũng đi.
 
Nay tôi xin kể lại mọi chuyện mà tại sao ĐHTM Missouri có ảnh hưởng lớn như thế nào.
 
Khi sống ở hải ngoại, dù ở CA có gần 1 triệu người Việt ở khắp mấy tỉnh (county) khác nhau, nhưng không thể nào quí vị thấy có buổi “cắm trại“ nào có tới 100 ngàn người tham dự. Tha hồ nói tiếng Việt, ăn các món ăn Việt mà không tìm ra ở một số tiểu bang ít người Việt. Chẳng hạn món hột vịt lộn và ốc hương, sò huyết…nhiều lắm tôi không thể nào nhớ hết.
 
Từng dãy lều trải dài trong công viên lớn mấy mẫu Tây, không hề xảy ra bất kỳ chuyện ồn ào lộn xộn. Tất cả già trẻ lớn bé tham gia phục vụ cho sinh hoạt của đại hội đều là những người tình nguyện. Từ những em trong độ tuổi tiểu học, trung học, đại học, cho đến lớp thanh niên thanh nữ, thợ chuyên nghiệp có tới mấy ngàn người. Mỗi người làm việc theo khả năng của mình, nhỏ thì bưng tô dọn bàn trong các lều bán thức ăn của nhà thờ. Không có lều nào của tư nhân được phép vào buôn bán, chỉ có các giáo xứ. Vì một lý do duy nhất tiền lời thu được để làm việc công ích cho giáo xứ.
 
Bình thường chúng ta gặp Sơ và Cha trong tác phong nghiêm trang đạo mạo. Nhưng đến ĐHTM Missouri, quí vị sẽ thấy Sơ đứng nấu và bán xôi, Cha bán bắp hay theo phụ xe đổ rác. Vì có tới 100 ngàn người tham dự, nên cứ 15’ là có một xe rác đi ngang. Người tình nguyện đã có mặt từ tuần trước, không biết họ được huấn luyện ra sao, nhưng mọi chuyện đều ăn khớp nhịp nhàng.
 
Lều của các em nhỏ, lều của các anh chị lớn. Công viên rộng mấy mẫu Tây, sắp xếp các dẫy lều chạy dài như cư xá. Mỗi lều có địa chỉ đàng hoàng, tôi tò mò đọc tên treo ở cửa lều, nhận ra những tên quen thuộc ngày xưa còn trong nước, dạ bồi hồi như “xa xứ ngộ cố tri “, khu Ngã Ba ông Tạ, Gò Vấp…
 
Gặp một cô ngơ ngác đi tìm người quen, cô chỉ biết số lều. Tôi la trời:
- Còn tên đường nữa? Công viên lớn mênh mông thế này, làm sao đi hết.
 
Tôi đành chỉ cô lên ‘phòng thông tin ‘nhờ gọi bằng loa phóng thanh, may ra tìm ra. Loa phóng thanh được gắn tới từng dẫy lều. Các trụ điện khắp nơi, không biết công suất bao nhiêu, nhưng người ta cắm chi chít đủ loại đồ điện: freezer, máy lạnh, bếp điện, lò nướng, ấm điện, quạt máy…Mà chẳng hề hấn gì.
 
Mỗi ngày còn có xe bus của đại hội chở mọi người ra khu chợ gần đó, để mua những thứ cần thiết: nước chai, ice, trái cây… chỉ ngày đầu tiên là Walmart ở đó trống trơn. Mọi thứ hết sạch sành sanh túi xách, dù, quạt máy, thùng đựng nước đá.
Các dãy nhà vệ sinh & phòng tắm (có nước nóng đàng hoàng) lúc nào cũng có người.
 
Trẻ em thì mướn electric scooter chạy trong các con đường tráng nhựa khu đại hội. Cảnh sát chận các ngõ không cho xe hơi đi vào khu sinh hoạt ĐHTM.
 
Tối thứ Năm cỡ 6pm, lễ khai mạc. Sáng thứ Sáu bắt đầu Thánh Lễ, mọi người lục tục mang ghế (xếp) ra giành chỗ trước khán đài.
 
Thánh Lễ rất long trọng, có tới 3 Giám Mục hành lễ, trong đó có một Giám Mục đến từ VN. Dĩ nhiên phải có mặt vị Giám Mục cai quản giáo xứ sở tại (người Mỹ). Một ca đoàn hùng hậu, mà ca viên từ giáo xứ của các tiểu bang khắp nước Mỹ tham gia.
 
Đứng dưới khu vực gần khán đài, tôi thấy bên cánh trái có cả trăm Cha mặc áo chùng trắng, mỗi Cha có một em trai hay một em gái đứng sát bên phụ việc.
 
Trong suốt buổi lễ, tôi chăm chú nghe, cho tới khi mọi người nhận bánh Thánh, thì tôi mới vỡ lẽ. Phải cần cả trăm Cha, mới đủ len lỏi khắp các hàng ghế bên dưới cho mọi người nhận bánh Thánh.
 
Thánh Lễ cử hành buổi sáng, buổi chiều mọi người tự do. Nhìn vào chương trình, có buổi nói chuyện của Cha Phạm Quang Hồng, Cha Bùi Thế Toàn, Cha Nguyễn Khắc Hy.
 
Dù ngoại đạo, tôi  vẫn nghe các Cha nói chuyện trên Youtube. Bữa nay mới thực sự được diện kiến nhìn thấy các Cha bằng xương bằng thịt, thật là hãnh diện. Tôi gọi khoe với các bạn Công Giáo, các Cha nói chuyện vui ơi là vui.
 
Sáng thứ Bảy là lễ cung nghinh rước kiệu Đức Mẹ. Không thể tưởng tượng đoàn người lũ lượt đi theo kiệu rước, kiên nhẫn như thế nào. Rước kiệu quanh khu vực làm lễ, không biết bao nhiêu cây số, có đủ các đoàn thể từ các tiểu bang trong nước MỸ, và Canada. Người bệnh, cụ già ngồi xe lăn, có cả xe đẩy em bé. Mọi người vừa đi vừa đọc kinh dưới trời nắng chang chang.
 
Đi ĐHTM Missouri để thán phục, ngưỡng mộ tất cả mọi người có mặt ở đó. Từ những Cha quyền cao đức trọng, cho đến những người phục vụ không ai nề hà so bì nặng nhọc. Nét mặt ai cũng hân hoan, không ai quản ngại dọn nhà vệ sinh hay hốt rác.
 
Tất cả đều cho tha nhân. Ai cũng có niềm tin tuyệt đối Đức Mẹ giang tay bảo vệ đàn con dưới trần, bằng cớ là buổi tối thứ Sáu, mưa giông mù mịt, trong lều phải dồn ghế tránh chỗ dột. Sấm sét ầm ầm, nước tuôn như thác lũ, vậy mà điện không tắt, gần sáng trời quang mây tạnh, như không hề có chuyện gì xảy ra tối qua.
 
Chỉ khán đài mới có mái che,còn tất cả con chiên đều ngồi che dù dưới sân. Mưa suốt đêm, gần sáng ngưng hẳn, mọi người lại tíu tít gọi nhau đi rước kiệu. Tối thứ Bảy còn có các ca sĩ của Thúy Nga Paris tới tham gia biểu diễn.
 
Chỉ đến tận nơi mới cảm nhận được lòng cảm phục, sự quyết tâm của các Cha dòng Đồng Công mang giáo dân di cư từ Bắc vào Nam năm 1954, rồi lại bôn ba xứ người sau 75. Với biết bao khó khăn chồng chất, các Cha vẫn gầy dựng lại được một nơi, là điểm hẹn cho mọi người Công Giáo mỗi năm vào đầu tháng Tám đến Missouri để cung nghinh Đức Mẹ.
 
Nếu giáo xứ nơi bạn ở không có tổ chức, thì bạn hỏi thăm tiểu bang nào có nhà thờ tổ chức, xin đi theo, bay qua đó, mọi chuyện sẽ đơn giản hơn. Nhiều gia đình mướn các xe RV (có chỗ đậu đàng hoàng) lái tới đó, khỏi cần ngủ lều.
 
Chỉ cần bỏ vô Google: Đại hội Thánh Mẫu Missouri 2024. Bạn sẽ biết mọi chi tiết.
 
Riêng tôi ở NJ, bay qua Ohio. Nhà thờ VN ở Ohio Cincinnati nơi em dâu tôi ở, năm nào cũng tổ chức tham dự ĐHTM Missouri (suốt 20 năm), đi bằng xe buýt 12 tiếng, vậy mà vẫn có nhiều cụ già  chịu ngồi bó giò trên xe, cũng đủ khâm phục quyết tâm của các cụ.
 
Lều và ghế do ban tổ chức đại hội cung cấp. Tiền xe và lều là 200 USD, nếu muốn nằm ghế bố trả thêm 25đô. Cô em dâu và tôi hà tiện nằm đất, nhờ mang theo tấm nylon. Hihi đất lồi lõm, đá lởm chởm, đau lưng, vì tội keo kiệt, không hề nghĩ kiến bò, mưa ngập, tha hồ đứng. May sao có 2 ghế bố bỏ trống, cũng đỡ khổ.
 
Lều nào cũng rất kiên cố, được giữ bằng các cọc sắt lớn, dài cỡ nửa thước. Nhà thờ chỉ lo phần xe. Trong mỗi lều có 2 trụ điện với nhiều ổ cắm, người ta cắm chi chít đủ thứ đồ dùng xài điện: ấm nấu nước sôi để uống cà phê hay ăn mì gói. Nồi cơm, quạt bàn…có lều còn mang theo freezer đựng thức ăn.
 
Có gia đình không mướn xe RV, dùng xe Van, gỡ tấm kính phía ghế cạnh chỗ tài xế. Gắn cái máy lạnh nhỏ rồi dùng băng keo dán chung quanh, mang theo dây nối, cắm vô trụ điện. Họ chỉ trả tiền lều và ghế bố thôi. Cái xe này sẽ là căn phòng có máy lạnh cho con nít. Ban tổ chức dành một phòng có máy lạnh cho các cụ lớn tuổi không chịu nổi sức nóng bên ngoài, nhưng con cháu không được ở chung.
 
Rất nhiều người đã tìm ra được người quen trong dịp đi dự đại hội,do tình cờ hay nhờ gọi nhau trước, quả là nhất cử tam tứ tiện. Ban tổ chức dự trù mọi tình huống có thể xảy ra, có phòng y tế, phòng thông tin. Các con chiên được lo chu đáo như Đức Mẹ lo cho đàn con nhỏ.
 
Vào YouTube các bạn sẽ thấy chương trình ĐHTM Missouri được lưu giữ hàng năm. Trăm nghe không bằng mắt thấy. Một số tiểu bang cũng có tổ chức đại hội Thánh Mẫu, nhưng ngắn gọn hơn ở Missouri.
 
Một cuộc cắm trại khổng lồ kết hợp hành hương và tham gia hội chợ với đủ mọi sinh hoạt vui chơi.
 

Lại thị Mơ

 

 

 

 

 

Ý kiến bạn đọc
05/07/202419:04:05
Khách
Cảm ơn Tác giả một bài viết hay..
04/07/202402:08:52
Khách
Bà/ông chỉ nghe người ta nói thôi (nhiều khi cố tình để bôi bác). Cha mẹ ông bà mỗi khi nói chuyện với con là linh mục thì thường xưng mẹ, bố và gọi người con linh mục là cha, hoặc là con như những người con khác (vì là một danh từ chung chỉ một vị linh mục Công Giáo), và xưng là mẹ hoặc bố. Thí dụ: Cha cầm cho mẹ cái chén. Hay người bố bảo: Cha cứ ăn trước đi, chút nữa bố ăn sau vì đi có chút việc. Anh chị em trong nhà cũng vậy. Thường thì các anh chị em khi nói với vị linh mục thì xưng anh và em với nhau. Những lúc bố hoặc mẹ gọi bằng cha cách trịnh trọng là những lời đọc và thưa cùng với cộng đoàn trong thánh lễ mà thôi. Các linh mục khi nói với ông bà, cha mẹ luôn luôn xưng mình là con cháu như những người khác, chứ làm gì có sự láo lếu là xưng tôi với các bậc bề trên như bạn nghĩ.
03/06/202402:01:42
Khách
Tôi có nghe mà không biết có đúng không thì cha mẹ các linh mục VN phải xưng con và gọi nguời con linh mục là cha, trong khi linh mục nói chuyện với cha mẹ thì xưng tôi. Bạn bè thân từ nhỏ nguời không có đạo thì vẫn quen xưng mày tao với ông linh mục. Chỉ có tiếng Việt là có vấn đề ngôi thứ vi` tiếng ngoại quốc chỉ có I, You, Je, Tu, Moi (Moa), Toi (Toa).
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 411,250
Tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Năm 2019, Tác giả nhận thêm giải quán quân Chung Kết Vinh Danh Tác Giả Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ hay còn gọi là giải Hoa Hậu. Tốt nghiệp Y Khoa Huế, thời chiến tranh Bác sĩ Vĩnh Chánh đã là Y Sĩ Trưởng binh chủng Nhảy Dù. Bài viết sau đây kể về một tai nạn xe hơi chính tác giả đã trải qua.
Hàng năm, sau Tết Tây, trong khí trời se se lạnh của đất Sài Gòn, đâu đó bắt đầu nghe tiếng nhạc Xuân rộn ràng, hay những bài nhạc du dương thay lời muốn nói của bao người con xa quê mong sum vầy ngày Tết. Mặc dù mỗi vùng miền có thể có những truyền thống và đặc trưng riêng nhưng ngày Tết là ngày lễ của tất cả Người Việt kể cả những người Việt xa xứ như Mị.
Đến với đất nước này không chỉ có niềm vui, mà còn có dòng nước mắt. Nhân vật trong câu chuyện tôi đã đổi tên. Nhưng giá mà, tôi có thể thay đổi được cả cuộc đời cho em. Thả chiếc bánh tét cuối cùng vào nồi, mợ Hai phủi tay đứng dậy.
Mỗi sáng chủ nhật quán cà phê Chợt Nhớ đông nghẹt khách, phần lớn là khách quen thuộc, tuy nhiên tuần này có thêm khách xuyên bang về. Chợt Nhớ là quán có tên tuổi nhất ở vùng này, dân chơi, dân giang hồ, dân cờ bạc, mấy mậu cho vay nặng lãi và tụi khoe mẽ… đều tụ tập về đây. Quán lúc nào cũng ồn ào, rộn ràng. Tivi cả chục cái chuyên về football, chỉ có mỗi cái sau lưng quầy tính tiền là luôn chơi nhạc Bolero nỉ non sướt mướt. Khách uống cà phê hầu như chẳng có ai nghe nhạc hay xem tin tức mà chỉ dán mắt vào tivi coi tỉ số đá banh, tỉ số bóng cà na và cá độ. Tụi thằng Tí Còi, thằng Sơn Lắc, thằng Hùng Nổ, con Lisa, con Yến… là đóng đô thường trực.
Nhớ lần đầu, tôi qua Mỹ ăn Tết cách đây gần 30 năm, ba tôi và ông anh dẫn hai đứa con từ California về Texas, gia đình ông anh khác từ Oklahoma cũng chạy xe về Texas, rồi với gia đình bà chị ở Texas, tất cả cùng kéo nhau ra phi trường Dallas FortWorth cho tôi một niềm vui bất ngờ. Cha con anh chị em gặp nhau ríu rít mới thấy cái thiêng liêng của sum họp, của ngày Tết Nguyên Đán nơi xứ người quý giá thế nào. Lúc ấy thành phố Arlington còn ít người Việt, không đông đúc như bây giờ và dĩ nhiên Tết cũng trầm lắng hơn, chợ búa Việt Nam ít ỏi, chưa có ngôi nhà thờ Các Thánh Tử Đạo rộng rãi bề thế như ngày nay, mà chỉ là căn nhà thờ bé nhỏ share với cộng đồng của Mỹ.
"Trước 75, ông ngoại là y tá ở Chẩn Y Viện Trung Ương. Ai trong xóm đau bệnh hay gặp điều chi nguy hiểm đều chạy đến kêu ông. Trong những giai đoạn khó khăn sau này, mình thấy ông cũng làm thợ hồ, mình thấy ông đi bốc giùm mộ, và có khi ông cũng giúp xóm làng thông các đường ống cống... Ông không bao giờ nề hà bất cứ công việc nào, dù khó khăn bao nhiêu. Khi đi nhà thờ, nhìn thấy những cuốn sách đáp ca bị đứt chỉ và sút gáy, ông lặng lẽ mang về nhà khâu và mang lên lại nhà thờ những cuốn sách lành lặn; hôm khác lại mang thêm vài cuốn về khâu tiếp. Sau này lớn tuổi, ông vẫn không bao giờ để phí thời gian. Ngoài những giờ đọc sách, làm vườn, ông thắt hàng trăm chiếc võng làm quà cho bạn bè, người thân. Ông thắt cả dây thừng để kéo chuông nhà nhờ..."
Tôi đứng trên tầng lầu cao thứ 11 của tòa nhà cao 12 tầng nhìn xuống, những người nhỏ bé với những chiếc áo choàng dầy dài phủ kín đầu, vào giờ trưa đi vội vã vào những hàng quán cạnh công sở để ăn uống. Họ đi thật nhanh chứ không vừa đi vừa nói chuyện như mùa hè ấm áp, chẳng ai nói với ai lời nào mà như đã định trước nhà hàng nào rồi, chỉ đi thẳng vào quán thôi. Chiếc xe ủi tuyết to lớn xuất hiện ở cuối đường đang cào những ụ tuyết lớn mới rơi của tối qua, thổi vào một chiếc xe khác đi song song với nó để chở những khối tuyết ấy đi đổ ở một trạm đã được thành phố quy định để lấy chỗ cho xe cộ, người đi đường không bị nguy hiểm khi phải tránh những ụ tuyết này mà len ra lòng đường xe chạy. Tiếng còi hụ của xe hốt tuyết bỗng dưng vang lên thật to để cho những người chủ xe đã đậu xe ở bên cần được hốt tuyết ra rời xe đi chỗ khác, không sẽ bị phạt tiền.
Tội nghiệp con nhỏ quá, vừa mới từ bên kia, nửa vòng trái đất, qua đây sống với gia đình người chị chưa đầy sáu tháng, đã phải dời đi, sống với người lạ, chưa biết chưa hiểu gì đời sống ở đây, không hiểu tiếng Mỹ, thiệt bơ vơ. Chắc là con nhỏ cứ nói tiếng Việt, tưởng ai cũng là người Việt như em. Em có khuôn mặt xinh đẹp, làn da trắng mịn màng, đôi mắt trong ngây thơ, với trí khôn không phát triển như người bình thường. Mơ là cô giáo của em.
Tác giả là cư dân San Diego, đã hai lần thắng giải Viết Về Nước Mỹ. Năm 2001, với bài "Hoa Ve Chai", ông nhận giải danh dự. Ba năm sau, với bài viết "Giọt Nước Mắt," kể về Đài Tưởng Niệm Chiến Tranh Việt Nam tại tiểu bang New Jersey do một kiến trúc sư Việt Nam vẽ kiểu, ông nhận giải chung kết Viết Về Nước Mỹ 2004. Ông tiếp tục viết bài và tham gia sinh hoạt giải thưởng VVNM hàng năm. Sau vài năm nghỉ bút, tác giả gần đây trở lại với những bài bút ký đầy ý nghĩa. Đây là tùy bút mới nhất của tác giả.
Hôm qua cô em Hoàng Thư đem cho cô Ba một bịch bưởi. Đây là loại bưởi có vỏ màu vàng tươi, trái lớn nhỏ cỡ như bàn tay xòe, múi bưởi ngon như bưởi Biên Hòa mình, vị chua ngọt đậm đà, hơi the the. Sáng nay cô ngồi lột bưởi. Hồi đó chồng của cô Ba thích bưởi này lắm. Thích ăn nhưng “y” không thích lột, mà cô cũng hổng cho y lột vì y sẽ làm chèm nhẹp mất ngon, uổng công người trồng cây tưới nước đem tới nhà cho. Cô thường bắt cái ghế nhỏ, lót ngồi chồm hổm kế bên cái “ghế lười” (lazy chair) của y, vừa lột vừa chỉ. Lột bưởi phải cầm dao nhỏ, khứa vỏ bưởi ra làm 4 phần, rồi mới lấy tay mà tách vỏ ra. Xong rồi lấy mũi dao mà tách từng múi, lột sạch mà phải nhẹ tay hông thôi múi bưởi bể thì thấy mất đẹp. Lột hai, ba trái thì đầy một tô, lựa hết múi nguyên đưa cho y, y nói “cám ơn cưng” rồi bỏ từng múi vô miệng, vừa ăn vừa khen “ngon quá”. Nói gì nói, chỉ gì chỉ, mỗi lần có bưởi ngon thì cũng cô lột y ăn y ăn cô lột. Cô ăn mấy miếng bị bể bể, cũng nói ờ ờ, bưởi này ngon thiệt.
Nhạc sĩ Cung Tiến