Hôm nay,  

Thoát Chết

13/02/202418:48:00(Xem: 2565)

 

Tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Năm 2019, Tác giả nhận thêm giải quán quân Chung Kết Vinh Danh Tác Giả Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ hay còn gọi là giải Hoa Hậu. Tốt nghiệp Y Khoa Huế, thời chiến tranh Bác sĩ Vĩnh Chánh đã là Y Sĩ Trưởng binh chủng Nhảy Dù. Bài viết sau đây kể về một tai nạn xe hơi chính tác giả đã trải qua.


*

 

02132024 _thoát chết_vĩnh Chánh

Một tiếng rầm thật lớn, xe rung mạnh, chồm tới rồi và đứng khựng lại. Tôi kịp thấy con mắt mở lớn của người tài xế xe kia nhìn xuống tôi, rồi xe ông ta chạy thêm một khúc nữa và dừng lại bên lề đường.

Ngày thứ Năm, 22 tháng 6, 2023, vợ chồng chúng tôi đến nhà thờ Saint  Kilian xem lễ 9 giờ sáng. Cũng từ khá lâu, sau khi tình hình đại dịch Covid bắt đầu ổn định và hầu như mọi người đều đã được chích 3 hay 4 mũi thuốc, chúng tôi tập lại thói quen tốt đi xem lễ mỗi sáng.

Rời nhà thờ, tôi chở vợ tôi đến chỗ làm tóc, rồi tiếp tục lái xe đi tiếp. Tôi dừng xe ở ngã tư, chờ đèn xanh để quẹo trái đến trung tâm y tế Kaiser lấy thuốc định kỳ cho 3 tháng. Khi đèn xanh bật lên báo hiệu ưu tiên cho quẹo trái, với bản tính cẩn thận thường lệ, tôi cho xe quẹo trái từ từ. Rất bất ngờ, một chiếc xe thật lớn vụt nhanh ngay trước mũi xe tôi, tôi đạp thắng, nhưng không kịp. Vậy là tai nạn không ngờ đã xẩy ra.

Mấy giây đầu sau va chạm, tôi ngồi bất động, sững sờ, cứng cả người và choáng váng. Sau đó cơ thể tôi có những cơn run nhẹ khó kiểm soát. Tôi dang chân tay, nhìn xuống ngực và bụng mình, kiểm soát xem thử mình có bị thương tích, chảy máu chỗ nào, nhưng không thấy cái gì bất thường. Khi tôi vừa kịp tắt máy xe, bà lái xe của chiếc xe ngay sau xe tôi chạy nhanh đến hỏi tôi có sao không, nói ngay “may quá, tôi cũng thắng kịp nên không húc vào phía sau xe của ông – Lỗi ở người tài xế xe kia vượt đèn đỏ, và tôi sẽ ở lại làm chứng cho ông…”. Vài phút sau khi nói chuyện qua điện thoại cầm tay, người tài xế gây tai nạn mới từ từ tiến về xe tôi và nói, với một giọng như ra lệnh “Ông cần phải dời xe qua bên kia đường”. Vì xe đã tắt máy, không thể hạ cửa xe, tôi ngồi yên tại chỗ và trả lời “Tôi không đi đâu cả, tôi ngồi chờ cảnh sát đến. Ông quá bậy, ông đã vượt đèn đỏ và còn chạy rất nhanh”. Người đó quay mình trở lại xe của y rồi lại cầm điện thoại nói chuyện tiếp. Bấy giờ tôi mới chú ý nhìn chiếc xe gây tai nạn cho xe mình, đó là một loại xe câu (town truck), to lớn và nặng chắc cỡ gấp ba xe mình.

Tất cả dòng xe bên phía có tai nạn đều dừng cho đến khoảng chừng 5 -7 phút có 3 xe cảnh sát công lộ hú còi chạy đến, rồi 2 xe motor cảnh sát, một xe cứu thương cùng một chiếc xe cứu hỏa. Mấy người cảnh sát và nhân viên EMT chạy nhanh đến hỏi tôi có cần phải cấp cứu, cần chở đi nhà thương? Tôi trả lời không cần. Một viên cảnh sát phải dùng sức mở cửa xe cho tôi rời khỏi xe – bấy giờ tôi mới biết cánh của xe phía tôi ngồi bị cong – rồi ông ta tự động lái xe của tôi qua đậu bên kia đường sau khi bảo tôi đến đứng chờ trên lề đường. Tôi bước đi mấy bước đầu tiên mà có cảm giác thật nhẹ, như thể mình đang đi trên mây!? Khi đậu xe xong, ông cảnh sát đến đưa lại tôi chìa khóa xe, đồng thời cho biết trục xe tôi chắc bị cong và hư, nên xe lái khó và không an toàn.

Tôi gọi báo cho vợ và con gái tôi biết tai nạn vừa xảy ra, nói rõ tôi không bị một thương tích nào cho gia đình khỏi lo. Mươi phút sau, con gái lái xe đến hiện trường. 

Cảnh sát làm biên bản với tôi trước, hỏi bằng lái xe, giấy chủ quyền xe kể luôn cả giấy bảo hiểm xe, và chi tiết tai nạn xấy ra. Xong tôi thì đến phiên tài xế xe câu. Cảnh sát cũng lấy lời khai của mấy người nhân chứng. Trong suốt thời gian đó, các nhân viên xe cứu hỏa nhanh chóng ra tay quét các bộ phận xe tôi rơi rớt, dọn sạch sẽ con đường trước khi cảnh sát công lộ cho phép dòng xe chạy lại. Cuối cùng, viên cảnh sát chuyển qua cellphone tôi: bằng lái xe, giấy bảo hiểm xe của tài xế gây tai nạn, tên và số điện thoại của 2 người làm chứng, và bản đồ vẽ tay ngã tư đường nơi xẩy ra tai nạn, đồng thời họ cho tôi luôn cả tên và số điện thoại của họ kèm theo lời khuyên “nếu cần đi luật sự họ sẽ cho thông tin”.

Trong khi con gái và tôi đang chần chờ tìm cách gọi hãng bảo hiểm xe của mình, vừa để báo cáo tai nạn, vừa để nhờ hãng kêu giùm chiếc xe câu, vì xe tôi không thể lái được, một người đàn ông đến bên tôi, tự giới thiệu là supervisor của tài xế xe câu, nói ngay tài xế của ông có lỗi, sẽ đuổi người tài xế này và đề nghị câu miễn phí xe tôi đến một auto body shop gần đây. Sau vài trao đổi, tôi chấp nhận, nhưng với điều kiện ông ta lái xe câu chứ không thể là người tài xế vừa gây tai nạn.

Ngồi trên xe con gái theo sau xe câu trên đường đến body shop, tôi nhận một cuộc gọi qua điện thoại từ một người giới thiệu là Tom Johnny, chủ nhân của công ty xe câu. Ông ta xin lỗi về tai nạn xẩy ra, cho tôi biết là công ty của ông sẽ chịu trách nhiệm sửa xe tôi, thuê xe mướn cho tôi trong một tháng và xin tôi đừng báo cho hãng bảo hiểm của tôi. Tôi trả lời tôi sẽ cho ông biết ý kiến sau. Tại body shop, tôi quan sát kỹ chiếc xe của mình, thấy rõ xe bị hư hại rất nặng, khó sửa. Và mình thì không một vết trầy.  Sau đó tôi qua hãng Enterprise nằm ngay sát cạnh body shop, thuê 1 chiếc Toyota Camry, rồi ghé chở vợ tôi về nhà. 

Chiều hôm đó, chúng tôi hỏi chừng nhau có nên hay không giữ ý định lái xe đi Stockton tham dự tiệc đón chào cặp vợ chồng đàn anh vào cuối tuần này như đã hứa. Tai nạn đã xẩy ra, chỉ xe bị hư nặng còn tôi không bị chấn thương nào. Nghĩ lại, nếu người lính vẫn lành lặng sau một trận đánh đẫm máu, hỏi anh ta sẽ đào ngũ hay tiếp tục đi vào một cuộc chiến khác; nếu câu trả lời là không đào ngũ vì anh tin vào số phận và tình đồng đội, thì tôi đây cũng nên xem “người đi thay của”, cần phải bình tâm giữ lối sống cũ, đừng để tai nạn gây ảnh hưởng lên cuộc sống mình.

Trong tối hôm ấy, tôi liên lạc lại với ông Tom Johnny về đề nghị dàn xếp giữa đôi bên của ông. Mọi việc ổn thỏa. Ông ta rất biết ơn vì sự đòi hỏi bồi thường của phía tôi thật khiêm nhường, cốt chỉ đền cho giá trị hiện tại của chiếc xe mà không màng đến những bất lợi về cá nhân nếu có chuyện bất ngờ xẩy ra cho sức khỏe mình về sau. Trong lời cám ơn qua text, ông ta viết như sau” Cám ơn Dr. Chanh Vinh vô cùng. Tôi thật vui mừng khi nhìn thấy những con người như ông vẫn còn trong xã hội hiện tại. Tôi biết ông có thể dễ dàng đòi hỏi nhiều hơn nữa trong trường hợp này. Tôi rất quý trọng ông và cầu chúc ông và gia đình bình an…”

Qua ngày hôm sau, trước khi tôi đến văn phòng ông Johnny để nhận cashier check, ông điện thoại xin hỏi ý kiến của tôi có hay không nên đuổi người tài xế gây tai nạn, tôi hỏi ngược lại ông “Người tài xế đó đã từng làm lỗi nhiều lần trước đây?” Ông trả lời ”Đây là lần đầu tiên”. Tôi hỏi tiếp “anh ta làm việc với ông bao lâu?” Câu trả lời “8 năm”. Và câu hỏi cuối của tôi “Anh ta có gia đình?” Ông trả lời “Có. Một vợ và 3 con”. Và tôi cho ý kiến của mình “Với tôi, tôi sẽ không sa thải một nhân viên lâu năm, làm việc giỏi chỉ vì chỉ một lỗi lầm, nhất là người ấy có gia đình. Tôi sẽ cho y một cơ hội thứ hai. Nên tôi để quyền quyết định đó cho ông”. Giọng ông ta tỏ vẻ xúc động “Vậy thì với sự đồng ý của ông, tôi sẽ giữ hắn lại và cho hắn cơ hội. Và thay mặt cho các nhân viên làm việc của tôi, một lần nữa tôi cám ơn bác sĩ…”

Ngay sau chuyến đi Stockton về lại nhà, tôi đem trả xe thuê. Bấy giờ tôi mới biết là ông Johnny làm chủ của hãng xe câu, hãng auto body shop và luôn cả hãng rental car Enterprise.

Bạn đọc quý mến, tai nạn là một cái gì ngoài tầm tay, có thể xẩy ra cho bất cứ ai, bất cứ lúc nào, không biết đâu mà tránh. Nếu thoát được sự nguy hiểm sau khi tai nạn xẩy ra, thì ta phải biết tin vào sự bao bọc che chở của Đấng Tối Cao, nên ta mới chưa tới số. Là một sinh vật yếu đuối, không sớm thì muộn, con người cũng sẽ chết. Lằn ranh giữa sự sống và chết rất mỏng. Cái chết có thể đến bất cứ lúc nào, rất bất ngờ. Vì vậy, mỗi ngày bạn nên cố gắng sống đẹp, sống tốt- như thể hôm nay là ngày cuối cuộc đời, không biết ngày mai có sẽ đến hay không?! Khi phải đối diện với cái chết, bạn cũng nên trong tinh thần làm quen với cái chết, chuẩn bị sẵn sàng để khi nó đến, không có gì ân hận hay nuối tiếc. Bạn sẽ thanh thản ra đi, yên giấc ngàn thu, mong sớm hưởng thánh nhan Chúa.

02132024 _thoát chết_vĩnh Chánh 2Đức Tin trong tôi có thêm ý nghĩa và củng cố hơn khi được dự thánh lễ trong buổi sáng ngày 2 tháng 8, 2023, tại tư gia anh chị BS. Nguyễn Ngọc Kỳ & Tín Hương, do Đức Cha Guise Đặng Đức Ngân, Giám Mục Đà Nẵng & Quảng Nam, đích thân cử hành. Đây là lần thứ hai tôi gặp Đức Cha, lần đầu vào tháng 9 năm 2022 trong một thánh lễ tương tự cũng tại tư gia anh chị Kỳ. Sau phần đọc kinh Cáo Mình và Ăn Năn Tội, Đức Cha xức dầu thánh vào lòng 2 bàn tay và trên trán cho vợ chồng tôi và cháu Bồ Câu, rồi ban bình an cho gia đình chúng tôi. Chúng tôi xúc động nhận ân sủng, sự che chở và tình yêu thương của Chúa. Nhất là sau khi nghe bài giảng của Đức Cha dành riêng cho gia đình

Chúng con cám ơn Chúa đã giữ gìn sự sống của chúng con. Chúng con xin Vinh Danh Chúa.



Vĩnh Chánh

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ý kiến bạn đọc
14/02/202414:01:18
Khách
Bác ơi quá may mắn. Cảm ơn Chúa đã che chở mọi đều cho Bác. Con cũng bị 1 tai nạn ngoài ý muốn vào tháng giêng vừa rồi. Xe cộ mệt mỏi quá Bác ơi. Hiện tại đi đâu con cũng gọi grab. Con ko nghĩ đến cho mình 1 chiếc xe để làm gì. Con nhờ người khác lái cho khỏe. Mình là người cẩn thận nhưng người khác bất cẩn, mình cũng lãnh đủ như vậy. Chúc cô bác năm mới nhiều sức khỏe tràn đầy hồng ân của Chúa.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 410,463
Trời bên ngoài đã chuyển thu hơi lạnh, Nguyên quấn chiếc khăn choàng cổ và đội mũ len ra khỏi nhà cùng với Jim. Nàng níu tay Jim tránh sự vấp ngã đi ra con suối Cherry Creek ngay dưới chân dãy núi Rocky. Qua màn mờ của con mắt, nàng vẫn cảm nhận được ánh nắng đang len lỏi qua hàng cây lá, trời trong xanh bao la xuống gần vây con suối. Dạo quanh những bước chậm rãi, Nguyên nhìn con vực và dòng suối đang chảy như nhìn xuống những thương đau của đời nàng...
Hàng năm, sau Tết Tây, trong khí trời se se lạnh của đất Sài Gòn, đâu đó bắt đầu nghe tiếng nhạc Xuân rộn ràng, hay những bài nhạc du dương thay lời muốn nói của bao người con xa quê mong sum vầy ngày Tết. Mặc dù mỗi vùng miền có thể có những truyền thống và đặc trưng riêng nhưng ngày Tết là ngày lễ của tất cả Người Việt kể cả những người Việt xa xứ như Mị.
Đến với đất nước này không chỉ có niềm vui, mà còn có dòng nước mắt. Nhân vật trong câu chuyện tôi đã đổi tên. Nhưng giá mà, tôi có thể thay đổi được cả cuộc đời cho em. Thả chiếc bánh tét cuối cùng vào nồi, mợ Hai phủi tay đứng dậy.
Mỗi sáng chủ nhật quán cà phê Chợt Nhớ đông nghẹt khách, phần lớn là khách quen thuộc, tuy nhiên tuần này có thêm khách xuyên bang về. Chợt Nhớ là quán có tên tuổi nhất ở vùng này, dân chơi, dân giang hồ, dân cờ bạc, mấy mậu cho vay nặng lãi và tụi khoe mẽ… đều tụ tập về đây. Quán lúc nào cũng ồn ào, rộn ràng. Tivi cả chục cái chuyên về football, chỉ có mỗi cái sau lưng quầy tính tiền là luôn chơi nhạc Bolero nỉ non sướt mướt. Khách uống cà phê hầu như chẳng có ai nghe nhạc hay xem tin tức mà chỉ dán mắt vào tivi coi tỉ số đá banh, tỉ số bóng cà na và cá độ. Tụi thằng Tí Còi, thằng Sơn Lắc, thằng Hùng Nổ, con Lisa, con Yến… là đóng đô thường trực.
Nhớ lần đầu, tôi qua Mỹ ăn Tết cách đây gần 30 năm, ba tôi và ông anh dẫn hai đứa con từ California về Texas, gia đình ông anh khác từ Oklahoma cũng chạy xe về Texas, rồi với gia đình bà chị ở Texas, tất cả cùng kéo nhau ra phi trường Dallas FortWorth cho tôi một niềm vui bất ngờ. Cha con anh chị em gặp nhau ríu rít mới thấy cái thiêng liêng của sum họp, của ngày Tết Nguyên Đán nơi xứ người quý giá thế nào. Lúc ấy thành phố Arlington còn ít người Việt, không đông đúc như bây giờ và dĩ nhiên Tết cũng trầm lắng hơn, chợ búa Việt Nam ít ỏi, chưa có ngôi nhà thờ Các Thánh Tử Đạo rộng rãi bề thế như ngày nay, mà chỉ là căn nhà thờ bé nhỏ share với cộng đồng của Mỹ.
"Trước 75, ông ngoại là y tá ở Chẩn Y Viện Trung Ương. Ai trong xóm đau bệnh hay gặp điều chi nguy hiểm đều chạy đến kêu ông. Trong những giai đoạn khó khăn sau này, mình thấy ông cũng làm thợ hồ, mình thấy ông đi bốc giùm mộ, và có khi ông cũng giúp xóm làng thông các đường ống cống... Ông không bao giờ nề hà bất cứ công việc nào, dù khó khăn bao nhiêu. Khi đi nhà thờ, nhìn thấy những cuốn sách đáp ca bị đứt chỉ và sút gáy, ông lặng lẽ mang về nhà khâu và mang lên lại nhà thờ những cuốn sách lành lặn; hôm khác lại mang thêm vài cuốn về khâu tiếp. Sau này lớn tuổi, ông vẫn không bao giờ để phí thời gian. Ngoài những giờ đọc sách, làm vườn, ông thắt hàng trăm chiếc võng làm quà cho bạn bè, người thân. Ông thắt cả dây thừng để kéo chuông nhà nhờ..."
Tôi đứng trên tầng lầu cao thứ 11 của tòa nhà cao 12 tầng nhìn xuống, những người nhỏ bé với những chiếc áo choàng dầy dài phủ kín đầu, vào giờ trưa đi vội vã vào những hàng quán cạnh công sở để ăn uống. Họ đi thật nhanh chứ không vừa đi vừa nói chuyện như mùa hè ấm áp, chẳng ai nói với ai lời nào mà như đã định trước nhà hàng nào rồi, chỉ đi thẳng vào quán thôi. Chiếc xe ủi tuyết to lớn xuất hiện ở cuối đường đang cào những ụ tuyết lớn mới rơi của tối qua, thổi vào một chiếc xe khác đi song song với nó để chở những khối tuyết ấy đi đổ ở một trạm đã được thành phố quy định để lấy chỗ cho xe cộ, người đi đường không bị nguy hiểm khi phải tránh những ụ tuyết này mà len ra lòng đường xe chạy. Tiếng còi hụ của xe hốt tuyết bỗng dưng vang lên thật to để cho những người chủ xe đã đậu xe ở bên cần được hốt tuyết ra rời xe đi chỗ khác, không sẽ bị phạt tiền.
Tội nghiệp con nhỏ quá, vừa mới từ bên kia, nửa vòng trái đất, qua đây sống với gia đình người chị chưa đầy sáu tháng, đã phải dời đi, sống với người lạ, chưa biết chưa hiểu gì đời sống ở đây, không hiểu tiếng Mỹ, thiệt bơ vơ. Chắc là con nhỏ cứ nói tiếng Việt, tưởng ai cũng là người Việt như em. Em có khuôn mặt xinh đẹp, làn da trắng mịn màng, đôi mắt trong ngây thơ, với trí khôn không phát triển như người bình thường. Mơ là cô giáo của em.
Tác giả là cư dân San Diego, đã hai lần thắng giải Viết Về Nước Mỹ. Năm 2001, với bài "Hoa Ve Chai", ông nhận giải danh dự. Ba năm sau, với bài viết "Giọt Nước Mắt," kể về Đài Tưởng Niệm Chiến Tranh Việt Nam tại tiểu bang New Jersey do một kiến trúc sư Việt Nam vẽ kiểu, ông nhận giải chung kết Viết Về Nước Mỹ 2004. Ông tiếp tục viết bài và tham gia sinh hoạt giải thưởng VVNM hàng năm. Sau vài năm nghỉ bút, tác giả gần đây trở lại với những bài bút ký đầy ý nghĩa. Đây là tùy bút mới nhất của tác giả.
Hôm qua cô em Hoàng Thư đem cho cô Ba một bịch bưởi. Đây là loại bưởi có vỏ màu vàng tươi, trái lớn nhỏ cỡ như bàn tay xòe, múi bưởi ngon như bưởi Biên Hòa mình, vị chua ngọt đậm đà, hơi the the. Sáng nay cô ngồi lột bưởi. Hồi đó chồng của cô Ba thích bưởi này lắm. Thích ăn nhưng “y” không thích lột, mà cô cũng hổng cho y lột vì y sẽ làm chèm nhẹp mất ngon, uổng công người trồng cây tưới nước đem tới nhà cho. Cô thường bắt cái ghế nhỏ, lót ngồi chồm hổm kế bên cái “ghế lười” (lazy chair) của y, vừa lột vừa chỉ. Lột bưởi phải cầm dao nhỏ, khứa vỏ bưởi ra làm 4 phần, rồi mới lấy tay mà tách vỏ ra. Xong rồi lấy mũi dao mà tách từng múi, lột sạch mà phải nhẹ tay hông thôi múi bưởi bể thì thấy mất đẹp. Lột hai, ba trái thì đầy một tô, lựa hết múi nguyên đưa cho y, y nói “cám ơn cưng” rồi bỏ từng múi vô miệng, vừa ăn vừa khen “ngon quá”. Nói gì nói, chỉ gì chỉ, mỗi lần có bưởi ngon thì cũng cô lột y ăn y ăn cô lột. Cô ăn mấy miếng bị bể bể, cũng nói ờ ờ, bưởi này ngon thiệt.
Nhạc sĩ Cung Tiến