Tác giả bắt đầu tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng 11, 2018, với bài “Tình người hoa nở”. Cô tên thật là Nguyễn thị Minh Thuý sinh năm 1955. Qua Mỹ năm 1985, hiện là cư dân thành phố Hayward thuộc Bắc Cali. Tác giả nhận giải vinh danh tác giả 2023.
*
Thời gian vụt như thoi đưa ngoài khung cửa. Mới đầu Tết Quý Mão đó mà bây giờ đã sắp hết năm chuẩn bị đón xuân Giáp Thìn. Mấy hôm nay được nhiều nơi biếu lịch, tôi ngạc nhiên chỉ thấy in toàn hình con Mèo mà không phải con Rồng. Vào ông Google tìm hiểu thắc mắc của mình nhưng không thấy trang Web nào đề cập. Nhìn hình lịch toàn những con Mèo đen, trắng, xám, nâu thật xinh” thì ra con Mèo được người ta quý trọng như vậy. Tôi nghĩ đến ông chồng tuổi Mão, bất ngờ cảm hứng muốn viết đôi điều về người chồng đã chung sống với mình gần 40 năm...Xin phép cho tôi được gọi Chàng là con Mèo cho gọn. Con Mèo này không hề phá làng phá xóm hay làm mất lòng ai, nên được bà con thương mến cảm tình.
Con gái Huế lớn lên với khung cảnh trầm mặc, đi đứng dịu dàng tha thướt trong tà áo dài. Sống chung thời con vua cháu chúa, dòng họ Công Tằng Tôn Nữ còn nhiều nơi đó. Dù mình là con dân dã nhưng hằng ngày tiếp xúc cũng ảnh hưởng rất nhiều, từ lời ăn tiếng nói, cung cách nghiêm trang của các bà Phán, bà Thông, bà Nghè. Ánh mắt họ luôn kín đáo lạnh lùng cũng đủ làm mình khép nép. Những ngôi nhà ở Huế đều có vườn rộng, cây cối sân trước vườn sau um tùm, nhất là mùa mưa Huế kéo dài thâm trầm, mưa thúi đất thúi đai tạo tâm tính con người cũng trầm mặc ít nói, thường ngồi nhìn trời đất mơ mộng, những chuyện chung quanh chẳng cần để ý. Ngày xưa tôi nhút nhát và sợ sệt đủ chuyện. Khi gặp Chàng thì cả hai cùng đói rách tả tơi (1977). Chàng vượt biên trước, tôi lao đao hát câu (*1) “Ngày tháng tỳ bà vương ánh nguyệt. Mộng héo bện sông vẫn đợi chờ “. Tôi vượt biên sau sáu năm. Đến đất Mỹ mới biết Chàng có máu anh hùng to gần bằng ông trời. Để tôi kể nè:
Tánh chàng rất tự ái không chịu nhục nên khi đặt chân đến Mỹ, tới sở Welfare làm hồ sơ giấy tờ được hưởng quyền lợi chính phủ chu cấp một năm tiền, foodstamp, và medical khám bệnh. Khi nhân viên xã hội hỏi “bây giờ đang có công việc từ hãng điện tử gởi đến nhờ kiếm người, anh có làm không?”, vậy là chàng nổi máu gân “làm,” Cày mấy năm hãng đóng cửa, chàng đi học lại. Lúc tôi qua Chàng chở lên Sở Xã Hội, nhân viên sở xã hội xem giấy tờ rồi hất hàm hỏi:
- Anh qua lâu rồi có làm việc gì để nuôi vợ không?
- Có làm (mặt chàng đỏ lên.)
- Vậy anh đem giấy chứng nhận nơi làm và lương bao nhiêu để bổ túc hồ sơ.
Trên đường lái xe về Chàng lẩm bẩm “không cần”, và nhấn ga chạy nhanh lộ vẻ bực bội,
Chàng xin chị dâu có phòng mạch nơi thành phố San Jose giấy tờ chứng nhận làm ở đó lương $800 mỗi tháng, lên nạp. Thế là tôi không được hưởng quyền lợi gì ngoài tấm thẻ medical khám bệnh một năm. Nói thiệt lúc đó tôi như Hai Lúa chân ướt chân ráo bước chân qua Mỹ chẳng hiểu mô tê (*2) “Tôi khờ khạo lắm, ngu ngơ quá. Chỉ biết yêu thôi, chẳng hiểu gì”, nên không nghĩ sâu xa vấn đề, chỉ nghe các em trong nhà phê bình riêng với tôi “chưa thấy ai như anh mình, làm chị Minh thiệt thòi “.
Dĩ nhiên Chàng cũng bị tôi càm ràm một thời gian, Chàng luôn im lặng nghe tôi lải nhải. Phải chi hai người cùng nói mới cân bằng sự gây gổ, đằng này chỉ mình tôi dai dẳng, bên cạnh sự hiền lành càng làm nổi bật thêm vẻ hung hăng của tôi.
Thấy tâm tính mình có phần đổi khác, tôi cũng mắc cỡ và cố gắng không nhắc những chuyện đã qua, rồi tự bào chữa cho Chàng vậy mà hay, tự trọng, độc lập vươn lên, và trời cũng bù đắp cho tôi có công việc liền, để đóng góp tiền nhà tiền ăn cho hai người.
Nhìn lối sống gia đình mẹ tôi, gia đình nhà chồng, và đa số dân Huế thì các bà mẹ rất cưng con trai, không cho làm việc gì ngoài việc học. Các em chồng kể: ngày trước mỗi lần mấy anh trai đi học về, đói bụng đứng nhìn vào bếp thì bà nội la ơi ới “mấy đứa lo dọn cơm cho anh ăn, tại sao để anh nhìn trong bếp vậy”
Tôi nhớ hình ảnh mẹ mình cũng như các bà mẹ khác: hằng ngày chồng đi làm, mẹ canh giờ cơm canh nóng hổi, pha bình trà sẵn chờ chồng về ăn cơm. Mẹ đứng hầu chồng, ba kể chuyện trong công sở, mẹ chỉ biết “dạ, dạ, vậy à...” Tôi mê hình ảnh đó lắm, muốn sau này mình cũng bắt chước như vậy, nương tựa chồng, hiền hoà lễ phép hết mình. Kể cả khi qua Mỹ sống chung đại gia đình nhà chồng cũng luôn được thấy hình ảnh mẹ chồng hiền hậu “dạ thưa, bẩm vâng” và lắng yên nghe bố chồng nói.
Chàng cũng giống rất nhiều đàn ông Huế: không vào bếp, không biết nấu ăn, ưa thờ cúng tổ tiên, thích đám giỗ để gặp mặt giòng họ, thích hưởng không khí bà con ngồi quây quần nhắc chuyện “người đời xưa “.
Chúng tôi hăng máu cày bừa, quyết chí tạo dựng đời sống bằng sức làm việc chăm chỉ, đền bù sự thử thách mạng sống đi tìm tự do và được may mắn sống trên đất Mỹ.
Có lúc Chàng hăng máu cày thêm nửa job và tôi cũng thi đua giống vậy. Nhờ sống chung gia đình nhà chồng, Chàng được mẹ chăm lo miếng ăn kỹ càng, nên tôi yên tâm đi từ sáng đến tối. Rồi thì tôi đổi công việc mới tận thành phố Livermore, và hãng Chàng cũng dời lên Hayward. Chúng tôi quyết định mua nhà gần nơi làm việc.
Ngày dọn vào nhà mới Chàng đã nhắc “phải cúng chớ”, tôi im lặng vâng lời. Hằng ngày cả hai cùng cày, 11 giờ đêm vợ chồng gặp nhau ăn tối, xong chàng đi ngủ, tôi vẫn loay hoay dọn dẹp với đống chén bát, lục đục nấu nướng sẵn cho ngày mai, lo hai hộp bới trưa, thức ăn còn lại tối về có sẵn ăn.
Một lần Chàng được nghỉ ngày đó, tôi nêm nếm nước canh sẵn, rửa rổ rau cải để bên cạnh và dặn chàng “mai chỉ việc nấu sôi nước, để rau vào chờ sôi là xong”, Chàng ừ è ...Tối tôi về thấy nước canh đã cạn mà rổ rau thì còn nguyên, tôi vừa mệt nhưng cũng bật cười thành tiếng “trời ơi mấy ông Huế…” Chàng vẫn nét mặt hiền lành vô tội đang ngồi “thiền” trước ti vi.
Thế rồi tôi quên mộng ước làm người vợ hiền như mẹ tôi, như mẹ chồng. Tôi đâm ra tỵ nạnh, nghĩ bụng ra riêng không ai thấy, kể từ ngày mồng 1 tháng 1 năm... mình bắt đầu xiết mạnh như quân đội. Tôi giao hẹn người nấu ăn, người rửa chén. Ban đầu cũng thành công chứ, tuần Chàng tuân thủ được hai lần, tôi mừng như vậy cũng tốt rồi, nhưng nhìn Chàng chậm chạp, vụng về bày ra thêm, tôi thương cảm dành làm hết cho nhanh gọn.
Chiều 30 Tết trên đường đi làm về, ghé chợ mua trái cây bông hoa, các thứ khác đã lo trước đó dần dần. Bước vào nhà không kịp thay quần áo đã nhào vô cắm hoa đặt trái cây, bánh trái dâng bàn Phật, bàn thờ, quýnh quáng vào bếp nấu mâm cơm cúng, Chàng ngồi thản nhiên dán con mắt vào ti vi, tôi chẳng biết than với ai chỉ biết hát (*3) “không cần biết em là ai, không cần biết em từ đâu, không cần biết em ngày sau…” Hát rồi cũng phải im mà nhanh tay lẹ chân thắp hương cúng ông bà, dọn thức ăn xuống chàng dùng tối, rồi lại quay qua nấu chè xôi đợi giao thừa cúng ngoài trời... cho vừa lòng Chàng.
Chàng có thái độ rất khoan thai nhàn nhã. Cuối tuần lái xe chở tôi đi chợ, muốn làm người vợ hiền tôi phải ngồi im đợi Chàng bước xuống xe rồi đi theo sau, nhưng Chàng thong thả quá lâu, mà tôi thì ôm hết mọi chuyện, nên rất nóng ruột, đành bước xuống trước và đi lẹ vào chợ, ít ra khi Chàng vào tới thì tôi cũng đã mua nhiều thứ gần xong. Thái độ của tôi khiến nhiều lần người quen chứng kiến, tưởng tôi giận Chàng bỏ đi trước, thì giờ đâu mà giận với hờn, chỉ là sống nước Mỹ, giẫm chân theo người Mỹ, phải hối hả nhanh nhẹn mới kịp được.
Chàng rất mê bóng đá, mê những danh thủ Diego Maradona, Lionel Messi (Argentina), Ronaldo (Bồ Đào Nha), Johan Cruyff (Hà Lan), Beckenbauer (Tây Đức) v..v...có thể bỏ ăn bỏ ngủ, thâu lại rồi xem hoài mê mệt. Có lần Chàng nằm mơ đang đá với ai không biết, nửa đêm hét ầm lên nhổm dậy nhào người bay qua húc đầu vào tường thật mạnh làm chảy máu trán và sưng vù, báo hại ai gặp cũng tưởng bị tôi đánh trọng thương như vậy… lạy Phật oan Thị Kính.
Chàng cũng mê nhạc Pháp thập niên 70, ngồi bấm số order trên tivi mua một tủ nào là giọng hát Lobo, Cher, Sylvie Vartan, Christophe, chưa kể Abba và Sounds of the Eighties từ 1980 tới 1986.
Mê hình ảnh người lính VNCH, đọc sách hay nghe tin tức theo dõi những trận đánh oai hùng trước năm 75. Tiếc là Chàng được động viên đi Thủ Đức khoá 4/73 Tiểu đoàn 1, rồi về dạy lại trường Trung học Đà Nẵng.
Có lần đài Quê Hương quảng cáo băng cassette đọc truyện “Bông Hồng Cho Người Chiến Sĩ VNCH “, cuối tuần Chàng săn lùng các tiệm bán băng dĩa nhiều lần, chờ chực mua bằng được. Chúng tôi cùng nghe chung truyện đọc về Thiếu tướng Lê văn Hưng, tôi ngưỡng mộ hồi ký của phu nhân tướng Hưng, tò mò hỏi Chàng:
- Không biết giờ này bà Hưng sống ra sao? Không nghe ai nói, có thể bà đã lấy chồng khác.
Chàng trề môi.
- Những người đàn bà phi thường như vậy không cần những thứ hạnh phúc tầm thường đâu.
Trời! lâu lâu nghe Chàng nói một câu vượt trên cõi người như vậy. A thì ra Chàng chỉ ngang bướng thỉnh thoảng chọc tôi vậy thôi, chứ quan niệm sống rất rộng lớn và thản nhiên. Gặp chuyện gì cũng xem nhẹ như gió thoảng mây bay, chẳng hạn như sự chết, chàng cũng nói: ”có sống thì phải có chết, đi lúc nào cũng được mà.“
Nhiều lúc tôi cũng nhớ về ngày xa xưa, trong xóm có cặp vợ chồng anh tên Đàng, chị tên Tiên, bạn bè thường gọi “Đàng Tiên là Điên Tàng”, dù lớn tuổi nhưng lúc nào cũng như cặp tình nhân. Anh chị thường đi uống cà phê nhìn lãng mạn làm tôi mơ ước “dù có bạc đầu vẫn đi uống cà phê nghe nhạc như ngày còn trẻ mới thú vị cuộc đời, và còn nhiều mơ ước nữa khi tuổi già.”
Một bữa tôi xưng em với Chàng:
- Anh ơi! cuối tuần ni mình đi uống cà phê nghe nhạc hè
- Ui ...răng bữa ni bà điệu quá vậy, bà nói làm tui nổi da gà, uống cà phê thì ngày mô không uống, máy đó mở nhạc lên mà nghe, già rồi bày đặt
Tôi cụt hứng im lặng, bản chất cô gái Huế “một chiếc lá rơi cũng làm em hoảng sợ” đã mất từ lâu, tôi nổi máu nóng
- Người khô khan... cù lần
Quay lưng đi bộ ra công viên gần nhà, miên man nhớ về thời tuổi trẻ... Quán cà phê nhà Chàng nằm trên đường Mai Thúc Loan, con đường có dãy Phượng cao rậm. Thỉnh thoảng bạn bè rủ nhau đi nghe nhạc, thường chọn quán Chàng, nơi góc cửa sổ nhìn ra ngoài. Mùa hè xác Phượng đỏ ối ngập con đường, buổi chiều yên tĩnh, ba đứa bạn ba nỗi buồn khác nhau, ngồi im lặng nhìn ánh nắng chiều chiếu trên xác phượng, xuyên qua cửa sổ lung linh nhảy múa, tiếng Thanh Lan hát những bản nhạc Pháp lời Việt được nhạc sĩ Phạm Duy dịch “Vắng Bóng Người Yêu “, mà tôi thích nhất là bài “Trong Nắng Trong Gió”. Lúc ấy thỉnh thoảng Chàng xuất hiện thay băng nhạc. Sau đó Chàng làm quen, rủ bạn mời ba đứa đi uống cà phê quán khác với lý do “thích quán bên kia sông vì khung cảnh giống phim “Jane Eyre” (Kiều Giang) nhìn thâm u huyễn hoặc rất đẹp. Quả không sai, quán khuất lấp sau rừng cây, để nhạc tiền chiến êm dịu. Ôi khung cảnh dìu dặt tiếng hát Sĩ Phú “Cô Láng Giềng”, hay Lệ Thu “Lá Đổ Muôn Chiều”, “Người Đi Qua Đời Tôi”, Khánh Ly “Bóng Chiều Xưa”, buổi chiều tuyệt vời khó thể quên được. Lúc trở về đạp xe trên đường “Phượng Bay”, mọi người xuống xe dẫn bộ vì muốn níu kéo thời gian để được ngắm con đường đẹp thêm chốc nữa, nhưng rồi cũng phải về thôi như nhà văn Nguyên Sa đã nói “Mai tôi đi. Tôi chắc trời mưa mau. Nhưng mưa thì mưa. Tôi vẫn phải bước đi. Vì dù chậm thế nào mình cũng phải xa nhau”.
Đời đã đánh mất những buổi chiều lâng lâng hồn thơ nhạc, khi công an khu phố đến tịch thu dĩa nhạc vàng các quán cà phê, quán Chàng từ đó ế ẩm và đóng cửa. Tôi đã mất thiên đường từng ve vuốt tâm hồn khỏi khô héo, giúp đỡ tinh thần bớt lao đao, tôi thật sự hụt hẫng buồn chán. Cho nên khi qua Mỹ tôi vẫn mơ ước được ngồi hưởng tách cà phê bên tiếng nhạc trong không khí quán cà phê, vậy mà Chàng bây giờ không còn như xưa nữa.
Chàng nghỉ hưu trước 4 năm. Các thứ điện, nước, rác, phone đã giao nhà bank trả từ lâu, tôi giao Chàng dò lại các hoá đơn mua hàng cũng như “blance checking”, Chàng vui vẻ “OK “. Tôi như người thoát nợ, muốn buông hết cho thảnh thơi đầu óc tập làm thơ, viết văn tìm nguồn vui. Đến phiên tôi nghỉ theo đúng tuổi chính phủ quy định như Chàng, người nhẹ nhàng thênh thang không còn sợ hãi tiếng reng từ đồng hồ báo thức mỗi sớm nữa. Chàng uống thuốc cao áp huyết, cao mỡ từ lâu. Tôi bắt chước uống thuốc theo nhưng hơn Chàng hai bậc, đạt tới mức ba cao, một thấp (cao mỡ, cao máu, cao đường và tê thấp). Chàng buông bỏ hàm răng thật, nhổ sạch nhưng nhất định không đeo hàm răng giả. Tôi giọng trầm giọng bổng năn nỉ từng ngày, nhưng vô ích, lời nói như nước đổ lá môn. Nhìn những người già trên dưới 80 tuổi đến sinh hoạt ở Chùa, các bác đeo răng giả, ăn uống thoải mái thậm chí còn nhai những món cứng, tự dưng ma chướng xâm nhập, dù tôi đã lẩm nhẩm nhiều lần “nội chướng, ngoại chướng, nội ma, ngoại ma xin hãy túc đắc tiêu diệt”. Hễ năm buổi tu được thì buổi thứ sáu tôi cũng sân si bực bội, trở giọng vặn âm thanh lớn “không ăn thịt, chỉ ăn cá, xay rau nấu thì chê mất mùi, để nguyên nấu thì chờ quá lâu, hành người ta chi dữ vậy. Không hài lòng bộ răng đó thì làm bộ răng khác, biết bao nhiêu người bên VN chiếu trên giờ phóng sự chỉ còn hai cái răng, có được bộ răng giả như ông không?”
Sau câu nói hả hê, nguôi giận thì tôi lại buồn vì nghĩ đã phạm khẩu nghiệp, rồi ân hận, rồi suy nghĩ: Mình từng học Mười Điều Tâm Niệm trong Luận Bảo Vương Tam Muội. Nhớ câu thứ 7: với người đừng mong tất cả đều thuận theo ý mình, vì được thuận theo thì lòng tất kiêu căng. Bởi vậy Đức Phật dạy “lấy người chống đối làm nơi giao du, chấp thuận trở ngại thì lại thông suốt, mà mong cầu thông suốt thì sẽ bị trở ngại”. Tôi tự hẹn cố gắng tu sửa lại.
Vừa qua tình cờ xem quyển check, ôi... giao Chàng 6 năm nay vẫn để yên, hỏi thì Chàng cười hì hì, tôi hít sâu thở nhẹ... Và rồi cả hai cũng chẳng tha thiết điều gì nữa, nếu hoá đơn bị sai lộn cũng mặc kệ.
Đôi khi tôi cũng (*4) “trộm nhìn anh, xem dung nhan đó có còn như xưa”
Chàng không “care” điều gì hết, hai má hóp sâu, miệng móm sọm vì không đeo răng. Chàng đi ra đường thoải mái tự nhiên, tánh tôi thì còn chấp chút hình thức. Giai đoạn covid hoành hành toàn cầu, bắt buộc chàng phải đeo khẩu trang, tôi mừng vì khuôn mặt chàng nhìn còn đầy đặn và đúng theo tuổi tác. Nay đến dự lễ các Chùa, nhiều người hỏi tôi “chị dẫn ông Cụ đi Chùa đó hở?”, tôi tránh không trả lời và Chàng vẫn tỉnh queo. Có bữa đến gặp thầy Pháp Hòa, tôi tìm ghế cho Chàng ngồi và đứng khoảng cách vì luồng sóng người đẩy xa, có tiếng nói lớn “ai trông ông Cụ đây? “, tôi dong tay cao ra dấu, tìm cách đứng gần Chàng. Sau buổi pháp thoại, mọi người thi đua chụp hình cùng thầy Pháp Hòa, nhưng thầy đến cầm tay Chàng “cho ông Cụ chụp hình trước”. Về nhà Chàng cười khà khà “không đeo răng già giống ông Cụ cũng lợi đấy chứ, đi đâu cũng có người nhường ghế, dâng thức ăn trước và được Thầy để ý ưu tiên trước luôn.” Khi dự đám cưới hay tiệc tùng, tôi bới xách theo củ khoai, hoặc bánh “ga tô” đề phòng không có món nào Chàng ăn được thì ra xe ngồi dùng ít phút. Ôi cuộc sống là vậy mà, bên cạnh mặt tốt thỉnh thoảng vẫn có hoa Cẩm Chướng nở trong nhà (danh từ mỗi khi phe đàn bà than thở, thường đặt tên cho mấy ông chồng bằng loài hoa đó: lẩm cẩm và chướng kỳ).
Mới đây Chàng tăng thêm căn bệnh Parkinson (run tay), và tôi thì hai tai thường ù không nghe rõ. Thấy chàng ăn uống khó khăn, loại trừ thịt, chỉ ăn cá không xương không da. Tôi bị “stress” dần dần vì món ăn hạn chế nhàm chán, chỉ biết mua cá Salmon, Halibut, Tilapia nơi Costco hoặc những lát cá thu, cá hồng lớn ở chợ Lion, kho, hấp, canh và làm chà bông. Nhiều hôm dọn thức ăn hợp khẩu vị Chàng như chả cá Thác Lác nấu canh với cà chua, thơm kiểu Huế thường gọi là “canh ngót”, Chàng nhìn tô canh, bất chợt thốt lên:
- Thương quá.
Tôi ngạc nhiên:
- Cá đâu có xương
Chàng ngẩng lên:
- Đồ điếc
- Tui mô có tiếc chi với ông.
Chàng thản nhiên:
- Bà mê nhạc như rứa từ đây bị cản trở vì “bịnh điếc” rồi đó. Sinh, Lão, Bệnh đã tới.
Có khi tôi mê xướng họa thơ Đường quá, quên giờ giấc nấu cơm, Chàng cũng chẳng nói gì, đi quanh vòng vòng nơi bàn tôi ngồi, khi đó tôi giật mình xem đồng hồ mới hay. Thấy thái độ của Chàng khiến tôi lẹ làng nhào xuống bếp, nhờ vậy có ý tưởng sáng tác bài thơ chọc Chàng cười cho vui cửa vui nhà:
Lời Chồng
Nén thở quên rầu giận lắm ơi
Vì em phí sức ốm o người
Chồng còn đẹp lão không ưa ngó
Bếp chỉ tanh bành chẳng nấu xơi
Trắng hạt mưa rơi thơ thẩn ngắm
Vàng thu lá rụng mộng mơ cười
Căn nhà rác thải tràn quanh giấy
Xướng họa mèm say quá hỡi trời.
Chàng có tật ăn một nửa, đổ một nửa, tôi đi Chùa ảnh hưởng “hạt cơm là hạt ngọc của trời” nên nhắc nhở mãi “coi chừng kiếp sau thành vịt”, chàng đùa lại “lỡ thành vịt rồi cho thành vịt luôn”. Có lần chàng còn lý luận:
- Mấy tiệm McDonald’s, In and Out, mỗi ngày bán không hết đổ thùng rác từng đống thì đã sao.
- Trời! Lôi họ vô chi vậy? Mình lo tu thân mình thôi.
Giờ đây Chàng đã sắp 73 tuổi. Mỗi sớm thức dậy Chàng thắp hương lạy Phật và thích làm công việc thay trái cây, chùi dọn bàn thờ, tưới nước chậu hoa Lan trên bàn Phật. Chàng không còn bỏ phí thức ăn nữa. Có lẽ mưa dầm thấm đất (ngoài trừ chuyện đeo răng), do tôi thường đem chuyện thầy Bổn Sư nhắc nhở trong ngày tu học lúc thọ trai: rằng trước khi thọ thực hãy cầu nguyện, cám ơn trời đất đã tạo ra cây trái thiên nhiên, cám ơn người trồng trọt, người nấu ăn dâng hiến, sau cùng hồi hướng công đức cho họ luôn được mọi phước lành. Ăn trong sự biết ơn thì sẽ thưởng thức ngon miệng, dễ dãi không mặn, không lạt, không khen không chê.
Cực nhọc, siêng năng để phấn đấu, gầy dựng cuộc sống mới nơi xứ người. Bây giờ được bảo đảm cuộc sống vững vàng, thì cả hai chẳng ai còn để ý đến tiền bạc. Điểm hợp nhất giữa chúng tôi là không se sua bề ngoài, không dám tự cao tự đai, không bon chen ngoài xã hội, chỉ thích sống giản di, sống biết chia sẻ, muốn un đúc những điều thiện phước, bỏ ống mỗi năm cố định hai việc lớn là giúp Thương phế binh, trẻ mồ côi chùa Đức Sơn và hội Người Mù bên VN, ngoài ra mùa Lễ Tạ Ơn cho Homeless và TPB cựu quân nhân Mỹ cũng như nhiều việc linh tinh nơi đất nước mình mang ơn.
Quỹ thời gian đang ngắn lại, bao nhiêu dự tính đi du lịch khắp nơi cũng chỉ là mơ qua. Tôi đang quý từng buổi sớm thức dậy, mở mắt biết Chàng và mình còn sống, đang sống. Pha tách cà phê nhâm nhi nhìn nắng chan hoà giữa bầu trời trong xanh, cây cỏ tốt tươi, các loại hoa nở rộ khoe sắc, nghe tiếng chim hót thanh bình, vậy là hạnh phúc cho một ngày. Thấy Chàng ốm yếu tôi nóng ruột mua “hầm bà lằng” trà Sâm, Sâm nước Đại Hàn, sữa Ensure, v...v... để giảm bớt lo lắng. Làm cơm nước kỹ càng cho Chàng, và ôm mọi việc trong ngoài.
Dù tấm thân tôi chỉ 90lbs, xương tay như xương gà, nhưng mỗi lần nhờ gì Chàng đều gọi “bưng dùm chút lực sĩ ơi”, trời “mình hạc sương mai” như vầy, nhìn sau nhìn trước chẳng có ai, cũng phải méo mặt mà gồng sức. Cuối tuần còn chở chàng xuống Fremont chơi bài Tứ Sắc với các em gái cho đầu óc hoạt động tránh bệnh Alzheimer.
Tình lúc trẻ và nghĩa lúc già, nào ai vào đó chia sẻ lúc khó khăn cũng như khi bệnh hoạn cho đến ngày ra đi. Tuy nhiên tôi không thể thực hiện ước mơ được làm hình ảnh người vợ hiền dịu nép bên chồng như mẹ mình, mẹ chồng mà đã lỡ trớn bị mất nét từ khi sống với chàng rồi. Bây giờ thì chàng thay tôi làm O gái Huế “một tiếng lá rơi cũng làm anh hoảng sợ”.
Chàng là con người tốt, không bia, không rượu, không thuốc lá. Sống đạo đức, chân thật, có tấm lòng nhân từ, bác ái đầy ắp, là cây phúc đức che mát cuộc đời tôi. Đó là ưu điểm rất lớn phủ lắp vài tật thường tình nhỏ nhoi trong cuộc sống. Nói tóm lại: nhà tôi có con Mèo hiền ngoan đấy mọi người ơi.
Minh Thúy Thành Nội
Cuối Năm Quý Mão 2023
(*1) Nhạc Phạm Duy “Tình Cầm” thơ Hoàng Cầm
(*2) Thơ Xuân Diệu “Vì Sao”
(*3) Nhạc Trần Diệu Hương “Vì Đó Là Em”
(*4) Nhạc Trầm Tử Thiêng “Trộm Nhìn Nhau”
May là hai vị có đạo đức !
Tác giả cho độc giả thấy " hạnh phúc gia đình không khó, cũng không dễ", nằm trong tầm tay chúng ta thôi. Không nhất thiết hai người phải giống nhau mọi điểm, mà phải biết điểm nào quan trọng, cần thiết, điểm nào có thể xem nhẹ, để mà tương nhượng nhau. Truyện rất có ích cho chúng ta học hỏi về hạnh phúc gia đình. Xin cám ơn tác giả nhiều.
Nguyễn Thị Xuân, MN
Rừa chén bát, dọn dẹp nhà cửa, vườn tược cũng là một cách vận động cơ thể, thay vì ngồi xem tv, computer cả ngày, mụ người ra.
Nên nhớ là phụ nữ nấu ăn được thì đàn ông cũng phải làm được- hoặc phải phụ giúp vào đó.
Việc trả bills, balance checkbook giúp vận động trí óc. Và chí ít thì cũng có sẵn cái calculator nhỏ và Microsoft Excel giúp cho dễ dàng, nhanh chóng.
Tóm lại, đây là những việc thường ngày ở nhà, những ông này nên nhúng tay vô, giúp vận động trí óc, cơ thể. Và để mai sau này, nếu bà nội tướng "đi" trước, thì mấy ông ở lại vẫn không bị hụt hẫng, chới với .
Thời VNCH người ta gọi là "túc cầu" hay "đá banh".
Sau khi mất nước, thì dân vịt + béc kè 1975 tràn lan vô Nam, chữ "bóng đá" cũng tràn lan. Đã là cái bóng thì không thể đá. Còn nếu thay thế "bóng" với "banh" để thành "banh đá" thì sai văn phạm vì trái banh không thể tự đá một mình nó. LOL.