Hôm nay,  

Những Mùa Xuân Vật Đổi Sao Dời

19/03/200800:00:00(Xem: 138059)

Người viết: Tấn Quân

Bài số 2253 -1627-30-vb4190308

Tác giả tên thật Nguyễn Tấn Quân,  44 tuổi, cư dân Oklahoma City, OK, hiện là General Ledger Accountant, làm việc tại The Board of Education of Oklahoma. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ông cho năm 2007 là những hồi ức về phi trường Tân Sơn Nhất trước và sau ngày 30 tháng Tư 1975. Sau đây là bài viết thứ hai.

Lùi lại hai mươi bẩy năm về trước, mùa xuân năm 1981, tức là hơn năm năm sau ngày thành phố Saigon đổi tên đổi chủ, một khoảng thời gian vừa đủ để người dân Miền Nam Việt Nam thấm thía cái thiên đường XHCN, năm đó Tấn vừa tròn 18 tuổi, cái tuổi vừa trưởng thành để đủ biết và cảm nhận được tận cùng cái mất mát trong cuộc đời vừa mới lớn của mình.  Cha của Tấn là một sĩ quan cấp tá trong quân đội VNCH hiện đang bị giam cầm đâu đó trong một trại cải tạo ở Miền Bắc Việt Nam, Mẹ và anh chị em Tấn vì nhà cửa bị tịch thu nên trôi dạt về quê ngoại của Tấn ở một tỉnh lỵ nhỏ thuộc đồng bằng sông Cửu Long, hiện đang sống tạm bợ trong một căn nhà gỗ vách tôn trước đây vốn là căn nhà kho chứa nông cụ và những vật dụng không tên cũ kỹ không còn dùng đến mà bà ngoại Tấn không nỡ vất đi, trong đó có những vật cho đến bây giờ Tấn vẫn còn nhớ rõ ràng những hình ảnh cũ kỹ đó.  Cái sừng trâu đen nhánh nằm trên cây cột cái giữa nhà, cái sừng nai nằm đối diện bên cây cột cái bên kia được dùng để treo mấy chiếc nón cũ kỹ dùng để đi làm vườn làm ruộng, sát mái tôn là một chuồng bồ câu khoảng độ hơn chục con với những tiếng kêu rù rù suốt ngày khiến Tấn phải mất một thời gian dài mới làm quen được với tiếng kêu đó.  Dưới gầm mấy tấm phản gỗ làm giừơng ngũ của anh chị em Tấn lăn lóc đầy những trái dừa khô nằm lẫn lộn với cuốc xẻng, liềm móc, câu liêm, phảng phát cỏ, mo cau mo dừa khô, những thúng giê, thúng giạ, v.v…, nói chung toàn những vật dụng mà trước đây chưa bao giờ Tấn nghe tên hoặc nhìn thấy bao giờ ở Saigon.  Nền nhà bằng đất ẩm thấp cộng với những vật dụng cổ xưa lẫn với đủ loại nông cụ nông sản tạo thành cái hình ảnh và mùi vị mộc mạc thôn quê đó mà cho đến bây giờ sau hai mươi bẩy năm và gần hai mươi năm sống trên đất Mỹ khi nhớ lại Tấn vẫn có thể hình dung được một cách dễ dàng.

Trở lại thời gian đó, sau khi học xong cấp 3 tại một ngôi trường trung học duy nhất tại tỉnh lỵ tức là tốt nghiệp phổ thông trung học hiện nay, vì cái lý lịch "ngụy" mà Tấn không được tuyển sinh vào bất cứ một trường đại học nào lúc bấy giờ, sau này đã thay đổi, nhưng thời gian đó cái lý lịch "ngụy" vẫn còn nặng nề lắm, Tấn vẫn còn nhớ rõ trong những lần bầu cử tại địa phương, trong phần kê khai tiểu sử các ứng cử viên trong các chức vụ lãnh đạo có ông chủ tịch thị xã được nêu ra trình độ văn hoá tốt nghiệp lớp 3, ông chủ tịch tỉnh thì trình độ văn hoá tốt nghiệp lớp 5, trình độ kinh tế trung cấp, trình độ chính trị cao cấp.  Lúc ấy dù Tấn chỉ là một học sinh trung học nhưng cũng nhận thấy có cái gì đó không ổn vì tại sao trong một người lại có ba trình độ kiến thức khác biệt nhau nhiều đến như vậy, giống như bây giờ khi nghe người nào đó nói là ông ấy chỉ học tiểu học nhưng đồng thời có Associate Degree về Economy và đồng thời có Bachelor Degree hoặc Master Degree về Political Science vậy, nhưng cái thời đó không có gì đáng ngạc nhiên hết, có khi có nhiều người tự hào là mình ít học vì chỉ dành thời gian để "đánh Mỹ cứu nước" do đó mọi người cần phải kính trọng và nể phục hơn.  Với những lớp người lãnh đạo như vậy lúc bấy giờ thì việc nghiêm cấm hay ngăn cản con cháu gia đình "ngụy" học cao lên cũng là điều dễ hiểu.

Cùng thời điểm ấy cuộc chiến tranh với nước láng giềng Campuchia bùng nổ dữ dội tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ có biên giới giáp ranh với nước láng giềng, tỉnh lỵ nơi Tấn đang sinh sống cũng vậy, không khí chiến tranh lan tràn khắp nơi, các đơn vị bộ đội chủ lực từ Miền Bắc Việt Nam kéo về khắp nơi trong tỉnh lỵ để tăng cường quân số tham chiến cho chiến trường Campuchia, một mặt tại địa phương Tấn sinh sống cũng tăng cường động viên và kêu gọi thanh niên thi hành nghĩa vụ quân sự và làm nghĩa vụ quốc tế, lứa tuổi được kêu gọi từ 18 đến 35, năm đó Tấn vừa tròn 18 tuổi, tuy không được tuyển sinh vào học đại học nhưng tự động được trúng tuyển nghĩa vụ quân sự và sau này khi đưa vào huấn luyện trong các đơn vị huấn luyện tân binh được chính những người cùng hoàn cảnh giống như Tấn mĩa mai gọi làđược trúng tuyển vào trường "đại học tổng hợp" vì phải học tập mỗi ngày với đủ các môn chính trị, quân sự, chiến thuật, chiến lược, kể cả học ăn học nói cho giống "Bộ đội Cụ Hồ".  Tấn buồn lắm, ngoài cái buồn phải sống xa gia đình, ăn uống thiếu thốn, sống kham khổ, Tấn còn phải chịu đựng sự dằn vặt nội tâm, dù không phải xung phong hay tự nguyện cho cái gọi là "nghĩa vụ quân sự" nhưng trong lòng Tấn vẫn ấm ức vì mình thuộc loại gia đình "nguỵ", Cha đang sống ngắc ngoãi trong nhà tù cộng sản còn Tấn phải cầm súng để bảo vệ cho cái chế độ bất nhân đang giam cầm chính cha ruột của Tấn, còn cái đau khổ nào hơn là áp đặt Tấn phải đứng ngược lại bên kia chiến tuyến của cha mình.

Mùa xuân năm 1981 là mùa xuân đầu tiên Tấn sống xa nhà trong một quân tường huấn luyện tân binh, môi trường sống hoàn toàn tách biệt với thế giới bên ngoài, chung quanh toàn lính tân binh giống như Tấn đủ mọi lứa tuổi từ 18 đến 35, cá biệt trong đơn vị của Tấn có một người chỉ có 16 tuổi được mọi người chú ý vì còn quá nhỏ như một đứa trẻ con.  Đến đây xin được nói thêm một chút về người này, lúc đầu Tấn cũng lấy làm lạ, sau được biết thêm em tên là Nghĩa, cha mẹ mất sớm phải sống với bà ngoại, không được học hành chỉ loanh quanh lối xóm tụ tập phá phách và ăn cắp vặt, lần cuối cùng đi ăn cắp gà ban đêm, bị du kích địa phương bắt được tạm giam trong văn phòng ủy ban nhân dân xã.  Không người bảo lãnh, nhân viên văn phòng UBND xã thông cảm hoàn cảnh và tuổi nhỏ nên không phạt vạ gì chỉ giữ lại sai vặt điếu đóm.  Sẵn dịp đang tổng động viên vì thiếu người nên UBND xã hỏi ý có muốn tình nguyện đi bộ đội không, Nghĩa vui vẻ đồng ý chắc vì chán cảnh điếu đóm mỗi ngày trong cái văn phòng xã, hay có thể nghĩ đây cũng là một dịp đi đó đi đây cho biết chuyện bên ngoài cái tỉnh lỵ nhỏ bé mà Nghĩa sinh ra và lớn lên.  Từ khi biết câu chuyện riêng cuộc đời của Nghĩa có người đặt thêm cái biệt danh Nghĩa "gà", chắc ý muốn nhắc tới cái tật ăn trộm gà trước kia của Nghĩa"  

Trở lại với Tấn và cái mùa xuân bất đắc dĩ mà Tấn phải sống trong một hoàn cảnh trớ trêu, càng gần đến ngày cuối năm trời càng lạnh dần, nỗi xa nhà, ăn uống thiếu thốn, quần áo phong phanh càng làm Tấn cảm thấy lạnh nhiều hơn, nhiều đêm lạnh quá không sao ngủ được vì thiếu chăn mềm và quần áo không đủ ấm Tấn chỉ biết ngồi bó gối trong mùng mong sao trời sáng có ánh mặt trời làm cho bớt lạnh hơn, những lúc ấy Tấn nhớ Ba Tấn thật nhiều, so sánh với Tấn thì cảnh tội tù và đói khát của Ba càng khổ gấp nhiều lần cảnh Tấn đang chịu đựng, nghĩ đến như vậy làm Tấn cảm thấy sự cực khổ của mình thật không đáng kể chút nào.  Cuối cùng ngày 30 Tết cũng đến, sinh hoạt trong trại huấn luyện có phần thoải mái hơn, ngày 30 Tết không phải học hành sinh hoạt gì nhiều, chỉ tập trung dọn dẹp vệ sinh và nghĩ ngơi.  Tối 30 Tết mọi người xúm lại tổ chức ca hát văn nghệ, lần đầu tiên Tấn được nghe bài tân nhạc "Xuân Này Con Không Về" do một ai đó đứng lên ca, sau đó có một người xin ca lại bài này nhưng bằng cổ nhạc, Tấn có thói quen là chỉ thích nghe và gậm nhấm từng lời nhạc với những bài "nhạc vàng" quen thuộc, lần đó tuy chỉ nghe qua bài hát này lần đầu bằng tân nhạc và cổ nhạc nhưng cũng đủ khiến cho lòng Tấn chao đảo nhớ và mơ về một mái ấm gia đình có đầy đủ cha mẹ anh chị em, giờ đây chỉ còn có Tấn trong một không gian với một tương lai mờ mịt không lối thoát.  Sáng hôm sau là ngày mồng một Tết Nguyên đán, một số người cùng hoàn cảnh sống chung trong đơn vị Tấn được gia đình từ các tỉnh lỵ xa xôi khác kéo đến thăm nuôi, có anh lớn tuổi thì có vợ con đến, có anh thì được người yêu đến thăm, riêng Tấn thì biết thân phận của mình, Cha thì vắng nhà, Mẹ thì bệnh hoạn ốm đau, anh chị em còn nhỏ và kinh tế gia đình năm năm sau ngày "giải phóng" có được ngày hai bữa cơm cũng đã là may mắn lắm rồi, có đâu mà đến thăm nuôi Tấn.  Chung quanh mọi người cười nói ồn ào, riêng Tấn lẳng lặng đi ra sau hè tìm một bóng mát dưới gốc cây trứng cá ngồi viết thư cho Mẹ trong ngày đầu năm, vừa viết vừa nghe môi mình mặn đắng với một cảm giác buồn tủi cho số phận của cuộc đời.

Đầu năm 1985, sau hơn bốn năm "sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại" bất đắt dĩ, Tấn được xuất ngũ trở về địa phương, trở về căn nhà mái tôn vách ván với nhiều hương vị mộc mạc thôn quê của gia đình Tấn, Ba Tấn cũng được ưu ái hưởng sự "khoan hồng" của chính phủ thả về đoàn tụ với gia đình chỉ vài tháng trước ngày Tấn xuất ngũ.  Mẹ Tấn có lẽ là người vui nhất trong gia đình, kể từ hôm nay mọi người được xum họp một nhà, có cháo ăn cháo, có rau ăn rau, cùng nhau chia xẻ những vui buồn trong cuộc sống.   Anh Chị Em Tấn đều trưởng thành và tìm được những công việc tuy khiêm tốn nhưng ít nhất mỗi tháng cũng đem về nhà được vài mươi lít gạo, mấy chục ngàn đồng,  mỗi buổi chiều cả nhà quây quần ăn cơm chung, có những ngày cuối tuần Cha Tấn cùng các Anh Em xúm lại cùng nhau chặt cây đốn củi trong khu vườn nhà để làm nguyên liệu nấu nướng, cuối một ngày lao động vất vả tất cả cùng kéo ra con sông nhỏ trước nhà tắm giặt và kể chuyện cười nói vui vẻ, đó là những kỷ niệm khó quên trong đời Tấn ở quê nhà trước ngày định cư ở Mỹ.

Giữa năm 1990 gia đình Tấn rời khỏi Việt Nam sang định cư ở Hoa Ky theo diện HO, rời khỏi ngôi nhà tôn vách ván nền đất, tuy đơn sơ quê mùa mộc mạc nhưng đã cưu mang gia đình Tấn hơn mười năm trời trong cơn bĩ cực của vận nước.  Sau đó gia đình Tấn đi định cư tại một tiểu bang miền Trung Tây nước Mỹ theo sự bảo trợ của một người quen của Ba Mẹ Tấn, sau hai tháng sống chung với gia đình người bảo trợ, gia đình Tấn quyết định thuê nhà dọn ra riêng, vừa có được sự tự do riêng tư cho mọi người, vừa giảm bớt gánh nặng cho người bảo trợ.  Căn nhà gia đình Tấn thuê cũng chỉ cách gia đình người bảo trợ một block nhà, do đó dù không còn sống chung nhưng gia đình Tấn và gia đình người bảo trợ vẫn còn liên lạc thường xuyên vàhổ trợ giúp đỡ lẫn nhau.  Căn nhà gia đình Tấn thuê là một căn nhà hai tầng lầu hiện đang đăng bảng bán nhà được chừng vài tháng nhưng vẫn chưa bán được, chủ nhà vì muốn kiếm thêm tiền trong khi chờ bán căn nhà nên đồng ý vừa đăng bảng bán vừa cho thuê luôn, căn nhà gồm 4 phòng ngủ và 2 phòng tắm rất thích hợp cho gia đình Tấn, Ba Mẹ Tấn cùng người anh của Tấn ở tầng trệt, Tấn và hai cô em gái ở tầng lầu, mọi người đều nhanh chóng vừa đi học vừa đi làm, Mẹ của Tấn vì sức khoẻ yếu nên giữ vai trò nội trợ lo cơm nước cho mọi người trong nhà, buổi sáng tất cả mọi người đi làm, buổi tối cả nhà kéo nhau đi học English từ 6 giờ đến 8 giờ tối mới trở về nhà dùng cơm và xem TV rồi đi ngủ, riêng Tấn thì làm ca hai từ 2 giờ chiều đến 10:30 tối, buổi sáng đi học thêm English, không mấy chốc gia đình Tấn hoà nhập vào cuộc sống mới dễ dàng và thuận lợi.  Ba tháng sau tức khoảng gần lễ Giáng Sinh, vào một buổi tối khi cả nhà Tấn đến trung tâm tị nạn tại địa phương để học thêm English, Tấn đang đi làm, thì căn nhà của Tấn thuê đột nhiên phát hoả, người hàng xóm gọi xe cứu hoả đến dập tắt kịp thời, đến khi gia đình Tấn về đến nhà thì ngọn lửa đã được khống chế, thiệt hại khoảng 40% căn nhà chủ yếu nằm ở tầng trệt vì ngọn lửa phát xuất từ phòng khách gia đình, sau đó chủ nhân ngôi nhà cho thuê được hãng bảo hiểm bồi thường thiệt hại với một số tiền tương đối cao gần bằng giá căn nhà đăng bán và có lẽ không còn muốn giữ lại để sửa chữa, họ cho gia đình Tấn biết nếu muốn mua thì sẽ ưu tiên bán căn nhà nầy với giá rẻ trong tình trạng hư hỏng như vậy, điều kiện thật dễ dàng, chỉ cần down payment 10%, phần còn lại sẽ trả góp trong vòng 3 năm với phân lời 8%.  Suy đi tính lại gia đình Tấn thấy có thể trả góp được dựa theo mức thu nhập của tất cả mọi người trong nhà cộng lại, cái khó khăn hiện tại là tiền down payment, lúc đó Tấn cũng vừa được cấp một thẻ tín dụng do gia đình người bảo trợ cosigned, Tấn bàn bạc cùng gia đình quyết định rút tiền mặt ra từ thẻ tín dụng để trả tiền down payment sau đó trả góp dần dần, như vậy là ổn thoả và cuối cùng gia đình Tấn đã mua được căn nhà đó với tình trạng bị cháy và hư hõng phần lớn ỏ tầng trệt.  Cả nhà Tấn phải dời lên tầng lầu để ngủ nghỉ và sinh hoạt, sau đó mỗi ngày một chút Ba và anh em Tấn dồn sức tu sửa lại tầng trệt, order cửa sổ cửa nhà mới, cạy bỏ những phần gỗ hư hỏng, cưa bào đục đẽo, sơn phết, đánh bóng sàn gỗ, .. trong suốt hơn 6 tháng trời,  may mắn Ba Tấn là người khéo tay trong mọi phương diện, người Mỹ thường gọi là Handyman, nên tất cả công việc đều tiến triển khả quan, năm đó gia đình Tấn không biết mùa hè là gì, mãi đến cuối mùa hè căn nhà hoàn tất gần giống như tình trạng ban đầu, có phần đẹp hơn vì phòng khách gia đình (living room) và phòng ăn (formal dining room) bây giờ được lót gỗ bóng loáng thay thế lớp thảm cũ trước kia, trần nhà và vách tường chung quanh được sơn lại mới tinh, bạn bè người thân đến chơi ai cũng khen Ba tôi khéo tay và tiết kiệm được rất nhiều tiền vì tất cả đều tự làm lấy không cần phải thuê mướn tốn kém. 

Thấm thoát ba năm trôi qua, mùa xuân năm 1994 gia đình Tấn trả dứt nợ căn nhà, Ba và Anh Chị Em Tấn đều có công việc làm ổn định, Tấn cũng đang tiếp tục đi làm việc ở hãng vào buổi tối, buổi sáng bắt đầu đi học đại học sau hơn 3 năm trời chuyên học ESL.  Sau đó mọi người bắt đầu dành tiền mua chiếc xe tốt hơn một chút để được thuận tiện cho việc đi làm đi học, vì mấy năm nay cả nhà Tấn đều sử dụng những chiếc xe cũ kỹ trên 10 năm tuổi, anh Tấn đang chạy chiếc Datsun trị giá 250 USD, em gái Tấn đang chạy chiếc Chevolet Cavalier trị giá 750 USD, Tấn thì chạy chiếc pickup truck Mazdatrị giá 400 USD, nhiều đêm đi làm nửa khuya chạy về nhà xe bị chết máy giữa đường, có lúc giữa mùa đông được ông cảnh sát tốt bụng chở về tận nhà, có lúc mùa hè xe hư dọc đường phải cuốc bộ về nhà, lúc ấy làm gì có được cell phone như bây giờ.  Mọi người ai cũng mừng cho gia đình Tấn gặp may mắn trong chuyện xui rủi, vì kể từ nay gia đình Tấn không phải lo chuyện trả nợ tiền nhà nữa, mọi người lo tập trung đi làm đi học, mỗi tháng chỉ phải trả tiền thực phẩm và nhiên liệu điện nước gas, đồng thời có cơ hội được phụ giúp thêm cho bà con bên quê nhà.  Vào một ngày cuối tuần Ba Tấn đề nghị cả nhà tổ chức nấu nướng làm một bữa cơm đặc biệt dành riêng trong gia đình để mọi người có dịp ôn lại những kỷ niệm vui buồn trong hơn ba năm qua kể từ khi ngày đặt chân đến nước Mỹ, để mừng cho cả nhà từ nay được thật sự làm chủ một căn nhà tuy cũ kỹ nhưng đó chính là căn nhà đầu tiên mà gia đình Tấn tạo dựng được sau những biến đổi thăng trầm của đất nước, của phần lớn những gia đình trước đây sống ở Miền Nam Việt Nam, vàcủa chính gia đình riêng của Tấn. 

Thời gian dần trôi, Anh Chị Em Tấn đều có gia đình riêng không còn sống chung với ba mẹ, căn nhà xưa đã được bán đi nhưng trong lòng mọi người lúc nào cũng nhớ đến những mùa xuân đầu tiên sống trên đất Mỹ, nhớ đến những tháng ngày cả nhà chung sống quây quần bên nhau, cùng nhau chia xẻ những kinh nghiệm, những bài học vui buồn đầu tiên khi sống ở Mỹ. 

Ba Tấn qua đời cách đây vài năm sau một cơn bạo bệnh, sau này mỗi khi có dịp Tấn chạy xe ngang căn nhà cũ trong lòng luôn bồi hồi cảm xúc, lòng Tấn càng nhớ nhiều hơn hình ảnh người cha đâu đây với thật nhiều kỷ niệm trong căn nhà xưa mà nay đã ra người thiên cổ.  Tấn muốn được gửi đến Cha mình lòng biết ơn vô bờ bến dành cho công ơn sanh thành dưỡng dục, công ơn đã đưa được gia đình Tấn đến được bến bờ hạnh phúc, tuy phải sống xa quê hương nhưng có được tự do, Ba Tấn đã giúp cho giấc mơ của mọi người trong gia đình được trở thành sự thật. 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,319,186
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.