Hôm nay,  

Không Món Quà Nào Hơn

19/12/202311:18:10(Xem: 3585)

xmas

Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố “Hát Ô” và nhận giải Viết Về Nước Mỹ. Sau đây là bài viết mới nhất.
 
*
 
Khu phố cô ở có chừng một trăm căn nhà, dãy bên phía nhà cô nhà nào cũng nằm trên một con dốc thoai thoải, không cao lắm, còn phía bên kia thì bằng phẳng hơn, với những sân cỏ xanh mướt. Đặc biệt căn nhà đối diện nhà cô, chủ nhân là đôi vợ chồng già, màu da hơi sậm. Sân cỏ trước nhà ông bà này rất đẹp, xanh mướt như nhung và không hề có một gốc cỏ dại. Chiều chiều, ông bà hay ra ngồi xổm xuống để nhặt lá vàng và nhổ những cọng cỏ dại mới nhú, hình ảnh rất quen thuộc với đám trẻ con hàng ngày lên xuống xe bus đưa đón học sinh ở góc phố cạnh đó.
  
Khu phố nhỏ thỉnh thoảng có người dọn đi, có kẻ dọn đến… nhưng ông bà lão này chẳng hề quan tâm đến những thay đổi ấy.
 
Một cảnh quen thuộc, cứ chiều chiều là có người thanh niên râu tóc đậm đen, hay dắt chú chó đi qua đoạn đường trước mặt nhà cô. Anh chủ thì mặt lầm lì còn con chó thì cao to và có phần năng động. Có hôm cô bắt gặp quả tang con chó ị trên sân cỏ phạm vi nhà cô nhưng anh chủ không dùng bao nylon để “thanh toán” như quy luật mà làm ngơ, dắt chó đi luôn. Cô hơi bực mình. Vài lần khác, con chó ị ngay ở khoảng sân đẹp nhà đối diện. Ông bà lão kia dường như không biết, cô cảm thấy ái ngại giùm - nếu lỡ ông bà ngồi xuống nhổ cỏ mà chẳng may vớ phải “của quý” thì ôi thôi! Năm lần, ba lượt… cô quyết định bắt chuyện với bà lão:
 
   – Bà có biết là phân chó trên sân cỏ nhà bà không?
 
Bà lão nhìn cô, đôi mắt nheo nheo… 
 
Cô lặp lại, bà trả lời bằng một nụ cười. Nghĩ rằng bà lẩm cẩm, cô lên tiếng:
 
   – Người chủ con chó đó nhà ở góc kia, bà có muốn phàn nàn về chuyện dẫn chó đi dạo mà không giữ vệ sinh chung một cách vô ý thức vậy không?
 
Bà lão bình thản:
   – Không cần đâu, nếu con chó của ông ta ị bậy, tôi có thể dọn được mà!
 
Cô tròn mắt:
   – Phải nói cho ông ta biết để giữ vệ sinh chung ở đây chứ!
 
Bà nhẹ nhàng:
   – Yên tâm cô bé, tôi có thể làm việc đó mà.
   – Bà không bực bội sao?
   – Chuyện rất nhỏ, không nên làm cho nó lớn ra, cô à!
  
Cô đang ngạc nhiên trước vẻ bình thản tự tại của bà thì bà tiếp:
– Chúa dạy ta, “Nếu ai vả má bên phải của con, thì hãy đưa má bên kia cho nó nữa. Đừng xét đoán, thì các con sẽ khỏi bị xét đoán; đừng kết án, thì các con khỏi bị kết án. Hãy tha thứ, thì các con sẽ được tha thứ …”
 
Cô nhìn bà lão bằng ánh mắt lạ lùng vì thấy bà lão lẩm bẩm giống một người đãng trí đang nói chuyện với chính mình, hay giống như một Bà Cố đang giảng đạo trong Nhà Thờ. Nhưng không phải, bà cười cười lắc lắc tay cô:
   – Tôi và chồng tôi có thể làm việc ấy, không sao đâu cô bạn nhỏ.
 
Buổi tối, trong bữa ăn cô định kể lại câu chuyện cho chồng nghe thì thật
bất ngờ anh cũng có chuyện để kể: “Em biết không, hai cụ già trước nhà mình là người rất siêng năng đi Nhà Thờ, hôm nọ cụ ông nhờ anh qua thay giùm cái bóng đèn vì chân cụ yếu không leo lên thang được. Thấy trong nhà đồ đạc không có gì anh nghĩ hai cụ chắc sắp dọn nhà đi nơi khác nên hỏi:
    – Ông bà sẽ dọn đến đâu ạ?
    – Chúng tôi không dọn đi đâu cả…
 
Nhìn nét mặt ngơ ngác của anh, cụ nói:
– Tất cả đồ đạc trong nhà, chỉ trừ những thứ cần phải để dùng hàng ngày, còn lại… tôi đã cho hết… nhiều người đang cần hơn chúng tôi.
 
Ôi trời, quả thật trong gian bếp rộng và rất khang trang chỉ còn sơ sài đôi cái chén, ly, không bàn ghế, không tủ. Cụ ông còn đưa tay chỉ vào cái sofa nhỏ bảo:
– Cái này của người bạn tôi, ông ta đến đây muốn ngồi xem TV mà không có ghế nên ông ta mang đến, chừng nào chúng tôi ra đi… thì ông ấy bưng về lại…
   – Thế các con của ông bà đâu?
   – Các con của chúng tôi đều có công ăn việc làm, nhà cửa hẳn hoi. Chúng chẳng quan tâm đến những thứ này. Tất cả đồ dùng trong nhà chúng tôi đã cho hết những người cùng đi Nhà Thờ. Rất nhẹ nhàng khi ra đi mà mình không còn gì hết cậu à…”
 
Chồng cô kể xong thì tiếp lời:
– Mà thiệt đó em, cái nhà bên ngoài coi bộ nguy nga hơn nhà mình, sân cỏ trước sau đẹp hơn nhà mình… vậy mà trong nhà hổng có gì ráo, ngoài hai cái mạng già!
 
Nghe mẩu chuyện anh kể, cô cảm thấy xấu hổ trong lòng, nhưng cô cũng kể nốt chuyện con chó hàng xóm và câu chuyện nói với cụ bà ban chiều.
  
Hai vợ chồng bỗng dưng không ai bảo ai, ngồi trầm ngâm. Hai câu chuyện mà vợ chồng cô nghe được từ ông bà cụ hàng xóm thật là bài học, là tấm gương rất đáng trân trọng, rút ra được ý niệm: của cải vật chất thật ra chẳng là gì cả, mọi thứ đều phù du…Cuộc sống có an nhiên tự tại được hay không là do chúng ta tự buông xả, mọi chuyện nặng nhẹ hay không cũng là do chính suy nghĩ của mình. Khi còn tại thế, mình muốn giúp ai, làm gì thì hãy cứ làm, đừng nên ngần ngừ… Con người ta cuối đời, khi về với cát bụi hư không là hai bàn tay trống và một cõi lòng.
 
Đôi vợ chồng trẻ từ ngày nghe câu chuyện mang ý nghĩa “buông xả” của đôi vợ chồng già hàng xóm gốc da màu thì vô cùng ngưỡng mộ. Không biết từ đâu, trong tiềm thức cô cũng như nhiều người bạn cô luôn nhìn về những người da màu với một cái nhìn ít thiện cảm. Mặc dù chính bản thân mình cũng thuộc nhóm người di dân gốc da vàng.
 
Bẵng đi mấy hôm, từ trong nhà, chồng cô nghe tiếng xe cấp cứu hú còi. Nhìn sang căn nhà hàng xóm đối diện thì thấy nhân viên cấp cứu đang đưa cụ ông lên băng ca, xe chạy đi còn thấy cụ bà ngơ ngác đứng trước cửa. Hai vợ chồng bước sang hỏi thăm, được biết cụ ông tự nhiên bị ngã bất tỉnh nên bà bấm 911 gọi cấp cứu. Thế là từ ngày ấy, chỉ còn lại một mình bà cụ trong căn nhà mênh mông. Thỉnh thoảng khi chạy bộ mỗi sáng, nhìn thấy bà cụ dọ dẫm từng bước trước sân nhà, cô hỏi thăm thì được biết cụ ông vẫn còn điều trị trong bệnh viện. Cô luôn luôn nhắc chừng, “Bà cẩn thận nhé, cần giúp gì cứ bấm chuông nhà chúng tôi, vợ chồng tôi luôn sẵn lòng”. Cụ Bà cười móm mém, ánh mắt nhìn cô như reo vui.
 
Một hôm, hai vợ chồng cô đang chăm sóc mấy bụi cây trước sân nhà, cụ bà tay cầm một chìa khóa, từ từ bước qua sân nhà cô. Rất ngạc nhiên, chồng cô ngừng tay hỏi:
   – Bà cần giúp gì ạ?
   – Cậu có thể nào giúp tôi đưa chiếc xe từ trong “ga ra” ra ngoài này không?
   – Bà định làm gì thế?
   – À, tôi muốn lái xe đến bệnh viện thăm ông ấy…
   – Vậy sao, tôi chưa từng thấy bà lái xe bao giờ kể từ ngày chúng tôi dọn về đây.
 Bà cụ chậm rãi:
   – Tôi lái được chứ, có điều… cách đây nhiều năm, sau một tai nạn xe dù không nặng lắm, nhưng… ông ấy không cho tôi lái xe nữa, đi đâu thì ông ấy đưa tôi cùng đi.
Ngưng chút xíu, bà tiếp:
   – Lâu thật không lái xe nên bây giờ tự đưa chiếc xe từ trong “ga ra” ra ngoài, tôi… không được tự tin lắm. Nhờ cậu giúp.
Chồng cô ngừng tay, đón chiếc chìa khóa trên tay bà cụ. Anh bước qua nhà ông bà cụ hàng xóm, cẩn thận nổ máy xe, đưa chiếc xe ra khỏi “ga ra”. Trong khi chờ đợi, cô bắt chuyện:
   – Ông ra sao rồi thưa Bà, ổn chứ?
   – Ông không thể đứng dậy đi được nữa, chắc trí nhớ cũng kém rồi…
Cô ái ngại:
   – Thế…ông… ăn uống ra sao bà?
   – Cũng không tệ lắm, ông cứ sợ tôi lái xe đi nguy hiểm…
Cô nhìn bà đầy thương cảm:
   – Tôi có thể giúp bà, hôm nay tôi rảnh.
Bà cụ cười:
   – Cám ơn cô, tôi nghĩ tôi một mình lái xe đến thăm thì ông ấy rất vui đó.
   – Bà chắc bà Okay chứ?
Bà cụ lại cầm tay cô lắc lắc:
   – Cô yên tâm, Chúa nhìn thấy những gì tôi làm mà, không sao đâu.
Chồng cô đã đưa xe ra ngoài, Bà cụ chầm chậm leo vào, xe đang nổ máy. Bà bình thản thắt dây an toàn, nụ cười móm mém, nhắc lại một câu:
   – Đã lâu lắm tôi không lái xe. Ông ấy hứa sẽ chở tôi đi bất cứ nơi nào tôi muốn. Bây giờ ông ấy đã nằm một chỗ, không đi lại được. Tôi cần phải vì ông ấy mà cố gắng, chắc chắn ông vui lắm đây! Rất cám ơn hai bạn.
Cả hai vợ chồng cô đều dặn bà:
   – Bà cẩn thận nhé!
  
Đôi vợ chồng trẻ nhìn nhau… rồi nhìn theo chiếc xe chầm chậm rời khu phố. Cả hai cùng buông tiếng thở dài, cõi lòng mênh mang buồn. Cầu cho bà cụ còn đủ sức khỏe và minh mẫn để một mình lái xe đi thăm ông. Nếp sống của đôi vợ chồng trẻ từ ngày quen biết ông bà cụ hàng xóm đã thay đổi khá nhiều. Bài học về lòng vị tha, tư tưởng không coi nặng vật chất, chuyện lớn hóa nhỏ, chuyện nhỏ hóa không. Rất an nhiên tự tại, đời sống có phần nhẹ nhàng hơn.
 
o O o
 
Mùa Đông đang đến sau vài cơn mưa nhỏ, những hàng cây vàng lá hai bên đường bắt đầu trơ trụi. Thảm cỏ xanh nhà hàng xóm đã không còn xanh tươi, lác đác có những chiếc lá vàng cuối cùng từ cây phong trồng phía trước bay bay theo gió rồi nhẹ nhàng đáp xuống sân nhà.
  
Bà cụ hàng xóm dạo này thường tự lái xe ra mà không cần đôi bạn trẻ trợ giúp.  Cô thầm nghĩ: Có lẽ hạnh phúc khi mang lại niềm vui cho người bạn đời đã khiến Bà cụ trông có phần tự tin.
  
Hôm nay, thật lạ, bà cụ lần bước qua khoảng sân nhà cô. Từ trong nhà cô đã nhìn thấy chiếc xe bà cụ đã nổ máy và đậu ở ngoài lề đường. Vừa bước ra ngoài cô suy đoán, có lẽ xe bà bị gì đang cần giúp đây.
   – Chào Bà! Hôm nay đi thăm người yêu đó à?
 
Ánh mắt bà cụ long lanh. Cô dò chừng:
   – Sắp đến Giáng Sinh rồi, bà làm món gì cho ông, nào?
 
Cụ Bà cười rất tươi:
   – Năm nay tôi được Chúa thưởng…
   – Bà sẽ vào bệnh viện mừng Lễ với ông chứ?
   – Tôi có món quà lớn lắm, muốn chia sẻ với vợ chồng cô.
  
Người phụ nữ trẻ nhìn quanh, vẫn không hiểu ý bà cụ hàng xóm. Cô lại hỏi tiếp:
   – Ông nhà vẫn ok chứ bà?
   – Vâng, năm nay Chúa thưởng tôi. Lát nữa xe bệnh viện sẽ đưa ông ấy về nhà. Hằng ngày sẽ có nhân viên y tế đến chăm nom vì ông vẫn phải chuyền oxy và ông hầu như chẳng còn biết tôi là ai. Nhưng tôi còn biết ông ấy. Là chồng tôi mà! Đây chính là món quà Giáng Sinh vô giá mà tôi mong mỏi từ bấy lâu đấy cô gái ạ.
  
Ôi Trời, người phụ nữ trẻ vừa mừng vừa cảm động. Món quà vô giá dành cho người vợ chỉ đơn giản là được thấy chồng mình trở về nhà, cho dù ông đã hoàn toàn mất tri giác. Những suy nghĩ rất bao dung cho đến những việc ông bà hàng xóm đã làm khiến cô cảm thấy mình sao quá nhỏ nhoi, ích kỷ. Tại sao không buông bỏ để đời sống nhẹ nhàng? Những suy tư nhỏ nhen đã khiến tâm hồn nặng trĩu, rồi cuối đời còn gì đâu. Hãy sống như ông bà cụ. Bao nhiêu của cải ít cần dùng đem phân phát hết. Không ước ao gì hơn. Mùa Giáng Sinh đang đến, chỉ một hình hài chằng chịt dây nhợ của chồng trở về bên cạnh mà cụ bà đã xem đó là một Ân sủng quý báu, mang lại cho bà nụ cười hạnh phúc, khiến khuôn mặt già rạng rỡ như ánh nắng mai.
  
Cô thật ngưỡng mộ tấm lòng người hàng xóm già nua có trái tim rất ấm.
  
Nước mắt tràn trên đôi mắt người phụ nữ trẻ tuổi. Cô run run choàng tay ôm lấy bà cụ.
   
Một mái tóc bạc bên cạnh mái đầu xanh.
  
Mùa Đông đang đến thật chậm bên thềm.
 
 
Nguyễn Diệu Anh Trinh
 
 

Ý kiến bạn đọc
03/04/202420:47:00
Khách
Bài viết hay va thật cảm động. Cho mình một bài học và phương châm của cuộc sống.
20/12/202319:42:21
Khách
Bài quá hay, quá ý nghĩa nhưng khó thực hiện lắm với những tham sân si trong đời. Ráng nhớ câu "chuyện lớn hóa nhỏ, chuyện nhỏ hóa không"
20/12/202315:45:55
Khách
Bài viêt thật cảm động với thông điệp rất nhân văn . Cám ơn VB và tác giả
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 554,755
Dần dà hai người trở thành đôi bạn thân thiết. Thỉnh thoảng rủ nhau học bài chung với bạn khác ở tận ngã Nguyệt Biều, Thuận và Tú đạp xe lên con dốc gập ghềnh khó đi, nhiều đoạn phải xuống xe dẫn bộ. Con đường có những đoạn trông như khu rừng, cây lá um tùm, đôi bạn dừng chân ngồi nghỉ dưới bóng mát của buổi nắng hè, nhưng đến mùa thu lá đổi màu nhìn thật thơ mộng. Tú vốn có tâm hồn thơ thẩn, mơ mộng của tuổi thanh niên mới lớn, có thứ tình cảm mơ hồ lâng lâng cảm giác êm đềm mỗi lúc đi bên Thuận, nên đã đặt tên con đường là “Rừng Thu Thơ Mộng” gợi trao chút ý tình nhẹ nhàng và cũng để tạo kỷ niệm khi đi trên con đường này. Lúc ấy Thuận cũng mến bạn nhưng cả hai như “tình trong đã ngỏ mặt ngoài còn e.”
Tác giả lần đầ tham dự VVNM với bài Cay Nghiệt, hiện đang làm cố vấn đầù tư tài chính cho một ngân hàng tại Montreal Canada, 60 tuổis. Tác giả cho biết có dự định về hưu non để làm những việc mình từng đam mê như viết lách, đi du lịch, ca hát. Đây là bài mới nhất của tác giả kể lại một câu chuyện tình... cũ mà theo tác giả là chuyện có thật.
Đánh bắt cá linh mùa nước nổi là đặc trưng, đặc thù của sông nước miền tây. Con cá linh đi vào đời sống người dân miền sông nước từ khai hoang lập địa, từ mở cõi phương nam. Mùa cá về ăn tươi đủ món như kho lạt ăn với rau đồng đủ loại mà dân dã gọi là rau tập tàng, rau gì ăn được thì hái chung vô một rổ rau đủ loại, màu sắc hấp dẫn. Chấm nước cá linh kho lạt nên cứ chấm cho ngập rau mà không sợ mặn, mỗi rau mỗi vị tạo nên mùi tập tàng nên gọi là rau tập tàng. Người xưa đơn giản như từ ngữ mộc mạc họ dùng nhưng nghe là thấy thương, nhớ tới cũng còn thương…
Đang ngồi bàn ăn uống với mấy thằng bạn, tôi đứng lên đi nhà vệ sinh. Tôi vừa vào nhà vệ sinh nam thì ngẫu nhiên các bà kéo nhau đến trước cửa nhà vệ sinh nữ “họp chợ” tán gẫu. Tôi không thể tin vào tai mình được khi tình cờ nghe các bà vợ xúm lại than thở với nhau chuyện vô tâm của mấy ông chồng. Tôi có một nhóm bạn, phần lớn là những cặp vợ chồng. Chúng tôi hay đi chơi dã ngoại, dự tiệc chung với nhau và thường ngồi tách riêng ra hai nhóm nam nữ.
Tết trung thu còn gọi là tết trông trăng, tết thiếu nhi… đây là lễ hội có từ lâu đời ở Trung Hoa, Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc. Nguồn gốc chung xuất phát từ nền văn minh Trung Hoa, tuy nhiên khi truyền sang các nước khác thì đã biến hóa để phù hợp với tập tục văn hóa bản địa. Nếu như sự tích trăng trung thu của người Hoa thì là Hằng Nga, Nguyệt Lão, Thiềm Thừ, Ngọc Thố… trăng trung thu của Việt Nam chỉ còn chị Hằng và thêm vào đó là chú cuội, cây đa, con trâu điều này thể hiện sự khác biệt của tết trung thu Việt Nam và vừa cho thấy dấu ấn của nền văn minh nông nghiệp lúa nước của người Việt phương nam.
Chiều mùa Thu thật mau tối, ảm đạm dưới màn trời xám xịt. Tôi dừng xe đổ xăng, rồi bâng quơ nhìn qua bên kia đường là cửa hàng Marshalls. Tôi chợt nhớ ra trong xe có đôi bao tay tôi đã mua nhưng không vừa ý, cần trả lại tiệm. Ở xứ tự do nói chung và xứ Bắc Mỹ này nói riêng, sướng thật. Khi mua đồ về nhà, trong vòng 30 ngày có thể đem trả lại dù với bất cứ lý do gì miễn là còn tag, còn receipt rõ ràng. Nếu ở Việt Nam thì ... mơ đi nhé, mà nếu họ có đồng ý cho đổi trả thì cũng mặt mày sưng sỉa, nặng nhẹ mắng chó chửi mèo mới hả dạ, làm cho khách hàng cảm thấy mình là “ tội đồ” chớ không phải là “thượng đế”.
Tác giả Thanh Mai là cư dân Minnesota, đã nhận giải vinh danh tác giả Viết Về Nước Mỹ 2008. Với những bài viết thuộc nhiều thể loại đề tài, cô là một tác giả rất được bạn đọc yêu mến. Đây là bài viết mới nhất.
Tôi vặn ti-vi lên, kiếm phim để coi. Đài nào cũng Halloween này Halloween nọ, kẹo bánh đầy tiệm, quần ma áo quỷ, chán quá. Đổi qua đài Netflix, thấy bộ phim dài, The Defeated, phim về thời hậu chiến Thế Giới Thứ Hai, mở ra coi thử. Ráng coi tới tập 2 thì phim vẫn còn quanh quẩn trong một xã hội đổ nát sau chiến tranh, với những ngôi nhà thấp, những tầng lầu cao, cả thị trấn lỗ chỗ dấu đạn, với những thân phận con người vẫn phải tiếp tục sống lẩn quẩn tìm tòi bươi móc trong đống tro tàn, sao mà giống Việt Nam quá. Từ xưa tới nay, thuở khai thiên lập địa, con người xâu xé lẫn nhau, giành đất sống. Rồi chiến tranh. Đệ Nhứt Thế Chiến, Đệ Nhị Thế Chiến, nồi da xáo thịt Việt Nam, chiến tranh bên nước Ukraine và mới đây, lò lửa Trung Đông vừa bộc phát ở Do Thái bởi Hamas (Palestine), chưa gì dân cả hai bên đã chết và bị thương cả chục ngàn người, Dãy Đất Gaza thành bình địa.
Năm 2017, khi tìm hiểu về căn bệnh ung thư tuyến tiền liệt và giúp tía Hai Lúa trong quá trình trị bệnh, KV có chia sẻ một số cách chữa trị Prostate cancer phổ biến ở Mỹ. Sau 44 lần xạ trị và tiêm hormone mỗi ba tháng, tía Hai Lúa có vẻ khỏe lại. Nhưng có lẽ tía đã không nên chủ quan và vội nghĩ mình đã thoát ung thư, bởi mầm ung thư có sẵn trong mỗi người; khi các duyên hội đủ, ung thư sẽ phát triển. Bốn năm sau, tháng 5/2021, khi đến lúc tía đi siêu âm và chụp Xray hàng năm để canh chừng dấu hiệu ung thư tái phát thì kết quả cho thấy vài bướu ung thư với kích cỡ khác nhau lại mọc lên ở vùng bụng dưới. Bác sĩ cấp kỳ lên kế hoạch trị bệnh cho tía. Lần này, họ không đề nghị xạ trị nữa mà mạnh dạn cho toa thuốc chemo viên: thuốc tốt nhất, mạnh nhất… và dĩ nhiên đắt tiền nhất, hơn $500/viên.Chỉ vài tuần sau khi tía Hai Lúa bắt đầu dùng thuốc chemo, mọi người trong nhà nhanh chóng nhận thấy tình trạng sức khỏe của tía xuống dốc trầm trọng.
Mẹ nhìn tôi với cặp mắt trách móc nhưng dịu lại ngay, vẫn không nói gì; bà cố gắng chịu đựng những lời nói cay đắng như xát muối vào tim của tôi vì bà muốn đền bù cho tôi đã phải cực khổ mang cái bào thai của những tên đầu trâu mặt ngựa mất nhân tính trên đảo khi tàu chúng tôi được tàu Thái Lan vớt và đưa vào một đảo của đất nước này. Tôi biết những lời nói của tôi thật hỗn hào, làm nhói lòng mẹ, nhưng tôi không thể kiềm chế mình được, không thể tự chủ được mỗi lần mẹ bảo tôi trông nó! Nó dễ thương thật nhưng nhìn thấy thằng bé, tôi không thể nào quên được quá khứ nhục nhã ấy.
Nhạc sĩ Cung Tiến