Hôm nay,  

Không Món Quà Nào Hơn

19/12/202311:18:10(Xem: 3576)

xmas

Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố “Hát Ô” và nhận giải Viết Về Nước Mỹ. Sau đây là bài viết mới nhất.
 
*
 
Khu phố cô ở có chừng một trăm căn nhà, dãy bên phía nhà cô nhà nào cũng nằm trên một con dốc thoai thoải, không cao lắm, còn phía bên kia thì bằng phẳng hơn, với những sân cỏ xanh mướt. Đặc biệt căn nhà đối diện nhà cô, chủ nhân là đôi vợ chồng già, màu da hơi sậm. Sân cỏ trước nhà ông bà này rất đẹp, xanh mướt như nhung và không hề có một gốc cỏ dại. Chiều chiều, ông bà hay ra ngồi xổm xuống để nhặt lá vàng và nhổ những cọng cỏ dại mới nhú, hình ảnh rất quen thuộc với đám trẻ con hàng ngày lên xuống xe bus đưa đón học sinh ở góc phố cạnh đó.
  
Khu phố nhỏ thỉnh thoảng có người dọn đi, có kẻ dọn đến… nhưng ông bà lão này chẳng hề quan tâm đến những thay đổi ấy.
 
Một cảnh quen thuộc, cứ chiều chiều là có người thanh niên râu tóc đậm đen, hay dắt chú chó đi qua đoạn đường trước mặt nhà cô. Anh chủ thì mặt lầm lì còn con chó thì cao to và có phần năng động. Có hôm cô bắt gặp quả tang con chó ị trên sân cỏ phạm vi nhà cô nhưng anh chủ không dùng bao nylon để “thanh toán” như quy luật mà làm ngơ, dắt chó đi luôn. Cô hơi bực mình. Vài lần khác, con chó ị ngay ở khoảng sân đẹp nhà đối diện. Ông bà lão kia dường như không biết, cô cảm thấy ái ngại giùm - nếu lỡ ông bà ngồi xuống nhổ cỏ mà chẳng may vớ phải “của quý” thì ôi thôi! Năm lần, ba lượt… cô quyết định bắt chuyện với bà lão:
 
   – Bà có biết là phân chó trên sân cỏ nhà bà không?
 
Bà lão nhìn cô, đôi mắt nheo nheo… 
 
Cô lặp lại, bà trả lời bằng một nụ cười. Nghĩ rằng bà lẩm cẩm, cô lên tiếng:
 
   – Người chủ con chó đó nhà ở góc kia, bà có muốn phàn nàn về chuyện dẫn chó đi dạo mà không giữ vệ sinh chung một cách vô ý thức vậy không?
 
Bà lão bình thản:
   – Không cần đâu, nếu con chó của ông ta ị bậy, tôi có thể dọn được mà!
 
Cô tròn mắt:
   – Phải nói cho ông ta biết để giữ vệ sinh chung ở đây chứ!
 
Bà nhẹ nhàng:
   – Yên tâm cô bé, tôi có thể làm việc đó mà.
   – Bà không bực bội sao?
   – Chuyện rất nhỏ, không nên làm cho nó lớn ra, cô à!
  
Cô đang ngạc nhiên trước vẻ bình thản tự tại của bà thì bà tiếp:
– Chúa dạy ta, “Nếu ai vả má bên phải của con, thì hãy đưa má bên kia cho nó nữa. Đừng xét đoán, thì các con sẽ khỏi bị xét đoán; đừng kết án, thì các con khỏi bị kết án. Hãy tha thứ, thì các con sẽ được tha thứ …”
 
Cô nhìn bà lão bằng ánh mắt lạ lùng vì thấy bà lão lẩm bẩm giống một người đãng trí đang nói chuyện với chính mình, hay giống như một Bà Cố đang giảng đạo trong Nhà Thờ. Nhưng không phải, bà cười cười lắc lắc tay cô:
   – Tôi và chồng tôi có thể làm việc ấy, không sao đâu cô bạn nhỏ.
 
Buổi tối, trong bữa ăn cô định kể lại câu chuyện cho chồng nghe thì thật
bất ngờ anh cũng có chuyện để kể: “Em biết không, hai cụ già trước nhà mình là người rất siêng năng đi Nhà Thờ, hôm nọ cụ ông nhờ anh qua thay giùm cái bóng đèn vì chân cụ yếu không leo lên thang được. Thấy trong nhà đồ đạc không có gì anh nghĩ hai cụ chắc sắp dọn nhà đi nơi khác nên hỏi:
    – Ông bà sẽ dọn đến đâu ạ?
    – Chúng tôi không dọn đi đâu cả…
 
Nhìn nét mặt ngơ ngác của anh, cụ nói:
– Tất cả đồ đạc trong nhà, chỉ trừ những thứ cần phải để dùng hàng ngày, còn lại… tôi đã cho hết… nhiều người đang cần hơn chúng tôi.
 
Ôi trời, quả thật trong gian bếp rộng và rất khang trang chỉ còn sơ sài đôi cái chén, ly, không bàn ghế, không tủ. Cụ ông còn đưa tay chỉ vào cái sofa nhỏ bảo:
– Cái này của người bạn tôi, ông ta đến đây muốn ngồi xem TV mà không có ghế nên ông ta mang đến, chừng nào chúng tôi ra đi… thì ông ấy bưng về lại…
   – Thế các con của ông bà đâu?
   – Các con của chúng tôi đều có công ăn việc làm, nhà cửa hẳn hoi. Chúng chẳng quan tâm đến những thứ này. Tất cả đồ dùng trong nhà chúng tôi đã cho hết những người cùng đi Nhà Thờ. Rất nhẹ nhàng khi ra đi mà mình không còn gì hết cậu à…”
 
Chồng cô kể xong thì tiếp lời:
– Mà thiệt đó em, cái nhà bên ngoài coi bộ nguy nga hơn nhà mình, sân cỏ trước sau đẹp hơn nhà mình… vậy mà trong nhà hổng có gì ráo, ngoài hai cái mạng già!
 
Nghe mẩu chuyện anh kể, cô cảm thấy xấu hổ trong lòng, nhưng cô cũng kể nốt chuyện con chó hàng xóm và câu chuyện nói với cụ bà ban chiều.
  
Hai vợ chồng bỗng dưng không ai bảo ai, ngồi trầm ngâm. Hai câu chuyện mà vợ chồng cô nghe được từ ông bà cụ hàng xóm thật là bài học, là tấm gương rất đáng trân trọng, rút ra được ý niệm: của cải vật chất thật ra chẳng là gì cả, mọi thứ đều phù du…Cuộc sống có an nhiên tự tại được hay không là do chúng ta tự buông xả, mọi chuyện nặng nhẹ hay không cũng là do chính suy nghĩ của mình. Khi còn tại thế, mình muốn giúp ai, làm gì thì hãy cứ làm, đừng nên ngần ngừ… Con người ta cuối đời, khi về với cát bụi hư không là hai bàn tay trống và một cõi lòng.
 
Đôi vợ chồng trẻ từ ngày nghe câu chuyện mang ý nghĩa “buông xả” của đôi vợ chồng già hàng xóm gốc da màu thì vô cùng ngưỡng mộ. Không biết từ đâu, trong tiềm thức cô cũng như nhiều người bạn cô luôn nhìn về những người da màu với một cái nhìn ít thiện cảm. Mặc dù chính bản thân mình cũng thuộc nhóm người di dân gốc da vàng.
 
Bẵng đi mấy hôm, từ trong nhà, chồng cô nghe tiếng xe cấp cứu hú còi. Nhìn sang căn nhà hàng xóm đối diện thì thấy nhân viên cấp cứu đang đưa cụ ông lên băng ca, xe chạy đi còn thấy cụ bà ngơ ngác đứng trước cửa. Hai vợ chồng bước sang hỏi thăm, được biết cụ ông tự nhiên bị ngã bất tỉnh nên bà bấm 911 gọi cấp cứu. Thế là từ ngày ấy, chỉ còn lại một mình bà cụ trong căn nhà mênh mông. Thỉnh thoảng khi chạy bộ mỗi sáng, nhìn thấy bà cụ dọ dẫm từng bước trước sân nhà, cô hỏi thăm thì được biết cụ ông vẫn còn điều trị trong bệnh viện. Cô luôn luôn nhắc chừng, “Bà cẩn thận nhé, cần giúp gì cứ bấm chuông nhà chúng tôi, vợ chồng tôi luôn sẵn lòng”. Cụ Bà cười móm mém, ánh mắt nhìn cô như reo vui.
 
Một hôm, hai vợ chồng cô đang chăm sóc mấy bụi cây trước sân nhà, cụ bà tay cầm một chìa khóa, từ từ bước qua sân nhà cô. Rất ngạc nhiên, chồng cô ngừng tay hỏi:
   – Bà cần giúp gì ạ?
   – Cậu có thể nào giúp tôi đưa chiếc xe từ trong “ga ra” ra ngoài này không?
   – Bà định làm gì thế?
   – À, tôi muốn lái xe đến bệnh viện thăm ông ấy…
   – Vậy sao, tôi chưa từng thấy bà lái xe bao giờ kể từ ngày chúng tôi dọn về đây.
 Bà cụ chậm rãi:
   – Tôi lái được chứ, có điều… cách đây nhiều năm, sau một tai nạn xe dù không nặng lắm, nhưng… ông ấy không cho tôi lái xe nữa, đi đâu thì ông ấy đưa tôi cùng đi.
Ngưng chút xíu, bà tiếp:
   – Lâu thật không lái xe nên bây giờ tự đưa chiếc xe từ trong “ga ra” ra ngoài, tôi… không được tự tin lắm. Nhờ cậu giúp.
Chồng cô ngừng tay, đón chiếc chìa khóa trên tay bà cụ. Anh bước qua nhà ông bà cụ hàng xóm, cẩn thận nổ máy xe, đưa chiếc xe ra khỏi “ga ra”. Trong khi chờ đợi, cô bắt chuyện:
   – Ông ra sao rồi thưa Bà, ổn chứ?
   – Ông không thể đứng dậy đi được nữa, chắc trí nhớ cũng kém rồi…
Cô ái ngại:
   – Thế…ông… ăn uống ra sao bà?
   – Cũng không tệ lắm, ông cứ sợ tôi lái xe đi nguy hiểm…
Cô nhìn bà đầy thương cảm:
   – Tôi có thể giúp bà, hôm nay tôi rảnh.
Bà cụ cười:
   – Cám ơn cô, tôi nghĩ tôi một mình lái xe đến thăm thì ông ấy rất vui đó.
   – Bà chắc bà Okay chứ?
Bà cụ lại cầm tay cô lắc lắc:
   – Cô yên tâm, Chúa nhìn thấy những gì tôi làm mà, không sao đâu.
Chồng cô đã đưa xe ra ngoài, Bà cụ chầm chậm leo vào, xe đang nổ máy. Bà bình thản thắt dây an toàn, nụ cười móm mém, nhắc lại một câu:
   – Đã lâu lắm tôi không lái xe. Ông ấy hứa sẽ chở tôi đi bất cứ nơi nào tôi muốn. Bây giờ ông ấy đã nằm một chỗ, không đi lại được. Tôi cần phải vì ông ấy mà cố gắng, chắc chắn ông vui lắm đây! Rất cám ơn hai bạn.
Cả hai vợ chồng cô đều dặn bà:
   – Bà cẩn thận nhé!
  
Đôi vợ chồng trẻ nhìn nhau… rồi nhìn theo chiếc xe chầm chậm rời khu phố. Cả hai cùng buông tiếng thở dài, cõi lòng mênh mang buồn. Cầu cho bà cụ còn đủ sức khỏe và minh mẫn để một mình lái xe đi thăm ông. Nếp sống của đôi vợ chồng trẻ từ ngày quen biết ông bà cụ hàng xóm đã thay đổi khá nhiều. Bài học về lòng vị tha, tư tưởng không coi nặng vật chất, chuyện lớn hóa nhỏ, chuyện nhỏ hóa không. Rất an nhiên tự tại, đời sống có phần nhẹ nhàng hơn.
 
o O o
 
Mùa Đông đang đến sau vài cơn mưa nhỏ, những hàng cây vàng lá hai bên đường bắt đầu trơ trụi. Thảm cỏ xanh nhà hàng xóm đã không còn xanh tươi, lác đác có những chiếc lá vàng cuối cùng từ cây phong trồng phía trước bay bay theo gió rồi nhẹ nhàng đáp xuống sân nhà.
  
Bà cụ hàng xóm dạo này thường tự lái xe ra mà không cần đôi bạn trẻ trợ giúp.  Cô thầm nghĩ: Có lẽ hạnh phúc khi mang lại niềm vui cho người bạn đời đã khiến Bà cụ trông có phần tự tin.
  
Hôm nay, thật lạ, bà cụ lần bước qua khoảng sân nhà cô. Từ trong nhà cô đã nhìn thấy chiếc xe bà cụ đã nổ máy và đậu ở ngoài lề đường. Vừa bước ra ngoài cô suy đoán, có lẽ xe bà bị gì đang cần giúp đây.
   – Chào Bà! Hôm nay đi thăm người yêu đó à?
 
Ánh mắt bà cụ long lanh. Cô dò chừng:
   – Sắp đến Giáng Sinh rồi, bà làm món gì cho ông, nào?
 
Cụ Bà cười rất tươi:
   – Năm nay tôi được Chúa thưởng…
   – Bà sẽ vào bệnh viện mừng Lễ với ông chứ?
   – Tôi có món quà lớn lắm, muốn chia sẻ với vợ chồng cô.
  
Người phụ nữ trẻ nhìn quanh, vẫn không hiểu ý bà cụ hàng xóm. Cô lại hỏi tiếp:
   – Ông nhà vẫn ok chứ bà?
   – Vâng, năm nay Chúa thưởng tôi. Lát nữa xe bệnh viện sẽ đưa ông ấy về nhà. Hằng ngày sẽ có nhân viên y tế đến chăm nom vì ông vẫn phải chuyền oxy và ông hầu như chẳng còn biết tôi là ai. Nhưng tôi còn biết ông ấy. Là chồng tôi mà! Đây chính là món quà Giáng Sinh vô giá mà tôi mong mỏi từ bấy lâu đấy cô gái ạ.
  
Ôi Trời, người phụ nữ trẻ vừa mừng vừa cảm động. Món quà vô giá dành cho người vợ chỉ đơn giản là được thấy chồng mình trở về nhà, cho dù ông đã hoàn toàn mất tri giác. Những suy nghĩ rất bao dung cho đến những việc ông bà hàng xóm đã làm khiến cô cảm thấy mình sao quá nhỏ nhoi, ích kỷ. Tại sao không buông bỏ để đời sống nhẹ nhàng? Những suy tư nhỏ nhen đã khiến tâm hồn nặng trĩu, rồi cuối đời còn gì đâu. Hãy sống như ông bà cụ. Bao nhiêu của cải ít cần dùng đem phân phát hết. Không ước ao gì hơn. Mùa Giáng Sinh đang đến, chỉ một hình hài chằng chịt dây nhợ của chồng trở về bên cạnh mà cụ bà đã xem đó là một Ân sủng quý báu, mang lại cho bà nụ cười hạnh phúc, khiến khuôn mặt già rạng rỡ như ánh nắng mai.
  
Cô thật ngưỡng mộ tấm lòng người hàng xóm già nua có trái tim rất ấm.
  
Nước mắt tràn trên đôi mắt người phụ nữ trẻ tuổi. Cô run run choàng tay ôm lấy bà cụ.
   
Một mái tóc bạc bên cạnh mái đầu xanh.
  
Mùa Đông đang đến thật chậm bên thềm.
 
 
Nguyễn Diệu Anh Trinh
 
 

Ý kiến bạn đọc
03/04/202420:47:00
Khách
Bài viết hay va thật cảm động. Cho mình một bài học và phương châm của cuộc sống.
20/12/202319:42:21
Khách
Bài quá hay, quá ý nghĩa nhưng khó thực hiện lắm với những tham sân si trong đời. Ráng nhớ câu "chuyện lớn hóa nhỏ, chuyện nhỏ hóa không"
20/12/202315:45:55
Khách
Bài viêt thật cảm động với thông điệp rất nhân văn . Cám ơn VB và tác giả
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 554,374
Tác giả tên thật là Nguyễn Thị Kim Loan, sinh năm 1966, là cô giáo tiểu học khi còn ở Việt Nam. Vượt biên và sống ở trại tỵ nạn Thailand từ 1989-1993. Định cư tại Canada từ 1994 đến nay. Tác giả nhận giải đặc biệt VVNM 2021. Sau đây là bài viết mới nhất của Cô, viết về người cha, theo lời kể của một người hàng xóm cũ, hiện đang định cư ở Dallas, Texas.
Là con của một sĩ quan tù cải tạo, tác giả Lê Xuân Mỹ đã góp vào giải VVNM những bài viết xúc động. Ông đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019 và giải Vinh Danh Tác Phẩm 2021. Sau đây là bài viết mới nhất của Ông, viết để tưởng nhớ hai người bạn Phạm Phúc-Hạnh Nguyên vừa qua đời, là nạn nhân của một vụ giết người ngày 1 tháng 6 vừa qua gây thương tâm kinh hoàng cho cộng đồng người Việt Bắc Cali.
Ban Tổ Chức Giải Viết Về Nước Mỹ trân trọng thông báo Lễ Phát Giải và Ra Mắt Sách Viết Về Nước Mỹ 2022-2023 sẽ được tổ chức vào trưa Chủ Nhật ngày 26 tháng 11, 2023 tại Garden Grove, CA.
Niềm vui của mùa hè ở đây là tìm đến các ngã tư đường, nhìn trên trụ đèn , đủ loại giấy màu, đủ kích cỡ, đủ màu mực, chữ to, chữ nhỏ, nào là Garage sale, Yard sale, Moving sale, Estate sale v.v..., đó là những bản quảng cáo đơn giản của một khu chợ trời thu nhỏ trong sân, trong nhà để xe , tầm giấy nào cũng có ghi số nhà, mũi tên chỉ đường, ngày thứ năm họ bắt đầu quảng cáo, thứ Sáu, thứ Bảy, CN, là những ngày hè vui trên quê hương thứ hai này, đi khắp nơi, đường nào cũng qua, góc cùng ngõ cụt nào cũng tới, tha hồ mua, cũ họ mới mình giá cả hết sức khiêm tốn, 25 cents 50 cents, 1 đồng là giá cao.
Dường như con cái lớn lên khó dạy hơn hồi còn nhỏ. Hồi nhỏ nói gì chúng cũng nghe, bây giờ con ít vâng lời hơn khiến tôi có cảm giác con càng lớn càng khó dạy. Khi con còn trẻ nhỏ, chạy nhảy lung tung, la hét, lục lọi phá phách làm cha mẹ vất vả, nhưng cũng không khổ bằng khi con trưởng thành. Ảnh hưởng của nền văn minh dân chủ đã khiến con cái tự quyết định cho chính mình trong nhiều vấn đề khiến cha mẹ chỉ biết cầu trời. Giáo dục con cái ngày nay thật sự là một vấn đề không dễ dàng.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam. Bà tên thật Nguyễn thị Ngọc Hạnh, trước 1975 đã là giáo sư trung học đệ nhị cấp tại Saigon. Cùng gia đình tới Mỹ từ 1979., hiện hưu trí tại miền Đông và vẫn tiếp tục viết. Sau đây, thêm một bài viết mới về chuyến thăm viếng Florida năm nay của tác giả.
Khi còn trẻ, tôi có người bạn đi tu, anh ta học bảy năm trời để thành linh mục. Anh ta nói với tôi, “Với người Công giáo, trong nhà có một người đi tu học làm linh mục là vinh dự, niềm hãnh diện của gia đình. Cha mẹ tôi không ép con cái nhưng thầm mong là điều đương nhiên. Tôi quyết định làm linh mục với hơn nửa phần tự chọn tương lai của mình, non nửa phần vì mong cha mẹ tôi được vui như một sự đền đáp của người con…” Nay ước gì được gặp lại anh ta, gặp linh mục tôi sẽ nói về đời sống Mỹ, “Trong nhà có một người con đi lính, không chỉ tốt cho bản thân người ấy sống có kỷ luật từ đó về sau mà còn tốt cho mọi thành viên trong gia đình về cách sống đơn giản nhưng thực tế của người lính, lối suy nghĩ không ích kỷ vì tinh thần đồng đội của lính rất cao, là nguồn gốc, căn bản hình thành nên nhân cách con người tới suốt đời. Những thành viên trong gia đình không ít thì nhiều đều thay đổi bản thân theo chiều hướng tốt hơn khi suy nghĩ về những thay đổi chín chắn và độ lượng của th
Khi nghe bác sĩ nói thay tế bào gốc chúng tôi cùng thắc mắc có phải là tủy thích hợp từ người khác hiến tặng không? Nhưng bác sĩ giải thích là phương pháp mới bây giờ sẽ dùng ngay chính tủy tốt của bệnh nhân để thay vào. Tra Google thấy nói là THAY TẾ BÀO GỐC TỰ THÂN. Nghe ngộ ghê! Bác sĩ cũng nói thêm bệnh nhân phải chịu nhiều phản ứng phụ rất khó chịu vì phải hóa trị một liều thuốc rất mạnh để làm các tế bào xấu lẫn tốt tiêu hết mới đưa tế bào gốc vào. Trong khi đó xác xuất chỉ 70% thành công và khả năng từ 1 đến 7 phần trăm sau này có thể bị vướng 1 loại ung thư máu không chữa được. Còn nếu không thay tủy thì bệnh ung thư của Hoàng sẽ trở lại sớm hơn. Thôi thì cứ chọn thay tủy vậy, 70% là con số cũng lớn mà. Cứ hy vọng đi!
Tác giả Võ Phú dự Viết Về Nước Mỹ từ 2004. Võ Phú sinh năm 1978 tại Nha Trang-Việt Nam; định cư tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University. Hiện làm việc và học tại Medical College of Virginia. Sau 12 năm bặt tin, tác giả tiếp tục viết lại từ 2016 và nhận giải Danh Dự Viết về nước Mỹ từ 2019. Sau đây là bài viết mới nhất, về câu chuyện "ai đời mẹ ghẻ lại yêu thương con chồng!"
Loài chó là một tạo vật tuyệt vời Thượng Đế đã ban cho con người, nó có một đức tính mà tự cổ chí kim, ai cũng nhận ra là sự trung thành tuyệt đối. Câu chuyện con chó Hachiko ở Nhật Bản đã làm rung động biết bao con tim trên thế giới. Trong 9 năm liền, ngày nào nó cũng đến nhà ga xe lửa nằm chờ chủ nó đi làm về, nhưng ông đã không bao giờ trở về nhà vì cơn đau tim đột ngột, ông chết tại sở làm. Ngày nào cũng vậy, dù mưa rơi, tuyết đổ, hay nắng hè oi bức, Hachiko vẫn kiên nhẫn chờ đợi chủ cho đến khi nó gục chết vì kiệt sức ở sân ga. Người Nhật đã tạc tượng con chó Hachiko như là biểu tượng của sự trung thành.
Nhạc sĩ Cung Tiến