Hôm nay,  

Bên lề ngày Phát Giải Viết Về Nước Mỹ năm 2023

19/12/202311:16:11(Xem: 2106)
12192023 giải đặc biệt Phương Lâm
Tác giả Phương Lâm nhận Giải Đặc Biệt VVNM 2023 tại Lễ Phát Giải VVNM tháng 12, 2023.

 

Tác giả tên thật là Phương Nguyễn. Sinh năm 1957 tại Phủ Cam, Huế, là cựu học sinh trường Jeanne D'Arc. Hiện ở tại thành phố Seattle, tiểu bang Washington. Tác giả vừa nhận giải đặc biệt năm 2023.

 

***

 

Những ưu tư, những uẩn khúc chất chứa trong lòng, không biết chia sẻ với ai, nhờ diễn đàn Viết Về Nước Mỹ của Việt Báo mình đưa tâm tình lên trang mạng, cho nhẹ bớt trong lòng, chưa khi nào mơ tới chuyện giải thưởng.

Rồi nhận được Email báo tin của chị Hằng, kèm theo giấy mời tham dự buổi lễ phát thưởng viết về nước Mỹ năm 2023 tại Nam Cali, tôi run lên, một cảm giác  không tả được, tắt computer đứng dậy, đi một vòng ra sân hít thở, để cho tinh thần tỉnh táo, vô lại, mở máy, lên mạng, đọc đi, đọc lại trang thư mà chị Hằng gửi, lúc này nhịp đập tim ổn định, tôi gọi ông xã nhà tôi vô đọc Email.  Ông cũng sửng sốt nói:

    – Ui chao! Có thiệt gửi cho bà không?

Tôi trả lời:

    – Tui đã vô trang Viết Về Nước Mỹ năm 2023 rà lại, có tên và lý lịch trích ngang, kèm theo bài viết được chọn cho giải đặc biệt.

   
Ông bảo tôi mở trang đó cho ông coi.  Đúng là con người yếu đức tin, trình bày chi tiết rõ ràng như vậy mà không tin, cho thấy rằng  người thân của mình cũng không tin đó là sự thật.

Gia đình ngập niềm vui, mấy đứa con  nhao lên:

    – Mẹ ghê hè!  Mẹ ghê hè…

    – Để con mời mẹ đi nhà hàng ăn mừng.

   
Thành phố Everett tôi đang ở có mấy tiệm phở chứ không có nhà hàng của người Á Châu, mà phở thì nấu ở nhà ngon hơn, chất lượng hơn, nên tôi từ chối lời gợi ý của cậu con trai. Tôi nhắc:

    – Ban tổ chức cố ý gửi thông báo sớm để mình lo phương tiện, con coi mua vé máy bay cho ba mẹ, mua vé sớm sẽ nhẹ tiền, nếu được, con mua vé thứ 6 đi, thứ 2 về, đừng đi lâu quá.

   
Mấy hôm sau con tôi báo:

    – Đó là tuần lễ Thanksgiving, giá vé tăng rất cao, mẹ phải đi  ngày thứ 2 đầu tuần lễ Thanksgiving, về thứ 2 cuối tuần thì giá vé tương đối rẻ hơn.

   
Tôi thấy vé đắt, thời gian đi quá lâu, lỡ trục trặc công việc làm thì phiền lắm, bàn với ông xã nhà tôi:

    – Mình nhờ vợ chồng Lâm ở dưới đó, đến đại diện nhận giải thưởng giúp.

   
Ông xã tôi cằn nhằn:

    – Lúc nào cũng công việc, bà không nghe Ông Bà mình nói, ăn một miếng giữa làng, hơn ăn một sàng trong bếp, đi ra khỏi nhà để mở mắt với người ta.

    
Vậy là chúng tôi mua vé đi ngày thứ 2 đầu tuần lễ Tạ Ơn.

   
Tôi nhớ có lần chị bạn đi Cali thăm con gái về nói chuyện, nhà chị ở dưới thành phố Shoreline thay vì mua vé máy bay đi phi trường Seatac thì chị mua vé máy bay phi trường Everett. Nghe chị nói vậy tôi cất kỹ trong bụng không mấy tin, vì tôi chuyển nhà lên đây gần 2 năm chưa nghe ai nói Everett có phi trường dân dụng, giờ này tôi nhắc đại với cậu con trai, ra vẻ mình biết nhiều.

   
– Con nhớ mua vé đi ở phi trường Everett nghe.

   
Con trai tôi cãi:

    –  Trên này chỉ có phi trường của hãng máy bay Boeing làm chi có phi trường thương mại.

    
Tôi nói:

    – Hôm trước mẹ nghe bác Thành đi Cali về nói vậy, để mẹ phone hỏi lại bác ấy, hay là con vào hỏi ông Google coi ông trả lời sao?

   
Một lát sau con trai tôi báo:

   – Dạ đúng rồi mẹ ơi, trên này có phi trường Paine Field, Google Map báo từ nhà mình ra đó 7 phút, hãng máy bay Alaska. Con mua vé rồi,  5 giờ 50 sáng thứ 2 máy bay cất cánh, tới phi trường John Wayne, Santa Ana  9 giờ 15 AM, lên lại chiều thứ 2, máy bay cất cánh 5 PM dưới đó, tới đây  8:15 PM.

    
Như vậy đường bay đi và về của phi trường này nhanh hơn 15 phút so với phi trường Seatac. Tôi rất mừng vì từ nhà ra phi trường 7 phút, nếu không có phi trường này phải về phi trường Seatac  xe chạy trên một giờ mới tới, nạn kẹt xe thì khỏi nói, để khỏi trễ máy bay lúc nào cũng phải đi trước 2 giờ, hơn nữa, hệ thống kiểm tra an ninh rất lâu vì phi trường Seatac là phi trường quốc tế, khách đi quá đông.

   


Năm giờ sáng thứ Hai ngày 20/11/ 2023, chúng tôi ra phi trường Paine Field,  sương mù dày đặc không thể nhìn xa, nên không định hình được phi trường lớn , nhỏ, cỡ nào. Seattle cả tuần nay rất lạnh, nhiệt độ hạ thấp, trung bình 35 đến 37 độ F, các mái nhà đá đông trắng xóa, đường nhựa đen bóng, gọi là black ice.

   
“Tôi kể một chuyện vui, mấy chục năm trước, lúc mới tới tiểu bang này, Sáng đi làm rất sớm, đậu xe ở Park & Ride  rồi lên xe bus đến sở làm, chiều về lấy xe, có một buổi sáng xe tôi đứng lại trong bãi đậu xe, tôi ngạc nhiên không hiểu mới sáng sớm  người ta mất gì, mà chùm hum tìm, tôi mở cửa xe, một chân đặt xuống đất, chuẩn bị đứng lên, thì bị trợt dài, may tay níu được cửa xe không bị té nhào, đứng hai chân không được bắt buộc phải chống thêm hai tay xuống đất  chùm hum bò tìm đồ như thiên hạ”.

Vào phòng check-in, không biết sáng nay phi trường này có thêm chuyến bay  khác không, chứ  giờ này quầy check-in, ký gửi hành lý thoải mái, vài ba người đi vào, thủ tục hành chính xong, đi lên lầu, căn phòng chờ khá rộng, hành khách khoảng 7 tám chục người, mắt đảo quanh một vòng, coi có vị đồng hương nào không, góc trái căn phòng có hai ông bà người châu Á lớn tuổi, còn lại toàn là người Mỹ.

    
Lên máy bay  hai ông bà này ngồi cách mấy dãy  ghế phía sau chúng tôi. Chuyến  bay cất cánh đúng giờ. Thông báo  hạ cánh cũng đúng giờ, cô tiếp viên Hàng Không khá lớn tuổi, không biết nói chi mà nói rất nhiều, nói nhanh, hai vợ chồng tôi quá giỏi tiếng Anh, nghe lõm bõm vài ba tiếng, gì mà máy bay sẽ trở lại phi trường Santa Ana, hai vợ chồng nói với nhau:

    – Tới Santa Ana rồi sao mà trở lại Santa Ana hè?

Máy bay đứng lại, người ta xuống, chúng tôi cũng xuống theo, ra khu đợi lấy hành lý. Hành lý theo dây chuyền chạy vòng liên tục, hành khách lấy hành lý đi hết rồi, còn lại hai vợ chồng người Á Châu, hai ông bà này đã thấy họ trong phòng chờ trên Everett, chúng tôi đứng đợi muốn rục hai chân, từ 9 giờ 30 sáng mãi đến 12 giờ trưa vẫn không  thấy hành lý của mình.

Vợ chồng con trai đi đón, thỉnh thoảng gọi hỏi ba mẹ đang ở đâu, chúng tôi trả lời đang chờ lấy hành lý. Chờ lâu quá cũng chột dạ, tôi cầm vé máy bay đi tìm nhân viên phi trường hỏi thử, họ coi vé máy bay, gọi phone đi đâu đó rồi trả lời:

    – Đây là phi trường Los Angeles, chuyến bay này đã bay trở lại phi trường Santa Ana lúc 11 giờ 30 rồi, ông bà đã trễ chuyến bay, ngồi đây đợi chúng tôi sẽ tìm cách giúp.

    Nghe nói vậy, đã mệt còn mệt thêm, gọi phone báo cho vợ chồng con trai biết, chúng tôi đã xuống lộn phi trường, bây giờ đang ở Los Angeles, cô dâu cười nói:

    – Xuống phi trường LA chưa sao, xuống phi trường San Francisco mới nói chuyện ăn thua,

    
Tôi báo cho vợ chồng ông Á châu biết, ông ta cũng sững sờ, lấy phone bấm số, chắc là báo tin cho người nhà.

   
Hai đứa con đón chúng tôi ở phi trường LA rồi chạy về phi trường Santa Ana lấy hành lý. Hai cháu hỏi nhân viên ở đây tại sao xảy ra việc này. Nhân viên phi trường Santa Ana cho biết, sáng nay ở đây gió lớn, phi cơ không thể đáp được, phải bay về LA, đợi bớt gió bay về lại đây.

    
Không phải lỗi tại họ mà tại vì mình quá giỏi tiếng Anh nên 4 giờ chiều mới về tới nhà, thay vì 9 giờ 30 sáng.

 

***

 

Buổi lễ phát thưởng trang trọng chừng nào, người tham dự trực tiếp đã chứng kiến, không những vậy người Việt khắp hoàn cầu đều đã thấy buổi lễ qua hệ thống phát sóng các kênh của Việt Báo và đài SBTN.

   
Cụ thể, gia đình, bạn hữu thân quen của tôi ở  trong nước, như Phủ Cam, Quảng Trị, Đà nẵng, Pleiku, Trảng Bom, Đồng Nai, Bình Dương,  Sài Gòn, rồi Úc, Canada, Thụy Sĩ, Pháp, và các tiểu bang trong nước Mỹ, đã coi trực tiếp buổi lễ phát thưởng quá trang trọng và gửi Email chúc mừng.

   
Có điều vui nữa là mấy chục năm nay thấy cô nữ tài tử Kiều Chinh, cô ca sĩ Khánh Ly qua phim ảnh, dịp này may mắn gặp họ và được gặp các vị giám khảo chụp hình lưu niệm, gặp các anh chị Ban Biên Tập Việt Báo, thật là niềm hạnh phúc to lớn trong đời.

     
Xin Bình An của Thượng Đế luôn ở mãi trong Quý Vị.

 

Phương Lâm

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 553,968
Tác giả tên thật là Nguyễn Thị Kim Loan, sinh năm 1966, là cô giáo tiểu học khi còn ở Việt Nam. Vượt biên và sống ở trại tỵ nạn Thailand từ 1989-1993. Định cư tại Canada từ 1994 đến nay. Tác giả nhận giải đặc biệt VVNM 2021. Sau đây là bài viết mới nhất của Cô, viết về người cha, theo lời kể của một người hàng xóm cũ, hiện đang định cư ở Dallas, Texas.
Là con của một sĩ quan tù cải tạo, tác giả Lê Xuân Mỹ đã góp vào giải VVNM những bài viết xúc động. Ông đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019 và giải Vinh Danh Tác Phẩm 2021. Sau đây là bài viết mới nhất của Ông, viết để tưởng nhớ hai người bạn Phạm Phúc-Hạnh Nguyên vừa qua đời, là nạn nhân của một vụ giết người ngày 1 tháng 6 vừa qua gây thương tâm kinh hoàng cho cộng đồng người Việt Bắc Cali.
Ban Tổ Chức Giải Viết Về Nước Mỹ trân trọng thông báo Lễ Phát Giải và Ra Mắt Sách Viết Về Nước Mỹ 2022-2023 sẽ được tổ chức vào trưa Chủ Nhật ngày 26 tháng 11, 2023 tại Garden Grove, CA.
Niềm vui của mùa hè ở đây là tìm đến các ngã tư đường, nhìn trên trụ đèn , đủ loại giấy màu, đủ kích cỡ, đủ màu mực, chữ to, chữ nhỏ, nào là Garage sale, Yard sale, Moving sale, Estate sale v.v..., đó là những bản quảng cáo đơn giản của một khu chợ trời thu nhỏ trong sân, trong nhà để xe , tầm giấy nào cũng có ghi số nhà, mũi tên chỉ đường, ngày thứ năm họ bắt đầu quảng cáo, thứ Sáu, thứ Bảy, CN, là những ngày hè vui trên quê hương thứ hai này, đi khắp nơi, đường nào cũng qua, góc cùng ngõ cụt nào cũng tới, tha hồ mua, cũ họ mới mình giá cả hết sức khiêm tốn, 25 cents 50 cents, 1 đồng là giá cao.
Dường như con cái lớn lên khó dạy hơn hồi còn nhỏ. Hồi nhỏ nói gì chúng cũng nghe, bây giờ con ít vâng lời hơn khiến tôi có cảm giác con càng lớn càng khó dạy. Khi con còn trẻ nhỏ, chạy nhảy lung tung, la hét, lục lọi phá phách làm cha mẹ vất vả, nhưng cũng không khổ bằng khi con trưởng thành. Ảnh hưởng của nền văn minh dân chủ đã khiến con cái tự quyết định cho chính mình trong nhiều vấn đề khiến cha mẹ chỉ biết cầu trời. Giáo dục con cái ngày nay thật sự là một vấn đề không dễ dàng.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam. Bà tên thật Nguyễn thị Ngọc Hạnh, trước 1975 đã là giáo sư trung học đệ nhị cấp tại Saigon. Cùng gia đình tới Mỹ từ 1979., hiện hưu trí tại miền Đông và vẫn tiếp tục viết. Sau đây, thêm một bài viết mới về chuyến thăm viếng Florida năm nay của tác giả.
Khi còn trẻ, tôi có người bạn đi tu, anh ta học bảy năm trời để thành linh mục. Anh ta nói với tôi, “Với người Công giáo, trong nhà có một người đi tu học làm linh mục là vinh dự, niềm hãnh diện của gia đình. Cha mẹ tôi không ép con cái nhưng thầm mong là điều đương nhiên. Tôi quyết định làm linh mục với hơn nửa phần tự chọn tương lai của mình, non nửa phần vì mong cha mẹ tôi được vui như một sự đền đáp của người con…” Nay ước gì được gặp lại anh ta, gặp linh mục tôi sẽ nói về đời sống Mỹ, “Trong nhà có một người con đi lính, không chỉ tốt cho bản thân người ấy sống có kỷ luật từ đó về sau mà còn tốt cho mọi thành viên trong gia đình về cách sống đơn giản nhưng thực tế của người lính, lối suy nghĩ không ích kỷ vì tinh thần đồng đội của lính rất cao, là nguồn gốc, căn bản hình thành nên nhân cách con người tới suốt đời. Những thành viên trong gia đình không ít thì nhiều đều thay đổi bản thân theo chiều hướng tốt hơn khi suy nghĩ về những thay đổi chín chắn và độ lượng của th
Khi nghe bác sĩ nói thay tế bào gốc chúng tôi cùng thắc mắc có phải là tủy thích hợp từ người khác hiến tặng không? Nhưng bác sĩ giải thích là phương pháp mới bây giờ sẽ dùng ngay chính tủy tốt của bệnh nhân để thay vào. Tra Google thấy nói là THAY TẾ BÀO GỐC TỰ THÂN. Nghe ngộ ghê! Bác sĩ cũng nói thêm bệnh nhân phải chịu nhiều phản ứng phụ rất khó chịu vì phải hóa trị một liều thuốc rất mạnh để làm các tế bào xấu lẫn tốt tiêu hết mới đưa tế bào gốc vào. Trong khi đó xác xuất chỉ 70% thành công và khả năng từ 1 đến 7 phần trăm sau này có thể bị vướng 1 loại ung thư máu không chữa được. Còn nếu không thay tủy thì bệnh ung thư của Hoàng sẽ trở lại sớm hơn. Thôi thì cứ chọn thay tủy vậy, 70% là con số cũng lớn mà. Cứ hy vọng đi!
Tác giả Võ Phú dự Viết Về Nước Mỹ từ 2004. Võ Phú sinh năm 1978 tại Nha Trang-Việt Nam; định cư tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University. Hiện làm việc và học tại Medical College of Virginia. Sau 12 năm bặt tin, tác giả tiếp tục viết lại từ 2016 và nhận giải Danh Dự Viết về nước Mỹ từ 2019. Sau đây là bài viết mới nhất, về câu chuyện "ai đời mẹ ghẻ lại yêu thương con chồng!"
Loài chó là một tạo vật tuyệt vời Thượng Đế đã ban cho con người, nó có một đức tính mà tự cổ chí kim, ai cũng nhận ra là sự trung thành tuyệt đối. Câu chuyện con chó Hachiko ở Nhật Bản đã làm rung động biết bao con tim trên thế giới. Trong 9 năm liền, ngày nào nó cũng đến nhà ga xe lửa nằm chờ chủ nó đi làm về, nhưng ông đã không bao giờ trở về nhà vì cơn đau tim đột ngột, ông chết tại sở làm. Ngày nào cũng vậy, dù mưa rơi, tuyết đổ, hay nắng hè oi bức, Hachiko vẫn kiên nhẫn chờ đợi chủ cho đến khi nó gục chết vì kiệt sức ở sân ga. Người Nhật đã tạc tượng con chó Hachiko như là biểu tượng của sự trung thành.
Nhạc sĩ Cung Tiến