Hôm nay,  

Dì Tiên

24/05/202310:16:00(Xem: 3628)

tg-vo-phu

Tác giả Võ Phú dự Viết Về Nước Mỹ từ 2004. Võ Phú sinh năm 1978 tại Nha Trang-Việt Nam; định cư tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University. Hiện làm việc và học tại Medical College of Virginia. Sau 12 năm bặt tin, tác giả tiếp tục viết lại từ 2016 và nhận giải Danh Dự Viết về nước Mỹ từ 2019. Sau đây là bài viết mới nhất, về câu chuyện "ai đời mẹ ghẻ lại yêu thương con chồng!"

*


Năm tôi mười ba tuổi, ba ra tù. Má tôi chạy đôn chạy đáo tìm việc cho ba làm, nhưng không nơi nào nhận. Ai mà nhận người mới ra tù nhất là một ông lính không quân ngụy như ba. Gần cả năm ba chỉ loay hoay ở nhà đi ra đi vào, đợi đến đầu tháng đi trình diện ở đồn công an. Thỉnh thoảng ba cũng phụ má đem rau từ ngoài đồng hoặc ra chợ cho bà bán. Má tôi buôn rau. Má mua rau từ các ruộng rồi đem ra chợ bỏ mối lại cho những quầy bán lẻ.

Một buổi sáng má tôi gánh rau từ ruộng đem ra chợ, má bị người ta lái xe đụng trúng rồi bỏ chạy. Lúc đó mới mờ sáng, trời còn nhá nhem, đường vắng người, nên không ai giúp má đưa đến bệnh viện. Má ra đi đột ngột để lại tôi bơ vơ ở cái tuổi mười lăm. Tuổi mà người con gái cần má nhất. Má mất, ba làm nhiều việc hơn để trang trải lo cho cuộc sống của hai cha con. Ba tôi làm đủ việc từ phụ hồ, bỏ nước đá, phụ việc trong tiệm bánh mì. Nhiều lúc thấy ba làm lụng vất vả, tôi muốn bỏ học để tìm việc gì đó phụ ba. Nhưng tôi chưa kịp đem suy nghĩ của mình để nói với ba thì một buổi nọ, sau bữa cơm tối, ông nói với tôi:

- Má con mất sớm, có nhiều chuyện ba không thể chia sẻ với con như má, nhưng ba hy vọng rằng con cố gắng học hành thành người để mai này khỏi cực bản thân. Ba sẽ cố gắng làm lụng để cho con được đầy đủ với bạn bè...

Nghe ba nói vậy, tôi không dám suy nghĩ đến chuyện bỏ học để đi làm nữa. Tôi cố gắng học hành và phụ giúp ba việc nhà, lo cơm nước cho hai cha con. Cuộc sống của hai cha con chúng tôi bình lặng đi qua.

Sinh nhật thứ mười bảy của tôi, ba đem về một cái bánh kem và tặng tôi chiếc xe đạp màu hồng phấn. Chúng tôi hát bài hát mừng sinh nhật. Chiếc bánh sinh nhật trang trí rất đẹp. Trên đó có ghi dòng chữ "Chúc Mừng Sinh Nhật 17th - Hạ Vy - 21 tháng 9". Bánh sinh nhật đẹp làm tôi không nỡ cắt nó. Ba tôi nói:

- Cái bánh này dì Tiên làm tặng mừng sinh nhật con đó. Con có thích không?

- Dạ con thích lắm. Mà dì Tiên là ai sao biết con mà tặng?

- Dì Tiên là thợ bánh kem làm trong tiệm bánh mì nơi ba làm việc thêm đó.

Nghe ba nói vậy, linh tính con gái của tôi trỗi dậy. Tôi cảm giác như giữa ba tôi và người phụ nữ tên Tiên kia có gì đó. Nên tôi đã bỏ con dao cắt bánh xuống và đi ra khỏi phòng. Thấy tôi đột ngột đi ra, ba đi theo sau, ông quan tâm hỏi:

- Con sao vậy? Con không được vui à? Sao không cắt bánh mà bỏ ra ngoài đây?

- Dạ con không có gì. Ba cắt bánh ăn đi. Con không thích ăn ngọt...

- Cái con này... Hôm nay sinh nhật đang vui sao tự nhiên mặt mày chù ụ bỏ ra đây?

- Dạ con không có gì...

- Thôi được rồi, cho ba xin lỗi. Vô nhà cắt bánh sinh nhật đi con. Ba muốn ăn bánh sinh nhật con cắt...

Tôi suy nghĩ và thấy mình hơi vô lý, nên vào nhà và cắt bánh hai cha con cùng ăn. Cái tên dì Tiên đó rồi cũng dần quên lãng đi cho tới một hôm.

Chiều hôm đó, như mọi ngày, sau khi đi học về, tôi ra chợ mua thức ăn về chuẩn bị bữa tối cho hai cha con. Nấu nướng xong, tôi dọn cơm sẵn trên bàn và chờ ba về cùng ăn. Hôm đó ba dẫn về nhà chúng tôi một người phụ nữ độ chừng hơn bốn mươi tuổi. Ba đưa tay qua người phụ nữ giới thiệu với tôi đó là dì Tiên. Tôi đưa mắt nhìn người phụ nữ đứng trước mình. Người phụ nữ nhỏ con, mặt tròn, mắt tròn, đôi môi nhỏ xíu với mái tóc ngắn uốn cong. Tôi nhìn người phụ nữ chào lấy lệ:

- Dạ, chào dì.

- Dì chào con. Con là Hạ Vy? Hạ Vy xinh đẹp quá. Đúng là tuổi mười bảy có khác.

Kể từ hôm đó dì Tiên thường lui tới nhà tôi. Lần nào đến, dì cũng đem cho tôi một ít bánh do dì làm. Khi thì bánh mì, bánh bông lan, bánh trung thu, bánh dẻo...vv... vv... Tôi cũng dần dà quen đi sự có mặt của dì trong căn nhà này.

Một buổi tối sau giờ cơm chiều, mọi thứ đã dọn dẹp sạch sẽ. Tôi chuẩn bị đi ngủ để ngày mai đi học. Ba tôi kêu tôi lại và nói:

- Hạ Vy, con lại đây ngồi xuống ba có chút chuyện muốn nói với con.

- Dạ. Có chuyện gì vậy ba?

Ba nhìn tôi rồi chậm rãi hỏi:

- Con thấy dì Tiên như thế nào?

- Dạ dì cũng dễ mến, hòa đồng. Nhìn dì nhỏ nhắn như...

Tôi kịp dừng lại để khỏi bật ra hai chữ "búp bê".

- Con nghĩ sao khi con có một người bạn như dì?



- Ý ba là...

Ba nhìn tôi rồi gật đầu trả lời:

- Ừa. Ba muốn dì Tiên về sống chung với hai cha con mình. Con có người hỏi hang chăm sóc, còn cha có người để bầu bạn sớm hôm... Nếu mai này con có chồng thì ba cũng không phải lẻ loi.

Tôi hiểu và biết chuyện này trước sau gì cũng đến. Nhưng trong lòng tôi cảm giác khó chịu như đang mất đi một vật quý giá... Mất đi ba... Tôi buồn bã trả lời:

- Thì ba muốn sao ba làm vậy. Con đâu có quyền gì. Thôi con đi ngủ để mai còn đi học.

Tôi trở vô giường nằm nhìn lên trần nhà suy nghĩ mông lung, mãi đến gần sáng mới chợp mắt.

Dì Tiên chính thức về nhà chúng tôi. Từ ngày có dì Tiên, ba tôi không còn làm phụ hồ vất vả đi sớm về khuya như lúc trước nữa. Ba nhìn trẻ trung và yêu đời hơn trước. Tôi cũng không còn phải bận rộn việc cơm nước hàng ngày. Mỗi ngày tôi chỉ việc đi học và ôn bài để chuẩn bị thi vào đại học. Tôi biết và thấy được từ ngày có dì Tiên hai cha con chúng tôi đỡ lo và tôi được ăn sung mặc sướng hơn. Nhưng sao lòng tôi vẫn không có thiện cảm với dì. Tôi cảm thấy dì xa cách, tôi luôn ở tư thế phòng ngừa. Tôi như một con nhím đang dùng lớp gai tua tủa của mình để phòng bị, chờ tấn công. Dì Tiên thì luôn cố gắng làm mọi thứ cho tôi vui. Dì cho tôi tiền để đi chơi bù khú với bạn bè, mua quần áo đẹp cho tôi. Dì làm mọi thứ để lấy lòng tôi, nhưng tôi vẫn trơ trơ không mềm lòng hay dịu dàng với dì dẫu chỉ một phút. Có lẽ cụm từ "mẹ ghẻ con chồng" như những mũi chỉ đã khâu kín lấy suy nghĩ của tôi, nên tôi không thể nào gỡ ra được?

Tôi thi rớt đại học. Tôi không được nhận vào trường đại học nào. Ba tôi thất vọng, nhưng dì luôn cổ vũ tôi. Dì nói:

- Học tài thi phận con à. Thôi thì ráng ở nhà ôn luyện năm sau thi lại không sao. Hồi xưa người ta ba bốn năm mới có cuộc thi một lần. Một năm thôi sẽ qua nhanh thôi. Con đừng buồn.

Tôi thi rớt ở nhà học thêm môn tiếng Anh vì lúc này ba tôi đang làm giấy để sang Hoa Kỳ. Sau gần một năm chạy chọt giấy tờ, phỏng vấn, gia đình chúng tôi cũng đến nước Mỹ.

Đến Mỹ, ba xin vào làm việc ở công ty vệ sinh văn phòng. Ba tôi làm việc từ chiều tối đến gần sáng. Dì Tiên thì làm việc ở tiệm bánh Việt như nghề nghiệp trước đây của dì. Còn tôi làm thu ngân bán thời gian ở một tiệm tạp hóa và học lại đại học.

Sau gần mười năm sống ở Hoa Kỳ, tôi cũng ra trường với tấm bằng dược sĩ và có việc làm ở một tiệm dược gần nhà. Hơn mười năm sống chung dưới một mái nhà, nhưng tôi vẫn không thể nào gần gũi với dì Tiên. Dì vẫn đối xử với tôi như lúc ban đầu, coi tôi con gái. Dì yêu thương tôi, lo cho tôi chu đáo. Ngày tôi lấy chồng dì dậy sớm thức khuya để làm cho chúng tôi những món thức ăn đem ra nhà hàng, làm cho chúng tôi chiếc bánh cưới ba tầng thật đẹp và hơn ba trăm cái bánh cupcakes để làm quà cho khách tham dự.

Trong ngày cưới, tôi ôm chầm lấy dì, như thầm cảm ơn. Sau khi tôi buông dì ra, dì khóc nức. Dì bảo dì vui lắm. Ba tôi nhìn qua mỉm cười.

Tôi lấy chồng và theo chồng về tiểu bang khác sống và làm việc. Thỉnh thoảng tôi và gia đình nhỏ chúng tôi về thăm nhà. Mỗi lần về, dì luôn chuẩn bị nhiều thức ăn cho chúng tôi. Dì thương mấy đứa con tôi, chiều chuộng chúng đủ điều. Những ngày lễ lộc, sinh nhật dì đều gói quà gửi tặng chúng.

Rồi đại dịch Covid kéo tới, cướp đi người ba thương yêu của tôi. Vì ở xa, chúng tôi không về được, một mình dì lo cho ba tôi an nghỉ. Sau khi ba mất, dì lẻ loi thui thủi một mình. Tôi bàn tính với chồng đón dì về sống chung. Chồng tôi cũng đồng ý. Tôi mua vé máy bay bay về nhà thăm dì, thăm mộ ba và đem suy nghĩ của mình nói với dì. Dì nghe xong, ôm chầm lấy tôi rồi khóc. Lần thứ hai tôi thấy dì khóc. Dì nói:

- Dì cám ơn vợ chồng con, nhưng chắc dì sẽ không qua sống chung với vợ chồng con đâu. Dì ở đây hơn ba mươi năm. Quen rồi. Không nỡ bỏ đi tiểu bang khác. Vả lại, ba của con cũng chôn ở đây. Dì không thể bỏ mà đi. Dì tính rồi… Nếu mai mốt dì có yếu, không đi lại được thì dì sẽ vào nursing home. Ở nhà già có bác sĩ, y tá chăm sóc tiện hơn.

Nói rồi dì ôm lấy tôi, rồi lau nước mắt.

Tôi nghẹn ngào bật lên tiếng gọi:

- Má.

Dì Tiên lau nước mắt, mỉm cười. Chúng tôi lại ôm chầm lấy nhau. Những đường chỉ may trên mảnh vải cuối cùng cũng được tháo rời. Tôi không còn cảm giác xa cách với dì nữa… Mà giờ đây tôi coi dì như người Mẹ thứ hai của mình.

Ai nói mẹ ghẻ không thương con chồng? Dì Tiên của tôi là một người Mẹ tuyệt vời, lúc nào cũng yêu thương tôi như mẹ đẻ.

Võ Phú

Ý kiến bạn đọc
25/05/202322:54:05
Khách
Cách đây vài tháng, Viện Trưởng Viện Đại Học Johns Hopkins Ron Daniels đã gửi lời mời tới TT Ukraine Volodymyr Zelenskyy để nhờ ông đọc diễn văn chúc mừng tới các tân khoa trong kỳ tốt nghiệp năm nay [2023] và TT Zelenskyy đã phúc đáp là chưa biết được vì tình hình chiến sự giữa Ukraine và Nga.

Nhưng hôm nay [25-05-2023], TT Zelenskyy đã làm nhiều người ngạc nhiên qua hệ thống màn ảnh trực tuyến viễn liên để đọc bài diễn văn chúc mừng và để nhận được bằng Tiến Sĩ Danh Dự từ viện đại học này.

Nội dung chính của bài diễn văn, TT Zelenskyy viết: hãy tận dụng thời giờ trên quả đất này.

Nếu như nhân vật Hạ Vy sớm nhận ra được tình thương thật lòng của Dì Tiên ngay từ lúc đầu [thay vì phí phạm biết bao thời giờ trong sự thờ ơ, lạnh nhạt, vô tâm] thì đỡ ăn năn hối hận nhiều cho lỗi lầm của bản thân và hạnh phúc cũng đã tràn ngập sớm hơn.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 553,705
Khó khăn lắm mới chạy được một suất “khảo sát thị trường ở Mỹ”. Phải vừa đấu đá, vừa lót tay, tốn biết bao nhiêu công sức. Vậy mà, cuối cùng Nghiệp vướng phải yêu cầu ác nghiệt của Lãnh Sự Quán Mỹ, là vấn đề thế chấp tài sản. Lý do LSQ yêu cầu cũng dễ hiểu thôi — để bảo đảm người đi sẽ phải quay về. Hắn bước vào nhà. Cửa đã mở sẵn, Hà, vợ hắn đang ngồi chờ trên ghế sô pha.
Tác giả tên thật là Nguyễn Thị Kim Loan, sinh năm 1966, là cô giáo tiểu học khi còn ở Việt Nam. Vượt biên và sống ở trại tỵ nạn Thailand từ 1989-1993. Định cư tại Canada từ 1994 đến nay. Tác giả nhận giải đặc biệt VVNM 2021. Sau đây là bài viết mới nhất của Cô, viết về người cha, theo lời kể của một người hàng xóm cũ, hiện đang định cư ở Dallas, Texas.
Là con của một sĩ quan tù cải tạo, tác giả Lê Xuân Mỹ đã góp vào giải VVNM những bài viết xúc động. Ông đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019 và giải Vinh Danh Tác Phẩm 2021. Sau đây là bài viết mới nhất của Ông, viết để tưởng nhớ hai người bạn Phạm Phúc-Hạnh Nguyên vừa qua đời, là nạn nhân của một vụ giết người ngày 1 tháng 6 vừa qua gây thương tâm kinh hoàng cho cộng đồng người Việt Bắc Cali.
Ban Tổ Chức Giải Viết Về Nước Mỹ trân trọng thông báo Lễ Phát Giải và Ra Mắt Sách Viết Về Nước Mỹ 2022-2023 sẽ được tổ chức vào trưa Chủ Nhật ngày 26 tháng 11, 2023 tại Garden Grove, CA.
Niềm vui của mùa hè ở đây là tìm đến các ngã tư đường, nhìn trên trụ đèn , đủ loại giấy màu, đủ kích cỡ, đủ màu mực, chữ to, chữ nhỏ, nào là Garage sale, Yard sale, Moving sale, Estate sale v.v..., đó là những bản quảng cáo đơn giản của một khu chợ trời thu nhỏ trong sân, trong nhà để xe , tầm giấy nào cũng có ghi số nhà, mũi tên chỉ đường, ngày thứ năm họ bắt đầu quảng cáo, thứ Sáu, thứ Bảy, CN, là những ngày hè vui trên quê hương thứ hai này, đi khắp nơi, đường nào cũng qua, góc cùng ngõ cụt nào cũng tới, tha hồ mua, cũ họ mới mình giá cả hết sức khiêm tốn, 25 cents 50 cents, 1 đồng là giá cao.
Dường như con cái lớn lên khó dạy hơn hồi còn nhỏ. Hồi nhỏ nói gì chúng cũng nghe, bây giờ con ít vâng lời hơn khiến tôi có cảm giác con càng lớn càng khó dạy. Khi con còn trẻ nhỏ, chạy nhảy lung tung, la hét, lục lọi phá phách làm cha mẹ vất vả, nhưng cũng không khổ bằng khi con trưởng thành. Ảnh hưởng của nền văn minh dân chủ đã khiến con cái tự quyết định cho chính mình trong nhiều vấn đề khiến cha mẹ chỉ biết cầu trời. Giáo dục con cái ngày nay thật sự là một vấn đề không dễ dàng.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam. Bà tên thật Nguyễn thị Ngọc Hạnh, trước 1975 đã là giáo sư trung học đệ nhị cấp tại Saigon. Cùng gia đình tới Mỹ từ 1979., hiện hưu trí tại miền Đông và vẫn tiếp tục viết. Sau đây, thêm một bài viết mới về chuyến thăm viếng Florida năm nay của tác giả.
Khi còn trẻ, tôi có người bạn đi tu, anh ta học bảy năm trời để thành linh mục. Anh ta nói với tôi, “Với người Công giáo, trong nhà có một người đi tu học làm linh mục là vinh dự, niềm hãnh diện của gia đình. Cha mẹ tôi không ép con cái nhưng thầm mong là điều đương nhiên. Tôi quyết định làm linh mục với hơn nửa phần tự chọn tương lai của mình, non nửa phần vì mong cha mẹ tôi được vui như một sự đền đáp của người con…” Nay ước gì được gặp lại anh ta, gặp linh mục tôi sẽ nói về đời sống Mỹ, “Trong nhà có một người con đi lính, không chỉ tốt cho bản thân người ấy sống có kỷ luật từ đó về sau mà còn tốt cho mọi thành viên trong gia đình về cách sống đơn giản nhưng thực tế của người lính, lối suy nghĩ không ích kỷ vì tinh thần đồng đội của lính rất cao, là nguồn gốc, căn bản hình thành nên nhân cách con người tới suốt đời. Những thành viên trong gia đình không ít thì nhiều đều thay đổi bản thân theo chiều hướng tốt hơn khi suy nghĩ về những thay đổi chín chắn và độ lượng của th
Khi nghe bác sĩ nói thay tế bào gốc chúng tôi cùng thắc mắc có phải là tủy thích hợp từ người khác hiến tặng không? Nhưng bác sĩ giải thích là phương pháp mới bây giờ sẽ dùng ngay chính tủy tốt của bệnh nhân để thay vào. Tra Google thấy nói là THAY TẾ BÀO GỐC TỰ THÂN. Nghe ngộ ghê! Bác sĩ cũng nói thêm bệnh nhân phải chịu nhiều phản ứng phụ rất khó chịu vì phải hóa trị một liều thuốc rất mạnh để làm các tế bào xấu lẫn tốt tiêu hết mới đưa tế bào gốc vào. Trong khi đó xác xuất chỉ 70% thành công và khả năng từ 1 đến 7 phần trăm sau này có thể bị vướng 1 loại ung thư máu không chữa được. Còn nếu không thay tủy thì bệnh ung thư của Hoàng sẽ trở lại sớm hơn. Thôi thì cứ chọn thay tủy vậy, 70% là con số cũng lớn mà. Cứ hy vọng đi!
Loài chó là một tạo vật tuyệt vời Thượng Đế đã ban cho con người, nó có một đức tính mà tự cổ chí kim, ai cũng nhận ra là sự trung thành tuyệt đối. Câu chuyện con chó Hachiko ở Nhật Bản đã làm rung động biết bao con tim trên thế giới. Trong 9 năm liền, ngày nào nó cũng đến nhà ga xe lửa nằm chờ chủ nó đi làm về, nhưng ông đã không bao giờ trở về nhà vì cơn đau tim đột ngột, ông chết tại sở làm. Ngày nào cũng vậy, dù mưa rơi, tuyết đổ, hay nắng hè oi bức, Hachiko vẫn kiên nhẫn chờ đợi chủ cho đến khi nó gục chết vì kiệt sức ở sân ga. Người Nhật đã tạc tượng con chó Hachiko như là biểu tượng của sự trung thành.
Nhạc sĩ Cung Tiến