Hôm nay,  

Halloween 2023

20/10/202300:00:00(Xem: 3719)

THÁNG 10- 1970 DAVID&XUAN
Vợ chồng tôi trên chiếc Yamaha Dame Tháng 10 năm 1970. 

Một buổi tối, mùa Lễ Halloween.

Tôi vặn ti-vi lên, kiếm phim để coi. Đài nào cũng Halloween này Halloween nọ, kẹo bánh đầy tiệm, quần ma áo quỷ, chán quá. Đổi qua đài Netflix, thấy bộ phim dài, The Defeated, phim về thời hậu chiến Thế Giới Thứ Hai, mở ra coi thử.

Ráng coi tới tập 2 thì phim vẫn còn quanh quẩn trong một xã hội đổ nát sau chiến tranh, với những ngôi nhà thấp, những tầng lầu cao, cả thị trấn lỗ chỗ dấu đạn, với những thân phận con người vẫn phải tiếp tục sống lẩn quẩn tìm tòi bươi móc trong đống tro tàn, sao mà giống Việt Nam quá. Từ xưa tới nay, thuở khai thiên lập địa, con người xâu xé lẫn nhau, giành đất sống. Rồi chiến tranh. Đệ Nhứt Thế Chiến, Đệ Nhị Thế Chiến, nồi da xáo thịt Việt Nam, chiến tranh bên nước Ukraine và mới đây, lò lửa Trung Đông vừa bộc phát ở Do Thái bởi Hamas (Palestine), chưa gì dân cả hai bên đã chết và bị thương cả chục ngàn người, Dãy Đất Gaza thành bình địa.

Trận chiến nào cũng đã và sẽ kết thúc trong mất mát và đau thương.

Thấy nặng đầu quá, tôi bần thần, tìm phim khác. Đây rồi, bộ phim S.W.A.T. (Lực Lượng Cảnh Sát Đặc Nhiệm) Nhớ lại, chồng tôi cũng đã coi bộ phim này. Phim tiếp tục chiếu hằng năm. Tuy là phim dài nhưng mỗi tập là một chuyện đời, coi không thấy chán. Coi để biết những gì xảy ra hàng ngày, họ sống và làm việc ra sao.

Vậy là tôi bắt đầu theo dõi bộ phim từ chuyện này qua chuyện khác.

Tới lúc thấy tôi đang ngồi trong xe cảnh sát này, vừa tới đầu một con đường vắng của thành phố thì tôi xuống xe, đứng bỡ ngỡ. Trời đang sáng bỗng tối sầm. Lạnh. Trời chuyển mưa rồi chắc. Tự dưng từ đâu tới, xịch một bên chân có chiếc xe Yamaha Dame màu xanh, chồng tôi vừa ngừng lại, kêu tôi lên xe mau.

Tôi leo lên xe, cũng ngồi một bên, ôm eo ếch chàng, như ngày xưa ở Sài Gòn. Tháng 10 năm 1970, anh đã chở em bằng xe này đi thăm mả Ba trước khi đi Mỹ, có chụp tấm hình duy nhứt em còn giữ. Hai đứa còn trẻ măng, mới 22 tuổi mà.

Xe chạy cái vèo thẳng con đường trước mặt. Chỗ này là đâu mà sao tối om. À thì ra không có đèn đường.

Chạy một đổi, gió ù ù thổi qua mặt. Trời tối thui mà sao chồng tôi hay quá, lái vù vù. Rồi ngừng lại cái rụp, trước một quán ăn.

Bước vô cửa. Quán im lặng. Bàn ghế toàn bằng gỗ thô. Không có đèn. Hai đứa ngồi xuống. Người bồi bàn từ đâu bỗng xuất hiện. Người này sao giống giống như nhân vật trong mấy phim kiếm hiệp Tàu quá. Cái khăn nhỏ vắt vai, y bưng ra mấy dĩa đồ ăn mà khổng cần lời qua tiếng lại. Ngộ quá. Lạ quá. Chén dĩa gì cũng bằng vỏ sò vỏ hến. Rút đôi đũa tre ra khỏi ống, cứ vậy mà gắp.

Nhìn xung quanh, thấy bàn có người bàn không. Có bàn 1 người, có bàn 2 người. À, mà sao tôi thấy Ba Má tôi cũng đang ngồi ăn kìa.

Ai nấy đều âm thầm lặng lẽ.

Cảnh vật một màu ảm đạm. Bộ vó con người cũng một màu u tối.   

Mà sao lòng thấy vui quá. Tôi ngó chồng tôi.

Ăn xong rồi, ra đường. Chồng tôi rồ máy xe rồi chạy tiếp. Ba Má tôi cũng leo lên chiếc xe scooter. Hồi đó Ba thường cho thêm mấy đứa em theo, lần này thấy Ba chỉ chở Má thôi. Chạy ngược hướng.

Con đường hun hút sâu thăm thẳm. Dài và tối. Hai bên đường cây cao chụm đầu vào nhau, như cái vòm bằng cây bằng lá. Không thấy bầu trời. Không một bóng xe, bóng người.

Chồng tôi hơi quay đầu lại, bàn tay đặt lên đùi tôi, tính nói gì đó. Tôi chồm lên vai anh để lóng nghe.

- Bữa trước anh ghé qua Trang Bảo Tự. Anh gặp nhiều bà con lắm, những người anh đã thấy từ lúc anh mới mất cha, năm anh 9 tuổi. Anh gặp lại ông Dượng. Đây là người mà anh nhớ nhiều nhứt vì khi Ba anh mất không lâu, anh đã sinh sự khó dạy, nhứt là lúc bãi trường, khiến Má anh phải kêu lên: -Ai tới mà lãnh thằng nhỏ này đi cho rồi.

Thế là ông Dượng đã tới để “lãnh thằng nhỏ này đi”

Cả mùa hè đó anh ở nhà ông. Ông đã dạy anh cách vắt sữa bò, sữa dê, cho anh uống thứ sữa còn ấm, anh nhờn nhợn muốn ói. Từ đó về sau anh chỉ uống sữa thật lạnh, phải để thêm 2, 3 cục nước đá, mới chịu. Anh gặp người Cô, bà hỏi anh thèm món gì để bà nấu. Anh nói muốn ăn món thịt heo nướng với cà rốt khoai tây. A…aa, đây là món anh thường nói anh thèm mà tôi chưa kịp nấu đó mà.

Tôi nói:

- Ủa, anh là người theo đạo Công giáo mà sao lại vô Trang Bảo Tự, nghe tên giống giống như một cái đền hay chùa vậy mình?

-Má anh theo đạo còn anh khi trưởng thành rồi thì không theo đạo nào hết, hổng nhớ sao?

Rồi im lặng.    

Chạy lên núi, một bên là rừng cây âm u, một bên là biển sóng dạt dào xô lên bãi cát xám. A… con đường ngoằn ngoèo nguy hiểm này đi tới Coos Bay. Đây là nơi sinh trưởng của anh, một thị trấn của tiểu bang Oregon.

Cha… aa, anh đưa tôi về quê. Chạy xa dữ thần há.

Xuống biển dạo chơi ta.

Anh rẽ qua con đường xuống biển.

Tôi nhớ nơi này đã có đi qua rồi.

Hồi mới qua Mỹ, cuối năm 1970, có lần nửa đêm tôi khóc vì nhớ nhà quá. Chồng tôi đã bồng đứa con nhỏ qua phòng Bà Nội gởi, rồi chở tôi ra biển. Biển bây giờ, có khác gì với biển năm đó đâu, dầu đã hơn 50 năm rồi. Vắng vẻ lắm.

Nhớ lúc trước, khi tôi rủ “Mình ra biển đi bộ trên cát chơi đi anh” thì anh cằn nhằn “Ra đó cát không chớ có gì? Cát dính lên giày, quần áo, rít rát khó chịu lắm”

Tôi giận, ông này không có một chút tình tứ lãng mạn nào hết. Thấy ghét. Tui đi mình ên.

Sao lần này chính anh tự động rủ tui? Hối hận rồi chắc? Tại sao hồi đó không chìu vợ một chút? Ối. Nghĩ chi cho xa. Chẳng phải người ta thường nói khi lớn tuổi con người sẽ thay đổi kia mà. Ừ. Rủ thì đi.

Hai đứa lết thếch trên cát ướt. Vừa ướt vừa tối. Trời không trăng không sao. Tối  hù. Nước biển cũng tối.

Đi một đỗi, dưới chân lộm cộm, tôi xề xuống moi mấy con ốc con sò lên phủi phủi cát rồi bỏ vô túi. Cứ đứng lên thụt xuống lúi húi, mà đầy nhóc, trì hai bên quần. 

Một luồng gió lạnh buốt thổi qua. Xa xa ngoài khơi tôi thấy một chiếc xuồng nhỏ đang tròng trành nhấp nhô. Tôi nhớ mấy câu ca dao:

“Tròng trành như nón không quai.
Như thuyền không lái như ai không chồng”

 Ủa? không có ai mà sao thuyền tròng trành tròng trành nhấp nhô nhấp nhô?

Cả một bãi cát dài mút minh mông, âm u, chỉ có mình hai đứa tôi thôi.

Tới lui trên bãi một hồi chồng tôi nói thôi mình về. Anh đi trước, leo lên cái đồi cát một cách dễ dàng. Còn tôi, sao leo hoài mà không thể tiến được bước nào. Ráng ỳ ạch leo lên rồi tuột xuống. Anh đứng trên cao. Ngó xuống. Làm thinh. Tôi có hơi giận. Thầm trách trong bụng, sao không kéo tay tui lên.

Lần nữa, mím môi tôi cố leo lên, té chúi nhủi xuống cát, nghe cái ẦM!.
 
RẦM!

Tôi bừng con mắt. Sáng trưng. Ngó thẳng vô màn hình ti-vi.

Chiếc xe cảnh sát bị một chiếc khác đụng thẳng vô đầu cái RẦM. Mấy miếng sườn xe bay lên trời, văng tung tóe. Hai cảnh sát trong xe gục gặc, sàng qua sàng lại, hất cái đầu vô cửa làm bể kiếng, rớt lã chã một đống xuống sàn xe như xâu chuỗi hột đứt dây.

Chồng tôi, Ba Má tôi biến mất.

Chỉ có tôi đang nửa nằm nửa ngồi trên cái ghế lười (lazy chair) trước ti-vi đang mở lớn, chiếu cuốn phim S.W.A.T. Quạt máy quay vù vù. Tại vậy mà tôi lạnh quá.

Trách hai người tài xế đụng nhau làm chi. Tôi còn chuyện muốn hỏi anh  mà.
Ba tôi chết đã lâu. Hơn nửa thế kỷ rồi.
Má tôi cũng mới mất đầu năm nay.
Và chồng tôi, vừa qua đời cuối năm ngoái.
Âm dương cách trở rồi.
 
Bây giờ gần Lễ Cô Hồn mà người Mỹ gọi là Halloween, tôi thấy người đã khuất.

Là sao?

Chắc là hàng ngày, mở ti-vi đài nào cũng tràn ngập quảng cáo những chuyện ma kêu quỷ khóc cho nên tâm trí tôi cũng bị ám ảnh? Nhưng vậy cũng tốt.
Rồi bỗng dưng tôi hiểu ra. Tại sao tôi không leo lên nổi cái đồi? A, phải rồi, vì hai cái túi nặng quá. Nó nặng vì lòng còn tham lam của tôi, đã chứa đống vỏ ốc vỏ sò, của chung lấy làm của riêng, trì xuống, kéo tôi xuống.

Còn anh đã buông bỏ, hết nợ trần gian, nhẹ nhõm. Chừng nào dứt nợ hồng trần, tôi mới theo kịp anh.

 
Nhưng, cho dù thấy rõ ràng tấm hình anh kế bên hũ tro cốt trên bàn thờ,  sao mà lạ, nhiều lúc tôi có cảm giác anh đang đi chơi xa thăm bà con đâu trên Oregon, nay mai sẽ về. Anh sẽ lê tấm thân mệt mỏi vô nhà và nhõng nhẽo:

-Anh nhớ mình lắm. Mệt quá. Anh chạy một mạch về, chỉ ghé đổ xăng. Đói bụng rồi. À, hôm nay em nấu món thịt heo nướng nhớ để nhiều cà rốt củ hành khoai tây nha.

Có khi tôi đang ngoài sân, cảm tưởng như anh đang ngồi ngủ gục trên cái ghế trong nhà, an tâm ngủ vì biết có tôi lẩn quẩn.  

Có khi tôi đang trong nhà cảm thấy như anh đang đợi tôi ở đầu đường.
 
Linh hồn sợ ánh sáng. Mỗi đêm tôi tắt hết đèn, mình ơi, có linh thiêng, hãy nương theo bóng tối mà về.

Nhưng, ban ngày thì anh ở đâu?

Có nhà thì về nhà, đừng lang thang đâu hết.

Cái ghế “lười” này là ghế anh đã ngồi, ăn, ngủ luôn vì ngồi ghế anh mới thở thoải mái được. Từ khi vắng anh, tôi cũng đã ngồi, ăn, ngủ trên cái ghế này, để tưởng như còn trong vòng tay ấm áp che chở của anh, hơn 53 năm chớ ít sao.   

Tôi mong mỗi ngày đều là lễ Halloween để tôi có cơ hội gặp lại Ba Má và chồng tôi.

Lần sau nhứt định phải yêu cầu anh chở tôi tới Trang Bảo Tự, chắc chắn tôi sẽ gặp lại tất cả Cô Chú Dượng Dì.

Và hơn hết, được ngồi sau lưng ôm eo ếch anh, sống lại thời còn nương tựa bên nhau. Nhìn thấy nhau. Nói chuyện với nhau. Tuy hai mà một.
Mình ơi./.
 
Trương Ngọc Bảo Xuân
Tháng 10 Năm 2023
 

Ý kiến bạn đọc
05/01/202415:42:39
Khách
Cám ơn Nam Le, một độc giả lâu năm, luôn ủng hộ chúng tôi. Chúc Nam Le luôn hạnh phúc và mạnh giỏi.
05/01/202415:38:22
Khách
Cám ơn Diễm Vy đọc bài và khen nha.
05/01/202415:32:39
Khách
Ờ ờ, cô cũng tin như vậy .Cám ơn Khánh Vân nghen.
05/01/202415:27:43
Khách
Cám ơn Đoàn Thị. Chị cũng thấy em đã chảy nước mắt khi nhớ về Mẹ rồi. Em nói đúng, mình chưa chấp nhận được.
05/01/202415:20:44
Khách
Cám ơn Phao Ng đã đọc bài. Nói về chiến tranh thì đau lòng quá. Bao nhiêu đau thương cho hàng vạn người. Cầu mong mau chấm dức, chớ biết sao bây giờ?
05/01/202415:11:31
Khách
Cám ơn Liên nhiều nha.
05/01/202415:07:07
Khách
Dạ cám ơn anh Trần Đình Đức. Bởi vậy người ta hay nói "Người chết thì cũng chết rồi. Người sống thì vẫn phải sống" Có nhiều kỷ niệm thì mình càng khó quên. Nhưng tại sao phải quên?
24/11/202320:06:28
Khách
Cám ơn chị Trương Ngọc Bảo Xuân đã chia sẻ những kỹ niệm buồn vui . Chúc chị nhiều sức khỏe và sống vui cùng con cháu.
26/10/202315:02:05
Khách
Trich:
"lò lửa Trung Đông vừa bộc phát ở Do Thái bởi Hamas (Palestine), chưa gì dân cả hai bên đã chết và bị thương cả chục ngàn người, Dãy Đất Gaza thành bình địa."
Nhìn vào chiến sự Do Thái-Hamas với hàng ngàn phụ nữ trẻ em vô tội bị chết chỉ trong 2 tuần ngắn ngui mới thấy các chiến binh VNCH và Hoa Kỳ ngày xưa nhân đạo. Năm 1968 quân CS bất ngờ bỏ hưu chiến Mậu Thân vào Sài Gòn tìm quân cán chánh giết cả nhà cha mẹ con cái rồi tử thủ taị các cao ốc. Quân VNCH đánh chiếm từng nhà mà không thả bom san bằng các khu đông dân cư. Tại Huế, CS vào Hue bắt trói 5 ngàn nguời dẫn đi lên núi, bắt nguời đứng sau đập bể đầu nguời trước rồi chôn sống, một số VC tử thủ trong thành nội, nhưng quân VNCH và Hoa Kỳ không cúp điện nuớc thức ăn và dùng bom san bằng Huế như Do Thái làm tại Gaza ngày nay. Theo các hồi ký chiến truờng thì các sĩ quan VNCH như Phan Nhật Nam, Phạm Tín An Ninh, Trần Thy Vân, Thảo Nguyên, vv thông cảm hoàn cảnh một cổ hai tròng cuả nguời dân VN sống trong vùng xôi đậu, ban ngày quốc gia kiểm soát, ban đêm du kích về nên không cho phi pháo cày nát làng truớc khi tiến vào chỉ để phá hầm bí mật của VC. Cấp lãnh đạo Do Thái không có suy nghĩ hoàn cảnh kẹt của dân Palestine như các sĩ quan VNCH. Du khách báo chí đến thăm Hà Nội khoảng năm 1980 ngạc nhiên khi thấy thành phố Hà Nội còn nguyên vẹn không bị san bằng như Mariupol, hay Gaza hôm nay. Sau khi khủng bố Hamas tàn ác giết 1400 dân, Hoa kỳ cung cấp bom cho Do Thái chỉ trong 2 tuần đã giết hơn 4 ngàn dân trong đó có hơn 2 ngàn trẻ em, và con số sẽ tăng nhanh trong vài tuần sắp tới sau khi quốc hội Mỹ tăng viện trợ thêm bom đạn thả vào Gaza. Ngày xưa lính Mỹ đi tuần hay bị VC nấp trong làng bắn tiả và phục kích nên nổi điên vào làng Mỹ Lai tàn sát 300 nguời dân, rồi bị TV và báo chí lên án. Dân Mỹ biểu tình kêu gọi rút quân và xỉ vả lính Mỹ là "baby killer". Ngày nay sau khi 4000 dân Gaza bị giết thì dân Mỹ, TV và báo chí im lặng, quốc hội Mỹ hồ hởi viện trợ thêm bom đạn. Dù VNCH bị mất nuớc bị dân Mỹ và quốc hội Mỹ mạ lỵ phỉ báng, nhưng quân VNCH và đồng minh dù chiến đấu 20 năm vẫn nhân đạo hơn xa quân Do Thái ngày nay.
23/10/202320:11:56
Khách
Chị Xưng ơi đọc bài này mà chảy nước mắt, anh đi trước chị theo sau, chúng ta đang đi tới nơi phải đến cuối đời.
Gia tài của Anh là những kỷ niệm đẹp giúp chị vui sống tuy không có anh bên cạnh.
Chúc chị luôn vui khỏe.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 553,729
Cách đây mười ngày, trên một ngã tư đèn xanh vừa bật, nhưng một xe Lexus màu đen vẫn đứng yên, tiếng còi xe phía sau vang rền; cả một quãng đường đột nhiên bị tắc nghẽn; năm phút qua đi, nhiều tài xế sốt ruột mở cửa xe chạy đến chiếc Lexus, thấy một người đàn ông nằm gục trên tay lái. Người ta gọi 911 chở ông ta vào bệnh viện và kéo chiếc xe đi.
Dần dà hai người trở thành đôi bạn thân thiết. Thỉnh thoảng rủ nhau học bài chung với bạn khác ở tận ngã Nguyệt Biều, Thuận và Tú đạp xe lên con dốc gập ghềnh khó đi, nhiều đoạn phải xuống xe dẫn bộ. Con đường có những đoạn trông như khu rừng, cây lá um tùm, đôi bạn dừng chân ngồi nghỉ dưới bóng mát của buổi nắng hè, nhưng đến mùa thu lá đổi màu nhìn thật thơ mộng. Tú vốn có tâm hồn thơ thẩn, mơ mộng của tuổi thanh niên mới lớn, có thứ tình cảm mơ hồ lâng lâng cảm giác êm đềm mỗi lúc đi bên Thuận, nên đã đặt tên con đường là “Rừng Thu Thơ Mộng” gợi trao chút ý tình nhẹ nhàng và cũng để tạo kỷ niệm khi đi trên con đường này. Lúc ấy Thuận cũng mến bạn nhưng cả hai như “tình trong đã ngỏ mặt ngoài còn e.”
Tác giả lần đầ tham dự VVNM với bài Cay Nghiệt, hiện đang làm cố vấn đầù tư tài chính cho một ngân hàng tại Montreal Canada, 60 tuổis. Tác giả cho biết có dự định về hưu non để làm những việc mình từng đam mê như viết lách, đi du lịch, ca hát. Đây là bài mới nhất của tác giả kể lại một câu chuyện tình... cũ mà theo tác giả là chuyện có thật.
Đánh bắt cá linh mùa nước nổi là đặc trưng, đặc thù của sông nước miền tây. Con cá linh đi vào đời sống người dân miền sông nước từ khai hoang lập địa, từ mở cõi phương nam. Mùa cá về ăn tươi đủ món như kho lạt ăn với rau đồng đủ loại mà dân dã gọi là rau tập tàng, rau gì ăn được thì hái chung vô một rổ rau đủ loại, màu sắc hấp dẫn. Chấm nước cá linh kho lạt nên cứ chấm cho ngập rau mà không sợ mặn, mỗi rau mỗi vị tạo nên mùi tập tàng nên gọi là rau tập tàng. Người xưa đơn giản như từ ngữ mộc mạc họ dùng nhưng nghe là thấy thương, nhớ tới cũng còn thương…
Đang ngồi bàn ăn uống với mấy thằng bạn, tôi đứng lên đi nhà vệ sinh. Tôi vừa vào nhà vệ sinh nam thì ngẫu nhiên các bà kéo nhau đến trước cửa nhà vệ sinh nữ “họp chợ” tán gẫu. Tôi không thể tin vào tai mình được khi tình cờ nghe các bà vợ xúm lại than thở với nhau chuyện vô tâm của mấy ông chồng. Tôi có một nhóm bạn, phần lớn là những cặp vợ chồng. Chúng tôi hay đi chơi dã ngoại, dự tiệc chung với nhau và thường ngồi tách riêng ra hai nhóm nam nữ.
Tết trung thu còn gọi là tết trông trăng, tết thiếu nhi… đây là lễ hội có từ lâu đời ở Trung Hoa, Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc. Nguồn gốc chung xuất phát từ nền văn minh Trung Hoa, tuy nhiên khi truyền sang các nước khác thì đã biến hóa để phù hợp với tập tục văn hóa bản địa. Nếu như sự tích trăng trung thu của người Hoa thì là Hằng Nga, Nguyệt Lão, Thiềm Thừ, Ngọc Thố… trăng trung thu của Việt Nam chỉ còn chị Hằng và thêm vào đó là chú cuội, cây đa, con trâu điều này thể hiện sự khác biệt của tết trung thu Việt Nam và vừa cho thấy dấu ấn của nền văn minh nông nghiệp lúa nước của người Việt phương nam.
Chiều mùa Thu thật mau tối, ảm đạm dưới màn trời xám xịt. Tôi dừng xe đổ xăng, rồi bâng quơ nhìn qua bên kia đường là cửa hàng Marshalls. Tôi chợt nhớ ra trong xe có đôi bao tay tôi đã mua nhưng không vừa ý, cần trả lại tiệm. Ở xứ tự do nói chung và xứ Bắc Mỹ này nói riêng, sướng thật. Khi mua đồ về nhà, trong vòng 30 ngày có thể đem trả lại dù với bất cứ lý do gì miễn là còn tag, còn receipt rõ ràng. Nếu ở Việt Nam thì ... mơ đi nhé, mà nếu họ có đồng ý cho đổi trả thì cũng mặt mày sưng sỉa, nặng nhẹ mắng chó chửi mèo mới hả dạ, làm cho khách hàng cảm thấy mình là “ tội đồ” chớ không phải là “thượng đế”.
Tác giả Thanh Mai là cư dân Minnesota, đã nhận giải vinh danh tác giả Viết Về Nước Mỹ 2008. Với những bài viết thuộc nhiều thể loại đề tài, cô là một tác giả rất được bạn đọc yêu mến. Đây là bài viết mới nhất.
Năm 2017, khi tìm hiểu về căn bệnh ung thư tuyến tiền liệt và giúp tía Hai Lúa trong quá trình trị bệnh, KV có chia sẻ một số cách chữa trị Prostate cancer phổ biến ở Mỹ. Sau 44 lần xạ trị và tiêm hormone mỗi ba tháng, tía Hai Lúa có vẻ khỏe lại. Nhưng có lẽ tía đã không nên chủ quan và vội nghĩ mình đã thoát ung thư, bởi mầm ung thư có sẵn trong mỗi người; khi các duyên hội đủ, ung thư sẽ phát triển. Bốn năm sau, tháng 5/2021, khi đến lúc tía đi siêu âm và chụp Xray hàng năm để canh chừng dấu hiệu ung thư tái phát thì kết quả cho thấy vài bướu ung thư với kích cỡ khác nhau lại mọc lên ở vùng bụng dưới. Bác sĩ cấp kỳ lên kế hoạch trị bệnh cho tía. Lần này, họ không đề nghị xạ trị nữa mà mạnh dạn cho toa thuốc chemo viên: thuốc tốt nhất, mạnh nhất… và dĩ nhiên đắt tiền nhất, hơn $500/viên.Chỉ vài tuần sau khi tía Hai Lúa bắt đầu dùng thuốc chemo, mọi người trong nhà nhanh chóng nhận thấy tình trạng sức khỏe của tía xuống dốc trầm trọng.
Mẹ nhìn tôi với cặp mắt trách móc nhưng dịu lại ngay, vẫn không nói gì; bà cố gắng chịu đựng những lời nói cay đắng như xát muối vào tim của tôi vì bà muốn đền bù cho tôi đã phải cực khổ mang cái bào thai của những tên đầu trâu mặt ngựa mất nhân tính trên đảo khi tàu chúng tôi được tàu Thái Lan vớt và đưa vào một đảo của đất nước này. Tôi biết những lời nói của tôi thật hỗn hào, làm nhói lòng mẹ, nhưng tôi không thể kiềm chế mình được, không thể tự chủ được mỗi lần mẹ bảo tôi trông nó! Nó dễ thương thật nhưng nhìn thấy thằng bé, tôi không thể nào quên được quá khứ nhục nhã ấy.
Nhạc sĩ Cung Tiến