Hôm nay,  

Duyên Nợ

17/11/202300:00:00(Xem: 8175)
blank

Hình chụp hai vợ chồng trên chiếc du thuyền tại Hawaii vào tháng 4 năm 2009


Trần Đình Đức - Tác giả vượt biển đến đảo Galang vào cuối tháng 12 năm 1983 và định cư tại Hoa Kỳ đầu  tháng 1 năm 1985, hiện là một Design Engineer tại thành phố San Jose.  Bài viết “Duyên Nợ” là phần tiếp theo của bài "Lá Thư Gởi Mẹ - Mười Hai Năm Sau " mà Việt Báo đã đăng cách nay hơn 10 năm về trước.


***

Trước khi lập gia đình, tôi thường hay nghe người đời ba điều bốn chuyện về chuyện vợ chồng. Nào là cuộc hôn nhân giữa hai người là duyên số do ông trời đã sắp đặt từ kiếp trước, vì vậy ở kiếp này phải có duyên nợ với nhau thì họ mới gặp lại và lấy nhau. Thế gian còn nói là duyên phận của một người tốt hay xấu còn tùy thuộc vào kiếp trước người đó có gieo nhân lành hoặc tạo nghiệp dữ hay không nữa. Do đó ở kiếp này người ấy sẽ có một cuộc sống hạnh phúc vì gặp được người vừa ý hay phải chịu đựng sự đau khổ vì bị lận đận về tình duyên.

 

Còn nếu như duyên phận của người đó xấu hơn nữa thì cuộc hôn nhân của họ sẽ gặp trắc trở và đỗ vỡ khiến cho cả hai phải chia tay và đường ai nấy đi! Nếu nói như vậy thì duyên phận của một người sẽ tùy thuộc vào nhân quả của kiếp trước người đó thì tôi không tin!

 

Tôi không tin vì tôi nghĩ rằng việc hôn nhân phải là do chính mình tự chọn chứ không ai có thể lựa dùm cho mình được. Nếu mình thật sự yêu thích một người nào đó, thì mình phải tìm hiểu cho thật kỹ càng về người ấy để xem người đó có hạp với mình hay không? Nếu cả hai người đều cảm thấy thương nhau và không thể sống rời xa nhau thì tiến tới với nhau thôi chứ ai mà có thể sắp đặt trước cho mình.

 

Chính vì thế tôi hoàn toàn không tin tưởng vào duyên số là chuyện có thật! Tôi chỉ nghĩ đơn giản là nếu chẳng may mình chọn lầm người phối ngẫu là do lỗi ở mình chứ không phải do ông trời nào sắp đặt cả! Nhưng cho tới khi tôi lấy vợ được một thời gian thì tôi mới hiểu ra được rằng, phải có duyên nợ với nhau thì hai người mới trở thành vợ chồng. 

 

***

 

Phận người con gái không biết bến nào trong hay bến nào đục để neo đậu con thuyền của mình giống như nhạc phẩm Duyên Phận mà Ca Sĩ Như Quỳnh thường hát. Còn tôi thì không biết duyên phận của mình tốt hay xấu như thế nào vì mãi cho đến khi tôi đã bốn mươi tuổi đầu rồi mà vẫn chưa tìm ra được một nửa hay bến đậu của mình.

 

Số tôi lận đận về tình duyên, gia đạo nên sau khi đã trải qua tám mối tình rồi đến lần thứ chín tôi mới thành duyên với bà xã của mình bây giờ. Người con gái đầu tiên mà tôi quenbiết từ khi tôi đặt chân lên nước Mỹ là cô cháu gái của một nhà văn nổi tiếng ở hải ngoại tại thành phố San Jose thuộc miền Bắc California. Tôi nhận được lá thư của cô viết cho tôi vào tháng 3 năm 1985 sau khi gia đình cô ấy định cư theo diện HO ở Nam Cali. Tôi thường hay gọi cho cô vào mỗi cuối tuần để hàn huyên và tâm sự với nhau. Tôi cùng hai người bạn thân ở Garden Grove ghé thăm gia đình cô một lần vào cuối mùa hè năm 1985.

 

Bốn năm sau chúng tôi tình cờ gặp lại nhau tại San Jose thì cô trách tôi tại sao dọn nhà lại không thông báo cho cô biết. Tôi đành phải cười trừ chứ biết nói làm sao bây giờ? Lúc đótôi mới qua Mỹ với hai bàn tay trắng nên chưa có sự nghiệp, với lại hai người ở xa nhau quá vì tôi thì ở Bắc Cali, cô ấy lại ở Nam Cali nên tôi tạm gác lại chuyện trai gái qua một bên mà chú tâm vào việc tạo dựng sự nghiệp của mình. Mặc dầu chúng tôi có cảm tình với nhau nhưng chưa sâu đậm. Hai gia đình đã quen biết ở Việt Nam trước khi gia đình cô ấy đi Mỹ nhưng chắc là không có duyên nợ nên chúng tôi không còn gặp lại nhau nữa.

 

Năm 1990, khi hay tin Má tôi muốn kiếm vợ cho con ở Mỹ thì có người trong nhóm tập thể dục ở vườn Tao Đàn gần nhà Má tôi muốn giới thiệu người cháu gái của bà mới tốt nghiệp xong trung học cho Má của tôi. Má tôi cho địa chỉ nhà và số điện thoại nơi sở làm của cô ấy để tôi trao đổi thư từ và nói chuyện với nhau. Sau đó thì tôi có thư từ qua lại và trò chuyện với cô ấy một thời gian. Nhưng cuối cùng thì tôi đổi ý vì không muốn cưới vợ ở Việt Nam nên sau đó tôi không còn liên lạc với cô ấy nữa. Mãi tới cuối năm 1997 khi tôi về Việt Nam thăm Má của tôi thì tôi mới gặp mặt cô ấy. Sau khi tôi cùng cô ấy đi ăn và nghe nhạc tại một phòng trà ở Quận I, lúc đó cô mới nói với tôi rằng cô sẽ lên xe hoa trong vòng hai tuần lễ nữa. Nghe cô ấy nói mà trong lòng tôi dấy lên một nỗi buồn khó tả.

Tôi nghĩ là mình đã yêu cô ấy nên mới nói với cô rằng tôi muốn làm đám cưới với cô. Mẹ của cô thì bằng lòng nhưng Ba cô ấy nói là đã hết cách rồi vì hai bên đã sắp đặt ngày cưới cũng như thiệp mời đã in và gởi đi hết rồi! Nếu hủy hôn thì Ba cô ấy khó mà ăn nói với sui gia. Nghe Ba cô ấy nói như vậy thì trong lòng tôi rất buồn vì mình là người đến trước mà bây giờ lại trở thành kẻ đến sau. Nhưng tôi biết đó là do lỗi tại mình chứ không thể trách ai được. Tôi không muốn ở lại để dự đám cưới của cô nên sau khi mua quà cưới để tặng cô ấy thì tuần lễ sau tôi lên đường trở về Mỹ. Thời gian đầu sau khi về lại Mỹ tôi cảm thấy buồn bã và chán chường không muốn làm gi hết. Lúc đó trong lòng tôi vẫn còn nhớ nhung đến cô, người mà mình đã từng viết thư và nói chuyện điện thoại rất thân thiết vào bảy năm về trước.

Cô này là người mà tôi thương nhứt sau vợ của tôi vì tôi thích cách nói chuyện dễ thương và tính tình cởi mở cùng giọng nói trong trẻo và ngọt ngào của cô ấy. Má tôi cũng buồn và tiếc vì muốn cô ấy làm dâu mà không được như ý. Vì việc này mà làm cho ngoại của cô ấy không thèm nói chuyện với Má tôi nữa. Má tôi đã trả lời với ngoại của cô ấy là ăn thua do ở thằng Đức nó có thích hay không chứ Má tôi không thể ép uổng hay bắt tôi cưới vợ theo ý của Má tôi được. Nhưng có lẽ vì tôi và cô ấy có duyên mà không có nợ cho nên hai người không thể đến với nhau được mặc dầu hai đứa chúng tôi thương nhau.

 

Vào một ngày cuối năm 1996, khi đi dự đám cưới của người bạn thân ở Garden Grove thì tình cờ tôi gặp và cảm mến em gái của một người bạn thân khác. Trước khi cô ấy rời khỏi đám cưới để bay về Denver vào ngày hôm sau thì tôi kịp xin được số điện thoại của cô để liên lạc. Tôi thường gọi điện thoại cho cô ấy nhiều lần để tìm hiểu nhưng chưa có dịp gặp mặt lại lần thứ hai. Có lẽ vì ở xa nhau quá nên tình cảm của tôi dành cho cô ấy chỉ dừng lại ở đó không thể tiến xa hơn được nữa. Sau khi tôi lấy vợ thì tôi nghe anh của cô ấy nói là cô đã lấy chồng và có con.

Trước khi về Việt Nam lần thứ hai vào năm 1998, tôi đã chia tay với một cô bạn gái vì không hạp với nhau. Tôi tiếp tục tìm hiểu và quen thêm vài cô bạn gái nữa nhưng kết quả là lại đường ai nấy đi trước khi tôi tiến tới hôn nhân với bà xã của mình. Để tôi kể cho Quý vị nghe về sự gặp gỡ hy hữu và lý thú của tôi và bà xã của mình để cho Quý vị suy nghĩ xem có phải là do ông trời đã sắp đặt sẵn duyên số của chúng tôi hay không?

Lúc còn độc thân tôi hay vào VietFun để tìm bạn bốn phương. Tôi cũng quen được vài cô trên VietFun nhưng sau khi viết thư trao đổi và nói chuyện trên điện thoại thì thấy chúng tôi không hợp với nhau nên tôi không còn liên lạc nửa. Có cô còn gởi thiệp mời để mời tôi sang dự lễ ra trường của cô ấy ở miền Đông của Hoa Kỳ. Nhưng vì bận đi làm nên tôi từ chối không thể đi dự được. Sau đó thì chúng tôi không còn liên lạc với nhau nữa vì tôi thấy mình không có nhân duyên với cô ấy.

Tình cờ tôi làm quen được với chị của bà xã tôi trên VietFun. Chị ấy muốn làm mai cô em gái của mình cho tôi. Tôi cảm thấy thích bà xã tương lai của mình ngay sau khi trò chuyện với nàng trên điện thoại lần đầu tiên. Tôi thích nàng vì giọng nói thánh thót và hiền lành kèm theo những nụ cười thật giòn giã đã làm cho con tim của tôi rung động! Tôi vui mừng vì tôi có linh cảm đây mới đích thực là một nửa của mình, là mẫu người vợ lý tưởng mà mình muốn tìm kiếm bấy lâu nay. Có thể nói là tôi đã bị tiếng sét ái tình đánh trúng ngay tim sau khi nói chuyện với nàng!

Lần đầu tiên chúng tôi gặp mặt nhau khi nàng đón tôi từ phi trường John Wayne về đến nhà ở Garden Grove để ra mắt với gia đình. Sau khi đi ăn hai đứa chúng tôi đi chơi cả ngày tại Six Flags Magic Mountain ở thành phố Valencia thuộc quận Los Angeles và Disneyland ở thành phố Anaheim. Tôi ở chơi thêm một ngày nữa để cùng nhau đi dạo biển Huntington Beach với người yêu trước khi tạm biệt để bay về lại San Jose đi làm. Mặc dầu thời gian gặp nhau chỉ ngắn ngủi có hai ngày nhưng cũng đủ để chúng tôi có những kỷ niệm tuyệt vời bên nhau.

Vì bị Má tôi thúc giục phải cưới vợ gấp để Má tôi còn đi dự nhân dịp Má tôi từ Việt Nam qua Mỹ du lịch vào năm 2000, cho nên tôi đã làm cho Má tôi được mãn nguyện. Tôi đã sắp xếp ngày giờ để Má tôi đi hỏi vợ cho tôi. Sau khi tôi rước nàng từ Nam Cali về dinh ở Bắc Cali thì lúc đó Má tôi mới thở phào nhẹ nhõm vì bà đã làm tròn bổn phận là cưới vợ cho thằng con trai út còn ham chơi hơn là lấy vợ.

 

Cuối cùng rồi thì thằng con trai của bà cũng chịu lấy vợ làm cho bà vui lòng vào những ngày tháng cuối đời sau khi Ba tôi mất! Vào ngày đám cưới của tôi, không chỉ riêng vợ chồng chúng tôi cảm thấy hạnh phúc vì vui sướng mà tôi cũng biết trong lòng Má tôi cũng vui mừng không kém.

Lần qua Mỹ này của Má tôi đã khiến cho Má tôi hài lòng vì đã hoàn thành tốt đẹp cả hai tâm nguyện của mình. Tâm nguyên thứ nhất là cưới vợ cho thằng con trai út đã thành tựu một cách mỹ mãn. Tâm nguyên thứ hai của Má tôi là gặp được ân nhân cũng là người anh ruột của mình tại viện dưỡng lão ở Canada đã được Má tôi thỏa mãn trước đám cưới của tôi rồi. Tôi đã cùng Má tôi bay từ Mỹ qua Canada để thăm hai Bác và Dì Dượng nhưng chủ yếu là để thăm Bác Ba trai của tôi. Vừa gặp mặt Bác Ba, Má tôi đã vội vã ôm hôn Bác vào lòng mà lã chã hai hàng lệ rơi khiến cho tôi xúc động phải khóc theo vì tôi không cầm được nước mắt khi nhìn thấy cảnh này. Bác tôi bị đột quỵ nên Bác không biết là Má tôi đã lặn lội bay từ Việt Nam sang đây chỉ để được gặp mặt Bác. Tôi rất xúc động khi nhìn thấy tình cảm dạt dào của Mẹ tôi dành cho người anh ruột của mình. Tình cảm của hai anh em thật là cao quý và rất đáng trân trọng.

Nhiều người bạn trẻ trên Facebook sau khi đọc được chuyện lấy vợ của tôi thì họ hoài nghi chuyện tôi bị tiếng sét ái tình, vì họ không tin chúng tôi gặp mặt có một lần là lấy nhau. Nhưng sau đó thì họ mới hiểu ra được tiếng sét ái tình là chuyện có thật trên đời 100%.


Có người sau khi đọc được bài viết về chuyện lấy vợ của tôi trên Facebook thì nói rằng người con trai của bà nếu được giống như tôi thì hay biết mấy. Bà ấy than rằng con trai của bà không chịu nghe theo lời bà để làm quen với con gái của người bạn thân mà chỉ thích quen với những bạn gái người Mỹ hay Mễ trên internet mà thôi. Vì không chịu nổi lời đốc thúc của bà ấy và người dì nói ra rã từ ngày này qua ngày khác nên người con trai của bà đã dọn sang tiểu bang khác để sống theo sở thích riêng của mình. Đã vậy nó còn nói con gái Việt Nam “no fun” làm bà tức chết đi được nhưng cũng không biết làm gì để con trai chịu nghe theo lời của mình nên bà mới tìm cách vấn kế với tôi. Tôi không biết phải trả lời với bà như thế nào để làm cho bà ấy vui lòng mà chỉ biết tìm cách an ủi bà mà thôi.

Con cái bây giờ nhất là được sinh ra ở Mỹ thì hầu hết đã không còn nghe theo lời của cha mẹ để lập gia đình theo phong tục xưa như lúc còn ở Việt Nam mà thường tự chọn người vợ thích hợp với mình hơn. Do nhiều bậc cha mẹ không hiểu được con cái trong xã hội ngày nay trong việc chọn người phối ngẫu nên đâm ra hờn giận và buồn tủi. Họ cảm thấy buồn vì bọn trẻ bây giờ không còn cần tới sự giới thiệu hay làm mai của cha mẹ trong việc hôn nhân nữa!

Tôi may mắn được mời đi dự rất nhiều đám cưới của nhiều sắc dân khác nhau ở Hoa Kỳ như Việt Nam, Mỹ, Ấn Độ, Trung Hoa và Cambodia. Phong tục cưới hỏi của mỗi nước đều khác nhau nhưng đặc biệt là nghi thức hôn lễ của người Cambodia được tổ chức từ sáng đến tối và kéo dài tới hai ngày mới chấm dứt. Trong đám cưới của người Việt Nam mình thì người ta thường hay chúc đôi uyên ương "trăm năm hạnh phúc", "bách niên hảo hợp", "bách niên giai lão" v. v… Nhưng tôi thấy không ít có những cuộc hôn nhân không được "loan phụng hòa hợp" hay "sắt cầm hảo hợp" như ý muốn của cô dâu và chú rể vì họ không hợp với nhau khiến cho đường nhân duyên của hai vợ chồng không may bị trắc trở.

 

Tôi biết nhiều cặp vợ chồng đã tìm hiểu và quen nhau một thời gian dài tới sáu hay bảy năm trước khi đi đến hôn nhân nhưng cuối cùng thì họ cũng đành phải chia tay và đường ai nấy đi như thường. Chẳng hạn như tôi biết một cặp vợ chồng trẻ quen nhau đã bốn năm rồi và hẹn với nhau sẽ làm đám cưới sau khi cả hai ra trường. Họ làm đám cưới trước ngày thành hôn của tôi một tuần nhưng lại chia tay nhau ba tháng sau đó! Vì còn trẻ nên một trong hai người coi cái tôi của mình quá lớn nên không thể nào chấp nhận sự khác biệt với người kia được. Do đó dẫu cho hai người đã từng yêu nhau một thời gian dài nhưng chưa chắc họ đã hiểu nhau hết nên cuối cùng đành phải nói lời chia tay. Họ chia tay nhau vì cả hai người cảm thấy không thể hòa hợp trong cuộc sống lứa đôi sau khi sống chung với nhau một thời gian ngắn ngủi!

Cô cháu gái của tôi làm đám cưới với người bạn trai từ thời còn học trung học. Sau khi ratrường thì hai người mua nhà với sự giúp đỡ của cha mẹ để xây dựng tổ ấm của mình. Nhưng sau khi làm đám cưới xong thì hai vợ chồng chỉ sống chung với nhau chưa đầy một năm là đã ra tòa ly dị. Tính tình của hai đứa không hạp và khắc khẩu với nhau nên chồng của nó đã xây dựng một tổ ấm khác mà bỏ đi người vợ mới cưới của mình.

Vào đầu năm 1988, tôi đi dự tiệc cưới của một anh bạn trẻ làm cùng hãng tại thung lũng hoa vàng. Anh ta làm đám cưới với một cô gái xinh xắn và hát rất hay trong một ban nhạc. Cả hai làm quen với nhau khi anh ta đánh đàn guitar cho cô gái hát trong một đám cưới. Thật chẳng may cho người chồng vì chỉ mới ăn ở với nhau được có năm tháng thì người vợ đã đòi ly dị với lý do là người chồng không làm ra đủ tiền để lo cho gia đình.

Ngược lại thì tôi rất vui mừng khi tình cờ gặp lại những cặp vợ chồng trẻ khác mà tôi đã từng quen biết. Họ rất hãnh diện và vui sướng khi khoe với tôi đứa con đầu lòng mà hai vợ chồng có được sau một năm làm đám cưới với nhau.

Lúc mới qua Mỹ tôi quen với Phúc và chơi rất thân cho đến khi em ấy lấy vợ. Sau khi lấy vợ được một năm thì Phúc cùng với vợ rời khỏi Cali để sang miền Đông mở tiệm Nail sinh sống vào năm 1992. Chính vợ của Phúc nói với tôi rằng cô ấy đã bị tiếng sét ái tình đánh trúng ngay tim từ lúc cả hai gặp gỡ nhau lần đầu khi Phúc lái xe từ San Jose xuống San Diego chơi. Kể từ giây phút đó thì tôi thấy hai người lúc nào cũng quấn quýt bên nhau vì họ cảm thấy không thể rời xa nhau được nữa. Cô ấy còn bật mí với tôi rằng nếu tôi có tìm người yêu thì ngay trong giây phút đầu tiên mà hai người gặp gỡ rất là quan trọng vì lúc đó con tim của mình sẽ nói cho mình biết là có rung động vì người đó hay không? Hiện nay họ rất thành công trong sự nghiệp và có một cuộc sống viên mãn bên đàn con thân yêu của mình. Sau này Phúc có gọi điện thoại lại cho tôi để hỏi thăm và kể chuyện gia đình cũng như ôn lại chuyện cũ.

Má tôi hay kể lại rằng được làm mai với Ba của các con bởi người thân trong gia đình. Ba Má đã ăn ở với nhau cho tới ngày hôm nay mặc dù có rất nhiều thăng trầm xảy ra trong cuộc sống lứa đôi. Nhiều gia đình mà tôi quen biết đã nói với tôi rằng họ sống với nhau chỉ vì bổn phận đối với con cái hơn là tình nghĩa vợ chồng!

 

Tôi đã từng chứng kiến những cảnh vui vẻ và đầm ấm của nhiều cặp vợ chồng mà tôi quen biết đã lâu. Có cặp vợ chồng nọ đã mời tôi đến ăn mừng nhân dịp kỷ niệm bốn mươi năm sống chung của họ tại một nhà hàng sang trọng tại San Jose. Họ kể với tôi rằng họ chỉ gặp mặt nhau có vài lần để tìm hiểu trước khi làm đám cưới mà thôi vì chuyện hôn sự của họ đã được sắp đặt bởi hai gia đình.

Do đó theo tôi nghĩ đã là vợ chồng thì chắc họ có duyên nợ với nhau từ kiếp trước chứ không phải tự nhiên mà gặp và sống với nhau cả đời. Duyên phận của họ đã được định sẵn từ trước nên không thể nào tránh khỏi. Tôi có nhiều người quen cố gắng làm mai cho tôi nhiều đám nhưng vì tôi không ưng ý nên duyên không thành khiến cho họ thất vọng. Dẫu cho tôi có cơ duyên gặp gỡ được nhiều bạn gái trong cuộc đời nhưng “nợ” hay “vợ” thì chỉ được phép có một mà thôi! Vì vậy lúc nào tôi cũng chung thủy với vợ của mình.

Sau khi tôi lấy vợ được một thời gian, bổng một hôm có cô bạn gái cũ mà tôi đã chia tay gọi lại nên vợ tôi mới nói tôi có số đào hoa nên nhiều cô còn nhớ đến tôi. Bà xã tôi cũng ghen tuông như những người phụ nữ khác nên sau khi lấy vợ tôi không còn dám léng phéng với ai nữa.

 

***

Mặc dầu cuộc đời tình ái của tôi có nhiều trắc trở, gập ghềnh và trải qua nhiều giai đoạn với đầy cam go và thử thách nhưng cuối cùng thì tôi cũng có được một kết quả mỹ mãn và như ý. Âu đó chẳng qua là do duyên số và duyên phận của mỗi người mà thôi! Vì theo tôi nghĩ là giày dép còn có số huống chi con người.

Việc hôn nhân là việc hệ trọng cho cả cuộc đời của mình do đó chúng ta phải suy nghĩ cho thật chín chắn trước khi quyết định để khỏi phải hối hận về sau. Nói đến chuyện tình duyên thì không ai biết trước được và rất khó nói vì nó còn tùy thuộc vào nhân duyên của mỗi người nửa. Tùy theo lý trí và con tim cũng như hoàn cảnh của từng người, mọi người đều có thể tìm ra được đối tượng mà mình yêu thích để cùng đồng hành với nhau suốt cả cuộc đời.

Tôi lấy vợ gấp chủ yếu là để chìu theo ý muốn của Mẹ tôi mà thôi. Nếu tôi có thể làm được điều gì khiến cho Mẹ tôi cảm thấy vui và hài lòng thì đó cũng là một cách để trả hiếu cho Mẹ của mình. Vì vậy, nhân tiện nơi đây con muốn nói lời tạ ơn Mẹ, người đã cưu mang và nuôi dưỡng con bấy lâu nay cho tới ngày khôn lớn. Do đó lúc nào con cũng nhớ đến sự hy sinh cao cả và vô bờ bến của một người Mẹ lúc nào cũng hết lòng lo lắng và yêu thương đứa con của mình.

Nhân ngày đám cưới của tôi vào ngày 15 tháng 7 năm 2000, Bác Sĩ Đặng Phương Trạch đã tặng bài thơ mừng ngày thành hôn có ghép tên chúng tôi như sau:

Duyên phận đẹp đôi nhờ phước Đức

Tình yêu vừa gặp chẳng phân Vân

Từ nay chung hướng, đời chung mộng,

Hạnh phúc trăm năm vẫn tuyệt trần...

 

Cuộc hôn nhân của chúng tôi đúng là thiên duyên tiền định vì ông Tơ bà Nguyệt đã se duyên và cột chặt hai vợ chồng chúng tôi lại với nhau bằng sợi chỉ tơ hồng. Mặc dầu chỉ gặp mặt nhau có một lần nhưng nhờ phước đức của Mẹ tôi nên cả hai chúng tôi mới có được một cuộc sống hạnh phúc và viên mãn trong suốt 23 năm qua. Cho tới bây giờ, hai vợ chồng chúng tôi lúc nào cũng mặn nồng như thuở ban đầu lúc mới quen nhau.

Giọng nói thánh thót cùng với nụ cười giòn giả và tánh tính hiền hậu của bà xã đã làm cho tôi mê mẩn suốt cả cuộc đời. Mỗi độ Xuân về, tôi lại hát bài "Yêu Em Dài Lâu" do Nhạc Sĩ Đức Huy sáng tác để tặng cho người vợ yêu dấu của mình nhân dịp họp mặt và hát Karaoke với gia đình bà xã tôi tại thành phố Garden Grove.

San Jose, Ngày 3 tháng 11 năm 2023

Trần Đình Đức

Ý kiến bạn đọc
28/08/202402:49:44
Khách
Xin mời Quý vị xem cái link sau đây: https://www.facebook.com/NHAYDUDAVID/videos/1462837867768180
21/06/202402:47:25
Khách
Sau khi về hưu vào khoảng đầu năm 2024, trong lúc dọn dẹp nhà cửa cho ngăn nắp và gọn gàng, tình cờ tôi nhìn thấy lại được bài thơ tôi viết tặng bà xã của mình cách nay 24 năm về trước, vì thế trong bài viết này không có bài thơ đó. Tôi đã sáng tác bài thơ này để tặng bà xã của mình sau khi tôi gặp mặt bà xã lần đầu tiên. Đó là bài thơ Hạnh Ngộ dưới đây, xin mời Quý vị thưởng thức.

Bài Thơ Hạnh Ngộ
(Tặng người yêu dấu)

Dù trời đông lạnh lùng không chút nắng,
Nhưng lòng anh vẫn ấm một niềm vui.
Bởi từ khi anh gặp gỡ em rồi,
Đời bỗng thắm như mùa Xuân rực rỡ.
Em đã xuống cho trần gian hoa hở,
Cho lòng anh mừng mở hội hoa đăng.
Cho lòng anh dìu dặt khúc tình tang,
Và vũ trụ say giọng cười tiếng hát.
Em đã đến cho hồn anh bóng mát,
Cơn mưa lành xua nắng hạn triền miên.
Cõi thanh bình ru cuộc sống thần tiên,
Đầy thơ mộng cho tâm tình trẻ mãi,
Và con tim bây giờ vui trở lại,
Duyên kiếp nào ta hạnh ngộ, Vân ơi?...

Trần Đình Đức
14/01/202403:17:26
Khách
Xin mời Quý Vị lắng nghe bài viết này qua giọng đọc của cô Linda trên YouTube theo cái link sau đây:
https://www.youtube.com/watch?v=nhsaHknBAlw
02/12/202310:14:33
Khách
Tại sao có nhiều người (chứ không phải chỉ có Trần Đình Đức); đã có suy nghĩ ấu trĩ, sai lầm khi cho rắng số phận của con người giống với số của giày, dép.
21/11/202306:47:30
Khách
Tổng thống Pháp - đắc cử hai nhiệm kỳ - hiện thời là Emmanuel Macron 45 tuổi, phu nhân là bà Brigitte Macron 70 tuổi .
Bà Brigitte và ông Emmanuel gặp nhau khi bà dạy kịch tại trường Providence ở Amiens. Con gái bà là bạn cùng lớp với Emmanuel. Khi mối tình giữa cô giáo 40 tuổi và học sinh 15 tuổi bị bố mẹ khám phá, Emmanuel bị gửi đến một trường nội trú ở Paris để hoàn thành nốt chương trình học. Tuy nhiên, điều đó không ngăn được Emmanuel tiếp tục quan hệ với Brigitte.
Năm 2007, Emmanuel kết hôn với Brigitte, chỉ ít lâu sau khi bà chia tay người chồng đầu. Lúc đó, Emmanuel 29 tuổi, trong khi Brigitte 54 tuổi, và các người con với người chồng trước đã lớn .
Emmanuel đắc cử tổng thống Pháp ở tuổi 39 - trở thành tổng thống trẻ tuổi nhất trong lịch sử nước này. Năm 2022, ông Emmanuel tái đắc cử tổng thống nhiệm kỳ hai.
17/11/202309:30:46
Khách
Kỳ này không hiểu tại sao Việt Báo lại đăng bài mà bị nhiều lỗi không giống như bài viết của tôi gởi đến. Việt Báo format lại bài viết cũng không đúng làm chử này nối với chử kia cũng như khoảng cách các chử lại cách xa nhau nhiều quá. Có vài đoạn văn của tôi lại bị mất chữ nữa. Hình ở cuối bài lấy ra rồi nhưng chú thích của hình vẫn giữ nguyên không lấy ra trước khi đăng. Mong Việt Báo sửa lại những điều đó cho đúng với bài viết của tôi.
Sau khi đọc xong bài viết ở trên, xin mời Quý vị xem thêm cuốn phim và đọc lại bài viết original theo cái link dưới đây: https://www.facebook.com/NHAYDUDAVID/videos/312839141676615
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 553,729
Cuối năm 2021 tôi về hưu sau khi đã làm việc 31 năm ở công ty, nhận được một cái Rolex sau 25 năm, một đồng hồ Apple sau 30 năm, một đồng hồ grandfather clock treo tường, một đồng hồ để bàn bằng gỗ đỏ sang cả quí phái, một đĩa bạc “ghi công” để chưng bày khoe khoang tại phòng khách. Mọi thứ đồ đoàng có trong kho mình đều thu tóm cả. Bây giờ thì về đi thôi! Lúc này tôi mới nghĩ đến nơi ăn chốn ở trong giai đoạn mới của cuộc đời. Ngày xưa còn miệt mài cày bừa trả nợ nhà, nợ xe, nợ “con”, mình gồng mình vớt lấy một căn nhà trong khu trường tốt, vượt cả khả năng tài chính, để rồi phải nhịn ăn nhịn mặc, còng lưng trả tiền nhà mút chỉ hụt hơi. Nay con đã lớn, thôi thì nhường khu này lại cho những cặp vợ chồng trẻ đang nhắm nhía trường xịn cho con họ.
Lúc tôi viết bài 32 Năm Người Mỹ Và Tôi, đã cảm thấy là “coi bộ vợ chồng mình cũng bền vững dữ há, nhứt là khi ngôn ngữ bất đồng, Đông Tây không gặp nhau” Những tưởng sẽ còn sống với nhau cho tới khi ăn được cái ngày kỷ niệm “ lễ cưới hột xoàn” chớ, ngờ đâu, mới hơn 53 năm anh bỏ tôi, mau chóng ra đi một mình.
Tác giả Phi Nguyễn lần đầu tham dự VVNM với bài "Trái mít". Bà sinh sống và làm việc tại thành phố Brunswick, Georgia. Đây là bài mới nhất của Bà, viết để chia xẻ một kinh nghiệm chìa khóa xe bỗng dưng không mở được cửa nữa và những điều cần phải làm sau đó thay vì hoảng sợ.
Tôi bấm chuông và đứng đợi. Mùi hương thoảng nhẹ trong không khí khiến tôi chú ý đến mấy khóm hồng dọc hai bên lối vào. Những cụm hồng nhung đủ màu mới vài ngày trước còn đẹp rực rỡ, vậy mà giờ đây đã xuống sắc, cánh hoa rơi tan tác vương vãi khắp nơi. Tôi nhìn lên tấm bảng nhà dưỡng lão (Residential Care Home) và bỗng thấy lòng chùng xuống. Bên trong cánh cửa này, có bao cuộc đời từng một thời tung hoành ngang dọc, nhưng nay họ đều đang thập thò bước thấp bước cao đi vào đoạn cuối đời, cho dù có an phận sẵn sàng hay vẫn còn luyến tiếc.
Nhờ Đi Dự Đám Cưới Cô Cháu, Tôi Biết Có Những Người Bị Đồng Bệnh Mắt Với Mình Để Chia Sẻ Thứ bảy tuần vừa qua April 8th, 2023. Toàn thể đại gia đình chúng tôi đã đi dự tiệc cưới của cô cháu, con gái của cô em tôi. Trong buổi tiệc cưới ấy, chúng tôi ngồi cùng bàn với cha mẹ của cô dâu. Mọi người trong bàn đều nhìn nhau bằng ánh mắt băn khoăn, như tự hỏi, sao không thấy sự hiện diện của hai ông bác, là anh của ba cô dâu. Mặc dù thắc mắc như vậy, nhưng mọi người hơi ngần ngại, chưa ai dám cất lời hỏi cả. Thần giao cách cảm! Như đã nằm lòng, đoán biết thế nào cũng có người hỏi về sự vắng mặt của hai ông anh mình. Với sắc thái nhạy cảm, ba của cô dâu đã lên tiếng trước để chia sẻ với chúng tôi là cả hai bác đều bị bệnh đau mắt giống nhau, nên không ai dám lái xe nữa, vì khi lái xe, nhìn xa thấy cái gì cũng nhiều gấp đôi, bảng tên đường, lằn gạch vẽ trên mặt đường, mũi tên quẹo phải, hay trái và những đèn đường toàn là nhiều nhân gấp hai lần, nên sợ quá, bỏ lái xe luôn.
Tôi từng đi Mỹ thăm gia đình từ thập niên 90 của thế kỷ trước, nhưng lần này thì khác, sau 14 năm chờ đợi, thật ra tôi nhận được giấy báo của NVC (National Visa Center) năm 2019 chuẩn bị hồ sơ đến Tòa Đại Sứ Mỹ tại Paris cho buổi phỏng vấn đi Mỹ. Nhưng dịch covid đã treo buổi phỏng vấn vô thời hạn, tôi tự hỏi có nên phiêu lưu làm lại cuộc đời lần thứ hai vào tuổi đã xế chiều ?
Cây cam trước cửa sổ phòng làm việc của bà Vi đã nở đầy hoa, dày đặc những chùm hoa trắng nõn nà. Một số cánh hoa từ từ rụng xuống để lại những chùm trái nhỏ xíu lấm tấm như những đầu chiếc đinh ghim mầu xanh ngộ nghĩnh. Sáng nay bà Vi dậy sớm, thư thả ngồi nhìn ra cửa sổ, mải mê ngắm hai con chim đang bay ra bay vào xây cái ổ tít trên cành cao của cây cam. Chiếc tổ chim vừa hoàn thành, những sợi cỏ khô mỏng mảnh đã được bện thành một cái tổ gọn gàng, nhỏ bằng hai bàn tay chụm lại. Chúng khôn quá, xây tổ trên cành cam, khi chim con ra đời sẽ được thưởng thức mùi hương hoa cam thơm ngát. Bà mỉm cười nghĩ thầm, rồi rảo mắt nhìn ra phía vườn sau.
Ông nhếch môi cười chua xót ngẫm lại cuộc đời mình: tuổi trẻ làm người lính VNCH, rồi bị tù hơn 13 năm, cũng mộng ước như bao nhiêu người khác nghĩ đến tổ quốc thân yêu, nhưng rồi lực bất tòng tâm, quay đi bước lại soi gương đầu đã bạc. Ông chạnh nhớ người vợ đầy xót xa đau ruột, chịu đựng biết bao nhiêu gian khổ trong thời gian ông bị tù đày. Qua Mỹ tìm tiểu bang Minnesota lập nghiệp, vợ chồng làm việc siêng năng, bắt tay vào cuộc sống cày bừa gầy dựng tương lai, lo các con ăn học và muốn an cư lạc nghiệp. Các con tốt nghiệp ra trường, lập gia đình và có cuộc sống riêng. Một ngày mùa hè người vợ bỏ cuộc với căn bệnh tàn nhẫn, dứt áo ra đi khi tuổi đời chưa tới 60. Ông chới với hỏng chân, tinh thần suy sụp chỉ biết mượn rượu uống cho say, công việc bỏ bê bị laid-off. Ông chẳng còn thiết sống, nhà cửa do vợ chồng gầy dựng tưởng sống tới bạc đầu, bù đắp những ngày khốn cùng cay nghiệt ở VN, thế mà vợ chồng ông đã đầu hàng... buông hết. Con trai sợ ông sinh bệnh ép về ở chung để chăm sóc,
Việc gì Bố làm, ai cũng tấm tắc khen. Trong mắt tôi, Bố thật tuyệt vời. Vậy mà bố không biết chữ! Lúc còn nhỏ, tôi không hề biết rằng, những chuyện do bản năng như đi đứng nằm ngồi thì không cần phải học. Còn lại không học thì không biết, bằng chứng khi học lớp hai, tôi đã biết đạp xe vù vù, trong khi nhiều bạn trong lớp cho tới lớp năm, vẫn chưa biết đạp xe. Lớn lên ở vùng sông nước, Bố cũng tập cho tôi bơi như con rái cá khi còn rất nhỏ, nên trong mắt các bạn, Bố thật cừ khôi. Từ khi biết Bố mù chữ, tôi không còn cười toe toét mỗi khi nghe các bạn khen bố nữa. Có một cái gì "lấn cấn" mà tôi không nói được: bực bội, mặc cảm, giận dỗi! Bây giờ tôi rất ngại ngùng, khi đi cùng Bố đến những nơi hội họp đông người, nhất là khi có mặt Bố mẹ của các bạn trong lớp. Bố của bạn này là Bác Sĩ, mẹ của bạn kia là cô giáo.
Khó khăn lắm mới chạy được một suất “khảo sát thị trường ở Mỹ”. Phải vừa đấu đá, vừa lót tay, tốn biết bao nhiêu công sức. Vậy mà, cuối cùng Nghiệp vướng phải yêu cầu ác nghiệt của Lãnh Sự Quán Mỹ, là vấn đề thế chấp tài sản. Lý do LSQ yêu cầu cũng dễ hiểu thôi — để bảo đảm người đi sẽ phải quay về. Hắn bước vào nhà. Cửa đã mở sẵn, Hà, vợ hắn đang ngồi chờ trên ghế sô pha.
Nhạc sĩ Cung Tiến