Hôm nay,  

Thơm Ngát Hương Đời

23/06/202300:00:00(Xem: 6393)

IMG_0743

Tác giả Đỗ Dung nhận Giải Danh Dự 2021 từ cựu quán quân Phương Dung


Tác giả tên thật Nguyễn Đỗ Dzung, sinh năm 1947, cựu nữ sinh Trưng Vương, tốt nghiệp Đại Học Dược Khoa Sài Gòn năm 1972, Thuyền Nhân, đến Mỹ năm 1980, hiện tại về hưu, vui thú điền viên, cư ngụ tại miền Bắc, California. Tác giả nhận giải Danh dự năm 2021.


***
Cây cam trước cửa sổ phòng làm việc của bà Vi đã nở đầy hoa, dày đặc những chùm hoa trắng nõn nà. Một số cánh hoa từ từ rụng xuống để lại những chùm trái nhỏ xíu lấm tấm như những đầu chiếc đinh ghim mầu xanh ngộ nghĩnh.  Sáng nay bà Vi dậy sớm, thư thả ngồi nhìn ra cửa sổ, mải mê ngắm hai con chim đang bay ra bay vào xây cái ổ tít trên cành cao của cây cam. Chiếc tổ chim vừa hoàn thành, những sợi cỏ khô mỏng mảnh đã được bện thành một cái tổ gọn gàng, nhỏ bằng hai bàn tay chụm lại. Chúng khôn quá, xây tổ trên cành cam, khi chim con ra đời sẽ được thưởng thức mùi hương hoa cam thơm ngát. Bà mỉm cười nghĩ thầm, rồi rảo mắt nhìn ra phía vườn sau.

Joe và thằng Út Lam đã thức dậy từ khi nào; hai đứa đang mạnh mẽ bổ những nhát cuốc đào mấy hố đất để sửa soạn đổ móng, đóng cột xây thêm phòng ăn ngoài trời ngay gần phía hồ bơi. Ngôi nhà này Út Lam của bà mới mua năm 2020, ngay giữa mùa đại dịch Covid. Trước đó vợ chồng bà cũng sống trong nhà Út, một căn “duplex” nhỏ hai gian, mỗi gian có hai phòng ngủ, cây cối bà Vi trồng đã xum xuê, đã cho hoa tươi, trái ngọt. Hai ông bà ở một bên, Út Lam ở gian bên cùng Joe, là bạn và cũng là roommate thuê phòng từ hơn chục năm qua; mọi người sống rất êm đềm, thuận thảo.

Dọn sang nhà mới thì Joe cũng dọn theo. Vợ chồng bà Vi ở cái phòng được xây nối bên hông, Joe và Út ở hai phòng riêng trong nhà chính, có thêm phòng tập thể thao trong nhà, hồ bơi ở vườn sau, nên hai anh chàng có vẻ vui thích lắm. Joe là một thanh niên Mỹ trắng trẻo, cao lớn nhưng dáng vẻ thư sinh, tính nết điềm đạm, ăn nói nhỏ nhẹ, đặc biệt lại rất khéo tay và chịu khó. Ở ngay bên cạnh, có gì trong nhà hư bà gọi là Joe nhanh nhẹn sang giúp sửa liền. Đôi khi bà đùa:

- Joe, con đúng là thằng con trai của mẹ!

- I try, I try... Mom!

Cậu ta trả lời với nụ cười tươi.

Ở gần lâu ngày, Joe cũng chịu khó học những câu tiếng Việt. Đôi khi ra vườn sau gặp ông hay bà nó cũng ngọng nghịu véo von:

- Chào bác, bác có khỏe không?

Vợ chồng bà Vi rất quý mến Joe, nên mỗi lần tụ họp cả gia đình chi nhánh nhỏ, hay đại gia đình, Joe đều có mặt.  Và tất cả các cháu trong đại gia đình bà cũng thương yêu, đùa giỡn thân mật với Joe, và chúng thường gọi uncle Joe và uncle Lam bằng tên gọi tắt U. J và U. L cho thân mật. Năm vừa rồi mấy đứa con bà tổ chức kỷ niệm 50 năm ngày cưới cho cha mẹ, Joe cũng tham gia sắp hàng cùng mọi người bước lên khán đài tặng hoa, tặng quà cho ông bà như một thành viên trong gia đình.

Nghĩ tới đây, bà Vi chợt bồi hồi xúc động. Mới đó mà ông bà đã sống với nhau hơn năm chục năm. Thời gian mấy mươi năm chỉ như là cái chớp mắt. Trong phút chốc, những chuyện xưa bỗng ào ạt hiện về.

*

Trước 1975, ông là nhà giáo, bà là dược sĩ.  Ngay sau ngày mất nước ông phải đi tù “cải tạo” mất ba năm. Tuy làm nghề gõ đầu trẻ, nhưng mang danh Trung Uý biệt phái từ bộ Tổng Tham Mưu của VNCH nên ông phải bị đi tù. Nước mất, bà Vi bị quăng vào đời một cách tàn nhẫn.  Chưa đến ba mươi tuổi, một nách hai đứa con thơ. Hai cột trụ chính của gia đình là cha và chồng phải khăn gói đi tù không biết ngày về.

Trời Sài Gòn không còn đẹp nữa; nắng Sài Gòn không còn tươi; và cảnh vật Sài Gòn ủ ê khoác lên một màu xám. Với tâm trạng ngậm ngùi đó, bà Vi thơ thẩn lên thương xá Tam Đa, đánh liều mướn một quầy nhỏ trong gian hàng của PMC, để may, thêu, vẽ... Tận dụng hết các nghề tay trái để kiếm gạo nuôi con. NH chia cửa hàng của chị làm năm phần, ngoài cùng là hai quầy nhỏ, bà Vi một bên, hai chị em Vân Ly một bên. Đằng sau bà là quầy hàng của nhà văn NC, có cô em BH tươi vui, nhí nhảnh. Đối diện với NC là gian hàng của vợ chồng NXH với cô vợ DT khéo léo, đảm đang. Không ngờ bà lại được lọt vào một nơi toàn văn nghệ sĩ!

Sau khi ông ra tù, thoát khỏi nhà tù nhỏ để về sống trong “nhà tù lớn”, bà Vi có thêm người đỡ bớt tay chân. Nhưng ông làm sao sống nổi trong cái đất nước mà người dân “Mỗi tháng sắp hàng mua lạng thịt/Từng năm đợi mét vải che thân” và đầu óc luôn căng thẳng vì ngơm ngớp lo âu.

Năm 1980 ông bà dắt hai con và hai đứa em vượt biển thành công, sang định cư tại California.  May mắn có gia đình cô em sang trước 75 mới mua nhà ở Irvine mời gia đình anh chị và hai em về ở chung.  Chân ướt chân ráo; mới vượt biên sang vùng đất hứa; mới được thở hít không khí tự do, hưởng thụ ánh sáng văn minh; và được sống trong căn nhà đẹp, rộng rãi mà nhiều người mơ ước.  Hai đứa con tạm đủ lớn, thằng con nhỏ đã chín tuổi, không phải lo lắng nhiều.

Nhưng rồi, ông bà lại bắt đầu phải lo con mọn!  Chả là một tháng nọ bà Vi bỗng thấy “thất kinh”.  Nhìn chiếc que thử thai hai ông bà đã giật mình.  Ông nhìn bà, bà nhìn ông.  Ông bà đã cẩn thận kiêng cữ mà sao vẫn bị vỡ kế hoạch! Đành phải chấp nhận thôi, họ bảo nhau, tự an ủi, đứa con Trời cho thì cứ nhận!! Và ông bà rất vui mừng khi sinh được Út Lam. Thằng bé ra đời đem niềm vui đến với ông bà, thật hạnh phúc khi có bé luẩn quẩn loanh quanh, hủ hỉ với cha mẹ. 

Thời kỳ đó sang Mỹ trở lại nghề cũ hơi khó. Phải đi học lại, tốn nhiều thời gian nên chồng bà Vi liền ghi tên học một khóa computer và đúng một năm sau ông đã có việc làm.  Phần bà, khi ấy chưa có chương trình thi lấy bằng dược sĩ tương đương.  Buổi sáng bà đi học Med – Tech, buổi chiều bà học ESL tại Saddleback College gần nhà.

Một cơ hội may mắn đến, các em bà Vi xúm lại giúp đỡ để bà mua được một ngôi chợ nhỏ ở một thành phố thuộc miền bắc Cali, chủ cũ về hưu nên bán rẻ.  Thế là bà mang cu Út theo lên miền Bắc, đi làm ăn với mẹ.  Hai đứa lớn tạm ở lại Irvine với bố, phải giữ một lương để bảo đảm vì cửa hàng mới mở chưa biết sẽ lời lỗ ra sao.

Để tiết kiệm, bà cho sửa sang căn phòng kho chứa đồ phía sau, ngăn vách thành một phòng nhỏ để vừa một cái giường của mẹ, một cái giường bé xíu cho Út Lam. Cũng may đó là khu hỗn hợp giữa thương mại và nhà ở nên mẹ con bà Vi mới được ở ngay tại tiệm, vừa tiện việc trông coi vừa không phải di chuyển mà lại đỡ tốn tiền thuê nhà riêng.

Thời kỳ đầu chợ chưa có khách, hàng hoá còn thưa thớt, bà Vi phải vắt óc tìm cách kiếm thêm thu nhập và tăng số lượng khách hàng.  Bà nhận sửa quần áo, may vá, và nhận thêm việc dịch giấy tờ như khai sinh, giá thú, học bạ, cho một số đồng hương Việt. Trời thương, thằng bé Út Lam quá hiền lành cứ lủn tủn bên mẹ. Bé thì nằm ngoan ngoãn trong chiếc giỏ xách baby; lớn lên bíết bò, biết tập đứng tênh tênh thì yên chí bò lổm ngổm hay đứng vịn thành cái lồng playpen để bên cạnh mẹ như con chó con hiền lành trong cũi; bé không bao giờ quậy phá hay kêu khóc.

Bà Vi một mình chèo chống ngôi chợ bằng sự quyết tâm và kiên nhẫn tột cùng giữa cái thành phố Mỹ lộng lẫy của miền Bắc Cali. Và rồi trời cao không phụ kẻ có lòng.  Hai năm sau, nhờ sự nổ lực của bà, ngôi chợ phát triển, chồng bà đưa hai con lớn lên miền Bắc để gia đình đoàn tụ về một mối.

Cả nhà hợp sức làm việc, 7 ngày một tuần, 12 tiếng một ngày, từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối.  Ngôi chợ ngày càng phát triển mạnh, dần dần biến thành một cửa hàng bách hóa đúng nghĩa, có đủ mặt hàng gia dụng, kể cả quần áo và vải vóc.  Bà Vi còn mở thêm dịch vụ nhận đóng thùng quà gửi về VN.  Chồng bà đặt một bàn giấy chuyên lo những dịch vụ giúp người Việt, dịch giấy tờ hộ tịch, điền đơn bảo lãnh, bán bảo hiểm. Bà còn nhận may đo trực tiếp theo ni tấc cho khách hàng, kể cả khách Mỹ.

Mấy năm sau, ông bà mua được căn nhà riêng.  Cu Út có anh chị nên không phải theo ra chợ nữa.  Thằng Út “vét mót” này rất thông minh, khi sắp đi học pre - school, Út đã nói rành cả hai thứ tiếng Mỹ - Việt.  Một hôm mấy cô em bà Vi đến chơi, vui chuyện bà kể là vì “accident” mới sinh ra Út.  Khi họ ra về, thằng bé kéo mẹ vào phòng phụng phịu:

 “Mommy, am I unwanted child?” 

Bà Vi nghe lời con trẻ mà hết hồn, xót dạ, vội ôm bé vào lòng dỗ dành:

 “No, no!  You’re the gift from God!  Không phải đâu cục cưng của mẹ!  Con là món quà quý Trời ban cho mẹ!  Mẹ yêu con nhất! Nhất!”

Thằng bé nghe thế thì vít đầu mẹ xuống hôn chụt vào má của mẹ và nhoẻn miệng cười. May mà bé nói ra chứ nếu nó cứ ôm giữ trong lòng mà hậm hực buồn tủi thì không biết hậu quả sẽ ảnh hưởng đến cuộc đời nó như thế nào. Từ đó bà Vi phải cẩn thận về lời nói hơn trước.

Công việc làm ăn của ngôi chợ ngày càng phất lên như diều gặp gió. Tiệm may của bà Vi cũng đông khách hơn, bà phải mướn một thợ may người Mỹ đến phụ việc. Thêm nhiều khách Mỹ đến đưa may, ngay cả may áo cưới, áo dự thi Fashion Show.  Bà Vi sáng tạo ra những mẫu áo đẹp, độc, lạ, nên khách hàng Mỹ rất ưa thích. Bên phần gửi quà về VN, bà mướn thêm một ông già người Việt để giúp việc đo vải, đóng thùng.

Khi tiền bạc rủng rỉnh, vợ chồng bà Vi quay qua kinh doanh thêm về địa ốc.  Bước đầu bà mua đấu giá một căn “fourplex” rách nát, bỏ hoang phế lâu ngày với giá chỉ sáu chục ngàn, trả hết bằng tiền mặt. Bà bỏ thêm mấy chục ngàn nữa sửa lại toàn bộ. Căn nhà sau khi tân trang đã biến đổi, như cô bé lọ lem thoát xác thành nàng công chúa thật diễm kiều. 

Bà Vi bán ngay, được lời gấp đôi giá vốn!  Thừa thắng xông lên, bà dùng tiền bán nhà “down” hết, mua bốn căn nhà khác, sửa lại cho đẹp rồi cho thuê.  Tiếp theo, ông bà dùng tiền giành dụm và lợi tức từ cửa hàng đem mua nhà từ từ, khi mua được vài căn nữa thì ngưng.  Tiền cho thuê, bà Vi trả hết vào tiền nợ nhà.  Dự tính đến khi về hưu nợ nhà vơi đi, ông bà sẽ cho ba đứa con mỗi đứa một căn. Chừa lại một căn để ông bà cư ngụ, còn thì cho thuê lấy lợi tức an hưởng tuổi già. Nếu còn khỏe mạnh, ông bà sẽ đi du lịch đó đây để mở tầm con mắt và vui hưởng những cảnh đẹp thiên nhiên cho bõ với những tháng ngày làm lụng cực khổ.

Nhưng ở đời, có những bài học kinh nghiệm mà khi học được thì đã trễ. Ngày ấy bà Vi đâu có biết gì đến dịch vụ các công ty Mỹ quản lý cho thuê nhà ăn huê hồng.  Công ty sẽ lo hết thủ tục phỏng vấn chọn người thuê có lý lịch tốt, nếu bị hư có nhân viên sửa chữa rồi trừ vào tiền thuê nhà.  Họ cũng có những tiêu chuẩn đặt cọc được ký trong họp đồng để lấy tiền đền nếu người thuê làm hư nhà cửa. Và họ có cách quảng cáo để những ngôi nhà thuê không bị bỏ trống. Bà Vi tự đăng báo cho thuê, lựa chọn người theo cảm tính, không biết lấy tiền cọc về bồi thường, nên căn nhà nào cho thuê cũng chỉ được một năm đầu êm ả, rồi thì những vấn nạn xẩy ra. Nhà luôn bị trống vài căn; nhà có người thuê thì ít lâu họ lại dở chứng quịt tiền nhà, khi bị trục xuất thì phá tan hoang trước khi đi, lại phải sửa chữa để đợi người mới.

Tiếp đến bong bóng thị trường địa ốc bị bể. Nhà không có người thuê, muốn bán thì không có người mua. Cứ thế mà cầm cự mấy năm trời thì nguồn vốn cạn kiệt.  Mọi việc đến với vợ chồng bà Vi như cơn lốc xoáy.  Của cải đến rồi đi tựa dòng nước lũ cuốn ra sông. Và ông bà mất trắng!

Khi ấy hai đứa con lớn của bà Vi đang học ở UC Berkeley.  Út Lam vừa học hết bậc tiểu học.  Ông bà đành gạt nước mắt để ba đứa con lại, nhờ ông bà ngoại và các dì của cháu trông nom để đi xuyên bang làm ăn.  Và rồi trong một buổi sáng Tháng Ba sương mù dầy đặc, có đôi vợ chồng tuổi mới trung niên bước thấp bước cao lên máy bay rời bỏ thành phố xinh đẹp San Francisco với tâm trạng rối bời và đau xót. Phần thì thương con, phần thì tiếc của, bà Vi bước chân đi mà lòng như bị ai xát muối!

Từ bỏ Cali ra đi, cuối cùng vợ chồng bà Vi cũng ổn định tại một thành phố nhỏ ở một tiểu bang xa. Ông làm trong một hãng shipping, bà làm việc trong một tiệm bán và nhận sửa quần áo. Lương chỉ đủ để sinh tồn, nhưng cũng là lúc ông bà hiểu thế nào là lẽ vô thường, tự nhìn lại mình, và tự an ủi rằng cũng đã cố gắng làm việc hết sức mình và cũng từng thực hiện được giấc mơ Mỹ tuyệt đẹp: Từng làm chủ, có nhà cửa, xe cộ đàng hoàng, tiền bạc rủng rỉnh.  Nhưng vận hạn đến lúc không may nên đã tính toán sai lầm, dồn hết trứng vào một giỏ.  Bạo phát nên bạo tàn.  Ôi cũng là định mệnh! 

Ông bà bằng lòng với cuộc sống giản dị lúc đó.  Mỗi ngày làm việc tám tiếng xong là về nghỉ.  Tâm trí không vướng bận những tính toán, lo toan như thời làm việc tại ngôi chợ ở Cali. Chỉ có việc phải sống xa các con là nỗi buồn nhớ quắt quay, nhất là nhớ thương thằng Út.  Không biết thằng bé lớn lên bằng cách nào khi thiếu bàn tay chăm nom của mẹ.  Từ nơi xứ lạ, ông bà chỉ biết thành tâm cầu khẩn Trời Phật, tổ tiên phù hộ cho ba đứa con có cuộc sống êm đềm, học hành giỏi dang, ra đời thì thành đạt.  Nếu có nghiệp chướng từ tiền kiếp thì ông bà xin gánh chịu hết trong những năm cuối đời này, xin đừng bi lụy đến đời các con cháu.

*

Có tiếng xe cộ và tiếng lao xao của trẻ con ở đàng trước. Chắc mấy đứa con và các cháu đã đến họp mặt cuối tuần, cũng là để giúp Út thu xếp nhà cửa. Bà cảm thấy thật vui, khi nghĩ đến hiện tại các con đã trưởng thành, hai đứa lớn rất thành công, học xong ra trường đi làm, lập gia đình, và đã có con, nhà cửa ổn định. Riêng Út Lam dù đã ổn định nó vẫn còn độc thân. Hồi nhỏ Út hay thủ thỉ mộng ước của bé là muốn học thành bác sĩ để có thể săn sóc bố mẹ lúc về già.  Út rất thông minh và học giỏi. Nhưng vì hoàn cảnh không may của gia đình nên nó quyết định học PA (Physician Assistant) cho nhanh.  Học ra Bác Sĩ phải lâu hơn và tốn kém hơn nhiều vì dù có mượn nợ để học nhưng phải đi xa và tiền nhà cửa, chi phí cũng không nhỏ. Út Lam ra trường có việc làm ngay, với mức lương ngày càng khá. Giành dụm vài năm nó mua một ngôi “Duplex” và đón bố mẹ về ở cho tới ngày nó mua thêm ngôi nhà này.
Lâu nay, bà Vi đã để ý tìm dâu, kiếm vợ cho Út Lam.  Biết là tuổi trẻ bây giờ không thích chuyện mối mai, bà tạo những cơ hội như thật tình cờ để con gặp thêm bạn mới, và nhắc nhở con đã đến lúc phải lập gia đình. Đây là mơ ước cuối cùng của đời bà. Nhưng Út Lam vẫn tảng lơ né tránh và có khi bà hối thúc lắm thì nó nói bừa, “Con sẽ không lấy vợ...”

- Mẹ ơi...

Tiếng gọi của Út Lam từ sân sau.

- Gì vậy bé?

Bà hỏi vọng ra.

- Bé của mẹ đã gần bốn mươi rồi đó mẹ ơi!


Tiếng thằng anh cả kèm tiếng cười khúc khích của mấy đứa trẻ. Bà cũng cười, vì Út Lam luôn là thằng con bé bỏng của bà, nên lâu lâu phản xạ từ tiềm thức bà gọi Út là “Bé” làm các cháu nghe cũng phải buồn cười.

Bà bước ra khu vườn gần hồ bơi, cả đám con cháu đang cùng nhau ngắm nghía, trầm trồ, công trình chúng mới hoàn tất. Một căn phòng nhỏ xinh xinh núp dưới hai cây cam cổ thụ dành riêng cho bà.

Cô con gái hỏi:

- Mẹ muốn đặt tên gì đây?

Thằng anh lớn nói:

- Phòng Thiền, Phòng Vẽ, hay Thư Viện?

- Khiêm Cung Am!

Bà nháy mắt trêu.

Chả là anh con lớn là người “design” và là trưởng nhóm xây cất; thằng cháu đích tôn, con của anh con trưởng được ông nội đặt tên là Khiêm Cung. Cả nhà cười ồ thích thú.

Khi bà ngỏ ý muốn có một cái lều ngoài vườn để có chỗ ông bà ra ngoài sống gần với thiên nhiên, uống trà buổi sáng hay nằm võng nghỉ ngơi sau “công việc đồng áng” hàng ngày, anh con trưởng xung phong:

- Mẹ để tụi con lo! Tụi con sẽ xây cho mẹ một căn phòng xinh để mẹ muốn làm gì thì làm.

Thế rồi cả lũ con trai xúm lại chỉ hai ngày “weekend” đóng xong ngay cái sườn nhà.  Phần còn lại xây tường, lợp mái, lót sàn thì chỉ còn thằng cả và “uncle Joe” anh chàng Mỹ thuê phòng siêng năng tốt bụng đi làm về tà tà thêm bớt, và đến hôm nay thì hoàn tất. Bà rất vui vì con cái yêu thương đùm bọc lẫn nhau, lũ cháu nội ngoại cũng rất thân nhau. 

Hàng ngày ngoài việc chăm sóc khu vườn, bà Vi còn viết văn, vẽ tranh, ngồi thiền, và đi họp hành cùng các bạn trong hội nhà văn.  Cuộc sống vợ chồng bà vậy là gần như trọn vẹn, giờ bà chỉ mong ước thằng Út Lam lấy vợ nữa là toại nguyện. 

Một buổi tối ngày Rằm Tháng Tám trăng tròn, vợ chồng bà Vi ra ngồi ở vườn sau uống trà và ngắm chị Hằng trên cao. Không gian thật tĩnh lặng, gió nhè nhẹ thổi, mơn man cành lá, quanh vườn thơm ngát hương hoa.

Bỗng đâu Út Lam trong nhà bước ra, ngồi xuống bên cạnh mẹ với vẻ lúng túng, hai tay đan vào nhau. Gió đung đưa cành lá trong vườn, ánh trăng vờn qua làm loang lổ khuôn mặt đầy vẻ căng thẳng của nó. Hình như Út có chuyện gì muốn nói. Vẻ băn khoăn đó làm cho bà Vi lo sợ. Bà linh cảm có điều gì kinh khủng lắm sắp xảy ra, nên chăm chú nhìn con trai nhưng không dám hỏi, như thể hỏi câu hỏi của bà sẽ làm vụn vỡ bầu không khí của đêm trăng yên bình.

Thình lình, Út Lam hít mạnh một hơi, rồi nói:

- Mẹ! Mẹ có... thương con không?

Bà Vi ngơ ngác:

 - Có chuyện gì vậy? Sao con lại hỏi ngớ ngẩn thế?

- Con...con... nói... điều này xin bố mẹ đừng buồn, đừng giận... con nha!

Nó ngập ngừng, rồi bất chợt chụp lấy hai tay mẹ nói thật nhanh:

 - Con thương Joe! Chúng con... yêu nhau, và muốn sống với nhau trọn đời!

Như tiếng sét nổ bên tai. Bà Vi sững sờ, chết lặng, miệng há hốc. Một luồng khí lạnh chạy dọc sống lưng.  Bà rùng mình và bàng hoàng đến không thở nổi. Có lẽ nào. Tại sao lại như thế.  Bà lảo đảo đứng lên không nói một lời.  Và bà bước vội vô nhà quên cả xỏ chân vào đôi dép.
Thấy thằng Út nhìn theo mẹ với vẻ hoảng hốt, ông vội vã trấn an:

 - Để bố đưa mẹ vào trong, con đi ngủ đi, mai hãy nói chuyện tiếp.

Ông vội chạy theo, dìu bà vào trong nhà.  Là đàn ông, có lẽ ông đã nhận ra điều khác thường của đứa con trai nên không tỏ vẻ ngạc nhiên.

Suốt đêm bà Vi không ngủ.  Nỗi dằn vặt, khổ đau, trộn lẫn với sự hối hận, đã bóp nát trái tim người mẹ. Nước mắt tuôn rơi, bà tự trách mình với đủ lý do.  Có lẽ vì sự vỡ kế hoạch khi dùng thuốc ngừa thai, vì sự buồn lo vì có thai ngoài ý muốn, kể cả sự bỏ con cho ngoại và các dì nuôi nấng khi nó còn quá nhỏ, vì không được mẹ chăm sóc nên đã dẫn đến việc ảnh hưởng, thay đổi giới tính thằng bé chăng? Đứa con trai mà bà yêu thương, trăn trở những ngày đêm phải xa nó, đã mong nó có một mái gia đình êm ấm, có con cái như các anh chị nó. Vậy mà bây giờ!

Bà trằn trọc. Bà khóc, và bắt đầu nhớ lại, điểm lại chuyện của Út.  Thì ra ngay từ nhỏ Út Lam đã có những tính cách khác thường, nhỏ nhẹ, dịu dàng, mỏng mảnh như con gái.  Bé thích chải đầu, cuộn tóc, chăm chú ngồi sơn móng tay, móng chân cho mẹ.  Hồi bố mẹ phải đi xa, bé đã may thêu chiếc gối nhỏ hình trái tim để khi đi thăm bố mẹ thì đem tặng.  Bà chỉ biết cười và khen Út giỏi, không chút nghĩ suy gì. Mới năm, sáu tuổi bé đã thích xem phim tình cảm ủy mị sướt mướt của Quỳnh Giao, và cùng cười cùng khóc với nhân vật trong phim. Trong nhà chị mắng thì em cũng chỉ biết ngồi khóc, không bao giờ cãi lại. Út là đứa con chí hiếu, chăm sóc cha mẹ rất chu đáo kỹ càng. Mỗi lần bà bịnh thằng bé cũng ăn không ngon, ngủ không yên. Tính tình rất nhu mì nên trong họ ngoài làng bà con bạn bè đều yêu mến. Càng nghĩ bà càng thương con xót xa.

Thật khuya, khi thấy bà đã ngưng khóc, ông sà tới sát lại gần, dỗ dành:

- Tội nghiệp thằng bé, nói ra được với bố mẹ chắc nó cũng trút đi gánh nặng trong lòng.  Tôi ủng hộ nó, tôi không biết phản ứng của bà ra sao nên lâu nay không dám nói. Theo tôi, mình nên chúc phúc cho chúng nó.  Chúng nó là những người tốt, khỏe mạnh, thiện lành, và vô tội mà!

Bà như không nghe thấy lời ông nói.  Bà bận nhớ đến những lúc sau này các anh chị nó đã có nói gần, nói xa, nói những lời bâng quơ, khi thấy Joe đối xử với Út Lam dịu dàng, âu yếm, có lẽ là để chuẩn bị tinh thần cho bà. Nhưng bà nào để ý, chỉ nghĩ là chúng nó trêu ghẹo cái cách tiếp xúc “rất Mỹ” của thằng Joe.  Thì ra mọi người trong nhà đều biết, chỉ riêng bà không biết!

Bà Vi bị sốc nặng khi đối diện sự thật. Trước giờ bà biết rằng khi nói đến “đồng tính” người đời đều cho rằng đó là những kẻ không hợp với lẽ trời, sống trái với thiên nhiên; những kẻ trác táng, bịnh hoạn; những kẻ tò mò muốn khám phá cảm giác mới. Xã hội thì lên án, không công nhận, người đời xa lánh, nhìn bằng con mắt lạ lẫm, nên những người đồng tính thường phải che dấu, trốn lánh vì sợ ảnh hưởng tới gia đình.  

- Thật tội nghiệp con tôi!

Bà chợt buột miệng nói lớn.

 - Xác nhận mình là một người đồng tính quả không dễ dàng!

Như chỉ chờ có thế, ông biết trái tim người mẹ làm sao chối bỏ con mình, nên ông vội nói:

- Đúng vậy! Quả là không dễ dàng!

Rồi ông nói tiếp một hơi.

 - Nhưng thời buổi bây giờ, qua những trải nghiệm trong đời sống, những nghiên cứu của nhiều nhà xã hội học, khoa học, đã chứng minh rằng Giới Tính của con người có nhiều loại.  Riêng về Tính Dục cũng có ít nhất là năm loại: Dị tính (Yêu người khác phái) – Đồng tính (Yêu người đồng phái) – Lưỡng tính (Yêu cả hai phái) – Vô tính (không yêu ai hết) – Chuyển giới (Chuyển đổi giới tính). Người Mỹ gom tất cả những giới tính “bất bình thường” gọi là LGBT. (Lesbian, Gay, Bisexual, Transgender). Họ cũng là những người do Đấng Tạo Hoá sinh ra, nên họ phải được tôn trọng và được sống theo giới tính thực sự của mình. Không nên phủ nhận giới tính của họ, để họ được sống và yêu như người bình thường.

Ông còn nói nhiều nữa, nhưng bà vẫn mở mắt nhìn thao láo lên trần nhà. Bà nghĩ đến thằng Joe. Bây giờ nhớ lại từng chi tiết, bà thấy Joe rõ ràng là thật tâm thật lòng muốn gia nhập vào gia đình bà, muốn làm một đứa con thật sự của bà. Biết bà thích trồng cây, cậu ta đóng ngay cho bà mấy thùng gỗ để bà có mảnh vườn ngăn nắp.  Joe còn tập ăn thức ăn Việt, học nói tiếng Việt, tìm hiểu về phong tục và văn hóa Việt.  Ngày biết bà thắng được giải Danh Dự VVNM của Việt Báo, Joe tỏ vẻ rất vui, chúc mừng bà rối rít, và kêu bà đưa bài viết thắng giải cho nó bỏ vào Google dịch để đọc một cách vô cùng thích thú. Khi đó bà Vi thật vui, cảm động và nghĩ thầm, anh chàng Mỹ này chắc kiếp trước là người Việt Nam nên kiếp này mới thích người Việt như vậy. Bây giờ nhớ lại, bà mới vỡ lẽ, thì ra lâu nay thằng Joe đang... làm rể nhà bà!

Đến gần sáng, bà Vi chợt ngồi bật dậy mở máy tính lên Google tìm kiếm. Bà không cam tâm.

Phải tìm cho ra nguyên nhân.  Phải tìm xem trên trái đất này có bao nhiêu người lâm vào cái cảnh dở khóc dở cười như đứa con trai út bửu bối của bà.
Và những thông tin tìm thấy làm cho bà Vi sửng sốt. Theo Cục Điều Tra Dân Số Hoa Kỳ (The United States Census Bureau), trong năm 2019 có đến 980,276 gia đình có cặp đôi là đồng tính. Chỉ nói sơ trong hệ thống chính phủ Mỹ, đã có 2 Thượng Nghị Sĩ và 11 Dân Biểu Quốc Hội Hoa Kỳ là người đồng tính.

Người ta nói, “Có tật có tài” quá đúng.  Không phải chỉ mình Út của bà thông minh như bà từng tự hào. Bà Vi còn tìm thấy nhiều người Mỹ đồng tính thông minh tột đỉnh. Họ đã thành công trong nhiều lãnh vực và trở thành những người nổi tiếng của nước Mỹ.  Họ kết hôn với người cùng giới và có cuộc sống vợ chồng như những người bình thường. Điển hình là ông Pete Buttigieg, Bộ Trưởng Giao Thông Hoa Kỳ, người từng tranh cử chức Tổng Thống Mỹ.  Ông kết hôn hợp pháp với người đồng giới Chasten Glezman, một giáo viên và là nhà văn.

Kế đến là Tim Cook, là CEO, cũng là đồng sáng lập công ty Apple cùng Steve Jobs. Tim Cook chưa kết hôn, nhưng ông đã công khai mình là người đồng tính, Gay, vào năm 2014 trong một bài xã luận, trên Bloomberg Businessweek.

Còn Michael Kors chủ thương hiệu Michael Kors nổi tiếng người Mỹ. Kors đã kết hôn với “chồng” là ông Lance Le Pere, một nhà thiết kế thời trang người Mỹ tại New York.  Họ là một trong những cặp đôi đồng tính nam đầu tiên tổ chức đám cưới vào năm 2011, sau khi luật pháp tiểu bang cho phép điều đó.
Và còn nhiều, nhiều lắm những nhân vật tiếng tăm lừng lẫy, giàu có, quyền cao chức trọng trên thế giới thuộc vào nhóm LGBT.

Một trang tin quan trọng nhất bà Vi dừng lại đọc thật kỹ là “Yale School of Public Health.” Theo John Pachankis, Tiến Sĩ tại Trường Đại Học Yale thì việc “che giấu xu hướng tính dục của một người có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe thể chất và tinh thần, tăng chi phí chăm sóc sức khỏe và giảm khả năng hiển thị trước công chúng cần thiết để thúc đẩy quyền bình đẳng”(Yale School of Medicine).

Đọc đến đây bà Vi vội vã tắt máy đứng lên. Bà thương Út Lam quá, nó sửa soạn cho thật chín mùi, chịu đựng sự dằn vặt bao nhiêu năm bây giờ mới can đảm thổ lộ, vì không biết phản ứng của bố mẹ sẽ ra sao.  Bây giờ đã hiểu ra, nên bà sẽ không như những người khác, khi biết con của họ sống chung với người đồng phái đã ghét bỏ, cho là chuyện xấu hổ của gia đình.  Bà từng nghe nhiều đứa con đã vì sợ hãi không dám về nhà; nghe nhiều cha mẹ nhất định từ bỏ chúng để rồi mất luôn con và cả hai bên cùng đau khổ!  Đã có nhiều trường hợp bào chí đăng, vì bị gia đình ghét bỏ nên những đứa con đồng tính mang mặc cảm tội lỗi, rồi đi đến trầm cảm, dẫn đến tự huỷ hoại tấm thân!  Không, không, bà không thể để con bà rơi vào tình trạng đó!  

Bà bước vội qua bên phía của hai đứa. Ngôi nhà vắng tanh, lạnh lùng hoang vắng.

Phòng Joe khép hờ trống trơn với chăn màn ngăn nắp, chắc cậu ta đã đi làm. Nhưng cửa phòng Út Lam vẫn còn đóng kín.  Bà thấy lo nên vội bước đến gõ cửa dồn dập. Không có tiếng trả lời bà đẩy cửa vào, và thấy thằng Út nằm im không động đậy. Hoảng hốt, bà vừa lay nó vừa kêu toáng lên:

- Ông ơi! Ông ơi! Vào đây mau!

Ông lật đật chạy qua, cũng là lúc thằng Út mở mắt ngồi dậy. Mặt mày nó bơ phờ, với đôi mắt trũng sâu đầy những tia gân máu đỏ.  Bà ôm lấy ngực hú hồn mà thương đứt ruột, chắc cả đêm rồi nó không ngủ nên sáng mới ngủ mê man.  Ngồi xuống giường, bà choàng tay ôm Út vào lòng và nói:

- Mẹ đã suy nghĩ cả đêm, và giờ mẹ đồng ý. Bố thì không có vấn đề gì, nhưng mẹ muốn biết con đã suy nghĩ kỹ chưa, quyết định chắc chưa?

Út mặt mày sáng bừng mừng rỡ, tươi tỉnh thấy rõ như vừa uống thuốc tiên, quay qua ôm mẹ:

- Thanks mom, I love you! Dạ, chắc chắn! Nó gật đầu lia lịa như sợ bà đổi ý.

- Chúng con quen nhau đã lâu. Memorial Day sang năm là đúng 14 năm. Joe ở bên bố mẹ gần 10 năm rồi, chắc bố mẹ biết phần nào về nó.  Tụi con tính sang năm 2023 làm đám cưới.  Xin bố mẹ chấp thuận!

- Sure! Bây giờ biết được tình yêu của các con là “true love” bố mẹ và cả gia đình, đại gia đình mình, phải sẵn sàng ủng hộ, giúp đỡ con!

Bà nói nhanh cho thằng con yên lòng.

Chỉ còn vài tháng nữa là đến ngày đám cưới của Joe và Út Lam.  Cả nhà rộn ràng sửa soạn.  Giấy mời đã được gửi đi. Danh sách số người tham dự ước tính phải đến một trăm mấy chục người, đó là chỉ mời người trong họ thật gần, gia đình các anh chị họ ở Paris, London cũng hẹn về.  Gia đình Joe từ Ohio sang.  Một số bạn bè của Joe và Lam. Hai đứa bàn với cả nhà là sẽ tổ chức đám cưới tại nhà cho thân mật và ấm cúng. Tiền mướn chỗ làm đám cưới sẽ dùng để tu bổ vào căn nhà này.

May mắn thay, Út Lam của bà được sống ở Mỹ, một đất nước tôn trọng tuyệt đối quyền tự do của con người, và may mắn hơn nữa, là được sống tại “Tiểu Bang Vàng” California, nên gia đình bà mới có cơ hội tổ chức cái đám cưới mà có lẽ sẽ là rất...lạ lẫm đối với nhiều người!

Sáng nay Joe và Lam đi làm cùng lúc, chỉ còn vợ chồng bà Vi ở nhà. Ăn sáng xong hai người lững thững ra sân sau đi bộ quanh vườn.  Không gian yên tĩnh êm đềm. Xung quanh vườn những bụi hồng nhung đang trổ hoa đủ mầu đủ sắc. Còn hai năm nữa ông tròn chín mươi, bà gần tám chục.  Quỹ thời gian thu ngắn dần.  Hơn năm mươi năm chung sống ông bà còn có nhau đến giây phút này.  Bà cầu Trời Phật cho ông bà luôn khỏe mạnh để buổi hoàng hôn rơi xuống thật êm đềm, buổi chiều tà hạnh phúc, không phiền muộn các con.  Bà không tiếc nuối, không phiền hà, oán trách. Không tự dằn vặt mình vì những chuyện thành bại đã xẩy ra trong cuộc đời. Bà tin mọi việc đều có sự sắp đặt nhiệm mầu của bàn tay Thượng Đế.

Đang đi, bà Vi bỗng dừng lại dưới bóng mát của một cành cam, hít một hơi dài bầu không khí đây hương hoa vào trong lồng ngực. Bà nghĩ đến ngày cưới của Út Lam, và cảm thấy một niềm hạnh phúc vô biên. Bây giờ bà đứng đây thưởng thức hương hoa, nhưng thằng Út Lam nhà bà rồi đây sẽ được tự do thưởng thức hương vị cuộc đời.  Sau cái đám cưới hợp pháp, Út sẽ có thể ngẩng mặt lên một cách tự hào và đầy hạnh phúc khi đi ra đường cùng Joe.  Nghĩ đến cái ngày cùng ông cầm tay thằng Út trao cho “chồng” nó là thằng Joe, bà bất giác mỉm cười.

Trên trời vài vầng mây bạc lững lờ bay.  Bầu trời rạng ngời trong xanh bên vầng dương buổi sáng. Nắng vàng tươi. Đám chim chóc trên cây đang chuyền cành cũng đùa nhau ríu rít như chia sẻ niềm vui cùng bà Vi.

Đỗ Dung

Ý kiến bạn đọc
01/08/202320:29:37
Khách
Truyện đã nói lên tiếng nói của rất nhiều người đồng cảnh ngộ mà không dám nói ra, hoặc không biết phải thổ lộ như thế nào. Cám ơn chị Đỗ Dung.
25/07/202315:12:09
Khách
Thân mến gửi đến Tường Vi và các độc giả của chương trình VVNM của Việt Báo!
Xin lỗi TV đã trả lời cám ơn TV chậm vì mấy ngày qua mình quá bận rộn vì đám cưới của Lam Sơn và Joe ngày 22/7/2023. Sau đó các chị em Đỗ Sisters lại kéo nhau đi Gilroy hai ngày liền để hội ngộ bên nhau và cùng mừng sinh nhật của Thiên Hương.
Xin chia sẻ với các độc giả của chương trình VVNM đã chúc phúc cho hai cháu một số hình ảnh đám cưới của LamSơn và Joe do vợ chồng Quyên Tâm, anh chị của LS mới post vào Facebook
https://www.facebook.com/photo/?fbid=10161469264939497&set=pcb.10161469282699497
Thanks!
Đỗ Dung
20/07/202302:15:50
Khách
Kính thưa bác Dung,
Cháu thuộc thế hệ sau (bạn của Q - con gái Bác), cháu rất bồi hồi khi đọc câu chuyện cảm động của bác ạ. Bác thật dũng cảm, tự sự về đề tài vẫn còn là điều nhạy cảm trong cộng đồng và thế hệ của bác. Văn phong của bác nhẹ nhàng nhưng chan chứa cảm xúc, đọc xong lưu lại những lắng đọng trong độc giả ạ.
Cháu kính chúc bác luôn nhiều sức khỏe, an khang để tiếp tục thêm nhiều sáng tác nữa ạ. Cháu chúc mừng Joe và LS may mắn có cha mẹ và cả một đại gia đình luôn yêu thương đôi trẻ. Và chúc phúc đến Joe và LS hạnh phúc viên mãn.
02/07/202305:40:09
Khách
Cám ơn chị Lan - Phương Nguyễn đã đọc và có lời khích lệ. Chúc hội VROC thành công trong công việc giúp ích những gia đình còn bỡ ngỡ trong việc này. Mọi người sẽ hiểu rõ hơn để biết rằng những người đồng tính cũng là những con người do đấng tạo hoá sinh ra. Họ cũng là con người, có quyền được làm người, được yêu và sống theo giới tính của họ. Chúng ta nên tôn trọng và yêu thương. Tôn trọng nhân quyền!
01/07/202308:56:19
Khách
Bài viết và câu chuyện cảm động, Joe & Út Lâm thật may mắn có bố mẹ mở lòng và thông cảm, ngoài kia còn rất nhiều bạn trong LGBTQ's community vẩn còn trong "closet", khó cho cả con cái và phụ huynh nếu không được dip tìm hiểu về giới tính.
Qua Một thời gian rất dài và nhiều nổ lực để cộng động nầy được phần nào như hôm nay. " Love is Love".
Ở ngay Orange County, Năm Cali
có hội VROC ( Việt Rainbow of OrangCounty) thành hình từ 2013 trong đó có nhiều câu chuyện cảm động như câu chuyện của chị Đổ Dung viết,
hội VROC thành lập
với mục đích là giúp đỡ cả các bạn LGBTQ và Gia đình và Cộng Đồng
Em may mắn được đồng hành cùng nhóm nầy được 10 năm nay. Cám ơn chị Đỗ Dung và câu chuyện
01/07/202301:10:34
Khách
ĐD thật cảm động khi đọc một chuỗi comments dài của quý độc giả chương trình Việt Báo VVNM. Thành thật cám ơn quý anh chị em đã đọc, góp ý, cho thêm thông tin hữu ích và viết những nhận xét khích lệ rất quý báu cho tác giả.
Cám ơn các độc giả Hùng Trần, Nate, Minh Thuận Lê, Quý Trần, Nga Hoàng, Mai Bùi, Đỗ Quỳnh Mai. Sherry Phạm, Donna Thuỳ Lê và các độc giả âm thầm đã đọc...
ĐD
27/06/202319:40:02
Khách
Có súng trường bán tự động AR trong tay, biến căm thù thành hành động- thay vì xữ dụng lá phiếu, nay lãnh bản án tù chung thân :

(Trích) 26 tháng 6 năm 2023- Nghi phạm bị buộc tội sử dụng súng trường bán tự động kiểu AR để khủng bố hộp đêm LGBTQ ở Colorado – giết chết 5 người và làm bị thương 19 người khác – đã nhận tội với 5 tội danh giết người cấp độ một và 46 tội danh cố ý giết người.
Anderson Lee Aldrich , 23 tuổi, đã bị kết án 5 bản án chung thân liên tiếp không có cơ được ân xá vì vụ thảm sát năm 2022 tại Câu lạc bộ Q ở Colorado Springs, Colorado.
Thẩm phán Michael McHenry cũng kết án Aldrich thêm 2208 năm tù vì tội cố ý giết người. Aldrich cũng nhận bản án 4 năm cho các cáo buộc có động cơ kỳ thị.
Các công tố viên không thể kêu án tử hình vì vào năm 2020, Colorado đã bãi bỏ án tử hình .
27/06/202309:52:21
Khách
Công nghệ Trí Tuệ Nhân Tạo [AI] đang được phát triển và thịnh hành [đến chóng mặt] trong rất nhiều lĩnh vực như kinh tế, khoa học, y tế, quân sự, chính trị và xã hội [loài người].

Sở trường của AI kể không hết nhưng một trong những sở đoản của AI [hiện nay] là nó chưa có đầy đủ dữ liệu [data] về cộng đồng thiểu số thuộc LGBTQ+ để có thể giúp đỡ nhóm người này tích cực và hiệu quả hơn trước sự kỳ thị, bạo lực, chống đối từ những thành phần quá khích, bảo thủ [gồm cả dân biểu/thượng nghị sĩ thuộc đảng cộng hòa cấp tiểu bang/liên bang].

Vì vậy để đối phó với tình trạng trên, cộng đồng LGBTQ nên theo học những ngành thuộc STEM [Science, Technology, Engineering, Mathematics] càng đông càng tốt và cử tri ủng hộ [nên] xử dụng lá phiếu của mình để loại bỏ những chính trị gia hủ lậu [fuddy duddy], lỗi thời [với dụng ý cản trở đà tiến hóa của nhân loại] để "Hương Đời" được mãi mãi "Thơm Ngát".
27/06/202301:49:11
Khách
Bài viết rất lôi Cuon, lời văn nhẹ nhàng, thành thật. Câu Truyen phản ánh đời thật nên gây cho người đọc một xúc động bồi hồi. Đồng tính là việc đa có từ ngàn xưa nhưng người ta dấu kín vi xã hội chưa chấp nhận. Sau những năm dài bên bỉ tranh đấu , ngay nay ho đã bắt đầu không còn cần dấu diếm vi ho da chứng tỏ họ có đời sống tốt co thể giúp ích cho xã hội.
Trong truyện nay Út Lam đã rat may mắn co cha mẹ luôn thông cảm và yêu thương . Nhưng gia đình cũng rất may mắn có người con đặc biệt lai rất hiếu đễ
Một truyện hay , kết luận co hậu, lam người đọc vui vẻ , thoải mái.
26/06/202320:20:01
Khách
Cảm ơn Tác Giả vì bài viết quá sâu sắc, đồng cảm, và phân tích tâm lý nhân vật với cách viết văn trau chuốt nhưng thật gần gũi với đời thường. Là 1 đọc giả, tôi cảm nhận nhiều giá trị nhân văn sau khi đọc tác phẩm mà tôi nghĩ xứng đáng được nhiều giải thưởng khác nữa.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 553,847
Năm tháng trôi qua, bao nhiêu lượt người đến đi, không có gì xảy ra; bà quen dần với những người khách trọ xa lạ, tự cho mình là chủ quán trọ. Bà tế nhị quan sát cách sinh hoạt, lời ăn tiếng nói của từng vị khách, đánh giá từng người, xã giao vừa phải. Bà nghĩ xử thế làm sao để khi người ta đi vẫn giữ được thiện cảm với nhau.
Cuối năm 2021 tôi về hưu sau khi đã làm việc 31 năm ở công ty, nhận được một cái Rolex sau 25 năm, một đồng hồ Apple sau 30 năm, một đồng hồ grandfather clock treo tường, một đồng hồ để bàn bằng gỗ đỏ sang cả quí phái, một đĩa bạc “ghi công” để chưng bày khoe khoang tại phòng khách. Mọi thứ đồ đoàng có trong kho mình đều thu tóm cả. Bây giờ thì về đi thôi! Lúc này tôi mới nghĩ đến nơi ăn chốn ở trong giai đoạn mới của cuộc đời. Ngày xưa còn miệt mài cày bừa trả nợ nhà, nợ xe, nợ “con”, mình gồng mình vớt lấy một căn nhà trong khu trường tốt, vượt cả khả năng tài chính, để rồi phải nhịn ăn nhịn mặc, còng lưng trả tiền nhà mút chỉ hụt hơi. Nay con đã lớn, thôi thì nhường khu này lại cho những cặp vợ chồng trẻ đang nhắm nhía trường xịn cho con họ.
Lúc tôi viết bài 32 Năm Người Mỹ Và Tôi, đã cảm thấy là “coi bộ vợ chồng mình cũng bền vững dữ há, nhứt là khi ngôn ngữ bất đồng, Đông Tây không gặp nhau” Những tưởng sẽ còn sống với nhau cho tới khi ăn được cái ngày kỷ niệm “ lễ cưới hột xoàn” chớ, ngờ đâu, mới hơn 53 năm anh bỏ tôi, mau chóng ra đi một mình.
Tác giả Phi Nguyễn lần đầu tham dự VVNM với bài "Trái mít". Bà sinh sống và làm việc tại thành phố Brunswick, Georgia. Đây là bài mới nhất của Bà, viết để chia xẻ một kinh nghiệm chìa khóa xe bỗng dưng không mở được cửa nữa và những điều cần phải làm sau đó thay vì hoảng sợ.
Tôi bấm chuông và đứng đợi. Mùi hương thoảng nhẹ trong không khí khiến tôi chú ý đến mấy khóm hồng dọc hai bên lối vào. Những cụm hồng nhung đủ màu mới vài ngày trước còn đẹp rực rỡ, vậy mà giờ đây đã xuống sắc, cánh hoa rơi tan tác vương vãi khắp nơi. Tôi nhìn lên tấm bảng nhà dưỡng lão (Residential Care Home) và bỗng thấy lòng chùng xuống. Bên trong cánh cửa này, có bao cuộc đời từng một thời tung hoành ngang dọc, nhưng nay họ đều đang thập thò bước thấp bước cao đi vào đoạn cuối đời, cho dù có an phận sẵn sàng hay vẫn còn luyến tiếc.
Nhờ Đi Dự Đám Cưới Cô Cháu, Tôi Biết Có Những Người Bị Đồng Bệnh Mắt Với Mình Để Chia Sẻ Thứ bảy tuần vừa qua April 8th, 2023. Toàn thể đại gia đình chúng tôi đã đi dự tiệc cưới của cô cháu, con gái của cô em tôi. Trong buổi tiệc cưới ấy, chúng tôi ngồi cùng bàn với cha mẹ của cô dâu. Mọi người trong bàn đều nhìn nhau bằng ánh mắt băn khoăn, như tự hỏi, sao không thấy sự hiện diện của hai ông bác, là anh của ba cô dâu. Mặc dù thắc mắc như vậy, nhưng mọi người hơi ngần ngại, chưa ai dám cất lời hỏi cả. Thần giao cách cảm! Như đã nằm lòng, đoán biết thế nào cũng có người hỏi về sự vắng mặt của hai ông anh mình. Với sắc thái nhạy cảm, ba của cô dâu đã lên tiếng trước để chia sẻ với chúng tôi là cả hai bác đều bị bệnh đau mắt giống nhau, nên không ai dám lái xe nữa, vì khi lái xe, nhìn xa thấy cái gì cũng nhiều gấp đôi, bảng tên đường, lằn gạch vẽ trên mặt đường, mũi tên quẹo phải, hay trái và những đèn đường toàn là nhiều nhân gấp hai lần, nên sợ quá, bỏ lái xe luôn.
Tôi từng đi Mỹ thăm gia đình từ thập niên 90 của thế kỷ trước, nhưng lần này thì khác, sau 14 năm chờ đợi, thật ra tôi nhận được giấy báo của NVC (National Visa Center) năm 2019 chuẩn bị hồ sơ đến Tòa Đại Sứ Mỹ tại Paris cho buổi phỏng vấn đi Mỹ. Nhưng dịch covid đã treo buổi phỏng vấn vô thời hạn, tôi tự hỏi có nên phiêu lưu làm lại cuộc đời lần thứ hai vào tuổi đã xế chiều ?
Ông nhếch môi cười chua xót ngẫm lại cuộc đời mình: tuổi trẻ làm người lính VNCH, rồi bị tù hơn 13 năm, cũng mộng ước như bao nhiêu người khác nghĩ đến tổ quốc thân yêu, nhưng rồi lực bất tòng tâm, quay đi bước lại soi gương đầu đã bạc. Ông chạnh nhớ người vợ đầy xót xa đau ruột, chịu đựng biết bao nhiêu gian khổ trong thời gian ông bị tù đày. Qua Mỹ tìm tiểu bang Minnesota lập nghiệp, vợ chồng làm việc siêng năng, bắt tay vào cuộc sống cày bừa gầy dựng tương lai, lo các con ăn học và muốn an cư lạc nghiệp. Các con tốt nghiệp ra trường, lập gia đình và có cuộc sống riêng. Một ngày mùa hè người vợ bỏ cuộc với căn bệnh tàn nhẫn, dứt áo ra đi khi tuổi đời chưa tới 60. Ông chới với hỏng chân, tinh thần suy sụp chỉ biết mượn rượu uống cho say, công việc bỏ bê bị laid-off. Ông chẳng còn thiết sống, nhà cửa do vợ chồng gầy dựng tưởng sống tới bạc đầu, bù đắp những ngày khốn cùng cay nghiệt ở VN, thế mà vợ chồng ông đã đầu hàng... buông hết. Con trai sợ ông sinh bệnh ép về ở chung để chăm sóc,
Việc gì Bố làm, ai cũng tấm tắc khen. Trong mắt tôi, Bố thật tuyệt vời. Vậy mà bố không biết chữ! Lúc còn nhỏ, tôi không hề biết rằng, những chuyện do bản năng như đi đứng nằm ngồi thì không cần phải học. Còn lại không học thì không biết, bằng chứng khi học lớp hai, tôi đã biết đạp xe vù vù, trong khi nhiều bạn trong lớp cho tới lớp năm, vẫn chưa biết đạp xe. Lớn lên ở vùng sông nước, Bố cũng tập cho tôi bơi như con rái cá khi còn rất nhỏ, nên trong mắt các bạn, Bố thật cừ khôi. Từ khi biết Bố mù chữ, tôi không còn cười toe toét mỗi khi nghe các bạn khen bố nữa. Có một cái gì "lấn cấn" mà tôi không nói được: bực bội, mặc cảm, giận dỗi! Bây giờ tôi rất ngại ngùng, khi đi cùng Bố đến những nơi hội họp đông người, nhất là khi có mặt Bố mẹ của các bạn trong lớp. Bố của bạn này là Bác Sĩ, mẹ của bạn kia là cô giáo.
Khó khăn lắm mới chạy được một suất “khảo sát thị trường ở Mỹ”. Phải vừa đấu đá, vừa lót tay, tốn biết bao nhiêu công sức. Vậy mà, cuối cùng Nghiệp vướng phải yêu cầu ác nghiệt của Lãnh Sự Quán Mỹ, là vấn đề thế chấp tài sản. Lý do LSQ yêu cầu cũng dễ hiểu thôi — để bảo đảm người đi sẽ phải quay về. Hắn bước vào nhà. Cửa đã mở sẵn, Hà, vợ hắn đang ngồi chờ trên ghế sô pha.
Nhạc sĩ Cung Tiến