Hôm nay,  

53 Năm Người Mỹ Và Tôi

14/07/202300:00:00(Xem: 7026)

Hình-1-trang-nhất-DAVID&XUAN-1977-LOS
David & Bảo Xuân,1977
 
53 năm, hơn nửa thế kỷ chớ có ít đâu.

Lúc tôi viết bài 32 Năm Người Mỹ Và Tôi, đã cảm thấy là “coi bộ vợ chồng mình cũng bền vững dữ há, nhứt là khi ngôn ngữ bất đồng, Đông Tây không gặp nhau”

Những tưởng sẽ còn sống với nhau cho tới khi ăn được cái ngày kỷ niệm “ lễ cưới hột xoàn” chớ, ngờ đâu, mới hơn 53 năm anh bỏ tôi, mau chóng ra đi một mình.

***

Mấy tháng nay, ngồi nhớ lại từng ngày, từ cuối tháng 9 tới cuối tháng 12, phân tích, so sánh, tôi đi tới kết luận là, nếu tôi đã suy nghĩ được như bây giờ, có lẽ chồng tôi chưa mất đâu. Với bác sĩ giỏi, nhà thương tốt, đứng nhứt nhì trên thế giới, bịnh của anh, ít nhứt cũng cầm cự được vài năm nữa.
Mình ơi, em đã làm sai rồi.

Năm anh 42 tuổi, một mạch máu dẫn vô tim bị nghẹt, được bác sĩ thông tim. Anh về bỏ hút thuốc lá, tiếp tục sống vui và làm việc hăng say.

Năm anh 55 tuổi, bị tai nạn, dập đầu, gãy chân, rồi sẵn dịp hãng xưởng đóng cửa vì bị ảnh hưởng chiến dịch “toàn cầu hóa” anh phải về hưu non.

Thôi cũng được, anh ra đời rất sớm, bấy giờ nghỉ cũng vừa. Tôi vẫn còn đi làm. Đã tính sẵn, đợi cho tới ngày tôi về hưu, vợ chồng mình sẽ đi du lịch. Tôi thích du lịch xứ người, anh thì nói “nước Mỹ thiếu gì cảnh đẹp mình chưa biết, tội gì phải đi đâu xa” Nhưng khi tôi về hưu thì anh cũng chẳng muốn rời khỏi nhà, vì cái chân bị tai nạn khi xưa, hành đau đớn, đi lại khó khăn, lại tăng cân rất nhiều, thêm bịnh tiểu đường càng nặng, tới lúc phải chích thuốc hàng ngày.

hình-2-BEN-SUOI-DAVID-&-XUAN-1977
David & Bảo Xuân,1977
Nhiều lần nghe anh xuýt xoa, tay chà chà lên đùi, chỗ có kẹp cái nẹp kim loại để giữ ống xương nối lại sau tai nạn, tôi hỏi:
- Bộ đau lắm hả mình?
- Ờ. Đau.
- Đau cỡ nào, cần uống thuốc giảm đau hông?
- Không cần đâu. Đau triền miên, đau nhiều hay ít tùy vô thời tiết.
Ờ đúng rồi, khi trời sắp mưa thì nghe anh rên nhiều. Muốn làm anh cảm thấy đỡ hơn, tôi thường chọc:
- Anh khỏi cần phải coi tin tức khí hậu và thời tiết nhe.
Anh cũng hơi cười cười:
- Ờ ờ, mình nói đúng. Trời sắp có mưa thì đau nhiều hơn.

Có bao giờ anh phàn nàn về trái tim đâu. Tôi ỷ y. Có ngờ đâu anh mang trong mình trái bom nổ chậm. 

Kể từ năm 2005, sau tai nạn đó, hết đi làm, tánh tình anh hay quạu quọ. Vậy thì, hễ anh trong nhà thì tôi ngoài sân. Anh ngủ trên ghế tôi ngủ trên giường. Anh ăn kiểu lính Hải Quân, ba phút là xong. Tôi vừa nhai vừa đọc sách, gần tiếng đồng hồ, cho nên hai đứa ít ăn chung. Anh nóng tánh, tôi nguội, vợ chồng khỏi gây gỗ.

Vậy mà anh nói hoài: 

-Khi có em ở gần hay đâu đó, trong nhà hay ngoài sân thì anh an tâm. Ngủ được. 

hình-3--XUAN-DAVID
David & Bảo Xuân,1994
 ***

 Sáng ngày 22  tháng 9 năm 2022, tôi hỏi:

- Anh ăn sáng bây giờ chưa đặng em nấu.

Không nghe trả lời. Dòm kỹ, anh ngồi làm thinh, mặt xanh mướt, xuất mồ hôi. Tôi hỏi lại:

- Anh sao vậy? bị cảm hả?

Anh nói, giọng mệt nhọc:

- Ờ. Mệt. Không ăn đâu.

Cả ngày anh chỉ uống nước.

Như vậy đó, hai ngày liền, anh nửa nằm nửa ngồi trên cái ghế “làm biếng” (Lazy Boy).

Sáng ngày thứ ba, anh nói “đưa anh đi bác sĩ” rồi khập khiễng lần bước vô thay đồ.

Tôi nghĩ, chắc là bịnh nặng lắm mới tự động muốn đi bác sĩ như vậy.

Tới phòng mạch, sau khi đo huyết áp, cô y tá cho biết không đo được nhịp tim. Bác sĩ đo rồi nói phải vô nhà thương liền.

Vậy mà anh còn cự nự  “Không. Không muốn đi nhà thương!”

Tôi đã cương quyết, yêu cầu bác sĩ gọi 911 dùm.

Bác sĩ hỏi muốn vô nhà thương nào, tôi nói vô nhà thương gần nhà để tôi tiện việc thăm viếng.

Trời ơi, đáng lẽ tôi phải hỏi là nhà thương nào tốt nhứt chuyên trị về tim để trị bịnh chồng tôi?

Tại sao khi đó, thay vì nghĩ tới bịnh tình của chồng, tôi lại nghĩ tới chuyện “tiện cho tôi tới lui”.

Đó là sai lầm thứ nhứt.

Vô phòng cấp cứu. Sau khi khám xong, bác sĩ nói anh cần phải nằm lại nhà thương.

Lúc đó anh đã đau đớn cả người, rên rỉ nhiều.

Hôm sau, y tá cho biết anh bị nhiều chứng bịnh, rất nặng và cần chữa gấp là trái tim. Nếu bị nghẹt họ sẽ thông tim ngay. 

Hôm sau, vô phòng để có thể làm thông tim nhưng chỉ một thời gian ngắn họ trả anh về phòng, nói là bấy giờ chưa thể làm gì được, cần chuyển anh tới một trung tâm phục hồi khả năng Health Care Center/Nursing Home (HCC/NH). Khi cơ thể khá hơn, mới có đủ sức để chịu đựng những phương pháp chữa trị. Anh từ chối, nói muốn về nhà.  Nhưng khi khám lại, họ cho hay anh không thể tự đứng lên được nên bắt buộc phải vô HCC/NH.

Họ cho anh bận cái áo cấp cứu gọi là "life vest". Đó là một loại áo có gắn pin, có hệ thống liên lạc trực tiếp với công ty, khi trái tim gần ngưng hay ngừng đập, áo có khả năng phát ra dòng điện, đủ sức kích động cho trái tim đập lại, rồi gọi 911 chở vô nhà thương. 

 Y tá giải thích về bịnh của anh, tôi hiểu đại khái:

- Hai tĩnh mạch đem máu vô tim của anh, một đã nghẹt 100%, một gần nghẹt hoàn toàn, hiện tại chỉ những mạch máu nhỏ xung quanh hoạt động mà thôi, rất yếu.

- Trong trái tim có một lỗ nhỏ do tật bẩm sinh.

- Có 3 chỗ bị đông máu mà chưa biết rõ chỗ nào.

- Trái tim chỉ hoạt động từ 10 tới 15% mà thôi.

- Thận yếu. Gan suy. Tiểu đường rất nặng.

Rồi căn dặn:

1/ Phải bận life vest này 24/24 trừ khi tắm.

2/ Tránh không được té. Nếu té trúng đầu thì phải đem trở vô nhà thương liền.

3/ Phải uống thuốc đều đặn.

4/ Tránh giận dữ, buồn phiền, căng thẳng.

5/ Trở lại tái khám theo ngày đã dặn.

Tóm lại bịnh chồng bà rất nặng.

Ở HCC/NH hai ngày, chưa hẳn là té, mà anh bị sụm đầu gối xuống sàn nhà khi anh cố đi vô phòng vệ sinh. Họ đưa anh trở vô nhà thương.

Khám xong, biết đầu óc không sao nhưng anh bị nhiễm trùng đường tiểu, phải giữ lại điều trị trong hai ngày.

Được bác sĩ cho về, anh đòi về nhà. Tôi đồng ý.

Lúc đó anh còn quá nhiều đau đớn, cơ thể nặng nề, chưa thể xoay trở để tôi có thể thay tã, mà nhờ y tá và chuyên viên làm physical therapy tới, cùng giường ghế đặc biệt xe lăn này nọ thì bị chậm trễ và có chút khó khăn.  Rồi thức ăn cữ kiêng, cho uống thuốc theo dõi huyết áp tim mạch, sợ anh quên cố đứng dậy té như trong nhà thương, sợ mình làm không xong. 

Tôi sợ đủ thứ, thần kinh căng thẳng. 

 Sau hai ngày, đành phải đem anh trở lại HCC/NH.  

Tuy không muốn nhưng anh cũng phải chịu vì thương vợ con.

Trở lại HCC/NH, anh nằm đó, hằng ngày có người thay tã, thử máu, thuốc men, ăn uống, tập ngồi, đứng, đi và có y tá túc trực.

Thấy tạm ổn.

Mỗi ngày, con gái đưa tôi đem đồ ăn nhẹ vô cho anh ăn dặm thêm vì anh chê đồ ăn nhà thương sao lạt lẽo quá, khó nuốt.

Một hôm, nhà thương cho hay lượng potassium thấp quá, sẽ phải đưa anh qua nhà thương để vô thuốc vì ở HCC/NH không được làm IV. 

Anh nằm ba ngày, thấy anh còn đau đớn, huyết áp vẫn bất bình thường.  

Ngày nào gặp tôi anh cũng nói muốn về nhà.

Anh nói nhẹ nhàng quá. Nghĩ là anh nhõng nhẽo nên tôi bỏ qua.

Phải chi anh đòi hỏi một cách mạnh mẽ hơn để tôi nghe cho thấm cái tâm buồn bã của anh, để hiểu anh sâu hơn. 

Đó là sai lầm lần thứ nhì.

Tôi thấy an tâm nên chỉ vô thăm anh ngày một lần mà thôi vì muốn có thì giờ trở lại phòng gym tập thể dục, tin tưởng đã có nhân viên lo cho anh rồi. 

Lần này nhứt định anh phải để cho người ta trị hết bịnh mới được. Tôi phải giải thích cho anh biết bịnh của anh nặng như thế nào. 

Một buổi sáng, vừa vô phòng thấy anh nằm ngó lên trần, có vẻ như suy nghĩ gì đó, buồn buồn. Hỏi anh bị gì vậy. Anh nhìn tôi, nói:

- Tối qua anh gặp ác mộng, Anh thấy sao nhìn quanh tối đen, chỉ có một mình. Sáng nay rất sợ và buồn quá.

Tôi cười, cố trấn tĩnh anh:

- Thì ác mộng mới thấy như vậy chớ em và con vô thăm anh hằng ngày mà. Anh đâu có một mình đâu nà. Nè, bữa nay có soup nè, ngồi dậy ăn liền cho nóng.

Vậy mà anh chưa chịu ngồi dậy, cứ ngó tôi. Ánh mắt anh lúc đó sao mà tối, đen thăm thẳm, buồn thiệt là buồn. Mỗi lần vô nhà thương thì mình phải mang cái "mask" vô. Tôi vội vàng kéo cái "mask" xuống để anh nhìn cho rõ mặt. Tôi cười cười cho anh an tâm:

- Nè, vợ anh nè, ngó cho rõ đi. Anh đâu có một mình đâu.

Nhưng sao anh cứ ngó tôi, với ánh mắt quá đổi là buồn.  

Tôi sai lần thứ ba.

Tội nghiệp chồng tôi quá.

Thế rồi tuần sau nữa, y tá ở đó cho hay sẽ đưa anh qua nhà thương vì anh thiếu chất magnesium trầm trọng. Không thiếu sao được, anh đã ngưng, không ăn gì hết, chỉ uống nước.

Tôi đã không nhận thấy sức khỏe anh càng ngày càng suy sụp nhanh bên trong.

Một sáng, anh kể là tối hôm qua anh chiêm bao thấy ba anh. Ông mất năm anh mới 9 tuổi, mấy chục năm rồi, vậy mà anh thấy cha rất rõ, y như chuyện mới xảy ra, là hôm theo cha vô rừng ở Coos Bay, Oregon săn bắn. 

Hai cha con ngồi rình lâu quá, thấy anh cứ ngọ ngoạy, cha anh mới nói:

- Hay là con chạy xuống đó kiếm con nai đuổi lên đây cho cha.

Thì anh cười trả lời:

- Vậy sao cha không chạy xuống đó kiếm con nai đuổi lên đây cho con.

Rồi anh cười hà hà hà, đôi mắt sáng tươi hẳn lên. Như anh nhìn thấy cha anh vậy.

Tôi giựt mình. Nhớ Má tôi hay nói “Người gần chết thường thấy những người thân đã mất”.   

Hỡi ôi!

Tôi cũng không đem anh về nhà.

  ***

Tháng cuối cùng đời anh, mấy món lặt vặt tôi đem vô hàng ngày, anh chỉ ăn vài miếng thôi.   

Có khi, hỏi anh muốn ăn gì, anh nói: “Phở”.
 
Nấu không ngon nhưng tôi cũng ráng nấu. Thịt bò nạc hầm lâu cho có chất bổ dưỡng, xắt vài miếng thịt tái, đổ nước lèo vô bình thủy, chạy cho lẹ vô nhà thương, mở nắp bỏ vô một gắp bánh phở, anh ăn liền cho nóng.

Anh ráng ăn được cỡ nửa chén nhỏ.

Tôi mừng.

Rồi anh nói muốn ăn dưa chuột ngâm dấm, thịt nguội “pastrami”với “sauce mustard”.

Tôi mua cho anh ăn. Mỗi ngày chỉ 1, 2 miếng.

Mỗi ngày tôi cho anh một miếng chocolate đen có hột macadamia, anh ăn ngon lành. Vừa ăn vừa nhìn tôi và cười cười, kiểu giống như ăn lén lút vì bịnh tiểu đường cữ ngọt. Nhưng, lúc đó lượng đường của anh đã xuống rất nhiều, từ trên 300 xuống còn dưới 100 mà. Huyết áp, nhịp tim cũng đều hơn trước.
Tôi mừng.

Mỗi lần anh đòi về nhà, tôi nói anh chưa đi đứng gì được nhiều, chừng nào anh chống cái walker (Cái khung bằng kim loại hình chữ U có gắn bánh xe giúp bịnh nhân vừa đẩy vừa bước) đi tới phòng vệ sinh được thì đem anh về. Anh làm thinh.

Từ khi bịnh nặng, chỉ trong vòng ba tháng, anh sụt mấy chục pounds. 

Có phải vì muốn sụt cân mà anh đã nhịn ăn, để được về?

Tuần sau.

Một buổi sáng, thấy anh có vẻ hơi giận. Tôi nói vậy tôi giúp anh, nếu ngồi được thì xin về liền. Anh đưa tay tôi kéo, nhưng không tài nào kéo anh ngồi lên được. Ủa, sao kỳ vậy? Ở đây hơn hai tháng rồi, sao không khá hơn?

Anh buồn lắm, nói xin lỗi tôi. 

Tội nghiệp quá. Lúc nào cũng lịch sự! 

7 giờ sáng hôm sau, người của công ty cái áo "live vest" gọi cho hay anh đã bị cái áo kích động để cứu cấp trái tim. Hai mẹ con chạy vô HCC/NH, hối thúc gọi 911 để đem anh vô nhà thương lớn khác, chuyên trị tim. 

Tại sao nhân viên ở HCC/NH đã hay anh bị như vậy mà không đưa anh vô nhà thương liền mà phải đợi tới lúc chúng tôi vô hối thúc?

Lần này, sau khi khám xong bác sĩ cho hay trái tim anh đã hoạt động được gần 30%, nghĩa là tới 30% thì anh không cần phải bận áo life vest nữa.  Mẹ con tôi đã mừng quá mừng.

Nhưng, đêm đó cỡ 9 giờ hơn, anh gọi điện thoại cho tôi. Anh nói, giọng rất mệt, gần như thì thào:

- Anh nhớ mình quá. Anh thương mình lắm. Anh muốn về nhà ở gần mình.

Trời ơi, tự dưng tôi bực. Nghĩ là chắc anh cũng giống như mấy lần nằm nhà thương trước kia, cứ “anh nhớ em anh muốn về nhà”. Tôi rầy anh, hơi xẵng giọng:

- Mình đang mệt hả? Nhà thương này giỏi số một về bịnh tim. Khuya rồi, ráng ngủ để sáng mai bác sĩ chữa trị cho anh. 

Rồi muốn gợi lòng thương vợ để anh nghe lời mà ráng ngủ cho lại sức, tôi nói, giọng mạnh hơn:

- Anh ngủ đi để cho em ngủ vì em cũng mệt lắm rồi. Muốn về nhà thì ngày mai tính. Cho em nói chuyện với y tá đi.

Vậy là anh giao điện thoại cho y tá. Tôi hỏi bịnh tình anh ra sao, cổ nói thấy cũng như hồi chiều. Y hỏi có muốn nói chuyện thêm với chồng nữa không, an tâm, tôi nói không, khỏi.

Trời ơi. Đâu biết đó là lần cuối cùng chúng tôi nói chuyện với nhau.

Vì, sáng sớm hôm sau nhà thương gọi cho hay anh mới vừa bị "sepsis shock" (Bị vi trùng tấn công vô nội tạng nhứt là những nơi đang yếu). 

Chúng tôi chạy vô nhà thương thì thấy cả nhóm bác sĩ y tá vẫn còn đang cứu cấp cho anh. Họ còn biểu chúng tôi phải chuẩn bị tinh thần vì khó ai qua khỏi khi bị sepsis shock như vầy.

Trời ơi!

Trong phòng ICU, họ cho hay anh đã bị nhiễm trùng rất nặng, nhứt là vi trùng "E. coli" và không hiểu tại sao lại bị vi trùng này xâm nhập.

Chiều đó bác sĩ cho biết phải gắn máy trợ thở cho anh. 

Anh vật vã với cơn sốt cả đêm ngày.

Từ đó anh không còn mở mắt nữa, nhưng, khi tôi gọi tên, anh còn có thể xoay đầu qua. Tôi nắm bàn tay anh, anh cố kéo lên đẩy cái ống thở.

Trong họng anh khò khè cố nói mà nói gì được vì đã bị cái ống thở chận lại rồi. Tôi hiểu anh muốn kêu tôi cho rút ống ra. Trước kia hai vợ chồng thường nói không bao giờ muốn sống bằng máy trợ thở hay phải sống như người thực vật. 

Bác sĩ đang cố cứu anh, làm sao mà tôi kêu rút ống ra cho được?

Ngày hôm sau anh bị "stroke", cánh tay bên mặt không cử động được và không còn phản ứng khi tôi kêu tên anh nữa.  

Hai hôm sau bác sĩ nói gia đình hãy quyết định mấy giờ để rút ống thở ra vì nội tạng của anh đã từ từ mất hết khả năng hoạt động, nếu sống qua cơn này thì cũng là người thực vật.

Chỉ có một phép lạ xảy ra mới cứu được anh thôi. 

Nhưng sao bàn tay trái vẫn còn cố đưa lên đẩy cái ống trợ thở ra? Đó là bản năng tự nhiên hay anh còn có chút nào biết suy nghĩ? Bàn tay trái vẫn cố đẩy như vậy cho tới giờ phút sau cùng, có mặt vợ, chị, em vợ, con, cháu, y tá rút ống trợ thở, rồi sau đó rút ống trợ thức ăn ra. 

Từ đó bàn tay nằm yên. 

Bác sĩ nói anh có thể ra đi sau vài giờ, vài ngày, vài tháng hay thậm chí, vài năm.

Tôi nói muốn đem anh về nhà.

Quá trễ rồi. 

Năm tiếng đồng hồ sau, anh thở ra nhẹ nhàng.

Rồi ngưng.

Anh đã buông bỏ cuộc đời này, ngay chiều tối Lễ Giáng Sinh, 24 tháng 12, một tháng trước khi bước tới tuổi 75.

***

Nếu từ mấy năm trước, dầu cho anh có cứng đầu không chịu, tôi cũng phải tìm bác sĩ chuyên trị bịnh tim, bắt buộc anh đi tái khám và theo dõi thì trái tim có bị nghẹt, nặng như bây giờ?

Nếu ngay từ cuối tháng 9 tôi đem anh vô nhà thương chuyên trị bịnh tim này, tuy xa hơn nhưng có hy vọng nhiều hơn. Họ cũng có trung tâm phục hồi ngay tại chỗ, anh được theo dõi và chữa bịnh sớm hơn.

Nay anh đi rồi, người thân bạn bè an ủi: -Ai cũng phải chết. Đi sớm cho khỏe, hết đau đớn.

Anh hết đau đớn nhưng tôi đau lòng. Con cháu, người thân, quen, đau buồn biết bao.

Nhà nuôi con chim Africa Gray biết bắt chước giọng người này người kia, mà anh thường nói “Nó có thể còn sống sau khi mình đã chết”. Có khi thấy tôi đi ngang, nó kêu, “Xuânnnn…” bằng giọng nói của anh làm tôi giựt mình. 

Không biết nó có hay, có biết, vĩnh viễn sẽ không bao giờ gặp lại anh nữa.

Buổi tối cuối cùng còn có thể nói được, có lẽ biết trong người bịnh quá nặng, có lẽ anh nhớ thương tôi, muốn nói chuyện với tôi nhiều hơn mà tôi đã nhẫn tâm gạt ngang, bắt anh phải ngủ đi.  Chắc anh buồn giận tôi lắm. Mà nhà thương đã từng dặn là đừng làm anh căng thẳng hay giận hờn.

Bịnh tim mà.

***

Tất cả mọi vật của anh, xung quanh anh, vẫn còn. Thấy bất cứ thứ gì cũng nhìn thấy anh. 

Cái cân đo lường khi nấu nướng. Những thực đơn cữ kiêng. Cái ghế mới tinh có thể giúp người đang ngồi, từ từ đứng lên. Cái bồn cầu loại cao, anh chưa từng được ngồi thử. 

Bây giờ nhớ lại, tôi tức. 

Phải chi tôi đã đem anh về nhà, một người lo cho một người hơn là một nhân viên phụ tá mà phải lo cho 7, 8 bịnh nhân. 

Đem anh về rồi dùng lời ngọt dịu, khuyên anh, ráng ăn uống, chắc anh vẫn còn sức chống chọi, không bị nhiễm trùng như vậy. 

Bây giờ, muốn rót cho anh ly nước, tách cà phê, muốn nấu cho anh tô bún bò xào với nhiều củ hành và nước mắm chính tay tôi pha, muốn nói vài lời thương yêu, cũng không được nữa rồi.

Anh đã về nhà, trên bàn thờ, đợi tôi cho tới ngày tro cốt của mình gặp lại nhau trong làn nước biển hẹn hò.

Rồi ta sẽ “Side by Side Forever” - Bên nhau mãi mãi.

Giờ đây, tôi phải cố mà sống một mình, như vầy, trong ân hận, trong tiếc thương, trong nước mắt.

Cho tới hết quãng đời còn lại.

Tôi bây giờ đứng thu thân
Sống cam phận nhỏ chia phần an vui”.
(Thơ Nhã Ca)

Cam phận nhỏ thì có, an thì cũng an, nhưng vui thì anh đâu còn nữa để tôi có thể chia phần với anh. 
Mình ơi!…./.
 
 Trương Ngọc Bảo Xuân
 

Ý kiến bạn đọc
10/08/202401:43:52
Khách
Trong cái thế giới văn làm dáng ngoách mặt lên trời này, văn cảm xúc như này, hiếm vô cùng. Thông cảm buồn của Em và khen một tiếng ... hay.
31/07/202316:02:46
Khách
Cám ơn nate [nathaniel, nathan] một trong số những độc giả trung thành với Việt Báo và thường hay để lại lời bình cho những bài VVNM.
Tui sẽ luôn nhớ lời trích của nate:
" thì đây mới là tuyệt đỉnh của hạnh phúc trong đời người ngắn ngủi [sống gửi thác về] này.
Cám ơn lời khuyên và dẫn giải của nate, rất nhiều.
31/07/202315:57:59
Khách
Pha Lê ơi lúc này thường xuyên tui bận cái áo lạnh màu xám có 2 chữ BX trên ngực áo và nhớ tới Pha Lê.
Đâu biết Pha Lê cũng đã trải qua thời gian buồn khổ và bó tay, khi nhìn Cha chồng từ từ rời bỏ mình. Vĩnh viễn. Đau đớn lắm em há.
Cám ơn em luôn nghĩ về chị và mong ngày gặp lại em nha.
31/07/202315:51:18
Khách
Trúc Ly ơi đọc lời khuyên của Trúc Ly làm cô muốn khóc luôn. Đúng rồi, ngọn nến chỉ cháy được tới đó là bị gió thổi tắt rồi. Cám ơn sự ủng hộ nhiệt thành của Trúc Ly với VVNM. Cô sẽ luôn nhớ câu nói này của Trúc Ly "cuộc đời mỗi người như 1 ngọn nến. Nến của David đã tới lúc tắt rồi, nỗi buồn thương nhớ cũng sẽ nguôi ngoai. Cám ơn Trúc Ly nhiều.
31/07/202315:45:02
Khách
Phương Ngôn ơi tui vẫn nhớ ngày trao giải cho Phương Ngôn, gần chục năm trước. Thời gian qua mau, có lẽ ngày nào đó tui sẽ thấy bớt lạnh một bên người như bây giờ.
Cám ơn lời khuyên, chia buồn của Phương Ngôn. Mong gặp lại để trao giải cho Phương Ngôn, lần nữa nha.
31/07/202315:36:07
Khách
Cám ơn lời khuyên của Kim Dung nha. Tui chưa khóc tới nỗi đó đâu Kim Dung ơi. Nước mắt chỉ chực sẵn để mà ứa ra chớ chưa hẵn là khóc, mới đau. Chắc phải lâu lắm mới có thể nguôi ngoay. Bây giờ tui vẫn sinh hoạt bình thường, bằng cái xác! Vì còn con cháu, người thân xung quanh, phải cố gượng mà sống tiếp Kim Dung ơi.
31/07/202315:20:54
Khách
Cám ơn Trần Đình Đức đã đọc bài và lời chia buồn cùng lời khuyên làm tôi ấm lòng lắm.
Lâu qua hổng thấy bài của Đình Đức.
19/07/202311:54:18
Khách
“Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ.
Vô duyên đối diện bất tương phùng.”

Đã vậy cuộc "hữu duyên" [khác chủng tộc] này lại đạt kỷ lục tới hơn nửa thế kỷ thì phải nói là "hữu duyên kỳ ngộ" và không phải dễ gì tìm thấy được trong thiên hạ tự cổ chí kim.

Biết bao nhiêu kẻ lâm vào cảnh "phòng không gối chiếc" mặc dù đã lập gia đình, hoặc "đốt đuốc" đi tìm người thương mà chưa gặp nên vẫn cô đơn và thầm nhủ "tôi sinh ra đời dưới một ngôi sao xấu" - [Vũ trọng Phụng] để tự an ủi cho số phận [quá ư] hẩm hiu của bản thân.

Viết cách khác [và có lẽ không quá đáng], những người kém may mắn về tình duyên-gia đạo chỉ muốn "Đổi cả thiên thu tiếng người yêu cười [Đổi cả thiên thu tiếng mẹ cười - Trần trung Đạo]" thì đây mới là tuyệt đỉnh của hạnh phúc trong đời người ngắn ngủi [sống gửi thác về] này.
17/07/202301:26:01
Khách
Chị Bảo Xuân thương mến
Em được gặp và được nói chuyện với chị hai lần ( năm 2019 và 2021)
Chị Xuân , một người thật vui vẻ , nhớ lần đầu gặp chị , chị cười rất tươi , dặn dò em, một người vừa tập tễnh viết văn , là em cứ viết , viết riết rồi sẽ quen !
Có lẽ đây cũng là tâm ước của chị Xuân nên bài viết hôm nay chị viết thật nhẹ nhàng dung dị nhưng em và chắc chắn rất nhiều người đọc đã xúc động nghẹn ngào khi đọc từng giòng chữ chị trải lòng đau đớn trên trang báo .
Riêng em , em cũng đã trải qua những ngày tháng đau thương mất mát như chị khi em chăm sóc Bố Chồng em bị ung thư gan . Mãi mãi em sẽ không thể nào quên cảm giác đau đớn tận cùng khi bất lực nhìn người thân mình từ từ ra đi , em nghĩ chị Xuân chắccòn đau khổ hơn em gấp ngàn lần vì người đang rời bỏ chị là người đầu ấp tay gối với chị suốt 53 năm dài
Em xin thành kính chia buồn cùng chị Xuân và gia đình . Nguyện xin hương hồn Anh nhanh chóng về nơi an bình cực lạc.
Kình mong chị Xuân vơi bớt nỗi đau , giữ sức khỏe , mong Chỉ sẽ nhanh chóng tìm được ngày tháng yên hòa , Tâm luôn được bình an
Cuộc đời thật vô thường quá , chị Xuân ơi !
Rất thương mến
Em PL
16/07/202318:23:33
Khách
Cô ơi con thích mục vvnm, con đọc nó mỗi ngày từ khi là sách rồi trang web như này. Nên con nhớ những bài cô viết, nhớ thuở 2 người quen nhau, rồi qua Mỹ, "32 năm người mỹ và tôi" rồi chồng cô bị tai nạn xe cho đến lúc này. Con chia buồn với cô và gia đình. Mọi chuyện ko phải lỗi lầm của cô. Cô đã lo lắng và làm hết sức mình có thể rồi, nhưng số mệnh của David chỉ chừng đó thôi. Con đọc đâu đó nói cuộc đời mỗi người như 1 ngọn nến. Nến của David đã tới lúc tắt rồi, rồi nỗi buồn thương nhớ cũng sẽ nguôi ngoai. Con chúc cô luôn vui khỏe để bước tiếp trên journey của cuộc đời mình
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 553,792
Năm tháng trôi qua, bao nhiêu lượt người đến đi, không có gì xảy ra; bà quen dần với những người khách trọ xa lạ, tự cho mình là chủ quán trọ. Bà tế nhị quan sát cách sinh hoạt, lời ăn tiếng nói của từng vị khách, đánh giá từng người, xã giao vừa phải. Bà nghĩ xử thế làm sao để khi người ta đi vẫn giữ được thiện cảm với nhau.
Cuối năm 2021 tôi về hưu sau khi đã làm việc 31 năm ở công ty, nhận được một cái Rolex sau 25 năm, một đồng hồ Apple sau 30 năm, một đồng hồ grandfather clock treo tường, một đồng hồ để bàn bằng gỗ đỏ sang cả quí phái, một đĩa bạc “ghi công” để chưng bày khoe khoang tại phòng khách. Mọi thứ đồ đoàng có trong kho mình đều thu tóm cả. Bây giờ thì về đi thôi! Lúc này tôi mới nghĩ đến nơi ăn chốn ở trong giai đoạn mới của cuộc đời. Ngày xưa còn miệt mài cày bừa trả nợ nhà, nợ xe, nợ “con”, mình gồng mình vớt lấy một căn nhà trong khu trường tốt, vượt cả khả năng tài chính, để rồi phải nhịn ăn nhịn mặc, còng lưng trả tiền nhà mút chỉ hụt hơi. Nay con đã lớn, thôi thì nhường khu này lại cho những cặp vợ chồng trẻ đang nhắm nhía trường xịn cho con họ.
Tác giả Phi Nguyễn lần đầu tham dự VVNM với bài "Trái mít". Bà sinh sống và làm việc tại thành phố Brunswick, Georgia. Đây là bài mới nhất của Bà, viết để chia xẻ một kinh nghiệm chìa khóa xe bỗng dưng không mở được cửa nữa và những điều cần phải làm sau đó thay vì hoảng sợ.
Tôi bấm chuông và đứng đợi. Mùi hương thoảng nhẹ trong không khí khiến tôi chú ý đến mấy khóm hồng dọc hai bên lối vào. Những cụm hồng nhung đủ màu mới vài ngày trước còn đẹp rực rỡ, vậy mà giờ đây đã xuống sắc, cánh hoa rơi tan tác vương vãi khắp nơi. Tôi nhìn lên tấm bảng nhà dưỡng lão (Residential Care Home) và bỗng thấy lòng chùng xuống. Bên trong cánh cửa này, có bao cuộc đời từng một thời tung hoành ngang dọc, nhưng nay họ đều đang thập thò bước thấp bước cao đi vào đoạn cuối đời, cho dù có an phận sẵn sàng hay vẫn còn luyến tiếc.
Nhờ Đi Dự Đám Cưới Cô Cháu, Tôi Biết Có Những Người Bị Đồng Bệnh Mắt Với Mình Để Chia Sẻ Thứ bảy tuần vừa qua April 8th, 2023. Toàn thể đại gia đình chúng tôi đã đi dự tiệc cưới của cô cháu, con gái của cô em tôi. Trong buổi tiệc cưới ấy, chúng tôi ngồi cùng bàn với cha mẹ của cô dâu. Mọi người trong bàn đều nhìn nhau bằng ánh mắt băn khoăn, như tự hỏi, sao không thấy sự hiện diện của hai ông bác, là anh của ba cô dâu. Mặc dù thắc mắc như vậy, nhưng mọi người hơi ngần ngại, chưa ai dám cất lời hỏi cả. Thần giao cách cảm! Như đã nằm lòng, đoán biết thế nào cũng có người hỏi về sự vắng mặt của hai ông anh mình. Với sắc thái nhạy cảm, ba của cô dâu đã lên tiếng trước để chia sẻ với chúng tôi là cả hai bác đều bị bệnh đau mắt giống nhau, nên không ai dám lái xe nữa, vì khi lái xe, nhìn xa thấy cái gì cũng nhiều gấp đôi, bảng tên đường, lằn gạch vẽ trên mặt đường, mũi tên quẹo phải, hay trái và những đèn đường toàn là nhiều nhân gấp hai lần, nên sợ quá, bỏ lái xe luôn.
Tôi từng đi Mỹ thăm gia đình từ thập niên 90 của thế kỷ trước, nhưng lần này thì khác, sau 14 năm chờ đợi, thật ra tôi nhận được giấy báo của NVC (National Visa Center) năm 2019 chuẩn bị hồ sơ đến Tòa Đại Sứ Mỹ tại Paris cho buổi phỏng vấn đi Mỹ. Nhưng dịch covid đã treo buổi phỏng vấn vô thời hạn, tôi tự hỏi có nên phiêu lưu làm lại cuộc đời lần thứ hai vào tuổi đã xế chiều ?
Cây cam trước cửa sổ phòng làm việc của bà Vi đã nở đầy hoa, dày đặc những chùm hoa trắng nõn nà. Một số cánh hoa từ từ rụng xuống để lại những chùm trái nhỏ xíu lấm tấm như những đầu chiếc đinh ghim mầu xanh ngộ nghĩnh. Sáng nay bà Vi dậy sớm, thư thả ngồi nhìn ra cửa sổ, mải mê ngắm hai con chim đang bay ra bay vào xây cái ổ tít trên cành cao của cây cam. Chiếc tổ chim vừa hoàn thành, những sợi cỏ khô mỏng mảnh đã được bện thành một cái tổ gọn gàng, nhỏ bằng hai bàn tay chụm lại. Chúng khôn quá, xây tổ trên cành cam, khi chim con ra đời sẽ được thưởng thức mùi hương hoa cam thơm ngát. Bà mỉm cười nghĩ thầm, rồi rảo mắt nhìn ra phía vườn sau.
Ông nhếch môi cười chua xót ngẫm lại cuộc đời mình: tuổi trẻ làm người lính VNCH, rồi bị tù hơn 13 năm, cũng mộng ước như bao nhiêu người khác nghĩ đến tổ quốc thân yêu, nhưng rồi lực bất tòng tâm, quay đi bước lại soi gương đầu đã bạc. Ông chạnh nhớ người vợ đầy xót xa đau ruột, chịu đựng biết bao nhiêu gian khổ trong thời gian ông bị tù đày. Qua Mỹ tìm tiểu bang Minnesota lập nghiệp, vợ chồng làm việc siêng năng, bắt tay vào cuộc sống cày bừa gầy dựng tương lai, lo các con ăn học và muốn an cư lạc nghiệp. Các con tốt nghiệp ra trường, lập gia đình và có cuộc sống riêng. Một ngày mùa hè người vợ bỏ cuộc với căn bệnh tàn nhẫn, dứt áo ra đi khi tuổi đời chưa tới 60. Ông chới với hỏng chân, tinh thần suy sụp chỉ biết mượn rượu uống cho say, công việc bỏ bê bị laid-off. Ông chẳng còn thiết sống, nhà cửa do vợ chồng gầy dựng tưởng sống tới bạc đầu, bù đắp những ngày khốn cùng cay nghiệt ở VN, thế mà vợ chồng ông đã đầu hàng... buông hết. Con trai sợ ông sinh bệnh ép về ở chung để chăm sóc,
Việc gì Bố làm, ai cũng tấm tắc khen. Trong mắt tôi, Bố thật tuyệt vời. Vậy mà bố không biết chữ! Lúc còn nhỏ, tôi không hề biết rằng, những chuyện do bản năng như đi đứng nằm ngồi thì không cần phải học. Còn lại không học thì không biết, bằng chứng khi học lớp hai, tôi đã biết đạp xe vù vù, trong khi nhiều bạn trong lớp cho tới lớp năm, vẫn chưa biết đạp xe. Lớn lên ở vùng sông nước, Bố cũng tập cho tôi bơi như con rái cá khi còn rất nhỏ, nên trong mắt các bạn, Bố thật cừ khôi. Từ khi biết Bố mù chữ, tôi không còn cười toe toét mỗi khi nghe các bạn khen bố nữa. Có một cái gì "lấn cấn" mà tôi không nói được: bực bội, mặc cảm, giận dỗi! Bây giờ tôi rất ngại ngùng, khi đi cùng Bố đến những nơi hội họp đông người, nhất là khi có mặt Bố mẹ của các bạn trong lớp. Bố của bạn này là Bác Sĩ, mẹ của bạn kia là cô giáo.
Khó khăn lắm mới chạy được một suất “khảo sát thị trường ở Mỹ”. Phải vừa đấu đá, vừa lót tay, tốn biết bao nhiêu công sức. Vậy mà, cuối cùng Nghiệp vướng phải yêu cầu ác nghiệt của Lãnh Sự Quán Mỹ, là vấn đề thế chấp tài sản. Lý do LSQ yêu cầu cũng dễ hiểu thôi — để bảo đảm người đi sẽ phải quay về. Hắn bước vào nhà. Cửa đã mở sẵn, Hà, vợ hắn đang ngồi chờ trên ghế sô pha.
Nhạc sĩ Cung Tiến