Hôm nay,  

Duyên Nợ

17/11/202300:00:00(Xem: 8177)
blank

Hình chụp hai vợ chồng trên chiếc du thuyền tại Hawaii vào tháng 4 năm 2009


Trần Đình Đức - Tác giả vượt biển đến đảo Galang vào cuối tháng 12 năm 1983 và định cư tại Hoa Kỳ đầu  tháng 1 năm 1985, hiện là một Design Engineer tại thành phố San Jose.  Bài viết “Duyên Nợ” là phần tiếp theo của bài "Lá Thư Gởi Mẹ - Mười Hai Năm Sau " mà Việt Báo đã đăng cách nay hơn 10 năm về trước.


***

Trước khi lập gia đình, tôi thường hay nghe người đời ba điều bốn chuyện về chuyện vợ chồng. Nào là cuộc hôn nhân giữa hai người là duyên số do ông trời đã sắp đặt từ kiếp trước, vì vậy ở kiếp này phải có duyên nợ với nhau thì họ mới gặp lại và lấy nhau. Thế gian còn nói là duyên phận của một người tốt hay xấu còn tùy thuộc vào kiếp trước người đó có gieo nhân lành hoặc tạo nghiệp dữ hay không nữa. Do đó ở kiếp này người ấy sẽ có một cuộc sống hạnh phúc vì gặp được người vừa ý hay phải chịu đựng sự đau khổ vì bị lận đận về tình duyên.

 

Còn nếu như duyên phận của người đó xấu hơn nữa thì cuộc hôn nhân của họ sẽ gặp trắc trở và đỗ vỡ khiến cho cả hai phải chia tay và đường ai nấy đi! Nếu nói như vậy thì duyên phận của một người sẽ tùy thuộc vào nhân quả của kiếp trước người đó thì tôi không tin!

 

Tôi không tin vì tôi nghĩ rằng việc hôn nhân phải là do chính mình tự chọn chứ không ai có thể lựa dùm cho mình được. Nếu mình thật sự yêu thích một người nào đó, thì mình phải tìm hiểu cho thật kỹ càng về người ấy để xem người đó có hạp với mình hay không? Nếu cả hai người đều cảm thấy thương nhau và không thể sống rời xa nhau thì tiến tới với nhau thôi chứ ai mà có thể sắp đặt trước cho mình.

 

Chính vì thế tôi hoàn toàn không tin tưởng vào duyên số là chuyện có thật! Tôi chỉ nghĩ đơn giản là nếu chẳng may mình chọn lầm người phối ngẫu là do lỗi ở mình chứ không phải do ông trời nào sắp đặt cả! Nhưng cho tới khi tôi lấy vợ được một thời gian thì tôi mới hiểu ra được rằng, phải có duyên nợ với nhau thì hai người mới trở thành vợ chồng. 

 

***

 

Phận người con gái không biết bến nào trong hay bến nào đục để neo đậu con thuyền của mình giống như nhạc phẩm Duyên Phận mà Ca Sĩ Như Quỳnh thường hát. Còn tôi thì không biết duyên phận của mình tốt hay xấu như thế nào vì mãi cho đến khi tôi đã bốn mươi tuổi đầu rồi mà vẫn chưa tìm ra được một nửa hay bến đậu của mình.

 

Số tôi lận đận về tình duyên, gia đạo nên sau khi đã trải qua tám mối tình rồi đến lần thứ chín tôi mới thành duyên với bà xã của mình bây giờ. Người con gái đầu tiên mà tôi quenbiết từ khi tôi đặt chân lên nước Mỹ là cô cháu gái của một nhà văn nổi tiếng ở hải ngoại tại thành phố San Jose thuộc miền Bắc California. Tôi nhận được lá thư của cô viết cho tôi vào tháng 3 năm 1985 sau khi gia đình cô ấy định cư theo diện HO ở Nam Cali. Tôi thường hay gọi cho cô vào mỗi cuối tuần để hàn huyên và tâm sự với nhau. Tôi cùng hai người bạn thân ở Garden Grove ghé thăm gia đình cô một lần vào cuối mùa hè năm 1985.

 

Bốn năm sau chúng tôi tình cờ gặp lại nhau tại San Jose thì cô trách tôi tại sao dọn nhà lại không thông báo cho cô biết. Tôi đành phải cười trừ chứ biết nói làm sao bây giờ? Lúc đótôi mới qua Mỹ với hai bàn tay trắng nên chưa có sự nghiệp, với lại hai người ở xa nhau quá vì tôi thì ở Bắc Cali, cô ấy lại ở Nam Cali nên tôi tạm gác lại chuyện trai gái qua một bên mà chú tâm vào việc tạo dựng sự nghiệp của mình. Mặc dầu chúng tôi có cảm tình với nhau nhưng chưa sâu đậm. Hai gia đình đã quen biết ở Việt Nam trước khi gia đình cô ấy đi Mỹ nhưng chắc là không có duyên nợ nên chúng tôi không còn gặp lại nhau nữa.

 

Năm 1990, khi hay tin Má tôi muốn kiếm vợ cho con ở Mỹ thì có người trong nhóm tập thể dục ở vườn Tao Đàn gần nhà Má tôi muốn giới thiệu người cháu gái của bà mới tốt nghiệp xong trung học cho Má của tôi. Má tôi cho địa chỉ nhà và số điện thoại nơi sở làm của cô ấy để tôi trao đổi thư từ và nói chuyện với nhau. Sau đó thì tôi có thư từ qua lại và trò chuyện với cô ấy một thời gian. Nhưng cuối cùng thì tôi đổi ý vì không muốn cưới vợ ở Việt Nam nên sau đó tôi không còn liên lạc với cô ấy nữa. Mãi tới cuối năm 1997 khi tôi về Việt Nam thăm Má của tôi thì tôi mới gặp mặt cô ấy. Sau khi tôi cùng cô ấy đi ăn và nghe nhạc tại một phòng trà ở Quận I, lúc đó cô mới nói với tôi rằng cô sẽ lên xe hoa trong vòng hai tuần lễ nữa. Nghe cô ấy nói mà trong lòng tôi dấy lên một nỗi buồn khó tả.

Tôi nghĩ là mình đã yêu cô ấy nên mới nói với cô rằng tôi muốn làm đám cưới với cô. Mẹ của cô thì bằng lòng nhưng Ba cô ấy nói là đã hết cách rồi vì hai bên đã sắp đặt ngày cưới cũng như thiệp mời đã in và gởi đi hết rồi! Nếu hủy hôn thì Ba cô ấy khó mà ăn nói với sui gia. Nghe Ba cô ấy nói như vậy thì trong lòng tôi rất buồn vì mình là người đến trước mà bây giờ lại trở thành kẻ đến sau. Nhưng tôi biết đó là do lỗi tại mình chứ không thể trách ai được. Tôi không muốn ở lại để dự đám cưới của cô nên sau khi mua quà cưới để tặng cô ấy thì tuần lễ sau tôi lên đường trở về Mỹ. Thời gian đầu sau khi về lại Mỹ tôi cảm thấy buồn bã và chán chường không muốn làm gi hết. Lúc đó trong lòng tôi vẫn còn nhớ nhung đến cô, người mà mình đã từng viết thư và nói chuyện điện thoại rất thân thiết vào bảy năm về trước.

Cô này là người mà tôi thương nhứt sau vợ của tôi vì tôi thích cách nói chuyện dễ thương và tính tình cởi mở cùng giọng nói trong trẻo và ngọt ngào của cô ấy. Má tôi cũng buồn và tiếc vì muốn cô ấy làm dâu mà không được như ý. Vì việc này mà làm cho ngoại của cô ấy không thèm nói chuyện với Má tôi nữa. Má tôi đã trả lời với ngoại của cô ấy là ăn thua do ở thằng Đức nó có thích hay không chứ Má tôi không thể ép uổng hay bắt tôi cưới vợ theo ý của Má tôi được. Nhưng có lẽ vì tôi và cô ấy có duyên mà không có nợ cho nên hai người không thể đến với nhau được mặc dầu hai đứa chúng tôi thương nhau.

 

Vào một ngày cuối năm 1996, khi đi dự đám cưới của người bạn thân ở Garden Grove thì tình cờ tôi gặp và cảm mến em gái của một người bạn thân khác. Trước khi cô ấy rời khỏi đám cưới để bay về Denver vào ngày hôm sau thì tôi kịp xin được số điện thoại của cô để liên lạc. Tôi thường gọi điện thoại cho cô ấy nhiều lần để tìm hiểu nhưng chưa có dịp gặp mặt lại lần thứ hai. Có lẽ vì ở xa nhau quá nên tình cảm của tôi dành cho cô ấy chỉ dừng lại ở đó không thể tiến xa hơn được nữa. Sau khi tôi lấy vợ thì tôi nghe anh của cô ấy nói là cô đã lấy chồng và có con.

Trước khi về Việt Nam lần thứ hai vào năm 1998, tôi đã chia tay với một cô bạn gái vì không hạp với nhau. Tôi tiếp tục tìm hiểu và quen thêm vài cô bạn gái nữa nhưng kết quả là lại đường ai nấy đi trước khi tôi tiến tới hôn nhân với bà xã của mình. Để tôi kể cho Quý vị nghe về sự gặp gỡ hy hữu và lý thú của tôi và bà xã của mình để cho Quý vị suy nghĩ xem có phải là do ông trời đã sắp đặt sẵn duyên số của chúng tôi hay không?

Lúc còn độc thân tôi hay vào VietFun để tìm bạn bốn phương. Tôi cũng quen được vài cô trên VietFun nhưng sau khi viết thư trao đổi và nói chuyện trên điện thoại thì thấy chúng tôi không hợp với nhau nên tôi không còn liên lạc nửa. Có cô còn gởi thiệp mời để mời tôi sang dự lễ ra trường của cô ấy ở miền Đông của Hoa Kỳ. Nhưng vì bận đi làm nên tôi từ chối không thể đi dự được. Sau đó thì chúng tôi không còn liên lạc với nhau nữa vì tôi thấy mình không có nhân duyên với cô ấy.

Tình cờ tôi làm quen được với chị của bà xã tôi trên VietFun. Chị ấy muốn làm mai cô em gái của mình cho tôi. Tôi cảm thấy thích bà xã tương lai của mình ngay sau khi trò chuyện với nàng trên điện thoại lần đầu tiên. Tôi thích nàng vì giọng nói thánh thót và hiền lành kèm theo những nụ cười thật giòn giã đã làm cho con tim của tôi rung động! Tôi vui mừng vì tôi có linh cảm đây mới đích thực là một nửa của mình, là mẫu người vợ lý tưởng mà mình muốn tìm kiếm bấy lâu nay. Có thể nói là tôi đã bị tiếng sét ái tình đánh trúng ngay tim sau khi nói chuyện với nàng!

Lần đầu tiên chúng tôi gặp mặt nhau khi nàng đón tôi từ phi trường John Wayne về đến nhà ở Garden Grove để ra mắt với gia đình. Sau khi đi ăn hai đứa chúng tôi đi chơi cả ngày tại Six Flags Magic Mountain ở thành phố Valencia thuộc quận Los Angeles và Disneyland ở thành phố Anaheim. Tôi ở chơi thêm một ngày nữa để cùng nhau đi dạo biển Huntington Beach với người yêu trước khi tạm biệt để bay về lại San Jose đi làm. Mặc dầu thời gian gặp nhau chỉ ngắn ngủi có hai ngày nhưng cũng đủ để chúng tôi có những kỷ niệm tuyệt vời bên nhau.

Vì bị Má tôi thúc giục phải cưới vợ gấp để Má tôi còn đi dự nhân dịp Má tôi từ Việt Nam qua Mỹ du lịch vào năm 2000, cho nên tôi đã làm cho Má tôi được mãn nguyện. Tôi đã sắp xếp ngày giờ để Má tôi đi hỏi vợ cho tôi. Sau khi tôi rước nàng từ Nam Cali về dinh ở Bắc Cali thì lúc đó Má tôi mới thở phào nhẹ nhõm vì bà đã làm tròn bổn phận là cưới vợ cho thằng con trai út còn ham chơi hơn là lấy vợ.

 

Cuối cùng rồi thì thằng con trai của bà cũng chịu lấy vợ làm cho bà vui lòng vào những ngày tháng cuối đời sau khi Ba tôi mất! Vào ngày đám cưới của tôi, không chỉ riêng vợ chồng chúng tôi cảm thấy hạnh phúc vì vui sướng mà tôi cũng biết trong lòng Má tôi cũng vui mừng không kém.

Lần qua Mỹ này của Má tôi đã khiến cho Má tôi hài lòng vì đã hoàn thành tốt đẹp cả hai tâm nguyện của mình. Tâm nguyên thứ nhất là cưới vợ cho thằng con trai út đã thành tựu một cách mỹ mãn. Tâm nguyên thứ hai của Má tôi là gặp được ân nhân cũng là người anh ruột của mình tại viện dưỡng lão ở Canada đã được Má tôi thỏa mãn trước đám cưới của tôi rồi. Tôi đã cùng Má tôi bay từ Mỹ qua Canada để thăm hai Bác và Dì Dượng nhưng chủ yếu là để thăm Bác Ba trai của tôi. Vừa gặp mặt Bác Ba, Má tôi đã vội vã ôm hôn Bác vào lòng mà lã chã hai hàng lệ rơi khiến cho tôi xúc động phải khóc theo vì tôi không cầm được nước mắt khi nhìn thấy cảnh này. Bác tôi bị đột quỵ nên Bác không biết là Má tôi đã lặn lội bay từ Việt Nam sang đây chỉ để được gặp mặt Bác. Tôi rất xúc động khi nhìn thấy tình cảm dạt dào của Mẹ tôi dành cho người anh ruột của mình. Tình cảm của hai anh em thật là cao quý và rất đáng trân trọng.

Nhiều người bạn trẻ trên Facebook sau khi đọc được chuyện lấy vợ của tôi thì họ hoài nghi chuyện tôi bị tiếng sét ái tình, vì họ không tin chúng tôi gặp mặt có một lần là lấy nhau. Nhưng sau đó thì họ mới hiểu ra được tiếng sét ái tình là chuyện có thật trên đời 100%.


Có người sau khi đọc được bài viết về chuyện lấy vợ của tôi trên Facebook thì nói rằng người con trai của bà nếu được giống như tôi thì hay biết mấy. Bà ấy than rằng con trai của bà không chịu nghe theo lời bà để làm quen với con gái của người bạn thân mà chỉ thích quen với những bạn gái người Mỹ hay Mễ trên internet mà thôi. Vì không chịu nổi lời đốc thúc của bà ấy và người dì nói ra rã từ ngày này qua ngày khác nên người con trai của bà đã dọn sang tiểu bang khác để sống theo sở thích riêng của mình. Đã vậy nó còn nói con gái Việt Nam “no fun” làm bà tức chết đi được nhưng cũng không biết làm gì để con trai chịu nghe theo lời của mình nên bà mới tìm cách vấn kế với tôi. Tôi không biết phải trả lời với bà như thế nào để làm cho bà ấy vui lòng mà chỉ biết tìm cách an ủi bà mà thôi.

Con cái bây giờ nhất là được sinh ra ở Mỹ thì hầu hết đã không còn nghe theo lời của cha mẹ để lập gia đình theo phong tục xưa như lúc còn ở Việt Nam mà thường tự chọn người vợ thích hợp với mình hơn. Do nhiều bậc cha mẹ không hiểu được con cái trong xã hội ngày nay trong việc chọn người phối ngẫu nên đâm ra hờn giận và buồn tủi. Họ cảm thấy buồn vì bọn trẻ bây giờ không còn cần tới sự giới thiệu hay làm mai của cha mẹ trong việc hôn nhân nữa!

Tôi may mắn được mời đi dự rất nhiều đám cưới của nhiều sắc dân khác nhau ở Hoa Kỳ như Việt Nam, Mỹ, Ấn Độ, Trung Hoa và Cambodia. Phong tục cưới hỏi của mỗi nước đều khác nhau nhưng đặc biệt là nghi thức hôn lễ của người Cambodia được tổ chức từ sáng đến tối và kéo dài tới hai ngày mới chấm dứt. Trong đám cưới của người Việt Nam mình thì người ta thường hay chúc đôi uyên ương "trăm năm hạnh phúc", "bách niên hảo hợp", "bách niên giai lão" v. v… Nhưng tôi thấy không ít có những cuộc hôn nhân không được "loan phụng hòa hợp" hay "sắt cầm hảo hợp" như ý muốn của cô dâu và chú rể vì họ không hợp với nhau khiến cho đường nhân duyên của hai vợ chồng không may bị trắc trở.

 

Tôi biết nhiều cặp vợ chồng đã tìm hiểu và quen nhau một thời gian dài tới sáu hay bảy năm trước khi đi đến hôn nhân nhưng cuối cùng thì họ cũng đành phải chia tay và đường ai nấy đi như thường. Chẳng hạn như tôi biết một cặp vợ chồng trẻ quen nhau đã bốn năm rồi và hẹn với nhau sẽ làm đám cưới sau khi cả hai ra trường. Họ làm đám cưới trước ngày thành hôn của tôi một tuần nhưng lại chia tay nhau ba tháng sau đó! Vì còn trẻ nên một trong hai người coi cái tôi của mình quá lớn nên không thể nào chấp nhận sự khác biệt với người kia được. Do đó dẫu cho hai người đã từng yêu nhau một thời gian dài nhưng chưa chắc họ đã hiểu nhau hết nên cuối cùng đành phải nói lời chia tay. Họ chia tay nhau vì cả hai người cảm thấy không thể hòa hợp trong cuộc sống lứa đôi sau khi sống chung với nhau một thời gian ngắn ngủi!

Cô cháu gái của tôi làm đám cưới với người bạn trai từ thời còn học trung học. Sau khi ratrường thì hai người mua nhà với sự giúp đỡ của cha mẹ để xây dựng tổ ấm của mình. Nhưng sau khi làm đám cưới xong thì hai vợ chồng chỉ sống chung với nhau chưa đầy một năm là đã ra tòa ly dị. Tính tình của hai đứa không hạp và khắc khẩu với nhau nên chồng của nó đã xây dựng một tổ ấm khác mà bỏ đi người vợ mới cưới của mình.

Vào đầu năm 1988, tôi đi dự tiệc cưới của một anh bạn trẻ làm cùng hãng tại thung lũng hoa vàng. Anh ta làm đám cưới với một cô gái xinh xắn và hát rất hay trong một ban nhạc. Cả hai làm quen với nhau khi anh ta đánh đàn guitar cho cô gái hát trong một đám cưới. Thật chẳng may cho người chồng vì chỉ mới ăn ở với nhau được có năm tháng thì người vợ đã đòi ly dị với lý do là người chồng không làm ra đủ tiền để lo cho gia đình.

Ngược lại thì tôi rất vui mừng khi tình cờ gặp lại những cặp vợ chồng trẻ khác mà tôi đã từng quen biết. Họ rất hãnh diện và vui sướng khi khoe với tôi đứa con đầu lòng mà hai vợ chồng có được sau một năm làm đám cưới với nhau.

Lúc mới qua Mỹ tôi quen với Phúc và chơi rất thân cho đến khi em ấy lấy vợ. Sau khi lấy vợ được một năm thì Phúc cùng với vợ rời khỏi Cali để sang miền Đông mở tiệm Nail sinh sống vào năm 1992. Chính vợ của Phúc nói với tôi rằng cô ấy đã bị tiếng sét ái tình đánh trúng ngay tim từ lúc cả hai gặp gỡ nhau lần đầu khi Phúc lái xe từ San Jose xuống San Diego chơi. Kể từ giây phút đó thì tôi thấy hai người lúc nào cũng quấn quýt bên nhau vì họ cảm thấy không thể rời xa nhau được nữa. Cô ấy còn bật mí với tôi rằng nếu tôi có tìm người yêu thì ngay trong giây phút đầu tiên mà hai người gặp gỡ rất là quan trọng vì lúc đó con tim của mình sẽ nói cho mình biết là có rung động vì người đó hay không? Hiện nay họ rất thành công trong sự nghiệp và có một cuộc sống viên mãn bên đàn con thân yêu của mình. Sau này Phúc có gọi điện thoại lại cho tôi để hỏi thăm và kể chuyện gia đình cũng như ôn lại chuyện cũ.

Má tôi hay kể lại rằng được làm mai với Ba của các con bởi người thân trong gia đình. Ba Má đã ăn ở với nhau cho tới ngày hôm nay mặc dù có rất nhiều thăng trầm xảy ra trong cuộc sống lứa đôi. Nhiều gia đình mà tôi quen biết đã nói với tôi rằng họ sống với nhau chỉ vì bổn phận đối với con cái hơn là tình nghĩa vợ chồng!

 

Tôi đã từng chứng kiến những cảnh vui vẻ và đầm ấm của nhiều cặp vợ chồng mà tôi quen biết đã lâu. Có cặp vợ chồng nọ đã mời tôi đến ăn mừng nhân dịp kỷ niệm bốn mươi năm sống chung của họ tại một nhà hàng sang trọng tại San Jose. Họ kể với tôi rằng họ chỉ gặp mặt nhau có vài lần để tìm hiểu trước khi làm đám cưới mà thôi vì chuyện hôn sự của họ đã được sắp đặt bởi hai gia đình.

Do đó theo tôi nghĩ đã là vợ chồng thì chắc họ có duyên nợ với nhau từ kiếp trước chứ không phải tự nhiên mà gặp và sống với nhau cả đời. Duyên phận của họ đã được định sẵn từ trước nên không thể nào tránh khỏi. Tôi có nhiều người quen cố gắng làm mai cho tôi nhiều đám nhưng vì tôi không ưng ý nên duyên không thành khiến cho họ thất vọng. Dẫu cho tôi có cơ duyên gặp gỡ được nhiều bạn gái trong cuộc đời nhưng “nợ” hay “vợ” thì chỉ được phép có một mà thôi! Vì vậy lúc nào tôi cũng chung thủy với vợ của mình.

Sau khi tôi lấy vợ được một thời gian, bổng một hôm có cô bạn gái cũ mà tôi đã chia tay gọi lại nên vợ tôi mới nói tôi có số đào hoa nên nhiều cô còn nhớ đến tôi. Bà xã tôi cũng ghen tuông như những người phụ nữ khác nên sau khi lấy vợ tôi không còn dám léng phéng với ai nữa.

 

***

Mặc dầu cuộc đời tình ái của tôi có nhiều trắc trở, gập ghềnh và trải qua nhiều giai đoạn với đầy cam go và thử thách nhưng cuối cùng thì tôi cũng có được một kết quả mỹ mãn và như ý. Âu đó chẳng qua là do duyên số và duyên phận của mỗi người mà thôi! Vì theo tôi nghĩ là giày dép còn có số huống chi con người.

Việc hôn nhân là việc hệ trọng cho cả cuộc đời của mình do đó chúng ta phải suy nghĩ cho thật chín chắn trước khi quyết định để khỏi phải hối hận về sau. Nói đến chuyện tình duyên thì không ai biết trước được và rất khó nói vì nó còn tùy thuộc vào nhân duyên của mỗi người nửa. Tùy theo lý trí và con tim cũng như hoàn cảnh của từng người, mọi người đều có thể tìm ra được đối tượng mà mình yêu thích để cùng đồng hành với nhau suốt cả cuộc đời.

Tôi lấy vợ gấp chủ yếu là để chìu theo ý muốn của Mẹ tôi mà thôi. Nếu tôi có thể làm được điều gì khiến cho Mẹ tôi cảm thấy vui và hài lòng thì đó cũng là một cách để trả hiếu cho Mẹ của mình. Vì vậy, nhân tiện nơi đây con muốn nói lời tạ ơn Mẹ, người đã cưu mang và nuôi dưỡng con bấy lâu nay cho tới ngày khôn lớn. Do đó lúc nào con cũng nhớ đến sự hy sinh cao cả và vô bờ bến của một người Mẹ lúc nào cũng hết lòng lo lắng và yêu thương đứa con của mình.

Nhân ngày đám cưới của tôi vào ngày 15 tháng 7 năm 2000, Bác Sĩ Đặng Phương Trạch đã tặng bài thơ mừng ngày thành hôn có ghép tên chúng tôi như sau:

Duyên phận đẹp đôi nhờ phước Đức

Tình yêu vừa gặp chẳng phân Vân

Từ nay chung hướng, đời chung mộng,

Hạnh phúc trăm năm vẫn tuyệt trần...

 

Cuộc hôn nhân của chúng tôi đúng là thiên duyên tiền định vì ông Tơ bà Nguyệt đã se duyên và cột chặt hai vợ chồng chúng tôi lại với nhau bằng sợi chỉ tơ hồng. Mặc dầu chỉ gặp mặt nhau có một lần nhưng nhờ phước đức của Mẹ tôi nên cả hai chúng tôi mới có được một cuộc sống hạnh phúc và viên mãn trong suốt 23 năm qua. Cho tới bây giờ, hai vợ chồng chúng tôi lúc nào cũng mặn nồng như thuở ban đầu lúc mới quen nhau.

Giọng nói thánh thót cùng với nụ cười giòn giả và tánh tính hiền hậu của bà xã đã làm cho tôi mê mẩn suốt cả cuộc đời. Mỗi độ Xuân về, tôi lại hát bài "Yêu Em Dài Lâu" do Nhạc Sĩ Đức Huy sáng tác để tặng cho người vợ yêu dấu của mình nhân dịp họp mặt và hát Karaoke với gia đình bà xã tôi tại thành phố Garden Grove.

San Jose, Ngày 3 tháng 11 năm 2023

Trần Đình Đức

Ý kiến bạn đọc
28/08/202402:49:44
Khách
Xin mời Quý vị xem cái link sau đây: https://www.facebook.com/NHAYDUDAVID/videos/1462837867768180
21/06/202402:47:25
Khách
Sau khi về hưu vào khoảng đầu năm 2024, trong lúc dọn dẹp nhà cửa cho ngăn nắp và gọn gàng, tình cờ tôi nhìn thấy lại được bài thơ tôi viết tặng bà xã của mình cách nay 24 năm về trước, vì thế trong bài viết này không có bài thơ đó. Tôi đã sáng tác bài thơ này để tặng bà xã của mình sau khi tôi gặp mặt bà xã lần đầu tiên. Đó là bài thơ Hạnh Ngộ dưới đây, xin mời Quý vị thưởng thức.

Bài Thơ Hạnh Ngộ
(Tặng người yêu dấu)

Dù trời đông lạnh lùng không chút nắng,
Nhưng lòng anh vẫn ấm một niềm vui.
Bởi từ khi anh gặp gỡ em rồi,
Đời bỗng thắm như mùa Xuân rực rỡ.
Em đã xuống cho trần gian hoa hở,
Cho lòng anh mừng mở hội hoa đăng.
Cho lòng anh dìu dặt khúc tình tang,
Và vũ trụ say giọng cười tiếng hát.
Em đã đến cho hồn anh bóng mát,
Cơn mưa lành xua nắng hạn triền miên.
Cõi thanh bình ru cuộc sống thần tiên,
Đầy thơ mộng cho tâm tình trẻ mãi,
Và con tim bây giờ vui trở lại,
Duyên kiếp nào ta hạnh ngộ, Vân ơi?...

Trần Đình Đức
14/01/202403:17:26
Khách
Xin mời Quý Vị lắng nghe bài viết này qua giọng đọc của cô Linda trên YouTube theo cái link sau đây:
https://www.youtube.com/watch?v=nhsaHknBAlw
02/12/202310:14:33
Khách
Tại sao có nhiều người (chứ không phải chỉ có Trần Đình Đức); đã có suy nghĩ ấu trĩ, sai lầm khi cho rắng số phận của con người giống với số của giày, dép.
21/11/202306:47:30
Khách
Tổng thống Pháp - đắc cử hai nhiệm kỳ - hiện thời là Emmanuel Macron 45 tuổi, phu nhân là bà Brigitte Macron 70 tuổi .
Bà Brigitte và ông Emmanuel gặp nhau khi bà dạy kịch tại trường Providence ở Amiens. Con gái bà là bạn cùng lớp với Emmanuel. Khi mối tình giữa cô giáo 40 tuổi và học sinh 15 tuổi bị bố mẹ khám phá, Emmanuel bị gửi đến một trường nội trú ở Paris để hoàn thành nốt chương trình học. Tuy nhiên, điều đó không ngăn được Emmanuel tiếp tục quan hệ với Brigitte.
Năm 2007, Emmanuel kết hôn với Brigitte, chỉ ít lâu sau khi bà chia tay người chồng đầu. Lúc đó, Emmanuel 29 tuổi, trong khi Brigitte 54 tuổi, và các người con với người chồng trước đã lớn .
Emmanuel đắc cử tổng thống Pháp ở tuổi 39 - trở thành tổng thống trẻ tuổi nhất trong lịch sử nước này. Năm 2022, ông Emmanuel tái đắc cử tổng thống nhiệm kỳ hai.
17/11/202309:30:46
Khách
Kỳ này không hiểu tại sao Việt Báo lại đăng bài mà bị nhiều lỗi không giống như bài viết của tôi gởi đến. Việt Báo format lại bài viết cũng không đúng làm chử này nối với chử kia cũng như khoảng cách các chử lại cách xa nhau nhiều quá. Có vài đoạn văn của tôi lại bị mất chữ nữa. Hình ở cuối bài lấy ra rồi nhưng chú thích của hình vẫn giữ nguyên không lấy ra trước khi đăng. Mong Việt Báo sửa lại những điều đó cho đúng với bài viết của tôi.
Sau khi đọc xong bài viết ở trên, xin mời Quý vị xem thêm cuốn phim và đọc lại bài viết original theo cái link dưới đây: https://www.facebook.com/NHAYDUDAVID/videos/312839141676615
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 553,847
Tác giả tên thật là Nguyễn Thị Kim Loan, sinh năm 1966, là cô giáo tiểu học khi còn ở Việt Nam. Vượt biên và sống ở trại tỵ nạn Thailand từ 1989-1993. Định cư tại Canada từ 1994 đến nay. Tác giả nhận giải đặc biệt VVNM 2021. Sau đây là bài viết mới nhất của Cô, viết về người cha, theo lời kể của một người hàng xóm cũ, hiện đang định cư ở Dallas, Texas.
Là con của một sĩ quan tù cải tạo, tác giả Lê Xuân Mỹ đã góp vào giải VVNM những bài viết xúc động. Ông đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019 và giải Vinh Danh Tác Phẩm 2021. Sau đây là bài viết mới nhất của Ông, viết để tưởng nhớ hai người bạn Phạm Phúc-Hạnh Nguyên vừa qua đời, là nạn nhân của một vụ giết người ngày 1 tháng 6 vừa qua gây thương tâm kinh hoàng cho cộng đồng người Việt Bắc Cali.
Ban Tổ Chức Giải Viết Về Nước Mỹ trân trọng thông báo Lễ Phát Giải và Ra Mắt Sách Viết Về Nước Mỹ 2022-2023 sẽ được tổ chức vào trưa Chủ Nhật ngày 26 tháng 11, 2023 tại Garden Grove, CA.
Niềm vui của mùa hè ở đây là tìm đến các ngã tư đường, nhìn trên trụ đèn , đủ loại giấy màu, đủ kích cỡ, đủ màu mực, chữ to, chữ nhỏ, nào là Garage sale, Yard sale, Moving sale, Estate sale v.v..., đó là những bản quảng cáo đơn giản của một khu chợ trời thu nhỏ trong sân, trong nhà để xe , tầm giấy nào cũng có ghi số nhà, mũi tên chỉ đường, ngày thứ năm họ bắt đầu quảng cáo, thứ Sáu, thứ Bảy, CN, là những ngày hè vui trên quê hương thứ hai này, đi khắp nơi, đường nào cũng qua, góc cùng ngõ cụt nào cũng tới, tha hồ mua, cũ họ mới mình giá cả hết sức khiêm tốn, 25 cents 50 cents, 1 đồng là giá cao.
Dường như con cái lớn lên khó dạy hơn hồi còn nhỏ. Hồi nhỏ nói gì chúng cũng nghe, bây giờ con ít vâng lời hơn khiến tôi có cảm giác con càng lớn càng khó dạy. Khi con còn trẻ nhỏ, chạy nhảy lung tung, la hét, lục lọi phá phách làm cha mẹ vất vả, nhưng cũng không khổ bằng khi con trưởng thành. Ảnh hưởng của nền văn minh dân chủ đã khiến con cái tự quyết định cho chính mình trong nhiều vấn đề khiến cha mẹ chỉ biết cầu trời. Giáo dục con cái ngày nay thật sự là một vấn đề không dễ dàng.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam. Bà tên thật Nguyễn thị Ngọc Hạnh, trước 1975 đã là giáo sư trung học đệ nhị cấp tại Saigon. Cùng gia đình tới Mỹ từ 1979., hiện hưu trí tại miền Đông và vẫn tiếp tục viết. Sau đây, thêm một bài viết mới về chuyến thăm viếng Florida năm nay của tác giả.
Khi còn trẻ, tôi có người bạn đi tu, anh ta học bảy năm trời để thành linh mục. Anh ta nói với tôi, “Với người Công giáo, trong nhà có một người đi tu học làm linh mục là vinh dự, niềm hãnh diện của gia đình. Cha mẹ tôi không ép con cái nhưng thầm mong là điều đương nhiên. Tôi quyết định làm linh mục với hơn nửa phần tự chọn tương lai của mình, non nửa phần vì mong cha mẹ tôi được vui như một sự đền đáp của người con…” Nay ước gì được gặp lại anh ta, gặp linh mục tôi sẽ nói về đời sống Mỹ, “Trong nhà có một người con đi lính, không chỉ tốt cho bản thân người ấy sống có kỷ luật từ đó về sau mà còn tốt cho mọi thành viên trong gia đình về cách sống đơn giản nhưng thực tế của người lính, lối suy nghĩ không ích kỷ vì tinh thần đồng đội của lính rất cao, là nguồn gốc, căn bản hình thành nên nhân cách con người tới suốt đời. Những thành viên trong gia đình không ít thì nhiều đều thay đổi bản thân theo chiều hướng tốt hơn khi suy nghĩ về những thay đổi chín chắn và độ lượng của th
Khi nghe bác sĩ nói thay tế bào gốc chúng tôi cùng thắc mắc có phải là tủy thích hợp từ người khác hiến tặng không? Nhưng bác sĩ giải thích là phương pháp mới bây giờ sẽ dùng ngay chính tủy tốt của bệnh nhân để thay vào. Tra Google thấy nói là THAY TẾ BÀO GỐC TỰ THÂN. Nghe ngộ ghê! Bác sĩ cũng nói thêm bệnh nhân phải chịu nhiều phản ứng phụ rất khó chịu vì phải hóa trị một liều thuốc rất mạnh để làm các tế bào xấu lẫn tốt tiêu hết mới đưa tế bào gốc vào. Trong khi đó xác xuất chỉ 70% thành công và khả năng từ 1 đến 7 phần trăm sau này có thể bị vướng 1 loại ung thư máu không chữa được. Còn nếu không thay tủy thì bệnh ung thư của Hoàng sẽ trở lại sớm hơn. Thôi thì cứ chọn thay tủy vậy, 70% là con số cũng lớn mà. Cứ hy vọng đi!
Tác giả Võ Phú dự Viết Về Nước Mỹ từ 2004. Võ Phú sinh năm 1978 tại Nha Trang-Việt Nam; định cư tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University. Hiện làm việc và học tại Medical College of Virginia. Sau 12 năm bặt tin, tác giả tiếp tục viết lại từ 2016 và nhận giải Danh Dự Viết về nước Mỹ từ 2019. Sau đây là bài viết mới nhất, về câu chuyện "ai đời mẹ ghẻ lại yêu thương con chồng!"
Loài chó là một tạo vật tuyệt vời Thượng Đế đã ban cho con người, nó có một đức tính mà tự cổ chí kim, ai cũng nhận ra là sự trung thành tuyệt đối. Câu chuyện con chó Hachiko ở Nhật Bản đã làm rung động biết bao con tim trên thế giới. Trong 9 năm liền, ngày nào nó cũng đến nhà ga xe lửa nằm chờ chủ nó đi làm về, nhưng ông đã không bao giờ trở về nhà vì cơn đau tim đột ngột, ông chết tại sở làm. Ngày nào cũng vậy, dù mưa rơi, tuyết đổ, hay nắng hè oi bức, Hachiko vẫn kiên nhẫn chờ đợi chủ cho đến khi nó gục chết vì kiệt sức ở sân ga. Người Nhật đã tạc tượng con chó Hachiko như là biểu tượng của sự trung thành.
Nhạc sĩ Cung Tiến