Hôm nay,  
CTA_United Educators_Display_728x90_Vietnamese - Nguoi Viet
CTA_United Educators_Display_300x250_Vietnamese - Nguoi Viet

Ba Trong Một

11/08/202300:00:00(Xem: 3348)

 

Steven và bạn làm chung tại hãng
Steven và bạn làm chung tại hãng (hình tác giả cung cấp).

 

Tác giả tên thật Nguyễn Thanh Hiền, Nickname: Steven N, Bút danh: Tiểu Lục Thần Phong, Sinh sống ở Atlanta trên 20 năm.

 

*


Buổi sáng vào hãng, sau khi chào hỏi và cụng ngực với những người làm chung. Mình bị tay đốc công gọi vào văn phòng giũa: ”Tại sao mầy không coi ngó tụi nó, tuần rồi mấy lô hàng bị sai, ông chủ đang giận dữ”. Mình tức chết đi được, phận sự của mình là cung cấp phụ tùng linh kiện, còn việc khâu kỹ thuật là của thằng James, sao việc gì nó cũng đổ hết cho mình? Mà đâu chỉ mỗi việc này, còn nhiều chuyện bị áp lực nặng khác nữa. Mình làm lâu năm, kinh nghiệm tốt, được khen “good job” vậy mà bị tay đốc công đì, đối xử bất công. Những người làm cùng việc ở các tổ khác đã tăng lương hai lần rồi mà mình thì không được, đã thế cứ nhè những việc khó thì giao cho mình. Mình xin đổi qua tổ khác nó cũng không cho chuyển… Giận lắm nhưng nhịn thì tức, nhiều lúc muốn chơi nó cho bỏ ghét!

 
Ở cái vị trí của mình thì rất dễ trả đũa, mình đã suy nghĩ rất nhiều, đã toan tra tay nhưng rồi lại thôi! Mình biết khi mình giận tức là nuôi rắn độc trong tâm, như cầm cục than hồng, tự mình đốt công đức của mình. Phật giáo Tây Tạng có bức tranh nổi tiếng vẽ vòng luân hồi, trong ấy có con rắn, con gà và con heo ngậm đuôi nhau nối thành một vòng tròn; giận dữ hay sân hận lấy con rắn làm biểu tượng đây!

Dù biết vậy nhưng hàng ngày đụng việc như thế thì làm sao mà không giận? Có nhiều lúc cơn giận bùng lên và ý nghĩ phải trả thù cho hả giận. Mình chỉ cần vứt đi một nắm Bios là ông chủ mất cả khối tiền, hoặc mình chỉ cần lẩy móng tay hay chọt vật gì đó lên Motherboard thế là hư những components trên ấy, rồi những cục heatsink hay memory, microchip… chỉ cần phá một tí là tay đốc công lẫn ông chủ phải mất bao nhiêu là tiền. Trả thù rất dễ và cũng chẳng ai biết, nhưng…. Thật may! Mình đã biết Phật pháp, đã từng nghe pháp, tụng kinh nên trong cái giây phút muốn trả thù ấy đã kịp dừng lại, chánh niệm được khôi phục. Mình dẹp bỏ cái ý nghĩ trả thù, trả đũa. Cái ý nghĩ trả thù, cố ý làm hư hại ấy là một sự thất niệm lớn, rất may mình kịp dừng!
 
Những món Bios, Motherboard, heatsink, memory, microchip… là những vật vô tri, chúng chẳng can hệ gì đến sự bất công hay bị xử ép của mình. Mình có làm hư hại chúng, làm thiệt cho công ty thì cũng tức là mình tự làm hại mình, làm tổn phước của mình, tạo nghiệp xấu cho mình! Khi chánh niệm phục hồi mình chẳng những không làm hư hại những vật vô tri ấy mà ngược lại còn nâng niu quý trọng chúng, người khác cẩu thả bỏ bừa bãi thì mình gom lại. Mình nhớ thầy dạy: “Hữu tình giác ngộ thì vô tình chuyển theo, hữu tình và vô tình cũng không phải một mà cũng chẳng phải hai”, từ đó mình càng cẩn thận với những món vật nhỏ bé mà mắc tiền kia, mặc cho ông chủ và bọn đốc công biết hay không biết.
 
Những lúc như thế này mình lại nhớ đến Tứ chánh cần: ”Việc thiện chưa sanh thì làm cho phát sanh, việc thiện đã sanh thì làm cho tăng trưởng, việc ác chưa sanh thì đừng để phát sanh, việc ác đã sanh thì làm cho nó tiêu trừ”. Rất may, nhờ biết Phật pháp mà mình đã kịp dừng lại, cái ý niệm ác sanh khởi nhưng chưa phát tác thành hành động.
 
Mình làm việc chung trong một tập thể đa sắc tộc, nhiều màu da, khác biệt tôn giáo và văn hóa. Có thể nói mình là người phật tử duy nhất trong nhóm này. Mình được khen là “nice”, thân thiện và làm việc tốt, hồi nào giờ mình vẫn che dấu gốc Việt và tôn giáo của mình nhưng rồi mình tự hỏi lòng: ”Tại sao bọn họ tự hào về gốc gác của họ, tự hào về đức tin của họ, còn mình thì che dấu? Mình là Phật tử thì có gì xấu? Phải tự hào mới đúng!” Thế rồi sau đó mình thức tỉnh, lại một lần nữa khôi phục chánh niệm và mình tự hào là một Phật tử Việt.
 
Nhóm làm việc chung của mình hầu hết là tín đồ thiên chúa (có cả bảo thủ lẫn tân giáo). Có một chị làm chung sốt sắng đến độ thái quá, luôn dụ khị mình đi lễ, đem những tài liệu Tin Lành đến cho mình, kể cả dùng vật chất quyền lợi để dụ, có khi thì dọa: ”mầy không tin chúa, không đi nhà thờ cầu nguyện thì khi chết sẽ bị đày xuống hỏa ngục”. Mình chỉ cười nhẹ, nhớ đến lời kinh suy niệm về nghiệp và bảo họ: ”Chúng ta là chủ nhân của nghiệp và cũng là những kẻ thừa tự nghiệp, nghiệp là thai tạng là quyến thuộc cho vạn loài, chính nghiệp phân chia sự di biệt trong đời. Chính mình làm việc ác nên mình bị uế trược, chính mình làm việc thiện nên mình thanh tịnh. Thanh tịnh hay uế trược do chính mình, không ai có có thể làm cho người khác uế trược hay thanh tịnh”. Từ đó chị ta bớt sốt sắng một cách thái quá. Mình làm việc trong nhóm rất vui, hòa đồng, duy cái việc bị xử ép, bị bất công ấy nhiều người cũng biết nhưng không giúp gì được, có lẽ là cái nghiệp ân oán của mình trong quá khứ, giờ thì oan gia trái chủ đụng mặt nhau. Mình cũng tự kiểm thảo, tại mình kém, nếu mình ngon lành thì đã bỏ việc để đi tìm việc khác rồi!
 
Từ khi chánh niệm khôi phục, mình không còn cái ý niệm trả đũa hay chơi cho bỏ ghét. Mình tự xem như một lần chiến thắng được bản thân. Mình nhớ rất rõ ràng, ba nghiệp thân – khẩu – ý nó quyết định số phận của mình, trong ấy thì ý nghiệp là chính, chính nó xui khiến thân hành động và miệng nói. Hôm nay trong lúc làm việc, mình hứng khởi thầm đọc bài kệ:

Dục tri tiền thế nhân
Kim sanh thọ giả thị
Dục tri lai thế quả
Kim sanh tác giả thị

Xét cho cùng thì cái thiệt của mình chẳng có là bao so với những những khổ đau, bất hạnh khác trên cuộc đời này, chẳng qua là cái tôi nó lớn và nó phát tác nên mới sanh ra cái ý niệm trả thù.
 
Những người làm chung với mình cũng có đôi khi hỏi về đức Phật và Phật pháp. Họ lầm tưởng đức Phật như chủ tể hay thượng đế trong tôn giáo của họ, nghĩa là Phật cũng có quyền năng xử phạt, trừng phạt hay ban phước… Mình nhớ lời thầy nên không tranh cãi, tuy nhiên cũng vận dụng vốn tiếng Anh ba rọi để gỉai thích cho họ biết chút chút về đức Phật và Phật pháp. Họ ngạc nhiên lắm, họ bảo chưa từng nghe hay biết có tôn giáo nào mà lại tự do và dân chủ như thế! Quả thật đạo Phật rất tự do và dân chủ, ai tin thì theo không tin thì thôi, ai làm gì thì gặt nấy, số phận của mình tùy thuộc vào ba nghiệp tạo tác của chính mình. Trong số bạn làm chung ấy, có thằng William W, nó tỏ vẻ quan tâm nhất và mình đã tặng nó quyển “the Art of life” của thầy Nhất Hạnh, hy vọng nó đọc và sẽ bắt gặp những điều bổ ích. Sở dĩ mình tặng nó quyển này là vì người Âu- Mỹ dễ tiếp cận Phật giáo theo kiểu Làng Mai hơn là Phật giáo truyền thống. Pháp môn hiện pháp lạc trú của Làng Mai đã thu hút rất nhiều người Âu-Mỹ đến với đạo Phật.
 
**
Tháng rồi mình làm ở hãng này tròn mười lăm năm, con số mười lăm năm khiến mình cười thầm và liên tưởng mười lăm năm lưu lạc chốn lầu xanh của Thúy Kiều. Mười lăm năm kể cũng dài so với sinh mạng một con người, vì người đời thường nói: “Sáu mươi năm cuộc đời” (tên bản nhạc của Y Vân). Lúc mới vào làm mình nghĩ chỉ làm tạm thời trong lúc tìm việc ngon lành hơn, lương bổng khá hơn, ấy vậy mà không ngờ dính luôn đến bây giờ. Mười lăm năm buồn vui trôi qua nhanh như bóng câu qua cửa sổ (điển tích trong văn học cổ). Mười lăm năm làm việc và niệm Phật thầm trong tâm, câu Phật hiệu luôn luôn hiện hữu, câu Phật hiệu như mỏ neo giữ con thuyền tâm không bị trôi giạt theo sóng nước dập dìu, không bị gió thổi ngã nghiêng. Mình thầm niệm Phật để tâm lắng đọng, bớt sự tăng động quá buồn hay quá vui. Nơi làm việc cũng giống như đạo tràng vậy, vừa làm và thầm niệm Phật bất cứ lúc nào mình có thể, chỉ trừ những lúc quá bận rộn hay phải giao tiếp.

Hồi hãng mới mở, công ty cử một anh gốc mít từ Cali qua quản lý, những tưởng đồng hương với nhau sẽ thuận tiện hơn nhưng nào ngờ… Anh ta thật dễ sợ! Mang nguyên cái cung cách của một anh chủ bên Việt hay bên Tàu, Hàn gì đấy áp dụng vào xứ Cờ Hoa. Anh ta tham công tiếc việc, bòn sức lao động của người làm một cách tàn nhẫn. Ép người làm làm tối đa, làm trước giờ chính thức, làm lố giờ ra về, cắt ngắn giờ giải lao, thậm chí gạt người lao động để làm lợi cho chủ. Có lần anh ta giao hẹn mập mờ với mọi người, công việc được ước tính phải hai ngày mới xong, nhưng anh ta bảo làm xong sớm nghỉ sớm, nào ngờ việc làm xong chỉ trong vòng một ngày rưỡi, anh ta khấu trừ lương nửa ngày vì về sớm! Mọi người bị gạt nên vô cùng tức giận, nhiều gương mặt bừng bừng lên tưởng chừng như đập lộn tới nơi. Thằng Anthony vẻ mặt lạnh tanh, miệng ngậm cây tăm, nhìn thẳng mặt anh ta gằn từng tiếng: ”Hôm nay là ngày cuối của tao! Tao không thích bị cheat lần thứ hai!” Nhiều người khác cũng bỏ việc. Có một lần mình hỏi anh ta: “sao hãng không có công đoàn?” anh ta vờ vịt đáp: “Công đoàn là gì? Để làm gì?” Thật hết ý kiến luôn! Anh ta đã tốt nghiệp Cal State chứ đâu phải hạng dân ngu khu đen đâu mà không biết công đoàn. Chẳng qua là lấp liếm cho qua thôi, mặc dù anh ta không phải là người có quyền lập công đoàn nhưng ít ra anh ta cũng có thể nói một cách có trách nhiệm hơn một chút! Tay quản lý gốc mít ấy vừa bòn công vừa tham, vì tham nên ẩu. Anh ta muốn lúc nào cũng phải đạt sản lượng cao nhất với thời gian ngắn nhất. Ngoài việc ép người làm làm quá giờ (không trả công phần lố giờ), làm nhanh, tận dụng mọi cơ hội để buộc người làm phải làm không hở tay. Vì quá chú ý đến con số sản phẩm mà anh ta cẩu thả một cách vô lý hết sức. Những món Motherboard, Memory, heatsink, Bios… rất dễ bị hư vì trên đó có nhiều phụ kiện, lẽ ra phải lấy từng món một và phải hết sức nhẹ tay, đằng này anh ta cho đổ cả đống trên bàn và hốt cả nắm trên tay để làm cho nhanh. Hậu quả là rất nhiều hàng bị hư và sản phẩm không đạt yêu cầu. Bấy giờ anh ta phần trần: “Linh kiện không tốt “hoặc là do linh kiện “made in China”… Sắc sảo là vậy, nghiệt ngã là vậy, ấy thế mà có lần nhóm người làm gốc Mễ cấu kết thế nào đó giữa tụi shipping, packout và tụi vận chuyển chúng nó lấy cắp nguyên cả một xe linh kiện. Cuối cùng sự việc chìm xuồng vì chẳng truy tìm được thủ phạm và cũng chẳng có ai chịu trách nhiệm. Kể cũng lạ thật! Tuy nhiên ở đời người ta thường nói chuyện gì cũng có thể xảy ra cho dù nó có hợp lý hay vô lý.
 
Dân mít mình thường kháo nhau: “Làm việc trực tiếp hay chịu sự quản lý của chủ Việt, chủ Tàu, chủ Hàn… thì ớn chè đậu lắm! Họ sẽ cạo rát rạt như cạo lông cừu”. Nhiều khi mình ngẫm nghĩ thấy cũng lạ, nếu ở quốc nội thì có những người chỉ biết: “Còn đảng còn mình” thì ở mảng công việc dù là trong hay ngoài cũng có những người chỉ biết: “Còn chủ còn mình” hay là: “Chỉ có mình với chủ”. Người làm như thế nào thì mặc kệ chúng nó! Cứ bòn đứa dại đãi đứa khôn.
 
Hãng ngày càng phát triển, phải nói là bùng nổ, từ một cơ sở chi nhánh với vài mươi người, giờ công ty có cả ngàn người, ấy là chưa tính chi nhánh ở Cali và ở Hòa Lan. Tay quản lý mới là tay Mỹ trắng, tất nhiên là thoải mái hơn, sòng phẳng hơn và dễ thở hơn nhiều. Y cũng khá thân thiện với mình và cũng chịu giỡn chứ không phải lúc nào cũng nghiêm (serious) như những tay Mỹ trắng khác. Hôm rồi y thấy mình ngồi viết y hỏi:
- Sao mầy không lo làm việc mà cứ viết hoài?
-Mầy xem thử tao không làm việc gì? Việc của tao xong từ khuya!
- Vậy thì xem có việc gì khác làm đi!
- Mầy nói giỡn hay chơi? Tao làm việc tao, việc người khác tao không thể và không có trách nhiệm!
- Bộ viết sướng lắm hay sao mà ngày nào tao cũng thấy mầy cắm cúi viết?
- Sướng gì mầy ơi! Viết cũng là một cách lấp thời gian rảnh rỗi, một cách xả bớt những ứ đọng trong tâm lý.
- Vậy tao cho mầy về nhà để viết toàn thời gian hén?
- Í, đâu có được! Về nhà ngồi viết thì tiền đâu trả bill, tiền đâu cạp hăm bơ gơ?
- Mà mầy viết cái quái gì vậy?
- Tao viết truyện, làm thơ và cả viết về nước Mỹ nữa đấy! Báo tiếng Việt của tụi tao có chương trình Write on America. Chương trình này được quốc hội Mỹ vinh danh đấy!
- Wow! Ngầu thiệt!
- Vậy mầy có bao giờ được giải thưởng gì chưa?
- Tao được giải rút lưng quần thì có! Tao viết chơi chơi thôi, chỉ là tay viết tài tử thôi!
 
Thằng quản lý cười, cái miệng rộng xếch lên tận mang tai, nó bỏ đi và còn nói với tụi xung quanh: “thằng Steven làm thơ”. Mình cũng cười cười và trong bụng nghĩ thầm: “ừ, thì làm thơ, tao mà hổng viết thì căng thẳng chết mất!
 
Mười lăm năm làm việc ở hãng này, mình làm một lúc ba việc. Vừa mưu sinh kiếm tiền lo chuyện cơm áo; vừa thầm niệm Phật để luyện tâm, tranh thủ thời gian tại hãng thực hành những kiến thức Phật học, áp dụng những điều học được từ kinh sách vào trong cuộc sống; vừa viết lách linh tinh và làm thơ thẩn vu vơ. Với  mình, viết vừa là niềm vui trong cuộc sống, vừa trải nỗi lòng, vừa thõa giấc mơ chữ nghĩa…
 
Ở hải ngoại nói chung, tại xứ Cờ Hoa nói riêng. Việc viết lách bây giờ quả là buồn cười, cứ như khổ dâm vậy! Viết chẳng còn mấy ai đọc cũng chẳng lợi lộc gì, ấy vậy mà vẫn cứ viết. Trong nước dân số đông, tính tỉ lệ thì số độc giả vẫn còn tàm tạm, hải ngoại thì coi như chết, hết đường binh!  Giới trẻ lớn lớn lên ở hải ngoại thì chỉ đọc sách tiếng Anh chứ không rớ đến sách tiếng Việt. Giới trí thức thì đọc sách chuyên môn, giới làm móng hay lao động chân tay thì chẳng đọc. Sách tiếng Việt, báo tiếng Việt, văn chương, thơ phú… tiếng Việt xem như “Ngất ngư con tàu đi”. Dù biết vậy nhưng nhiều người vẫn âm thầm viết, mày mò viết, miệt mài viết. Viết vừa là cái thú, vừa là đam mê và cũng là cái nghiệp, sở dĩ gọi là nghiệp vì đó là do những tập khí từ kiếp quá khứ còn lưu trong tạng thức phát tác ra. Sách, báo tiếng Việt hải ngoại giờ còn tệ hơn cái bánh bao chiều, bởi vậy nhiều người viết muốn bài được đăng ở trong nước, muốn sách được in ở quốc nội. Mình có những người bạn viết trên mạng xã hội và thấy họ tìm mọi phương cách để được xuất hiện trên báo quốc nội, được in sách ở Việt Nam. Mọi người vẫn biết dưới chế độ độc tài toàn trị thị việc kiểm duyệt nội dung rất nghiệt ngã, muốn được in thì phải chấp nhận những yêu cầu của họ… Và thế là những người muốn được in thì phương cách nào cũng chịu cho dù cái cách ấy chẳng được hay ho hay tốt đẹp gì mấy, nếu không nói cũng rất đáng xấu hổ. Những bài được đăng hay sách được in thì cũng vô thưởng vô phạt, hoặc là những sách thuần túy về mặt khoa học tự nhiên.
 
Mình lan man quá, đang nói chuyện về hãng và công việc lại lạc sang chuyện chữ nghĩa văn chương tiếng Việt và những hệ lụy, những liên can của nó. Cái này nhà thiền gọi là: “tâm viên ý mã” đây! Tức là cái tâm cứ nhảy lung tung như con vượn chuyền cành, như con ngựa chạy trên thảo nguyên. Mình phải thúc liễm cái tâm để quay lại chuyện công việc và hãng xưởng. Sống ở xứ Cờ Hoa này chuyện kỳ thị vốn rất nhạy cảm, dễ quy kết và cũng dễ ăn vạ để lợi dụng. Hãng mình làm cũng thế. Mình sẽ kể ra đây một việc nhưng mình không kết luận, cứ để mọi người tự nhận định lấy. Số là cách đây vài năm, khi thằng Robin Ray và con Amanda (Mỹ trắng) được hãng tổ chức kỷ niệm tròn mười năm làm việc. Thằng Robin Ray thì được thưởng cái đồng hồ Rolex và con Amanda được thưởng dây chuyền mặt kim cương, món quà trị giá 10.000 mỹ kim. Thế rồi đến năm mình, con Nim Phondara (gốc Lào- Thái), bà Deborah (Mỹ đen) tròn mười năm thì hãng chỉ tăng cái Plaque với lời khen khách sáo: “Cảm ơn mày đã làm việc siêng năng và trách nhiệm, cảm ơn mày đã đóng góp cho công ty trong mười năm qua, công ty trân trọng ghi nhận công lao của mày!” 

Thằng Preston hỏi: “Công ty cho mầy bao nhiêu khi kỷ niệm mười năm?”. Mình cười bảo: “Không có xu teng nào”. Nó lại hỏi: “Thế mầy có biết thằng Robin Ray được đồng hồ Rlex và con Amanda được dây chuyền? Mày có biết tại sao mày, con Nimphondara và bà Deborah không có quà? Tại vì mày gốc châu Á và bà Deborah gốc da đen!”  Mình cười thôi! Có kỳ thị hay không có kỳ thị thì mình không dám khẳng định nhưng đây là một sự thật! Tụi đen khẳng định là kỳ thị nhưng mình chỉ cười chứ không nói gì thêm. Mình tin vào luật nhân quả: “Không có cái gì là tự nhiên cả, mọi việc đều có nguyên nhân sâu xa của nó”. Ngạn ngữ Mỹ cũng có câu: “Reap what you sow”  hoặc là : “What goes around turns around”. Dù sao đi nữa mình cũng cảm ơn cái công ty này vì nó đã cho mình công ăn việc làm, cho mình có cơ hội thực tập những kiến thức Phật học và tạo cho mình có điều kiện thuận tiện để viết lách linh tinh trên quãng đường đời.
 
Tiểu Lục Thần Phong
Ất Lăng thành, 0623
 

Ý kiến bạn đọc
15/08/202323:19:04
Khách
"Writing on America" instead of "Write on America."
"Write on America" is meaningless. America is not a piece of paper; therefore, you cannot write on it.
"Writing on America" means writing about America.

"What goes around comes around" instead of "What goes around turns around."

"You reap what you sow" instead of "reap what you sow".
When saying "You reap what you sow", you are commenting on a certain situation.
When saying "reap what you sow", you are talking to somebody and you are telling that person to reap whatever it is that he is supposed to reap as if you were that person's boss.
The proverb "you reap what you sow" has its root in the Bible. Galatians 6:7 - 6:9 "Make no mistake: God is not mocked, for a person will reap only what he sows, because the one who sows for his flesh will reap corruption from the flesh, but the one who sows for the spirit will reap eternal life from the spirit. Let us not grow tired of doing good, for in due time we shall reap our harvest, if we do not give up."
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 523,635
30/08/202317:51:00
Kể từ những năm tháng đầu tiên, khi Phật giáo truyền vào Việt Nam, các chùa đã tổ chức Lễ Vu Lan. Ngày nay, Lễ Vu Lan không còn đơn thuần chỉ có ý nghĩa tôn giáo thiêng liêng ca ngợi lòng hiếu thảo đối với mẹ không thôi mà đã trở thành "lễ hội" mang tính cách nhân văn nói lên lòng hiếu kính của tất cả mọi người đối với cả mẹ lẫn cha hiện tiền, hay ông bà cha mẹ đã quá vãng nhiều đời nhiều kiếp. Lòng trân trọng hiếu kính mẹ cha, phụng thờ tổ tiên ông bà, chính là sợi dây liên kết giữa người còn kẻ mất, là truyền thống cao đẹp nêu cao tình người của dân tộc Việt.”
28/08/202313:51:00
Tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ từ 2001 và liên tục góp bài. Sau nhiều năm tham gia ban tuyển chọn, từ 2018, tác giả Trương Ngọc Bảo Xuân chính thức trở thành Trưởng Ban Tuyển Chọn Viết Về Nước Mỹ.
25/08/202300:00:00
Ba tôi qua đời năm Mậu Thân 1968, còn trẻ lắm, em Út thứ 9 trong nhà nói: “em không nhớ mặt Ba”, tội nghiệp, lúc đó nó mới có ba tuổi; Má tôi vừa bỏ chúng tôi đầu xuân năm 2023, thượng thọ gần bách tuế. Từ thuở nhỏ, chúng tôi lớn lên không có Ông Bà cả hai bên Nội, Ngoại. Ông Bà Ngoại với con cái sống cuộc đời thương hồ, trôi nổi nước lớn nước ròng, buôn bán theo mùa ở Châu Đốc. Rồi Ông Bà lần lượt qua đời khi tuổi không thọ lắm. Má tôi có chồng, thì Má chồng đã mất, Ba chồng bồng ẳm hai cháu Nội mới chập chửng biết đi được vài lần thì gia đình tôi dọn nhà lên Sài Gòn. Rồi ông Nội qua đời. Nghe Ba và Cô Hai kể, Ông Nội nằm đọc báo ngủ trưa, ngủ luôn giấc ngàn thu, rời hơi thở nhẹ tênh, nhà quê gọi là đứt mạch máu. Năm đó, Ông vừa qua tuổi 50. Má kể, tôi cũng được Ông Nội bồng vài lần lúc mấy tháng,
22/08/202312:44:00
Hằng ngày, một mình, tôi vẫn tiếp tục lặng ngắm bức tranh thêu hai con hạc trắng như ngày nào khi hai chúng tôi bên nhau. Con chim trống luôn luôn là hình ảnh oai phong - khỏe mạnh của chồng tôi những ngày đầu chúng tôi quen nhau cách đây hơn 50 năm. Thương làm sao, lúc về già, chồng tôi y như con hạc trống già vẫn ráng vươn cao cổ che chở con chim mái ướt sũng đứng nép mình cạnh bên. Thương, nhớ… những ngày hạnh phúc có nhau nhưng tôi không bị dày vò , xót xa vì tôi đã sống trọn vẹn và làm đầy đủ bổn phận của một người vợ, người mẹ …Sinh - Lão - Bệnh - Tử là quy luật nghiệt ngã, đời người rồi ai cũng phải đi tới các trải nghiệm đó. Chấp nhận và có chuẩn bị chu đáo vẫn hơn là né tránh!?
18/08/202300:00:00
Tôi đã hứa với Văn, ngày thứ sáu và thứ bảy của tuần lễ nghỉ phép, tôi sẽ đến nhà làm giúp cho Văn cái giàn mướp. Sau khi mở cửa cho tôi vào nhà, Văn pha cho tôi ly cà phê rồi đến ngồi trên cái ghế xoay đối diện với máy điện toán, tiếp tục đọc trang mạng. Văn thường nói với bạn bè: Đọc và viết là một phương cách giúp cho não bộ hoạt động và thư giãn tâm trí, một món ăn tinh thần tốt lành, không tốn kém. Đọc xong bản tin đặc biệt và bài bình luận thời sự trên trang mạng, Văn đứng dậy, đi đến phòng ăn sửa soạn ăn sáng rồi cùng tôi làm cho xong cái giàn mướp thì điện thoại reo. Văn vừa nói câu hello thì đã nghe giọng nói lớn tiếng từ điện thoại.
14/08/202312:59:00
Lời tác giả: Gặp Nina Hòa Bình trên trang mạng! Nina nhắc nhở nhè nhẹ, lâu quá, không thấy tác giả Nguyễn Trung Tây trên trang “Viết Về Nước Mỹ.” Khi đó mới chợt nhớ ra, từ hồi Covid ghé vào, tàn phá ngôi làng toàn cầu, tác giả hãi đoàn quân Covid quá! Bởi thế, quân ta trốn trong phòng, không xuất hiện. Thật ra, tháng 6 năm 2016, tác giả đã rời Úc Châu, tu học tại Philippines. Tháng 10, 2020, tác giả bay về lại San Jose, California, trốn Covid. Tháng 5, 2022 tác giả bay về Philippines, lãnh văn bằng Tiến Sĩ Truyền Giáo tại Divine Word Institute of Mission Studies, nối kết với University of Saint Tomas.
04/08/202300:00:00
Có người bảo rằng tiếng chuông điện thoại là “niềm vui của tuổi trẻ và nguồn an ủi cho tuổi già” Đối với bà Thoa, tiếng chuông điện thoại còn là tiếng gọi của tình yêu khi còn trẻ, là tiếng lòng thương mến khi làm mẹ, là tiếng gọi mong chờ và là liều thuốc an thần khi nằm trong viện dưỡng lão. Nhớ thuở xa xưa, lúc tuổi xuân thì, bà có nhan sắc lại con nhà danh giá, nhiều thanh niên con nhà giàu, học giỏi, đẹp trai theo đuổi, nhưng không anh nào lọt vào vòng “chung kết”. Cuối cùng bà “phải lòng” anh phó quận vì tiếng chuông điện thoại.
02/08/202313:08:00
Tác giả Võ Phú dự Viết Về Nước Mỹ từ 2004. Võ Phú sinh năm 1978 tại Nha Trang-Việt Nam; định cư tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University. Hiện làm việc và học tại Medical College of Virginia. Sau 12 năm bặt tin, tác giả tiếp tục viết lại từ 2016 và nhận giải Danh Dự Viết về nước Mỹ từ 2019. Sau đây là bài viết mới nhất.
28/07/202300:00:00
Cơn hồng thủy ngày ba mươi tháng tư năm một chín bảy lăm đã xô đẩy hàng triệu người Việt ra khỏi quê hương và trôi dạt khắp nơi trên thế giới mà đông nhất là ở Hoa Kỳ. Thời đó, hễ thấy ai đầu đen thì người ta chạy riết lại nhìn mặt xem có phải là người Việt không. Nếu phải thì người ta ôm chầm lấy nhau. Có người nước mắt ràn rụa, giọt ngắn giọt dài, vừa mừng vừa tủi vì “ tha hương ngộ cố tri” mà. Dần dà số người Việt định cư ở Mỹ ngày càng đông thì hình ảnh thân thương kia cũng phai nhạt dần khi người ta đã trở thành công dân Mỹ, hội nhập vào đời sống xã hội Mỹ, lúc nào cũng gấp gáp lo chuyện cơm áo, gạo tiền, không còn thì giờ để quan tâm, dòm ngó tới hàng xóm láng giềng, kể cả bà con thân thuộc, nhất là những người ở xa. Hình ảnh một người Mỹ ngồi trên xe bus đi đến chỗ làm, vừa uống tách cà phê, vừa đọc báo cho thấy là thì giờ ở Mỹ rất hiếm hoi và quý báu. Có ý kiến cho rằng người Mỹ rất lạnh lùng, đèn nhà ai nấy sáng. Điều này không đúng. Giá trị Mỹ nằm ngay ở chính tên gọi của nó
24/07/202313:46:00
Năm tháng trôi qua, bao nhiêu lượt người đến đi, không có gì xảy ra; bà quen dần với những người khách trọ xa lạ, tự cho mình là chủ quán trọ. Bà tế nhị quan sát cách sinh hoạt, lời ăn tiếng nói của từng vị khách, đánh giá từng người, xã giao vừa phải. Bà nghĩ xử thế làm sao để khi người ta đi vẫn giữ được thiện cảm với nhau.