Hôm nay,  
CTA_United Educators_Display_728x90_Vietnamese - Nguoi Viet
CTA_United Educators_Display_300x250_Vietnamese - Nguoi Viet

Tình Người Viễn Xứ

28/07/202300:00:00(Xem: 3768)
  
Tác giả Duy Nhân tên thật Nguyễn Đức Đạo hiện ở tại Chicago, tiểu bang Illinois. Tác giả đã đóng góp nhiều bài Viêt Về Nước Mỹ và lãnh nhiều giải từ năm 2001. Sau đây là bài mới nhất của tác giả

*

Cơn hồng thủy ngày ba mươi tháng tư năm một chín bảy lăm đã xô đẩy hàng triệu người Việt ra khỏi quê hương và trôi dạt khắp nơi trên thế giới mà đông nhất là ở Hoa Kỳ. Thời đó, hễ thấy ai đầu đen thì người ta chạy riết lại nhìn mặt xem có phải là người Việt không. Nếu phải thì người ta ôm chầm lấy nhau. Có người nước mắt ràn rụa, giọt ngắn giọt dài, vừa mừng vừa tủi vì “ tha hương ngộ cố tri” mà. Dần dà số người Việt định cư ở Mỹ ngày càng đông thì hình ảnh thân thương kia cũng phai nhạt dần khi người ta đã trở thành công dân Mỹ, hội nhập vào đời sống xã hội Mỹ, lúc nào cũng gấp gáp lo chuyện cơm áo, gạo tiền, không còn thì giờ để quan tâm, dòm ngó tới hàng xóm láng giềng, kể cả bà con thân thuộc, nhất là những người ở xa. Hình ảnh một người Mỹ ngồi trên xe bus đi đến chỗ làm, vừa uống tách cà phê, vừa đọc báo cho thấy là thì giờ ở Mỹ rất hiếm hoi và quý báu. Có ý kiến cho rằng người Mỹ rất lạnh lùng, đèn nhà ai nấy sáng. Điều này không đúng. Giá trị Mỹ nằm ngay ở chính tên gọi của nó : Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, đất nước hình thành bởi nhiều chủng tộc, sắc dân trên thế giới. Chính quyền và người dân Mỹ sẵn  sàng dang tay đón nhận, giúp đỡ, tạo mọi thuận lợi cho những ai đủ điều kiện muốn đến Mỹ sinh sống dầu là để tị nạn hay mưu tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn. Các chính sách về lương thực, thực phẩm, y tế, xã hội, giáo dục cho người mới tới, ai khó khăn về nhà ở thì có chế độ housing. Từ sau biến cố 30/4/1975 rất nhiều người Việt được các gia đình Mỹ bảo trợ, tiếp nhận, rước vào nhà, sống chung với họ như người trong một gia đình.

Thế hệ thứ nhất qua Mỹ hầu hết đã lớn tuổi. Tuổi già rất dễ rơi vào cảnh cô đơn và buồn chán, nhiều khi còn thấy mình vô dụng nếu như thì giờ nhàn rỗi không biết dùng vào việc gì. Ở Chicago ngoài sinh hoạt hội đoàn, chúng tôi tập họp nhau lại thành một nhóm nhỏ để cùng sinh hoạt, vui chơi với nhau không điều kiện và đặt cho nó một cái tên để gọi là Hoàng Gia. Hoàng Gia không phải là một hội đoàn có tổ chức, có qui chế, nó không có liên hệ, họ hàng gì với gia đình vua chúa, quý tộc, nó chỉ là Già Hoang nói lái. Già thì có còn hoang đàng chi địa thì không mà nó rất lành mạnh và vui nhộn. Phương châm hoạt động của nhóm là  “một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ ”. Thường thì mỗi tháng chúng tôi gặp nhau một lần để mừng sinh nhật cho một thành viên trong nhóm. Mỗi lần tụ tập với nhau thì tha hồ kể cho nhau nghe một thời của quá khứ, kinh nghiệm đã trải qua, đem khoe một tấm ảnh mới chụp, một bức tranh mới vẽ, một bản nhạc mới sáng tác, một truyện ngắn, một bài thơ mới làm rồi bình phẩm, khen chê, vui đáo để. Lâu lâu lại tổ chức đi du lịch với nhau nữa. Nhà thơ Thanh Ngọc 92 tuổi là người cao tuổi nhất nhóm, có nguyện vọng muốn tập họp thơ của mình lại, in thành một tập để trình làng trước khi anh nhắm mắt mà không có điều kiện. Thế là cả nhóm xúm lại giúp đỡ và anh đã được toại nguyện. Phải gặp nhau thường xuyên mới biết ai còn, ai mất, ai có bệnh hoạn đau yếu gì không để kịp thời viếng thăm, giúp đỡ. Đó là chủ trương của nhóm. Anh Thanh Ngọc sống một mình giống như anh Nguyễn Thắng Thương, cách phòng anh Thương vài căn, được anh Thương giúp rất nhiều khi đau yếu bệnh hoạn cho đến khi mất.
 
 
linh nguyen 1
Anh Nguyễn Thắng Thương áo sậm ngồi giữa. Hình chụp tháng 9/2012, lúc này anh đã bệnh rồi 
 
 
linh nguyen 2
Linh Nguyễn và anh Thương
  Hình chụp tháng 2/ 2023
  
Anh Nguyễn Thắng Thương sinh năm 1942, không vợ không con, sống một mình trên tầng 14 của một cao ốc dành cho những người có khó khăn về nhà ở. Bà con thân nhân không ai ở gần nên anh xem Hoàng Gia như một gia đình và sinh hoạt với nhau trên mười năm nay. Năm 2012 anh Thương bị bệnh ung thư hạch, trong người có ba cục bứu. Lúc đó anh chỉ còn là một bộ xương và không có hy vọng sống còn. May mà nhờ có  cháu Linh Nguyễn biết anh Thương từ trước, giúp đỡ. Cháu Linh Nguyễn sinh năm 1971, cùng ba mẹ đến Mỹ năm 1992 theo diện HO-10. Sau khi học Y Tá bốn năm, cháu ra trường làm việc ở bệnh viện Rush North Shore, các trung tâm phục hồi sức khỏe (rehab) như Buckingham, Lincolnwood Place  từ năm 2001. Linh liên lạc với bác sĩ, bệnh viện và chỡ anh Thương đi cấp cứu, làm hóa trị, mỗi lần làm từ 7 đến 8 tiếng, về nhà còn phải theo dỏi 2 tiếng nữa. Linh tự nguyện và âm thầm giúp anh Thương cho tới năm 2017 bệnh anh Thương trở nặng thì một công ty chuyên về chăm sóc bệnh nhân mới giới thiệu Linh đến chăm sóc cho anh Thương tại nhà theo qui định hai lần một tuần, mỗi lần một giờ  với giá 50 $/giờ. Thực tế cháu phải phục vụ anh Thương từ bảy đến tám tiếng một  ngày mà chỉ được trà có một giờ nên thiệt thòi rất nhiều. Sau một ca mổ anh Thương được cho về nhà thì tình trạng trở nên ngày càng xấu. Cháu Linh phát hiện trong người anh Thương còn 21 cái staples sau khi phẩu thuật bác sĩ và những người có trách nhiệm quên follow up, không hẹn ngày tái khám để lấy những cái stapples ra. Linh lại  phài đem anh Thương vào lại bệnh viện để phẩu thuật lại và anh Thương được cứu sống. Linh nói đây là malpractice, nếu thưa kiện thì các cá nhân liên hệ có thể bị rút giấy phép hành nghề. Từ năm 2001 cháu Linh đã bị bệnh tim phù động mạch chủ và suy thận giai đoạn cuối, tỷ lệ sống còn là 20% vậy mà vẫn đi làm, trong mười năm chờ đợi mới được đưa vào danh sách 1500 người chờ ghép thận mà Linh là người đứng cuối bảng. Bất ngờ vào năm 2020 ở Buckingham có một bà Mỹ trắng mà cháu Linh phục vụ đã viết một bài báo ngắn về trường hợp của cháu đang cần một trái thận. Bài báo được phổ biến ở nhà thờ. Một người bạn của Linh thấy vậy mới đưa lên Face Book. Một bà Mỹ trắng ở Naperville tên là Louise Porter biết được mới liên lạc với cháu. Sau khi tìm, hiểu bà và chồng đồng ý hiến một quả thận của mình cho cháu. Cuộc ghép thận được thực hiện thành công ở bệnh viện North Western Chicago như một phép mầu : Chỉ hai tiếng sau khi ghép thận thì cháu đi tiểu được mà 4 năm trước cháu không thể. Cháu nói phải lọc thận một tuần 3 lẩn, mỗi lần 4 tiếng. Chi phí lần ghép thận này lên đến một triệu đồng mà cháu Linh khỏi phải trả đồng nào vì có bảo hiểm và chế độ medicare thanh toán. Linh cho biết vào năm 2009 mặc dầu đang bệnh nặng và tài chánh khó khăn nhưng Linh và gia đình đã chi 3000 USD, tương đương 60 triệu đồng VN giúp một bệnh nhân tên Lý Mạnh Hà ở Sa đéc, Đồng Tháp Việt Nam cần phẩu thuật mổ tim gấp mà không có tiền và ở trong tình trạng sống còn chỉ là 20%. Nhờ cháu Linh mà một bệnh nhân được cứu sống. Linh cứu giúp người vô điều kiện nên Linh cũng được người cứu giúp. Có phải chăng đó là vấn đề tâm linh hay là  định luật của Thượng Đế, là nguyên tắc của cuộc đời : Gieo nhân nào thì gặt quả đó, gieo duyên lành tất sẽ được ân phước. Cùng năm đó cháu Linh được Lincoln Wood place, một tổ chức điều hành các nursing home toàn tiểu bang Illinois chọn trong số 120 y tá xuất sắc ở các nursing home được đề cử để trao bằng Heart of Caring, phần thưởng cao quí cho người tận tâm phục vụ bệnh nhân. Một vinh dự cho  Linh Nguyễn, một hảnh diện cho người Việt Nam.
 
linh nguyen 3
Bà Louise Porter, người đã hiến một trái thận của mình cho Linh Nguyễn
         
Trở lại trường hợp của anh Thương. Cháu Linh chăm sóc cho anh từ năm 2012. Vì bệnh thận trở nặng, sức khỏe kiệt quệ và bác sĩ không cho phép tiếp xúc với bệnh nhân nên Linh phải nghỉ ở nhà và không tiếp xúc với anh Thương từ năm 2019. Từ năm đó Linh cũng đã nghĩ hưu. Vào một đêm tháng 9 năm 2022 Linh nhận được điện thoại từ bệnh viện Saint Francis yêu cầu đến gấp vì anh Thương đang hôn mê, cần vô máu, phài có sự đồng ý với chữ ký của người nhà vì bệnh viện thấy có tên cháu Linh trong hồ sơ bệnh án của anh Thương. Trước đó bệnh viện có cố gắng gọi người cậu và em  của anh Thương mà không liên lạc được. Từ đó cháu Linh trở lại giúp anh Thương sau bốn năm gián đoạn. Lúc này bệnh anh Thương tái phát trở lại và nặng hơn. Trong thời gian này anh được đưa cấp cứu ở bệnh viện ba lần vì bị ngất và té ngã trong nhà. Anh Thương được đưa qua, đưa lại từ bệnh viện đến nursing home nhiều lần. Anh Thương cho biết ở nursing home như là “địa ngục trần gian”. Do vậy cháu Linh phải vào nursing home mỗi ngày để chăm sóc cho anh, tắm rửa và làm vệ sinh cho anh. Lần thứ nhất vào tháng 9 năm 2022 như Linh đã kể. Tháng 2 năm 2023 tôi và một số anh em trong nhóm đến thăm anh tại phòng nơi anh ở. Lúc này trông anh xanh và ốm nhiều, đi đứng phải nhờ vào wheel chair, cháu Linh cũng có mặt. Tôi lấy cell phone chụp vội một tấm hình cho hai người. Anh Thương nói:   “Tôi nói chuyện với các anh đây là từ cõi âm vì tôi coi như đã chết từ lâu, nếu không có Linh. Linh là vị bồ tát, tiền kiếp là cha tôi, nay tái sinh để chăm sóc tôi, hy sinh vì tôi, cực khổ vì tôi, bởi vì chỉ có cha mới thương con như vậy mà thôi và Linh còn hơn thế nữa ...” Trước khi ra về chúng tôi ngỏ ý trao cho anh một số tiền do anh em gửi. Anh từ chối và nói tiền thì tôi có, lúc này tiền để mà làm gì. Tình bạn như các anh mới là quý. lần thứ hai vào tháng 3 năm 2023 Thương lại phải nhập viện Saint Francis, sau đó người ta đưa anh vào nursing home. Đến tháng 4 năm 2023 anh được đưa đi cấp cứu ở bệnh viện Weiss trong tình trạng nhiểm trùng đường tiểu, bệnh đã di căn tới xương, tủy, hồng huyết cầu tụt chỉ còn 7 so với bình thường là từ 10 đến 12, anh lại vướng Covid 19 nữa. Anh được chăm sóc mười ngày ở bệnh viện rồi sau đó được cho về nursinge home. Một ngày sau nursing home chuyển anh đến bệnh viện North shore Evanston, sau đó lại chuyển về nursing home. Hai ngày sau ở đây lại chuyển anh đến bệnh viện North Shore ở Skokie. Ngày 30/4/2023 lúc 12 giờ trưa trong khi đang dự lễ tưởng niệm ngày Quốc Hận ở một tổ chức của cộng đồng, cháu Linh nhận được điện thoại từ bệnh viện cho biết anh Thương sẽ ra đi trong vài giờ tới. Linh lập tức đến bệnh viện thì thấy anh Thương bị hôn mê, huyết áp và hồng huyết cầu đang tuột dần, và xuất huyết nội, máu tràn bao tử được hút ra toàn một màu đen. Khi cháu Linh đến thì hai dòng nước mắt anh Thương ứa ra, lăn dài trên má. Cháu Linh đã kịp thời nói những lời cuối cùng và vuốt mắt cho anh. Khi đó mắt anh mới khép lại, kim đồng hồ chỉ đúng 7 giờ 30 tối. Một an ủi cho anh Thương là có sự hiện diện đúng lúc của một cô bạn gái trong lúc anh trút những hơi thở cuối cùng.
 
Tang lễ anh Thương được nhóm Hoàng Gia và cháu Linh tổ chức ở nhà quàng Midtown, Chicago  ngày 5/5/2023  theo nghi thức Phật Giáo với sự có mặt của vài thân nhân của anh ở tiểu bang xa về. Ngày hôm sau 6/5/2023 cháu Linh liên lạc với chùa Liên Hoa và được chấp thuận của thày trụ trì, mang tro cốt và di ảnh anh Thương ký gửi ở chùa. Ngày 7/5/2023 cũng một mình Linh đến chùa làm lễ cúng thất đầu tiên cho anh Thương. Có một điều ít người biết là cháu Linh và gia đình đều là tín đồ Thiên Chúa Giáo còn anh Thương thì theo Phật Giáo. Nguyện vọng sau cùng của anh Thương là sau khi mất được để một tấm ảnh nhỏ trên một góc bàn thờ của gia đình cháu Linh và Linh hứa là sẽ thực hiện. Anh Thương mất đi có để lại số tiền 39,000 USD được trao đầy đủ cho một cô em của anh ở California.
 
Lời kết: Bài viết này không nhằm quảng bá hay đề cao một tập thể hay cá nhân nào, cho dầu cá nhân đó rất xứng đáng. Tác giả chỉ mô tả, kể lại một sự kiện của đời thường khiến chúng ta xúc động và suy tư vì chính sự kiện đó, giá trị của sự kiện đó chớ không phải vì cá nhân. Ở đây tác giả đã nói rõ khi đặt tên cho bài viết của mình, đó là TÌNH NGƯỜI VIỄN XỨ. Viễn xứ là xứ ở xa, Hoa Kỳ cách Việt Nam đến nửa vòng trái đất với nhiều sắc dân từ các châu lục khác nhau mà người ta cư xử với nhau thật là tình nghĩa, cho dầu không có họ hàng, bà con thân thiết gì với nhau. Có người đã hiến một phần thân thể của mình cho người xa lạ như bà Mỹ trắng kia đã hiến một trái thận của mình cho cháu Linh và cháu Linh đã giúp đỡ tài chánh để cứu người ở Việt Nam, đã hy sinh phục vụ không điều kiện để chăm sóc cho anh Nguyễn Thắng Thương. Điều gì đã khiến người ta làm như vậy? Tùy vào tín ngưỡng và góc nhìn, mỗi người sẽ có cách lý giải khác nhau. Từ đó chúng ta rút ra được bài học để tin rằng giữa cảnh đời bon chen và phức tạp này còn có những gì thiêng liêng cao quí. Cuộc đời này vẫn rất tốt đẹp và đáng sống biết bao!

Ý kiến bạn đọc
07/08/202315:19:32
Khách
Bài viết hay, như tôi có một thắc mắc.
Tôi thắc mắc: Tại sao ông Linh không giúp cho một người nghèo khổ ở Mỹ mà giúp người ở VN? Người Mỹ gốc VIệt tỵ nạn cộng sản nhờ xứ Mỹ nhận cho vô tỵ nạn, bà Mỹ trắng cho ông Linh 1 cái thận của bà ấy, vậy sao ông Linh không tìm một người ở Mỹ mà giúp? Không coi xứ Mỹ là quê hương mà chỉ là đất tạm dung nên không giúp người Mỹ mặc dù đã nhận được sự giúp đỡ từ người Mỹ? Hay không thoát ra khỏi tâm lý "màu da" và "chủng tộc"?
30/07/202304:07:54
Khách
Thương cho bác Thương. Cuối đời của bác có Linh chăm sóc cũng an ủi.
29/07/202304:12:05
Khách
Cám ơn tác giả đã kể lại một câu chuyện bổ ích, rất cảm động và thấm thía về tình người ở Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 523,688
30/08/202317:51:00
Kể từ những năm tháng đầu tiên, khi Phật giáo truyền vào Việt Nam, các chùa đã tổ chức Lễ Vu Lan. Ngày nay, Lễ Vu Lan không còn đơn thuần chỉ có ý nghĩa tôn giáo thiêng liêng ca ngợi lòng hiếu thảo đối với mẹ không thôi mà đã trở thành "lễ hội" mang tính cách nhân văn nói lên lòng hiếu kính của tất cả mọi người đối với cả mẹ lẫn cha hiện tiền, hay ông bà cha mẹ đã quá vãng nhiều đời nhiều kiếp. Lòng trân trọng hiếu kính mẹ cha, phụng thờ tổ tiên ông bà, chính là sợi dây liên kết giữa người còn kẻ mất, là truyền thống cao đẹp nêu cao tình người của dân tộc Việt.”
28/08/202313:51:00
Tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ từ 2001 và liên tục góp bài. Sau nhiều năm tham gia ban tuyển chọn, từ 2018, tác giả Trương Ngọc Bảo Xuân chính thức trở thành Trưởng Ban Tuyển Chọn Viết Về Nước Mỹ.
25/08/202300:00:00
Ba tôi qua đời năm Mậu Thân 1968, còn trẻ lắm, em Út thứ 9 trong nhà nói: “em không nhớ mặt Ba”, tội nghiệp, lúc đó nó mới có ba tuổi; Má tôi vừa bỏ chúng tôi đầu xuân năm 2023, thượng thọ gần bách tuế. Từ thuở nhỏ, chúng tôi lớn lên không có Ông Bà cả hai bên Nội, Ngoại. Ông Bà Ngoại với con cái sống cuộc đời thương hồ, trôi nổi nước lớn nước ròng, buôn bán theo mùa ở Châu Đốc. Rồi Ông Bà lần lượt qua đời khi tuổi không thọ lắm. Má tôi có chồng, thì Má chồng đã mất, Ba chồng bồng ẳm hai cháu Nội mới chập chửng biết đi được vài lần thì gia đình tôi dọn nhà lên Sài Gòn. Rồi ông Nội qua đời. Nghe Ba và Cô Hai kể, Ông Nội nằm đọc báo ngủ trưa, ngủ luôn giấc ngàn thu, rời hơi thở nhẹ tênh, nhà quê gọi là đứt mạch máu. Năm đó, Ông vừa qua tuổi 50. Má kể, tôi cũng được Ông Nội bồng vài lần lúc mấy tháng,
22/08/202312:44:00
Hằng ngày, một mình, tôi vẫn tiếp tục lặng ngắm bức tranh thêu hai con hạc trắng như ngày nào khi hai chúng tôi bên nhau. Con chim trống luôn luôn là hình ảnh oai phong - khỏe mạnh của chồng tôi những ngày đầu chúng tôi quen nhau cách đây hơn 50 năm. Thương làm sao, lúc về già, chồng tôi y như con hạc trống già vẫn ráng vươn cao cổ che chở con chim mái ướt sũng đứng nép mình cạnh bên. Thương, nhớ… những ngày hạnh phúc có nhau nhưng tôi không bị dày vò , xót xa vì tôi đã sống trọn vẹn và làm đầy đủ bổn phận của một người vợ, người mẹ …Sinh - Lão - Bệnh - Tử là quy luật nghiệt ngã, đời người rồi ai cũng phải đi tới các trải nghiệm đó. Chấp nhận và có chuẩn bị chu đáo vẫn hơn là né tránh!?
18/08/202300:00:00
Tôi đã hứa với Văn, ngày thứ sáu và thứ bảy của tuần lễ nghỉ phép, tôi sẽ đến nhà làm giúp cho Văn cái giàn mướp. Sau khi mở cửa cho tôi vào nhà, Văn pha cho tôi ly cà phê rồi đến ngồi trên cái ghế xoay đối diện với máy điện toán, tiếp tục đọc trang mạng. Văn thường nói với bạn bè: Đọc và viết là một phương cách giúp cho não bộ hoạt động và thư giãn tâm trí, một món ăn tinh thần tốt lành, không tốn kém. Đọc xong bản tin đặc biệt và bài bình luận thời sự trên trang mạng, Văn đứng dậy, đi đến phòng ăn sửa soạn ăn sáng rồi cùng tôi làm cho xong cái giàn mướp thì điện thoại reo. Văn vừa nói câu hello thì đã nghe giọng nói lớn tiếng từ điện thoại.
14/08/202312:59:00
Lời tác giả: Gặp Nina Hòa Bình trên trang mạng! Nina nhắc nhở nhè nhẹ, lâu quá, không thấy tác giả Nguyễn Trung Tây trên trang “Viết Về Nước Mỹ.” Khi đó mới chợt nhớ ra, từ hồi Covid ghé vào, tàn phá ngôi làng toàn cầu, tác giả hãi đoàn quân Covid quá! Bởi thế, quân ta trốn trong phòng, không xuất hiện. Thật ra, tháng 6 năm 2016, tác giả đã rời Úc Châu, tu học tại Philippines. Tháng 10, 2020, tác giả bay về lại San Jose, California, trốn Covid. Tháng 5, 2022 tác giả bay về Philippines, lãnh văn bằng Tiến Sĩ Truyền Giáo tại Divine Word Institute of Mission Studies, nối kết với University of Saint Tomas.
11/08/202300:00:00
Buổi sáng vào hãng, sau khi chào hỏi và cụng ngực với những người làm chung. Mình bị tay đốc công gọi vào văn phòng giũa: ”Tại sao mầy không coi ngó tụi nó, tuần rồi mấy lô hàng bị sai, ông chủ đang giận dữ”. Mình tức chết đi được, phận sự của mình là cung cấp phụ tùng linh kiện, còn việc khâu kỹ thuật là của thằng James, sao việc gì nó cũng đổ hết cho mình? Mà đâu chỉ mỗi việc này, còn nhiều chuyện bị áp lực nặng khác nữa. Mình làm lâu năm, kinh nghiệm tốt, được khen “good job” vậy mà bị tay đốc công đì, đối xử bất công. Những người làm cùng việc ở các tổ khác đã tăng lương hai lần rồi mà mình thì không được, đã thế cứ nhè những việc khó thì giao cho mình. Mình xin đổi qua tổ khác nó cũng không cho chuyển… Giận lắm nhưng nhịn thì tức, nhiều lúc muốn chơi nó cho bỏ ghét!
04/08/202300:00:00
Có người bảo rằng tiếng chuông điện thoại là “niềm vui của tuổi trẻ và nguồn an ủi cho tuổi già” Đối với bà Thoa, tiếng chuông điện thoại còn là tiếng gọi của tình yêu khi còn trẻ, là tiếng lòng thương mến khi làm mẹ, là tiếng gọi mong chờ và là liều thuốc an thần khi nằm trong viện dưỡng lão. Nhớ thuở xa xưa, lúc tuổi xuân thì, bà có nhan sắc lại con nhà danh giá, nhiều thanh niên con nhà giàu, học giỏi, đẹp trai theo đuổi, nhưng không anh nào lọt vào vòng “chung kết”. Cuối cùng bà “phải lòng” anh phó quận vì tiếng chuông điện thoại.
02/08/202313:08:00
Tác giả Võ Phú dự Viết Về Nước Mỹ từ 2004. Võ Phú sinh năm 1978 tại Nha Trang-Việt Nam; định cư tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University. Hiện làm việc và học tại Medical College of Virginia. Sau 12 năm bặt tin, tác giả tiếp tục viết lại từ 2016 và nhận giải Danh Dự Viết về nước Mỹ từ 2019. Sau đây là bài viết mới nhất.
24/07/202313:46:00
Năm tháng trôi qua, bao nhiêu lượt người đến đi, không có gì xảy ra; bà quen dần với những người khách trọ xa lạ, tự cho mình là chủ quán trọ. Bà tế nhị quan sát cách sinh hoạt, lời ăn tiếng nói của từng vị khách, đánh giá từng người, xã giao vừa phải. Bà nghĩ xử thế làm sao để khi người ta đi vẫn giữ được thiện cảm với nhau.