Hôm nay,  

Tình Người Viễn Xứ

28/07/202300:00:00(Xem: 3935)
  
Tác giả Duy Nhân tên thật Nguyễn Đức Đạo hiện ở tại Chicago, tiểu bang Illinois. Tác giả đã đóng góp nhiều bài Viêt Về Nước Mỹ và lãnh nhiều giải từ năm 2001. Sau đây là bài mới nhất của tác giả

*

Cơn hồng thủy ngày ba mươi tháng tư năm một chín bảy lăm đã xô đẩy hàng triệu người Việt ra khỏi quê hương và trôi dạt khắp nơi trên thế giới mà đông nhất là ở Hoa Kỳ. Thời đó, hễ thấy ai đầu đen thì người ta chạy riết lại nhìn mặt xem có phải là người Việt không. Nếu phải thì người ta ôm chầm lấy nhau. Có người nước mắt ràn rụa, giọt ngắn giọt dài, vừa mừng vừa tủi vì “ tha hương ngộ cố tri” mà. Dần dà số người Việt định cư ở Mỹ ngày càng đông thì hình ảnh thân thương kia cũng phai nhạt dần khi người ta đã trở thành công dân Mỹ, hội nhập vào đời sống xã hội Mỹ, lúc nào cũng gấp gáp lo chuyện cơm áo, gạo tiền, không còn thì giờ để quan tâm, dòm ngó tới hàng xóm láng giềng, kể cả bà con thân thuộc, nhất là những người ở xa. Hình ảnh một người Mỹ ngồi trên xe bus đi đến chỗ làm, vừa uống tách cà phê, vừa đọc báo cho thấy là thì giờ ở Mỹ rất hiếm hoi và quý báu. Có ý kiến cho rằng người Mỹ rất lạnh lùng, đèn nhà ai nấy sáng. Điều này không đúng. Giá trị Mỹ nằm ngay ở chính tên gọi của nó : Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, đất nước hình thành bởi nhiều chủng tộc, sắc dân trên thế giới. Chính quyền và người dân Mỹ sẵn  sàng dang tay đón nhận, giúp đỡ, tạo mọi thuận lợi cho những ai đủ điều kiện muốn đến Mỹ sinh sống dầu là để tị nạn hay mưu tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn. Các chính sách về lương thực, thực phẩm, y tế, xã hội, giáo dục cho người mới tới, ai khó khăn về nhà ở thì có chế độ housing. Từ sau biến cố 30/4/1975 rất nhiều người Việt được các gia đình Mỹ bảo trợ, tiếp nhận, rước vào nhà, sống chung với họ như người trong một gia đình.

Thế hệ thứ nhất qua Mỹ hầu hết đã lớn tuổi. Tuổi già rất dễ rơi vào cảnh cô đơn và buồn chán, nhiều khi còn thấy mình vô dụng nếu như thì giờ nhàn rỗi không biết dùng vào việc gì. Ở Chicago ngoài sinh hoạt hội đoàn, chúng tôi tập họp nhau lại thành một nhóm nhỏ để cùng sinh hoạt, vui chơi với nhau không điều kiện và đặt cho nó một cái tên để gọi là Hoàng Gia. Hoàng Gia không phải là một hội đoàn có tổ chức, có qui chế, nó không có liên hệ, họ hàng gì với gia đình vua chúa, quý tộc, nó chỉ là Già Hoang nói lái. Già thì có còn hoang đàng chi địa thì không mà nó rất lành mạnh và vui nhộn. Phương châm hoạt động của nhóm là  “một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ ”. Thường thì mỗi tháng chúng tôi gặp nhau một lần để mừng sinh nhật cho một thành viên trong nhóm. Mỗi lần tụ tập với nhau thì tha hồ kể cho nhau nghe một thời của quá khứ, kinh nghiệm đã trải qua, đem khoe một tấm ảnh mới chụp, một bức tranh mới vẽ, một bản nhạc mới sáng tác, một truyện ngắn, một bài thơ mới làm rồi bình phẩm, khen chê, vui đáo để. Lâu lâu lại tổ chức đi du lịch với nhau nữa. Nhà thơ Thanh Ngọc 92 tuổi là người cao tuổi nhất nhóm, có nguyện vọng muốn tập họp thơ của mình lại, in thành một tập để trình làng trước khi anh nhắm mắt mà không có điều kiện. Thế là cả nhóm xúm lại giúp đỡ và anh đã được toại nguyện. Phải gặp nhau thường xuyên mới biết ai còn, ai mất, ai có bệnh hoạn đau yếu gì không để kịp thời viếng thăm, giúp đỡ. Đó là chủ trương của nhóm. Anh Thanh Ngọc sống một mình giống như anh Nguyễn Thắng Thương, cách phòng anh Thương vài căn, được anh Thương giúp rất nhiều khi đau yếu bệnh hoạn cho đến khi mất.
 
 
linh nguyen 1
Anh Nguyễn Thắng Thương áo sậm ngồi giữa. Hình chụp tháng 9/2012, lúc này anh đã bệnh rồi 
 
 
linh nguyen 2
Linh Nguyễn và anh Thương
  Hình chụp tháng 2/ 2023
  
Anh Nguyễn Thắng Thương sinh năm 1942, không vợ không con, sống một mình trên tầng 14 của một cao ốc dành cho những người có khó khăn về nhà ở. Bà con thân nhân không ai ở gần nên anh xem Hoàng Gia như một gia đình và sinh hoạt với nhau trên mười năm nay. Năm 2012 anh Thương bị bệnh ung thư hạch, trong người có ba cục bứu. Lúc đó anh chỉ còn là một bộ xương và không có hy vọng sống còn. May mà nhờ có  cháu Linh Nguyễn biết anh Thương từ trước, giúp đỡ. Cháu Linh Nguyễn sinh năm 1971, cùng ba mẹ đến Mỹ năm 1992 theo diện HO-10. Sau khi học Y Tá bốn năm, cháu ra trường làm việc ở bệnh viện Rush North Shore, các trung tâm phục hồi sức khỏe (rehab) như Buckingham, Lincolnwood Place  từ năm 2001. Linh liên lạc với bác sĩ, bệnh viện và chỡ anh Thương đi cấp cứu, làm hóa trị, mỗi lần làm từ 7 đến 8 tiếng, về nhà còn phải theo dỏi 2 tiếng nữa. Linh tự nguyện và âm thầm giúp anh Thương cho tới năm 2017 bệnh anh Thương trở nặng thì một công ty chuyên về chăm sóc bệnh nhân mới giới thiệu Linh đến chăm sóc cho anh Thương tại nhà theo qui định hai lần một tuần, mỗi lần một giờ  với giá 50 $/giờ. Thực tế cháu phải phục vụ anh Thương từ bảy đến tám tiếng một  ngày mà chỉ được trà có một giờ nên thiệt thòi rất nhiều. Sau một ca mổ anh Thương được cho về nhà thì tình trạng trở nên ngày càng xấu. Cháu Linh phát hiện trong người anh Thương còn 21 cái staples sau khi phẩu thuật bác sĩ và những người có trách nhiệm quên follow up, không hẹn ngày tái khám để lấy những cái stapples ra. Linh lại  phài đem anh Thương vào lại bệnh viện để phẩu thuật lại và anh Thương được cứu sống. Linh nói đây là malpractice, nếu thưa kiện thì các cá nhân liên hệ có thể bị rút giấy phép hành nghề. Từ năm 2001 cháu Linh đã bị bệnh tim phù động mạch chủ và suy thận giai đoạn cuối, tỷ lệ sống còn là 20% vậy mà vẫn đi làm, trong mười năm chờ đợi mới được đưa vào danh sách 1500 người chờ ghép thận mà Linh là người đứng cuối bảng. Bất ngờ vào năm 2020 ở Buckingham có một bà Mỹ trắng mà cháu Linh phục vụ đã viết một bài báo ngắn về trường hợp của cháu đang cần một trái thận. Bài báo được phổ biến ở nhà thờ. Một người bạn của Linh thấy vậy mới đưa lên Face Book. Một bà Mỹ trắng ở Naperville tên là Louise Porter biết được mới liên lạc với cháu. Sau khi tìm, hiểu bà và chồng đồng ý hiến một quả thận của mình cho cháu. Cuộc ghép thận được thực hiện thành công ở bệnh viện North Western Chicago như một phép mầu : Chỉ hai tiếng sau khi ghép thận thì cháu đi tiểu được mà 4 năm trước cháu không thể. Cháu nói phải lọc thận một tuần 3 lẩn, mỗi lần 4 tiếng. Chi phí lần ghép thận này lên đến một triệu đồng mà cháu Linh khỏi phải trả đồng nào vì có bảo hiểm và chế độ medicare thanh toán. Linh cho biết vào năm 2009 mặc dầu đang bệnh nặng và tài chánh khó khăn nhưng Linh và gia đình đã chi 3000 USD, tương đương 60 triệu đồng VN giúp một bệnh nhân tên Lý Mạnh Hà ở Sa đéc, Đồng Tháp Việt Nam cần phẩu thuật mổ tim gấp mà không có tiền và ở trong tình trạng sống còn chỉ là 20%. Nhờ cháu Linh mà một bệnh nhân được cứu sống. Linh cứu giúp người vô điều kiện nên Linh cũng được người cứu giúp. Có phải chăng đó là vấn đề tâm linh hay là  định luật của Thượng Đế, là nguyên tắc của cuộc đời : Gieo nhân nào thì gặt quả đó, gieo duyên lành tất sẽ được ân phước. Cùng năm đó cháu Linh được Lincoln Wood place, một tổ chức điều hành các nursing home toàn tiểu bang Illinois chọn trong số 120 y tá xuất sắc ở các nursing home được đề cử để trao bằng Heart of Caring, phần thưởng cao quí cho người tận tâm phục vụ bệnh nhân. Một vinh dự cho  Linh Nguyễn, một hảnh diện cho người Việt Nam.
 
linh nguyen 3
Bà Louise Porter, người đã hiến một trái thận của mình cho Linh Nguyễn
         
Trở lại trường hợp của anh Thương. Cháu Linh chăm sóc cho anh từ năm 2012. Vì bệnh thận trở nặng, sức khỏe kiệt quệ và bác sĩ không cho phép tiếp xúc với bệnh nhân nên Linh phải nghỉ ở nhà và không tiếp xúc với anh Thương từ năm 2019. Từ năm đó Linh cũng đã nghĩ hưu. Vào một đêm tháng 9 năm 2022 Linh nhận được điện thoại từ bệnh viện Saint Francis yêu cầu đến gấp vì anh Thương đang hôn mê, cần vô máu, phài có sự đồng ý với chữ ký của người nhà vì bệnh viện thấy có tên cháu Linh trong hồ sơ bệnh án của anh Thương. Trước đó bệnh viện có cố gắng gọi người cậu và em  của anh Thương mà không liên lạc được. Từ đó cháu Linh trở lại giúp anh Thương sau bốn năm gián đoạn. Lúc này bệnh anh Thương tái phát trở lại và nặng hơn. Trong thời gian này anh được đưa cấp cứu ở bệnh viện ba lần vì bị ngất và té ngã trong nhà. Anh Thương được đưa qua, đưa lại từ bệnh viện đến nursing home nhiều lần. Anh Thương cho biết ở nursing home như là “địa ngục trần gian”. Do vậy cháu Linh phải vào nursing home mỗi ngày để chăm sóc cho anh, tắm rửa và làm vệ sinh cho anh. Lần thứ nhất vào tháng 9 năm 2022 như Linh đã kể. Tháng 2 năm 2023 tôi và một số anh em trong nhóm đến thăm anh tại phòng nơi anh ở. Lúc này trông anh xanh và ốm nhiều, đi đứng phải nhờ vào wheel chair, cháu Linh cũng có mặt. Tôi lấy cell phone chụp vội một tấm hình cho hai người. Anh Thương nói:   “Tôi nói chuyện với các anh đây là từ cõi âm vì tôi coi như đã chết từ lâu, nếu không có Linh. Linh là vị bồ tát, tiền kiếp là cha tôi, nay tái sinh để chăm sóc tôi, hy sinh vì tôi, cực khổ vì tôi, bởi vì chỉ có cha mới thương con như vậy mà thôi và Linh còn hơn thế nữa ...” Trước khi ra về chúng tôi ngỏ ý trao cho anh một số tiền do anh em gửi. Anh từ chối và nói tiền thì tôi có, lúc này tiền để mà làm gì. Tình bạn như các anh mới là quý. lần thứ hai vào tháng 3 năm 2023 Thương lại phải nhập viện Saint Francis, sau đó người ta đưa anh vào nursing home. Đến tháng 4 năm 2023 anh được đưa đi cấp cứu ở bệnh viện Weiss trong tình trạng nhiểm trùng đường tiểu, bệnh đã di căn tới xương, tủy, hồng huyết cầu tụt chỉ còn 7 so với bình thường là từ 10 đến 12, anh lại vướng Covid 19 nữa. Anh được chăm sóc mười ngày ở bệnh viện rồi sau đó được cho về nursinge home. Một ngày sau nursing home chuyển anh đến bệnh viện North shore Evanston, sau đó lại chuyển về nursing home. Hai ngày sau ở đây lại chuyển anh đến bệnh viện North Shore ở Skokie. Ngày 30/4/2023 lúc 12 giờ trưa trong khi đang dự lễ tưởng niệm ngày Quốc Hận ở một tổ chức của cộng đồng, cháu Linh nhận được điện thoại từ bệnh viện cho biết anh Thương sẽ ra đi trong vài giờ tới. Linh lập tức đến bệnh viện thì thấy anh Thương bị hôn mê, huyết áp và hồng huyết cầu đang tuột dần, và xuất huyết nội, máu tràn bao tử được hút ra toàn một màu đen. Khi cháu Linh đến thì hai dòng nước mắt anh Thương ứa ra, lăn dài trên má. Cháu Linh đã kịp thời nói những lời cuối cùng và vuốt mắt cho anh. Khi đó mắt anh mới khép lại, kim đồng hồ chỉ đúng 7 giờ 30 tối. Một an ủi cho anh Thương là có sự hiện diện đúng lúc của một cô bạn gái trong lúc anh trút những hơi thở cuối cùng.
 
Tang lễ anh Thương được nhóm Hoàng Gia và cháu Linh tổ chức ở nhà quàng Midtown, Chicago  ngày 5/5/2023  theo nghi thức Phật Giáo với sự có mặt của vài thân nhân của anh ở tiểu bang xa về. Ngày hôm sau 6/5/2023 cháu Linh liên lạc với chùa Liên Hoa và được chấp thuận của thày trụ trì, mang tro cốt và di ảnh anh Thương ký gửi ở chùa. Ngày 7/5/2023 cũng một mình Linh đến chùa làm lễ cúng thất đầu tiên cho anh Thương. Có một điều ít người biết là cháu Linh và gia đình đều là tín đồ Thiên Chúa Giáo còn anh Thương thì theo Phật Giáo. Nguyện vọng sau cùng của anh Thương là sau khi mất được để một tấm ảnh nhỏ trên một góc bàn thờ của gia đình cháu Linh và Linh hứa là sẽ thực hiện. Anh Thương mất đi có để lại số tiền 39,000 USD được trao đầy đủ cho một cô em của anh ở California.
 
Lời kết: Bài viết này không nhằm quảng bá hay đề cao một tập thể hay cá nhân nào, cho dầu cá nhân đó rất xứng đáng. Tác giả chỉ mô tả, kể lại một sự kiện của đời thường khiến chúng ta xúc động và suy tư vì chính sự kiện đó, giá trị của sự kiện đó chớ không phải vì cá nhân. Ở đây tác giả đã nói rõ khi đặt tên cho bài viết của mình, đó là TÌNH NGƯỜI VIỄN XỨ. Viễn xứ là xứ ở xa, Hoa Kỳ cách Việt Nam đến nửa vòng trái đất với nhiều sắc dân từ các châu lục khác nhau mà người ta cư xử với nhau thật là tình nghĩa, cho dầu không có họ hàng, bà con thân thiết gì với nhau. Có người đã hiến một phần thân thể của mình cho người xa lạ như bà Mỹ trắng kia đã hiến một trái thận của mình cho cháu Linh và cháu Linh đã giúp đỡ tài chánh để cứu người ở Việt Nam, đã hy sinh phục vụ không điều kiện để chăm sóc cho anh Nguyễn Thắng Thương. Điều gì đã khiến người ta làm như vậy? Tùy vào tín ngưỡng và góc nhìn, mỗi người sẽ có cách lý giải khác nhau. Từ đó chúng ta rút ra được bài học để tin rằng giữa cảnh đời bon chen và phức tạp này còn có những gì thiêng liêng cao quí. Cuộc đời này vẫn rất tốt đẹp và đáng sống biết bao!

Ý kiến bạn đọc
07/08/202315:19:32
Khách
Bài viết hay, như tôi có một thắc mắc.
Tôi thắc mắc: Tại sao ông Linh không giúp cho một người nghèo khổ ở Mỹ mà giúp người ở VN? Người Mỹ gốc VIệt tỵ nạn cộng sản nhờ xứ Mỹ nhận cho vô tỵ nạn, bà Mỹ trắng cho ông Linh 1 cái thận của bà ấy, vậy sao ông Linh không tìm một người ở Mỹ mà giúp? Không coi xứ Mỹ là quê hương mà chỉ là đất tạm dung nên không giúp người Mỹ mặc dù đã nhận được sự giúp đỡ từ người Mỹ? Hay không thoát ra khỏi tâm lý "màu da" và "chủng tộc"?
30/07/202304:07:54
Khách
Thương cho bác Thương. Cuối đời của bác có Linh chăm sóc cũng an ủi.
29/07/202304:12:05
Khách
Cám ơn tác giả đã kể lại một câu chuyện bổ ích, rất cảm động và thấm thía về tình người ở Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 553,792
Tối hôm qua, khi đang ngồi bình yên tịnh tâm thì KV nghe tiếng đùng đùng đùng kéo dài liên tục phía dưới lầu, làm thất kinh hết cả hồn vía. Chẳng lẽ năng lượng xuống mạnh quá, tạo ra lực xoắn ốc như trong phim Mai-Ca Từ Trên Trời Rơi Xuống hồi bé được coi, làm những thứ xung quanh bị cuốn hút bay theo, tạo nên tiếng động? KV ráng bình tỉnh hít thở, vuốt mắt, ra khỏi tình trạng bình yên và từ từ bò… xuống nhà để mau kiểm tra xem chuyện gì đã xảy ra. Đi cùng khắp tìm nguồn gốc của tiếng động kinh khủng lúc nãy, từ ngoài cửa vô bếp, qua tất cả các phòng - không thấy dấu vết gì là bất thường. Lạ thật! Mình ngồi bình yên và rất tỉnh chứ đâu có ngủ gục và nằm mơ! Tiếng động rõ ràng như cái gì đó sụp xuống kia mà?!
Lão Tư Lì năm nay bước vào tuổi tám mươi. Đời lão lắm gian truân, nhưng cũng có nhiều may mắn. Sau ngày 30-4-1975, đời lão đã “tàn trong ngõ hẹp” - tưởng rằng lão đã bỏ thây trên núi rừng Việt Bắc trong những ngày bị lưu đày trong các trại “tập trung cải tạo” của cộng sản. Nhưng lão đã trở về sau bảy năm lao lý. Lão trở về với tấm thân gầy guộc, ngoài vợ và hai đứa con thơ, lão chẳng còn gì! Nhưng lão phải sống để đền đáp cái ân tình của người vợ thủy chung đã đợi chờ cho đến ngày lão ra tù, để cùng nàng nuôi dạy hai đứa con thơ. Lão đã trải qua những ngày cơ cực, bươn chải kiếm sống, nuôi con như những ngưởi cùng khổ nhất trong xã hội lúc bấy giờ.
Đang gói các món quà và viết card chúc Giáng sinh, năm mới. Chồng tôi bước xuống chợt nhắc: - Nấu bún bò cho Boss Kyle nữa. - Dĩ nhiên mà, đang tính ngày mai đi chợ mua các thứ nấu đây.
Janet, con bé xinh như thiên thần nhỏ. Lúc nào nhìn thấy nụ cười trên môi của nó, ông cũng liên tưởng đến đóa Hướng dương dưới ánh mặt trời. Ông công kênh nó trên vai. Bàn tay thô ráp của ông nắm chặt lấy bàn tay nhỏ xíu. Ông ca vang bài Cây Thùy dương và nó bị bô hát theo. Chao ơi, cái giọng ngọng nghịu đớt đất ấy nghe cưng làm sao đâu. — Thế ông có muốn nhắn gì với cô ấy không?
Giáng sinh này của họ, hai người đàn ông đưa nhau về vùng biển ấm nào đó trên địa cầu để hưởng tuần trăng mật khi người vai chồng đã qua thời kỳ phong độ nhất của một gã đẹp trai, người vai vợ đã bạc đầu, lù mù cái kính lão dắt chó đi ngoài, xăm xoi hàng xóm xem có cần gọi cảnh sát hay không? Hạnh phúc trong lòng người nhưng con người cứ đi tìm hạnh phúc nên khổ đau tiếp diễn không hồi kết.
Tôi nắn nót từng nét chữ vụng về trên chiếc Christmas card chúc mẹ thật nhiều sức khỏe, thật nhiều niềm vui bên những người bạn thân yêu của mẹ trong ngày Giáng Sinh; cẩn thận xếp tấm card với tất cả lòng yêu thương gởi gấm đến mẹ, bỏ vào bao thơ, dán lại, gởi bưu điện ngay chứ không thì sẽ không kịp ngày, Giáng Sinh chỉ còn vỏn vẹn mười ngày nữa thôi. Năm nay tôi lại không có mặt bên mẹ, chắc mẹ sẽ buồn và thất vọng lắm, nhưng tôi không thể nào làm khác hơn! Từ khi mới sinh, tôi vẫn quen với tấm hình duy nhất của người đàn ông trên bàn thờ mặc bộ đồ lính VNCH rất oai hùng, với một bông mai bạc gắn trên vai áo. Lớn một chút, tôi mới hiểu đó là bố tôi đã từng đi lính VNCH để bảo vệ tổ quốc, sau đó khi miền Nam bị cưỡng chiếm, bố bị đi “học tập cải tạo” 6 năm; khi được thả về, bố vượt biên đến bốn năm lần mới qua được Pulau Bidong; gặp mẹ trên đảo, hai người yêu nhau, rồi sang Mỹ làm đám cưới, khi bố đã hơn 40 tuổi.
Người Mỹ có bài nhạc với tựa đề “It’s the most wonderful time of the year”, tạm dịch là “Thời gian tuyệt vời nhất trong năm”, để nói về lễ Giáng sinh. Không chỉ riêng gì nước Mỹ hay các nước phương Tây mới công nhận mùa lễ Giáng sinh là thời điểm tuyệt vời nhất của một năm mà các nước ở châu Á như Việt Nam cũng xem lễ Giáng sinh là một trong những ngày hội lớn nhất trong một năm. Ở các nước phương Tây, người ta, nhất là trẻ em, háo hức chờ lễ Giáng sinh vì đây là dịp để tặng quà cho nhau. Ở Việt Nam sau 1975, trong thời bao cấp, vì nghèo đói, người ta không tặng quà cho nhau nhưng không vì thế mà lễ Giáng sinh mất đi sự kỳ diệu.
Mùa Đông đang đến sau vài cơn mưa nhỏ, những hàng cây vàng lá hai bên đường bắt đầu trơ trụi. Thảm cỏ xanh nhà hàng xóm đã không còn xanh tươi, lác đác có những chiếc lá vàng cuối cùng từ cây phong trồng phía trước bay bay theo gió rồi nhẹ nhàng đáp xuống sân nhà.
Những ưu tư, những uẩn khúc chất chứa trong lòng, không biết chia sẻ với ai, nhờ diễn đàn Viết Về Nước Mỹ của Việt Báo mình đưa tâm tình lên trang mạng, cho nhẹ bớt trong lòng, chưa khi nào mơ tới chuyện giải thưởng. Rồi nhận được Email báo tin của chị Hằng, kèm theo giấy mời tham dự buổi lễ phát thưởng viết về nước Mỹ năm 2023 tại Nam Cali, tôi run lên, một cảm giác không tả được, tắt computer đứng dậy, đi một vòng ra sân hít thở, để cho tinh thần tỉnh táo, vô lại, mở máy, lên mạng, đọc đi, đọc lại trang thư mà chị Hằng gửi, lúc này nhịp đập tim ổn định, tôi gọi ông xã nhà tôi vô đọc Email. Ông cũng sửng sốt nói: – Ui chao! Có thiệt gửi cho bà không?
Tháng Mười Hai lại đến, năm nay tuyết đổ thưa thớt vài trận, không như bên Wichita Kansas bà chị của Thảo nói rằng tuyết đã ngập đầy đường. Sáng nay Thảo đi bộ ra thùng thư đầu xóm, đi ngang qua nhà John đã thấy cây Giáng Sinh thật cao ngay cửa sổ, đèn xanh đỏ tím vàng nhấp nháy, đúng lúc John mở cửa để đi ra check thư. Thảo vui vẻ: – Trời, nhà tôi quá bận rộn đủ thứ chuyện, chưa kịp dựng cây Giáng Sinh mà bên nhà anh đã có vẻ sẵn sàng mọi thứ rồi nhỉ, cây Giáng Sinh đẹp quá. John thật thà: – Chị biết rồi đấy, chúng tôi Đạo Hồi, chỉ có lễ Ramadan, đâu có thờ Chúa, cũng chẳng mừng Lễ Noel, nhưng tuần rồi chúng tôi đưa Jimmy đi shopping, cháu thích cây Giáng Sinh và Hang Đá trưng bày ở tiệm shopping, thế là cháu đòi mua về, chúng tôi cũng chiều cho cháu vui. – Ôi, dễ thương làm sao. Mà trời còn sáng mà anh đã để đèn nhấp nháy rồi, tốn điện lắm á. – Cũng vì Jimmy chị ơi! Cháu say mê ngắm cây Giáng Sinh, mà phải có đèn mới chịu. Lúc đầu chúng tôi chưa biết ý ch
Nhạc sĩ Cung Tiến