Hôm nay,  

Canada day và independent day

01/07/202200:00:00(Xem: 2302)
 
Các-Tác-Giả-Nhận-Giải-Đặc-BIệt-và-Giải-Danh-Dự-trong-ngày-Lễ-Phát-Giải-VVNM-2021
Các Tác Giả Nhận Giải Đặc BIệt và Giải Danh Dự trong ngày Lễ Phát Giải VVNM 2021
 
Tên thật: Nguyễn Thị Kim Loan, sinh năm 1966, là cô giáo tiểu học khi còn ở Việt Nam. Vượt biên và sống ở trại tỵ nạn Thailand từ 1989-1993. Định cư tại Canada từ 1994 đến nay. Tác giả nhận giải đặc biệt VVNM 2021.
 
*
 
Hai nước Canada và Mỹ có hầu hết những ngày Lễ giống nhau. Bên cạnh mùa Lễ lớn như Giáng Sinh, New Year, còn có chung nhiều ngày Lễ khác như Halloween, Mothers Day, Fathers Day, Memorial Day, Veterant (Remenberance Day)… nhưng có hai mùa Lễ khác ngày riêng biệt, đó là Thanksgiving Canada mừng vào ngày Thứ Hai tuần lễ thứ hai của Tháng Mười trong khi bên Mỹ mừng vào Thứ Năm tuần thứ tư của Tháng Mười Một, và dĩ nhiên ngày Quốc Khánh cũng không giống nhau.
 
Canada Day, còn gọi là ngày Quốc Khánh của Canada, vào ngày 1 tháng Bảy hàng năm, và Ngày Lễ Độc Lập của Mỹ là 4 tháng Bảy. Tại bàn nhậu của mấy ông Cà Na Điên gốc Việt hả hê nâng ly:
 
-          Quốc Khánh của mình là 1 tháng Bảy, còn của “tụi Mỹ” là 4 tháng Bảy, vậy nghĩa là nước Canada ra đời sớm hơn bên đó! Hahaha …
 
Có người nói kiểu khác:

-          Biết đâu Canada và Mỹ là ...anh em, là bà con ruột rà vì hai ngày Quốc Khánh liền kề nhau!
    
Bà chị tôi bên Texas thì nói vui:
 
-          July 1 hay July 4 có khác nhau là bao, nhập hai nước thành một luôn cho rồi, cho gia đình chúng mình khỏi bị cách ngăn.
     
Nghe vậy, nhiều người (trên bàn nhậu) hoặc bàn tiệc karaoke nhao nhao phản đối:
 
-  Nhập sao được mà nhập, nước nào ra nước đó chớ!
 
-  Canada là đất nước hiền hoà yên bình, còn xứ Mỹ được tự do mua súng đạn nên lâu lâu lại có kẻ buồn tình buồn đời ra ngoài …xả đạn cho bớt xì trét. Mới đây vụ xả súng ở trường tiểu học bên Texas nữa kìa! Nguy hiểm quá, có ngày bị lạc đạn như chơi, tôi chẳng ham!
 
 - Mỗi lần tui du lịch qua Châu Âu, khi nhân viên hải quan nhìn passport Canada là nở nụ cười thân ái thoải mái đón chào, còn nghe nói thấy passport Mẽo là họ …lạnh lùng, phớt tỉnh Ăng Lê!

Nhưng cũng có những người khách quan hơn:

- Dù gì thì chẳng ai có thể phủ nhận Mỹ là cường quốc được (hay bị) cả thế giới nhìn ra ngó vào, còn Canada chính sách đối ngoại hiền hoà hơn, mềm dẻo hơn, và nói chung nước nào cũng có cái hay cái dở của nó, tuỳ theo hoàn cảnh và quan điểm cá nhân của từng người thôi.
 
- Sở dĩ nước Mỹ bị …ghét vì nước Mỹ giàu, nước Mỹ giỏi, cũng giống như xã hội mình nè, hễ ai đẹp ai tài giỏi thì chắc chắn có nhiều …kẻ thù, đúng hông quý vị ?
 
- Hãy nhìn về Việt Nam thì rõ, các cán bộ tuyên truyền của “đảng” luôn miệng chê bai Mỹ, chửi bới Mỹ, khoe thành tích “chống Mỹ năm xưa”, nhưng thử hỏi có tên cán bộ nào không có con, cháu đang du học bên Mỹ, làm việc tại Mỹ, thậm chí mua nhà và nhập quốc tịch Mỹ!?
 
Lần nào đề tài này cũng được đem ra tranh luận rất sôi nổi, mỗi nguời một ý, nhưng cũng may, toàn là bạn bè người quen với nhau, nên cuối cùng cũng là màn cụng ly dzô dzô dĩ hoà vi quý, chia tay ai nấy về nhà, người nào ôm cái tức trong bụng thì …mất ngủ ráng chịu.
 
Thực ra, có một số trường hợp người Việt ở Canada không thích nước Mỹ vì hồi ở trại tỵ nạn…không được đi Mỹ, hoặc vì nhiều lý do khác nhau, rồi ở đâu quen đó, rồi tìm ra những lý do không hay của nước Mỹ để... an ủi mình. Mỗi lần rơi vào hoàn cảnh cãi vã xung quanh chuyện Mỹ và Canada, tôi thường im lặng lắng nghe, hoặc ra tay giảng hoà, vì biết nói sao khi cả gia đình tôi ở bên Mỹ, nói không khéo là bị …bầm dập á. Đó là chưa kể, họ chưa biết tôi đang tham gia cuộc thi Viết Về Nước Mỹ của Việt Báo. Nếu có kẻ “quá khích” hăm dọa vì tôi... cả gan viết về nước Mỹ trong khi đang ăn cơm Canada chắc tôi phải nạp đơn xin “tỵ nạn” bên Mỹ chớ sao! Nói đùa cho vui, dân Việt mình hiền khô, miệng nói thế này thế kia, nhưng trong lòng đâu có “mean” như vậy, đất nước nào là quê hương thứ hai của dân Việt tỵ nạn, có dân chủ tự do, tránh xa Cộng Sản Việt Nam, đều rất đẹp, đều đáng yêu, ở đâu quen đó mà thôi!
 
Nhỏ bạn thân của tôi đã từng cười chọc quê tôi, cảnh báo:

- Nhà ngươi là dân Canada mà bày đặt bon chen viết về nước Mỹ, ca tụng nước Mỹ, hổng sợ có ngày bị ...goánh sao ?
 
Tôi đáp:

- Ai biểu bên đây không có cuộc thi Viết Về Canada? Mà tui có kỷ niệm với nước Mỹ, có gia đình bên Mỹ, thì tui viết, mắc mớ gì... goánh tui!
 
Nói gì thì nói, tôi vốn là người... yếu bóng vía, nhát gan, nên trong các lần tranh cãi về chuyện Mỹ và Canada, có lần tôi phải lớn tiếng dõng dạc, kể cho mọi người nghe lịch sử Canada:
 
- Em nghe nói thưở xa xưa “đế quốc Mỹ” đã từng có ý định thôn tính Canada xinh đẹp của chúng mình đấy! Nhưng toàn quân toàn dân Canada đã quyết tâm đoàn kết, anh dũng chiến đấu đánh đuổi quân Mỹ ra khỏi biên cương, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ…
 
Nhờ câu nói này mà tôi được mọi người nhìn với ánh mắt thân mến, không bị... “kỳ thị” nữa.
 
Trở lại chuyện Canada Day, mỗi năm đến ngày này, trên Facebook lại lan truyền một clip ngắn gọn, hài hước, dễ thương để chọc phá người “láng giềng Mỹ”. Trong clip là hai căn nhà kế bên nhau, một bên là dân Mỹ, một bên là dân Canada. Đến ngày Canada Day, nhà bên Canada ra ban-công giăng hoa, treo cờ, bong bóng rộn ràng. Thấy vậy, ông Mỹ hàng xóm ghé mắt qua dòm, tò mò:

- Tụi bay làm gì dzậy?

Ông Canada vênh mặt:

- Chúng tôi ăn mừng ngày Lễ Canada Day!

Ông Mỹ nhíu mày:

- Ca-Na- Da- Day? Là cái quái gì thế?

- Cũng giống như July 4 của bên ông đó, bên này là July 1…

- Nhưng July 4 của Mỹ có nhiều lý do để ăn mừng: nước Mỹ có Eagel, có Freedom, có KFC … Còn tụi bay có gì mà ăn mừng ?

Bấy giờ ông Canada mới thong thả, nháy mắt dí dỏm đầy hãnh diện:
 
- Tụi này có nhiều lắm, kể sơ sơ… nhá hàng thôi nha: thứ nhất, tụi tao có chương trình y tế toàn dân, khi tụi tao bị gẫy chân vẫn có thể ung dung ăn snack trong khi ngồi chờ ở ER, thứ hai là Metric System, hầu như cả thế giới đều xài, trừ …tụi bay, tiếp đến là món poutine là hỗn hợp của gravy, french fries, and cheese curds, nếu thiên thần trên trời mở food trucks thì bảo đảm sẽ có món poutine độc nhất vô nhị tuyệt vời này đấy, ngoài ra tụi tao có real beer, không phải yellow water nhé, …còn nữa nhưng mà thôi ...à quên, phải kể đến môn thể thao Hockey, chúng tôi khai phá ra môn này trước tiên và hiện nay vẫn chơi giỏi nhất…
 
Ông hàng xóm Mỹ nhanh nhẩu ngắt lời:

- Nhưng American teams mới là đội chiến thắng Stanley Cup! Năm nay 2022 Canada bị loại khỏi Stanley Cup rồi đó cưng!

Ông Canada hơi ...quê, nhưng đốp ngay:

- Đúng thế: American Teams, nhưng Canadian Players! Còn cái vụ KFC tụi bay tự hào, tao nói nhỏ cho nghe nè, Colonel Sanders sống ở Canada từ năm 1965 đến 1980 đó nghen cưng!

Trong lúc ông Mỹ đang tẽn tò thì hàng xóm Canada tấn công thêm “quả” cuối cùng:

- Ồ, cũng có thứ bên Mỹ có mà tụi tao hổng có …

Ông Mỹ mừng rỡ:

- Phải thế chớ! Cái gì nào?

- Đó là đồng tiền cắc pennies! Tụi tao đã bỏ cái đám lộn xộn leng keng làm nặng bóp đó từ lâu rồi!

Ông Mỹ lúc này hết dám …cãi, liền tươi cười, giơ ngón tay cái lên, vui vẻ:

-          Yah yah! Chúc mừng Canada Day nha!

Ông Canada cũng tỏ tình thân mến:
 
-          Còn ba ngày nữa là July 4, tui cũng chúc mừng Independent Day tới ông và nước Mỹ luôn nha!
 
Dĩ nhiên, ai cũng biết đó là clip chứng tỏ máu hài hước của dân Canada. Có lẽ vì là hàng xóm thân quen, sát vách nhau, dân hai bên biên giới qua lại như một nhà vì cùng chung ngôn ngữ và chung nền văn hoá Bắc Mỹ, nên người Canada và Mỹ khoái... chọc quê vui vẻ lẫn nhau .
 
Nhớ hồi bầu cử Tổng Thống mấy năm trước đây, khi bác Trump trong chiến dịch quảng cáo có những chiếc nón màu đỏ in slogan: “Make America Great Again” thì bên Canada cũng cho ra đời những chiếc mũ màu đỏ nhân ngày Canada Day với hàng chữ: “Canada is already Great!” (hèn chi trong nhiệm kỳ bốn năm Tổng Thống Trump hổng thèm qua thăm Canada). Sau đó, trong giai đoạn tranh cử nhiệm kỳ hai của Trump, um xùm chuyện bỏ phiếu gian lận giữa hai phe Dân Chủ và Cộng Hoà, chuyện BLM ồn ào, dân Canada lại vui vẻ kể nhau nghe câu chuyện: Cũng hai ông hàng xóm liền kề Mỹ và Canada trong câu chuyện trên, lần này ông Mỹ được dịp móc lò dân Canada:
 
- Ê Canada!!! Đất nước tụi bay sống êm ả, “boring” quá hen, chẳng có “điểm nhấn” gì ráo trọi, vậy tụi bay làm gì để giải trí ?
 
Ông Canada bốp chát không cần suy nghĩ:
 
- Tụi tao xem kịch…bầu cử và kịch…BLM của tụi bay!
 
Nói gì thì nói, Mỹ và Canada vẫn là hàng xóm với nhau rất hoà bình. Chiến tranh thuở ban sơ mới lập quốc chỉ là chuyện xưa lắc xưa lơ, đã đi vào quên lãng. Hai nước dính liền nhau, gần gũi vô cùng, tuy chính sách ngoại giao, kinh tế, chính trị, xã hội …có thể khác biệt, có chút mâu thuẫn cũng là chuyện thường tình. Ngoại trừ một vài trường hợp cá biệt, tôi lạc quan mà nói rằng, đa số dân “Cà Na” gốc Việt hay gốc da trắng đều yêu mến nước Mỹ, cũng gần như yêu mến bài Quốc Ca “O Canada” và xứ Lá Phong dấu yêu. Các anh chị tôi bên Mỹ rất yêu bài Quốc Ca Mỹ “The Star-Spangled Banner” và cũng mến xứ sở Lá Phong Canada. Riêng ông xã tôi còn thuộc luôn cả điệu nhạc và lời Quốc Ca Mỹ, vì anh ấy mê thể thao, mà giải nào cũng có ...đội Mỹ thắng, nhất là Olympic, đội Mỹ thắng ào ào như vũ bão, nên có phần trao giải, vinh danh lá cờ và nhạc Quốc Ca hung dũng vang lên, nghe riết rồi ...thuộc luôn hồi nào hổng hay. Bởi vậy bà chị tôi cũng ...có lý, khi từng mơ ước nhập cả hai nước với nhau cho... tiện bề sổ sách!
 
Mà suy cho cùng, Canada Day, Independent Day, 1 tháng Bảy và 4 Tháng Bảy có cách xa là bao?!
 
Edmonton, Canada Tháng 7/2022

Ý kiến bạn đọc
07/07/202202:16:49
Khách
Hoan nghênh dự luật về sở hữu súng đạn của thủ tướng Justin Trudeau:

30/5/22: Thủ tướng Canada Justin Trudeau đưa ra dự luật cấm mua, bán , nhập cảng súng đạn. Cần rà xét lý lịch của người muốn mua súng. Chính phủ sẽ bỏ tiền ra mua lại súng của tư nhân. Bạo hành gia đình hoặc dùng súng để quấy nhiễu người khác là sẽ bị tước quyền sở hữu súng.
Ông Trudeau nói" Khác hơn là xử dụng súng để đi săn hay giải trí, không có lý do gì cần thiết phải có súng trong cuộc sống hàng ngày ở Canada".
Ông bộ trưởng Bill Blair phát biểu " Sở hữu súng là một đặc quyền chớ không phải là một quyền đương nhiên ".

Có nhiều hy vọng rằng Quốc Hội sẽ chấp thuận dự luật này.
07/07/202202:12:48
Khách
1/9/18- Bà Meghan McCain- con gái của thượng nghị sĩ Cộng Hòa John McCain- phát biểu " Nước Mỹ của John McCain không có nhu cầu cần tái vĩ đại vì nước Mỹ luôn luôn vĩ đại " "The America of John McCain has no need to be great again because America was always great.”
02/07/202223:52:49
Khách
Hay quá bà Tám Edmonton.
02/07/202222:41:26
Khách
Hay , tìm hiểu và biết được nhiều điều về 2 nước
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 495,978
Buổi sáng vào sở hắn được người Giám đốc cho biết hôm nay hắn sẽ đem giao xe ở Uvalde City Dealership, lấy một chiếc khác ở đó mang đi giao ở San Antonio, xong sẽ có một chiếc cho hắn mang về. Nhưng khi đến Uvalde thì được chủ gọi về ngay. Hắn bồn chồn hỏi lý do nhưng người chủ hãng chỉ nói, “Mầy lấy chiếc xe dự định đem đi San Antonio mang về đây để ngày mai sẽ giao. Mầy lái xe về cẩn thận, dù không có gì nghiêm trọng lắm nhưng mầy cần phải về ngay.”Trên đường về, đầu óc hắn suy nghĩ lung tung. Không biết chuyện gì xảy ra mà bị gọi về ngay như vậy! Hai chú em có vấn đề gì không. Trong đầu hắn tư tưởng lộn xộn
Tác giả qua Mỹ trong một gia đình H.O. từ tháng Sáu năm 1994, vừa làm vừa học và tốt nghiệp kỹ sư điện tử. Là cư dân Garden Grove, California, lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018, ông đã nhận giải đặc biệt về Huế Tết Mậu Thân với bài viết về một gia đình bên cầu Bạch Hổ Huế, có người cha toàn thân bị cộng sản chôn sống. Bài viết này của ông không phải chuyện buồn, mà là... buồn cười. Viết Về Nước Mỹ mời đọc bài viết mới có duyên, hóm hỉnh của tác giả Phước An Thy.
Jen đưa tay lên vuốt nhẹ chiếc áo dài trước khi trao nó lại cho Annie, đứa con gái riêng của nàng. Chiếc áo màu đỏ được dệt bằng vải gấm được điểm tô vài cánh lá trúc màu vàng kim lấp lánh. Chiếc áo mà nàng nhờ người bạn mua giùm khi nàng còn ở trường đại học. Nàng dự định mặc chiếc áo này trong ngày cưới với Don. Nàng quen Don khi cả hai còn học chung trường Virginia Commonwealth University. Don học về kỹ sư điện tử, còn nàng học về hóa sinh. Don đang hoàn tất chương trình kỹ sư và đang thực tập ở một công ty gần nhà. Còn nàng chỉ mới vào năm thứ hai. Don là người gốc Mỹ gốc Việt. Tên tiếng Việt của anh là Trần Nguyên Đức.
Trong cuộc đời, tôi có hai lần lo âu quá sức. Lần thứ nhất là gặp cơn giông tố sau khi bị cướp biển rồi phá hư máy khi vượt biên 42 năm trước và lần này qua cơn bão IAN. Thử tưởng tượng ban đêm trong nhà tối om, ngoài trời mưa gió vần vũ, những cơn gió hú vang bên ngoài cộng với sấm chớp đì đùng, mà mình bị cắt mọi thông tin với bên ngoài thì không lo âu sao được.
Vào những năm cuối của thập niên 1990 đầu những năm 2000, tôi thường có dịp đi công tác qua Nhật hay Hong Kong để đặt hàng và duyệt hàng trước khi nhập về hãng. Trong số hơn 300 hành khách cùng có mặt với tôi trên những chiếc Boeing 747, chiếc máy bay thông dụng cho các chuyến bay đường dài thời đó, tôi luôn gặp các đồng hương Việt Nam. Họ đều đáp cùng chuyến bay với tôi từ Mỹ về đến Tokyo hay Hong Kong để từ đó bay về Việt Nam. Nói chung tôi biết họ là người Việt do các câu chuyện họ đối thoại rôm rả cùng nhau trong lúc chờ đợi. Ngược lại có lẽ ít ai trong số họ có thể biết được tôi là người Việt Nam vì tôi thường đi cùng với các đồng nghiệp Mỹ hay Nhật
Ngọc Hạnh - Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam. Bà tên thật Nguyễn thị Ngọc Hạnh, trước 1975 đã là giáo sư trung học đệ nhị cấp tại Saigon. Cùng gia đình tới Mỹ từ 1979., hiện hưu trí tại miền Đông và vẫn tiếp tục viết. Sau đây là bài bà mới viết về chuyến đi chơi Virginia Beach.
Hồi mới đến Mỹ, nghe nhiều người Việt đi làm nghề may, tôi tưởng bở nghĩ mình từng tốt nghiệp từ nhà may nổi tiếng Thiết Lập Sàigon, từng mở lớp dạy cắt may Âu Việt Phục Nam Nữ, mỗi khoá cũng trên vài chục học viên; từng sử dụng các loại máy may, máy vắt sổ thêu ren các thứ, chắc sẽ kiếm được khá tiền, nên xăng xái đến shop may xin việc. Bà chủ shop người Tàu Việt thấy dân mới qua ngơ ngáo nên ăn hiếp, bắt tôi mượn tiền mua chở tới hai cái máy may công nghiệp xịn hiệu JUKI của Nhật, một cái để may, cái kia 5 kim để vắt sổ và các loại zíc zắc
Hắn yên lặng bước đi cùng ông ta, tự hỏi “Phòng dưới cầu tầu…chẳng lẽ ông ta là homeless?” Quả nhiên, khi xuống, ông ta chỉ một cái vòm lõm vào chân cầu “Vâng đây là phòng của tôi từ cả năm nay rồi, mời ông.” Cái vòm cao, rộng, đủ cho một người nằm; chắc chắn không sợ nắng mưa. Ông ta chỉ bậc đá nói :”Mời ông ngồi, tôi pha tách cà phê sáng, rồi xin phép ông cho tôi nói chuyện.”
Đã bao người làm công việc đưa học trò qua đường giờ tan học ở ngã tư trường học này? Chắc chắn có những người đã ra thiên cổ, những người đang sống những ngày cuối đời trong các viện dưỡng lão, những người bị covid-19 cướp đi sinh mạng khi còn muốn làm công việc của người lớn tuổi để trả ơn những người lớn tuổi khi họ còn là một cậu nhóc, cô bé với ngôi trường tiểu học của họ ở đâu đó trên nước Mỹ bao la. Nên không có gì để bi lụy vì người ta thì già đi và qua đời là lẽ tự nhiên, cái còn lại đáng qúy là văn hoá Mỹ, cái văn hoá sau khi về hưu thì đi làm công việc đưa trẻ nhỏ qua đường sau mỗi buổi học theo định nghĩa về văn hoá đơn giản nhất: “Cái gì lập đi lập lại thành thói quen, thói quen lập đi lập lại thành phong tục, phong tục lập đi lập lại thành văn hoá”.
Mặc dầu không phải là nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, tôi cũng thực hiện được nhiều bức ảnh đẹp. Nước Mỹ rộng bao la nên không thiếu những cảnh đẹp, do bàn tay con người dựng lên cũng có, do tạo hóa sáng tạo cũng có: Mùa Xuân với hoa anh đào trên dòng sông Potomac ở Washington DC, mùa Hè ở Grand Canyon, Arizona, mùa Thu ở San Juans, mùa Đông thì có rừng thông, núi tuyết ở Yellow Stone, tiểu bang Wyoming … Tôi lại nghĩ, sẽ đẹp biết bao nếu những bức ảnh của tôi có mang ý nghĩa nhân bản một cách tự nhiên, không dàn dựng, không hư cấu, không cần photoshop can thiệp.Tôi cho đó là những bức ảnh có hồn, khác với những bức ảnh đẹp về nghệ thuật mà vô tri, vô giác! Trong suốt thời gian sống ở Mỹ, tôi vẫn để tâm theo đuổi mục tiêu đó.
Nhạc sĩ Cung Tiến