Hôm nay,  

Mẹ Ruột, Má Chồng, Má Chồng Hụt.

05/07/202210:18:00(Xem: 2879)


nguyet-mi-vvnm
Tác Giả Nguyệt Mị nhận Giải Danh Dự VVNM 2021 từ chủ bút Trịnh Y Thư.

Nguyệt Mị là bút hiệu lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Mười ba năm trước, sau khi kết hôn với một nhạc sĩ Mỹ, cô theo chồng về Sonoma County, vùng đất nổi tiếng với rượu vang của Napa Valley. Hiện nay, gia đình đã dọn về San Diego. Tác giả đã nhận giải đặc biệt năm 2018 và giải danh dự năm 2021. Đây là bài viết mới nhất của tác giả.

 

*

Thầy bói: - Nhỏ Mị này sắp lấy chồng nha Tám.

Tám: - Hả? Có thì nói nha. Nó lấy chồng Tám cúng con bò.

Trời đất ơi, mẹ người ta có con gái lớn thì lo chưng dọn cho con mình đẹp đẽ duyên dáng, tâm sự tỉ tê hỏi con mình coi có người yêu chưa, dẫn về ra mắt mẹ coi nó có đàng hoàng không, có mặt mũi sáng láng bảnh tỏn không hay mắt la mày lét, nhìn mặt thấy cái chữ gian to đùng. Hay xem nó có biết cư xử trên dưới lễ phép không, có biết trước biết sau không, nói có chủ ngữ, biết chào hỏi lễ phép, đi đứng có trang nghiêm thẳng thớm không khúm núm hèn mọn không? Xem liệu đàn ông con trai ăn nói có rõ ràng mạch lạc, chừng mực không? Hay gặp phải thằng ất ơ, bất tài vô dụng, chuyện nhỏ làm không rồi mà mở miệng toàn ăn đàng sóng nói đàng gió . Đàng này… hai-za.

Ta nói, con người ta nghĩ cũng ngộ. Hiện thực trước mắt nếu không như ý, hài lòng thì phải xem mình đã nỗ lực hết mình chưa? Phải cân nhắc hoàn cảnh cụ thể của mình, năng lực mình làm được những gì, mục tiêu cụ thể ra sao, mình có thể làm gì để thay đổi hoàn cảnh sống của mình được tốt hơn. Đàng này lại… đi coi bói. Bộ không nghe câu «bói ra ma quét nhà ra rác»? Mà cũng chẳng biết có phải khi người ta trong hoàn cảnh tuyệt vọng, không nghĩ ra được gì thì người ta chỉ còn cách cầu viện tới tâm linh, mong được nghe một viễn cảnh tốt đẹp để có chút hy vọng mà tiếp tục sống.

Chắc hẳn lúc đó Tám tuyệt vọng với Mị lắm nên đành phải coi bói xem có triển vọng nào hay không chứ thiệt tình hoàn cảnh cũng hơi bi đát. Ai đời mẹ thì làm thợ may, con gái cầm cây kim một hồi thì nó cong queo như lưỡi câu, ráp quần đá banh xong thì nó thành cái cũng. Chị hai nó biểu rây bột thì nó rây đường. Dạy bắt bông kem thì nó bắt bông hồng thành bắp cải. Đi học bận áo dài, thì nó chạy chiếc xe đạp không có líp che dây sên, cột hai ống quần bằng cọng thun xong là phóng lên chạy ào ào, có bữa còn mượn luôn xe cuộc hay còn gọi là xe sườn ngang của cậu họ nó mà chạy vèo vèo. Tám rầu ghê lắm.

Dzậy chớ từ nhỏ ở xóm nhà lá, trong khi Tám phải đi gánh nước mướn, chẻ củi, may đồ mướn, nuôi heo, nuôi gà vịt, trồng cây… tóm lại là làm gì cũng ráng cực khổ mà làm để nuôi ba con quỷ con thì giờ đâu mà quản nổi. Quậy tàn canh gió lạnh. Hàng xóm đi vô ụ pháo đào bãi rác Mậu Thân, ba đứa cũng cắp bịt ny lon đi theo. Tám lôi về sắp lớp 3 đứa trên tấm phản gõ mun đen bóng, dầy cả tấc, của ông bà ngoại đem qua để cả bốn mẹ con vừa ăn vừa ngủ trên ba tấm phản ghép lại đặt trên hai cái chân ngựa đó, Tám xách «thiết bảng» là cây thước cây may đồ ra quất nhát nào nhát nấy đau quắn đít. Tám nói, trong đó đạn pháo còn sót lại nổ bị thương hoài, lỡ có chuyện gì sao Tám sống nổi. Vậy chứ đâu có chừa. Hết đi lượm bịt ny lon, tới đi câu cá trộm, lội ruộng bắt cua theo con nít hàng xóm. Cứ người ta sao thì mình vậy. Hồi nhỏ thấy vui nổ trời, chớ tới tầm tuổi này mà «ai sao mình vậy, ai làm bậy mình làm theo» là chết chắc.

Thật ra Tám nói, chỉ cần nguyên tắc làm người cơ bản là bắt buộc thì các tiểu tiết còn lại có phiên phiến đi một tí cũng được.

Quần áo, không quan trọng đồ hiệu sang trọng mắc tiền, chỉ cần chỉnh chu ngay ngắn, tươm tất, phù hợp với nơi mình đến là được. Ăn bận tươm tất là tôn trọng mình tôn trọng người. Quần áo đầu tóc cũng phản ánh văn hóa, hiểu biết của một người. Đi chùa mà áo hai dây, mỏng lét, quần xà lỏn, hay diêm dúa lòe loẹt quá thì không coi được chút nào. Đi tắm biển, lội cát mà mang giày cao gót, bận áo đầm, đeo bóp da thì nhìn không ra con giáp nào. Hay thấy người khó khăn cần giúp thì nên giúp, đừng chê bai bỉ bôi. Mình không biết rõ họ đã trải qua cái gì, đừng phán xét. (Hậu quả có lần cả nhà ăn cơm nước tương vì còn có 50 ngàn bạc, Tám lận tay cho luôn người bà con có tiền xe về quê.) Quan trọng nhất, làm người phải có lòng biết ơn. Không ai phải có trách nhiệm giúp đỡ mình, quan tâm mình. Cho nên, dù người làm ơn cho mình thường đã giỏi hơn mình, tốt hơn mình và thường không cần mình đền đáp thì cũng không vì thế mà bỏ qua. Lòng biết ơn không đòi hỏi phải quà cáp lại quả, chỉ cần đôi câu thăm hỏi thỉnh thoảng, chỉ cần mình sống có ích, chỉ cần mình đừng có ỳ ra đó bắt người ta lo cho mình, chỉ cần mình nỗ lực đứng vững trên đôi chân của mình để còn tương trợ cho người khác. Để dây tử tế vẫn nối dài trong cuộc đời. Và nhất là đừng có trở mặt coi người ta không ra gì. Nên nhớ, người giúp mình, là phước của mình, có phước không giữ, phước bất trùng lai.

Nói chung cũng đại khái thế thôi. Thực ra giờ Mị ghi lại thành lời, chứ Tám chẳng dài dòng văn tự như vậy. Tám chỉ làm việc cần làm, không so đo, không tính toán. Chỉ có Mị là đứa hay ghi hay chép, hay để ý chuyện nọ chuyện kia nên mới thành nhiều chuyện hị hị. Trở lại vụ thầy bói nói. Chả là Mị ngoài cái vụ hiên ngang can đảm không sợ cua, chỉ sợ sâu, không sợ lội sình, chỉ sợ độ cao thì Mị còn không sợ ai hị hị. Hồi đó, mỗi lần nhà có đám giỗ là Mị rất bực bội. Các bà, các dì, mẹ của Mị và Mị đều phải ở dưới bếp, xào xào nấu nấu, gói bánh, làm bì, băm ớt, lặt rau; bà ngoại thì đi ra đi vào nhắc nhở phải xếp sao cho tròn dĩa, cơm bới không được quá đầy, không được quá lưng, thịt xắt miếng phải vừa ăn, rau rửa phải nhẹ nhàng kẻo giập, vân vân mây mây thì các cậu, các dượng ngồi đàng trước uống cà phê, tán gẫu. Cái chén không sắp, đôi đũa không bày. Đã vậy, dọn lên mâm thì món ngon nhất dọn lên, các ông được mời vô ăn trên ngồi trước, các bà thì ăn dưới bếp các phần còn lại. Có lần vừa đi học về, Mị mời hai ba lượt các ông vẫn dềnh dàng khề khà không vô ăn cơm, nguyên bàn dọn sẵn. Mị sẵn vừa đói vừa nóng người bèn ngồi vào bàn, ăn đủ các đĩa, không chừa dĩa nào, mỗi dĩa một hai đũa. Hừ hừ, đã nấu sẵn cho ăn còn không nhanh chóng rốp rẻng để người ta còn dọn dẹp.



Mị thấy cực kỳ bất công. Tư tưởng trọng nam khinh nữ ăn sâu trong gốc rễ. Nhà khó khăn thì con gái phải nghỉ học, nhường suất đi học cho con trai. Chồng đi làm, vợ đi làm thì về nhà một tay vợ gánh vác việc nhà, chăm con. Chồng phải nghỉ mệt. Nếu trong trường hợp một người phải lui về sau để chăm lo nhà cửa thì hầu hết là vợ… Bởi vậy từ nhỏ, Mị đã bảo Tám, không lấy chồng. Lấy chồng thì thể nào Tám cũng bị mắng vốn. Tám nghe xong cũng rầu lắm. Thời may, một ngày đẹp trời, Mị nghe dụ khị, đi Mỹ vui lắm, thế là tuyên bố lấy chồng. Chu choa, cả nhà hớn hở như đi trẩy hội. Mừng quá mà.

Sau khi Mị qua Mỹ, Mị lại có may mắn ở cạnh nhà má chồng. Theo văn hóa người Mỹ, con dâu, con rể không kêu cha mẹ chồng bằng cha mẹ mà kêu bằng tên. Mị không tiêu hóa nổi khoản này nên Mị tuyên bố, con cứ kêu bằng Má (Mother), Má chịu không? Chèng ơi, Má chồng già gần bằng bà ngoại, mắt hấp háy vui vẻ chấp nhận ngay. Má chồng Mị vốn là con chiên ngoan đạo. Cứ mỗi sáng Chủ Nhật mà má chưa thấy gia đình Mị thức dậy đi nhà thờ là Má sẵn cây baton là gõ thẳng vô cửa sổ kiếng, quát còn to hơn Mị quát chồng, bảo tới giờ đi nhà thờ.

Má cũng đặc biệt độc lập và chủ động trong đời sống. Dù đã hơn 80 và đi lại khó khăn, phải dùng tới “walker” là loại khung chống có 4 bánh xe dành cho người chân yếu thì má vẫn chủ động mọi nấu nướng, chợ búa sinh hoạt của bản thân, xe hơi vẫn chạy vèo vèo. Ngay cả khi con cái đề nghị giúp đỡ Má cũng từ chối. Làm gì có chuyện mẹ chồng vẫn khỏe như vâm mà hành con dâu từ ly nước tới cây tăm xỉa răng, như thể người bị mất năng lực vận động. Má nói chuyện với Mị cũng rất tôn trọng. Sẵn sàng tranh luận hợp lý, ai đuối lý phải chịu thua, không hề có chuyện «cả vú lấp miệng em». Má thường dụ khị Mị rửa tội để vô đạo Thiên Chúa. Bởi dù Mị tin Chúa, thường cầu nguyện mỗi đêm, tin Đức Mẹ Maria thì Mị vẫn là đứa con ngoại đạo.

Má: - Rửa tội đi con, rồi sau này còn lên Thiên Đàng với Má và cả nhà. 

Mị:  - Má chắc má lên Thiên Đàng không?

Má: - Chắc không quá con.

Haha, hai má con phá ra cười. Mị nhớ ánh mắt lấp lánh nheo nheo tinh quái của má lúc đó. Má thường từ chối mỗi khi Mị hỏi má thích ăn thử món con mới nấu hôn. Nhưng ngay sau đó lại hỏi một cách mong đợi «mà hôm nay con nấu gì vậy ?». Mị biết tỏng thế nào má cũng rất thích các món Mị nấu, nên Mị cũng phải giả vờ năn nỉ Má thử một tí đi, không thích con đem về. Người già thích được quan tâm chăm sóc một cách ân cần, tinh tế. Đừng để Mẹ mình nói chuyện với mình mà phải lựa lời, cân nhắc đắn đo. Không có gì đáng buồn bằng Mẹ phải e dè khi nói chuyện với chính con cái mình. Nhiều người hay quên, cứ nghĩ Mẹ của mình mà có phải người ngoài đâu mà cần khách sáo. Nên đôi khi nói chuyện với Mẹ mà cáu kỉnh, khó chịu. Lúc lại viện đủ thứ lí do để không đến thăm mẹ, không phải ngồi nghe Mẹ nói những chuyện ngày xưa mà họ cho là lẩm cẩm. Thực ra, Mẹ chỉ muốn được có thời gian bên con mình. Họ quên người nhà, nhất là Mẹ lại càng xứng đáng được đối xử ân cần, tử tế nhất chớ có đâu ra đường thì ngọt ngào, lịch lãm, về nhà dùi đục chấm mắm nêm. Mị lại đặc biết thích nói chuyện với người cao tuổi, nghe các ông bà kể chuyện ngày xưa, có bao điều để học. Có bao nhiêu tình cảm, ân cần trong đó. Ân cần quan tâm tới người khác, mình cũng có thể cảm nhận được niềm vui và sự ấm áp.

Mị chỉ mong mình hội nhập vào đời sống tại Mỹ, có thể đuổi kịp các tiến bộ kinh tế xã hội tại đây để đời sống mình được ổn định. Đồng thời Mị biết bản thân mình là người Việt. Dù có ở Mỹ bao lâu thì Mị vẫn là người Việt. Nên Mị cảm thấy thoải mái hạnh phúc hơn khi có thể dung hòa được nền nếp bản sắc Việt của mình với đời sống văn hóa tại nước Mỹ, nơi Mị sinh sống, làm việc, cống hiến cho cuộc đời. «Má chồng hụt» của Mị - Chị Phương Hoa là một điển hình người Mẹ Việt hòa nhập vào đời sống tại Mỹ. Chị Phương Hoa vốn là đồng nghiệp thông dịch viên của Mị, và là người thông dịch viên nhiều kiến thức và kinh nghiệm. Chị rất năng động trong công việc lẫn đời sống. Tinh thần lại khá phóng khoáng thoải mái, năng nổ nhiệt tình, làm ra làm, chơi ra chơi theo kiểu Mỹ đồng thời vẫn giữ những truyền thống tình cảm của người Việt. Có rất nhiều thứ trong công việc và đời sống, Mị luôn hỏi xin ý kiến của Chị và luôn được nhiệt tình giúp đỡ chỉ dẫn. Ngay cả việc Mị gửi bài tham gia Việt Báo cũng là nhờ Chị khuyến khích. Chị cũng là một tác giả từng được giải thưởng của Việt Báo nên chị nói Mị nên mạnh dạn gửi bài viết của mình. Vốn nhỏ hơn nhiều tuổi nên Mị cứ thường trêu chị nhớ dặn anh con trai đẹp trai tài năng của chị đừng cưới vợ, chờ em.góa chồng hị hị. Bởi vậy Chị mới thành « Má chồng hụt » của Mị.

Thành công trong cuộc đời, không phải là có bao nhiêu con số trong ngân hàng, bao nhiêu vàng trong két sắt mà là cảm nhận được tình yêu thương và hài lòng với đời sống của mình, đặc biệt là có thể sống hữu ích và mang lại được niềm vui cho người khác. Chỉ mong, những người con đang còn Mẹ đừng đợi đến Ngày của Mẹ mới thể hiện tình yêu thương và lòng biết ơn của mình đối với Mẹ. Ngày nào có thể gọi tiếng «Mẹ», đó đều là Ngày của Mẹ.


Nguyệt Mị
Temecula 06/03/2022

Ý kiến bạn đọc
17/07/202222:43:27
Khách
Dạ em cảm ơn ạ!
06/07/202215:03:14
Khách
Bài viết hay lắm. Cám ơn tác giả.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 495,447
Buổi sáng vào sở hắn được người Giám đốc cho biết hôm nay hắn sẽ đem giao xe ở Uvalde City Dealership, lấy một chiếc khác ở đó mang đi giao ở San Antonio, xong sẽ có một chiếc cho hắn mang về. Nhưng khi đến Uvalde thì được chủ gọi về ngay. Hắn bồn chồn hỏi lý do nhưng người chủ hãng chỉ nói, “Mầy lấy chiếc xe dự định đem đi San Antonio mang về đây để ngày mai sẽ giao. Mầy lái xe về cẩn thận, dù không có gì nghiêm trọng lắm nhưng mầy cần phải về ngay.”Trên đường về, đầu óc hắn suy nghĩ lung tung. Không biết chuyện gì xảy ra mà bị gọi về ngay như vậy! Hai chú em có vấn đề gì không. Trong đầu hắn tư tưởng lộn xộn
Tác giả qua Mỹ trong một gia đình H.O. từ tháng Sáu năm 1994, vừa làm vừa học và tốt nghiệp kỹ sư điện tử. Là cư dân Garden Grove, California, lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018, ông đã nhận giải đặc biệt về Huế Tết Mậu Thân với bài viết về một gia đình bên cầu Bạch Hổ Huế, có người cha toàn thân bị cộng sản chôn sống. Bài viết này của ông không phải chuyện buồn, mà là... buồn cười. Viết Về Nước Mỹ mời đọc bài viết mới có duyên, hóm hỉnh của tác giả Phước An Thy.
Jen đưa tay lên vuốt nhẹ chiếc áo dài trước khi trao nó lại cho Annie, đứa con gái riêng của nàng. Chiếc áo màu đỏ được dệt bằng vải gấm được điểm tô vài cánh lá trúc màu vàng kim lấp lánh. Chiếc áo mà nàng nhờ người bạn mua giùm khi nàng còn ở trường đại học. Nàng dự định mặc chiếc áo này trong ngày cưới với Don. Nàng quen Don khi cả hai còn học chung trường Virginia Commonwealth University. Don học về kỹ sư điện tử, còn nàng học về hóa sinh. Don đang hoàn tất chương trình kỹ sư và đang thực tập ở một công ty gần nhà. Còn nàng chỉ mới vào năm thứ hai. Don là người gốc Mỹ gốc Việt. Tên tiếng Việt của anh là Trần Nguyên Đức.
Trong cuộc đời, tôi có hai lần lo âu quá sức. Lần thứ nhất là gặp cơn giông tố sau khi bị cướp biển rồi phá hư máy khi vượt biên 42 năm trước và lần này qua cơn bão IAN. Thử tưởng tượng ban đêm trong nhà tối om, ngoài trời mưa gió vần vũ, những cơn gió hú vang bên ngoài cộng với sấm chớp đì đùng, mà mình bị cắt mọi thông tin với bên ngoài thì không lo âu sao được.
Vào những năm cuối của thập niên 1990 đầu những năm 2000, tôi thường có dịp đi công tác qua Nhật hay Hong Kong để đặt hàng và duyệt hàng trước khi nhập về hãng. Trong số hơn 300 hành khách cùng có mặt với tôi trên những chiếc Boeing 747, chiếc máy bay thông dụng cho các chuyến bay đường dài thời đó, tôi luôn gặp các đồng hương Việt Nam. Họ đều đáp cùng chuyến bay với tôi từ Mỹ về đến Tokyo hay Hong Kong để từ đó bay về Việt Nam. Nói chung tôi biết họ là người Việt do các câu chuyện họ đối thoại rôm rả cùng nhau trong lúc chờ đợi. Ngược lại có lẽ ít ai trong số họ có thể biết được tôi là người Việt Nam vì tôi thường đi cùng với các đồng nghiệp Mỹ hay Nhật
Ngọc Hạnh - Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam. Bà tên thật Nguyễn thị Ngọc Hạnh, trước 1975 đã là giáo sư trung học đệ nhị cấp tại Saigon. Cùng gia đình tới Mỹ từ 1979., hiện hưu trí tại miền Đông và vẫn tiếp tục viết. Sau đây là bài bà mới viết về chuyến đi chơi Virginia Beach.
Hồi mới đến Mỹ, nghe nhiều người Việt đi làm nghề may, tôi tưởng bở nghĩ mình từng tốt nghiệp từ nhà may nổi tiếng Thiết Lập Sàigon, từng mở lớp dạy cắt may Âu Việt Phục Nam Nữ, mỗi khoá cũng trên vài chục học viên; từng sử dụng các loại máy may, máy vắt sổ thêu ren các thứ, chắc sẽ kiếm được khá tiền, nên xăng xái đến shop may xin việc. Bà chủ shop người Tàu Việt thấy dân mới qua ngơ ngáo nên ăn hiếp, bắt tôi mượn tiền mua chở tới hai cái máy may công nghiệp xịn hiệu JUKI của Nhật, một cái để may, cái kia 5 kim để vắt sổ và các loại zíc zắc
Hắn yên lặng bước đi cùng ông ta, tự hỏi “Phòng dưới cầu tầu…chẳng lẽ ông ta là homeless?” Quả nhiên, khi xuống, ông ta chỉ một cái vòm lõm vào chân cầu “Vâng đây là phòng của tôi từ cả năm nay rồi, mời ông.” Cái vòm cao, rộng, đủ cho một người nằm; chắc chắn không sợ nắng mưa. Ông ta chỉ bậc đá nói :”Mời ông ngồi, tôi pha tách cà phê sáng, rồi xin phép ông cho tôi nói chuyện.”
Đã bao người làm công việc đưa học trò qua đường giờ tan học ở ngã tư trường học này? Chắc chắn có những người đã ra thiên cổ, những người đang sống những ngày cuối đời trong các viện dưỡng lão, những người bị covid-19 cướp đi sinh mạng khi còn muốn làm công việc của người lớn tuổi để trả ơn những người lớn tuổi khi họ còn là một cậu nhóc, cô bé với ngôi trường tiểu học của họ ở đâu đó trên nước Mỹ bao la. Nên không có gì để bi lụy vì người ta thì già đi và qua đời là lẽ tự nhiên, cái còn lại đáng qúy là văn hoá Mỹ, cái văn hoá sau khi về hưu thì đi làm công việc đưa trẻ nhỏ qua đường sau mỗi buổi học theo định nghĩa về văn hoá đơn giản nhất: “Cái gì lập đi lập lại thành thói quen, thói quen lập đi lập lại thành phong tục, phong tục lập đi lập lại thành văn hoá”.
Mặc dầu không phải là nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, tôi cũng thực hiện được nhiều bức ảnh đẹp. Nước Mỹ rộng bao la nên không thiếu những cảnh đẹp, do bàn tay con người dựng lên cũng có, do tạo hóa sáng tạo cũng có: Mùa Xuân với hoa anh đào trên dòng sông Potomac ở Washington DC, mùa Hè ở Grand Canyon, Arizona, mùa Thu ở San Juans, mùa Đông thì có rừng thông, núi tuyết ở Yellow Stone, tiểu bang Wyoming … Tôi lại nghĩ, sẽ đẹp biết bao nếu những bức ảnh của tôi có mang ý nghĩa nhân bản một cách tự nhiên, không dàn dựng, không hư cấu, không cần photoshop can thiệp.Tôi cho đó là những bức ảnh có hồn, khác với những bức ảnh đẹp về nghệ thuật mà vô tri, vô giác! Trong suốt thời gian sống ở Mỹ, tôi vẫn để tâm theo đuổi mục tiêu đó.
Nhạc sĩ Cung Tiến