Hôm nay,  

Từ Di Vật Của Má

06/05/202200:00:00(Xem: 3755)
05062022 VVNM
Tập thơ chép lại những bài thơ nổi tiếng của Má (hình của tác giả VVNM Thanh Mai cung cấp)

 

Tác giả Thanh Mai là cư dân Minnesota, đã nhận giải vinh danh tác giả Viết Về Nước Mỹ 2008. Với những bài viết thuộc nhiều thể loại đề tài, cô là một tác giả rất được bạn đọc yêu mến. Đây là bài mới nhất của cô.
 
*
 
Từng trang giấy với nét chữ rất đẹp, má tôi đã nắn nót ghi lại những bài thơ hay của các thi sĩ nổi tiếng Huy Cận, Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Yên Thao, Xuân Linh, Vũ Anh Khanh, Tản Đà, Hàn Mặc Tử, TTKH, Hồ Dzếnh, Lưu Trọng Lư.. Dưới một số bài thơ má tôi đã ghi thêm vài dòng tâm sự, nỗi lòng của mình, những nỗi niềm của một thiếu nữ đang yêu, nhớ thương sầu giận đủ cả. Chắc tập thơ này đã được má giấu dưới gối như nhật ký không cho ai đọc. Má tôi đâu ngờ gần 70 năm sau bị con gái khoe lên Facebook cho thiên hạ thấy. 
 
Ai cũng có một thời thơ ấu và thanh xuân riêng của mình. Vậy mà ngày còn nhỏ tôi không bao giờ quan tâm đến tâm tư tình cảm và suy nghĩ riêng của má. Tôi cứ thấy má là của gia đình, là của chúng tôi. Tất cả suy nghĩ, việc làm của má đều dành cho chồng con, cho gia đình này. Tôi đã nhận những yêu thương, chăm sóc một chiều của má như một chuyện đương nhiên. Giờ ngồi nhớ lại hồi nhỏ chẳng bao giờ thấy má gặp lại các bạn học xưa để cười đùa rộn rã nhắc về tuổi thơ như thế hệ chúng tôi bây giờ. Chỉ lâu lâu dì Nghiêm là em ruột của má từ Sài Gòn về là 2 chị em ríu rít như chim và nói toàn tiếng lóng với nhau kiểu như mật mã nghe ngộ lắm. Má tôi và dì cứ cười nói rộn ràng còn chúng tôi thì ngơ ngác chẳng hiểu gì. Chắc thuở còn con gái mấy dì và má nói chuyện với nhau kiểu này để giữ bí mật những chuyện riêng tư, qua mặt người lớn mà hẹn hò, nghịch ngợm đây. Ghê thật! Ai bảo thế hệ xưa hiền hơn bây giờ? Chỉ là họ giấu kỹ và không có mạng Internet hay Facebook để ai cũng biết như ngày nay thôi.
 
Trong di vật này tôi không tìm thấy bài thơ nào với tên tác giả là má dù má mê thơ và thuộc thơ rất nhiều. (Không biết má có bút hiệu nào không nữa). Má tôi hay ru các con ngủ bằng thơ. Má hát chứ không phải ngâm rất nhiều bài trong tập thơ này như Hận Tha La, Màu tím hoa sim, Ngập ngừng, Nhớ rừng, Cô hàng xóm...v.v. Nhiều và nhiều lắm. Giọng má trong trẻo, dịu dàng và đến bài thứ ba là các con ngủ quay lơ. Tiếc là hồi xưa không có máy thu lại nên giọng hát thơ của má chỉ còn trong ký ức của tôi mà thôi.
 
Chữ viết của má tôi rất đẹp, từ đầu đến cuối tập thơ chỉ một kiểu chữ không thay đổi. Chữ nào ra chữ đó rất cẩn thận, đoan trang, hiền hậu và có một chút thanh thoát, bay bướm lãng mạn. Các tựa đề được viết lớn hơn với kiểu chữ hoa rất bay bướm nhưng đơn giản dễ nhìn chứ không nhiều đường nét rườm rà. Nhìn nét bút chắc má viết bằng viết máy ngòi Parker mà xưa mình gọi là ngòi viết Pa-ke. Những nét chữ thẳng đứng rất ngay ngắn và được kẻ đậm thêm một chút. Đặc biệt có 1 trang má vẽ và tô một dấu thánh giá cũng bằng viết máy mực. Nét tô rất đẹp, đường viền rất thẳng thớm không bị lem ra chút xíu nào. Mực tô đều không chỗ đậm lợt khác nhau và cũng không nhiều quá để thấm ra trang sau. Hay ghê! Tôi cũng có mua một quyển sổ để chép thơ như má nhưng khi bắt chước để tô dấu thánh giá này đã xé đến cả chục trang mà vẫn thất bại. Khó lắm! Ai không tin cứ kiếm cây bút máy hoặc bút mực mà tô thử thì biết thôi.
 
Tập thơ được má tôi ghi lại từ năm 1954 nên nay đã ố vàng bìa long giấy tróc cho thấy sự tàn phá của thời gian. Tính ra nó là cổ vật vì còn già hơn tôi nữa và quý vô cùng vì được chép bằng tay có một không hai. Cũng may là năm 1993 tôi đem theo qua Minnesota để làm kỷ niệm nên còn giữ được chứ còn 1 cặp táp có mấy quyển sổ ghi chi thu má viết tôi để ở California bị cô em gái vô tình vứt vào thùng rác tiếc ơi là tiếc! 
 
Tôi tính hỏi chỗ để nhờ người đóng lại bìa và tập thơ cho khỏi tan nát, có thể lưu giữ lâu hơn cho đến đời con hoặc cháu của mình. Nhưng tôi muốn giữ lại cái bìa, cái gáy sách và cả cái rìa cũ kỹ của những trang giấy là dấu vết sự tàn phá của thời gian nên tôi mở YouTube nghiên cứu và tự làm. Thời nay muốn học làm gì trên YouTube cũng chỉ cách mà. Tôi dán lại bìa, gáy, và từng trang giấy rách, xong may lại rồi dán tất cả vào gáy sách. Nhìn tươm tất hơn xưa và vẫn giữ được tuổi tác của “cổ vật”. Biết đâu 100 năm nữa “cổ vật” này sẽ được đem bán đấu giá bạc triệu thì sao? Ai biết được nhỉ!
 
Vấn đề quan trọng là tương lai sau khi tôi mất đi, con cháu của má tôi ai là người sẽ giữ gìn được tập thơ của má tôi đây? Nhìn đi nhìn lại, ba má tôi có 6 người con mà chỉ có tôi và cô em gái mê văn chương. Còn cháu nội và cháu ngoại của má tôi được 5 đứa đều đang sinh sống ở Mỹ. Ba đứa cháu nội trên 20 tuổi tuy nói được tiếng Việt nhưng chẳng có đứa nào đọc và viết tiếng Việt thì chẳng hy vọng chúng yêu quý tập thơ này. 
 
Còn hai đứa cháu ngoại của má là hai cậu con trai của tôi. Ngay từ ngày còn nhỏ chúng tôi đã chở chúng tới chùa học tiếng Việt nên hai đứa đều biết đọc và viết tiếng Việt. Ở nhà chúng tôi cũng “bắt” bọn nhỏ phải nói tiếng Việt chứ nghe đứa nào nói tiếng Mỹ sẽ phạt ăn pizza nên chúng sợ lắm. (Hồi nhỏ tụi nó không thích pizza mới hăm như vậy chứ giờ thì hết linh rồi).
 
Nhớ thời gian đầu khi mới qua Mỹ định cư, chúng tôi may mắn quen một anh cảnh sát người Mỹ rất mến người Việt Nam. Anh ấy khen người Việt Nam biết dạy dỗ con cái lễ phép, biết kính trọng người lớn và khuyên chúng tôi nên cố gắng giữ gìn tiếng Việt cho con cháu. Anh nói:
 
-“Đừng sợ con cái dở tiếng Mỹ mà chỉ e tụi nhỏ quên tiếng Việt”.
 
Điều này rất đúng vì chúng nó ở trường đến 8 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Bạn bè, bài vở đều dùng tiếng Mỹ. Về nhà chúng cũng xem ti vi đài Mỹ, nghe tin tức tiếng Mỹ  thì làm sao mà không thấm vào cái đầu như trang giấy trắng được. 
 
Có nhiều gia đình cha mẹ bận rộn lo đi làm suốt ngày không có thì giờ nói chuyện với con, bọn nhỏ sẽ dùng tiếng Mỹ nói chuyện với nhau và quên dần tiếng Việt. Uổng lắm! Nói và thạo nhiều ngôn ngữ rất có lợi vì dễ lấy cảm tình của người ta khi biết nói tiếng của họ; dễ kiếm việc làm hơn và nghe đứa cháu của tôi khi đi lính Mỹ có nói là ngoài tiếng Mỹ nó khai còn biết tiếng Việt nên được lãnh thêm mỗi tháng 200 đô khỏe ru nữa đó! Nhất là ngôn ngữ của cội nguồn mà không biết thì đáng trách lắm!
 
Hai đứa con trai của tôi tuy nói và viết được tiếng Việt nhưng tụi nó lại không mê văn chương mà chỉ thích âm nhạc. Cũng còn may là chúng thích nhạc Việt Nam và may hơn nữa là hai cô dâu của tôi đều là người Việt Nam ngoan hiền rất hợp với mẹ chồng.
 
Con dâu trưởng sinh ra ở Mỹ nhưng nói được tiếng Việt. Vợ chồng nó vừa nói tiếng Mỹ lẫn tiếng Việt với 2 con gái nhỏ nên tụi nhỏ đều hiểu cả hai thứ tiếng. Có điều để hai công chúa xem phim hoạt họa trên YouTube hơi nhiều nên bọn nhóc không chịu nói tiếng Việt. Ông bà nội là vợ chồng tôi phải “xung phong” giữ cháu mỗi tuần 2 ngày để khuyến khích và dụ chúng nói tiếng mình. Đứa lớn gần 5 tuổi mới được cha chở đi nhà thờ học giáo lý và học tiếng Việt. Tính nó hiền ngoan và nghe lời nên đôi khi cũng thỏ thẻ nói bằng tiếng của mình với ông bà nội. Chao ơi là dễ thương làm ông bà nội cảm động khen cháu quá chừng. Không biết sau này lớn lên chúng nó còn giữ được tiếng Việt không khi tới trường và tiếp xúc với bạn bè Mỹ nhiều hơn với gia đình? Nếu tụi nó lập gia đình với người Việt thì hy vọng còn giữ được tiếng Việt thêm một thế hệ nữa.
 
Nói đến đây chợt nhớ đến một bài viết làm tôi cảm động vô cùng ( https://m.thanhnien.vn/lang-bien-goc-viet-tren-dat-trung-quoc-post917350.amp ) nói về làng biển gốc Việt trên đất Trung Quốc. Theo lời kể thì hơn 500 năm trước tổ tiên của họ vốn là 7 dân chài khác họ đánh bắt xa bờ từ biển Đồ Sơn, Việt Nam. Họ theo luồn cá mà phiêu dạt đến Đông Hưng, Trung Quốc. Thấy vùng đất này có bờ tre, khóm trúc nên đoán rằng có nước ngọt để sinh sống nên họ quyết định lên bờ chọn vùng này để định cư. Đất lành chim đậu, về sau có thêm 5 dòng họ khác nữa cũng đến. 12 dòng họ tổ sống ở 3 hòn đảo hoang lập nên 3 làng: Vạn Vĩ, Sơn Tâm và Vu Đầu, gọi chung là Tam Đảo. Sau này, người Trung Quốc gọi bộ phận người dân gốc Việt ở đây là Kinh tộc và là 1 trong 56 dân tộc ở đất nước họ. Trải qua hơn 500 năm con cháu đời nay của họ vẫn luôn thương nhớ về cố hương, nghĩ về cội nguồn và  nói được tiếng Việt. Không thể tưởng tượng được! Nếu người Việt lưu vong khắp nơi trên thế giới đều làm được như họ thì hay biết mấy!
 
Đứa con trai thứ 2 của tôi bị yếu thị lực và tự kỷ nên ở nhà với chúng tôi nhiều hơn và có cơ hội nói tiếng Việt rất nhiều. Cháu cũng hiểu và dùng được một số ca ca dao tục ngữ, vài chữ nói lái. Nhưng chứng tự kỷ hạn chế khả năng hiểu biết và nhận thức nên bị “chậm tiêu” và những chữ không thông dụng hay nói thường ngày thì cháu không hiểu cho lắm hoặc đoán sai nghĩa. Năm 2010 lúc cháu được 18 tuổi chúng tôi dẫn cháu về Việt Nam chơi, bà con đều khen cháu còn nói được tiếng Việt. Nhưng họ cũng cười quá trời khi hỏi cháu học đến đâu rồi thì cu cậu trả lời tỉnh bơ: 
 
“Lộc đang học trung học phá thân!”
 
Chắc Lộc nghe cô chú nói về chương trình trung học phổ thông của Việt Nam nên nhớ sai một chút đây!
 
Cậu nhóc này quen toàn bạn Mỹ tôi cứ lo phải làm sui với người Mỹ biết gì mà nói chuyện. Nhưng may sao cu cậu lại cưới được cô vợ Việt Nam rất hợp tính với ba mẹ chồng từ quan niệm sống, về quan điểm chính trị, và nhất là về văn chương chữ nghĩa Việt Nam. 
 
Con dâu này lại thích “đồ cổ” như quyển thơ của má tôi nữa chứ. Nó cứ suýt soa khen nét chữ của bà ngoại chồng, và chính là người khuyên tôi nên đóng lại quyển thơ cho khỏi bị tàn phá bởi thời gian. Tôi rất hy vọng cô con dâu này sẽ giữ gìn tiếng Việt cho con cháu và trân quý tập thơ di vật của má tôi khi tôi không còn nữa!
 

Ý kiến bạn đọc
09/05/202218:31:13
Khách
Mẹ tôi được sinh ra và lớn lên trong một gia đình rất nghèo. Mẹ tôi không được đi học nên tôi chả bao giờ được xem bút tích của mẹ để tìm thấy những vui buồn ở "tuổi biết buồn" của bà! Tấm hình "già" nhất của mẹ cũng chỉ được chụp khi bà đã bước qua tuổi 50, khoảng năm 1970. Vì vậy, để tìm "nốt chân" của mẹ (không phải nốt giầy nha, bởi "ngày ba bữa vỗ bụng rau bình bịch" thì làm gì có giầy mà đi), tôi luôn cố tìm và trân trọng tất cả những gì liên quan đến thế hệ của mẹ. Cảm ơn chị Thanh Mai đã cho tôi hưởng ké kỷ niệm của chị để tôi tưởng tượng ra tâm tư của mẹ tôi trong ngày Mother's Day. Chúc chị và gia đình luôn vạn an.
06/05/202212:35:07
Khách
Tôi có 1 đứa cháu gọi bằng chú qua Mỹ lúc 5 tuổi.
Có lần nhắc tới cô bồ cũ nó nói: "Con bồ ngoái của cháu..." thì cả nhà cũng không để ý, nhưng sau này nó đề cập đến ngày tháng thì ngã ngửa hết trơn: Tháng ngoái, tuần ngoái....
Chả là nó biết chữ năm ngoái nên cứ tưởng là chữ ngoái này xài được cho cả tháng, tuần, ngày...
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 496,382
Buổi sáng vào sở hắn được người Giám đốc cho biết hôm nay hắn sẽ đem giao xe ở Uvalde City Dealership, lấy một chiếc khác ở đó mang đi giao ở San Antonio, xong sẽ có một chiếc cho hắn mang về. Nhưng khi đến Uvalde thì được chủ gọi về ngay. Hắn bồn chồn hỏi lý do nhưng người chủ hãng chỉ nói, “Mầy lấy chiếc xe dự định đem đi San Antonio mang về đây để ngày mai sẽ giao. Mầy lái xe về cẩn thận, dù không có gì nghiêm trọng lắm nhưng mầy cần phải về ngay.”Trên đường về, đầu óc hắn suy nghĩ lung tung. Không biết chuyện gì xảy ra mà bị gọi về ngay như vậy! Hai chú em có vấn đề gì không. Trong đầu hắn tư tưởng lộn xộn
Tác giả qua Mỹ trong một gia đình H.O. từ tháng Sáu năm 1994, vừa làm vừa học và tốt nghiệp kỹ sư điện tử. Là cư dân Garden Grove, California, lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018, ông đã nhận giải đặc biệt về Huế Tết Mậu Thân với bài viết về một gia đình bên cầu Bạch Hổ Huế, có người cha toàn thân bị cộng sản chôn sống. Bài viết này của ông không phải chuyện buồn, mà là... buồn cười. Viết Về Nước Mỹ mời đọc bài viết mới có duyên, hóm hỉnh của tác giả Phước An Thy.
Jen đưa tay lên vuốt nhẹ chiếc áo dài trước khi trao nó lại cho Annie, đứa con gái riêng của nàng. Chiếc áo màu đỏ được dệt bằng vải gấm được điểm tô vài cánh lá trúc màu vàng kim lấp lánh. Chiếc áo mà nàng nhờ người bạn mua giùm khi nàng còn ở trường đại học. Nàng dự định mặc chiếc áo này trong ngày cưới với Don. Nàng quen Don khi cả hai còn học chung trường Virginia Commonwealth University. Don học về kỹ sư điện tử, còn nàng học về hóa sinh. Don đang hoàn tất chương trình kỹ sư và đang thực tập ở một công ty gần nhà. Còn nàng chỉ mới vào năm thứ hai. Don là người gốc Mỹ gốc Việt. Tên tiếng Việt của anh là Trần Nguyên Đức.
Trong cuộc đời, tôi có hai lần lo âu quá sức. Lần thứ nhất là gặp cơn giông tố sau khi bị cướp biển rồi phá hư máy khi vượt biên 42 năm trước và lần này qua cơn bão IAN. Thử tưởng tượng ban đêm trong nhà tối om, ngoài trời mưa gió vần vũ, những cơn gió hú vang bên ngoài cộng với sấm chớp đì đùng, mà mình bị cắt mọi thông tin với bên ngoài thì không lo âu sao được.
Vào những năm cuối của thập niên 1990 đầu những năm 2000, tôi thường có dịp đi công tác qua Nhật hay Hong Kong để đặt hàng và duyệt hàng trước khi nhập về hãng. Trong số hơn 300 hành khách cùng có mặt với tôi trên những chiếc Boeing 747, chiếc máy bay thông dụng cho các chuyến bay đường dài thời đó, tôi luôn gặp các đồng hương Việt Nam. Họ đều đáp cùng chuyến bay với tôi từ Mỹ về đến Tokyo hay Hong Kong để từ đó bay về Việt Nam. Nói chung tôi biết họ là người Việt do các câu chuyện họ đối thoại rôm rả cùng nhau trong lúc chờ đợi. Ngược lại có lẽ ít ai trong số họ có thể biết được tôi là người Việt Nam vì tôi thường đi cùng với các đồng nghiệp Mỹ hay Nhật
Ngọc Hạnh - Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam. Bà tên thật Nguyễn thị Ngọc Hạnh, trước 1975 đã là giáo sư trung học đệ nhị cấp tại Saigon. Cùng gia đình tới Mỹ từ 1979., hiện hưu trí tại miền Đông và vẫn tiếp tục viết. Sau đây là bài bà mới viết về chuyến đi chơi Virginia Beach.
Hồi mới đến Mỹ, nghe nhiều người Việt đi làm nghề may, tôi tưởng bở nghĩ mình từng tốt nghiệp từ nhà may nổi tiếng Thiết Lập Sàigon, từng mở lớp dạy cắt may Âu Việt Phục Nam Nữ, mỗi khoá cũng trên vài chục học viên; từng sử dụng các loại máy may, máy vắt sổ thêu ren các thứ, chắc sẽ kiếm được khá tiền, nên xăng xái đến shop may xin việc. Bà chủ shop người Tàu Việt thấy dân mới qua ngơ ngáo nên ăn hiếp, bắt tôi mượn tiền mua chở tới hai cái máy may công nghiệp xịn hiệu JUKI của Nhật, một cái để may, cái kia 5 kim để vắt sổ và các loại zíc zắc
Hắn yên lặng bước đi cùng ông ta, tự hỏi “Phòng dưới cầu tầu…chẳng lẽ ông ta là homeless?” Quả nhiên, khi xuống, ông ta chỉ một cái vòm lõm vào chân cầu “Vâng đây là phòng của tôi từ cả năm nay rồi, mời ông.” Cái vòm cao, rộng, đủ cho một người nằm; chắc chắn không sợ nắng mưa. Ông ta chỉ bậc đá nói :”Mời ông ngồi, tôi pha tách cà phê sáng, rồi xin phép ông cho tôi nói chuyện.”
Đã bao người làm công việc đưa học trò qua đường giờ tan học ở ngã tư trường học này? Chắc chắn có những người đã ra thiên cổ, những người đang sống những ngày cuối đời trong các viện dưỡng lão, những người bị covid-19 cướp đi sinh mạng khi còn muốn làm công việc của người lớn tuổi để trả ơn những người lớn tuổi khi họ còn là một cậu nhóc, cô bé với ngôi trường tiểu học của họ ở đâu đó trên nước Mỹ bao la. Nên không có gì để bi lụy vì người ta thì già đi và qua đời là lẽ tự nhiên, cái còn lại đáng qúy là văn hoá Mỹ, cái văn hoá sau khi về hưu thì đi làm công việc đưa trẻ nhỏ qua đường sau mỗi buổi học theo định nghĩa về văn hoá đơn giản nhất: “Cái gì lập đi lập lại thành thói quen, thói quen lập đi lập lại thành phong tục, phong tục lập đi lập lại thành văn hoá”.
Mặc dầu không phải là nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, tôi cũng thực hiện được nhiều bức ảnh đẹp. Nước Mỹ rộng bao la nên không thiếu những cảnh đẹp, do bàn tay con người dựng lên cũng có, do tạo hóa sáng tạo cũng có: Mùa Xuân với hoa anh đào trên dòng sông Potomac ở Washington DC, mùa Hè ở Grand Canyon, Arizona, mùa Thu ở San Juans, mùa Đông thì có rừng thông, núi tuyết ở Yellow Stone, tiểu bang Wyoming … Tôi lại nghĩ, sẽ đẹp biết bao nếu những bức ảnh của tôi có mang ý nghĩa nhân bản một cách tự nhiên, không dàn dựng, không hư cấu, không cần photoshop can thiệp.Tôi cho đó là những bức ảnh có hồn, khác với những bức ảnh đẹp về nghệ thuật mà vô tri, vô giác! Trong suốt thời gian sống ở Mỹ, tôi vẫn để tâm theo đuổi mục tiêu đó.
Nhạc sĩ Cung Tiến