Hôm nay,  

Tản Mạn Chuyện Mỹ Và Canada

25/03/202200:00:00(Xem: 3982)
hình tác giả gửi
hình tác giả

 

Tên thật: Nguyễn Thị Kim Loan, sinh năm 1966, là cô giáo tiểu học khi còn ở Việt Nam. Vượt biên và sống ở trại tỵ nạn Thailand từ 1989-1993. Định cư tại Canada từ 1994 đến nay. Tác giả nhận giải đặc biệt VVNM 2021.
 
*
 
Vợ chồng tôi, có một điểm “hoà hợp” khi đến với nhau, đó là cùng từng vỡ tan …mối tình đầu với xứ Hoa Kỳ.

Hồi tôi ở trại tỵ nạn, trầy trật bốn năm trời mới vượt qua cuộc thanh lọc đáng ghét, và khi gặp phái đoàn Mỹ phỏng vấn thì bị từ chối, mặc dù tôi có đầy đủ gia đình ở bển.

Còn chồng tôi, cả giòng họ rủ nhau đi vượt biên rất sớm, năm 1977 khi cả miền Nam đang vào cơn tàn tạ dưới bàn tay của “bên thắng cuộc”. Trong khi ở trại Mã Lai chờ phái đoàn Mỹ, thì phái đoàn Canada lơn tơn xuất hiện, gia đình chồng tôi nôn nóng thoát khỏi cuộc sống tù túng ở trại nên nhắm mắt đưa chân qua Canada định cư luôn một lèo. Sau đó, chồng tôi đi học, vào cấp ba rồi Đại Học, quyết chí thực hiện giấc mơ Mỹ Quốc năm xưa, bèn nộp vào trường Đại Học tại New York. Khi nộp đơn thì hào hứng, đến khi được nhận thì bị bà má chồng “bàn ra”, vì sợ tốn kém với số “student loan” quá lớn, chồng tôi cũng bị nản chí, không qua đó học nữa.

Dù sao, Canada và Mỹ cũng là hàng xóm. Chúng tôi quen dần với xứ lạnh tình nồng, hàng năm lại hào hứng với những chuyến du lịch đó đây. Ai đi đông đi Tây, ai đi xa đi gần, chứ gia đình tôi, ngoài vài lần đi Mexico, chồng tôi đi Conference bên Cuba, Puerto Rico, còn lại những chuyến vacation đều trong Canada và Mỹ. Với 50 tiểu bang của Mỹ và 12 tỉnh bang bao la của Canada, biết bao nhiêu cảnh đẹp tuyệt vời, cần gì phải đi đâu cho xa xôi!

Đi cruise thì tôi kiên quyết là không bao giờ (dù vẫn biết never say never). Thứ nhất là tôi hay bị say sóng, thứ hai, quan trọng hơn, là chuyến vượt biên của tôi 30 năm trước, tàu bị mưa bão, máy thoát nước bị hư, trong đêm tối bão bùng, tôi đã thấy biển là con quái vật hung dữ bạo tàn, nên tôi không muốn sống lại cảm giác đó một lần nào nữa.
 
Mỗi lần gia đình tôi bay đến một nơi nào đó trên xứ Mỹ hay Canada, thường sẽ mướn xe làm tiếp một chuyến mini road trip đến các thành phố lân cận.
Bay đến Vancouver (Canada) thì sẽ đi qua Seattle, hay Oregon (Mỹ), đến Toronto (Canada) thì đi Buffalo, New York, Philadelphia, Atlantic City (Mỹ), hoặc ngược miền Đông Canada về Ottawa, Montreal, Quebec. Khi bay đến Nam California thì lái xe qua Las Vegas, Arizona, và nếu bay đến Arlington Texas thì road trips thẳng tiến Dallas, Houston, San Antonia, Oklahoma, New Orleans. Thời gian cho mini road-trips thường từ 5 cho đến 10 tiếng lái xe.

Nhưng đã có hai lần, gia đình tôi có hai chuyến Road Trips thật sự, được tính bằng ngày và đêm. Chuyến đầu tiên là lái từ Edmonton xuyên qua ¾ chiều ngang nước Canada, vượt qua các tỉnh bang Saskatchewan, Manitoba, để đến Toronto, Ontario.

Chuyến thứ hai, chúng tôi bay từ Edmonton qua Toronto, rồi từ Toronto lái xe xuống Texas (Mỹ) băng qua các tiểu bang New York, Pennsylvania, Ohio, Kentucky, Tennessee, Arkansas …

Rất tiếc thuở đó chưa có iphone để chụp nhiều hình, livestream và khoe trên Facebook, nhưng tôi có video camera ghi lại những khúc đường quan trọng, để lại nhiều cảm xúc. Chúng tôi đi từ sớm cho đến tối mịt, dừng tại motel để tắm rửa và ngủ, hôm sau lại dậy đi tiếp. Khi qua một thành phố lớn, chúng tôi vào thẳng trung tâm thành phố, ăn uống, đổ xăng và “cưỡi ngựa xem hoa” những công trình tiêu biểu nơi đó.

Kỷ niệm vẫn còn đầy ắp, nào cơn mưa giông dữ dội trên highway Ohio, nào buổi breakfast tại một quán thôn quê bên rẻo đường nông trại vùng Regina, nào nửa đêm dừng xe vì con nai chết dọc đường vùng Sault Ste Marie để vào tiệm café Tim Hortons nhờ gọi cảnh sát mang con nai đi, nào nắng lấp lánh vùng ngoại ô thành phố Little Rock, Arkansas có những căn nhà bé nhỏ, cổng rào gỗ nhiều màu sắc với những bụi hoa nở tươi tắn dưới bóng lá cờ Mỹ bay phất phới trong gió, xinh đẹp như một khung cảnh trong các phim Hollywood.

Đôi khi, chỉ là một vách đá cheo leo giữa hoang vu, cũng gợi cho tôi những nỗi niềm bâng quơ như nhạc sĩ Diệu Hương:

“Em hỏi tôi phiến đá có tình yêu không
 Em hỏi tôi, phiến đá có linh hồn không?
 Linh hồn tôi nay là đá sỏi 
 Nhưng đá nằm, khổ đau với tình yêu em…”
 Những cảm xúc đó, nếu bay trên mấy tầng mây, sẽ không bao giờ có được!
 
Một thú vị khác nữa, là khi xe chạy qua biên giới hai nước, luôn cho tôi một cảm xúc bâng khuâng lạ kỳ. Tôi ngắm nhìn bên này rồi bên kia, cách nhau trong gang tấc mà đã là nước ngoài rồi ư, dân chúng hai bên hai quốc gia ở vùng biên giới hẳn là quen thuộc, thân thiện nhau lắm. Nhiều lần chúng tôi đi qua biên giới giữa Toronto (Canada)- Buffalo (Mỹ), hoặc Vancouver (Canada)-Seattle (Mỹ) vào giờ cao điểm thì hàng xe dài cả vài cây số là chuyện bình thường, vì đó là giờ tan tầm, dân chúng đi làm việc ở “nước ngoài” chạy về nhà cho kịp giờ cơm tối. Các chàng/ nàng hải quan của hai bên Mỹ-Canada đa số đều rất dễ chịu, thoải mái, miễn mình đừng làm gì ...phạm pháp.
 
Nhân đây, tôi nhớ đến chuyện mấy anh hải quan đường hàng không của Mỹ. Hồi tháng 8 năm 2021 tôi phải bay qua Texas gấp gáp giữa mùa dịch để dự tang lễ của Ba tôi. Tại sân bay chuẩn bị bay qua Mỹ, nhân viên hải quan hỏi tôi qua Mỹ có chuyện chi, tôi trả lời, “for my dad's funeral”, rồi ổng im lặng, mặt lạnh như tiền, hơn cả mặt James Bond, đưa lại passport, ngoắc tay ra dấu cho tôi qua. Khi trở về Canada, cũng câu hỏi đó, cũng câu trả lời đó, chàng hải quan Canada nhìn tôi ấm áp, lịch sự: "I am sorry to hear that!"

Chị bạn bên Úc nghe tôi kể cũng “hùa” vào góp chuyện: Chị đi Mỹ nhiều lần và đều ...rất mệt với hải quan Mỹ. Lần đó chị đến Denver để ski, ông hải quan hỏi, cô từ Úc qua Mỹ làm gì, dạ tui đi ski, bên bển không có chỗ ski hở, có chớ nhưng tại Úc đang mùa hè, sao cô hổng đợi tới mùa đông, nghe lãng xẹt không em, cuối cùng cũng cho chị qua sau khi hỏi một đống câu hỏi…vô duyên. Tôi bật cười, nói với chị ấy, vậy là ông hải quan Mỹ đó có máu tếu chị ui, đừng giận ổng tội nghiệp, và nhớ sau mùa đại dịch cứ tiếp tục bay qua Colorado trượt tuyết nghen chị!

Ông xã tôi định cư Canada từ năm 1977 thì kể rằng, hồi đó còn “thanh bình”, dân Mỹ và Canada như người một nhà, đi qua biên giới (dù đường bộ hay đường hàng không) của nhau dễ như đi chợ, chỉ cần photo ID là đủ. Thời còn là sinh viên Đại Học tại thủ đô Ottawa, vào mùa Đông, những dịp cuối tuần, anh ấy thường cùng bạn bè lái xe qua biên giới tiểu bang Maine để trượt tuyết. Đi riết rồi quen, có khi gặp đúng officers Mỹ quen mặt, họ nhìn thùng xe chất đầy dụng cụ skiing và lố nhố nhóm sinh viên mũi tẹt da vàng rất dễ thương, là cho qua luôn, khỏi cần xem giấy tờ. Có lẽ sau vụ Sept 11 và BLM, cảnh sát và hải quan Mỹ sợ bị "khủng bố" hoặc bị "Chí Phèo ăn vạ" nên phải làm mặt nghiêm trang lạnh lùng để …an toàn chăng?! Nghe ông xã giải thích, tôi cũng hết hờn giận chàng hải quan Mỹ có bộ mặt James Bond mà tôi đã gặp!
 
Trong các chuyến road trips, tôi thấy sự khác biệt rất rõ giữa Mỹ và Canada, đó là dân Mỹ rất chịu khó treo cờ trước nhà, các nơi business, công sở, suốt đoạn đường xuyên quốc gia, tôi đếm không xuể những lá cờ Mỹ mà người dân hẳn rất say mê và yêu quý lắm. Còn bên Canada cờ thưa thớt hơn, dọc đường xa lộ, thỉnh thoảng qua các nông trại, xí nghiệp, hay khu nhà dân, lác đác mới thấy cờ Lá Phong. Hầu như chỉ có một ngày dân Canada được thấy cờ bay rợp trời đó là ngày Quốc Khánh (Canada Day), còn bên Mỹ thì họ treo cờ bất cứ nơi đâu mà chẳng cần lý do.

Tôi chẳng hiểu vì sao, bèn hỏi bác Gù Gồ thì thật thú vị khi có ngay một tiêu đề  “Why American are so crazy about the flag”! Thì ra chuyện dân Mỹ “điên cuồng” về lá cờ của họ là có thật. Theo thống kê, hàng năm có 150 triệu lá cờ Mỹ với đủ sizes lớn nhỏ được bán ra. Họ tự hào với “lá cờ đẹp nhất thế giới” có13 sọc và 50 ngôi sao của 50 tiểu bang, là biểu tượng của sự hoà hợp, gắn kết, tạo nên sức mạnh tuyệt vời của United State, nên họ “điên cuồng” treo cờ từ thành thị tới thôn quê, trên mái nhà, bên ngọn cây, bên cửa xe, dưới garage, sau vườn nhà, ngay cả trên nón mũ, áo quần và giầy dép… nói chung, đi bất cứ nơi đâu trên đất Mỹ đều dễ dàng nhìn thấy Old Glory.

Rồi tôi cũng tò mò, hỏi bác Gú Gồ tại sao dân Cà Na Điên hổng khoái treo cờ, kết quả cũng khá bất ngờ và …khá buồn! Không phải riêng tôi, mà đã từng có nhiều người cũng đã nêu thắc mắc đó, họ còn dẫn chứng bên xứ Mỹ láng giềng người ta mê cờ của nước người ta lắm kìa. Thế là một số người nhảy ra phản pháo: Chúng ta yêu nước yêu lá cờ từ trong đáy tim, chớ không cần phải “show off” như …ai kia! Có kẻ còn la lên: tại sao phải …giống Mỹ !!! Thậm chí, đôi lần nơi quốc hội, một số nhà chính khách cũng vận động phong trào treo cờ, nhưng dân chúng vẫn hững hờ, họ bảo họ vẫn “proud to be Canadian”, tự hào với Cờ Lá Phong trong các đại hội Olympic, Stanley Cup, Canada Day, và nhất định khi đi du lịch qua Châu Âu họ luôn mang theo lá cờ nhỏ nơi hành lý để hải quan bên đó đừng tưởng họ là …dân Mỹ, ghê chưa! Ai bảo dân Cà Na Điên hiền nữa không nà?
 
Nhớ hồi mùa đại dịch còn căng thẳng, khi mới bắt đầu rục rịch có vaccine, chính phủ Mỹ không cho phép hãng Pfizer xuất vaccine trực tiếp qua Canada mà Canada phải đi đường vòng qua Châu Âu mới mua được vaccine cho dân chúng. Bữa đó tôi đi chợ Việt Nam nghe mấy người quen đứng nói chuyện rổn rảng ngay cửa chợ, chê trách Mỹ chơi xấu với nước láng giềng, đến lúc sống còn mới biết đá biết vàng. Một chú kết luận:

- Túm lại, tụi Mỹ chơi …hổng dzô! Lúc tối lửa tắt đèn có nhau mà cư xử vậy sao? Có cháy nhà mới lòi mặt chuột.

Tôi ngứa miệng góp ý:

- Thì chính phủ Mỹ phải lo cho dân họ trước chứ, họ có hơn 300 triệu dân, trong khi xứ mình đất rộng người thưa, chỉ khoảng xấp xỉ 38 triệu…
Nói chưa hết câu đã bị cả đám nhao nhao lên phản công:

- Cô bị bùa mê thuốc lú gì mà lúc nào cũng bênh vực Mỹ vậy?
 
Thiệt tình, thân tôi “một kiểng hai quê”, đứng giữa “hai phe”, nhiều lúc cũng khó xử lắm á! Tôi đâu dám đổ thêm dầu vào lửa, khi họ đang nổi sùng vì chưa nằm trong danh sách chích vaccine. Ai nói “Canada xứ lạnh tình nồng” thì tôi chịu, chớ nói dân Canada …hiền thì chưa chắc, tôi bèn xuống giọng vui vẻ:

- Các bác thử nghĩ xem, nếu nhà bác có đông con, bác phải lo cho chúng no đủ thì mới nghĩ đến chuyện giúp người khác, phải không nào? Hơn nữa, khi biết người hàng xóm cũng khá giả, con cái thưa thớt vài mống, với khả năng tài chánh dồi dào, chỉ là phải mua hàng …xa một chút, lâu hơn một chút, chứ đâu phải thấy người hàng xóm nghèo mạt rệp, sắp tắt thở mà họ không ra tay giúp, lúc đó khỏi cần các bác rủ rê, em sẽ có mặt hàng đầu đi biểu tình …chống Mỹ!

Chuyện hục hặc “thầm lặng” giữa người Canada gốc Việt và người Mỹ gốc Việt, không phải là không có, bữa nào quởn tôi sẽ viết hầu quý vị, kể cả chuyện “đế quốc Mỹ” từng hăm he ...xâm lăng đất nước Canada hiền hoà đẹp xinh một thuở xa lắc xa lơ nữa kìa!

Và chuyện một số người bản xứ Mỹ và Canada không ưa nhau, là có thật, bát đũa còn có lúc xô nhau, huống gì tình hàng xóm láng giềng. Nhưng may thay, đó chỉ là thiểu số không đáng kể.
 
Khi nào có …chiến tranh Mỹ-Canada thì lúc ấy tôi sẽ khai thác đề tài này, còn hiện nay, đa số dân hai bên đều vui vẻ thân thiện, “tình thương mến thương” lẫn nhau, cùng nhau gìn giữ hoà bình khu vực, thì dại gì mà đụng vào “ổ kiến lửa”, dễ …xa nhau lắm á!!
 
Edmonton, Tháng2/2022
 

Ý kiến bạn đọc
04/04/202201:17:32
Khách
Những tản mạn, "lượm lặt đó đây" chuyện Mỹ và Canađa được tác giả diễn tả một cách linh động làm cho độc giả thich thú đọc cho đến dòng cuối cùng. Riêng tôi cũng cảm nhận thấy "mối tình đầu ..... với nước Mỹ" của KL tuy đổ vỡ nhưng vẫn còn vương vấn trong tim của tác giả. Tôi đã nhập quốc tịch Mỹ, cũng yêu nước Mỹ, nhưng chắc là không bằng KL. Có lẽ nên trao tặng bằng "Công Dân Mỹ Danh Dự" cho tác giả "Cà Na Điên" này.
Thân ái,
Kim Khánh
28/03/202208:12:05
Khách
Vùng nào có treo cờ là nhiều red neck, quân nhân, kỳ thị người lạ ...
26/03/202202:27:42
Khách
Kim Loan viết bài nào cũng hay và hấp dẫn cả. Quý vị và các bạn có thể đọc thêm những bài viết của Kim Loan theo cái link sau đây: https://baotreonline.com/author/kim-loan.
26/03/202202:16:14
Khách
Đúng là chuyện tải mạn, mỗi thứ một chút, mà chuyện nào kể cũng hay, kể cũng có duyên, rất là "chuyện thường ngày ở huyện" mà sao tác giả kể lại thấy quá hấp dẫn, vui vẻ, đầy duyên dáng. Cảm ơn tác giả rất nhiều.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 496,499
Sang Mỹ, Mị thấy các chùa chiền, Thiền viện như những trung tâm sinh hoạt cộng đồng của người Việt. Mỗi cuối tuần các đồng hương có thể tụ về chùa để tu tập, để trò chuyện bằng tiếng Việt, để chia sẻ, để cảm nhận được không khí cộng đồng Việt. Ngày Tết cổ truyền, bà con đồng hương Phật tử xa quê lại có dịp vãn cảnh chùa với những trang trí quen thuộc ngày Tết, có hoa mai, hoa đào. Nhiều chùa chiền và thiền viện còn công phu trang trí cảnh sắc làng quê Việt Nam, để những người con xa xứ tìm chút hương vị quê hương, giúp cho Phật tử thuần thành hay “Phật tử ngang hông” như Mị cảm nhận được thiện ý chan hòa, hoan hỷ. Mái chùa như là nơi chở che hồn Việt. Dù đi chùa để tu học Phật pháp, hay để nương tựa tâm hồn trong những ngày đau khổ chông chênh, hay chỉ đơn giản là ham vui và bớt sân si như Mị thì Mị tin rằng mỗi người khi trở về đều đem theo mình chút niềm vui an lạc trong giai đoạn nhiều bất ổn trên cả thế giới như hiện nay. Mị thấy mình được sống trong môi trường an toàn và tự do...
Một trong những người bạn nối khố của tôi vốn là nhà báo. Sau Giáng Sinh 2021, anh gọi cho tôi nói tôi còn nợ anh ấy bài viết cho số báo Xuân Nhâm Dần của anh sắp trình làng. Tôi cố tảng lờ, “Nợ gì nhỉ?” Bạn liền quát vào máy, “Tôi xin ông. Ông cứ cái tật đánh trống lãng với tôi đấy hả?” Tôi xởi lởi hỏi viết gì bây giờ, bạn liền ra lệnh, “Mùa Xuân, viết về tuổi già chứ còn gì nữa.” Tôi sực nhớ mình có hứa với bạn, nên phải trả cho xong món nợ cuối năm. Lục mãi trong trí nhớ của mình nay đang xuống cấp, tôi bèn chọn ngay việc tản mạn tuổi già của chính mình và của bạn bè đang lưu lạc ở Mỹ, nơi xứ lạ quê người.
Thôi để tôi tả một cuộc hèn hò trên sân khấu trường quay bạn muốn hẹn hò trong nước thì bạn đọc hải ngoại dễ hình dung hơn. Giữa sân khấu là một bức màn được buông xuốn để hai bên không thấy nhau. Bên nhà trai có người hướng dẫn chương trình là đàn ông, bên nhà gái là cô hướng dẫn duyên dáng. Thường thì bên cô gái được mời lên sân khấu trước, sau đó đến bên chàng trai. Cô gái giới thiệu về lý lịch trích ngang của bản thân, nói sơ lược về tình trường mà cô đã trải qua, thể hiện tài năng hay cũng có thể gọi là tài vặt như ca hát, nhảy múa để góp vui với chương trình. Điểm quan trọng nhất là cô nói thẳng ra ý muốn của cô với chàng trai bên kia bức màn về mẫu người đàn ông mà cô muốn hẹn hò.
Chẳng biết tại sao mà từ khi qua Mỹ cho tới nay tôi bị lời nguyền gì mà mỗi năm đều bị bệnh mất mấy ngày, nhẹ thì cảm, sổ mũi nóng sốt, nặng thì bỏ ăn một hai bữa. Còn không thì chạy xe bị người ta vượt đèn đỏ hít đít hoặc húc hông, có lẽ thấy tôi mỗi ngày mỗi hên nên vận bám vào người càng nặng. Năm ngoái trước đám cưới con trai là thằng Dũng thì Covid tới thăm và ở nhà chơi chung với tôi 50 ngày. Năm vừa rồi đám cưới thằng Duy sức khỏe chưa lấy lại được thì bị giời leo đau đến nỗi tôi không bước nổi. Vì cứ bị con bệnh đeo bám như vậy nên thằng Duy là con trai lớn đã thương mà trả hết nợ nhà cho để tôi yên tâm ở nhà nghỉ ngơi cho khỏe.
Trước hết căn cứ vào số lượng người mang họ Nguyễn (họ phổ biến nhất của người Việt) ở trong vùng rồi suy luận ra, ta có thể phỏng đoán được số lượng người Việt. Theo tin từ trang Wikipedia tiếng Việt thì tôi được biết theo thống kê năm 2005 ở Việt Nam người họ Nguyễn chiếm 38% dân số. Dĩ nhiên con số 38% này không phải là con số tuyệt đối có thể đại diện cho bất cứ tập thể nào. Nghĩa là không phải ở bất cứ nhóm người nào người họ Nguyễn cũng chiếm tỷ lệ 38%. Do đó trong ước tính của mình tôi áp dụng con số khiêm nhường hơn một chút đó là chỉ khoảng 1/3 người Việt mang họ Nguyễn.
Sở dĩ gọi là "nghề" vì chuyện trong nhà tôi, ông anh rể là sĩ quan đi "cải tạo", thằng con của anh ấy, là cháu ruột tôi, vào lớp Một, nhà trường gửi về bản khai lý lịch, tên bố tên mẹ và nghề nghiệp. Chị tôi điền lý lịch cho thằng bé, mặc dù lúc ấy chị đang chạy chợ trời, nhưng theo “kinh nghiệm” mấy chị hàng xóm thì không nên khai chợ trời, sẽ bị đánh giá là …tiểu tư sản, con mình sẽ bị trù dập, cho nên dù chẳng hiểu thằng bé 6 tuổi còn thò lò mũi xanh sẽ bị trù dập kiểu gì, chị bèn ghi là “nội trợ” cho an toàn. Còn phần nghề nghiệp bố thì để trống vì không biết khai thế nào. Đến lớp, cô giáo liền điền vào khoảng trống nghề nghiệp của bố nó là... "học tập cải tạo"! Mà nghề này còn sinh ra nhiều nghề khác cho những người tù, nào là chăn lợn, nuôi gà, trồng rau, nấu cám, đốn củi trên rừng. Lần đó tôi theo chị lên trại Thành Ông Năm thăm nuôi anh rể, anh ấy tặng vợ con và các em những chiếc vòng đeo tay, chiếc lược được chạm trổ rất xinh xắn do chính tay anh làm, anh bảo đó là "nghề"
Ai cũng có một thời thơ ấu và thanh xuân riêng của mình. Vậy mà ngày còn nhỏ tôi không bao giờ quan tâm đến tâm tư tình cảm và suy nghĩ riêng của má. Tôi cứ thấy má là của gia đình, là của chúng tôi. Tất cả suy nghĩ, việc làm của má đều dành cho chồng con, cho gia đình này. Tôi đã nhận những yêu thương, chăm sóc một chiều của má như một chuyện đương nhiên. Giờ ngồi nhớ lại hồi nhỏ chẳng bao giờ thấy má gặp lại các bạn học xưa để cười đùa rộn rã nhắc về tuổi thơ như thế hệ chúng tôi bây giờ. Chỉ lâu lâu dì Nghiêm là em ruột của má từ Sài Gòn về là 2 chị em ríu rít như chim và nói toàn tiếng lóng với nhau kiểu như mật mã nghe ngộ lắm. Má tôi và dì cứ cười nói rộn ràng còn chúng tôi thì ngơ ngác chẳng hiểu gì. Chắc thuở còn con gái mấy dì và má nói chuyện với nhau kiểu này để giữ bí mật những chuyện riêng tư, qua mặt người lớn mà hẹn hò, nghịch ngợm đây. Ghê thật! Ai bảo thế hệ xưa hiền hơn bây giờ? Chỉ là họ giấu kỹ và không có mạng Internet hay Facebook để ai cũng biết như ngày nay thôi
Dưới ánh mặt trời như thiêu đốt làm bầu không khí rung rinh, nhảy múa đến lóa mắt, đoàn tù nhân đi chân không, ở trần trùng trục, chỉ mặc độc nhất cái quần xà lỏn, vài người đầu đội các chiếc nón cũ kỹ, rách rưới mà họ lượm được đâu đó, đang mệt nhọc lê thân xác mỏi nhừ sau một ngày lao động vất vả trở về trên con đường đất đỏ nóng hừng hực khiến chân họ muốn bỏng, vai thì đỏ và rát bởi nắng cháy. Hai bên đường, rẫy được tù nhân khai khẩn rộng thênh thang, chạy ngút mắt đến tận bìa rừng chỉ chừa lại những gốc rạ khô cằn sau mùa gặt. Giữa cánh đồng một cây Cầy cháy sạm, còn trơ lại vài nhánh đen đúa, cháy dở, chơ vơ chĩa lên cao như cố chống giữ lấy bầu trời to lớn tạo cho khung cảnh một nỗi buồn thê lương như phận người tù ở trại Đồng Phú này!
Hôm nay xé tờ lịch qua tháng tư, tim tôi thấy bồi hồi, xáo trộn những suy nghĩ mông lung bên tách cà phê, ký ức trở về miên man biết bao nhiêu hình ảnh, bao nhiêu câu chuyện ngày ấy, rõ in trong đầu như mới vừa xảy ra đâu đây...
Sau nhà tôi là rừng, rừng ngày xưa không nhìn thấy gì ngoài màu lá xanh, những con chim sặc sỡ màu nhưng chúng chỉ cất tiếng hót lẻ loi một mình, không buồn cũng không vui. Những con thú hiền hoà như sóc với thỏ là những kẻ lãng du tử tế. Chúng thấy người không thích mắt khi nhìn chúng nữa thì sóc nhập thiền nơi những hốc cây, những hốc đá ven bờ suối là tịnh thất của thỏ. Trong khu rừng có con suối nhỏ, có đàn vịt trời khi lội khi baydưới chân đồi bluebonnet tượng trưng cho tiểu bang Texas. Mùa hoa rộ tháng tư thì cơ man là người đến chụp hình, xe đậu quanh đồi không đủ chỗ thì người ta lái xe vào xóm nhà đậu tạm. Tôi thích bị làm phiềm kiểu Mỹ vì chỉ có ở Mỹ khi người không quen biết bấm chuông nhà chỉ để xin phép cho họ đậu cái xe trước nhà mình một lát, họ lên đồi chụp vài tấn hình sẽ đi ngay. Tôi hình dung ra những bức ảnh gia đình, tình nhân, bạn hữu của những người tử tế đã làm nên phong cách Mỹ khác biệt.
Nhạc sĩ Cung Tiến