Hôm nay,  

Tản Mạn Chuyện Mỹ Và Canada

25/03/202200:00:00(Xem: 3990)
hình tác giả gửi
hình tác giả

 

Tên thật: Nguyễn Thị Kim Loan, sinh năm 1966, là cô giáo tiểu học khi còn ở Việt Nam. Vượt biên và sống ở trại tỵ nạn Thailand từ 1989-1993. Định cư tại Canada từ 1994 đến nay. Tác giả nhận giải đặc biệt VVNM 2021.
 
*
 
Vợ chồng tôi, có một điểm “hoà hợp” khi đến với nhau, đó là cùng từng vỡ tan …mối tình đầu với xứ Hoa Kỳ.

Hồi tôi ở trại tỵ nạn, trầy trật bốn năm trời mới vượt qua cuộc thanh lọc đáng ghét, và khi gặp phái đoàn Mỹ phỏng vấn thì bị từ chối, mặc dù tôi có đầy đủ gia đình ở bển.

Còn chồng tôi, cả giòng họ rủ nhau đi vượt biên rất sớm, năm 1977 khi cả miền Nam đang vào cơn tàn tạ dưới bàn tay của “bên thắng cuộc”. Trong khi ở trại Mã Lai chờ phái đoàn Mỹ, thì phái đoàn Canada lơn tơn xuất hiện, gia đình chồng tôi nôn nóng thoát khỏi cuộc sống tù túng ở trại nên nhắm mắt đưa chân qua Canada định cư luôn một lèo. Sau đó, chồng tôi đi học, vào cấp ba rồi Đại Học, quyết chí thực hiện giấc mơ Mỹ Quốc năm xưa, bèn nộp vào trường Đại Học tại New York. Khi nộp đơn thì hào hứng, đến khi được nhận thì bị bà má chồng “bàn ra”, vì sợ tốn kém với số “student loan” quá lớn, chồng tôi cũng bị nản chí, không qua đó học nữa.

Dù sao, Canada và Mỹ cũng là hàng xóm. Chúng tôi quen dần với xứ lạnh tình nồng, hàng năm lại hào hứng với những chuyến du lịch đó đây. Ai đi đông đi Tây, ai đi xa đi gần, chứ gia đình tôi, ngoài vài lần đi Mexico, chồng tôi đi Conference bên Cuba, Puerto Rico, còn lại những chuyến vacation đều trong Canada và Mỹ. Với 50 tiểu bang của Mỹ và 12 tỉnh bang bao la của Canada, biết bao nhiêu cảnh đẹp tuyệt vời, cần gì phải đi đâu cho xa xôi!

Đi cruise thì tôi kiên quyết là không bao giờ (dù vẫn biết never say never). Thứ nhất là tôi hay bị say sóng, thứ hai, quan trọng hơn, là chuyến vượt biên của tôi 30 năm trước, tàu bị mưa bão, máy thoát nước bị hư, trong đêm tối bão bùng, tôi đã thấy biển là con quái vật hung dữ bạo tàn, nên tôi không muốn sống lại cảm giác đó một lần nào nữa.
 
Mỗi lần gia đình tôi bay đến một nơi nào đó trên xứ Mỹ hay Canada, thường sẽ mướn xe làm tiếp một chuyến mini road trip đến các thành phố lân cận.
Bay đến Vancouver (Canada) thì sẽ đi qua Seattle, hay Oregon (Mỹ), đến Toronto (Canada) thì đi Buffalo, New York, Philadelphia, Atlantic City (Mỹ), hoặc ngược miền Đông Canada về Ottawa, Montreal, Quebec. Khi bay đến Nam California thì lái xe qua Las Vegas, Arizona, và nếu bay đến Arlington Texas thì road trips thẳng tiến Dallas, Houston, San Antonia, Oklahoma, New Orleans. Thời gian cho mini road-trips thường từ 5 cho đến 10 tiếng lái xe.

Nhưng đã có hai lần, gia đình tôi có hai chuyến Road Trips thật sự, được tính bằng ngày và đêm. Chuyến đầu tiên là lái từ Edmonton xuyên qua ¾ chiều ngang nước Canada, vượt qua các tỉnh bang Saskatchewan, Manitoba, để đến Toronto, Ontario.

Chuyến thứ hai, chúng tôi bay từ Edmonton qua Toronto, rồi từ Toronto lái xe xuống Texas (Mỹ) băng qua các tiểu bang New York, Pennsylvania, Ohio, Kentucky, Tennessee, Arkansas …

Rất tiếc thuở đó chưa có iphone để chụp nhiều hình, livestream và khoe trên Facebook, nhưng tôi có video camera ghi lại những khúc đường quan trọng, để lại nhiều cảm xúc. Chúng tôi đi từ sớm cho đến tối mịt, dừng tại motel để tắm rửa và ngủ, hôm sau lại dậy đi tiếp. Khi qua một thành phố lớn, chúng tôi vào thẳng trung tâm thành phố, ăn uống, đổ xăng và “cưỡi ngựa xem hoa” những công trình tiêu biểu nơi đó.

Kỷ niệm vẫn còn đầy ắp, nào cơn mưa giông dữ dội trên highway Ohio, nào buổi breakfast tại một quán thôn quê bên rẻo đường nông trại vùng Regina, nào nửa đêm dừng xe vì con nai chết dọc đường vùng Sault Ste Marie để vào tiệm café Tim Hortons nhờ gọi cảnh sát mang con nai đi, nào nắng lấp lánh vùng ngoại ô thành phố Little Rock, Arkansas có những căn nhà bé nhỏ, cổng rào gỗ nhiều màu sắc với những bụi hoa nở tươi tắn dưới bóng lá cờ Mỹ bay phất phới trong gió, xinh đẹp như một khung cảnh trong các phim Hollywood.

Đôi khi, chỉ là một vách đá cheo leo giữa hoang vu, cũng gợi cho tôi những nỗi niềm bâng quơ như nhạc sĩ Diệu Hương:

“Em hỏi tôi phiến đá có tình yêu không
 Em hỏi tôi, phiến đá có linh hồn không?
 Linh hồn tôi nay là đá sỏi 
 Nhưng đá nằm, khổ đau với tình yêu em…”
 Những cảm xúc đó, nếu bay trên mấy tầng mây, sẽ không bao giờ có được!
 
Một thú vị khác nữa, là khi xe chạy qua biên giới hai nước, luôn cho tôi một cảm xúc bâng khuâng lạ kỳ. Tôi ngắm nhìn bên này rồi bên kia, cách nhau trong gang tấc mà đã là nước ngoài rồi ư, dân chúng hai bên hai quốc gia ở vùng biên giới hẳn là quen thuộc, thân thiện nhau lắm. Nhiều lần chúng tôi đi qua biên giới giữa Toronto (Canada)- Buffalo (Mỹ), hoặc Vancouver (Canada)-Seattle (Mỹ) vào giờ cao điểm thì hàng xe dài cả vài cây số là chuyện bình thường, vì đó là giờ tan tầm, dân chúng đi làm việc ở “nước ngoài” chạy về nhà cho kịp giờ cơm tối. Các chàng/ nàng hải quan của hai bên Mỹ-Canada đa số đều rất dễ chịu, thoải mái, miễn mình đừng làm gì ...phạm pháp.
 
Nhân đây, tôi nhớ đến chuyện mấy anh hải quan đường hàng không của Mỹ. Hồi tháng 8 năm 2021 tôi phải bay qua Texas gấp gáp giữa mùa dịch để dự tang lễ của Ba tôi. Tại sân bay chuẩn bị bay qua Mỹ, nhân viên hải quan hỏi tôi qua Mỹ có chuyện chi, tôi trả lời, “for my dad's funeral”, rồi ổng im lặng, mặt lạnh như tiền, hơn cả mặt James Bond, đưa lại passport, ngoắc tay ra dấu cho tôi qua. Khi trở về Canada, cũng câu hỏi đó, cũng câu trả lời đó, chàng hải quan Canada nhìn tôi ấm áp, lịch sự: "I am sorry to hear that!"

Chị bạn bên Úc nghe tôi kể cũng “hùa” vào góp chuyện: Chị đi Mỹ nhiều lần và đều ...rất mệt với hải quan Mỹ. Lần đó chị đến Denver để ski, ông hải quan hỏi, cô từ Úc qua Mỹ làm gì, dạ tui đi ski, bên bển không có chỗ ski hở, có chớ nhưng tại Úc đang mùa hè, sao cô hổng đợi tới mùa đông, nghe lãng xẹt không em, cuối cùng cũng cho chị qua sau khi hỏi một đống câu hỏi…vô duyên. Tôi bật cười, nói với chị ấy, vậy là ông hải quan Mỹ đó có máu tếu chị ui, đừng giận ổng tội nghiệp, và nhớ sau mùa đại dịch cứ tiếp tục bay qua Colorado trượt tuyết nghen chị!

Ông xã tôi định cư Canada từ năm 1977 thì kể rằng, hồi đó còn “thanh bình”, dân Mỹ và Canada như người một nhà, đi qua biên giới (dù đường bộ hay đường hàng không) của nhau dễ như đi chợ, chỉ cần photo ID là đủ. Thời còn là sinh viên Đại Học tại thủ đô Ottawa, vào mùa Đông, những dịp cuối tuần, anh ấy thường cùng bạn bè lái xe qua biên giới tiểu bang Maine để trượt tuyết. Đi riết rồi quen, có khi gặp đúng officers Mỹ quen mặt, họ nhìn thùng xe chất đầy dụng cụ skiing và lố nhố nhóm sinh viên mũi tẹt da vàng rất dễ thương, là cho qua luôn, khỏi cần xem giấy tờ. Có lẽ sau vụ Sept 11 và BLM, cảnh sát và hải quan Mỹ sợ bị "khủng bố" hoặc bị "Chí Phèo ăn vạ" nên phải làm mặt nghiêm trang lạnh lùng để …an toàn chăng?! Nghe ông xã giải thích, tôi cũng hết hờn giận chàng hải quan Mỹ có bộ mặt James Bond mà tôi đã gặp!
 
Trong các chuyến road trips, tôi thấy sự khác biệt rất rõ giữa Mỹ và Canada, đó là dân Mỹ rất chịu khó treo cờ trước nhà, các nơi business, công sở, suốt đoạn đường xuyên quốc gia, tôi đếm không xuể những lá cờ Mỹ mà người dân hẳn rất say mê và yêu quý lắm. Còn bên Canada cờ thưa thớt hơn, dọc đường xa lộ, thỉnh thoảng qua các nông trại, xí nghiệp, hay khu nhà dân, lác đác mới thấy cờ Lá Phong. Hầu như chỉ có một ngày dân Canada được thấy cờ bay rợp trời đó là ngày Quốc Khánh (Canada Day), còn bên Mỹ thì họ treo cờ bất cứ nơi đâu mà chẳng cần lý do.

Tôi chẳng hiểu vì sao, bèn hỏi bác Gù Gồ thì thật thú vị khi có ngay một tiêu đề  “Why American are so crazy about the flag”! Thì ra chuyện dân Mỹ “điên cuồng” về lá cờ của họ là có thật. Theo thống kê, hàng năm có 150 triệu lá cờ Mỹ với đủ sizes lớn nhỏ được bán ra. Họ tự hào với “lá cờ đẹp nhất thế giới” có13 sọc và 50 ngôi sao của 50 tiểu bang, là biểu tượng của sự hoà hợp, gắn kết, tạo nên sức mạnh tuyệt vời của United State, nên họ “điên cuồng” treo cờ từ thành thị tới thôn quê, trên mái nhà, bên ngọn cây, bên cửa xe, dưới garage, sau vườn nhà, ngay cả trên nón mũ, áo quần và giầy dép… nói chung, đi bất cứ nơi đâu trên đất Mỹ đều dễ dàng nhìn thấy Old Glory.

Rồi tôi cũng tò mò, hỏi bác Gú Gồ tại sao dân Cà Na Điên hổng khoái treo cờ, kết quả cũng khá bất ngờ và …khá buồn! Không phải riêng tôi, mà đã từng có nhiều người cũng đã nêu thắc mắc đó, họ còn dẫn chứng bên xứ Mỹ láng giềng người ta mê cờ của nước người ta lắm kìa. Thế là một số người nhảy ra phản pháo: Chúng ta yêu nước yêu lá cờ từ trong đáy tim, chớ không cần phải “show off” như …ai kia! Có kẻ còn la lên: tại sao phải …giống Mỹ !!! Thậm chí, đôi lần nơi quốc hội, một số nhà chính khách cũng vận động phong trào treo cờ, nhưng dân chúng vẫn hững hờ, họ bảo họ vẫn “proud to be Canadian”, tự hào với Cờ Lá Phong trong các đại hội Olympic, Stanley Cup, Canada Day, và nhất định khi đi du lịch qua Châu Âu họ luôn mang theo lá cờ nhỏ nơi hành lý để hải quan bên đó đừng tưởng họ là …dân Mỹ, ghê chưa! Ai bảo dân Cà Na Điên hiền nữa không nà?
 
Nhớ hồi mùa đại dịch còn căng thẳng, khi mới bắt đầu rục rịch có vaccine, chính phủ Mỹ không cho phép hãng Pfizer xuất vaccine trực tiếp qua Canada mà Canada phải đi đường vòng qua Châu Âu mới mua được vaccine cho dân chúng. Bữa đó tôi đi chợ Việt Nam nghe mấy người quen đứng nói chuyện rổn rảng ngay cửa chợ, chê trách Mỹ chơi xấu với nước láng giềng, đến lúc sống còn mới biết đá biết vàng. Một chú kết luận:

- Túm lại, tụi Mỹ chơi …hổng dzô! Lúc tối lửa tắt đèn có nhau mà cư xử vậy sao? Có cháy nhà mới lòi mặt chuột.

Tôi ngứa miệng góp ý:

- Thì chính phủ Mỹ phải lo cho dân họ trước chứ, họ có hơn 300 triệu dân, trong khi xứ mình đất rộng người thưa, chỉ khoảng xấp xỉ 38 triệu…
Nói chưa hết câu đã bị cả đám nhao nhao lên phản công:

- Cô bị bùa mê thuốc lú gì mà lúc nào cũng bênh vực Mỹ vậy?
 
Thiệt tình, thân tôi “một kiểng hai quê”, đứng giữa “hai phe”, nhiều lúc cũng khó xử lắm á! Tôi đâu dám đổ thêm dầu vào lửa, khi họ đang nổi sùng vì chưa nằm trong danh sách chích vaccine. Ai nói “Canada xứ lạnh tình nồng” thì tôi chịu, chớ nói dân Canada …hiền thì chưa chắc, tôi bèn xuống giọng vui vẻ:

- Các bác thử nghĩ xem, nếu nhà bác có đông con, bác phải lo cho chúng no đủ thì mới nghĩ đến chuyện giúp người khác, phải không nào? Hơn nữa, khi biết người hàng xóm cũng khá giả, con cái thưa thớt vài mống, với khả năng tài chánh dồi dào, chỉ là phải mua hàng …xa một chút, lâu hơn một chút, chứ đâu phải thấy người hàng xóm nghèo mạt rệp, sắp tắt thở mà họ không ra tay giúp, lúc đó khỏi cần các bác rủ rê, em sẽ có mặt hàng đầu đi biểu tình …chống Mỹ!

Chuyện hục hặc “thầm lặng” giữa người Canada gốc Việt và người Mỹ gốc Việt, không phải là không có, bữa nào quởn tôi sẽ viết hầu quý vị, kể cả chuyện “đế quốc Mỹ” từng hăm he ...xâm lăng đất nước Canada hiền hoà đẹp xinh một thuở xa lắc xa lơ nữa kìa!

Và chuyện một số người bản xứ Mỹ và Canada không ưa nhau, là có thật, bát đũa còn có lúc xô nhau, huống gì tình hàng xóm láng giềng. Nhưng may thay, đó chỉ là thiểu số không đáng kể.
 
Khi nào có …chiến tranh Mỹ-Canada thì lúc ấy tôi sẽ khai thác đề tài này, còn hiện nay, đa số dân hai bên đều vui vẻ thân thiện, “tình thương mến thương” lẫn nhau, cùng nhau gìn giữ hoà bình khu vực, thì dại gì mà đụng vào “ổ kiến lửa”, dễ …xa nhau lắm á!!
 
Edmonton, Tháng2/2022
 

Ý kiến bạn đọc
04/04/202201:17:32
Khách
Những tản mạn, "lượm lặt đó đây" chuyện Mỹ và Canađa được tác giả diễn tả một cách linh động làm cho độc giả thich thú đọc cho đến dòng cuối cùng. Riêng tôi cũng cảm nhận thấy "mối tình đầu ..... với nước Mỹ" của KL tuy đổ vỡ nhưng vẫn còn vương vấn trong tim của tác giả. Tôi đã nhập quốc tịch Mỹ, cũng yêu nước Mỹ, nhưng chắc là không bằng KL. Có lẽ nên trao tặng bằng "Công Dân Mỹ Danh Dự" cho tác giả "Cà Na Điên" này.
Thân ái,
Kim Khánh
28/03/202208:12:05
Khách
Vùng nào có treo cờ là nhiều red neck, quân nhân, kỳ thị người lạ ...
26/03/202202:27:42
Khách
Kim Loan viết bài nào cũng hay và hấp dẫn cả. Quý vị và các bạn có thể đọc thêm những bài viết của Kim Loan theo cái link sau đây: https://baotreonline.com/author/kim-loan.
26/03/202202:16:14
Khách
Đúng là chuyện tải mạn, mỗi thứ một chút, mà chuyện nào kể cũng hay, kể cũng có duyên, rất là "chuyện thường ngày ở huyện" mà sao tác giả kể lại thấy quá hấp dẫn, vui vẻ, đầy duyên dáng. Cảm ơn tác giả rất nhiều.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 496,644
Mấy nay công việc trong hãng chậm quá, đơn hàng hổng có, mọi người tụm năm tụm ba nói dóc, bàn tán cả ngày. Mỗi nhóm có đề tài khác nhau. Nhóm đen tụi thằng Kieth, thằng Eddie, thằng Aaron… thì lúc nào cũng chuyện cá độ bóng chày, bóng rổ, bóng cà na, chuyện cầu thủ này chơi đẹp, cầu thủ kia xuất sắc, chuyện thằng Willi tát xướng ngôn viên trên thảm đỏ giải Oscar… Nhóm gốc mít như anh Tuấn, thằng Khôi thì toàn chuyện Việt kiều về nước ăn chơi, chuyện ông này bà nọ ăn bẩn...Nhóm thằng Andre, Jose… thì tám chuyện Mễ Tây Cơ. Nhóm đàn bà thì hổng biết nói chuyện chi nhưng chưa bao giờ thấy miệng nghỉ ngơi, kể cả lúc ăn uống, tám liên tu bất tận.
Dưới ánh nắng chiều chói chang, nhìn những quân nhân huấn luyện oai vệ với tác phong nghiêm chỉnh, các nam nữ tân binh mạnh mẽ, nhanh lẹ trong quân phục của người lính, ba-lô nặng trĩu trên vai đi đứng thao tác gọn gàng ngoài sân trường, các cô cậu học sinh thích thú xầm xì to nhỏ với người thân. Đi ngang cổng chính chúng tôi thấy câu phương châm của trường được ghi đậm trên cao “ We will not lie, steal, or cheat, nor tolerate among us anyone who does ” như một huấn từ của khóa sinh. Kế tiếp, chúng tôi được đưa tới sân cờ nơi có một bức tường đá đen dài gần ba thước hơi uốn cong có ghi tên các sĩ quan tử trận trong chiến tranh với dòng chữ được khắc như sau “ In Memory Of Our Fellow Graduates Who Have Fallen in Battle.” để mặc niệm!
Viết những dòng tâm can này vào ngày Nguyễn Văn Kỷ Ngọc Thuyền - bé Bi con tôi tròn 46 tuổi, trái tim thương tật của người cha Mai Quan Vinh chỉ khát khao duy nhất một điều, lần cuối trong đời cha được ôm chặt bé Bi vào lòng nghe con khẽ gọi hai tiếng “Cha ơi!…”
Quốc Kỳ của một quốc gia dĩ nhiên luôn luôn phải được tôn kính, yêu mến và trân trọng từ người dân của đất nước đó, bởi mỗi một đất nước vĩnh viễn chỉ có một Tổ Quốc và một Màu Cờ, nhưng bất hạnh thay lịch sử đã ghi lại biết bao nhiêu quốc gia sau cơn binh biến, hay sau những cuộc chiến tàn khốc, đất nước đã phải thay tên đổi họ, và lá quốc kỳ cũng đành ngậm ngùi thay hình đổi dáng cho phù hợp với tình trạng đất nước. Việt Nam của Thu Quỳnh cũng cùng chung số phận bi đát đau thương như thế khi cuộc chiến Nam Bắc tương tàn vừa kết thúc.
Thằng tôi lại lợi dụng mùa đông lạnh lẽo cùng với mùa đại dịch Cô Vi dai dẳng bị nằm nhà tù lỏng nên lấy sơn dầu, khung vải và cọ vẽ vung vít làm vui. Có chị bạn rất thích tranh tôi trưng lên Facebook và than ông trời bất công quá vì tài vẽ vời và viết văn vớ va vớ vẩn của tôi. Thật ra ai cũng có tài năng không ít thì nhiều mà nếu không dùng và luyện tập thì tài năng có hay chi mấy cũng bị hao mòn và mất mát. Nên tôi sáng tác hơi nhiều tranh, chất đầy trong phòng ngủ của cậu con trai đã dọn đi San Francisco làm thầy lang. Hai chúng tôi đã phải bàn nhau “xuất cảng” số lượng tranh trong nhà. Bạn bè ai biết thưởng thức nghệ thuật của mình thì cho không biếu không, khi thì trưng bán trên mạng saachiart.com và Instagram, bầy tranh bán khi mùa garage sale bắt đầu và có khi liều lĩnh dựng lều bán tại các Hội Chợ nghệ thuật địa phương để ai ngưỡng mộ tranh của mình thì khuân về nhà giùm.
Còn niềm sung sướng nào bằng khi được tiếp xúc các đàn chị đàn anh, bậc thầy cô xuất chúng. Mỗi ngày tôi được tắm gội trong biển thơ, và tưởi tẩm suối văn chương. Đọc tác phẩm nào cũng đều thấy có cái hay riêng để học hỏi, tác giả này có lối văn trong sáng, tác giả kia ý tưởng hay, tác giả nọ nội dung câu chuyện luôn hướng thiện, tác giả khác sưu tập những tài liệu bổ ích..v..v...Ngoài ra hội có nhiều trò chơi thú vị như làm thơ nối tiếp vần cuối, nạp bài về chủ đề này hay chủ đề nọ để ra sách, đóng góp câu chuyện ngắn dưới 100 chữ, hoặc mục tán gẫu đùa giỡn của 2 hội đàn bà.
Ông bà trùm Nguyện là một trong những người sáng lập ra họ đạo lẻ này. Ông bà đã bước vào lứa tuổi “bát thập cổ lai hy”, định cư ở đây từ những ngày còn chân ướt chân ráo, hoang mang lẫn vui mừng, bắt đầu cuộc sống mới, tự do trên đất nước được mệnh danh là Vùng Đất của những người Can Đảm (Land of the Braves). Ông Nguyện là một cựu hạ sĩ quan ngành truyền tin của quân lực Việt Nam Cộng Hòa, vượt biển và đến Mỹ năm 1980. Bà Hồng, vợ ông, cùng 2 con vượt biển 3 năm sau đó rồi đoàn tụ với ông vào năm 1984. Nhiều người tỵ nạn Việt Nam khác cũng dần tìm về đây, họ sống yêu thương và đùm bọc lẫn nhau.
Thấm thoát cho đến nay, khi cộng đồng người Việt tại Nam California phát triển không ngừng, người kéo đến “đất lành chim đậu” ngày càng tăng, các chị đã là những nhân viên thâm niên kỳ cựu tại đây, rành rẽ các luật welfare, an sinh xã hội, góp phần giúp cộng đồng Mỹ và cộng đồng Việt bằng những kinh nghiệm và bằng niềm yêu thích công việc. Nghe các chị kể nhiều câu chuyện, nhiều mảnh đời đó đây mà công việc đã cho cơ hội gặp gỡ, với tất cả niềm vui và hãnh diện, tôi cảm thấy đó cũng là sự thành công trong nghề nghiệp của các chị.
Chồng bà đánh cá ngoài biển, rồi theo người ta vượt biên đi mất. Một tay bà ở lại chèo chống nuôi con. Thời gian đầu không có tin tức gì của ông ấy. Gần chục năm sau mới thấy thơ về, nói ổng đã lấy vợ khác rồi. Ổng xin lỗi bà mong bà thông cảm, vì cuộc sống nơi xứ người khó khăn và bơ vơ quá. Bà kêu thằng hai viết thơ trả lời ba, rằng “Má hiểu hoàn cảnh của ba. Má không buồn đâu. Ba đừng lo, ráng giữ gìn sức khỏe“. Khi đọc những lời đó cho con, mắt bà ráo hoảnh. Nhưng buổi tối bà ngồi nhìn ngọn đèn dầu leo lét, nước mắt ở đâu mà cứ tuôn hoài.
Hôm nay tôi muốn giới thiệu đến bạn đọc một tâm tình khác, một ước mơ to lớn hơn mang tính cách cộng đồng. Hoài bão của một người bạn mà tôi tình cờ quen biết mới đây, có dịp viếng thăm khu vườn cây trái đang hình thành và một ước mơ, muốn khơi dậy tâm tình của cộng đồng người Việt rất đáng khích lệ của anh.Truyện bắt đầu từ vài năm trước, anh liên lạc và đến khu vườn của chúng tôi mua các loại cây giống như: Mận chuông, sapoche, chuối sứ...dần dần nói đến việc mò cua, bắt ốc, câu cá trong hồ, các loại cá anh thích ăn, thỉnh thoảng bắt được các loại cá này thì tôi nhắn tin anh đến lấy.Đường Colonial là trục lộ chính của Orlando, đặc biệt của người Việt. Chúng tôi đi lại trên con đường này hầu như mỗi ngày, trông thấy tấm bảng hiệu để tên Việt Plaza, lại có tượng đức Trần Hưng Đạo thật to ở ngay lối vào. Biết là của người Việt nhưng cũng không để ý lắm. Mới đây anh đến lấy cá và biếu lại một bọc trái trứng cá. Cái xe tải anh lái có dán chữ VIET PLAZA. Hỏi ra mới biết anh chính là chủ củ
Nhạc sĩ Cung Tiến