Hôm nay,  

Trái Mít

13/05/202000:00:00(Xem: 10966)


Phi Nguyễn
Tác giả Phi Nguyễn lần đầu tham dự VVNM sinh sống và làm việc tại thành phố Brunswick, Georgia.


***

Vậy là cả tháng rồi còn gì, Mụ phải “cấm cung”, chỉ vì cái con Corona Vũ Hán! Cái con Virus chết tiệt từ Trung Hoa lục địa đỏ này đã tung hoành ngang dọc khắp thế giới, giết hại không biết bao nhiêu nhân tài và bao người vô tội!

Quê hương thứ 2 của mụ cũng không thoát, bị nặng nhất, con số người bị nhiễm và tử vong đứng đầu bảng! Chính quyền đã ra lệnh đóng cửa tất cả chỉ trừ tiệm thực phẩm và vài ba tiệm cần thiết khác. Về con người thì được yêu cầu ai ở nhà nấy, hạn chế đi lại để tránh lây lan! Và thế là mụ chỉ có ở nhà, loanh quanh lẫn quẩn trong nhà! Sáng từ phòng ngủ ra nhà bếp, rồi sang phòng ăn, rồi tới phòng khách, ra trước nhà nhìn con đường vắng ngắt, ra sau nhà nhìn trời mây non nước, nhìn hàng thông đứng im lìm như buồn cho đất nước trong cơn đại dịch! Cứ thế mà lòng vòng cả ngày. May mà mụ còn có được khoảng vườn sau nhà, buổi chiều khi nắng tắt mụ ra đó săm soi mấy cây cà tím mới trồng, nhổ năm ba cây cỏ nên cũng đỡ phần nào!

Hai bàn chân mụ có gắn bánh xe, thuở nào giờ mụ ưa ngao du khắp hang cùng ngõ hẻm nên những ngày “cấm cung” như thế này đã làm phiền mụ không ít!

Năm ba ngày mụ lại viết một cái “sớ” mua hàng “tốc hành”: hành, tiêu, ớt, tỏi, cà rốt, khoai tây, v. v...... giao cho chồng đi chợ để lão “liều thân trai ra chốn sa trường”, mụ ở nhà cho nó “lành”!

Trước khi lão rời nhà, mụ luôn dúi vào tay lão chai nước rửa tay Purell kèm những lời dặn dò: “Nhớ đứng cách xa người ta 6 feet, nhớ rửa tay sau khi bỏ đồ vô xe, nhớ đừng nói chuyện với ai, nhớ mua xong về nhà ngay..., nhớ..., nhớ....” Rất nhiều cái “nhớ” mụ nói trước khi chồng ra khỏi nhà! Lão nói: OK. Nhưng hình như khi quay đi mụ có nghe lão lằm bằm trong miệng: “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi !!!!”

Mụ biết mụ hát điệp khúc này hoài lão cũng chán. Nhưng mà trời ạ, lão bây giờ già rồi, quên trước quên sau, nhất là cái khoảng ”nhớ đừng nói chuyện với ai”! Chồng mụ, một con người friendly có thừa, thân thiện với mọi người, gặp ai quen là tay bắt mặt mừng, cười nói rôm rả, vui vẻ! “Chưa thấy người, đã nghe tiếng cười” đó là con người của lão! Mụ không dặn dò cẩn thận, lão gặp người quen chuyện trò huyên thuyên lở nước miếng người ta bắn vào mặt thì sao?? Mụ dặn là để an toàn cho lão nhưng cũng là bảo vệ cho chính mình vì nếu lão dính thì mụ cũng bị dính theo chứ không à?!!! Mà mụ thì không muốn dính chút nào vì với mụ “cuộc đời vẫn đẹp sao”!!!!

[]

Tuần rồi cuồng chân cuồng cẳng quá Mụ quyết định đi ra ngoài mua rau quả với lão nhân tiện mua thêm một ít thịt cá.

Trời hôm nay thật đẹp, mùa Xuân đã trở về, khí hậu mát mẻ, nắng vàng trải dài trong không gian, hoa dại nở rộ dọc hai bên đường. Trời đẹp thế mà trên đường xe cộ vắng tanh, không ai ra ngoài để thưởng thức cái đẹp của đất trời! Các ngả tư đèn đỏ bình thường bốn dãy xe bốn phía dài nhằng chờ tới lượt nay lèo tèo năm ba chiếc! Ngang qua cái shopping mall nơi mà cuối tuần mụ thường “lượn” qua vài vòng để xem có cái gì vừa đẹp vừa rẻ để “tha” về, nay cửa đóng then cài, bãi đậu xe trống hoắc!!! Hai nhà hàng buffet lớn nhất cũng chung số phận! Thành phố mụ ở, một thành phố nằm dọc theo bờ biển Đại Tây Dương hằng năm khách du lịch đến rất đông nên các khách sạn lớn nhỏ chi chít khắp mọi nơi, thế mà giờ này im lìm, các bãi đậu xe lơ thơ vài chiếc chắc là của những người khách lỡ độ đường!

Mụ thẫn thờ nhìn quang cảnh đìu hiu, mụ và dỉ nhiên cả nước Mỹ cũng như toàn thế giới không bao giờ nghĩ là có cái ngày hôm nay!!! Cái ngày mà phố xá quạnh hiu, cái ngày mà ai ở nhà nấy, cái ngày mà không được đến nhà thờ, không xi nê, không ca nhạc, không party, không bạn bè! Đến đây mụ ngộ ra một điều là cuộc đời thật phù du, biến đổi chỉ trong chớp nhoáng! Từ một đất nước xa hoa, “ngựa xe như nước, áo quần như nêm”, vậy mà thoáng một cái hoang lạnh như thế này! Và rồi mụ cũng ngẫm ra rằng, hằng bao nhiêu năm qua cuộc sống êm đềm bình yên là một hồng ân của Thiên Chúa ban cho thế mà mụ cũng như bao nhiêu người nữa có biết quí, có biết trân trọng, có nhận ra đó là hồng ân và dâng lời cảm tạ????

Chồng mụ cho xe vào bãi đậu, đây là nơi duy nhất bây giờ còn nhìn thấy nhiều xe! Vào tiệm sau khi mua được ít cá, một vĩ ức gà, một vĩ “cốc lếch” lẫn rau cải, mụ ghé quầy trái cây. “Ba đồng một công đi chợ” sẵn dịp đi mua luôn đồ tráng miệng mặc dù ở nhà hãy còn xoài và một bịch trái bơ! “Ơ kìa, trái gì giống như trái mít?!” Mụ tiến nhanh đến rồi kêu lên: đúng rồi, trái mít! Mụ quay lại vẫy chồng đang đẩy xe hàng phía sau nói như người bị líu lưỡi:

- Này ông, tới đây, trái mít!

Lão tiến đến gật gù:

- Đúng rồi, trái mít! Giống trái mít nhà mình ở VN quá ha!

“Trái mít nhà mình ở VN” phải rồi, nó đây rồi! Mắt mụ như mờ đi...!

Nhìn mắt mụ bất chợt xa xăm lão biết mình đã vô tình động vào nỗi lòng sâu thẳm của vợ!!! Lão lấp liếm huyên thuyên:

- Mít này ở đâu tới vậy cà? À, Mexico!

Nó trông ngon quá phải không? Mua đem về ăn nhe?! Không biết ăn liền được không?

Nhìn trái mít to tướng mụ ngần ngại:

- Trái mít to quá ăn một mình sao cho hết. Ông có ăn phụ được không?

Hỏi là hỏi vậy thôi chứ lão không ăn phụ được mụ vẫn mua! Đây là trái mít thứ hai mụ nhìn thấy sau gần 30 năm sống xa xứ, và là lần đầu tiên được nhìn thấy nó nằm chễm chệ trong một tiệm Mỹ trong thành phố mụ cư ngụ 23 năm nay! Nó giống y chang trái mít trong khu vườn gia đình mụ nơi quê nhà! Mụ phải mua về để nhìn cho đã con mắt nhớ thương!

Lão nghe hỏi trả lời cách chắc chắn:

- Phụ được chớ, trái cây của Việt Nam ngon quá mà!

Điều này thì lão nói rất thật, lần nào lão đi với mụ về VN đều chén trái cây no say! Chị ruột và đứa cháu gái của mụ rất thương lão nên mua không biết bao nhiêu là trái cây cho lão ăn trong suốt thời gian ở VN. Ngày nào lão cũng ăn trái cây từ buổi sáng mới mở mắt cho tới giờ đi ngủ mới thôi. Lão ăn như trẻ con ăn kẹo! Ăn kinh hồn, nhìn đống vỏ chôm chôm, măng cụt, mãng cầu, nhản chất cao như núi trên bàn thấy mà khiếp! Con bé phụ việc trong nhà bảo “nhìn Ông ăn con thấy đã thiệt, xách nặng mang về không thấy tiếc công!” Lão mê tất cả các loại trái cây VN nhưng mê nhất là sầu riêng! Loại trái này vẫn còn có một số người VN không ăn được, thế mà lão ăn say sưa!

Thế là trái mít được khuâng về nhà, ở tiệm lo “canh” cái con Corona Vũ Hán mắc dịch mụ không để ý trái mít bao nhiêu tiền. Kiếm cái giấy tính tiền xem thử, đây rồi, trái mít nặng 14.70 pounds (hơn 6kg rưỡi), giá.99cents 1 pound,=$14.55! Vật giá theo thời gian mà tăng dần, thế mà giá trái mít lại tỷ lệ nghịch!

[]

Ngược dòng thời gian nhớ lại những ngày mới tới Mỹ. Ngày đó mụ buồn thê thảm, nhớ nhà hết sức! Nhớ nhà nhớ cửa nhớ chị nhớ em nhớ cháu nhớ bạn nhớ bè, nhớ từng góc vườn, từng con đường, từng khu phố, nhớ đủ thứ! Nhiều đêm nhớ nhà không ngủ được nước mắt chảy dài! Nơi mụ ở cách thành phố San Jose (California), một thành phố có rất đông người Việt sinh sống, khoảng 15 phút lái xe. Nơi đây có một khu thương mại sầm uất của người Việt Nam nằm trên đường Tully nên người ta quen gọi là Khu Tully (bây giờ thì không còn sầm uất nữa vì có nhiều khu thương mại lớn hơn mở ra ở chung quanh). Mỗi khi có dịp là mụ đến đây không phải để mua sắm gì vì không có nhu cầu, vả lại nếu có thì cũng không thể, bởi lẽ ngày đó mụ nghèo lắm! Mụ thích đến đây chỉ là để nhìn thấy người Việt ở đó, họ đến ăn uống, đi chợ mua đồ ăn, rau quả VN. Mụ thích đi loanh quanh nghe họ nói chuyện lao xao để thấy vui, rồi đi qua đi lại mấy cái quán bán hàng để thấy quê nhà như đâu đây!!! Bánh da lợn , bánh bò, xôi vò, bánh cuốn, chả lụa, nem nướng...!!!! Mụ thích nhất trong khu này là cái nhà hàng có tên Nha Trang Restaurant! Mụ thích không phải vì nhà hàng này bán thức ăn ngon hay trang trí đẹp hay tiếp viên lịch sự..., mấy điểm này thì mụ chịu vì có bao giờ vào đây ăn uống đâu mà biết! Mụ thích đơn giản chỉ vì nó mang tên thành phố quê nhà của mụ. Cái thành phố thân yêu với biết bao kỷ niệm quá đẹp của một thời đi học, một thời tuổi trẻ, một thời hẹn hò! Ngỏ ngách nào nơi con phố quê nhà cũng đều có dấu chân của mụ, thế nên chỉ cần nhìn thấy cái tên là lòng mụ bồi hồi thương nhớ! Có rất nhiều lần mụ đậu xe trước tiệm nhìn chăm chăm vào cái bảng tên mà nước mắt tràn mi!

[]

Một lần nọ đến nơi này thấy một đám đông người đứng xéo xéo phía trước tiệm bán băng nhạc Làng Văn, tò mò mụ đến xem thì ra là người ta đang mua mít! Ở giữa đám đông là một người đàn bà với khoảng 5, 6 trái mít to. Bà ta đang xẻ mít để bán! Giá bán ít nhiều tuỳ miếng lớn nhỏ! Miếng nhỏ nhất là $10. Mụ nhìn miếng mít nhỏ nhất này, cở bằng bàn tay mụ xòe ra, múi mít vàng lườm thật hấp dẫn! Nghe người bán bảo là từ Long Khánh. Ngày đó nghe nói vậy thì biết vậy, chớ bây giờ nghĩ lại là làm sao mà cái thời ấy, những năm 1992, 93 cách gì mà chở mít được từ Long Khánh qua Mỹ bán trong khi chính sách cấm vận của Mỹ đối với Việt Nam chưa được dở bỏ?

Trở lại chuyện miếng mít, mít Long Khánh thì ngon nỗi tiếng mà! Muốn mua lắm nhưng mà $10 là số tiền rất to đối với mụ lúc bấy giờ! Ngày đó tiệm Burger King bán 1 cái Whopper (một loại bánh mì tròn kẹp thịt heo bằm kèm một lát cà chua, xà lách và một lát “phô ma” 🍔) chỉ có 99cents, chưa tới $1! Nếu xài sang mua thêm một lon Coke 50cents nữa, vị chi $1.50 là có một bữa ăn trưa ngon lành và no nê! Cũng thời gian đó ban ngày mụ đi học, tối đến đi làm ở một tiệm bán cards từ 6 giờ chiều đến 9 giờ tối, lương tối thiểu $4.25 một giờ chưa trừ thuế! Với mụ, $10 là có được 10 bữa ăn trưa, $10 là tròm trèm một buổi tối làm việc của mụ! Thèm thì có thèm, nhớ thì có nhớ đó nhưng mà không thể mua được! Mụ quay bước!

Về kể lại với Cha Mẹ, Cha của mụ chỉ nói: “Chà, mắc ghê hè”!

Mẹ của mụ thực tế hơn:

- Mắc vô hậu hỉ, $10 là bằng 1 phân vàng bên mình chớ ít chi! (Ngày đó 50 dollars mua được 1 chỉ vàng).

Rồi bà tiếp:

- Ui chàu, ăn mà đẻ được ông Hoàng bà Chúa thì cũng nên ăn! Còn không thì ăn chi ba cái thứ mắc mỏ nớ chớ!

Mụ bật cười trước cái lối ví von rất “Huế”, rất “an ủi” của Mẹ mình! Mẹ ơi, giờ này nếu Mẹ còn sống con kể chuyện trái mít con mới mua hôm nay to hơn 10 lần miếng mít 30 năm về trước, và giá rẻ hơn 10 lần thì chắc Mẹ sẽ chép miệng bảo, như hằng bao nhiêu lần khi thấy một sự việc ngoài ước đoán của mẹ đây, chỉ 3 chữ: “chi lạ hè”!!!

[]

Sáng nay như thường ngày khi thức dậy mụ rảo bước xuống bếp! Một mùi thơm quen thuộc thoang thoảng đâu đây! Mụ đi lần tới góc nhà bếp, đây rồi, mùi mít chín! Mụ ngồi bệt xuống sàn nhà cúi thật sát bên trái mít, hít lấy hít để! Mùi thơm của mít đưa mụ về tới khu vườn rộng của gia đình mụ nơi quê nhà! Nơi đó Cha của mụ đã trồng toàn cây ăn trái. Nơi đó là cam, là bưởi, là xoài, là sabotier, là mãng cầu ta, mãng cầu tây, là vú sữa, là mít, mít nhiều nhất, e cũng chục cây. Chỉ có 3 cây buổi ban đầu mà rồi theo thời gian tự mọc thêm, tự lớn! Nơi đó là nơi vang tiếng cười dòn dã của mấy chị em mụ chơi đuổi bắt nhau khi còn nhỏ. Và nơi đó cũng là nơi mà khi mụ lớn lên, những “người dưng khác họ...” đôi khi bất chợt đụng mặt nhau cùng một lúc trong nhà, thì một người... “lặng lẽ buồn thiu ngoài vườn...!!!!”

[]

Mụ ngước nhìn qua cửa kính, ơ kìa, những cây thông sau nhà hôm nay không phải là cây thông nữa mà rõ ràng là những cây mít! Những cây mít sau khu vườn của nhà mụ nơi quê nhà đây mà! Mụ đứng lên dợm mở cửa toan đi ra ngoài để được ôm lấy những thân cây mít tròn trịa kia. Một bàn tay ai đó đặt lên vai, lời nói nhẹ bên tai như đánh thức mụ khỏi giấc ảo mộng:

- Mình đi ra ngoài làm gì? Trời hãy còn lạnh. Đồ ăn sáng xong rồi. Đến ăn kẻo không khéo trà và cà phê nguội mất. À, đã nấu một củ khoai lang tím cho mình nữa đó! À này, tin vui mình nhé, tuần sau tiểu bang của chúng ta mở cửa lại rồi! Hãy vui lên nha. Rồi tất cả sẽ trở lại bình thường như trước. Rồi chúng ta sẽ đi Việt Nam nhé!

Mụ quay lại, chồng mụ đang đứng cạnh bên! Mụ nhìn lão cảm kích, lão luôn biết những gì mụ thích, mụ ao ước! Đã mấy mươi năm rồi mà lão bao giờ cũng vậy, dịu dàng, ân cần và chu đáo như cái thời mới lấy nhau! Thôi nhé mụ nhé, hãy bớt thương nhớ quá khứ! Kỷ niệm nào cho dù là có đẹp bao nhiêu cũng đã qua rồi, không bao giờ có lại được! Càng nhớ chỉ càng buồn, có ích gì? Cuộc đời phù du, đời sống ngắn ngủi, hãy tận hưởng những giây phút hạnh phúc hiện tại mình đang có!!! Mụ như choàng tỉnh, nắm lấy bàn tay chồng siết nhẹ, hạnh phúc là đây! Mụ thấy lão cười, nụ cười tươi hơn bao giờ, ánh mắt reo vui!

Mụ đưa mắt nhìn qua khung cửa sổ, ngoài kia nắng đã lên, một ngày mới đang bắt đầu!

Tháng 4/2020

Ý kiến bạn đọc
25/05/202006:02:10
Khách
Tui thì hổng hảo mít lắm. Lâu lắm lắm lắm rồi tui cũng chưa đụng đến múi mít nào.
Cái kiểu tưng tiu, nưng niu mít của Phi Nguyễn tui thấy dễ thương chi lạ!
Phi Nguyễn làm tui tự nhiên nhớ và thèm hột mít luộc như hồi xửa xưa🤓😻‼️
Những bài viết tới Phi Nguyễn nhớ tưng tiu, nưng niu giống như bài này nha🤓👍
15/05/202017:58:31
Khách
Lần đầu tiên "xâm mình" gửi bài viết của mình đến Việt Báo, và được đăng! Vui thì thôi! Bài đăng lên còn được các bạn vô đọc và khen nữa! Sướng thì thôi! Thiệt là cám ơn quá sức! Điều này là một khích lệ lớn lao cho "mầm non văn nghệ" là tác giả đây ghi sâu trong lòng! Nên chi từ đây tác giả quyết "dồi mài kinh sử" để "thừa thắng xông lên" để các bạn đọc cho vui và cũng để cho "mầm non văn nghệ " có thêm niềm Vui Sướng! 😃
Xin chúc các bạn một đời sức khỏe, một đời bình an, và một đời hạnh phúc! 💕
14/05/202016:42:11
Khách
Bài viết hay lắm! Vui, nhưng rất xúc động. Xin cám ơn tác giả.
14/05/202005:05:42
Khách
Lời văn nhẹ nhàng, đầy tình cảm quê hương ! Những Người xa quê đều thấy một phần đời mình qua bài viết và thèm những trái cây của quê hương Việt Nam quá... Mong chờ những bài mới . 👍👍👍👍👍
.
13/05/202022:08:24
Khách
Bài viết của bạn rất hay. Giọng văn mạch lạc, vui, và súc tích. Nội dung dễ hiểu ý chánh của người viết. Tiếp tục đóng góp thêm nữa cho độc giả Viet Báo online đọc nha. Lúc này do bởi " cúm Tầu "do đó ở nhà rảnh rỗi, tui thích đọc Viết Về Nước Mỹ, để được biết sinh hoạt sống của người Việt trên khắp nước Mỹ. Cảm ơn bài viết này nha.
13/05/202020:08:50
Khách
Viết bài hay quá và thơm như múi mít trúng mùa. Viết thêm nữa nhé! Chúc mừng!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 1,801,059
Tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Năm 2019, Tác giả nhận thêm giải Chung Kết Vinh Danh Tác Giả Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ hay còn gọi là giải Hoa Hậu. Tốt nghiệp Y Khoa Huế, thời chiến tranh Bác sĩ Vĩnh Chánh đã là Y Sĩ Trưởng binh chủng Nhảy Dù.
Tác giả đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước và mới nhận giải Viết Về Nước Mỹ Đặc biêt 2018 và giải Danh dự 2019. Bài đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà tới hơn 400 người tử vong- Hiện ông đang là cư dân Orlando, Florida, vùng đất rất quen với bão lụt.
Lời tòa soạn: Độc giả theo dõi Viết Về Nước Mỹ hẳn quen thuộc với ngòi bút Nguyễn Trung Tây. Tác giả là một linh mục dòng Ngôi Lời, và là người nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2010, khi ấy Tác Giả đang làm việc với thổ dân các thôn làng hẻo lánh vùng sa mạc miền Trung Úc Châu, không kịp về lãnh giải. Cụ bà Hà Thị Phức, năm ấy 86 tuổi, là nhân vật chính bài “Mẹ, Mẹ Tôi” của tác giả từ San Jose đã bay về nhận giải thay người con linh mục viết văn. Hôm nay, nhận tin Bà Cố đã được Chúa gọi về, Việt Báo và toàn ban tuyển chọn Viết Về Nước Mỹ xin thành kính phân ưu cùng tác giả Nguyễn Trung Tây và cùng dâng lời cầu nguyện cho linh hồn Bà Cố Maria Hà Thị Phức sớm an hưởng nhan thánh Chúa. Xin đăng lại bài “Mẹ, Mẹ Tôi” để tưởng nhớ.
Lịch sử nhân loại đã từng diễn ra bao nhiêu trận chiến kinh hoàng, xương chất thành núi máu chảy thành sông vì chuyện màu cờ sắc áo. Với người Việt nam thì ai quên được bức ảnh những người lính Thuỷ quân lục chiến của quân đội Việt nam Cộng hoà cắm cờ quốc gia sau khi tái chiếm Cổ thành ở Quảng trị vào mùa hè đỏ lửa năm 1972. Có thể đó là tấm ảnh đã làm thay đổi cậu bé tôi vì chào cờ mỗi sáng thứ hai đầu tuần ở sân trường học, cậu bé tôi chỉ chăm lo cho bộ đồng phục của mình thẳng thớm, cột dây giày đã đúng cách chưa để không bị phạt
Trời cuối thu, những chiếc lá vàng bay lượn trên không rồi từ từ thả mình xuống mặt đất. Thỉnh thoảng một cơn gió nhẹ lướt qua, đám lá trên cành lao xao và khi trời lộng gió từng đám lá lià cành tung mình khắp không trung. Cảnh đẹp như tranh vẽ. Chỉ vài ngày nữa thôi, chiếc lá cuối cùng rụng xuống, cây sẽ chỉ còn những cành trơ trụi, khẳng khiu. Bà bước ra khu vườn nhỏ, lững thững đặt chân trên thảm lá vàng, những chiếc lá khô như vỡ vụn dưới từng bước chân. Không gian tĩnh lặng, êm đềm. Bà hít thật sâu, thở ra thật nhẹ. Bà đếm từng hơi thở, chú tâm đến từng bước chân đi, đầu óc nhẹ nhàng, tâm hồn thanh thản. Cứ lẳng lặng như thế cho đến lúc thấm mệt bà ngả người trên chiếc võng ngước nhìn lên trời cao tìm mây. Trời xám buồn, chỉ có vài quầng mây mỏng, ửng nắng.
Sau hơn hai năm sống lây lất ở trại tị nạn PFAC (The Philippine First Asylum Camp,) cuối cùng tôi được thằng Thanh sống chung trong nhà giới thiệu vô IOM (The International Organization for Migration) làm thế chỗ nó khi nó lên đường đi định cư vào giữa năm 1991. Cơ quan này là một trong các cơ quan đầu não rất quan trọng, chỉ sau Cao Ủy Tí Nạn (UNHCR-The United Nation High Commissioner for Refugees) và Văn Phòng Ban Quản Đốc Trại (OIC- Office In Command) mà thôi. IOM có nhiệm vụ đón người tới, đưa người lên đường định cư hay hồi hương, chăm sóc sức khỏe, lo lắng đời sống cũng như quản lý dân số trong trại do đó vô cùng bận rộn với rất nhiều công việc.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam. Bà tên thật Nguyễn thị Ngọc Hạnh, trước 1975 đã là giáo sư trung học đệ nhị cấp tại Saigon. Cùng gia đình tới Mỹ từ 1979., hiện hưu trí tại miền Đông và vẫn tiếp tục viết. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Gia đình cô Loan qua Mỹ năm 1995 theo diện HO. Cô có 3 người con, Tuấn (trai đầu) có gia đình ở Sacramento lái xe về nhà cô khoảng 2 tiếng đồng hồ, Kiệt (con nhì) và gái út là Thanh Phương làm việc bên Washington D.C và Texas. Cô chú đến tuổi nghỉ hưu nên cũng tìm niềm vui tuổi già. Cô Loan thích đọc sách và đi Chùa, còn chú Phi ưa gặp bạn bè uống cà phê tán dóc và tham gia sinh hoạt bạn “tù cải tạo”, bạn chung đơn vị lính, bạn trường học cũ và khoá Thủ Đức. Từ khi bị bệnh dịch Covid_19, cô chú chỉ biết bó gối xem tivi, xem phim và ra vô khu vườn tỉa hoa nhổ cỏ. Thỉnh thoảng Tuấn cũng lái xe lên thăm ba mẹ.
Chúng ta đang sống trong một đất nước an bình, thịnh vượng, và no ấm nên ít ai phải bận tâm với cái đói; chúng ta chỉ lo hôm nay phải đổi món ăn gì cho ngon miệng mà không ngán. Vậy mà ngay trên đất Mỹ này, nơi mà thực phẩm, thức ăn đầy đủ nếu không muốn nói là dư thừa và rẻ nhất thế giới, tôi vẫn còn giữ cái tật không cần thiết là tích trữ thực phẩm, đồ ăn khô phòng khi đói, bảo đảm giữ được phẩm chất 10 năm, và vài thùng nước 20-gallon màu xanh.
Tác giả đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước và mới nhận giải Viết Về Nước Mỹ Đặc biêt 2018 và giải Danh dự 2019. Bài đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà tới hơn 400 người tử vong- Hiện ông đang là cư dân Orlando, Florida, vùng đất rất quen với bão lụt.
Nhạc sĩ Cung Tiến