Tác giả Nguyễn Duy-An là cư dân Virginia, hiện là Vice President Information Technology của NATIONAL GEOGRAPHIC. Lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ, ông gửi một tự truyện và một truyện tình, đều bắt đầu từ Bình Giả, một địa danh quen thuộc của Việt Nam thời chiến. Chưa đầy 3 tuần sau khi bài lên Việt Báo online, đã có hơn 3,600 người đọc “truyện tình cờ”, hơn 3,000 người đọc tự truyện của chàng trai Bình Giả. Cả hai bài hiện dẫn đầu trong số 10 bài có nhiều người đọc nhất. Sau đây là phần tiếp tự truyện.
Tôi rời nông trại của người bảo trợ mấy ngày trước lễ Tạ Ơn (Thanksgiving) của Mỹ vì không muốn một mình ngồi nhìn cảnh gia đình 9 người con và gần 20 đứa cháu nội ngoại của họ sum họp quây quần vào dịp lễ.
Tới Virginia, nhờ sự giúp đỡ và giới thiệu của cha Trần Đình Nhi, chánh xứ giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, tôi dọn đến ở chung với 3 người bạn khác trong một chung cư 2 phòng ngủ, và xin tiền trợ cấp học bổng, nộp đơn xin vào Đại Học Cộng Đồng (Community College). Nhiều người khuyên tôi nên chờ một năm, sau khi đã trở thành thường trú nhân của Tiểu Bang để khỏi phải chịu tiền học phí cao, nhưng tôi đã quyết định xin vào học ngay từ mùa xuân 1985 vì thấy mình đã muốn già rồi!
Nhờ những người bạn cùng chung cư, tôi tới trường làm quen với những sinh viên Việt Nam để học hỏi kinh nghiệm trong mấy tháng còn lại trước khi chính thức nhập học. Lúc bấy giờ, đại đa số người Việt Nam theo học ngành kỹ sư điện (Electrical Engineer) hoặc Vi Tính (Computer Science). Những ngày ở với cha Trần Đình Trọng ở Vinh Trung - Bình Giả, tôi đã bị điện giật mấy lần vì giúp sửa máy điện của nhà thờ nên rất sợ điện. Do đó tôi quyết định chọn ngành Vi Tính.
Lúc nhìn vào những môn học cần thiết cho ngành Vi Tính, tôi mới thật sự hoảng sợ vì môn toán. Thực tình mà nói, hồi nhỏ tôi rất giỏi toán, nhưng lúc ở trong chủng viện, từ lớp 10 trở lên, tôi phải theo chương trình ban C (Văn Chương và Sinh Ngữ), về sau đi học triết nên trình độ toán của tôi lúc bấy giờ chỉ ngang ngửa với một em học hết lớp 9 trung học.
Tôi ra thư viện mượn một số sách toán về học ngày học đêm để chuẩn bị cho tương lai...
Trong lúc chờ đợi nhập học, tôi phải đi kiếm một việc làm ban đêm để sống qua ngày chứ chẳng lẽ chiều chiều lên nhà thờ, giả vờ phụ giúp việc gì đó để ăn cơm "chùa" mãi cũng kỳ cục. Hai ngày cuối tuần không nói làm gì, chứ chiều nào cũng thế chắc quê xệ lắm, mặc dầu bạn bè vẫn cho tôi là người "đẹp trai không bằng chai mặt".
Cũng tại nhà thờ Việt Nam, tôi quen được một người chuyên thầu "cleaning" (quét dọn các văn phòng công sở sau giờ làm việc). Thấy tôi nói được tiếng Anh khá, bác này cho tôi trông coi một building, mỗi tối làm 4 tiếng từ 6 giờ tới 10 giờ đêm, đi về có người chở, mỗi giờ 4 dollars, không phải làm, chỉ sắp xếp công việc cho những người khác làm (đa số là người Việt Nam) và làm bù lúc có người nghỉ, thêm phần liên lạc với chủ nhân của building và ông chủ thầu người Việt Nam.
Sau vài tuần, tôi thấy công việc cũng không đến nỗi nào, nên xin nhận làm một phần như những người khác (3.50 dollars một giờ), và phải làm thật nhanh để xong việc trong vòng 3 tiếng thay vì 4 tiếng như những người khác, vì nửa giờ đầu và nửa giờ cuối phải đi một vòng phân chia công việc và ghi sổ sách giấy tờ. Từ đó, đêm từng đêm tôi đi quét nhà, hút bụi, lau cầu tiêu để sống qua ngày.
Về sau, với tiền học bổng và làm việc trong trường, tôi cũng tạm đủ sống, nhưng vẫn tiếp tục giữ cái "job" lau cầu tiêu này để kiếm thêm tiền mua quà gởi về giúp gia đình bên Việt Nam.
Việc mua hàng, đóng thùng và đi gởi quà về Việt Nam thời bấy giờ cũng là một huyền thoại! Cha mẹ tôi và các em, các cháu bên nhà đâu có hiểu được những chai dầu xanh, những xấp vải, radio-cassette... tôi gởi về từ đâu mà có. Nhưng tôi rất vui mừng và hãnh diện vì trong gian nan khốn khó của những ngày đầu sống kiếp tỵ nạn, tôi đã giúp đỡ gia đình được phần nào qua cơn túng quẫn, đều đặn 3 tháng một thùng quà cho tới ngày có chương trình chuyển tiền.
Tới ngày ghi danh các lớp vào mùa xuân 1985, người ta chỉ cho phép tôi lấy 12 credits (tín chỉ). Tôi cự nự và khiếu nại với counselor ở trường, cũng chẳng tới đâu. Người ta gởi tôi lên gặp ông Dean (Khoa Trưởng) về Vi Tính (thời đó gọi là Data Processing). Ông ta hỏi tôi tại sao muốn ghi nhiều lớp cho mùa đầu tiên, tôi trả lời thẳng thắn: Tôi già rồi, qua trễ, tôi muốn chạy nước rút càng nhanh càng tốt. Và cuối cùng ông ta đồng ý cho tôi ghi thử 18 credits, nếu qua tháng đầu cảm thấy không học được phải "drop" xuống 12. Tôi hý hửng với tờ giấy ghi danh có chữ ký của Khoa Trưởng để bắt đầu cuộc đời sinh viên tại Mỹ.
Những người bạn Việt Nam trong trường cho rằng tôi "hơi mát", nhưng tôi cứ bỏ ngoài tai. Từ đó, mỗi ngày tôi lên trường từ 7 giờ sáng, chờ tới 5 giờ 30 chiều có người chở đi làm.
Tiền mua sách vở cũng là một gánh nặng ở đại học. Tôi theo bạn bè tìm mua sách cũ nhưng cũng không đủ, nên tôi nghĩ ra một cách là mượn sách của các bạn cùng lớp, mỗi người một hôm lúc người ta không có lớp, ngồi trong thư viện chép lại bằng tay vì nghĩ rằng viết ra được cũng giúp mình học nhanh hơn. Cái tai hại đầu tiên tôi gặp phải là ông thầy không dạy theo thứ tự trong sách, nhưng nhảy qua nhảy lại. Nguyên cái việc tìm ra chỗ trong tập của mình đã khó rồi, nhưng có chỗ mình chưa viết tới nên còn khốn khổ hơn nữa. Nhưng rồi khốn khó cũng qua đi.
Sau kỳ thi giữa khóa (mid-term), tôi lấy được toàn bộ điểm A, kể cả môn Anh-Văn (English Composition I), nên anh chị em sinh viên Việt Nam trong trường bắt đầu nể phục tôi. Việc tôi thi tuyển được vào ngay English Composition I chứ không phải học một lớp ESL (English As Second Language) nào cả cũng đặc biệt rồi, bây giờ thấy tôi lấy A, bạn bè Việt Nam cứ theo hỏi cách học. Tôi thẳng thắn trả lời: Tất cả đều nhờ công lao các cha các thầy trong tiểu chủng viện Xuân Lộc, chứ khả năng tôi cũng như các bạn thôi. Còn cách để học thêm từ ngữ mới (vacabulary) thì tôi nói thật với mọi người là mỗi ngày tôi xé một tờ trong cuốn tự điển Anh Việt của Trần Văn Điền bỏ túi, thỉnh thoảng mở ra học, kể cả lúc ngồi trong nhà vệ sinh.
Lúc bấy giờ, mặc dầu là trường 2 năm, nhưng có người đang học năm thứ 3 hoặc thứ 4 vì phải bỏ cả năm hoặc hơn nữa để học tiếng Anh (ESL). Cũng có người học gần xong nhưng chưa xin chuyển trường được vì chưa lấy English Composition I & II.
Từ đầu tháng 3 năm 1985, tôi có việc làm trong trường với số lương tối thiểu, nhưng vì là sinh viên mới, lại không bắt đầu từ mùa thu, nên người ta không biết cho tôi làm việc gì... Cuối cùng, thấy tôi cứ ngồi ở thư viện suốt ngày, nên văn phòng counselor (kế bên thư viện) nhận cho tôi làm cái chân "lấy hẹn" cho sinh viên gặp counselor, làm 20 tiếng một tuần với mức lương tối thiểu. Nhờ làm việc ở văn phòng couselor nên tôi quen biết hầu hết sinh viên, nhất là các anh chị em người Việt mình.
Sau khi biết tôi được điểm A về Anh Văn trong kỳ thi giữa khóa (mid-term), một anh Việt Nam ngỏ ý mời tôi đi ăn trưa ở một nhà hàng Việt Nam, tôi ngại ngùng từ chối, nhưng anh ta cứ theo nói mãi nên tôi xiêu lòng. Ăn xong anh ta mới cho biết là đã qua Mỹ từ năm 1979, học ở trường hơn 3 năm, đang học lớp English Composition II để cho đủ tiêu chuẩn đổi lên University. Lớp Anh Văn I anh ta cố gắng lắm mới lấy được điểm C, nên muốn nhờ tôi giúp. Tôi ngại quá, nhưng "ăn của chùa thì ngọng miệng" nên đành nhận lời.
Lúc bấy giờ, trong các lớp Anh Văn, các bài viết hoặc thầy cho đề tài về nhà viết, hoặc nói trước một vài đề tài cho sinh viên chuẩn bị, rồi vào lớp viết trong vòng 45 phút. Anh ta muốn tôi giúp viết sẵn một số bài tủ, anh ta sẽ trả tiền, nhưng tôi không dám. Tôi chỉ hứa trong tuần kế đó, sẽ giúp anh viết bài luận ở nhà (homework). Khi được báo đã có đề bài, tôi hẹn anh ta xuống cafeteria của trường, mua sẵn một gói thuốc và một ly ca phê. Thời đó chúng tôi muốn hút thuốc chỗ nào cũng được chứ không khó khăn như bây giờ, vả lại vào đầu tháng tư tại Virginia trời còn lạnh lắm, nên làm liều ngồi viết bài cho người bạn ngay trong cafeteria. Khi nhận lại bài luận với điểm B, anh bạn này bắt tôi phải nhận 20 dollars và còn khoe với người khác, nên thỉnh thoảng tôi trở thành người viết bài tiếng Anh bất đắc dĩ cho bạn bè Việt Nam trong trường với giá cả $20 một bài cộng thêm gói thuốc và ly cà-phê!
Vấn đề ăn uống trong thời gian này cũng nhiêu khê lắm. Mua thức ăn trong trường thì tốn kém, về nhà thì xe cộ chưa có, nhờ cậy phiền hà, đi xe bus vừa vất vả vừa mất thì giờ. Để giải quyết vấn đề này, tôi cứ mang theo 3, 4 gói mì trong cặp, xin nước sôi ở cafeteria là xong bữa. Về sau có người ở nhà thờ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam biết tôi ăn mì gói quanh năm để đi học, đã cho tôi về ở trọ, có gì ăn nấy với gia đình người ta chứ không phải trả tiền ăn, tôi mừng lắm, và lúc nào cũng nhớ ơn, đi lại thăm nom như chú ruột vậy. Đó là chuyện về sau. Còn bây giờ, tôi cứ phải vật lộn với mì gói để sống qua ngày.
Vì sợ phải ghi ít lớp, học lâu xong, vả lại tôi cứ ngồi trong thư viện suốt ngày nên cũng chẳng biết làm gì hơn là học. Tôi làm hết homework (thường là những bài số chẵn, hoặc những bài số lẻ), còn thì giờ, tôi làm hết cả những bài không phải làm. Tôi dùng một cuốn tập làm những bài phải nộp cho thầy, một cuốn khác ghi lại tất cả những bài khác. Những bài tập viết software cũng thế, tôi tìm ra ít là 2 cách làm khác nhau. Việc làm này lúc đầu chỉ giúp tôi học khá hơn thôi, nhưng về sau trở thành một dịch vụ! Số là cuối mùa học, tôi muốn tiết kiệm tiền nên cũng rao bảng bán lại sách cũ như nhiều sinh viên khác vẫn làm.
Tôi còn nhớ mãi chuyện tình cờ xảy ra lúc tôi muốn bán lại cuốn Calculus I. Cuốn sách toán nặng cả ký này tôi đã phải trả 65 dollars, nếu tính theo lương tôi làm việc tại trường lúc đó, mất hẳn một tuần lương! Tôi định bán khoảng $50, kể cũng hơi cao so với những cuốn sách cũ khác, nhưng vì tôi giữ sách rất cẩn thận nên hy vọng bán được. Một cô bé người Mỹ tới xem rồi chê mắc, bỏ đi. Tình cờ lúc đó tôi làm rớt cuốn tập giải các bài homework xuống sàn nhà, cô ta cúi xuống nhặt dùm. Tôi chưa kịp nói "thank you", cô ta đã nắm tay tôi kéo ra khỏi thư viện nói chuyện. Cô ta đồng ý sẽ mua cuốn sách toán của tôi và tập bài giải với giá $100, và sẽ mua hết những sách khác của tôi, hoặc giới thiệu người mua dùm để tôi không gắn giấy rao bán trên "bulletin" nhà trường nữa, sợ người khác mua mất. Chúng tôi trở thành bạn từ đó. Bạn thôi chứ không phải là bạn gái đâu nhé!
Vì muốn học nhanh nên tôi ghi tên học cả mùa hè 1985, nhưng chỉ ghi được 12 credits vì mùa hè không có nhiều lớp để chọn.
Chuyện xảy ra vào mùa thu 1985 mới thực sự làm tôi nổi tiếng trong trường. Sau 2 mùa với 30 credits điểm A, tôi rất tự tin nên tôi ghi 27 credits trong tờ ghi danh mùa thu. Lúc nhận được, nhân viên văn phòng trợn tròng cặp mắt xanh lè, nói lớn như hét vào tai tôi, "Are you crazy"" làm cả phòng nhốn nháo cả lên. Sau khi nghe trình bày sự việc, bà xếp phòng "registration" chẳng nói chẳng rằng, bốc điện thoại nói chyện gì đó, rồi đưa tôi mảnh giấy lên gặp ông Khoa Trưởng lần nữa.
Ông ta khuyên tôi nên giảm bớt chứ không nói gì nặng lời vì thấy tôi lấy toàn điểm A. Tôi giải thích cho ông ta là tôi muốn chuyển trường vào mùa tới nên muốn học cho xong. Thấy nói mãi không thuyết phục được tôi, ông ta đành ký giấy chấp thuận.
Mới học được 2 tuần, tôi phải giảm bớt việc "lau chùi quét dọn", chỉ trông coi nhóm nhân viên làm ban đêm để lợi dụng thời giờ làm cho xong bài vở. Tôi cũng làm đơn mượn nợ của chính phủ để đi học đại học, mặc dầu tôi thực sự chưa cần lắm. Tôi cứ mượn vì số nợ đó không phải trả trong lúc còn đi học. Tiền "student loans" tôi cứ để trong quỹ tiết kiệm, không dám đụng đến, để dành phòng khi "trái gió trở trời".
Cha Nhi cũng gọi điện thoại hỏi tôi sao kỳ này ít lên nhà thờ chơi, chỉ đi tập hát, lễ lạy xong trốn mất tiêu. Tôi đành nói sự thật, ngài hoảng quá, bảo tôi học vừa thôi, coi chừng loạn óc. Thực ra ngài gọi tôi vì thấy 2 tuần liền tôi không ghé chơi chứ cũng chẳng trách cứ gì, và hơn nữa có người cho chiếc xe cũ (10 năm hơn) nên hỏi tôi có lấy không. Đương nhiên là tôi nhận.
Chiếc xe cọc cạch đáng giá khoảng 300 dollars này đã làm phương tiện cho tôi vượt qua những năm sống đời sinh viên tại Mỹ. Một lần nữa em xin cám ơn anh Hùng (Virginia) đã giúp em, mặc dầu anh vẫn nói "cậu không lấy tớ cũng vất đi", nhưng làm sao em quên được ân tình anh đã dành cho em lúc đó. Anh bán đi cũng được, nhưng anh đã cho em vì "để hắn có cái mà đi nhà thờ nhà thánh".
Nhắc đến việc "nhà thờ nhà thánh" tôi phải nhớ lại chuyện "cười ra nước mắt" của chính mình tại nhà thờ vào đêm lễ Phục Sinh 1985.
Nguyễn Duy-An