Hôm nay,  

Bão Irma và Tôi

03/10/201700:00:00(Xem: 9684)
Bão Irma và Tôi
Tác giả: Ngô Đình Châu

Bài số 5234-19-31077-vb3100317
 

Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông sinh năm 1952, dân Sài Gòn, cựu sinh viên Văn Khoa, cựu Sĩ quan Quân đội Miền Nam, một trung đội trưởng tác chiến. Hồi cuối cuộc chiến, chàng là một thương binh và buổi sáng ngày 1 tháng Năm 1975, bị đuổi ra khỏi quân y viện... Bài viết mới là chuyện về cơn bão Irma tại vùng quê mới của tác giả Tampa, Florida.

 
***
 

Có lẽ, chúng ta không có bao nhiêu người biết về bão, thông thường người ta xem trên TV hay nghe người khác kể lại, rồi hờ hững chép miệng "ghê quá, ghê quá!" thế thôi. Tôi không may khi phải gặp bão hai lần, một lần tại Jacksonville- FL và lần này tại Tampa với bão Irma.

Bão thường xuất hiện từ tít mù xa ở vùng biển Caribbean, bão Irma cũng vậy, cường độ bão mạnh dần lên đến cấp 5 là cấp cao nhất tại Mỹ, vận tốc gió lên đến 180 dặm/giờ (285 Km/h) Bão Irma tiến từ Đông sang Tây, càn quét hầu hết các quần đảo thuộc vùng Caribbean, chạy dọc dài theo sườn Cuba, rồi theo ngả Key West đâm vào Miami, thổi tốc lên hướng Bắc, chạy dọc theo bờ Đông của Florida.

Tôi vừa xem TV theo dõi đường đi của bão, vừa uống bia nhai khô bò nhóp nhép. Bão đi vào bờ Đông, còn mình ở Tampa thuộc bờ Tây, cho nên yên chí, không ăn nhậu gì tới mình.

Ý Trời không phải vậy, đường đi của bão từ từ thay đổi, cũng chạy từ Nam lên Bắc, nhưng bây giờ không còn chạy dọc bờ Đông nữa mà nghiêng về phía Tây, chạy giữa ruột Florida phóng vút từ Miami lên đến tận Orlando.

Lúc này bão còn xa lắm, chưa tới Cuba nhưng dân Florida bắt đầu hoảng loạn vì bị ảnh hưởng tâm lý từ cơn bão Harvey kinh hoàng, chỉ xảy ra mấy ngày trước tại Houston. Hai Freeway chính chạy dọc theo hai bên sườn Florida, freeway 95 chạy dọc bờ Đông và 75 chạy dọc theo bờ Tây, lúc đó hàng triệu xe túa ra như đàn ong tràn ngập hai freeway này, người ta kéo nhau chạy về hướng Bắc để tránh bão. Xe lũ lượt nhập vào freeway khiến đường kẹt cứng, xe phải nhúc nhích từng chút một. Bạn ta kể, có lần Houston gặp bão, cư dân được lịnh di tản, freeway 10 có đoạn chạy ngang Houston, mỗi bên có 10 lane, hai bên là 20 lane, thành phố ra lịnh đồng loạt cho 20 lane này để cho xe chạy ra khỏi thành phố, vậy mà xe vẫn kẹt cứng, chạy không được.

Vấn nạn kế tiếp là xăng dầu, người ta ùn ùn đổ xăng để tháo chạy, các cây xăng trong thành phố và dọc đường đi, không còn xăng nữa. Trong đoàn xe di tản này chỉ cần một chiếc xe hết xăng là coi như tai họa cho cả đoàn. Các khách sạn trên "Đại lộ kinh hoàng" treo bảng hết chỗ, quân ta ngủ dật dờ trong các Rest Area, trong xe có gì ăn nấy, hàng quán sạch trơn.

Có ba phương cách để đối phó với bão: thứ nhất là lên xe "cao chạy xa bay", thứ hai là gia đình đùm túm nhau vào các shelter trú ngụ cho qua cơn bão, thứ ba là cố thủ tại nhà. Ngoài ra, không còn cách nào khác.

Tới ngày thứ bảy 9/9, ý Trời lại thay đổi, đường đi của Irma lệch hẳn về bên trái, nó sẽ chạy dọc theo bờ Tây của Florida, để "tao ngộ chiến" với cư dân Tampa! Lúc đó mình bắt đầu lo lắng. Vợ chồng con cái chọn phương án chạy vào shelter tạm trú, bởi vì nếu lên xe tháo chạy, ra đường khung cảnh hỗn loạn, xe không chạy được và rồi nếu lỡ hết xăng... nằm chết dí trên đường, chờ "hung thần" kéo tới, thì coi như "đường về xứ Phật".

Mình bàn với bà xã, định ăn cơm trưa xong là kéo vào shelter, bà vợ bèn phán cho một câu:" đi chi sớm, ăn cơm chiều xong rồi hãy đi", đành thôi, ý vợ là ý Trời.

Shelter mở cửa lúc 8 giờ sáng thứ bảy ngày 9/9. Đến 10 giờ, gia đình thằng em kéo vào trú ngụ, lúc đó mới tá hỏa, shelter đã đầy ứ không nhận thêm người nữa. Đứa em gọi cho tôi, nói rằng, không cơm nước gì hết, chạy nhanh lên để kiếm shelter khác, nếu không là chết chắc.

Mình ra lịnh lập tức lên đường. Phu nhân chạy ào đi ủi quần áo, rồi chải đầu sấy tóc và các chuyện linh tinh khác. Thế đấy, đàn bà cho dù chạy loạn, ra đường cũng phải tinh tươm chớ không chịu để bù xù, coi sao được.

Vợ chồng con cái xúm lại chất đồ đạc lên xe. Nào là một giỏ thức ăn khô như bánh mì, đồ hộp, chà bông. Nước uống đầy đủ, ngoài ra còn có tissue, paper towel (để lau tay), napkin (để chùi miệng). Rồi nào là mền đắp, tấm trải, thuốc men, thêm gối ngủ cho nó điệu đàng. Ái chà, ngày xưa đội quân Trinh sát của Thiếu úy Charlie mà trang bị lùm xùm như thế này là coi như nộp mạng cho VC, (người viết là cựu Sĩ quan Trinh Sát ).

Trời u ám, mưa chỉ lất phất, tất cả chúng tôi lên xe ra đường. Ô hay! ngó quanh hàng xóm sao lại thế này! Người ta vẫn còn y nguyên, không ai bỏ đi đâu cả, thật lạ. Mình xuống xe dọ hỏi, sao các ông bà không kéo đi tránh bão. Họ trả lời, zone của khu vực này zone E, nên thành phố không kêu di tản, chỉ có zone A và B là phải đi thôi. Cả nhà nhao nhao lên: "Thôi mình ở nhà, đừng đi nữa!" OK, chơi thì chơi, sợ gì, coi như một lần nữa dẫn lính xung phong vào mục tiêu.

Sau đó, Tướng quân NĐC ra lịnh lập Tuyến phòng thủ Mỹ Chánh (y như xưa). Không còn thì giờ chạy đi mua ván ép về đóng kín cửa sổ, cho nên đành lấy băng keo Duct Tape dán dọc ngang lên cửa, để đề phòng nếu cửa bị gió đánh bể, những mảnh vỡ sẽ không bị văng tứ tán. Kế đó, vợ chồng con cái ì ạch khiêng mấy tấm nệm chắn ngay cửa sổ cho chắc ăn. Bạn ta nói, khi cửa kiếng bị bão đánh vỡ một miếng to bằng bàn tay là phải lo bít lại ngay, nếu không gió sẽ luồn vào phá nát đồ đạc trong nhà.

Tất cả đồ đạc linh tinh ở ngoài vườn, ngoài patio, phải mang hết vào nhà, nếu không gió sẽ đánh chúng vào cửa kiếng rất nguy hiểm. Tất cả tranh ảnh, đồng hồ treo tường, vật trang trí... đều phải hạ xuống.

Thường thường mùa bão kéo tới vào tháng 9, nên khi đầu tháng 8, tôi đã lo tích trữ nước uống để trong nhà, nếu không khi bão tới mới chạy đi mua là muộn rồi. Nước uống đã dư thừa không phải lo, còn nước sinh hoạt như vệ sinh, dội cầu... thì sao? Lúc đó nước được chứa đầy trong bathtub, và chứa đầy trong các thùng nhựa. Bão tới có khi cúp điện cúp nước cả tuần. Á! lần sau nhớ mua một máy phát điện.

Tướng quân thủ sẳn một đèn pin cực mạnh như súng M18, đèn cầy đã có đủ. Lò gas, bếp gas, thức ăn khô ê hề, có thể dùng được cả tuần. Tất cả công việc phòng thủ rất bài bản này, đều do bạn bè từ Houston gọi sang hướng dẫn, nếu không thì cũng quờ quạng lắm.

Tất cả đã sẳn sàng tại tuyến phòng thủ chờ giặc Hung Nô kéo tới từ phương Nam. Ngày xưa, lính Trinh Sát như tụi tôi có cái lệ, là khi bị rượt đuổi vào tuyệt lộ, không còn con đường nào khác để chạy, thì phải chiến đấu cho tới cùng. Chẳng phải hay ho gì đâu, bởi vì nếu không kháng cự lại là coi như "nạp mạng cho chằn".

TV các đài đều chiếu cảnh bão liên tục, các tin tức khác đều tạm ngưng hoặc chỉ chạy một hàng chữ nhỏ. Bão lan rộng 400 dặm (640 Km) bao trùm khắp Florida, có người nói bên Âu châu người ta cho rằng bão Irma lớn bằng nước Pháp, nghe thấy ghê!

Đường đi của Irma được update từng giờ, tới chiều thứ bảy, nó chạy dọc theo Key West, đến nửa đường chỗ thị trấn Marathon, thì nó bẻ ngoặt về hướng Tây rồi đâm vào thành phố Naple, nằm về hướng Tây Bắc của Miami, với cấp độ 4. Miami coi như thoát nạn. Trong những ngày đó, Miami cạn sạch xăng dầu, Thống đốc Scott phải ra lịnh cho một đoàn xe bồn chở xăng, được cảnh sát mở đường, tiến vào giải cứu cho Miami.

Sau khi Irma quậy nát Naple, nó tiếp tục con đường tiến về phương Bắc, dọc theo bờ Tây để đánh phá thành phố tiếp theo là Fort Myers, rồi nó lừng lững tiến tới với vận tốc di chuyển là 14 dặm/giờ. Lạ một điều, bão đi tới đâu nước nơi đó bị rút cạn, trong khi phía đối diện bên bờ Đông như Miami, West Palm Beach... nước lũ tràn về cuồn cuộn gây ngập lụt.

Đường đi của Irma từ giờ phút đó cho tới tận đêm khuya, theo dự báo vẫn không thay đổi. Có nghĩa là cặp theo bờ Tây của Florida đi thẳng về hướng Bắc, đánh dọc dài qua các thành phố như: Sarasota, Bradenton, Sant Petersburg... rồi đâm thẳng vào down town Tampa vào lúc 2 giờ sáng. Nếu đi đúng như vậy, sau khi kéo qua down town, nhích lên một chút xíu sẽ vỗ mặt vào tuyến phòng thủ mong manh của tướng quân NĐC, trong trận chiến không cân sức này, mười phần thua bảy còn ba, hehe! Phen này "một xanh cỏ, hai đỏ ngực".

Thống đốc Rick Scott huy động 7 ngàn Vệ binh Florida và 30 ngàn Vệ binh ở các nơi khác kéo về vùng Tampa. Nơi đây kể từ năm 1921, chưa hề gặp bão lớn đánh vào. Khu vực này hiện nay có khoảng 3 triệu người. Thống đốc Scott rên rỉ trên Đài NBC: "điều quan trọng hiện nay là mọi người hãy cầu nguyện cho chúng tôi..." (báo Người Việt).

Cả nhà chúng tôi trải mền ngoài phòng khách nằm ngủ, tránh xa các cửa kiếng và các ngọn đèn chùm. Đèn pin, đèn cầy và điện thoại để sát bên mình, quần áo gọn ghẻ, tất cả đã sẳn sàng vào vị trí chiến đấu. Đồng loạt các bạn bè cật ruột từ khắp nơi trên nước Mỹ, nước Pháp, nước Úc và cả Việt Nam ngồi dán mắt vào màn hình xem bão đánh vào Tampa, và cảm động đến ứa nước mắt, khi tất cả đều thành tâm cầu nguyện Đấng Thiêng liêng phù hộ cho bạn mình.

Ngoài trời âm u mưa gió nhẹ, đến 10 giờ mưa gió lớn dần lên. Đến 11 giờ, toán quân tiền phương của giặc Hung Nô ào ào kéo đến công thành, xử dụng độc chiêu "mãn thiên hoa vũ", sức gió chỉ là khúc dạo đầu, 60 dặm/giờ (100 Km/h) nhưng cũng đủ làm kinh hồn. Gió mưa chạy ầm ầm trên mái nhà như một đoàn tàu hỏa, liên miên không dứt. Cúp điện, không còn TV để theo dõi, nhưng quân ta còn điện thoại, không đèn đóm thì ta đốt đèn cầy lên, giặc đánh đâu ta đỡ đó. Lúc này quân ta không thể xử dụng chiêu thức "tấn công là cách phòng thủ hiệu quả nhất", bởi vì khi Thần Bão đã đánh thì chỉ có đỡ chứ không tài nào đánh trả được, còn lâu con người mới có đủ sức mạnh chống lại thiên tai.

Gió liên tục quăng quật trên mái nhà, dộng vô vách rầm rầm, cây cối ngoài vườn bị đánh tơi tả, cành lá rơi rụng ầm ầm như bị đạn pháo kích, có cây bị gió bẻ cong như cây cung. Thỉnh thoảng nghe tiếng nổ lớn như bom B52, đó là những cây cổ thụ bị bão đánh lật nhào bật gốc phát ra tiếng nổ nghe kinh hồn bạt vía. Vườn nhà mình có 3 cây sồi cổ thụ, chỉ cần một cây ngã đè lên mái nhà là coi như "xong hàng".

Đó chỉ là màn giáo đầu, toán quân tiền phương trang bị vũ khí nhẹ, chỉ với sức gió 60 dặm/giờ cũng đủ khiến quân ta bở vía. Cho đến khi đại quân của giặc kéo đến, với sức gió tăng lên gấp đôi, 120 dặm/giờ, thì không biết diễn tả ra sao nữa. Tưởng tượng căn nhà mình bị đạn pháo cày nát, bóc nguyên cái nóc nhà vất đi xa, xé toạc căn nhà ra từng mảnh như xé khô mực, xe cộ bị hất tung lật nhào, chỉ tưởng tượng thôi cũng đủ cảm thấy "chuông gọi hồn ai".

Mình nằm im cứng người chịu trận và đọc kinh liên miên, đọc kinh Chúa, rồi đọc kinh Phật, cầu nguyện với Cha Trương Bửu Diệp nhiều nhất. Đọc kinh không cầu cho tai qua nạn khỏi, bởi vì không còn kịp nữa rồi, sống mà không tu thân tích đức để đến lúc nguy biến mới kêu Trời thì chỉ là vô ích. Lúc ấy chủ yếu là làm sao cho lòng mình yên ổn, quên đi nỗi sợ hãi cơn thịnh nộ của đất trời.

Tới 2 giờ sáng, đúng giờ "thuyền ra cửa biển", sao mình cảm thấy yên lặng một cách ghê rợn, hay là đang nằm giữa mắt bão, thế còn chết nữa. Đợi một hồi, không nghe thấy gì cả, con gái ngồi dậy, bấm phone xem tình hình. Bỗng dưng con gái reo lên: "Bão chuyển sang hướng khác rồi Bố ơi!" Cả nhà reo lên mừng rở, mình nằm vật xuống như không còn một chút hơi sức nào. Lại đọc kinh rì rầm, lạy Trời, lạy Phật, lạy Chúa, lạy tứ phương, từ nay xin giữ "thiện tâm" trong lòng mình để tạ ơn trên phù hộ cho vượt qua tai kiếp này.

Khi bão Irma di chuyển, các chuyên gia khí tượng chỉ tiên đoán phỏng chừng lộ trình của bão, chứ không thể nào hoàn toàn chính xác được. Sau này khi cơn bão đã qua, người ta vẽ lại con đường của nó.

Một lần nữa ý Trời không phải vậy, Irma sau khi qua khỏi Fort Myers, rồi tiến về hướng Bắc, nhưng càng tiến nó càng nghiêng về hướng Đông, chỉ vì độ lệch rất nhỏ nên các chuyên gia không ghi nhận được. Cho nên khi Irma tiến gần đến Tampa, nó không vào trực diện mà vỗ vào thị trấn Lakeland, nằm ở ngoại vi về hướng Đông của Tampa, sau đó nó thẳng đường lên hướng Bắc dập vào thị trấn Zephyrhills, rồi từ từ hạ xuống còn cấp 1. Coi như Tampa được Trời cứu, tuyến phòng thủ của quân ta được vẹn toàn, tướng quân không phải ca bài: "...giữa đoàn hùng binh có anh đi... đầu hàng!"

Qua cơn hoạn nạn, mình mới thấy thấm thía tấm lòng thương mến của bạn bè dành cho mình. Lúc 1 giờ sáng, đang lo âu chờ bão, có một bằng hữu từ Dallas gọi qua: "Cố lên C. ơi, mọi chuyện rồi sẽ qua, chúc mày bình an" Đến 2 giờ 19 phút, một bạn khác từ VN sau khi theo dõi bão từ một đài khí tượng của Mỹ, đã gọi Viber qua chúc mừng bạn ta thoát nạn. Có thằng bạn khác cứ gửi text liên tục, cứ động viên, cứ vỗ về. Đến sáng, điện thoại khắp nơi gọi chúc mừng tới tấp, ôi chao! sao thấy thương bạn mình.

Bạn ta ơi, bạn có hỏi rằng, sau cơn bão dữ mình có muốn rời bỏ Tampa để đi đến một miền đất khác an lành hơn hay không? Tôi dứt khoát trả lời là không bao giờ, cho dù sau này có gặp phong ba bão táp nhiều hơn nữa, mạnh hơn nữa, thì tôi cũng không rời xa Tampa. Tôi đã sống nhiều nơi trên đất Mỹ, và do đó tôi cảm thấy không có nơi nào lại đáng sống bằng nơi này. Tampa vẫn luôn luôn là một nơi chốn đầy thân thương, bây giờ và cho tới cuối cùng.

Ngô Đình Châu



Ý kiến bạn đọc
22/11/201706:11:15
Khách
Em đã đọc một lèo hết 6 bài viết của anh. Bài viết nào cũng cuốn hút em một cách say mê!
Em nghĩ không có nhiều người làm được như anh. Mong anh viết mãi!
04/10/201715:36:06
Khách
Một bài viết rất hay thuật lại những ngày giờ bấn loạn ở tiểu bang Florida khi trận cuồng phong Irma ập tới. Tác giả là người cựu chiến binh trinh sát đã từng xông pha lửa đạn nay cùng gia đình ra sức chống chọi lại với cơn cuồng phong hung dữ. Bài viết có nhiều chữ dùng đầy tượng thanh, tượng hình và cảm xúc khiến thêm phần lôi cuốn người đọc.
04/10/201701:33:54
Khách
bac Chau ke chuyen bao giong nhu di hanh quan . cam on anh , florrida dung la noi dang song hy vong cung la noi cuoi cung
03/10/201717:50:48
Khách
Đúng là con nguời văn chương, văn phong dồn dập gợi hình gợi thanh..khiến đọc giả thấy hiện rõ cảnh dân chúng xao xác chạy trốn bão như thật truoc mắt.
Giá thêm vào vái xác chết nằm ngổn nagng, nhà sập tung tóe đồ đạc gần nhà thì lại càng ấn tuợng hơn.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 4,427,051
Tác giả là một kỹ sư công chánh, cư dân Torrance, California, đã góp một số bài Viết Về Nước Mỹ từ năm 2002. Ông cũng đã xuất bản một số du ký như: “Á Châu Quyến Rũ”, tập 1 & 2 và “Đi Cruise Bắc Mỹ” hiện có bán tại các nhà sách trong vùng Little Saigon. Bài viết mới của tác giả kỳ nầy nói về một đề tài khác là những niềm vui khi “chơi” facebook.
Đây là tự sự của một thành viên tham gia chương trình VVNM. Tác giả bắt đầu tập viết ở tuổi 70 (2015), trong thời gian hai năm đã vượt qua mọi khó khăn và đã đoạt được giải Danh Dự (2016) và giải Vinh Danh Tác Phẩm (2017). Tác Giả quê quán ở Bến tre, sang Mỹ năm 1973, môt chuyên viên kỹ thuật về hưu, đang định cư tại Orange County. Hiện ông vẫn tiếp tục viết với sức sáng tác mạnh mẽ.
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College. Với bài "Niềm Đau Ơi Ngủ Yên" viết về trại tị nạn Palawan-Philippines, Triều Phong đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà sinh năm 1951tại miền Bắc VN, di cư vào miền Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ cho tới ngày 29 tháng Tư 1975. Vượt biển và định cư tại Mỹ năm 1980, làm thư ký văn phòng chính ngạch tại City of San Joje từ 1988-2006. Về hưu vào tuổi 55, hiện ở nhà chăm nom các cháu nội ngoại. Bài đầu tiên của bà, “Cả Đời Tôi Làm Thư Ký Sở Mỹ. Sau đây là bài viết thứ hai của bà.
Tác giả là trưởng ban Tuyển Chọn Chung Kết giải Việt Báo từ năm 2017. Tham gia Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, bà nhận giải chung kết VVNM 2001, với bài “32 Năm Người Mỹ Và Tôi” và vẫn tiếp tục viết. Bà hiện làm việc bán thời gian cho National-Interstate Council of State Board of Cosmetology (NIC) và là cư dân Westminster. Bài mới nhất là chuyện mấy bà mấy cô đi chụp quang tuyến để khám ung thư ngực.
Tác giả Hồ Nguyễn, cư dân Buffalo, NY. đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước Bài viết đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà có tới hơn 400 người tử vong... Hiện ông đang là cư dân Orlando, FL. và bài mới là chuyện về một số người thành công, một đề tài mà ông đã được mời nói chuyện tại Đại Học Buffalo.
Anthony Hưng Cao là một Bác sĩ nha khoa, hiện hành nghề tại Costa Mesa, Nam Cali, từng nhận giải Tác Giả Xuất Sắc 2010,với hồi ký "My Life" chia sẻ kinh nghiệm học tập của ông. Ngoài nghiệp y khoa, ông còn là người viết văn, soạn nhạc và luôn tận tụy với sinh hoạt nghệ thuật, văn hóa, giáo dục. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả cùng 2 con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ, hiện có tiệm Nails ở Texas và lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Bài viết mới của bà kể về nghề lái taxi tại Huế và người khách đặc biệt là một nhạc sĩ gốc Việt danh tiếng ở Mỹ.
Tác giả hiện là cư dân Arkansas, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016, và luôn cho thấy sức viết mạnh mẽ và cách viết đơn giản mà chân thành, xúc động. Sau đây là bài viết mới nhất.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017 và đây là bài viết thứ ba của ông. Ông tên thật Trần Thanh Hiền, sinh năm 1955 tại Thạch Hãn, Quảng Trị, định cư tại Tulsa, Oklahoma từ 1977. Sau 35 năm làm Engineering Designer trong ngành Safety Technology – Fire Protection (Kỹ Thuật An Toàn – Phòng Chống Lửa), đã về hưu năm 2015, khi vừa tròn lục tuần, hiện là thông dịch viên hữu thệ tiếng Việt cho Tulsa County District Court và làm thiện nguyện tại Tulsa Catholic Charities.
Nhạc sĩ Cung Tiến