Hôm nay,  
CTA_United Educators_Display_728x90_Vietnamese - Nguoi Viet
CTA_United Educators_Display_300x250_Vietnamese - Nguoi Viet

Cầu Cơ Bên Việt Nam, Gọi Hồn Trên Đất Mỹ

02/11/201900:00:00(Xem: 15455)

Bài số: 5826-20-31618-vb711219

 

Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79

Hiện là cư dân ở Lafayette, Louisiana, còn vài năm nữa sẽ ... ăn tiền già. Bút hiệu Pha Lê, theo chú giải vui của tác giả, không phải là trong veo như Pha Lê, mà là... Pha trò và Lê la! Sau đây là bài viết mới nhất  của bà nhân mùa lễ hội Halloween.

Tiếp theo và hết.

 

***

 Tôi lắc đầu thầm nghĩ nói như thế thì người phàm như tôi cũng nói được, mắc chi phải khổ sở cầu hồn, cầu vong làm gì cho mất công! Nhưng bỗng cơ chạy lòng vòng với nhiều chữ mà chúng tôi đọc không kịp, Bích Diễm diễn giải:

  - Hồn nói trong đám tụi mình có một bạn vừa không tin, vừa có ý tưởng giễu cợt, đó là người đang đeo một chiếc vòng xanh ở bên tay trái. Hồn có ý muốn  bạn đó đặt tay lên cơ .

 

 Khi các bạn tôi dáo dác nhìn quanh tìm kiếm thì tôi giật bắn mình. Đeo vòng xanh bên tay trái còn ai  khác ngoài tôi . Dù tim tôi đập liên hồi vì sợ hãi , tôi vẫn nói cứng :

 

- Là tao đây chứ ai ,  nếu muốn , tao đặt tay lên cơ , đâu có sao !

  Nói là làm , tôi đổi chỗ cho một đứa bạn và bắt đầu để tay lên cơ. Cuộc chơi lại tiếp tục. Đây chính là một kinh nghiệm về thế giới tâm linh mà mãi mãi tôi sẽ không bao giờ quên được. Đặt ngón tay trên đồng tiên và khi cơ bắt đầu chạy tìm từng mẫu tự, tôi cảm nhận như có một lực vô hình, rất mạnh, đè xuống con cơ và đẩy đồng tiền chạy vèo vèo, chạy nhanh đến độ nhiều lần ngón tay chúng tôi gần như bị  hất văng ra khỏi đồng tiền. Tôi cảm thấy ngón tay tôi CHẠY theo cơ còn không kịp, nói chi tới chuyện ĐẨY cơ đi .

Dù đã thật sự tin đến 9 phần 10. tôi vẫn ngang bướng thầm nghĩ:

  - Cơ chạy nhanh cũng có thể do nhân diện của ba đứa chúng tôi đặt lên đồng tiền hợp lại , bây giờ hồn hãy cho  tôi một tín hiệu riêng , chỉ một mình tôi thôi  , thì tôi mới thực sự tin.

  Vừa dứt ý nghĩ,  tôi cảm thấy từ đầu ngón tay tôi đang đặt trên đồng tiền, một dòng điện lạnh buốt và đau nhói lan dần, tỏa dần khiến cả bàn tay tôi tê cứng. Tôi thật sự kinh hoàng vừa la vừa rút tay về. Những đứa bạn chung quanh tôi dù không hiểu chuyện gì nhưng nhìn thấy khuôn măt tái xanh của tôi, chúng nó cũng hoảng hốt theo, tôi cúi đầu kín đáo làm dấu Thánh Giá, ngay sau đó, cơ cũng chạy đến chữ " thăng ".

  Đó là lần cuối cùng tôi tham dự trò chơi cầu cơ, nói chuyện với thế giới bên kia, mặc dù sau đó, nhóm bạn này của tôi vẫn còn tiếp tục trò chơi này.

 Rồi chúng tôi cũng  ra trường, mỗi đứa một nơi trôi nổi theo dòng đời bấp bênh. Cuộc sống với những khó khăn lo toan từng ngày khiến chúng tôi hầu như quên hẳn những tháng ngày xa xưa đó .

  Hai năm sau tôi đến Mỹ qua một cuộc  vượt biển  kinh hoàng thập tử nhất sinh . Tôi ghi danh tại trường đại học thành phố , USL ( University of Southwestern Louisiana ) . Năm học đầu tiên , do nơi tôi ở cách xa trường gần một tiếng lái xe , tôi lại vừa chận ướt chân ráo đến đất nước này , dù có muốn lái xe cũng chẳng có xe cho tôi lái , nên tôi bắt bưôc phải ở trong dorm. Đó là một ký túc xá dành riêng cho con gái , có tên Bonnin , nằm khuất mãi sau dãy building toán cũ kỹ với nhiều cây cối um tùm âm u rậm rạp . Là freshman , có nghĩa là tân sinh viên , chúng tôi phải ở trên tầng lầu ba trên cùng vì hai tầng lầu dưới dành cho sinh viên năm thứ hai hoăc năm thứ ba . Roommate của tôi là một cô gái gốc người Nam Mỹ  ,  nhưng sinh trưởng tại Florida . Anita , tên cô bạn tôi ,  rất năng nổ , hoạt bát và cũng rất ồn ào náo nhiệt 

  Ba tháng trôi qua, khóa học cũng gần chấm dứt . Theo thông lệ chúng tôi thường được nghỉ khoảng môt tuần Break time .Năm đó khóa học của chúng tôi là mùa Fall nên kỳ nghỉ rơi đúng vào ngày lễ Thanksgiving , Lễ Tạ Ơn là một ngày lễ rất lớn và vô cùng quan trọng đối với người Mỹ vì là ngày gia đình tụ họp xum vầy , cho nên hầu hết các sinh viên đều trở về nhà.  Riêng tôi vì kỳ thi final cuối khóa gần kề nên tôi quyết định ở lại trường, Anita cũng không về  vì  nhà quá xa. Nguyên  dãy tầng lầu ba với 16 phòng lúc nào cũng ồn ào , xô bồ , tấp nập  bây giờ vắng tanh vắng ngắt  vì chỉ còn vài ba đứa sinh viên như chúng tôi ở lại. Ngày Lễ Thanksgiving năm đứa con-bà-phước chúng tôi quạy quần  trong phòng ăn bánh và uống hot cocoa. Anita và ba cô bạn người Mỹ cười phá ồn ào, riêng tôi chỉ biết cười góp vì vốn liếng tiếng Anh của một người vừa đến Mỹ vài tháng như tôi rất hạn chế . Chúng tôi vừa ca hát vừa đánh bài cho mãi đến khi trời bắt đầu xẫm tối, chợt Anita cất tiếng hỏi :

  - Còn suốt cả một buổi tối , tụi mình chơi trò chơi gì chứ chẳng lẽ cứ hát hoài sao , Rồi , tao nghĩ ra rồi , tụi mình chơi game Bloody Mary nghen ?

  Cả ba cô bạn cùng hồ hởi vỗ tay tán thưởng, riêng tôi vẫn chưa biết đó là trò chơi gì , nhưng nghe  có chữ "bloody" là tôi không cảm thấy một chút hứng thú nào . Nhìn khuôn mặt ngơ ngác và ánh mắt ngại ngần của tôi , Anita giảng giải :

 - Đó là một trò chơi gọi hồn , đúng ra là tiếp xúc với thế giới ma quỷ ...

  Vừa nghe đến đó tôi đã lắc đầu quây quẩy, những trải nghiệm về cầu cơ năm trước vẫn còn in đậm nét trong tôi .   Tôi lắp bắp, lúng túng cố gắng kể cho bốn cô bạn những lần tôi tham dự trò chơi cầu cơ cùng những cảm giác kinh hoàng mà tôi đã trải qua . Anita cười cười nắm tay tôi trấn an :

  - Trò chơi này cũng gần giống như cầu cơ nhưng dễ dàng và ...vui hơn cầu cơ của mày nhiều, vả lai không dễ gì "gọi" được Bloody Mary đến đâu , tao chơi hoài mà chỉ có một lần là thật, còn toàn là do tụi tao nghịch phá dàn cảnh ma nhát

  Thấy tôi vẫn chần chừ, Jenny, một trong ba cô bạn đứng bật dậy kéo tay tôi la lớn :

  - Đi, đi, mày nên tham dự trò chơi này , mới đến Mỹ , mày cần học hỏi nhiều thứ lắm !

  Nói xong nó phá lên cười và bốn cô bạn tôi hăng hái bước ra khỏi phòng. Tội thở dài thôi thì một liều ba bẩy cũng liều, chứ chẳng lẽ nằm lại một mình trong phòng , tôi cũng vội vã bước theo đám bạn.

  Bloody Mary là một game thường được thực hiện trong phòng tắm, trước một tấm gương lớn và phải có ít nhất ba người trở lên tham dự. Năm đứa chúng tôi nắm tay nhau đứng dàn hàng ngang trước tấm gương lớn, Anita đứng giữa, tôi và Jenny đứng bên trái, còn bên phải là hai cô bạn kia. Đèn trong phòng tắm khá mờ, lại không có máy sưởi khiến tôi cảm thấy gai gai lạnh, tội vội nói:

- Anita , đợi tao một chút , tao chạy về phòng lấy áo ấm .

  Đẩy cửa phóng tắm tôi dợm bước ra nhưng nhìn dãy hành lang vắng ngắt tôi khựng lại ,  một cảm giác ơn ớn lành lạnh đúng như cảm giác nơi sân trường năm xưa bất chợt  ập tới khiến tôi  chới với , hoảng hốt . Tôi vội lùi dần bước trở ngược lại phòng tắm , nhìn thấy tôi quay lại nhưng không mặc thêm áo , Anita nheo mắt dò hỏi nhưng tôi chỉ khẽ nhún vai lắc đầu.

  Bây giờ thì trò chơi bắt đầu, chúng tôi nắm chặt tay nhau,  đầu cúi thấp, hai mắt nhắm nghiền, Anita cất giọng trầm trầm, nó nói:

  - Chúng ta sẽ cùng đọc 13 lần hai chữ Bloody Mary, nhưng 6 lần đầu chỉ đọc thôi, còn những lần sau chúng ta phải đọc lớn hơn , và 2 lần cuối cùng , chúng ta hô  to lên thì Bloody Mary mới đến .

  Thế là bốn cô bạn tôi bắt đầu rì rầm đọc hai chữ đó cho tới những lần cuối như muốn hét to gọi tên Bloody Mary . Tôi không đọc theo , chỉ im lặng chăm chú lắng nghe , tôi hé mắt nhìn vào tấm gương trước mặt , hình ảnh 5 đứa chúng tôi hiện trên gương trong ánh đèn mờ mờ khiến tôi thoáng rùng mình. Đọc xong 13 lần lời " thần chú " nhưng vẫn không thấy một động tĩnh gì. Tôi thầm so sánh một cách khôi hài  có lẽ Anita " nội lực không thâm hậu " bằng Bích Diễm ngày xưa chỉ  mới đọc nửa bài khấn thì hồn đã nhập, cơ đã lên .

 Chờ thêm vài phút , Anita thở hắt và nghiêm trang nói :

  - Chúng ta sẽ làm lại một lần nữa, trang trọng hơn , hy vong Bloody Mary sẽ ghé qua .

  Nói xong Anita và ba cô bạn  rên rỉ cất tiếng gọi hai chữ Bloody Mary nghe thật ma quái. Lần này thì tôi không thể im lặng đươc, nhưng tôi chỉ đọc lẩm bẩm trong miệng . Tới chữ cuối khi chúng tôi vừa dứt lời, tôi chợt cảm nhận hình như có một làn gió thổi trên tóc ,xung quanh người tôi, tiếng gió vi vu qua tai khiến tôi thật sự hoang mang không biết có điều gì thực sự đang xảy ra, hay chỉ là do tôi tưởng tượng. Chưa kịp định thần, nguyên cả thân hình tôi bỗng chao qua chao lai, lắc lư như có một lực vô hình thật mạnh đẩy tôi nghiêng ngửa từ phải sang trái và cứ thế càng lúc càng nhanh hơn. Tôi hoảng sợ đến độ muốn ngã khụy, cùng lúc đó, tôi cảm thấy hai bàn chân tôi hình như có bàn tay vô hình nào đó níu chặt , ghì sát xuống đất khiến đôi chân tôi cứng đơ không cử động được. Đèn trong phòng tắm bỗng lập lòe chợt tắt rồi bật sáng lại, một luồng gió thật mạnh từ đâu thổi thốc đến khiến tất cả cánh cửa buồng tắm đều rung chuyển tạo nên âm thanh kẽo kẹt một cách ma quái, tôi mở choàng mắt vì không thể chịu đựng được nữa thì cũng là lúc tất cả những vòi nước trong bồn rửa mặt cùng nhất loạt bật chảy ào ào.  Bây giờ tôi thật sự khiếp đảm cùng cực , tôi lâm râm cầu nguyện gọi tên Chúa xin đến cứu rỗi chúng tôi . Nhìn sanh Anita, tôi thấy mặt nó tái mét xanh lè, nó hét lên:

- Run, run, we get to run now , now!

  Sau tiếng hét đó , 5 đứa chúng tôi xô nhau bung cửa phòng tắm , chạy bán sống bán chết về phòng . Dù đã yên vị trong phòng , nhưng chúng tôi vẫn run rẩy vì sợ hãi  . Mãi gần nửa giờ sau , Anita mới run run  lên tiếng :

 - Tao chơi game này nhiều lần , nhưng chưa lần nào ghê sợ như lần này , có lẽ tại tụi mình chơi trong trường học , mà hình như trường học là nơi có ma nhiều nhất , thôi đây là lần cuối , nhất định tao không  chơi game này nữa đâu .

   Cơn sợ hãi đã qua , tôi không ngăn được tò mò hỏi:

  - Nhưng Bloody Mary là ai , và như những hiện tượng vừa xảy ra cho tụi mình, thì đây là một trò chơi thật nguy hiểm chết người, phải không?

  Anita ngập ngừng vài phút rồi mỉm cười nói:

  - Thật ra trò chơi này cũng như trò chơi cầu cơ , nguy hiểm vì mình nói chuyện , tiếp xúc với ma quỷ , nhưng cầu cơ có vẻ ...an toàn hơn vì mình không " nhìn' thấy hồn ma, chỉ nói chuyện thôi . Còn Bloody Mary tên của một cô gái bên Anh, thế kỷ nào đó tao không nhớ , bị xử tử , cho nên trước khi chết bà đặt lời nguyền bất cứ ai đứng trước gương vài gọi tên bà 13 lần trong đêm thì bà sẽ hiện về và sẽ theo ám hại người đó cho tới chết. Rất nhiều người không tin , đã chơi trò chơi này, nhiều người đã nhìn thấy bà trong gương , nhiều ngươi đã gặp tai nạn khi chơi game này.

  Tôi thảnh thốt kêu lên:

  - Chúa ơi, mày biết vậy mà vẫn cứ chơi, còn rủ tụi tao, lần này lần cuối nghe mày!

  Đêm đó cả 5 đứa chúng tôi cùng thức trắng. Buổi sáng khi bước ra khỏi phòng thì trời đã quá trưa, dãy hành lang sáng choang vì mặt trời bên ngoài chiếu rọi qua những ô cửa sổ trên tường . Chúng tôi không hẹn nhưng cùng bảo nhau  xuống phòng tắm lầu hai đánh răng rửa mặt , nhất định không quay lại phòng tắm đêm qua . Sau này,  và cho đến hết năm học, không phải chỉ riêng mình tôi ,mà cả bốn cô bạn kia cũng không bao giờ dám bước chân trở lại khu phòng tắm của dãy lầu 3 , nơi mà chúng tôi đã trải qua những giậy phút kinh hoàng chỉ vì bản tính  tò mò nghịch ngơm muốn tìm hiểu thế giới bên kia . Riêng tôi sau hai lần trải nghiệm tiếp xúc với "ma" , tôi cảm nhận "họ" có thế giới riêng của họ , và chúng ta có thế giới riêng của chúng ta , nếu không ai xâm phạm ai , thì sẽ rất an bình , yên ổn .

  Mười năm sau , trong  một lần họp mặt trường xưa , bạn cũ , tôi gặp lại Bích Diễm . Chúng tôi rộn ràng nhắc lại những kỷ niệm xưa mà dĩ nhiên câu chuyện cầu cơ không thể  nào thiếu. Buổi tối cuối cùng trước khi chia tay, chúng tôi ngồi với nhau trong góc sân của hotel,  bằng giọng bùi ngùi, Bích Diễm kể:

 -Đó là một trò chơi thật nguy hiểm mà ngày xưa tụi mình còn bé nên không hiểu rõ . Mày nghĩ xem , có trò chơi nào mình chưa ra quân mà đối phương đã biết trước mình nghĩ gì, mình sắp làm gì.! Mày thật thông minh khi rút lui không chơi tiếp .

  Tôi bật cười nhưng Bích Diễm vẫn nghiêm trang nói tiếp  :

  - Suốt năm cuối ở TV và 2 năm Sư Phạm mày có biết tao nổi danh là " Pháp sư cầu cơ " mà. Có nhiều lần tao chẳng cần đọc bài khấn gì hết, vừa đặt tay lên đồng tiền là cơ chạy vù vù. Ngày đó cũng còn trẻ, còn háo danh , tao rất tự phụ vì khả năng nói chuyện với ma của tao , mà đâu biết rằng tao đang ...đánh đu với ma!

  Tôi ngắt  lời nó , hỏi dồn  :

  - Nhưng rồi sao mà mày cải tà quy chánh vậy ?

  - Sau nhiều lần cầu cơ , tao cảm nhận hình như có một vong hồn luôn theo bước chân tao. Có nhiều đêm tao cảm giác như có ai đang đứng cạnh giường nhìn tao lom lom! có nhiều đêm tao thức trắng, nhưng không phải chỉ một linh hồn theo tao đâu, mà có lúc tao còn cảm thấy như có hai, ba người lẩn khuất xung quanh tao.

  Nghe đến đậy , dù vẫn đang sợ hãi, nhưng không chừa được tính khôi hài, tôi ngắt lời Bích Diễm :

  - Ủa tao tưởng " Chuyện Ba Người " chỉ có trong thế giới bên này , hóa ra cũng xảy ra trong thế giới bên kia sao mày !

  Nói xong tôi rên rỉ:

  - Một ...hồn đi với một hồn, một hồn còn lai buồn thiu đứng nhìn!

  Bích Diễm bật cười nhưng khẽ lắc đầu nghiêm trang nói:

 - Đừng đùa  giỡn trong chuyện này. Mày biết không, những tháng ngày đó mẹ tao thật lo lắng vì thấy tao cứ ngày một gầy ốm đi, cuối cùng tao phải thú thật những gì đang xảy ra cho tao. Mẹ  mắng tao một trận nên thân. Rồi suốt gần 2 tháng trời tao cùng mẹ lên chùa  cúng,vừa để cầu an cho tao và cũng vừa để cầu siêu cho vong hồn đó. Bàn cầu cơ và đồng tiền cắc tao đem đốt bỏ theo lời dạy của vị Sư mà hằng ngày vẫn cầu kinh cho tao.

  Bích Diễm ngừng kể , câu chuyện hơn 10 năm rồi mà hôm nay nghe nó thuật lại tôi vẫn cảm thấy ơn ớn lạnh . Tôi cũng kể lại cho Bích Diễm nghe cảm giác kinh hoàng trong trò chơi Bloody Mary Gọi Hồn năm xưa . Bích Diễm chăm chú lắng nghe , rồi nó hỏi tôi :

  - Như vậy , theo mày thì ma Mỹ , hay ma Việt , " ma" nào đáng sợ hơn ?

  Tôi bật cười dù không trả lời được câu hỏi cắc cớ của Bích Diễm nhưng lòng thầm nghĩ đã gọi là "ma" thì  dù mang "quốc tịch" gì cũng đều  đáng sợ như nhau!

  Khẽ ôm vai cô bạn thân yêu, tôi cười cười diễu:

- Nhưng dù sao  mà mày cũng có dịp đọc và đoán được tương lai  của mọi người qua những lần cầu cơ, nhưng tao  nói thiệt mày nha, thiên cơ bất khả lậu, làm sao một vong hồn mà có thể nói trước mọi việc xẩy ra cho mình.  tao không tin điều đó !

  Nghe tôi nói, Bích Diễm thở hắt một hơi dài rồi trầm giọng kể:

  - Trong một lần cầu cơ ở trường mình , lúc đó không có mày ,mày nhớ Phương Lan không , nó nhát cáy như vậy mà buổi cầu cơ nào nó cũng có mặt. Nó hỏi về cuộc đời mai sau, cơ trả lời nó sẽ có một cuộc sống mới hoàn toàn khác lạ , bình an , hạnh phúc, và còn có nhiều bạn mới Lúc đó tụi tao cứ tưởng nó sẽ vượt biên  thành công và sống ở nước ngoài , nào ngờ đâu nửa năm sau tao nghe tin cả gia đình nó vượt biên ,tầu đắm, cả nhà không một ai sống sót! Đó mày thấy không, cơ  có nhiều lúc đâu có sai, chỉ tại mình hiểu sai mà thôi!

  Trời đã khá khuya , sương rơi ướt thấm vai áo khiến tôi rùng mình nhưng không hiểu vi lạnh hay vì những câu chuyện xưa mà chúng tôi vừa ngồi ôn lại với nhau . Bích Diễm nhìn mông lung trên trời, nó triết lý:

  - Kiếp nhân sinh thật phù du ngắn ngủi , mày biết không,  bài khấn vong hồn ngày xưa , tao gần như quên gần hết, nhưng những câu cuối sao tao vẫn cứ ghi khắc mãi trong lòng .

 

                  ... Ai qua đây xin nhớ nhập vào

 

                      Cấp nhật lệnh như nhật lệnh

 

                      Trải mấy độ xuân thu mong đợi

 

                      Xin về đây cho thỏa ước mơ

 

                      Ước mơ hỏi chút chuyện lòng

 

                      Chuyện lòng có thấu , tấc lòng mới yên ....

 

 Pha Lê

Ý kiến bạn đọc
03/11/201917:18:38
Khách
Ủa tao tưởng " Chuyện Ba Người" chỉ có trong thế giới bên này , hóa ra cũng xảy ra trong thế giới bên kia sao mày !
Nói xong tôi rên rỉ:
- Một ...hồn đi với một hồn, một hồn còn lai buồn thiu đứng nhìn! ( Trích )

Một câu chuyện ma rất thật , khá lạnh gáy , nhưng lại được cô Pha Lê kể lại với một giọng văn rất dí dỏm , khá hài hước khiến độc giả ( hay sợ ma như Yvonne ) đọc thật thoải mái ...
Cảm ơn cô PL đã viết lại những trải nghiệm của cô về thể giới bên kia ., Thích bài khấn cầu hồn cô đã nhớ và kế lại trong chuyện , nhất là câu ... Chuyện lòng có thấu , tất lòng mới yên .. . Quả đúng như vậy vì khi một người thương yêu của mình đột tử bất ngờ,, họ còn biết bao nhiêu việc, bao nhiêu chuyện chưa thực hiện, chưa giải quyết xong trên cõi đời này, thì chúng ta, những người còn ở trên dương thế này cần hiểu và giúp họ hoàn tất những ước nguyện đó , có như thế họ mới nhanh chóng siêu thoát vào cõi vĩnh hằng ..
Cảm ơn cô PL lần nữa và ước mong vẫn tiếp tục được đọc thêm những sáng tác mới của cô , những bài viết luôn mang màu sắc vui tươi , hài hước , như bút hiệu của cô : Pha Lê ...
02/11/201920:38:06
Khách
Câu chuyện thật hay và tác giả diễn tả thật hấp dẫn từ đầu tới cuối . Hoàn toàn đồng ý thế giới ma llà một thế giới khác với thế giới loài người mình hãy để cho họ yên ổn. Nếu vì tò mò mà mình kêu họ về sẽ mở cánh cửa để cho mà quỷ nhập vào và có những ảnh hưởng rất rất tai hại như bị quỷ nhập. mình không kiểm soát được con ma nào sẽ về thôi thì hãy để yên cho họ. Đừngmở cánh cửa đó ra rất nguy hiểm .
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 840,509,540
Anne Khánh Vân, sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp, hiện sống và làm việc tại miền Đông Hoa Kỳ, từng nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2007 với tự truyện “Duyên Nợ Với Nước Mỹ.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C.
Kông Li là bút hiệu vui vẻ của Phạm Công Lý, tác giả đã dự Viết về nước Mỹ từ 2009. Ông cùng gia đình đến Mỹ từ 1994 theo diện HO, định cư tại Boston.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014, ông tên thật Trần Phương Ngôn, đã sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm
Tác giả đã nhận giải Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2014. Lớn lên tại VN khi cả nước đã thành xã hội chủ nghĩa
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa