Hôm nay,  

Những Tháng Ngày Đen Tối

05/09/201900:00:00(Xem: 16803)

Bài số: 5781-20-31588-vb5090519

Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019.  Là con  của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động,  kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa; Sau đó, cùng mẹ đến chứng kiến cái chết của người cha trong trại tù. Và chưa đầy 3 năm sau, cùng mẹ đi lấy xương cốt người cha, bằng  cách trở lại trại tù bốc mộ trộm. Bài mới nhất của ông là câu chuyện gia đình, từ cuối tháng Tư 1975, cho tới khi mẹ và các em được định cư tại Mỹ. Bài đăng 2 kỳ.

 

***

Những ngày cuối tháng Tư 1975, Sài Gòn đắm chìm trong cơn hỗn loạn. Tin tức về một cuộc chiến kết thúc bi thảm được truyền đi kéo theo một dòng người tìm mọi cách vượt thoát khỏi quê hương. Không nhận được tin người đến đưa toàn bộ gia đình ra đi như đã hứa, tôi cùng ba và gia đình người em gái đi thẳng từ Tổng Nha Cảnh Sát về bến Bạch Đằng nơi con tàu VNTT đang ngập tràn những dòng người từ khắp nơi đổ về. Hai vợ chồng em gái lên tàu trước. Tôi và ba chần chờ sửa soạn lên sau.

Trong cái dòng người hoảng loạn, trong cái âm thanh cuồng nộ những ngày cuối cùng của tháng Tư, hai cha con vẫn còn nhìn về hướng Lăng Ông Bà Chiểu, nơi nhà tôi ở đó. Vẫn còn hy vọng mẹ và các em đến kịp để cùng đi. Đợi mãi vẫn không thấy. Tàu sắp nhổ neo, mẹ và các em tôi vẫn biệt tăm. Ba bảo: thôi con lên trước đi, ba đợi thêm một tí nữa, mình gặp nhau trên tàu. Trong mắt ba vẫn còn ánh lên một tia hy vọng. Nhưng tôi biết là đã hết. Thời gian không còn kịp nữa. Ba hối thúc tôi lên tàu, riêng ba không đành bỏ vợ và những đứa con còn nhỏ dại, quyết định quay lại. Với tôi, ra đi hay ở phải là một quyết định trong chớp mắt. Nhưng sao đành bỏ lại ba một mình với khuôn mặt và cặp mắt thất thần như vậy. Tôi lắc đầu. Thế là tôi và ba đi ngược lại dòng người vẫn cuống cuồng chạy về phía bờ sông, dù con tàu đã từ từ rời bến. Cùng với hàng triệu người miền Nam Việt Nam, tôi và gia đình bắt đầu sống những tháng ngày đen tối nhất.

​Đêm khi nghe tin Đại Tướng Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng trên đài phát thanh, ngoài đường những nhóm người đội mũ cối cầm súng đi qua đi lại, cả gia đình tôi chui dưới chân cầu thang, tắt đèn tối thui, ẩn trốn, và ba ôm mẹ khóc. Thế là chấm dứt một quảng đời, lịch sử đã sang trang và chúng tôi đã cảm thấy một tương lai mịt mù sắp tới.

Ngay ngày đầu tiên của tháng năm 1975, vừa mới sáng sớm một đoàn người thật đông đảo gồm cán bộ và công an ghé vào nhà, kêu ba tôi ra trình diện. Ba được lệnh trong thời gian này phải ở nhà, không được đi đâu cả cho đến khi có lệnh mới. Tên cán bộ dẫn đầu sau đó đi một vòng khắp nhà, ngang qua phòng khách, giật đứt chiếc điện thoại để bàn, xem giấy tờ từng người và trước khi ra về, lấy luôn chiếc đồng hồ đeo tay của ba trên đầu tủ thờ. Chiếc đồng hồ kỹ niệm của ông nội mà ba rất quý. Mẹ chắc lưỡi - thôi kệ, của đi thay người. Mạ nói vậy thôi chứ không muốn cũng không được. Những ngày sau đó, thời gian trôi qua thật dài. Dài trong âu lo, trong chờ đợi, thấp thỏm về một điều bất hạnh sẽ xảy ra.

​Trong những ngày sau đó, ba tôi sống trong hoang mang, lo sợ, không dám bước ra khỏi nhà. Mặt ba lúc nào cũng căng thẳng. Riêng tôi mỗi ngày vẫn lên trình diện cơ quan rồi về. Lên để biết thì ra có những bạn bè cùng sở làm ngày xưa, từng cùng vui chơi sinh hoạt với mình bây giờ đội mũ cối, cầm súng lầm lì đi ra đi vào. Có người còn chào hỏi tử tế nhưng có đứa mặt mày vênh váo, kênh kiệu.  Những nhân viên còn ở lại, không phải dân cộng sản nằm vùng hay những kẻ ăn theo mà chúng tôi gọi là việt cộng 30 tháng tư, tụm lại một phòng trên lầu, co cụm đến tội nghiệp.

​Tôi biết ba vẫn còn một tia hy vọng người em út đi “tập kết” từ những năm 1954, đang làm lớn trong chính quyền cộng sản và hình như đang có mặt tại Sài Gòn. Nghe đâu là chính ủy một đơn vị không quân gì đó. Ba kể hồi nhỏ ba và chú rất thương yêu nhau, ngày chú đi vào rừng theo kháng chiến, ba là người cuối cùng gặp và đưa chú vào chiến khu. Ba vẫn nghĩ nếu có chú quay về chắc ba sẽ không sao.

​Ba như một người sắp sửa bị chìm tàu, cố bám víu một chút hy vọng nào đó để sống, dù rất mỏng manh. Với tôi, mọi chuyện không dễ dàng như thế. Tôi nghĩ ba quá ngây thơ, nhưng biết làm sao được, một người sĩ quan cảnh sát thất trận, một vợ và 8 đứa con nheo nhóc trong một thành phố không còn thuộc về mình, chung quanh đầy rẫy những hiểm nguy, bất trắc, vẫn đang cố bám víu một hy vọng dù rất mong manh. Có thể ba đang cố quên nhưng với tôi, ký ức về một Mậu Thân khủng khiếp ở Huế vẫn còn đó, không thể nào không nhớ. Những cuộc trả thù tàn khốc chắc chắn sẽ xảy ra. Không ảo tưởng như ba, tôi chờ đợi và biết rằng ngày đó sẽ đến, không xa.

​Một ngày đầu tháng Sáu, như ba đang mong đợi, chú tôi đi cùng một vài bộ đội cầm súng ghé nhà thăm gia đình chúng tôi. Một trung tá chính ủy thuộc đơn vị phòng không không quân cộng sản, ghé thăm cựu thiếu tá cảnh sát chế độ cũ. Hai anh em thuộc hai chiến tuyến gặp nhau tại Sài Gòn sau 20 năm xa cách. Hai người đi hai con đường khác nhau, cuối cùng hội tụ tại một nơi. Cũng chào hỏi, cũng mừng mừng tủi tủi, cũng nhắc lại chuyện xưa, nhưng tôi biết quan hệ đã không còn như trước nữa. Nói thật lòng, chú tôi nhìn bề ngoài gầy gò khắc khổ, ít nói và trông có vẻ hiền lành chứ không đến nỗi dữ dằn như trong tưởng tượng của tôi. Nhưng tôi vẫn không thể chuyện trò thân mật với chú được. Một bức tường vô hình đã chắn ngang trong quan hệ của chúng tôi.

​Cuối tháng sáu, cái ngày tôi biết chắc chắn phải đến, cuối cùng đã đến. Ba tôi nhận giấy đi “trình diện học tập cải tạo” dành cho đối tượng sĩ quan “Nguỵ quân, nguỵ quyển”. Địa điểm tập trung: trường Trung Học Chu Văn An. Trong giấy ghi rõ “đem theo dồ dùng cá nhân để sử dụng từ 10 đến 30 ngày”. Nhận được giấy báo, ba mừng như thoát được gánh nặng canh cánh bao lâu nay. Ba bảo:

​- Tôi nói có sai đâu bà, bây giờ hoà bình rồi họ không trả thù như hồi Mậu Thân đâu. Kỳ này tôi chỉ đi học tối đa một tháng mà thôi. Trình diện ngay tại Sài Gòn này thôi. Xong đợt học tập này rồi mình sẽ được đối xử như những người dân bình thường. Tôi tính gia đình mình sẽ về lại Đà Nẵng sinh sống. Có mắm ăn mắm có rau ăn rau.

​Mẹ tôi, với linh cảm và yếu đuối của đàn bà, lên tận sân bay Tân Sơn Nhất xin gặp chú nhờ giúp đỡ. Biết đâu nhờ quan hệ anh em, ba sẽ được miễn đi tập trung hoặc nếu không chắc cũng được cho về sớm. Liếc sơ qua giấy báo “trình diện học tập” chú nói:

​- Chị đừng lo, cách mạng khoan hồng lắm, anh cứ đi, học tập khoảng mươi ngày nửa tháng là xong thôi. Cứ học tập thật tốt, về sớm đúng ngày, không sao đâu.

​Mẹ tôi an lòng chuẩn bị mền, mùng, thức ăn khô cho ba. Riêng tôi, qua trực giác, qua sách báo đã đọc, và qua kinh nghiệm những ngày Huế bị tạm chiếm năm Mậu Thân, tôi nghi ngờ về chữ “học tập tốt” mà chú vẫn thường nhấn mạnh. Tôi biết là mọi chuyện chỉ mới bắt đầu. Để xóa đi ký ức của một sĩ quan cảnh sát 51 tuổi đời, 25 năm quân ngũ, và để đào tạo thành một người “công dân chế độ Xã hội Chủ nghĩa”, chắc chắn không thể là 10 ngày hay một tháng ngắn ngủi như thế. Tôi biết là chú đã không nói thật, và ba thì ảo tưởng hoặc có thể đã biết nhưng muốn che giấu mẹ con tôi, cố gượng vui chờ ngày lên đường. Có những đêm thức giấc giữa đêm khuya tôi thấy ba ngồi lặng lẽ hút thuốc liên tục ngoài hiên. Đôi vai như quằn xuống, tôi chua xót nhận ra chỉ trong một thời gian quá ngắn ba đã già đi rất nhiều. Trong cái bóng tối mênh mông, tôi cảm thấy mình quá nhỏ bé và vô dụng vô cùng.

​Một ngày trước khi đi, ba dặn riêng tôi không cho mẹ biết, hai cha con ra chợ Bến Thành. Ba nói ba còn để dành 2 lượng vàng, bán xong con nhớ đem về cất riêng, khi nào mẹ và các em cần tiền thì con đưa cho mẹ. Ba không biết khi nào về, con nhớ cùng mẹ lo cho các em. Thì ra ba không ngây thơ như tôi tưởng, tất cả nụ cười trên khuôn mặt ba thường ngày chỉ là giả tạo. Lúc này không có mẹ bên cạnh, ánh mắt ba bây giờ mới là thực. Nhìn khuôn mặt hoang mang đến tội nghiệp của ba, tôi thấy mắt mình cay cay. Thương ba vô cùng nhưng tôi không biết phải làm gì để an ủi, chỉ biết nắm chặt tay ba chia sẽ một nỗi đau.

​Cuộc mua bán 2 lượng vàng diễn ra nhanh chóng và lén lút. Tôi ngồi trên xe canh chừng công an, ba đưa vàng, người bán đếm tiền gói lại đưa cho ba, ba lại đưa tôi. Liếc ngang liếc dọc, bỏ vô túi xách, ôm kè kè bên mình, về nhà cất kỹ trong két khoá lại, phòng khi bất trắc.

​Sáng sớm hôm sau, một ngày đầu tháng 7 năm 1975, ba từ giã gia đình đi “trình diện học tập cải tạo”. Ba ôm mẹ, hôn các em. Mẹ, các em đều khóc. Bé út khóc to nhất. Tôi ráng cắn chặt răng, mắt cay cay, hối hả đạp xe chở ba đến trường Chu Văn An. Không ai nghĩ rằng, đó là lần cuối cùng mẹ và các em gặp ba, còn sống. Trước cổng trường, đông nghẹt những người đi trình diện và những thân nhân lóng ngóng bên ngoài. Tay xách ba lô, ba lủi thủi đi vào, trước khi bước qua cánh cửa sắt có mấy tên công an đứng gác, ba quay lại nhìn tôi như nhắc nhở con nhớ thay ba lo cho mẹ và các em. Khi bóng ba mờ khuất sau dãy lớp, nỗi đớn đau kềm hãm bấy lâu vỡ oà, tôi khóc ngon lành như một đứa trẻ. Tôi biết rằng ngày ba trở về còn xa lắc xa lơ.

​Từ khi ba đi, căn nhà trở nên vắng vẻ vô cùng. Mẹ phần lo chạy gạo hằng ngày, phần lo lắng nhớ ba, gầy đi trông thấy. Tuy nhiên mẹ vẫn hy vọng 1 tháng sẽ trôi qua nhanh chóng, ba trở về và mọi chuyện sẽ trở lại như xưa. 10 ngày, 30 ngày rồi 45 ngày trôi qua, chúng tôi  bắt đầu sốt ruột, lo lắng. Mẹ cứ mỗi ngày hết đi ra lại đi vào, hết lên phường hỏi thăm tin tức rồi lại lên Tân Sơn Nhất tìm gặp chú. Vẫn là 1 câu trả lời:

​- Chắc sắp được về thôi. Anh học tập tốt thì cách mạng sẽ cho về, chị đừng lo.

​Câu chị đừng lo càng lúc càng trở thành vô dụng khi bao tháng ngày trôi qua, vẫn không một tin tức gì về ba. Mẹ già hẳn đi. Cuộc sống càng ngày càng khó khăn cho một gia đình 11 miệng ăn. Đồng lương ít ỏi của tôi không đủ nuôi sống cả gia đình, mẹ bắt đầu đem đồ đạc trong nhà ra chợ bán. Chú thì thỉnh thoảng vẫn ghé thăm nhưng thưa thớt hơn nhiều. Có lẽ vì bận rộn nhưng cũng có lẽ sợ không biết phải trả lời sao với mẹ. Không lẽ đợi anh “học tập tốt, cách mạng khoan hồng”, hay là chắc sắp về khi mà ngày mai của chú có thể là một ngày không bao giờ đến.

​Thấm thoát rồi cũng qua một năm. Mẹ vẫn mỏi mòn chờ đợi trong vô vọng, ba vẫn biền biệt phương nào. Không một tin tức, không một dấu vết, dù nhỏ nhoi. Có những đêm Hai mẹ con chỉ biết ôm nhau khóc. Nhớ ba , nhớ những ngày êm ấm cũ. Bỗng nhiên tôi chợt nhớ đến số tiền bán 2 cây vàng giấu trên gác. Một số tiền khá lớn thời bấy giờ. Ai ngờ khi mở gói tiền tôi sững sờ nhìn thấy nguyên bó tiền chỉ có hai tờ đầu là tiền thật, ở giữa toàn là giấy báo. Thì ra lợi dụng việc mua bán chui lén lút, vừa bán vừa canh chừng công an, khi đưa tiền, người bán đã tráo đổi gói tiền đang đếm bằng gói tiền gói sẵn. Cho đến khi chết chắc ba cũng không thể ngờ những đồng tiền cuối cùng ba để dành cho mẹ là con số không to tướng.

​Trong những tháng năm sau đó, cuộc sống càng ngày càng khó khăn. Mẹ mỗi ngày tiếp tục ra buôn bán đồ cũ chui trước chợ Tân Định. Sạp hàng là một tấm vải ni lông, cột dây bốn góc để dễ túm lại khi có công an đến. Thời đó buôn bán trên vĩa hè là phạm pháp. Vừa mua bán vừa láo liên canh chừng công an. Nếu công an tới thì túm tấm ni lông bỏ chạy vào nhà lồng chợ. Công an đi khỏi, đem hàng ra bày bán tiếp. Đồ bán khi thì một đôi giày, một chiếc áo cũ hay có khi chỉ là lớp vải lông thú tách ra từ những chiếc áo lính ngày xưa.

​Có gì bán nấy. Khởi đầu là đồ đạc trong nhà, sau đó là đồ mua lại từ những người có cùng hoàn cảnh đem bán. Cũng có khi là đồ chôm đồ chỉa, cũng lây lất qua ngày. Các em còn quá nhỏ, chỉ mình tôi với mẹ, sĩ diện, lòng tự trọng của một kỹ sư cũng đem chôn chặt trong lòng. Tôi mỗi ngày, sau giờ làm việc cũng ra chợ Tân Định, vừa canh chừng công an, vừa giúp mẹ khi cần ôm hang chạy trốn. Trong những ngày vô cùng khốn khó đó, thỉnh thoảng chợt nhớ về thời thơ ấu cũ lòng thật buồn. Những ngày tươi đẹp ấy đã quá xa. Những lo lắng về cuộc sống và một tương lai mù mịt, làm tôi trở nên lạnh lùng chai đá. Dù rằng cũng có đôi khi, tôi một mình khóc thầm trong đêm.

​Như một định mệnh, trong những ngày cùng cực khốn khó đó tôi gặp C. vợ tôi bây giờ. Người ta hay nói vợ chồng là duyên là nợ. Điều này rất đúng với chúng tôi. Trước 1975 tôi và C. cùng làm chung tại Trung Tâm Bưu Chính Viễn Thông thuộc Bưu Điện thành phố Sài Gòn. Gặp nhau thường xuyên nhưng ít khi nói chuyện.

​Nàng làm thư ký cho ông Desai, giám đốc chương trình đào tạo của Liên Hiệp Quốc, là một người đẹp, nhiều người theo đuổi.

​Tôi là kỹ sư mới ra trường. Tốt nghiệp Bách Khoa Phú Thọ, tôi chọn vào làm việc ở Trung Tâm Huấn Luyện Bưu Chính & Viễn Thông vì cái học bổng cao học về viễn thông tại Tân Tây Lan. Tôi ghét cái kênh kiệu và lạnh lùng của nàng. Nàng thì ghét cái giọng Huế nặng trịch của tôi. Tôi càng ghét nàng khi bài thi xếp hạng để đi du học của tôi bị cộng sai điểm. Tôi khiếu nại không được. Và vì vậy tôi bị sắp đi đợt 2 vào tháng 12 thay vì đợt đầu vào tháng giêng năm 1975.

​Chuyến đi du học tháng 12 bị bãi bỏ do biến cố 1975. Tự an ủi xem như chưa có số xuất ngoại dù trong lòng tôi buồn và tức. Nhưng có lẽ vì vậy nên sau này nàng đã phải ở bên cạnh tôi, trả nợ suốt đời. Cùng hoàn cảnh, cùng thuộc gia đình “ngụy quân ngụy quyền”, cùng ghét Việt Cộng như nhau, chúng tôi gặp nhau thường xuyên trong những lần bắt buộc đi nghe các buổi nói chuyện về chính trị, về “chủ nghĩa Max Lenin”. Chúng tôi hay chọn ngồi dưới hàng ghế cuối cùng. Để ngáp và để ngủ không bị để ý. Những hàng ghế cuối cùng trở thành nơi chúng tôi chia sẽ những đắng cay, những mất mát và những yêu thương. Cuối cùng chúng tôi quyết định nên vợ nên chồng. Thời đó, dám yêu đứa con cảnh sát chế độ cũ, tương lai mờ mờ mịt mịt, chắc chắn chỉ có thể là nàng đã quá yêu tôi.

​Đám cưới được tổ chức đơn giản. Không rễ phụ không dâu phụ, không rước dâu. Lạy cha mẹ, lạy bàn thờ gia tộc hai bên, đơn giản chỉ như vậy. Chỉ một số ít bạn bè thân thiết và bà con gần. Không có gì phải phô trương khi ba tôi vẫn mịt mù đâu đó trong “trại cải tạo”, không biết sống chết ra sao. Nàng yêu tôi và tôi cũng rất yêu nàng. Thế là đủ.

Một ngày trước đám cưới chúng tôi nhận được giấy báo từ phường, yêu cầu gia đình ra khỏi nhà trong vòng 48 giờ. Lý do gia đình thuộc diện 28 ác ôn, sĩ quan cảnh sát làm việc cho “chế độ Mỹ Ngụỵ”. Giấy báo còn cho biết phường sẳn sàng “giúp đỡ, tạo mọi điều kiện để gia đình có thể lập nghiệp trên vùng kinh tế mới”.

Kết thúc vội vàng buổi tiệc mừng đám cưới, hai vợ chồng đạp xe lên sân bay Tân Sơn Nhất xin chú can thiệp giúp đỡ. Chú nói:

​- Theo chú thấy đi kinh tế mới dầu sao cũng tốt cho mẹ và các cháu. Cực khổ lúc ban đầu nhưng sau này sẽ khá hơn. Hồi chú ở ngoài Bắc cực khổ hơn gấp trăm lần, có sao đâu. Sau này ba con về còn có chỗ sinh sống.

​Có chú cũng như không, hai đứa chỉ biết nhìn nhau, thầm nghĩ với tình thế này chắc cũng phải lên đường đi lập nghiệp trên vùng đất mới mà thôi. Trong lúc cùng đường, vợ tôi chợt nhớ đến ông xếp cũ từ thời trước 1975, một kỹ sư tốt nghiệp từ Pháp, cựu Giám đốc Bưu điện nay là cán bộ cao cấp làm việc trong “Thành ủy”. Nghe trình bày hoàn cảnh, nghĩ đến mối giao tình thầy trò ngày xưa, ông nói để ông liên lạc phường xem thử. Không hiểu ông can thiệp như thế nào, hai ngày sau phường gửi giấy quyết định cho gia đình mẹ con chúng tôi tạm thời ở lại cho đến khi chồng đi “học tập cải tạo” trở về.

​Từ khi lập gia đình, tuy có thêm đồng lương của vợ tôi, nhưng vẫn không thể nào đủ cho một gia đình 11 miệng ăn. Bán chợ chạy của mẹ thì vất vả mà thu nhập quá kém cỏi. Hai đứa bắt đầu làm thêm đủ thứ ngành nghề.

​Khởi đầu là nuôi heo. Nhờ giấy giới thiệu của cơ quan, mỗi tháng vợ tôi được mua một cặp heo con với giá rẻ. Chiếc cầu tiêu duy nhất tuy nhỏ cũng được ngăn ra dành chỗ để nuôi 2 con heo mọi mới đẻ. Mỗi ngày đi tiêu đi tiểu trong tiếng kêu ủn ỉn của chúng, mới đầu rất khó chịu, nhưng rồi nghe riết cũng quen. Nuôi 1, 2 tháng, đem ra chợ bán. Lại lên trại mua 2 con khác nuôi tiếp.

​Chỉ nuôi heo không cũng chưa ăn thua. Bắt đầu nuôi thêm gà công nghiệp. Cũng xin giấy giới thiệu lên trại gà mua vài chục gà con, nuôi vài tháng hơi lớn lớn rồi đem bán. Được vài tháng suông sẻ, gặp mùa toi dịch, gà heo chết hàng loạt, cụt vốn, hai vợ chồng nhảy qua làm bánh đậu xanh. Mẹ ngâm, đãi đậu, tôi cắt giấy, vợ tôi gói. Mỗi chiều đi làm về, hai vợ chồng đèo nhau trên chiếc xe đạp cũ kỹ đi giao bánh cho mấy tiệm ăn quanh xóm. Không phải bán đứt, ký gửi thì đúng hơn. Giao bánh xong, vài ngày sau quay lại. Bán hết thì lấy tiền, đưa bánh mới. Gặp lúc bán không hết, bị mốc, đem về không biết làm gì cho hết, trộn vô cám cho heo gà ăn.

​Cứ vậy, những tháng ngày tiếp tục trôi. Vợ chồng ốm tong ốm teo như ma đói, nhưng cũng phải ráng chịu cực mong đợi ngày ba về. Phải có ba rồi mới tính được chuyện tương lai.

(còn tiếp một kỳ)

 

Lê Xuân My

Ý kiến bạn đọc
11/09/201900:43:32
Khách
Anh Trung đạo, em có thắc mắc dành cho anh ở bên kia, phần... 2 của bài viết này🤓
07/09/201917:32:52
Khách
Nói với Yvonne trẻ người non dạ nè: " Sao lại không dính tới VVNM, Vậy những ai đã qua Mỹ sau 75 tạo thành cộng dồng người Việt ở đây để đua nhau viết cề nước Mỹ?"
Dân vuợt biên nè, gia đình HO nè, con lai nè, bảo lãnh nè...Mõi thành phần có quyền chia sẻ kỉ niệm kinh nghiệm những tháng năm ở VN mòn mỏi chờ đi Mỹ của họ, lý do tại sao họ qua Mỹ, qua đây bằng cách nào, sớm hay muộn, .một mình hay với ai...Chỉ có ai chung một hoàn cảnh như tác giả mới thông cảm, còn sinh sau đẻ muộn, khogn hiểu được VC tàn ác như thế nào, và cuộc sông địa ngục ở VN sau 75 khổ như thế nào thì mới "vô tư" phê bình kiểu này.
"Chỉ có tù mới thương ....tù"
Đoạn trường ai có qua cầu mới hay.
06/09/201920:13:39
Khách
Yvonne mà chịu viết bảo đảm sẽ từ khá trở lên.
Cho Yvonne một like🤓👍‼️
06/09/201918:54:28
Khách
Xin cám ơn bạn đã đọc và chia sẽ
06/09/201917:29:49
Khách
Trước hết xin cảm ơn tác giả đã có những bài viết kể về những thảm cảnh xảy ra sau ngày mất nước 1975
Nhưng ...
Câu chuyện ... dài dài này , với nội dung quay quanh chuyện xảy ra trong gđ tác giả cùng những mảnh đời trôi nổi mà tác giả gặp sau năm 75 , không . . dính dáng một chút nào với chủ đề VVNM này .
Biết rằng ngôi gõ phím để viết bài dài như thế này là một điều rất cực khổ trần ai , nhiều khi thức suốt đêm vì ban ngày phải đi cày , cho nên ước mong tác giả có một ... dàn bài , một bố cục cho câu chuyện của mình , hơn là viết ... lung tung lang tang như mấy bài viết gần đây
Kính mong tác giả đón nhận lời góp ý rất chân thành này và không giận dữ , cũng như không buồn lòng buông bút quy ẩn ...
Rất trân trọng
04/09/201911:12:54
Khách
Anh Lê Xuân Mỹ, em biết còn một kỳ nữa nhưng bài viết của anh chắc là hay lắm. Vì em thấy lòng những ngậm ngùi, tưởng chừng như chuyện mới xảy ra hôm qua.
Lối kể chuyện của anh thật giản dị nhưng chạm đến trái tim của người đọc một cách diệu kỳ. Em mong anh từ nay cứ vậy nha!
Em chào anh.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 843,996,168
Tác giả là cư dân miền Bắc California, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại.
Anne Khánh Vân, sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp, hiện sống và làm việc tại miền Đông Hoa Kỳ, từng nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2007 với tự truyện “Duyên Nợ Với Nước Mỹ.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C.
Kông Li là bút hiệu vui vẻ của Phạm Công Lý, tác giả đã dự Viết về nước Mỹ từ 2009. Ông cùng gia đình đến Mỹ từ 1994 theo diện HO, định cư tại Boston.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014, ông tên thật Trần Phương Ngôn, đã sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm
Tác giả đã nhận giải Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2014. Lớn lên tại VN khi cả nước đã thành xã hội chủ nghĩa
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Nhạc sĩ Cung Tiến